S
áng hôm sau, bố gọi điện cho tôi. Tôi đã biết trước chuyện đó, nhưng như thế cũng chẳng làm mọi thứ dễ hơn chút nào.
“Angel, là bố của con đây”, bố nói sau khi tôi bắt máy. Không phải “Bố” mà là “bố của con”. Đề phòng tôi không chắc chắn ấy mà. “Con gái, bố thực sự xin lỗi về những gì đã xảy ra.”
Tôi ngồi xuống đi văng và lấy ngón tay bấu lấy sống mũi. “Con biết. Lúc ấy bố say.”
“Bố đã sai rồi, con gái. Bố... bố không biết sao mình lại kích động đến như thế.”
Vì bố cảm thấy mình giống như một kẻ lụi bại, tôi nghĩ. Con là đứa bỏ đi, nghĩa là bố đã thất bại trong vai trò làm cha. Nhưng tôi không còn là kẻ bỏ đi nữa. Hay ít nhất không còn nhiều nữa. Bố không thể thấy được điều đó. Hay có thể bố không muốn thấy. Vì rồi bố sẽ là kẻ thất bại duy nhất trong nhà.
“Con đến bảo lãnh bố được không? Bố đã ở đây một
ngày rưỡi rồi. Bọn họ để nơi này lạnh chết người, và bố đau lắm.”
Đệch đệch đệch. Tôi nhắm nghiền mắt lại. “Bố ạ, con rất tiếc. Có lẽ nếu bố bảo với họ là bố bị đau thì có thể họ sẽ đưa bố đến phòng khám?”
“Sao con không thể đến bảo lãnh bố ra chứ?” Nghe giọng bố có vẻ mệt mỏi. Già nua. Tôi cảm thấy mình già hơn.
Ừ, lần vừa rồi bố đúng là một kẻ tuyệt đối bỏ đi, nhưng đâu phải lúc nào bố cũng như vậy. Không phải luôn thế. Đôi khi bố vượt qua vì tôi - như cái ngày bố đưa tôi đến bệnh viện với xương sườn và cánh tay gãy lúc tôi lên mười hai. Tôi vẫn có thể nhớ cơn đau mụ mẫm trong giọng bố khi bố bảo với cảnh sát hãy đến mà bắt giam mẹ, vì bố biết rằng nếu họ không làm thế, mẹ sẽ giết chết tôi mất. Mẹ đã mắc bệnh tâm thần - giờ tôi có thể thấy điều đó. Nhưng lúc đó, tất cả những gì tôi biết là bố đang cứu tôi và cùng lúc ấy phản bội mẹ. Tôi vừa yêu, vừa ghét bố.
Giờ vẫn vậy.
Cục nghẹn trong cổ họng khiến tôi khó nhọc cất tiếng. “Con không thể”, tôi nói, giọng chỉ hơn tiếng thì thào khản đặc. “Bố ạ. Con... con không nghĩ họ sẽ để con bảo lãnh bố ra”, tôi nói dối. “Và con không còn đồng nào cả, bố nhớ không?”
Bố im lặng lâu đến nỗi tôi ngỡ là bố đã cúp máy rồi. Chỉ có giọng nói của những người bên kia mới cho tôi biết là bố vẫn còn cầm máy. “Được rồi, con gái”, cuối cùng bố nói.
“Bố hiểu.”
“Con xin lỗi bố”, tôi nghẹn ngào.
Thế rồi tiếng ồn ào tắt ngấm và tôi biết là bố đã gác máy. Tôi ngồi đó, gục đầu vào hai tay trong vài phút, sau đó gọi điện cho nhà giam và yêu cầu cắt số điện thoại của tôi khỏi hệ thống liên lạc thân cận. Rồi bố sẽ được thả thôi, nhưng tôi sẽ không giúp. Và tôi không thể nào nhận thêm một cú điện thoại như thế nữa.
Tiến lên nào, tôi mụ mẫm nghĩ thầm. Mình không phải là nạn nhân kiểu đó.