Chắc hẳn chúng ta đều đã biết ý chí còn được xem như là nguồn động lực hay sự bản lĩnh. Ý chí ở trẻ em được thể hiện ở vẻ ngoài hoạt bát. Vẻ ngoài hoạt bát trước hết thể hiện ở đôi mắt sáng. Đôi mắt được ví như cửa sổ của tâm hồn, những mong muốn hay cảm xúc đều được thể hiện qua ánh mắt. Khi ta nhìn vào ánh mắt đối phương, ta có thể biết được họ có phải là người giàu cảm xúc hay không, có phải là người có mong muốn mãnh liệt hay không. Ngoài ra, những mong muốn, khát khao còn được thể hiện trên đôi môi hay đôi gò má. Đặc biệt, đối với trẻ em, những biểu hiện trên càng dễ dàng nhận thấy. Bạn có thể cảm nhận được điều trẻ muốn qua đôi mắt và qua biểu hiện của trẻ không? Để làm được điều đó, quan trọng là bạn phải thường xuyên chơi cùng trẻ.
Những điều trẻ muốn cũng thường được biểu hiện qua việc vui chơi. Chẳng phải đứa trẻ chơi đùa, hoạt động nhiều được cho là đứa trẻ tích cực và điều đó là tốt sao?!
Đặc biệt, càng nhỏ tuổi, trẻ hoạt động càng nhiều. Từ một đến hai tuổi, không chịu ở yên là biểu hiện của đứa trẻ thích sự hoạt bát.
Cùng với sự phát triển về ngôn ngữ, những điều trẻ muốn sẽ được biểu hiện qua việc nói nhiều của trẻ.
Trẻ có xu hướng lại gần bắt chuyện và liên tục nói về những điều trẻ đang nghĩ hay những điều trẻ đã cảm nhận. Do đó, ta sẽ thấy trẻ ồn ào. Đặc biệt là ở độ tuổi từ ba đến bốn tuổi. Trẻ nói nhiều được cho là sôi nổi, không phải tốt sao?!
Những đứa trẻ không năng động, không hoạt bát thì ánh mắt của trẻ sẽ không sáng, đa phần trẻ có ánh nhìn thẫn thờ và có những biểu hiện như lơ đãng, lầm lì. Trong các hoạt động cũng không năng nổ. Chúng ta thấy trẻ có vẻ ngoan và điềm tĩnh, nhưng nếu trẻ dưới ba tuổi đã có những biểu hiện này thì đây chính là đứa trẻ không năng động. Nếu vậy, cần phải xem lại cách giáo dục của cha mẹ. Có thể trong quá trình nuôi dạy, cha mẹ đã không khuyến khích sự vận động của trẻ (như sợ trẻ té nên không cho trẻ tập chạy), hay thường xuyên ẵm bồng trẻ, giữ trẻ trong nhà, ít cho trẻ tiếp xúc với thú nuôi và người lạ, ít cho trẻ ra ngoài chơi, do sợ những nguy hiểm xung quanh,… Những hành động “bảo vệ” trẻ như vậy sẽ dần tạo nên một đứa trẻ ít vận động, thiếu hoạt bát, thiếu tính tự giác và sáng tạo.
Trẻ ít hoạt bát, ít vận động do hành vi bảo vệ quá mức từ phía cha mẹ, nhưng cũng đôi khi do cha mẹ muốn ép trẻ vào khuôn khổ, hay kiểm soát hành vi của trẻ, thường hay bảo với trẻ rằng: “Con không được làm cái này, không được làm cái kia”, để trẻ trở thành trẻ ngoan, chính vì vậy khiến cho trẻ mất đi tính năng động nên có ở tuổi thơ.
Trẻ không năng động thì ít nói. Hầu như chúng không muốn nói chuyện. Điều này kìm hãm khả năng biểu đạt cảm xúc hay mong muốn của bản thân thông qua lời nói. Những trẻ không năng động thường chỉ ở yên một chỗ, nên cha mẹ nghĩ trẻ dễ bảo. Không ít các bậc cha mẹ không tìm hiểu về sự phát triển của trẻ thì nghĩ đó là trẻ ngoan. Đặc biệt, những người làm cha mẹ ở Nhật Bản nghĩ rằng trẻ không nghịch ngợm, ngoan ngoãn nghe theo lời cha mẹ là trẻ ngoan.
Khi được cha mẹ khen ngoan, trẻ sẽ dần trở thành đứa trẻ không thể phản kháng hay nghịch ngợm trong mọi hoạt động, vì trẻ nghĩ việc phản kháng hay nghịch ngợm là hành vi của trẻ hư. Nếu cứ phát triển như vậy đến tuổi dậy thì, trẻ sẽ có các biểu hiện như trốn học, mắc các bệnh như rối loạn thần kinh hay rối loạn tinh thần và thể chất, có các biểu hiện của bệnh tâm thần. Những đứa trẻ đã từng mắc các vấn đề đó, sau thời kỳ dậy thì, chúng sẽ bị rập khuôn theo hình mẫu trẻ ngoan nên chúng gặp nhiều khó khăn trong việc vận động. Dù rất muốn nhưng chúng không thể phát huy được khả năng của bản thân.
Cũng có trường hợp lớn lên mà không có biểu hiện của những vấn đề này, nhưng cuộc sống của những người đó chắc chắn sẽ không mấy sôi nổi.
Người có năng lượng tích cực, vào buổi sáng khi thức dậy sẽ thấy tràn đầy năng lượng – “Một ngày mới đến rồi!”; còn người thiếu năng lượng sẽ thở dài chán nản – “Lại phải trải qua một ngày nữa sao?!”. Tóm lại, dù gì cũng sẽ trải qua một ngày. Bạn sẽ làm những công việc bạn phải làm hàng ngày, cuộc sống chỉ có vậy, nên khi đi ngủ, chắc hẳn bạn sẽ nghĩ: “Hôm nay cuối cùng cũng kết thúc một ngày”. Cũng ở điểm này, những người có một ngày năng động sẽ nghĩ: “Hôm nay làm đến thế thôi!”, họ thỏa mãn với những việc đã làm và cứ thế chìm vào giấc ngủ.
Người biết bản thân muốn gì vừa có ý chí tiến thủ, lại vừa có những đam mê.
Người có chí tiến thủ luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực của bản thân, điều đó thấy được qua hành động của họ. Xét về phương diện nhân cách, hành động ấy là nỗ lực để trở thành người có ích, dù chỉ là một phần nhỏ. Và khi đam mê điều gì đó, sẽ có lúc họ nảy ra một ý tưởng mới đột phá. Chúng ta còn gọi đó là năng lực phát huy ý tưởng hoặc năng lực khám phá, có thể nói chính những năng lực này là khả năng sáng tạo. Nếu không nuôi dưỡng những đam mê thì không thể phát triển khả năng sáng tạo.
Phải làm thế nào để đam mê trở nên mãnh liệt?
Các bạn hãy nuôi dưỡng tính chủ động của bản thân. Chủ động nghĩa là tự xem xét các vấn đề, tự lựa chọn hướng đi, tự hành động, cũng tương tự như tinh thần tự chủ hay tinh thần độc lập. Vả lại, con người khi được sinh ra hầu như ai cũng có tính chủ động, nên chỉ cần nuôi dưỡng để tính chủ động có thể phát huy đầy đủ. Hay nói cách khác, ta cố gắng đừng gây trở ngại cho sự phát triển ấy là được.
Vì thế, để trẻ phát triển tính chủ động, cha mẹ cần trao quyền tự do cho trẻ, để trẻ tự đưa ra quyết định cho mình, từ những việc nhỏ nhặt hàng ngày cho đến những việc lớn hơn. Ví dụ, cha mẹ có thể cho trẻ tự chọn quần áo để mặc, thay vì tự mình chọn cho con; hay mỗi khi đi nhà sách, hãy cho trẻ lựa chọn đồ chơi mà trẻ muốn. Vào ngày cuối tuần, có thể cho trẻ chọn đi thảo cầm viên hay đi công viên nước, mà không thể là đi cả hai. Có những trẻ muốn cùng lúc được chơi ở cả thảo cầm viên, rồi đi chơi ở công viên nước. Dù cha mẹ có thể thỏa mãn mong ước này của trẻ cùng một lúc nhưng cũng không nên đáp ứng ngay mà hãy yêu cầu trẻ lựa chọn đi đâu trước. Thứ nhất là để trẻ hiểu rằng trẻ cần phải lựa chọn vì không phải lúc nào muốn gì thì cũng được. Thứ hai, một khi đã chọn thì không được đổi ý và không được bỏ về giữa chừng khi đang chơi. Làm vây sẽ giúp nuôi dưỡng tính chủ động, tự chủ của trẻ, và cả tinh thần trách nhiệm.
Tính chủ động gắn liền với tinh thần ham học hỏi.
Tinh thần ham học hỏi là khi ta có hứng thú với những điều ta thấy, ta tiếp xúc, và cả những điều ta nghe được, rồi bắt đầu tìm hiểu xem đó là gì. Đây còn được gọi là ham muốn tìm tòi, nghiên cứu. Ngoài ra, để khám phá khả năng chưa biết đến của bản thân, ta hãy thử làm những điều mạo hiểm. Tóm lại, tinh thần mạo hiểm hay ham muốn tìm tòi cũng là những biểu hiện của tính chủ động.
Tính chủ động càng cao thì tinh thần mạo hiểm và cả ham muốn tìm tòi cũng trở nên mãnh liệt, và thế là mỗi ngày đều tràn đầy năng lượng.
Để phát triển tính chủ động thì nên nuôi con như thế nào? Chúng ta hãy cùng nhau xem xét.