Trẻ thích tìm tòi sẽ nghịch ngợm
Những hành động của trẻ mà người lớn gọi là nghịch ngợm nhanh chóng được bộc lộ khi trẻ bắt đầu vận động, như ở giai đoạn tập bò. Trẻ bắt đầu thể hiện tính hiếu kỳ ở những nơi chúng bò đến, vì thế trẻ vầy vò, đưa vào miệng những thứ chúng thấy, những thứ mà chúng vớ được. Trẻ còn lật úp sọt rác, làm vung vãi những thứ bên trong, ăn được hay không chúng cũng đưa vào miệng nếm thử. Trẻ hoàn toàn không để ý đến việc có bẩn hay không.
Hành vi la mắng là phương pháp giáo dục khi trẻ làm điều xấu, nên chúng ta cần xem xét sự nghịch ngợm ấy có phải là việc xấu hay không.
Với trẻ, được nghịch ngợm như vậy là biểu hiện của sự ham muốn tìm tòi, thế nên đó là hành vi tốt. Vì vậy ta không nên la mắng trẻ. Khi trẻ đưa những thứ không sạch sẽ vào miệng, cha mẹ chỉ cần vừa nói những câu như “Đó là cái phù hiệu” (là thứ không ăn được) vừa chỉ dạy cho trẻ biết thông qua các biểu cảm.
Khi trẻ lật úp sọt rác, làm vương vãi rác ra nhà, cha mẹ thích sự ngăn nắp sẽ thấy khó chịu, trẻ đụng vào sọt rác là mắng. Tuy nhiên, hãy khoan quan tâm đến việc ngăn nắp, làm ơn nhẫn nại quan sát xem trẻ nghịch ngợm như thế nào. Khoảng thời gian trẻ lật sọt rác và lục lọi sẽ không quá hai đến ba tháng. Sau mấy chục lần lục lọi sọt rác, chúng sẽ biết đại khái bên trong có gì và từ từ không còn hứng thú nữa. Với những thứ mà trẻ làm vương vãi ra, chúng ta sẽ vừa nói: “Bỏ nhé”, vừa chơi trò bỏ rác vào sọt, có trẻ rất thích được chơi chung với bố mẹ như thế.
Trong giai đoạn này còn có một kiểu nghịch ngợm nữa xuất hiện. Đó chính là rút hết giấy ăn ra. Thấy vậy, chắc hẳn sẽ có cha mẹ nghĩ trẻ đang lãng phí rồi la mắng trẻ: “Con không được làm thế!”.
Tuy nhiên, đó cũng là biểu hiện của ham muốn tìm tòi, khám phá. Kiểu nghịch này cũng sẽ chấm dứt trong vòng hai đến ba tháng.
Trẻ rút hết giấy ăn cho đến khi trong hộp không còn gì, nếu gom giấy đã rút ra bỏ vào bịch nilon thì sẽ không bị lãng phí. Vậy nên nhất định không nên la mắng trẻ.
Nếu trẻ dùng ngón tay hay vật gì đó làm rách vách ngăn, cửa tủ thì phải làm sao?
Đây cũng là biểu hiện của việc trẻ muốn khám phá thử vách ngăn, cửa tủ được cấu tạo như thế nào, nên đã hơi mạnh tay một chút khiến nó bị thủng, nhất định không phải là cố ý làm khó cha mẹ đâu.
Vì đấy không phải là việc xấu nên đừng quên chỉ dạy trẻ rằng: “Cái này đối với ba/mẹ rất quan trọng, quan trọng lắm đấy”, “Cái này sửa được, nhưng mà khó lắm con ạ”,... Khi cho trẻ biết những thứ quan trọng, nếu trên một tuổi, trẻ đã có khả năng hiểu được những điều đó qua các biểu cảm và qua lời mẹ kể. Khi biết đó là vật quan trọng đối với cha mẹ, hoặc sẽ gây phiền toái cho cha mẹ nếu trẻ làm như vậy, trẻ sẽ tự ý thức được và không làm việc gây khó xử nữa. Cần lưu ý là tuyệt đối không được la mắng mà hãy giải thích để trẻ ý thức được đó là hành vi không đúng, làm cha mẹ phiền lòng. Đó sẽ là tiền đề cho sự gắn kết về mặt cảm xúc giữa cha mẹ và con cái.
Cha mẹ phải làm sao khi trẻ nghịch những đồ quan trọng?
Trẻ em hoàn toàn không biết đồ vật nào mới là quan trọng, cho dù có dặn: “Con đừng đụng vào nhé” thì với những trẻ có tính hiếu kỳ cao, chúng vẫn sẽ nghịch. Vì thế, việc quản lý chỗ nào trẻ không được chơi, chỗ nào trẻ không được thấy là rất quan trọng. Tốt nhất là những đồ vật không muốn trẻ đụng vào thì nên cất ở chỗ cao, hoặc chỗ khó tìm để trẻ khó với tới.
Việc đó tuy bất tiện với cha mẹ nhưng giai đoạn nghịch ngợm nhất chỉ kéo dài đến khi trẻ ở độ tuổi trên dưới ba tuổi, vì thế cho đến khi trẻ được ba tuổi, cha mẹ cần phải chuẩn bị tâm lý chịu đựng hầu hết những bất tiện này.
Có thể nói đa phần hành động trong gia đình của trẻ dưới ba tuổi đều là nghịch ngợm. Đưa đồ chơi cho trẻ, trẻ sẽ nhanh chóng chơi, nhưng đến khi thấy chán, trẻ sẽ quay sang nghịch bàn trang điểm hoặc là lôi hết nồi, chảo ở bếp hay các dụng cụ khác ra ngoài.
Đặc biệt bàn trang điểm luôn thu hút trẻ.
Quả thực có rất nhiều dụng cụ trang điểm ở đó, trẻ nhìn mẹ trang điểm cũng muốn thử làm xem sao, thế nên khi thấy ngôi nhà tự nhiên trở nên yên ắng thì chắc hẳn là trẻ đang nghịch trước bàn trang điểm rồi, chúng đang tô má đỏ chét lên mặt hoặc bôi đầy kem trên gương rồi.
Khi ấy chúng ta nên làm gì?
Với mẹ thì mỹ phẩm vừa mắc lại rất quan trọng, nhưng trẻ không thể biết được điều đó. Vì vậy, lúc ấy hãy nói với trẻ: “Cái này với mẹ quan trọng lắm đấy”, “Mẹ không biết phải làm sao bây giờ”, và nên cho trẻ biết điều đó khiến bạn gặp phải rắc rối, chứ đừng la mắng trẻ. Kiểu nghịch ngợm này chỉ là nhất thời, qua ba tuổi trẻ sẽ không còn thích nữa.
Nghịch nước cũng vậy, với trẻ việc này rất thú vị. Nước đối với trẻ là thứ đồ chơi quan trọng. Khi nói: “Rửa tay đi con”, trẻ sẽ chạy ngay đến vì chúng thích chơi đùa cùng nước. Suy cho cùng chúng không quan tâm đến việc rửa tay cho sạch. Thế nên chúng vặn qua vặn lại vòi nước thử xem nước chảy ra như thế nào, lấy ngón tay té nước lên, nghịch xà phòng, làm ướt cổ tay áo. Điều này chắc chắn sẽ khiến mẹ muốn mắng trẻ, nhưng đây cũng là biểu hiện của việc ham thích tìm tòi. Kiểu nghịch này cũng sẽ hết khi trẻ qua bốn tuổi, không cần la mắng, nên dõi theo quá trình phát triển của trẻ, chỉ cần đợi kiểu nghịch này qua đi.
Với trẻ, việc tắm rửa có ý nghĩa gì?
Đó chính là việc chơi đùa cùng nước nóng, không phải để cho sạch sẽ hay để giữ ấm như mẹ muốn. Các bé, nhất là bé trai, rất thích được cùng bố đùa vui trong bồn tắm và trẻ thích được ở trong đó. Ngoài những đồ chơi có thể chơi được trong bồn tắm, trẻ còn nghịch rất nhiều thứ ở trong phòng tắm. Kiểu nghịch này kéo dài đến tận những năm tiểu học. Vào những ngày hè, nếu để mặc trẻ thoải mái, chúng sẽ chơi hết trò này đến trò khác, tắm táp hơn cả tiếng đồng hồ. Vào những lúc như vậy, trẻ thực sự rất vui.
Tinh nghịch cũng là một cách nuôi dưỡng ý chí
Chơi đùa giúp nuôi dưỡng tính tích cực và tính chủ động của trẻ. Đối với trẻ, cho dù có hình thành được thói quen sinh hoạt, chúng vẫn phải vui chơi. Nhiều cha mẹ phân chia rạch ròi giữa thói quen sinh hoạt và việc vui chơi, họ muốn khi trẻ thực hiện những hoạt động sinh hoạt hàng ngày thì không được chơi, thế nhưng có thể nói đây là mong muốn của những người cha người mẹ vị kỷ, không để ý đến lập trường và cảm xúc của con.
Trường hợp trẻ được vui chơi đầy đủ, tính chủ động phát triển đầy đủ, ổn định cảm xúc, thì từ ba đến bốn tuổi, trẻ sẽ rất thích có bạn và rất thích chơi cùng bạn. Bởi thế trường mẫu giáo giữ trẻ trong vòng ba năm, và thường là trẻ từ ba tuổi trở lên.
Quen dần với cuộc sống ở trường mẫu giáo, trẻ khoảng bốn tuổi trở lên cực kỳ thích chơi cùng bạn bè. Quá trình vui chơi này cũng có cả sự nghịch ngợm. Ví dụ, việc chúng lấp những chỗ đọng nước sau cơn mưa, rồi cùng nhau giẫm lên bùn sình trên đôi ủng cao cổ, chúng đào các lỗ ở công viên, nặn bánh bằng đất,... Chúng còn cho nước vào cát và chơi các trò động lực học ở bãi cát. Có nơi cấm trẻ chơi những trò như thế và họ cũng không chấp nhận những trò mà trẻ tự nghĩ ra.
Họ cấm trẻ chơi những kiểu như thế và họ nói đó là nghịch hư, và cũng có những cha mẹ không thích con họ làm bẩn quần áo. Vì tác động đó mà trẻ bị kìm hãm sự tự do. Cho nên, tuy trẻ có ngoan ngoãn và cư xử đúng mực đi chăng nữa, chúng vẫn không thể là đứa trẻ tự do, hoạt bát.
Trẻ hiếu động thích chơi cùng những người bạn sôi nổi, chúng có thể cùng nhau chơi trò này trò kia rất vui. Chắc hẳn mỗi lần các bạn nhỏ này đến nhà chơi, chúng sẽ cùng con bạn nghịch ngợm đủ thứ. Có trường hợp trong nhà có người lớn tuổi, họ không thích nhà cửa bề bộn và ồn ào, họ sẽ cằn nhằn những đứa trẻ, rồi phản đối việc để những người bạn nhỏ hiếu động này mặc sức quậy phá. Nếu vậy, trẻ sẽ mất đi những người bạn mà chúng hay chơi cùng, những đứa trẻ hiếu động sẽ không có thiện cảm với những người lớn tuổi, và rồi chúng lại vẫn dẫn bạn về nhà, không được nữa thì chúng qua nhà bạn chơi. Còn trẻ kém năng động sẽ nghe lời và không nghịch nữa. Tuy trẻ có vẻ ngoan, nhưng nhân cách của trẻ bắt đầu bị ảnh hưởng (như trẻ sẽ trầm mặc hơn, thụ động, ít nói cười và có xu hướng thu mình nhiều hơn).
Lên tiểu học, trẻ vẫn còn nghịch ngợm. Ngày xưa thì hay trộm hồng, trộm dưa hấu. Điều đó không phải là do trẻ thích ăn hồng hay thích ăn dưa, mà chỉ là trẻ muốn thử kỹ năng lấy đồ mà không để chủ nhà phát hiện. Ngoài trò đó ra còn có trò bấm chuông cửa nữa.
Đó là kiểu nghịch bấm chuông nhà người ta, rồi nhân lúc chủ nhà chưa ra thì chạy trốn. Những việc này làm phiền đến người khác và cũng không được hay, thế nhưng đó không phải là chuyện to tát và trẻ cũng không nghịch như thế mãi được. Tôi nghĩ cái chính là người lớn nên rộng lượng với trẻ.
Ngày xưa, người lớn thường thông cảm và cho rằng: “Trò trẻ con ấy mà”. Nhưng dạo gần đây nhiều người không nghĩ như vậy nữa, đến mức họ đi gửi các đơn khiếu nại, việc làm đó chẳng phải là đang kìm hãm sự tinh nghịch của trẻ hay sao. Cha mẹ chỉ mong con của họ đừng làm gì ảnh hưởng đến người khác, những lúc như thế, tôi lại càng muốn cha mẹ phải đứng trên lập trường của trẻ.
Tôi nghĩ tùy vào việc trẻ gây phiền phức thế nào mà xem xét. Phiền phức hay không thì cũng tùy suy nghĩ của mỗi người, và cũng không ít người cho rằng tất cả những điều trẻ làm đều phiền phức, nhưng cũng có những người (bao gồm cả tôi) cho rằng những điều trẻ làm là trò đùa không ác ý, chúng chỉ muốn khám phá thế giới mà thôi; hơn nữa, những trò nghịch ngợm, phá phách đó sẽ giúp phát triển tính sáng tạo và chủ động ở trẻ. Vậy thì tại sao lại nghiêm cấm trẻ nghịch ngợm chứ. Xã hội thực sự cần những đứa trẻ hoạt bát, chủ động như vậy.
Thậm chí, tôi muốn la lên rằng: “Là trẻ con thì phải nghịch đi chứ!!!”, vì khi trẻ nghịch, ta sẽ thấy được những điều trẻ muốn, tùy thuộc vào phạm vi cho phép mà trẻ có cảm thấy thỏa mãn những điều chúng muốn hay không, từ đó ta có thể xem xét bản thân mình có kiểm soát được quá trình phát triển tính chủ động của trẻ hay không. Ngược lại, những đứa trẻ không nghịch ngợm thì biểu hiện không mấy tích cực, điều đó thể hiện rõ khi trẻ có biểu hiện là trẻ ngoan.
Để chứng minh cho điều này, hãy thử cho trẻ tự do hoàn toàn, nói với trẻ: “Hôm nay con chơi gì cũng được”, nếu là đứa trẻ hiếu động, chúng sẽ chơi đủ trò, còn trẻ ngoan chắc chắn sẽ thấy rõ ngay, chúng thong dong, quanh đi quẩn lại.
Nghịch ngợm là điều tốt đối với sự phát triển tính chủ động của trẻ. Cho dù lên cấp hai, cấp ba, sự nghịch ngợm của trẻ vẫn cứ tiếp diễn. Kể cả khi là người lớn thì có những người vẫn thích nghịch. Có rất nhiều đồ chơi phục vụ cho sở thích đó của trẻ, và những trò mà trẻ chơi thường gây cười cho người lớn. Những gia đình hạnh phúc luôn cho phép trẻ được đùa nghịch, và cả cha mẹ cũng là người có tính cách thích vui đùa. Còn khi đến trường, thầy cô có cho phép trẻ đùa nghịch hay không, có nuôi dưỡng tính chủ động của trẻ hay không cũng có ảnh hưởng rất lớn. Trong những năm đầu đời, trẻ được nuôi dạy trong một ngôi nhà mà ai nấy đều thích đùa nghịch sẽ tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách của trẻ.
Ở khía cạnh này, cha mẹ ở Nhật Bản lại quá mong muốn con cái họ phải nghiêm túc. Điều này là do cả cha mẹ và thầy cô đều là những người nghiêm túc, nhưng đó không phải là sự thật, họ chỉ đang để ý đến những lời bình phẩm xung quanh mà thôi. Nhiều bậc cha mẹ vì những lời bình phẩm bên ngoài mà ép con vào khuôn khổ để có thể gắn mác trẻ ngoan cho con. Họ hãnh diện khi được người khác khen rằng: “Con anh chị sao ngoan quá, không như thằng bé nhà tôi, lúc nào cũng quậy quá, nghịch ngợm”. Trẻ vì muốn được cha mẹ khen, hoặc vì bị cha mẹ la rầy mà cố gắng làm trẻ ngoan, còn cha mẹ vì sĩ diện mà ra sức uốn nắn con thành trẻ ngoan. Kết quả của việc này là đứa trẻ trở nên quá nghiêm túc, thiếu sáng tạo, thiếu hoạt bát. Vì vậy, những bậc cha mẹ dạy con cứng nhắc như thế cần biết nhiều hơn về giá trị của việc không nghiêm túc.