Nguy hiểm và mạo hiểm
Mạo hiểm có nghĩa là dám đương đầu với nguy hiểm. Vì thế, để rèn luyện tinh thần mạo hiểm, nên tạo cho trẻ cơ hội tiếp xúc với các tình huống nguy hiểm.
Khi thấy trẻ làm điều gì đó nguy hiểm, chúng ta không nên cấm trẻ: “Nguy hiểm lắm, không được”, quan trọng là ta nên chuẩn bị cho những trường hợp bất trắc và quan sát trẻ vượt qua mối nguy hiểm đó như thế nào. Tự bản thân trẻ sẽ biết được khả năng sẵn có của mình trong việc đối phó với nguy hiểm.
Trẻ bắt đầu giai đoạn biết bò, nếu có không gian, hãy cho trẻ chơi với cầu trượt, chắc chắn trẻ sẽ làm nhiều điều mạo hiểm. Ban đầu trẻ leo lên, cứ thế thả tay ra mà trượt xuống. Ta nên cởi vớ ra cho trẻ để chân trẻ có lực bám hơn. Tiếp đến trẻ gác chân, vắt người qua mép cầu trượt rồi trượt xuống, hoặc cũng có đứa ngồi ngược rồi trượt xuống.
Trẻ bám vào tay vịn leo lên cầu thang, rồi từ trên cao quay mặt về sau trượt xuống, trong lúc trượt cứ ngồi yên như thế, rồi lại quay ra đằng trước. Lần đầu trẻ sẽ ngã ngửa ra sau đến giật cả mình, từ đó trẻ sẽ dè chừng hơn. Trẻ bắt đầu thử đi thử lại mấy lần, chân thì giẫm lên mép cầu trượt, dùng tay chậm chạp trượt xuống nhưng tăng tốc dần dần. Lặp đi lặp lại như thế, tự nhiên trẻ thả tay ra và trượt xuống được luôn. Chắc chắn là được. Việc trẻ cảm nhận được cảm giác thành công như thế này là thứ nuôi dưỡng sự tự tin cho trẻ. Hơn thế nữa, khi trẻ lớn dần, trẻ sẽ ngồi trượt trên các tấm nệm ngồi, trượt trên các vật có gắn ròng rọc, trẻ thích thú với trò chơi tốc độ. Chắc chắn sẽ có lúc trẻ ngã lộn nhào hay đụng chân đụng đầu, rồi bật khóc. Tuy bị thương nhẹ nhưng càng ngã thì khả năng chú ý của trẻ càng cao, trẻ sẽ cẩn trọng hơn.
Trẻ hiếu động sẽ dần bộc lộ tính mạo hiểm. Trẻ bám tay vịn leo lên cầu trượt, rồi còn đứng cả lên chỗ bám tay ở trên cầu trượt. Để rèn luyện tinh thần mạo hiểm cho trẻ, đừng cấm trẻ: “Dừng lại ngay!”, để đề phòng khi bất trắc, chúng ta nên trông chừng trẻ cẩn thận.
Để trẻ có được tinh thần mạo hiểm, đừng ngăn cấm điều gì cả, hay nói những câu như: “Dừng lại ngay!”.
Điều cha mẹ cần làm là đứng ở dưới cầu trượt và theo dõi trẻ để đề phòng trường hợp xấu nhất. Trẻ sẽ cẩn thận hơn, khi lặp đi lặp lại như vậy, trẻ sẽ có thể đứng lên một cách vững chãi. Thành công sẽ đến khi dám thử thách những điều nguy hiểm. Nói chung, cảm giác thành công khi vừa mạo hiểm làm gì đó mang ý nghĩa cực kỳ to lớn trong việc nuôi dưỡng khả năng tự tin cho trẻ. Tự tin là cảm giác nhận thấy bản thân có một giá trị nào đó.
Trẻ cũng thích leo lên cao, rồi từ đó nhảy xuống. Lần đầu tiên đứng trên một bục cao ba mươi cen-ti-mét nhảy xuống, trẻ sẽ chân nọ đá chân kia, rồi té ngã và khóc om sòm lên. Nhưng khi luyện tập nhiều lần, chân trẻ sẽ có được sự chuẩn bị và có thể nhảy xuống, lần tiếp theo chiều cao của bục sẽ được tăng lên năm mươi cen-ti-mét hoặc sáu mươi cen-ti-mét.
Có một bé trai đã nhảy xuống từ bàn cao một mét khi nhìn thấy các anh trai cũng đã làm như thế. Trong khoảng hai, ba lần đầu tiên, cậu bé bị ngã vì tiếp đất không thành công và gào khóc rất lớn, nhưng sau khi thử lại, chân cậu bé đã chắc chắn hơn và đã có thể tiếp đất. Lúc đó, khuôn mặt cậu bé rất sung sướng. Hơn nữa, việc trẻ thử nhảy xuống từ những nơi cao sẽ giúp trẻ có thể hành động tích cực hơn trong những tình huống khác, như vậy trẻ sẽ vô cùng hứng thú.
Leo lên và nhảy xuống từ nơi cao là một trò chơi mà trẻ em rất yêu thích, ngoài ra cũng rất quan trọng trong việc phát triển khả năng vận động của trẻ. Nếu cha mẹ ngăn cấm trẻ bằng những câu nói như: “Nguy hiểm, nguy hiểm đó!!!”, trẻ sẽ không có được sự thích thú, khả năng vận động phát triển chậm đi. Khi trẻ vào tiểu học, trẻ sẽ rất kém về môn nhảy từ trên bục xuống cho nên mũi và trán sẽ bị trầy xước rất nhiều. Đó chính là kết quả của việc thiếu trải nghiệm trong quá khứ. Trẻ em sẽ phát triển thành công khi được cho lặp đi lặp lại những hoạt động giống nhau. Đó là lúc sẽ có những thất bại nho nhỏ. Khi đó, nên động viên trẻ: “Cố lên!”, hoặc có những suy nghĩ: “Chỉ có như vậy thôi mà, chắc chắn phải làm được”. Khi thất bại trong quá khứ biến thành sự thành công, trẻ sẽ cảm thấy tự tin vô cùng.
Hơn một tuổi rưỡi, khi trẻ tự tin bước đi, trẻ sẽ muốn ra ngoài trời nhiều hơn. Trong thời kỳ này, việc đảm bảo trẻ có thể phát triển khả năng vận động là rất quan trọng, nên hãy cho trẻ thời gian hoạt động ngoài trời nhiều nhất có thể. Chẳng phải trẻ sẽ tự mình luyện tập nhiều cách bước đi hay cách chạy nhảy sao? Lúc đó, trẻ sẽ lon ton khắp nơi, chạy nhảy trên đôi chân chập chững. Phần lớn cha mẹ sẽ hét lớn lên rằng: “Nguy hiểm đấy”, hay “Nắm tay mẹ này con ơi”, nhưng chẳng phải đây là cách để thử xem sức vận động của trẻ đến đâu hay sao? Khi trẻ bị ngã hay xảy ra những chuyện không suôn sẻ, cha mẹ nên nghĩ rằng: “Ngã chính là trải nghiệm tốt cho trẻ”, hãy để cho trẻ tự mình lo liệu mọi chuyện xem thế nào.
Nếu thất bại…
Nếu trẻ bật khóc vì bị ngã thì cha mẹ nên làm gì? Nếu không có vết thương nào nghiêm trọng, hãy đứng quan sát cho đến khi trẻ có thể tự mình đứng dậy. Nếu người mẹ vội vã chạy đến và ôm con vào lòng, đó chính là hành động bảo vệ cho nên trong lòng trẻ sẽ hình thành ấn tượng khi bị ngã thì sẽ có người đến giúp ngay, từ đó cứ mỗi lần bị ngã là trẻ sẽ có thói quen hoảng hốt và khóc òa lên. Như vậy, tính ỷ lại sẽ mạnh mẽ hơn, tính tự lập cũng sẽ phát triển muộn. Vì vậy, dáng điệu chờ đợi cho trẻ tự đứng lên của cha mẹ là rất quan trọng.
Thoạt nhìn thì thấy dáng điệu này có vẻ hơi nhẫn tâm, nhưng đây là hành động rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng tính tự giác cho trẻ. Khi trẻ tự đứng lên bằng chính sức lực của mình, hãy động viên trẻ: “Con của ba/mẹ giỏi quá”. Sau đó, hãy kiểm tra xem trẻ có bị vết thương nào không. Đó chính là sự dịu dàng. Nếu trẻ không bị thương, việc chỉ cho trẻ cách chùi những vết bẩn trên áo quần, sau đó để chúng tự mình lo liệu là rất quan trọng. Dạy cho trẻ những hành động cần phải làm sau khi ngã chính là nuôi dưỡng tính tự giác.
Nếu trẻ bị thương, cha mẹ phải chữa trị cho trẻ, nhưng hãy cố gắng vừa dạy cho trẻ cách xử lý vết thương, vừa hướng dẫn để trẻ có thể tự mình làm. Nếu hướng dẫn cho trẻ theo hướng này, sau bốn tuổi trẻ sẽ có thể tự mình lo liệu mọi thứ khi bị ngã. Hãy cùng xem ví dụ sau.
Vào ngày Chủ nhật, một gia đình nọ chuẩn bị ra ngoài, bé trai bốn tuổi của họ vì quá vui sướng nên đã chạy như bay ra thềm cửa, rồi bị vấp ngã vào vũng nước đọng. Bùn đất dính lấm lem trên tay chân và quần áo cậu bé.
Những lúc như vậy, bạn sẽ làm gì? Bạn sẽ mắng cậu bé: “Không được!” hay “Mẹ đã nói con rồi mà”, rồi ẵm cậu bé lên, vừa cằn nhằn vì đã muộn giờ lên đường vừa thay quần và lau chùi bùn đất trên tay chân cậu bé chăng? Nếu vậy, trong lòng cậu bé chỉ còn đọng lại giọng nói trách móc của mẹ, dần dần cậu sẽ mất đi sự tự tin và sẽ không hình thành được khả năng tự lo liệu những vết bẩn trên người mình.
Thế nhưng người mẹ trong ví dụ này chỉ nói với cậu bé: “Con hãy chùi bùn đi và thay quần đi nào”. Đây chính là hành động chỉ dẫn cho cậu bé cách lo liệu mọi chuyện. Cậu bé đáp: “Vâng” và tự mình quay trở vào nhà, gột rửa hết bùn đất trên tay chân, thay quần và lại đi ra thềm cửa. Đó là hình mẫu của một đứa trẻ được nuôi dạy tính tự lập. Vẫn còn những chỗ lấm lem bùn đất trên người cậu bé, nhưng người mẹ im lặng và lấy khăn tay ra lau đi vết bẩn cho cậu. Sau đó, cậu bé nhẹ nhàng đi qua chỗ vũng nước đọng và ra khỏi nhà. Khi người mẹ nói: “Con hãy chùi bùn đi và thay quần đi nào” với thái độ tự nhiên, bình thường mà không hề la mắng thì trẻ sẽ hiểu: “À, việc té ngã làm dơ quần áo cũng không sao cả, té rồi đứng dậy thay cái mới thôi”. Chính thái độ tự nhiên và dịu dàng của người mẹ làm cho trẻ không có cảm giác thất bại. Ngược lại, chính sự la mắng sẽ khiến trẻ nhụt chí mà nghĩ rằng mình quá vụng về. Điều đó sẽ cản trở quá trình phát triển tính tự giác và sự tự tin ở trẻ.
Vì thế, khi ra ngoài trời, hãy tìm những nơi có thể thực hiện được những trò mạo hiểm. Những nơi như vách núi sẽ là địa điểm lý tưởng để thử thách trẻ. Cha mẹ cũng có thể leo lên vách núi để làm mẫu, nếu trẻ bắt đầu tự leo lên, hãy động viên trẻ: “Cố lên nào, cố lên nào!”. Trong khi trượt ngã nhiều lần, trẻ sẽ dần dần tìm được chỗ đặt chân chắc chắn và hiểu ra được nên đặt tay ở chỗ nào. Tất nhiên, cần dạy trẻ những điều cần chuẩn bị, cũng như những kỹ năng khi leo núi để đảm bảo sự an toàn của bản thân.
Tôi đã tổ chức một trại hè dành cho học sinh tiểu học trong suốt mười ba năm. Ở trại hè này, khi tham gia dã ngoại, trẻ có thể chọn lộ trình leo vách núi. Vách núi này khá hiểm trở. Thế nhưng, những bé có kinh nghiệm leo núi đã leo lên một cách suôn sẻ, những bé chưa có kinh nghiệm thì cứ lần lượt bị trượt ngã, vì các bé không biết phải đặt tay và chân ở vị trí nào. Và cũng có những bé lập tức nói: “Con mệt quá”, lộ ra dáng vẻ chán nản, trong lòng thầm trách móc: “Tại sao lại chọn con đường như thế này chứ?”. Như vậy trẻ sẽ hoàn toàn không nuôi dưỡng được ý chí thử thách khó khăn.
Trong trường hợp những trẻ thiếu ý chí, có thể nhìn thấy được sự nản lòng ở đâu đó trong cuộc đời trẻ. Việc bộc lộ điều này trong thời kỳ sớm như vậy chính là nguyên nhân gia tăng số trẻ em từ chối đến trường ở cấp trung học.
Thêm vào đó, ô tô gia đình cũng chính là phương tiện hình thành cho trẻ cảm giác dễ dàng. Đối với cha mẹ, dẫn trẻ đi bộ là một hoạt động rất vất vả, cho nên họ thường muốn sử dụng ô tô vì sự tiện lợi của nó. Thế nhưng, một cặp vợ chồng nọ lại từ chối điều này, họ không mua ô tô riêng. Họ nói rằng kinh nghiệm phải đứng trong một khoảng thời gian dài trên tàu điện đông đúc, khi chuyển tàu phải tự mang ba lô rồi tự leo lên leo xuống cầu thang sẽ giúp trẻ phát triển thể lực và tính nhẫn nại. Điều này cũng rèn luyện cho cả cha mẹ lẫn đứa trẻ có được khả năng vượt qua được những khó khăn về sau.
Ở các nước Âu Mỹ, từ lâu họ đã xây dựng những nơi như khu vui chơi mạo hiểm để trẻ em có cơ hội được thử thách, cùng nhau chung sức nuôi dưỡng ý chí cho trẻ. Ở đó, trẻ sẽ được trải nghiệm những trò cảm giác mạnh (như di chuyển giữa các cành cây bằng dây thừng, sau đó nhóm lửa rồi nhảy qua đống lửa đó). Điều kiện cần để trẻ có được cơ hội mạo hiểm này là không được rời mắt khỏi trẻ. Vì vậy, có những người hướng dẫn sẽ được đào tạo kỹ càng để đi kèm theo trẻ.
Được đào tạo kỹ càng ở đây có nghĩa là không chỉ dõi theo các hoạt động trẻ tham gia, mà còn phải cố gắng không lên tiếng, để trẻ tự xử lý các hoạt động đó. Ở điểm này, có nhiều bậc cha mẹ dù bật ra tiếng: “Nguy hiểm đấy, nguy hiểm đấy!”, nhưng cũng có lúc họ vô ý rời mắt khỏi con trẻ. Tóm lại, họ có hành động can thiệp nhưng vô tình đó lại là thái độ vô trách nhiệm với trẻ.
Trong việc nuôi dạy trẻ từ nay về sau, vào những lúc trẻ mạo hiểm thì nên tiếp cận với thái độ như thế nào? Hơn nữa, để trẻ có nhiều cơ hội được mạo hiểm, vào ngày nghỉ, cha mẹ nên lên kế hoạch tổ chức hoạt động ngoài trời ở đâu đó và tôi cũng mong rằng các bậc cha mẹ nên trò chuyện với nhau kỹ hơn về vấn đề này. Đáng tiếc là cha mẹ thời đại này thường ít dành thời gian cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời, có thể vì lý do bận nhiều công việc. Cách giải quyết của họ khi trẻ đòi đưa đi chơi hoặc đòi điều gì đó là đưa máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh để trẻ chơi game hoặc cho trẻ xem tivi để tránh làm phiền cha mẹ. Cho dù có sắp xếp được thời gian đưa trẻ đi dã ngoại thì họ cũng để mặc trẻ làm gì thì làm, ít tham gia chơi cùng con. Cha mẹ cứ nghỉ ngơi, còn trẻ thì như thế nào cũng được. Vì thế, trẻ cũng không hề biết đến chuyện làm bạn với thiên nhiên khi ra ngoài trời. Trong khi đó, trong thế giới tự nhiên, không có cái gì hoàn toàn giống nhau cho nên trẻ có thể có được nhiều trải nghiệm đa dạng. Những trò như trèo cây quả đúng là trò chơi tốt cho trẻ.