Với những điều đã đề cập ở trên, tôi còn muốn nhấn mạnh cả về bài tập. Vì bài tập cũng được cho là một hình thức áp đặt đối với trẻ như là mệnh lệnh một chiều từ giáo viên, nên hầu hết các trường hợp đều không phải là lời hứa.
Những giáo viên xuất sắc sẽ luôn trao đổi với trẻ và làm rõ ý nghĩa của lời hứa. Hơn nữa, họ cũng luôn nghĩ về việc ra bài tập như thế nào để có thể phát triển việc học hành của từng trẻ, tùy vào mỗi em mà bài tập cũng khác nhau. Giáo viên thiếu trách nhiệm sẽ không chăm sóc trẻ được như thế, bắt tất cả các trẻ làm bài tập, hơn nữa lượng bài tập lại rất nhiều.
Trường học ở Nhật luôn giao thêm bài tập về nhà cho trẻ. Trong khi đó, ở những nước có nền giáo dục phát triển hơn, giáo viên không được phép giao bài tập về nhà cho trẻ, cha mẹ cũng không được dạy trước bài tập trên trường cho trẻ vì đó được xem là hành vi gian dối. Chế độ giáo dục ở New Zealand khuyến khích trẻ làm sai, để trẻ học từ những cái sai của mình và khi về đến nhà, trẻ chỉ dành thời gian để chơi đùa mà thôi.
Trở lại với câu chuyện cho bài tập về nhà ở các trường học Nhật Bản. Các giáo viên cho rằng mẹ (phụ huynh) sao không thử dạy học đi để cảm nhận được sự khó khăn. Vì các bà mẹ không phải là chuyên gia, nên khi dạy thử, họ sẽ dạy rất dở, cuối cùng là la mắng và đánh đập con trẻ, rồi tình cảm của hai mẹ con sẽ trở nên tệ đi. Hơn nữa, năng lực của mẹ cũng thấp, sẽ làm cho trẻ bị tụt sau các bạn trong việc học tập.
Những người mẹ không thể ứng phó tốt với những việc đó, cuối cùng sẽ đưa con đến lớp học thêm; vì đưa con đến biết bao nhiêu là lớp, nên trẻ không còn thời gian rảnh để vui chơi nữa.
Dù cho giáo viên có nói: “Cha mẹ hãy cùng con học”, thì người mẹ cũng phải dõng dạc trả lời rằng: “Gia đình chúng tôi sẽ giao hết trách nhiệm dạy học cho quý thầy cô”.
Khi đề xuất cho mẹ những việc như thế này, một người mẹ trả lời rằng: “Nếu nói như thế, tôi không chỉ bị giáo viên lườm mà cả con tôi còn bị trù dập”. Có thể nói người thầy như thế là người hoàn toàn không có sự thấu hiểu, là người chỉ biết nghĩ cho bản thân, hoặc là người đang ngồi ở vị trí quyền lực và biến con trẻ trở thành bù nhìn. Nền giáo dục bị hủy hoại chính là do những giáo viên như thế này.
Dù cho con trẻ có bị giáo viên la mắng, thì mẹ cũng hãy quan niệm rằng không còn cách nào khác cả, hãy làm bài tập ở mức độ vừa phải, cùng con làm việc nhà, dành ra thời gian vui chơi cùng con. Nếu gia đình không vui vẻ, trẻ con sẽ tách mình ra khỏi gia đình. Những trẻ rời khỏi gia đình từ sau tuổi dậy thì chính là do gia đình không được hòa thuận. Gia đình mà hòa thuận, là nơi chữa lành cho sự bất an trong lòng mình, thì trẻ nhất định sẽ không rời khỏi nhà và sẽ không học theo những hành vi không tốt.
Có nhiều giáo viên ra rất nhiều bài tập vào kỳ nghỉ hè. Có những đứa trẻ trải qua kỳ nghỉ hè với đống bài tập ngập đầu. Hồi còn nhỏ, tôi thường tập trung làm bài tập trong khoảng ba ngày kết thúc kỳ nghỉ hè, vì bận vui chơi đến nỗi không có thời gian rảnh để làm bài tập. Vào thời điểm đó, những đứa trẻ làm bài tập một cách hoàn hảo mỗi ngày là những đứa trẻ đáng thương và thiếu tính tự giác. Mẹ của đứa trẻ đó đang kẹp chặt trẻ vào khuôn khổ của một đứa trẻ hoàn hảo, một đứa trẻ ngoan. Niềm vui khi được vui chơi cũng không còn ý nghĩa gì và cũng ít bạn bè đi.
Tại trại hè của chúng tôi, trong thời gian cắm trại bảy ngày, chúng tôi đã quyết định hoàn toàn không mang theo bài tập ở trường. Trẻ sẽ cảm nhận được ý nghĩa đủ đầy của niềm vui khi vui chơi, từ đó tăng tốc sự phát triển tính tự giác. Trẻ muốn say sưa vui chơi cùng bạn bè. Vui chơi có ý nghĩa to lớn đối với việc hình thành nhân cách của trẻ. Những việc như tìm hiểu về thời tiết và nhiệt độ (bài tập về nhà), so với việc hình thành nhân cách của trẻ thì quá nhỏ.
Đừng nghĩ đến những chuyện cao siêu khác mà hãy nghĩ đến việc sống thật vui vẻ bằng cách kết nối trái tim giữa cha mẹ và con cái, vì điều đó sẽ cứu lấy nền giáo dục khỏi sự phá hủy.
Càng mong đợi, càng bắt ép trẻ thì sự ham thích của trẻ càng ít dần đi. Khi không làm một việc gì đó xuất phát từ ý muốn của bản thân, mà dựa theo ý muốn của người khác (tức người mẹ), trẻ sẽ không thể làm tốt được vì trẻ đang làm với thái độ chán chường, cưỡng ép phải làm mà thiếu niềm đam mê.
Do đó, hãy giúp con xóa bỏ nỗi ác cảm đối với việc học, tự bản thân con làm lấy mọi việc. Hãy nói với trẻ: “Nếu là vấn đề của bản thân, con hãy tự làm” và buông tay con ra. Để làm cho động lực thêm mãnh liệt thì cần phải thúc đẩy tính tự giác. Đề xuất như vậy sẽ gây ra sự bất an cực kỳ lớn cho người mẹ. Song, đó chỉ là tạm thời.
Tuy nhiên, dẫu cho người mẹ có buông tay thì trẻ cũng không chịu học ngay lập tức. Khi người mẹ im lặng, trẻ sẽ không làm bài tập, đến học cũng không, thành tích học tập sẽ tuột dốc. Rồi trẻ nghĩ rằng không nên như thế này nữa, đó cũng là lúc trẻ bắt đầu lên kế hoạch cho việc học tập. Dẫu có lên kế hoạch, thì cũng không có nghĩa là trẻ sẽ thực hiện điều đó ngay lập tức, mà sự thay đổi diễn ra hết sức chậm chạp.
Người mẹ phải im lặng và quan sát tình trạng đó. Cuối cùng, động lực trong con trẻ sẽ xuất hiện, vì tính tự giác của trẻ sẽ phát triển từng bước một. Vì vậy, người mẹ cần phải kiên nhẫn. Sau đó, dù người mẹ có nói gì đi nữa, thì trẻ cũng sẽ tự suy nghĩ và lựa chọn việc học. Quan trọng là tính sáng tạo cũng sẽ được đâm chồi.