ỞNhật, người có tinh thần trách nhiệm cao là người hoàn thành công việc được giao bởi người khác một cách hoàn hảo, nhưng tại Âu Mỹ thì lại mang một ý nghĩa khác. Ở Âu Mỹ, trách nhiệm là hành động đi đôi với lời nói. Ở Nhật, trách nhiệm mang tính lệ thuộc chứ không mang tính tự giác.
Chẳng hạn như, trẻ học tiểu học thường quên làm bài tập về nhà. Thế là giáo viên cứ liên tục nhắc nhở, nhưng đấy là mệnh lệnh một phía từ giáo viên chứ không phải là lời hứa. Nếu gọi là lời hứa, thì giáo viên và trẻ phải cam kết, đồng ý thực hiện dựa trên việc bàn bạc với nhau.
Khi để quên đồ, trẻ sẽ gặp trở ngại trong tiết học, nên giáo viên phải ra lệnh từ một phía và bắt trẻ nghe theo. Thậm chí có giáo viên còn hăm sẽ phạt trẻ nếu trẻ quên đồ. Vì thế, cũng có những đứa trẻ nghe theo mệnh lệnh của giáo viên y như vậy mà không có sự đồng thuận của bản thân.
Sẽ có những giáo viên đổ lỗi cho người mẹ, chẳng hạn như vì không chăm sóc con trẻ chu đáo nên trẻ mới quên nhiều đến vậy. Để trẻ không quên, mỗi tối người mẹ sẽ nhắc nhở con mình, sau khi con đi học về sẽ xem lại thời khóa biểu, nếu con quên, thậm chí có những người mẹ cho vào sẵn trong ba lô của con mình.
Có những người mẹ làm như thế đến tận trung học. Do nghĩ rằng đã có mẹ làm tất cả rồi nên khi không được như ý muốn, bọn trẻ bắt đầu có thái độ gây hấn, hỗn hào, thậm chí đấm đá. Tóm lại, sẽ có bạo lực trong gia đình và trẻ trở thành đứa trẻ bạo lực thật sự.
Đối với những đứa trẻ hay quên, dù cho giáo viên có nói thế nào đi nữa, thì mẹ cũng không nên giúp đỡ. Vì đó là vấn đề phải giải quyết giữa giáo viên và trẻ. Nếu người mẹ càng liên quan, càng can thiệp vào thì đứa trẻ càng trở nên thiếu trách nhiệm.
Vì trách nhiệm là tính cách dựa trên sự tự giác, nên phải cho trẻ có kinh nghiệm bị giáo viên la mắng và bản thân cảm thấy gặp rắc rối với việc đó, rồi trẻ sẽ bắt đầu phát triển với nhận thức rằng cần phải tự mình giải quyết vấn đề. Giáo viên cũng phải vừa trao đổi với trẻ, vừa đặt mình vào lập trường của trẻ, rồi tìm cách giúp trẻ không còn bị quên nữa. Những giáo viên đổ lỗi tại vì mẹ của trẻ quên đồ của con mình là những giáo viên không có trách nhiệm và đang vứt bỏ lập trường của một nhà giáo dục.
Ngày xưa, khi trẻ quên đồ, giáo viên sẽ đưa chúng về nhà. Tuy nhiên, ngày nay, do vấn đề giao thông, hoặc do mệnh lệnh từ hội đồng giáo dục, giáo viên cảm thấy do dự với việc phải đến nhà phụ huynh.
Ngoài ra, cũng có những trẻ làm điều đó rất thuần thục, thậm chí phát sinh những tình huống như gọi điện thoại về nhà cho mẹ để nhờ mẹ mang đồ bị quên đến. Trẻ đã xem mẹ như là người giúp việc. Khi trẻ gọi điện về thì người mẹ cần phải kiên quyết từ chối. Tuy nhiên, cũng sẽ có những bà mẹ chạy vội đến trường, mang đồ để quên cho trẻ và xin lỗi rằng: “Mẹ vô ý quá, xin lỗi con nhé!”. Nếu dạy con như thế, chắc chắn trẻ sẽ trở nên vô trách nhiệm, và cũng tạo ra một đứa trẻ mang thói bạo lực.