Trong trại hè chúng tôi tổ chức, có hoạt động nấu cơm với ý nghĩa là mang lại cho trẻ kinh nghiệm nấu ăn. Đầu tiên là giải thích, sau đó sẽ giao hết cho trẻ, người lớn không được nói một lời nào, cố gắng không đụng tay vào và chăm chú xem trẻ làm như thế nào.
Trước tiên, trẻ sẽ tạo ra một cái bếp, sau đó đi tìm những vật có thể cháy được, tiếp đến là tạo lửa bằng diêm, cho gạo vào nồi, cắt gọt rau củ. Những hoạt động đó bắt đầu từ khoảng chín giờ rưỡi, những nhóm có kinh nghiệm nấu cơm rồi thì mười một giờ hơn là đã hoàn thành tất cả, và có thể thưởng thức những món do chính tay mình nấu, còn với những nhóm chưa có kinh nghiệm thì phải đến một giờ rưỡi, hơn hai giờ chiều mới ăn được cơm.
Tại sao lại trễ đến thế! Đầu tiên đó là việc tạo bếp lò rất mất thời gian. Đó là vì trẻ chưa biết sử dụng xẻng, mãi mà chưa thể đào được cái lỗ. Tiếp theo là đi vào rừng nhặt cành khô. Các bé gái mang về cỏ khô từ đồng ruộng cách đó hơi xa, nhưng vì chỉ có một nắm nhỏ thôi nên mất thời gian mới thu gom được nhiều. Sau đó là thổi lửa, nhưng vì không có kiến thức về việc tạo lửa bằng cách dùng vỏ bào của cành khô, mà lại vội thổi lửa bằng những cành cây khô, nên thổi mãi cũng chẳng được. Có nhóm dùng hết cả bảy hộp diêm.
Khi đứa trẻ này làm không được, đứa trẻ khác bảo: “Để mình thử”, nhưng hoàn toàn lặp lại hành động của bạn kia nên cũng chẳng có lửa. Chúng không cố gắng thay đổi theo nhiều cách mà chỉ hành động rập khuôn. Vì vậy, đã mất rất nhiều thời gian cho đến khi lửa nổi lên. Khi mãi mà vẫn chưa thổi được lửa, cũng có những đứa trẻ phàn nàn với người lớn rằng: “Tại sao lại không mang theo bếp gas vậy?”.
Dù đã thổi được lửa, nhưng trẻ không biết vừa phải giữ lửa, vừa phải lần lượt đưa những cành cây nhỏ vào, khi lửa nhen nhóm thì phải thổi gió vào. Khi lửa cháy sáng lên thì bọn trẻ chỉ biết đứng khoanh tay nên lửa lại tắt. Có lẽ bọn trẻ nghĩ rằng nếu bắt lửa được rồi thì lửa có thể cháy liên tục, giống như bếp gas vậy.
Khi chúng ta quen với những đồ dùng của nền văn minh, chúng ta sẽ quên mất điểm xuất phát của những thứ đó. Chúng ta hãy đưa những cục đá đánh lửa cho con cái và để chúng có được kinh nghiệm tạo lửa bằng những thứ đó. Vào bất cứ lúc nào, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, để có thể sinh tồn, việc giúp con có thêm kinh nghiệm nấu cơm bằng bếp lửa là rất cần thiết. Không chỉ trong việc ăn uống, trẻ cũng cần được trang bị các kỹ năng khi lên rừng, xuống biển, đi sông hồ,… để khi gặp tình huống nguy hiểm, hoặc bị lạc, trẻ cũng có thể sống sót.
Khi tạo ra những kinh nghiệm như thế này ở trại hè, sau khi trở về nhà, vào những ngày nghỉ, trẻ đã biết nấu nướng. Đầu tiên là cơm cà ri và cơm chiên, nhưng trẻ sẽ có thể tạo ra thực đơn phong phú dựa theo sự chỉ dẫn của mẹ. Trẻ sẽ gặp rất nhiều thất bại, nhưng tuyệt đối không trách móc và la mắng trẻ, hãy bỏ công sức để tạo ra những trải nghiệm về việc thất bại.
Ngoài ra, ở trại hè, việc đi picnic đã là một thông lệ. Có những đứa trẻ khi sắp sửa buồn tiêu/tiểu, chúng vừa giậm chân lóc cóc vào nhau vừa hỏi: “Sao lại không có nhà vệ sinh ạ?”, vì chúng không có kinh nghiệm với việc tìm kiếm chỗ thích hợp và đi tiêu/tiểu ngoài trời. Có lẽ chúng cũng chưa từng đi leo núi và chơi ở cánh đồng. Với những đứa trẻ có nhiều kinh nghiệm, khi chúng đi tiểu, chúng sẽ chọn nơi không phải giội nước; còn khi đi tiêu, chúng sẽ chọn nơi có thể bỏ lại chất thải ở chỗ ẩm thấp, sau đó lấp lại bằng lá cây khô và đất. Tiểu tiện là nhu cầu sinh lý của con người, nên dù trong hoàn cảnh nào, để có thể thỏa mãn những nhu cầu đó, việc dạy trước cho trẻ những kiến thức như thế là vô cùng cần thiết.
Chúng tôi đã từng thuê những căn nhà trống sâu bên trong núi để cắm trại. Đương nhiên, nhà vệ sinh sẽ ở ngoài trời, nhà xí được khoét lõm xuống. Khi nhìn vào hố phân, tấm ván phía bên phải kêu cót két. Tôi đã nghĩ sẽ sửa cái đó và cố gắng làm cho nó vững chắc hơn, nhưng những cái đó sẽ dạy cho trẻ khả năng thích ứng với những nhà vệ sinh ít nhiều “nguy hiểm” thế này.
Cách giáo dục trong trường học quá chú trọng đến việc quản lý an toàn, quá lo sợ những tai nạn của trẻ và đã cướp đi vô vàn cơ hội trải nghiệm của trẻ. Chúng ta vừa không nên chăm sóc trẻ quá kỹ lưỡng, vừa phải mang lại nhiều cơ hội trải nghiệm tương xứng với độ nguy hiểm và phải dạy cho trẻ năng lực thích ứng với những điều đó. Chăm sóc con cái quá mức sẽ tạo ra những đứa trẻ yếu đuối, gặp một chút khó khăn thôi là nản chí ngay, hoặc theo phản ứng tự nhiên là kêu cha, gọi mẹ.
Cùng với việc bỏ công sức ra để mang lại cho con nhiều hơn nữa những tình huống khó khăn, thử thách, dạy con ý chí thách thức những điều đó, cha mẹ còn phải dạy trẻ hiểu được cảm giác thành công khi chinh phục được những điều đó. Đó sẽ là điều kiện tiền đề để trẻ tự mình vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì/tuổi vị thành niên, và giúp trẻ sống tràn đầy năng lượng trong cuộc đời này.