Việc làm cho đôi chân của trẻ mạnh mẽ, cứng cáp hơn là cơ sở để sinh hoạt và vững bước mạnh mẽ trong cuộc sống. Chính vì ý nghĩa đó, việc leo núi và chạy bộ đường dài trở nên rất quan trọng.
Trong số những trẻ học tiểu học, những trẻ đã tham gia trại hè của chúng tôi, dù bảo chúng đi bộ một chút thôi, vậy mà đã có rất nhiều em than: “Mệt quá!”. Khi tôi hỏi: “Con làm gì vào ngày Chủ nhật?”, tôi nhận được câu trả lời là: “Con ở nhà chơi xếp hình”, hoặc “Con ra ngoài với mẹ”. Những đứa trẻ như thế không thích vận động, ở trường cũng ghét môn thể dục. Tóm lại, chúng ta có thể nhận thấy con cái chúng ta thiếu sót trải nghiệm về việc phát triển thể chất và hoạt động ngoài trời.
Lúc đi cắm trại, bên ngoài mặt trời chiếu những tia nắng rực rỡ vậy mà đám trẻ lại chơi suốt trong phòng. Nào là đọc truyện manga, nào là vẽ những con quái vật lên giấy. Trong bức tranh chỉ toàn những thứ không có tính sáng tạo. Dù có rủ ra ngoài trời và đưa cho xem những bức tranh mẫu, thì chúng cũng chỉ ngước lên cùng với vẻ mặt như thể đang làm những việc ngu ngốc.
Tình trạng trẻ không thích vận động và không thích môn giáo dục thể chất, nguyên nhân thường là do thiếu động lực, cũng không ít trường hợp cho thấy cả bố mẹ cũng không thích vận động. Nhiều khi vào ngày cuối tuần, sau một tuần làm việc mệt mỏi, có những ông bố bà mẹ cứ nằm ườn ra mà ngủ, xem tivi, rồi lại ăn và ngủ. Hoặc mẹ tranh thủ đi làm tóc cho đẹp, cha thì chơi game. Con cái cũng học theo cách lười biếng vận động của cha mẹ.
Không có cơ hội vận động tích cực, cả việc chơi đùa quanh xóm không có, bạn bè cũng không, trẻ sẽ dễ bị khủng hoảng sau tuổi dậy thì vì không đủ năng lực kết bạn. Xin hãy nhớ trẻ chỉ có một tuổi thơ mà thôi, nếu những năm đầu đời không được tạo điều kiện để phát triển tính sáng tạo, tính độc lập, tự chủ, tự giác thì nhân cách của trẻ sẽ bị bóp méo. Những hệ lụy khi trẻ bước vào giai đoạn tiểu học và sau đó là trung học, đại học sẽ không thể nào hình dung nổi (như trẻ khó kết bạn, ít nói, trầm cảm, vị kỷ, hoặc có khuynh hướng nổi loạn, khó dạy,…).
Nói chung, cần nhớ rằng trẻ em luôn thích vận động. Đó là lúc trẻ hình thành trải nghiệm về sự vận động. Phần lớn trẻ em như thế đang thực hiện thuần thục việc phát triển tính tự giác.
Trong việc chơi đùa và phát triển thể chất, dù trẻ làm gì đi nữa, có bạn bè là điều rất cần thiết, bởi vì nỗ lực cùng bạn bè thì rất vui. Theo đó, trẻ phát triển được cả năng lực kết bạn, và cũng có được những người bạn có thể chia sẻ mối lo âu của bản thân về tuổi dậy thì. Thời gian từ lúc dậy thì trở về sau, trẻ sẽ có vô vàn nỗi phiền muộn mà không muốn nói cho cha mẹ biết. Lúc đó, có bạn bè là điều cực kỳ quan trọng để giải quyết những nỗi muộn phiền.
Nhiều đứa trẻ nảy ra ý định trốn học là vì chúng không có bạn bè thực sự, là những người bạn mà chúng có thể bày tỏ nỗi buồn của mình. Quen biết dựa trên sở thích thì khác với quen biết dựa trên ngoại hình. Ngoài ra, việc nhiều trẻ trốn học môn giáo dục thể chất cũng có liên quan đến việc không có kinh nghiệm chơi cùng bạn bè để phát triển thể chất.
Học sinh tiểu học ngày xưa, khi từ trường trở về nhà, sẽ vứt cặp ngay và chạy bay đến chỗ tụ tập bọn trẻ con. Nào là leo cây, tắm sông, nào là chia nhóm ra thi đấu bóng chày, đá banh,… chơi mãi đến chập tối. Bị cha mẹ mắng bởi những việc như cùng bạn bè đi chơi xa nhà (thám hiểm), trễ giờ cơm chiều, khiến cho cha mẹ lo lắng. Đẩy thật mạnh xích đu, thi xem ai đu bay cao hơn. Cũng có những trẻ bị gãy tay do chơi mạo hiểm trên những thanh xà.
Ngày xưa, vì trẻ được chơi và phát triển thể chất nên trẻ có được năng lực xử lý tình huống. Tuy nhiên, trong suốt ba mươi năm qua, trẻ đã bị cướp đi chỗ vui chơi tự nhiên, kinh nghiệm được vui chơi và phát triển ngoài trời cũng ít đi rất nhiều. Hình ảnh thường thấy vào thời đại công nghệ hiện nay là trẻ cắm đầu vào màn hình điện thoại chơi game. Dù có nhiều trẻ đang ngồi cùng nhau trong một góc nào đó thì mỗi đứa lại cầm điện thoại trên tay, không ai nói chuyện với ai. Hoặc thời gian rảnh của chúng sẽ bị cha mẹ nhồi nhét đủ mọi kỹ năng (như đánh đàn, đánh trống, võ thuật, múa ba lê), học thêm các môn (như Toán, Văn, tiếng Anh,…).
Tôi từng hỏi nhiều đứa trẻ có lịch học tất bật như thế là chúng có thích cuộc sống mỗi ngày trôi qua như vậy không? Gần như 100% trẻ đều nói rằng: “Con không thích nhưng cha mẹ bắt học thì phải học thôi”. Số còn lại không trả lời là có thích hay không, nhưng có thái độ vô cảm, giống như chấp nhận số phận vậy.
Một chị bạn của tôi còn than thở: “Thằng cháu trai của tôi bận rộn còn hơn cả người lớn đi làm. Tôi rủ nó đi ăn cơm trưa cuối tuần với tôi, mà nó bảo rằng ‘Con bận học đủ các môn nên không có thời gian rảnh đâu bà nội’”. Thử hỏi thời gian trẻ dành cho gia đình, người thân còn không có thì làm gì có thời gian tụ tập với bạn bè, chơi đùa này nọ. Có đứa nói với tôi nghe mà thấy thương: “Con không thích đi học thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Con xin mẹ ở nhà một bữa để chơi đá banh với mấy bạn hàng xóm nhưng mẹ không cho”.
Vì thế, cha mẹ đừng cướp đi cơ hội vận động, chơi đùa của con trẻ. Đừng cố gắng nhồi nhét, đào tạo con cái thành những thiên tài mà hãy cho trẻ cơ hội vui chơi. Nhìn những đứa trẻ ngày nay, tôi hoài niệm về những ngày thơ ấu của bọn trẻ chúng tôi, chỉ có vui chơi mà thôi, và cuộc sống trôi qua thật vui vẻ, thật hạnh phúc. Chúng tôi dù chơi là chủ yếu nhưng đều trưởng thành rất tốt, chẳng phải sao? Vì thế, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội được vận động.
Chạy bộ trong phòng tập cũng tốt. Tuy nhiên, việc vận động trong tự nhiên có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Trong tự nhiên thì không có gì là giống nhau cả. Dù là đường núi, hay là dốc đá, ngọn cây, thì mỗi cái đều có điểm khác nhau. Vì thế, khi vận động trong tự nhiên, cách ứng phó cũng đa dạng hơn và suy nghĩ trở nên phong phú hơn.
Bằng cách này hay cách khác, hãy dắt trẻ ra ngoài hòa nhập vào tự nhiên một tích cực và tạo cho trẻ nhiều cơ hội vui chơi, phát triển thể chất. Tuy sẽ cực và nguy hiểm nhưng niềm vui khi chinh phục được điều gì đó sẽ nuôi dưỡng động lực để vượt qua khó khăn. Càng lớn lên, thách thức mà trẻ phải đối mặt sẽ càng nhiều hơn và mức độ khó khăn cũng cao hơn. Nếu khi còn nhỏ mà trẻ không được nuôi dưỡng năng lực xử lý những việc nhỏ thì lớn lên, trẻ sẽ chới với như thế nào? Nghĩ về điểm này, chắc hẳn cha mẹ sẽ không muốn con mình bị thua thiệt khi ra ngoài xã hội đâu nhỉ!?