Khi trẻ muốn giúp mẹ làm việc nhà, việc mà người mẹ lúc nào cũng xử lý khéo léo, nhưng trẻ làm mãi mà vẫn chưa khá lên được – ví dụ, khi thử sai con phụ giúp chuẩn bị bữa ăn, thì con cho nhầm muối với đường, thế là làm cho đồ ăn không còn ăn được nữa; hoặc con trẻ giành bưng bê đồ ăn lên bàn, thì lại làm đổ bể, khiến mẹ phải dọn dẹp và chuẩn bị món ăn khác, lại mất thêm thời gian của mẹ – lúc đó, người mẹ sẽ rất muốn la mắng con nhưng hãy nhớ đến thành ngữ “Thất bại là mẹ thành công” và kiềm chế lại. Có kinh nghiệm thất bại là cần thiết, và việc chỉ dẫn sao cho con trẻ hành động một cách thận trọng hướng đến thành công là điều cũng rất quan trọng.
Người mẹ cần dự liệu rằng khi giao cho trẻ một công việc, rất có thể lần đầu tiên, thậm chí lần thứ hai, thứ ba trẻ sẽ làm không được ngay, và có thể sẽ có những hậu quả xảy ra ngay sau đó – như chén bát bể, đồ ăn bị nhầm gia vị,… – nhưng vì người mẹ xác định đây là “phí tổn” cho bài học “phó thác cho sự giúp đỡ” nên sẽ dễ dàng chấp nhận và không nổi nóng nữa. Như tôi đã nói, quan trọng không phải là trẻ có hoàn thành công việc được giao hay không mà là quá trình trẻ làm việc đó, vì chúng cho trẻ những trải nghiệm vô cùng quý giá. Đó là trải nghiệm chiến thắng khi làm được sau nhiều lần thất bại, là trải nghiệm tự tin vào bản thân khi được mẹ khen và khi trẻ hoàn tất công việc. Ngay cả trải nghiệm thất bại cũng là một trải nghiệm quý giá, cho trẻ lòng tin vững vàng, sự kiên định, thậm chí hưng phấn khi đối mặt với những thách thức lớn hơn sau này. Nếu xét đến những lợi ích mà trẻ có được khi được mẹ phó thác sự giúp đỡ, mẹ sẽ cảm thấy những “phí tổn” do trẻ làm hư, làm đổ bể đồ đạc… sẽ chẳng là gì cả, nếu không nói là mẹ và trẻ đã “quá hời”.
Vậy làm sao để có thể chỉ dẫn con cái đúng cách khi món ăn bị trẻ bỏ nhầm gia vị chẳng hạn? Nếu nhìn bao quát, sẽ thấy rõ là không ngon, nên cả hai đã cùng xem lại. Lúc đó, cả hai cười phá lên. Tuy nhiên, nếu cứ để thế thì lại cản trở bữa ăn. Đứa con đã thử nghĩ: “Làm thế nào thì tốt bây giờ? Chắc phải nấu lại thôi”. Lúc đó, chúng tôi đã trao đổi rằng nếu mà nấu lại thì bao giờ mới được ăn đây. Đứa trẻ chắc là sẽ đề xuất: “Nêm nếm lại nào”. Lúc đó, dù biết là vô lý nhưng đã chuyển sang đề xuất của con và cùng thử nêm nếm lại. Tóm lại là không thể ăn được miếng nào đâu. Nếu trẻ từng có kinh nghiệm chiên trứng, trẻ sẽ nói rằng: “Con sẽ tự nấu”.
Còn với người mẹ, vì đã phải bỏ công ra thay đổi thực đơn, nên dù rất là tiếc nhưng bà đã mang đến cho đứa con kinh nghiệm quan trọng. Từ bây giờ, đứa con chắc chắn sẽ không nhầm lẫn giữa đường và muối nữa.
Khi phụ giúp chuẩn bị bữa ăn, con sẽ nói muốn sử dụng con dao. Tuy nhiên, ban đầu tay sẽ không được mềm dẻo, và mẹ có suy nghĩ: “Dùng dao thật là nguy hiểm”. Người mẹ vừa lo lắng vừa dõi theo thao tác của con, nhưng dần dần sẽ thấy được sự tiến bộ. Rõ ràng, chỉ có luyện tập, chỉ có trải nghiệm thì trẻ mới thành thục các kỹ năng cá nhân, vì thế người mẹ càng phải khuyến khích con cái tự làm.
Ngay cả trong trại hè của chúng tôi, dù đã trao cho trẻ cơ hội sử dụng dao, nhưng nhiều trẻ không khỏi lo lắng rằng chúng sẽ bị đứt tay. Nếu cắt và gọt vỏ một cách nghiêm chỉnh, thì hầu hết sẽ không bị thương.
Những vết thương nhỏ chính là sự trải nghiệm quan trọng. Dù là ai thì cũng không muốn bị thương cả. Nếu đã bị thương một lần rồi, thì lần tiếp theo bạn sẽ thận trọng hơn khi dùng dao. Việc không cho trẻ sử dụng đồ dùng mang tính nguy hiểm – chẳng hạn như dao – là bởi một lý do: không được để bị thương. Đó chính là biểu hiện của việc chăm sóc quá mức. Đến một lúc nào đó, trẻ vô tình hoặc trong một số tình huống bắt buộc phải sử dụng dao, và vì không được rèn luyện kỹ năng sử dụng dao trước đó nên trẻ sẽ không tránh được kết cục là bị thương. Nói cách khác, cha mẹ sẽ không thể tránh cho trẻ va chạm những đồ vật, hay tình huống nguy hiểm, không thể lúc nào cũng có thể làm “vệ sĩ 24/7” bảo vệ con trước những nguy hiểm. Vì thế, cha mẹ không còn cách nào khác là hãy dạy và để con học những kỹ năng để tự bảo vệ chính mình.
Vậy khi bị thương, làm thế nào thì tốt đây? Tuyệt đối không đổ lỗi cho trẻ. Tôi mong bạn đừng sử dụng những từ ngữ mang lại cảm giác yếu kém cho trẻ, như là: “Xem đây này”, hoặc là “Không được làm như vậy nữa nghe chưa”. Nếu có thể thì người mẹ không nên lớn tiếng mà hãy chỉ cho con cách băng bó vết thương. Nếu chảy máu nhiều, hãy hướng dẫn con cầm máu bằng bông gòn hoặc băng gạc đã được sát trùng. Nếu máu chảy ít, hãy hướng dẫn con bôi thuốc thế nào, dán băng keo cá nhân như thế nào thì tốt, và hãy bảo con tự chăm sóc cho bản thân. Quan trọng là dạy con trong mọi tình huống cần phải hết sức bình tĩnh thì mới có thể xử lý tốt vấn đề. Trẻ sẽ không thể nào bình tĩnh được khi nhìn thấy mẹ hoảng lên khi trẻ bị thương, vội vã chạy đi kiếm bông băng, thuốc trị vết thương,... Vì thế, đừng để cho “quan tâm tắc loạn”. Người mẹ cần giữ thái độ hết sức bình tĩnh khi trẻ bị thương và từ từ xem xét tình trạng nặng nhẹ của trẻ để hướng dẫn trẻ cách chăm sóc bản thân.
Đây là thái độ giao trách nhiệm. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà mẹ sẽ giúp đỡ theo cách tương xứng, nhưng hãy cố gắng giao trách nhiệm cho con để con có thể tự chữa vết thương dù có vụng về đi chăng nữa. Việc người mẹ nhanh chóng băng bó vết thương, thoạt nhìn thì trông có vẻ rất thương con nhưng bà không biết mình đang cản trở việc phát triển năng lực tự xử lý của con, và đối với đứa trẻ, đó là một người mẹ không tốt. Đặc biệt, nếu con nói là: “Hãy để con tự làm”, thì người mẹ cũng nên vui mừng vì con mình đang phát triển tính tự giác.
Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ mới hai tuổi mà lại bắt trẻ tự xử lý vết thương thì thật là vô lý. Có thể bạn muốn nói: “Không được đâu”, hoặc “Đưa đây mẹ làm cho”, nhưng đầu tiên hãy thử quan sát khi giao trách nhiệm cho con và xem tự bản thân con có thể làm đến mức độ nào.
Cũng có những đứa trẻ có thể khéo léo bôi thuốc và dán băng keo cá nhân ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Đôi lúc, cũng sẽ bị lệch băng keo, dán không giỏi. Nếu như thế, hãy đưa cho bé thêm một miếng nữa và mẹ chỉ giúp bé phần khó khăn thôi. Dù là thế, nhưng trẻ cũng cảm thấy thỏa mãn với việc tự dán, nên vào lần sau, hãy gia tăng ý muốn, thách thức để trẻ cố gắng tự mình chữa lành toàn bộ. Dù đó là việc khó khăn đối với trẻ, nhưng việc mang đến nhiều cơ hội thách thức như thế sẽ khuyến khích sự phát triển năng lực tự xử lý, cũng như dạy cho trẻ tính trách nhiệm.