Tôi luôn coi trọng câu nói “Trẻ em luôn tiềm ẩn khả năng vô hạn”. Tôi nghĩ nếu thay thế từ “trẻ em” bằng từ “con người” thì cũng không sai.
Những đứa trẻ có năng lực như thế nào thì không thể thấy rõ bằng mắt được. Năng lực có thể tồn tại ở dạng tiềm ẩn ở bất kỳ đứa trẻ nào, tôi nghĩ mọi người sẽ hiểu khi tôi đưa ra ví dụ về Helen Keller.
Helen Keller là một đứa trẻ mang trong mình nỗi đau về ba khiếm khuyết – mắt không nhìn thấy, tai không thể nghe và không thể nói chuyện được. Mọi người luôn nghĩ nếu như không gặp được cô gia sư Sullivan thì có lẽ Keller đã trải qua cuộc sống mãi nép mình trong phòng suốt cả cuộc đời, vì bác sĩ đã nói rằng không còn cách nào để chữa lành được ba khiếm khuyết đó. Tuy nhiên, nhờ vào nỗ lực hết sức của cô gia sư Sullivan mà Keller đã có thể sống một cuộc đời hoạt bát, vui vẻ, điều đó như là tia hy vọng được Thượng Đế ban tặng cho cuộc đời đầy những bất hạnh của Keller.
Đương nhiên với những đứa trẻ không bị khuyết tật, chắc chắn chúng cũng có năng lực tiềm ẩn nào đó. Nhưng nhiều khi cha mẹ đã bỏ qua quá trình tìm kiếm năng lực tiềm ẩn ấy vì cho rằng con mình không có năng lực, hoặc họ quá bận rộn nên giao hẳn việc chăm sóc con cho ông bà, cô dì hoặc người giúp việc. Vì thế, cha mẹ cần hiểu rằng họ là nhân tố không thể thiếu trong việc kích hoạt năng lực tiềm ẩn ấy xuất hiện. Nói cách khác, việc hỗ trợ để năng lực của trẻ được bộc lộ là cách giáo dục cần có khi nuôi dạy con.
Cũng có những học giả nghĩ rằng khả năng được phát huy khi trẻ được huấn luyện một cách tốt nhất, khi đặt trẻ vào điều kiện môi trường tốt nhất trong thời kỳ phát triển tốt nhất, thì đó gọi là năng lực. Tuy nhiên, năng lực đó thuộc loại gì thì vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Ví dụ, về năng lực âm nhạc – khả năng đánh piano, khả năng sáng tác nhạc – có khác biệt tùy vào việc chỉ dạy và môi trường sống. Thời kỳ tốt nhất để trẻ bắt đầu được huấn luyện chơi piano là khi nào? Không thể biết được. Có những người phát huy tài năng piano và thể hiện điều đó từ rất sớm, nhưng cũng có những người phát huy rất trễ. Ngoài ra, điều kiện như thế nào mới là điều kiện môi trường tốt nhất, huấn luyện bằng cách nào mới là tốt nhất, những điều như thế chúng ta sẽ không thể nào hiểu hết. Và không phải cứ bắt đầu huấn luyện từ sớm là tốt. Tôi thích đánh giá âm nhạc, tôi sưu tầm rất nhiều đĩa hát và thưởng thức chúng, nhưng tôi thật sự cảm thấy đáng tiếc đối với việc mình không thể học nhạc cụ khi còn nhỏ.
Lý do là vì tôi đã bị cha phản đối khi tôi nói muốn học violin. Thời tôi còn nhỏ, việc học những thứ như âm nhạc luôn bị coi là nữ tính. Nữ tính ở đây có nghĩa là không ra dáng đàn ông, là một người yếu đuối.
Tuy nhiên, tôi muốn cho ba đứa con của tôi học một loại nhạc cụ nào đó. Đầu tiên, tôi quyết định cho cậu con trai lớn tham gia lớp học tài năng violin. Lúc ấy con tôi chỉ mới bốn tuổi. Và đó là nguyên nhân khiến thằng bé không chịu đi học mẫu giáo. Nhưng khi ngưng tham gia lớp học tài năng thì ngay lập tức thằng bé lại chịu đến trường. Sau đó, cứ mỗi lần nhìn thấy violin là thằng bé lại nói ghét violin và hoàn toàn không còn thích âm nhạc nữa. Tôi luôn cảm thấy có lỗi, điểm không tốt của lớp học tài năng này là mỗi ngày bạn phải đánh đàn mười phút, vậy thì một năm sẽ là ba ngàn sáu trăm phút. Các bà mẹ luôn ép buộc con mình luyện tập mỗi ngày như thế. Hơn nữa, giáo viên ở đó không thật sự yêu thích trẻ con, làm cho trẻ có tâm lý không muốn học.
Thật may là con trai lớn của tôi được học về sáo ở trường tiểu học, nhờ cơ hội đó mà thằng bé đã nói với tôi rằng con muốn học thổi sáo, tôi cũng cảm thấy thật sự nhẹ nhõm. Vợ tôi nhanh chóng dẫn con đến lớp học sáo, vì thằng bé tự nguyện học nên nó đã học một cách nhiệt tình. Kể từ đó, thằng bé theo học liên tục cho đến hôm nay, dù sắp bước sang tuổi trung niên nhưng nó vẫn thường luyện tập thổi sáo. Dẫu con trai tôi thổi sáo không hay lắm, nhưng đó là niềm vui trong cuộc sống của nó.
Năng lực của vợ tôi là gì nhỉ? Tôi cũng không biết vợ tôi có nghĩ đến những thứ như vậy hay không, nhưng với việc sắp xếp, dọn dẹp quần áo, rửa chén bát hay nhiều việc khác thì vợ tôi rất giỏi. Từ góc nhìn của một người dở trong việc sắp xếp, dọn dẹp như tôi thì vợ tôi là người rất có năng lực nên tôi luôn khâm phục cô ấy. Ngoài ra, vợ tôi còn thích cầm cọ, sau khi các con có gia đình, cô ấy đi luyện chữ viết và cũng học viết thư pháp. Từ lúc học tiểu học, tôi đã bị gieo cho cái suy nghĩ là tôi vẽ tranh rất dở, và suy nghĩ đó vẫn tiếp tục đeo bám tôi cho đến bây giờ. Hơn nữa, tôi rất áp lực khi vẽ tranh cho dì tôi, một nhân tài về tranh ở Nhật, dù có những bức tranh tôi nhìn thấy rất đẹp nhưng dì tôi lại không thích và xé bỏ chúng. Từ đó, tôi không còn hứng thú với việc cầm bút vẽ nữa.
Những nhà chuyên môn về tranh vẽ của trẻ em thường nhận xét những tác phẩm ấy là “nét vẽ thật là vô tư”, “bức tranh thật sinh động”, “có cá tính”, đồng thời họ cũng nói rằng khi xem tranh ta sẽ biết được đứa trẻ phát triển một cách tự nhiên hay đó là đứa trẻ được giáo dục theo khuôn khổ.
Tôi đã nghiên cứu gần hai mươi năm về phương pháp đánh giá sự phát triển tính sáng tạo và tính chủ động của trẻ, cho nên chúng ta có thể phán đoán được những điều đó khi xem tranh do trẻ vẽ. Tóm lại, khi nhìn vào tranh vẽ của một đứa trẻ, tôi có thể đoán được đứa trẻ đó đang được phát triển một cách tự do hay đang bị ép buộc.
Các bà mẹ hãy nhìn thật kỹ bức tranh con mình đã vẽ. Và tôi mong muốn các bà mẹ hãy tập cho mình khả năng phán đoán xem là tranh của con có đang được vẽ một cách vô tư, hồn nhiên không, hay là bức tranh được vẽ một cách gượng ép. Có những cha mẹ cứ can thiệp vào quá trình vẽ của con, chẳng hạn như họ sẽ nói “Con vẽ sai rồi, mặt trời sao lại tô màu xanh, hay biển sao lại có màu đỏ”… Đừng làm như thế mà hãy cứ để trẻ thoải mái sáng tạo. Hãy thử nghe con giải thích vì sao lại vẽ bầu trời màu xanh, hay vẽ mặt biển màu đỏ, bạn sẽ nghe được những lời giải thích rất thú vị, đầy bất ngờ và rất có lý của con trẻ đấy!
Nếu là bức tranh được vẽ với sự rụt rè, gượng ép thì có lẽ các bà mẹ nên xem lại cách giáo dục con có quá khắt khe, hay có la mắng làm con bị mất tự do hay không. Đó là quá trình con cái phát huy tính sáng tạo, độc lập và tự chủ. Vì thế, cha mẹ cần để cho con trẻ tự do vẽ những gì mình thích. Cần nhớ rằng năng lực của trẻ được phát huy bởi nhiều mặt khác nhau trong cá tính.
Vậy thì hãy thử suy nghĩ xem cá tính là gì và cố gắng làm sáng tỏ vấn đề này nhé.