Cá tính là nét đặc trưng mà riêng người đó mới có. Người xưa có câu “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Tuy nhiên, cũng khó phân biệt rõ đặc trưng đó là bẩm sinh hay được sinh ra bởi mối quan hệ với môi trường sống.
Cá tính là do bẩm sinh hay do cách nuôi dạy thì đã có nghiên cứu về một cặp sinh đôi nọ. Đây là cặp sinh đôi cùng trứng nên vẻ bề ngoài chắc chắn là giống nhau. Thế nhưng tính tình của cặp sinh đôi này lại không giống nhau chút nào, đôi khi như hai mặt đối lập. Ví dụ, một đứa hoạt bát, đứa còn lại thì trầm mặc, ít nói… Tính tình đó là bẩm sinh hay do tác động từ môi trường sống, điều đó khó mà nói được, bởi cha mẹ nuôi dạy cặp song sinh đó theo một cách giống nhau và các bé cũng được tiếp xúc cùng một môi trường sống, cùng các mối quan hệ xã hội và gia đình. Nói như vậy để hiểu rằng tìm hiểu rõ ràng cá tính của trẻ song sinh phát triển do đâu là một chuyện rất khó khăn. Dù là bẩm sinh hay do tác động của môi trường sống thì chắc chắn một điều rằng những tác động từ môi trường bên ngoài đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, cá tính của trẻ, hình thành nên những tính chất khác biệt ở trẻ.
Trước hết, chúng ta cần tìm hiểu tính chất là gì? Cho đến bây giờ, đã có nhiều nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau nhưng vẫn chưa có được những kết luận rõ ràng. Liên quan đến bệnh thần kinh (như bệnh tâm thần phân liệt), trong một nghiên cứu cách nay khoảng sáu mươi năm, ở cặp sinh đôi cùng trứng, khi tỷ lệ thống nhất (tỷ lệ nếu người này phát bệnh thì người kia cũng phát bệnh theo) là từ 70% đến 80% thì được cho là bệnh di truyền. Trong những nghiên cứu gần đây, tỷ lệ trên đã giảm thiểu rất nhiều. Có những nhà nghiên cứu đã công bố từ 15% đến 25%, cũng nói rằng: “Người mẹ là nguyên nhân gây ra căn bệnh tâm thần phân liệt đối với trẻ”, tính cách của người mẹ khi nuôi dạy trẻ cũng là một vấn đề. Tóm lại, môi trường nuôi dạy trẻ là một vấn đề vô cùng quan trọng. Cũng có nhà tâm lý học nói càng trưởng thành thì sự khác biệt về mặt cá tính của mỗi cá nhân so với từ khi sinh ra càng được thể hiện rõ.
Trước kia, nỗi sợ hãi của trẻ được cho là bẩm sinh. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của tôi, chúng ta không thể nói nó là bẩm sinh. Nếu hướng dẫn cho mẹ từ từ nuôi dạy con thì nỗi sợ hãi sẽ biến mất. Khi trẻ ít ngủ, gặp chuyện gì cũng khóc, dễ ói thì những người trong khoa Nhi thường khẳng định là thần kinh trẻ bị yếu. Nếu dành thời gian để nghiên cứu thì sẽ thấy nhịp sống của đứa bé không khớp với nhịp sống của người mẹ. Vì vậy, tôi đã có nhiều thử nghiệm về việc nuôi con sao cho phù hợp với nhịp sống.
Có những trường hợp người mẹ rất vất vả khi đứa con hay khóc về đêm, nhưng khi dẫn trẻ đến nhà tôi và cho trẻ ngủ trong căn phòng yên tĩnh, ngay lập tức bé ngừng khóc đêm. Thông thường, trẻ sẽ cảm thấy bất an khi ngủ ở một nơi nhiều tiếng ồn, nhiều tiếng nói cười hoặc trẻ cảm thấy thiếu hơi mẹ ở bên cạnh. Chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân để có cách ứng xử phù hợp với trẻ.
Đến nhà của tôi, nhìn dáng vẻ bình tĩnh của tôi khi chăm sóc đứa bé thì tâm trạng của người mẹ đã hoàn toàn thay đổi. Người mẹ cũng nói rằng: “Mỗi buổi tối, chỉ cần nhìn thấy gương mặt của con là tôi lại luống cuống và không biết phải làm gì, phải ứng phó thế nào…”.
Trong cuộc điều tra của tôi, cũng có nhiều nhận định rằng tính khí nóng nảy của con phát sinh từ chính bản thân người mẹ. Nếu người mẹ thay đổi cách dạy con, cụ thể là thay đổi tính cách của mình, thì sẽ mang lại sự thư giãn, thả lỏng hơn.
Tính cách là thứ gì đó đến từ trái tim. Trái tim của con người thực ra rất phức tạp. Ngành tâm lý học hay tâm thần học là những ngành nghiên cứu về cách suy nghĩ của trái tim và đưa ra giải thích dựa trên những hành động, những điều đó có thật hay không thì vẫn còn nhiều nghi vấn, về phía các nhà nghiên cứu cũng có khá nhiều ý kiến đối lập.