Tài năng là gì? Tại sao lại có những người được bảo là thiên tài, nhận được giải Nobel? Chúng ta hãy cùng suy nghĩ về vấn đề này.
Khi ta còn nhỏ, nếu như có mặt nào được thể hiện là tài năng thì cả cha lẫn mẹ đều rất vui mừng, đúng không? Nhà soạn nhạc Mozart từ lúc bảy tuổi đã bắt đầu sáng tác nhạc, ông là nhà soạn nhạc đã bộc lộ tài năng từ rất sớm. Làm sao có thể sinh ra được một thần đồng như thế? Đến khi già, tài năng cũng không hề bị mai một? Ngày xưa tôi cũng được gọi là thần đồng đấy, còn bây giờ thì không, tôi chỉ là một người bình thường.
Vì sao mà một thần đồng lại trở thành một người bình thường?
Tài năng mang ý nghĩa là sự sáng tạo phong phú, vì tính sáng tạo đó được hỗ trợ bởi tính tự phát nên trong việc kéo dài tính sáng tạo, sự dạy dỗ tính tự phát theo trình tự là rất cần thiết. Nếu nói theo kiểu trẻ con thì tính tự phát là suy nghĩ tự chơi, có nghĩa là không nhờ đến người khác mà dùng chính thực lực của mình. Trong việc chơi, tính sáng tạo được bộc lộ. Có nhà nghiên cứu cho rằng sáng tạo có nghĩa là phát hiện ra ý tưởng mới mà từ trước đến nay chưa từng có.
Lý do khiến tôi phản đối cách dạy trẻ một cách nghiêm khắc là vì điều đó sẽ vô tình đặt trẻ vào trạng thái không thể tự suy nghĩ và bị đưa vào hình thức giáo dục theo khuôn mẫu. Hơn nữa, các bậc cha mẹ nên nghĩ đến việc làm thế nào để nuôi dưỡng sự sáng tạo của trẻ hơn là dạy trẻ bằng cách áp đặt cách suy nghĩ của người lớn vào đầu trẻ.
Thực tế cho thấy, đối với nền giáo dục Nhật Bản, cũng đã có nhiều cuộc vận động như thế trong thời kỳ Taisho*. Trong bối cảnh liên quan đến nền dân chủ Taisho, nền giáo dục tập trung vào các em thiếu nhi đã được bắt đầu áp dụng trong các trường tiểu học. Nó cũng được gọi là nền giáo dục tự do, hay là kế hoạch Dulton. Nền giáo dục đó đã bị những người ghét sự “tự do” áp đảo. Vậy mà cách suy nghĩ đó đã được một số trường tư chấp nhận. Cũng có trường tiểu học đã cho các em học tác phẩm Totto-chan, cô bé bên cửa sổ.
(*) Thời kỳ Taisho là một thời kỳ trong lịch sử Nhật Bản, từ ngày 30 tháng 7 năm 1912 đến 25 tháng 12 năm 1926, dưới sự trị vì của Nhật hoàng Taisho.
Sau đó, điều đáng tiếc là ở những trường tiểu học đã triển khai hình thức giáo dục tự do lấy trẻ em làm trung tâm, thì hầu hết lại không thể hiện rõ ràng.
Tại Anh, các trường tiểu học với phương thức giáo dục lấy trẻ em làm trung tâm đang tăng lên. Tại Hoa Kỳ, các “trường học mở” cũng đang tăng lên. Điểm đặc biệt của phương thức tổ chức này là không giới hạn số năm học. Với phương thức học như thế, các bức tường của lớp học cũng được phá bỏ, mỗi môn học sẽ được học tại một góc trong một căn phòng rộng, và giáo viên được phân bổ ở từng góc đó, họ có nhiệm vụ theo sát các học sinh của mình. Và do đó, học sinh sẽ tự mình chọn lựa môn học, cũng có những môn sẽ được giáo viên chủ nhiệm chọn. Khi đi đến góc học toán, mặc dù đã vào cuối ngày rồi nhưng lớp học vẫn khá sôi động. Hình ảnh tương tự cũng diễn ra ở những góc học khác. Vì thế, sẽ không hề có sự phân định thời gian trong những lớp học này. Và hiển nhiên cũng không có tiếng chuông kết thúc giờ học.
Tôi muốn giới thiệu về những cách giáo dục ở Anh và Mỹ cho các bạn biết, vì hiện tại hình thức giáo dục của những trường tiểu học ở Nhật Bản đang lấy đi rất nhiều sự tự do của học sinh và cũng đang kìm hãm tính sáng tạo của các em. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn chỉ ra rằng chúng ta chẳng thể kỳ vọng gì ở tính sáng tạo của trẻ trong một nền giáo dục cưỡng ép, đặt nặng tính khuôn mẫu. Chỉ khi được trao đầy đủ sự tự do thì trẻ mới phát huy được tính sáng tạo đúng nghĩa. Trong nền giáo dục xem các em nhỏ như là những học sinh cá biệt, chúng ta sẽ khó lòng biết được trẻ nào có được trí sáng tạo phong phú. Cũng giống như Edison, một số lượng đáng kể những thiên tài hiện nay đang nhận được cách đối xử như là những học sinh cá biệt từ giáo viên.
Bạn tôi là một thầy giáo, từng kể cho tôi nghe về lớp học của ông. Ông được phụ trách dạy nâng cao cho học sinh lớp chuyên toán ở trường. Giờ học ở lớp chuyên rất nhiều, gần như học sinh không được nghỉ giải lao hay tham gia các hoạt động khác, mà chỉ cắm đầu vào giải cho bằng hết những đề thi toán quốc gia của những năm trước, đến mức chỉ cần nhìn vào đề bài là có thể làm được làu làu. Ông cho biết lớp học của ông rất tẻ nhạt, các học sinh phản ứng như robot. Có hôm ông đang đứng trên bục giảng thử quăng một tờ giấy đã vo tròn xuống tận cuối lớp, nhưng các học sinh hầu như không có ai phản ứng hay thắc mắc gì về hành động kỳ quái của thầy mình. Điều này có thể lý giải như thế nào đây? Nền giáo dục cứng nhắc đã không tạo ra những đứa trẻ biết vui đùa, có vui đùa mới có sáng tạo, có tinh nghịch khám phá thì mới có những ý tưởng kỳ lạ nảy sinh, mới có những đam mê chân chính. Một nền giáo dục cưỡng ép, theo khuôn mẫu sẽ không thể đào tạo ra những học sinh sáng tạo.
Và cho đến hiện nay, những nghiên cứu về tính sáng tạo chỉ cho ra những kết quả mang tính lý thuyết chứ không hề đưa ra những giải pháp mang tính thực tiễn. Nhưng vì cũng có học giả đã có những hành động cụ thể về tính sáng tạo ở trẻ em, nên theo quan điểm của mình, tôi cũng sẽ thử đưa ra những ý kiến của riêng mình trong phần tiếp theo.
Trước hết, chúng ta phải có sự hiếu kỳ, có sự cố gắng và đam mê khám phá thì chúng ta mới có thể say mê một vấn đề nào đó. Những thứ đó hoàn toàn mang tính tự phát, được thể hiện thông qua tính cách và hành động. Nếu kiên nhẫn và thực hiện mọi thứ cho đến cùng thì sẽ chẳng hề buồn chán, đó chính là những thứ mà bạn đang mong muốn, được thể hiện một cách hoàn toàn tự nhiên. Ngoài ra, nếu chúng ta có những sở thích tùy tiện, những thói quen về lễ nghĩa, ý kiến trái ngược nhau quá sâu sắc, rồi không hề có bất cứ sự thỏa hiệp nào mà lại tạo thành chủ nghĩa cá nhân, nhìn nhận câu chuyện của người khác một cách chủ quan, rồi lại góp ý cho họ, thì lúc này chúng ta sẽ đồng thời thể hiện ra ý muốn của riêng bản thân cùng với sự tranh cãi. Do vậy, có những đứa trẻ cứng đầu, hay những đứa có tính khí thất thường, hoặc những đứa trẻ hay bị bế tắc vì những quy chuẩn, chính là do sự giáo dục đồng nhất như ở đất nước Nhật Bản, nơi mà giáo viên đã khiến cho tất cả bọn trẻ trở thành những đứa trẻ cá biệt.
Những đứa trẻ như thế nếu được nhìn nhận một cách thiện chí từ cha mẹ và giáo viên, chúng sẽ có được năng lực tự phán đoán tốt, và sẽ được đánh giá là đứa trẻ quyết đoán. Cũng có nhà nghiên cứu cho rằng những đứa trẻ nhạy cảm, tinh tế, có khả năng cảm thụ cái đẹp, có óc trực quan và sự hài hước sẽ mang lại cho trẻ khả năng cảm nhận những suy nghĩ của người khác. Và chúng tôi cũng nhận thấy những đứa trẻ như thế là những đứa trẻ biết quan tâm đến sự vật, sự việc xung quanh mình. “Hữu xạ tự nhiên hương”, những đứa trẻ này được đánh giá rất cao.
Hơn nữa, để biết được trẻ có tính sáng tạo hay không, người ta sẽ kiểm tra bằng hình thức đo tỷ lệ. Những đứa trẻ có óc sáng tạo thường bị chú ý bởi những sự thay đổi và những thử thách, chúng sẽ ngay lập tức nhận ra được sự thay đổi, nhận biết được chỗ nào không đúng và ngay lập tức thay đổi, có thể mạnh dạn bày tỏ những thắc mắc về các quy tắc. Bạn sẽ thường nghe trẻ hỏi: “Tại sao thế này, tại sao thế kia?”, thậm chí trẻ còn chất vấn tính hợp lý của những quy định được đặt ra, như khi hỏi “Làm như thế để làm gì?”, “Có ích gì khi làm thế?”. Trẻ luôn đặt ra những câu hỏi mang tính logic mà khi người lớn chúng ta suy ngẫm lại thì thấy rõ ràng có những quy định đã đi vào khuôn mẫu, ai ai cũng tuân theo nhưng không ai chất vấn, hay tỏ ra nghi ngờ về tính hợp lý của những quy định đó. Thế mà trẻ lại phát hiện ra sự không hợp lý của các quy định “thời xửa thời xưa” kia.
Một đặc điểm khác của trẻ có óc sáng tạo là dù dễ dàng kết bạn với người lạ nhưng nếu không có hứng thú thì trẻ sẽ không nói chuyện, cũng có trường hợp trẻ sẽ xem thường những người làm việc theo nguyên tắc. Tuy vậy, cũng có nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trẻ hành xử như thế, dù rất gay gắt, nhưng chúng vẫn mang lại cho chúng ta cảm giác chúng rất có nghĩa khí.
Đứa trẻ được cho là ngoan khi nó hành xử chín chắn, lễ phép và nghe lời cha mẹ. Có rất nhiều đứa trẻ đang được gieo vào đầu những định kiến do người lớn tạo ra. Nếu cứ như vậy thì chúng ta đã vô tình đánh cắp sự tự do của trẻ, đồng thời cũng gắn những ý niệm được đúc kết từ tầm nhìn hạn hẹp của người lớn vào suy nghĩ của trẻ.
Tính sáng tạo được thể hiện ở hai mặt. Thứ nhất là thể hiện năng khiếu về các môn khoa học tự nhiên, trong quá trình nghiên cứu hàng ngày, cần phải quan sát, dựa trên những kết quả nghiên cứu cũ mà phát triển lên, rồi từ đó có thể phát triển thành những ý tưởng độc đáo. Tính sáng tạo cũng được thể hiện qua lĩnh vực nghệ thuật. Bên cạnh việc lấy những thứ có sẵn rồi phát triển lên, người ta có thể dựa vào trí tưởng tượng rồi viết hay vẽ ra một ý tưởng, hoặc có thể sáng tác một bản nhạc. Khác với những người có thiên hướng về khoa học, vốn thường hay đề ra những kế hoạch khô khan, thì người có thiên hướng nghệ thuật lại thường có cách thể hiện sự sáng tạo qua việc bày tỏ cảm xúc, đôi khi họ cũng bị cho là điên rồ với cách hành động của riêng mình. Những hành động đó đi ngược lại những quy chuẩn, hoàn toàn khác biệt với những hành động thường thấy ở số đông.
Vì thế, đối với những trẻ có hành vi, lối suy nghĩ khác thường, cha mẹ đừng cho rằng trẻ là kẻ dị hợm mà hãy cổ vũ cho những cái khác lạ như thế, vì đó là lúc trẻ đang sáng tạo. Hãy để mạch sáng tạo nơi trẻ không bị ngăn trở, bị phá hủy bởi những định kiến, áp đặt của người lớn.
Và để có thể nuôi dưỡng một người có óc sáng tạo, điều cần nhất chính là để cho họ được sống trong một môi trường mà họ có thể tự do suy nghĩ và hành động. Từ đó, những người mang tâm lý tự do sẽ không bao giờ nghi ngờ rằng tại sao phải làm chuyện này, chuyện kia, mà họ sẽ tự ý thức được đó là những thứ cần thiết cho họ.
Khi tôi nói chuyện với sinh viên ở trường tôi, thỉnh thoảng lại nghe được những câu chuyện về lớp học tẻ nhạt. Có những giáo viên rất khó tính, bắt buộc sinh viên phải điểm danh, và vì thế có rất nhiều sinh viên rất miễn cưỡng khi phải đến lớp, một số khác thì đến lớp nhưng lại làm chuyện riêng. Tuy nhiên, với những sinh viên nào có óc sáng tạo một tí thì khi nghe về lớp học như thế, họ lại muốn tìm hiểu xem lớp học này tẻ nhạt đến mức nào, và khi làm như thế thì lớp học tẻ nhạt lại biến thành lớp học thú vị.
Và những sinh viên như thế khi trở thành giảng viên, họ cũng rất chăm chút cho công việc của họ, luôn tìm cách để có được phương pháp dạy mới và khiến cho sinh viên thấy hứng thú. Có một giáo viên tiểu học mà tôi rất kính nể, người đó xếp học sinh ngồi trong lớp theo vòng tròn, ở giữa lớp tạo ra một khoảng trống lớn, và học sinh sẽ được cho thời gian để tự học tại bàn, đôi khi sẽ tập trung ở giữa lớp, trò chuyện với nhau theo nhóm, vừa nghe theo lời chỉ dẫn của giáo viên vừa tự học.
Một điểm đặc biệt thứ hai của tính sáng tạo chính là việc thúc đẩy sự phát triển, luôn quyết tâm chinh phục mọi thử thách. Điều này sẽ giúp nuôi dưỡng những cá tính riêng và được nảy sinh tùy vào những mong muốn của từng cá nhân. Nó sẽ không hề bị ảnh hưởng bởi người khác. Bên cạnh đó, năng lực phán đoán tình hình cũng từ đó mà tăng lên. Bạn có thể dễ dàng thấy điều này khi ngồi chơi với một đứa trẻ. Một đứa trẻ sáng tạo khi lắp ráp đồ chơi sẽ luôn nghĩ cách tạo ra những món đồ chơi mới từ những món đồ chơi cũ hiện có. Chúng sẽ không bao giờ chỉ lắp ráp hoài một món đồ chơi mà sẽ luôn nghĩ ra cái mới. Gặp những mô hình lắp ráp khó khăn, chúng sẽ kiên trì “quậy phá” cho đến khi nào lắp được mới thôi. Vào những lúc như thế, cha mẹ đừng can thiệp, đừng chỉ cách lắp ráp cho trẻ mà hãy để trẻ tự khám phá, dù cho trẻ có yêu cầu cha mẹ hỗ trợ thì cũng đừng giúp nhé. Tùy tình huống, cha mẹ có thể gợi ý cho trẻ tự nghĩ cách. Khi trẻ đã tự mình làm được thì càng khuyến khích trẻ chinh phục những thử thách lớn hơn. Điều này sẽ giúp phát triển tính sáng tạo và sự tự tin ở trẻ.
Điểm đặc biệt thứ ba của tính sáng tạo đó là khi bị kẹt trong những tình huống hỗn loạn, khó khăn, trẻ vẫn biết suy nghĩ cho người khác. Ở những người bình thường, trong những tình huống như thế, họ thường có xu hướng so sánh, phân biệt và hoàn toàn không nghĩ gì cho người khác. Những kiểu người như thế có rất nhiều.
Từ quan điểm này, ta có thể thấy là những người có óc sáng tạo sẽ không đi theo bất kỳ khuôn mẫu nào, thay vào đó sẽ luôn nghĩ cho người khác. Vì thế, nếu muốn trẻ trở thành đứa trẻ có óc sáng tạo thì cha mẹ phải biết nghĩ cho người khác. Là người biết nghĩ cho người khác, trẻ sẽ có thể có được sự tự do.
Đối với những bậc cha mẹ không biết nghĩ cho người khác, họ sẽ gieo vào đầu con trẻ một khuôn mẫu về đứa con ngoan, theo đó cướp mất sự tự do của con mình. Và những đứa trẻ mất đi sự tự do ấy sẽ trở nên thụ động và vô cảm với thế giới xung quanh. Những đứa trẻ như thế sẽ không có ý muốn chinh phục những khó khăn. Vì thế, trẻ sẽ không có được kinh nghiệm giải quyết khó khăn, thêm vào đó là đôi khi lại bị cha mẹ đẩy vào những tình huống bế tắc, bị la mắng, thì lại nảy sinh thêm cảm giác thua cuộc và cuối cùng trở thành đứa trẻ mang tâm lý thua cuộc, lúc nào cũng nghĩ bản thân mình thật tệ hại. Những điều này sẽ xảy ra vào giai đoạn dậy thì, điển hình là những hành vi bạo lực trong gia đình và những hành vi bạo lực học đường, bắt nạt kẻ yếu hơn sẽ nảy sinh.
Những đứa trẻ từ nhỏ đã chịu sự quản thúc nghiêm ngặt từ cha mẹ sẽ có xu hướng ngày càng lánh xa gia đình hơn, và do không nhận được tình thương từ gia đình cho nên đứa trẻ đó có khả năng trở thành một người lạnh lùng, chúng có thể vô tình làm tổn thương người đối diện, hoàn toàn không có suy nghĩ sáng tạo.
Trong việc giáo dục trẻ, quan trọng nhất là phải giáo dục để trẻ phát triển toàn diện. Một đứa trẻ có cá tính là một đứa trẻ có óc sáng tạo. Nếu như điều này được phát huy trong xã hội qua các hoạt động tập thể thì nhiều tài năng sẽ còn được phát triển hơn nữa.