Có hai điều cơ bản trong việc dạy con: điều thứ nhất là để trẻ có thể trở thành một đứa trẻ tự lập; điều tiếp theo chính là đề cao sự tự do của con trẻ. Đã có những nghiên cứu cho rằng sự tự do rất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Mặc dù những tiêu chuẩn về giáo dục đó đang được phổ biến ở các trường học và cũng đã được quy định trong luật pháp, nhưng trên hết việc giáo dục tại gia đình cũng góp một phần vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ.
Trong những năm đầu đời, khi trẻ chưa đi học mẫu giáo thì cha mẹ và người thân trong gia đình là những người tiếp xúc với trẻ nhiều nhất. Vì thế, trẻ chắc chắn sẽ chịu tác động nhiều nhất từ phía gia đình trong giai đoạn này. Và đây cũng là giai đoạn quan trọng nhất hình thành nên nhân cách của trẻ. Ý thức được điều này, cha mẹ cần phải chú ý giáo dục con thành đứa trẻ tự lập, sáng tạo và tự tin ngay từ những năm đầu đời.
Nhưng đáng tiếc, câu nói mà chúng ta thường nghe là “Con nít còn nhỏ thì biết gì, từ từ rồi dạy dỗ”. Hoặc cha mẹ, ông bà vì cho rằng trẻ còn nhỏ chưa biết gì nên luôn áp đặt ý kiến của bản thân lên trẻ. Vô hình trung, chính cha mẹ đã bóp chết tính sáng tạo, khả năng tự lập của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Chuyện gì của trẻ cha mẹ cũng can thiệp vào – từ ăn mặc, mua đồ chơi cho tới cách hành xử. Trẻ chưa cài được cúc áo thì cha mẹ sẽ vội làm thay (vì sợ trễ giờ đi làm chẳng hạn), trẻ chơi đồ chơi xong không dọn dẹp thì cha mẹ cũng dọn giúp, chỉ vì nghĩ rằng “Trẻ còn nhỏ, tay chân vụng về” hoặc là “Trẻ còn nhỏ, chưa biết gì”. Cha mẹ cũng không kiên trì trong việc đặt ra quy tắc cho trẻ và rất dễ thỏa hiệp khi trẻ làm sai. Kết quả của cách giáo dục này là những đứa trẻ lớn lên không ý thức được đúng sai, thiếu tự chủ, thiếu sáng tạo và không có tính tự lập, luôn dựa dẫm vào cha mẹ.
Từ điểm này, chúng ta có thể thấy được rằng cách giáo dục ở gia đình hiện nay đang đi ngược với những điều cơ bản trong phương pháp giáo dục đề cao sự tự do ở trẻ. Sự tự do ở đây là trao quyền cho trẻ trong cả suy nghĩ và trong từng hành động; cha mẹ phải kiên trì đối với nguyên tắc không can thiệp (cần lưu ý rằng, không can thiệp không có nghĩa là bỏ mặc trẻ).
Ví dụ, nếu trẻ muốn tự mình ăn cơm, dù rằng sẽ làm vung vãi thức ăn ra bàn hoặc thậm chí trẻ ăn bốc thì cha mẹ cũng nên để trẻ tự do ăn theo cách của mình. Nhiều khi trẻ chỉ muốn thử cảm giác chạm tay vào thức ăn, hoặc trẻ nhìn thấy một người Ấn Độ ăn bốc nên muốn thử chẳng hạn. Đó là quá trình trẻ khám phá thế giới xung quanh và phát triển tính sáng tạo, tự giác của mình. Đừng bắt trẻ phải ngồi im như người lớn khi ăn, nhất là khi trẻ không muốn. Hoặc cha mẹ vì không muốn phải dọn đồ ăn rơi vãi ra bàn mà một mực đút trẻ ăn, thay vì để trẻ tự ăn.
Cha mẹ nhiều khi vô tình, thậm chí cố ý áp đặt tư tưởng lên con trẻ vì cho rằng trẻ không biết gì, hoặc vì muốn tránh phiền toái cho bản thân nên cố gắng đưa trẻ vào khuôn phép cho dễ dạy. Nhưng khi hiểu về những lợi ích của phương pháp giáo dục đề cao sự tự do, cũng như hiểu tác hại của việc giáo dục cưỡng ép thì cha mẹ cần thay đổi tư tưởng ngay và phải suy nghĩ thật thấu đáo trong việc dạy con.
Chúng ta phải để cho con trẻ phát triển một cách độc lập dựa trên những gì mà chúng có. Khi trẻ chơi đùa thì những ý tưởng sáng tạo sẽ nảy sinh trong trí não. Khi những ý tưởng sáng tạo nhỏ bé ấy nảy sinh bên trong tâm trí trẻ, nó sẽ phát triển thành những điều tuyệt vời. Vì thế, chúng ta phải cho con trẻ có được sự tự do mà chúng cần phải có. Cuốn sách này đã chỉ ra được vì sao chúng ta cần phải suy nghĩ về việc để cho con trẻ tự do phát triển, vì nếu trẻ không được tự do, thì tính cách của trẻ sẽ phát triển một cách lệch lạc, không còn là một con người mà chúng xứng đáng để trở thành.
Phương châm giáo dục
Điều thứ nhất: Chúng ta có nghĩa vụ phải tiến hành tổ chức và tạo điều kiện cho từng cá nhân được phát triển toàn diện về sức khỏe và tinh thần trên cơ sở riêng của mỗi cá nhân, phải đề cao tinh thần và trách nhiệm, phải biết trân trọng lý lẽ và những chân lý, phải tạo ra được những giá trị riêng của bản thân để có thể xây dựng một đất nước hòa bình và xã hội phát triển.
Điều thứ hai: Mục tiêu của giáo dục chính là bằng tất cả các cơ hội, ở bất cứ nơi đâu, giáo dục phải luôn luôn được thực thi. Để làm được điều đó, chúng ta phải luôn nỗ lực, phải coi trọng tầm quan trọng của việc học, và áp dụng những kiến thức đó vào đời sống thực tế, nuôi dưỡng tinh thần, cùng nhau xây dựng đất nước thêm lớn mạnh.