Sáu năm đầu đời giúp trẻ hình thành những kỹ năng để có thể tham gia vào các sinh hoạt trong đời sống gia đình và cộng đồng. Những năm đầu đời sẽ giúp trẻ chuẩn bị tinh thần, sẵn sàng cho việc học hỏi. Nạn thất nghiệp, hành vi bạo lực và bệnh tật (bệnh lý tim mạch, tiểu đường,...) ở người lớn là hậu quả của những yếu tố tiêu cực trong các năm đầu đời, có ảnh hưởng đến thế hệ con cháu sau này.
Não được hình thành tối ưu trong 3 năm đầu đời qua sự tương tác phức tạp giữa các gien và môi trường, quyết định khả năng học tập, ứng xử và sức khỏe trong tương lai của một con người.
Trong những năm đầu đời, nếu được nuôi nấng trong môi trường bị bỏ bê, nhiều căng thẳng hoặc tổn thương (bị lạm dụng hoặc sống trong cảnh nghèo túng), trẻ có thể phải chịu những khiếm khuyết nhận thức và những hậu quả vĩnh viễn về tâm lý.
Sau đây là 7 lý do cho thấy tầm quan trọng của 1.000 ngày đầu đời của con người:
Lý do thứ nhất: Giai đoạn phát triển vượt bậc của não
Trong 1.000 ngày đầu, bé cần nhiều chất dinh dưỡng, cần một môi trường lành mạnh và an toàn và cần được kích thích đúng để não tăng trưởng đầy đủ.
Bạn có biết rằng:
• Lúc sinh, não của bé chỉ được hình thành khoảng 15%.
• Đa phần trong 85% còn lại được hình thành trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời.
• Lúc mới sinh, não người nặng 300 gram.
• Đến 3 tuổi, não người nặng 1,2 kg.
• Não người lớn nặng khoảng 1,4 kg.
Mọi sự mà trẻ nhìn, sờ, nếm, ngửi hoặc nghe đều giúp não lớn lên về suy nghĩ, cảm nhận, cử động và học tập. Vì thế điều quan trọng là bé được kích thích đúng mức để giúp não phát triển tốt.
Lý do thứ hai: “Lắp đặt mạng thần kinh” cho năng khiếu xã hội
Trong 1.000 ngày đầu, não của trẻ tăng trưởng từ 300 gram đến 1,2 kg. Để có sự tăng trưởng đó, ngoài việc được kích thích đúng mức, trẻ còn cần một mối quan hệ yêu thương và an toàn để phát triển một sự gắn bó cảm xúc và học biết tín nhiệm và yêu thương.
Bạn có biết rằng:
• Những mối quan hệ và trải nghiệm sớm ảnh hưởng đến cấu trúc của não.
• Trẻ nhỏ dễ bị tổn thương và có những hậu quả lâu dài về sau khi bị sang chấn trong 3 năm đầu đời.
• Trong năm đầu đời, trẻ nhỏ học cách gắn bó cảm xúc – hay không. Việc học cách gắn bó này thường sẽ được hoàn thành trước 2 tuổi.
• Trẻ nhỏ không có khả năng tự xử lý căng thẳng thần kinh, trẻ cần sự hỗ trợ của người lớn.
• Hệ thống xử lý căng thẳng được hình thành trong 18 tháng đầu đời. Nếu hệ thống xử lý căng thẳng không được phát triển tốt, thì về sau trẻ sẽ có nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực.
• Trẻ nhỏ quá căng thẳng khi lớn lên sẽ khó thiết lập mối quan hệ tín nhiệm với người khác, chẳng hạn như sẽ kém năng lực xã hội và kết quả học tập sẽ kém khi đến tuổi vị thành niên.
Lý do thứ ba: Học kỹ năng thể chất
Trong 1.000 ngày đầu đời, trẻ học những kỹ năng thể chất căn bản và sự tin cậy. Môi trường yêu thương nâng đỡ và kích thích, giúp trẻ học tập tốt.
Bạn có biết rằng:
• Bé sơ sinh không thể tự làm điều gì. Bé không biết vận động bắp cơ hoặc kiểm soát những cử động thể chất.
• Hệ thần kinh của bé chưa được hoàn toàn phát triển.
• Bé chỉ có thể nhìn thấy rõ những đồ vật cách bé độ 20 cm.
• Lúc 4 tháng tuổi, đa số bé có thể ngồi với sự hỗ trợ và giữ vững đầu trong thời gian ngắn.
• Lúc 6 tháng tuổi, đa số bé có thể ngồi mà không cần sự hỗ trợ.
• Lúc 8 tháng tuổi, đa số bé có thể tự đứng lên, đứng và đi với sự hỗ trợ.
• Từ 2 - 3 tuổi, trẻ tập chạy, nhảy, lò cò – tất cả những hành động phức tạp đòi hỏi sự phối hợp não - cơ qua thực hành và động viên.
• Trong giai đoạn này, trẻ cũng học những vận động tinh và phối hợp bàn tay - ngón tay khi chơi với đồ chơi và dùng bút vẽ.
Lý do thứ tư: Học nói
Trong 1.000 ngày đầu đời, trẻ cần người lớn nói chuyện thường xuyên với trẻ. Chỉ khi nghe người lớn nói với nhau và nói với trẻ, mới giúp trẻ khám phá cách con người giao tiếp với nhau.
Lúc đầu trẻ học cách thông truyền cảm giác của trẻ bằng cách gây âm thanh như tiếng ríu rít sung sướng, tiếng càu nhàu của cố gắng và tiếng khóc vì khó chịu và đau đớn. Nhưng chỉ qua trò chuyện mà trẻ học được ý nghĩa của âm thanh (từ ngữ).
Bạn có biết rằng:
• Lúc 12 tháng tuổi, trẻ có thể nắm bắt những cảm xúc sau các từ ngữ. Trẻ cũng có thể đáp ứng những từ đơn giản như “có” hoặc “không” và có thể nhận biết tên của trẻ.
• 6 tháng sau, trẻ hiểu nhiều từ hơn. Trẻ sẽ bắt đầu nhìn và chỉ bằng ngón trỏ những đồ vật thường dùng khi bạn gọi tên: đồ vật như “bàn”, “muỗng”, “chai”, “mèo”, “chó”, “mũi”, “miệng”, “tay”.
• Cuối giai đoạn này, trẻ có thể tự dùng vài từ và hiểu nhiều từ hơn. Ví dụ, người ta ước tính trẻ có thể dùng 5 từ và hiểu 50 từ.
• Lúc 2 tuổi, trẻ có thể hiểu 200 từ và dùng hơn 50 từ. Trẻ có thể nói thành câu rất đơn giản với một cặp từ như “trai chạy”. Và trẻ có thể tự hiểu những câu phức tạp hơn.
• Một năm sau, ngôn ngữ phát triển rất nhanh. Trẻ hiểu sớm cả trăm từ và thêm từ mới hằng ngày. Nhưng không phải chỉ thêm từ mà thôi. Trẻ còn bắt đầu hiểu những từ như “trước”, “sau”, “sau nữa”, và những từ mô tả như “lớn”, “nhỏ”, “tròn”. Lúc 6 tuổi, trẻ đã tích lũy được khoảng 13.000 từ vào vốn từ.
Lý do thứ năm: Nhận biết đúng - sai
Trong 1.000 ngày đầu, trẻ học phân biệt đúng - sai. Tiến trình này tiếp tục suốt thời thơ ấu, đến tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành, khi trẻ trở thành một người biết chăm sóc và có sự phán đoán chín chắn.
Trẻ bắt đầu hiểu cảm nhận người khác, lớn lên trong sự thấu cảm dành cho người khác.
Bạn có biết rằng:
• Cảm giác thấu cảm bắt đầu rất sớm – một trẻ có thể khóc khi nghe một trẻ khác khóc.
• Trẻ có thể ôm và trấn an một người bạn đang cảm thấy khó chịu.
• Trẻ bắt đầu học cách tự kiểm soát cảm xúc.
Lý do thứ sáu: Sức khỏe
Trong 1.000 ngày đầu, sức khỏe của trẻ dễ bị tổn thương. Nóng, khô, thực phẩm dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh lây nhiễm và tiếp cận chăm sóc sức khỏe là những điều cần đặc biệt quan tâm trong việc chăm sóc trẻ 3 năm đầu đời. Sự thật là trẻ gặp nhiều nguy cơ hơn khi sống trong gia đình có thu nhập thấp, nhà ở kém tiêu chuẩn, thiếu dinh dưỡng và không khí gia đình căng thẳng.
Bạn có biết:
• Sự căng thẳng thần kinh của gia đình nghèo có thể ảnh hưởng đến sự phát triển xã hội và cảm xúc của não trẻ.
Lý do thứ bảy: Kinh tế
1.000 ngày đầu rất quan trọng cho sự phát triển tối ưu của trẻ, để trẻ trở thành một người lớn đạt năng lực đầy đủ và trở thành một người đáng yêu, dấn thân vào xã hội, được giáo dục tốt, góp phần phát triển xã hội và kinh tế quốc gia.