Những bông hoa rực đỏ

Phu La Nhích1 một ngàn ngày bám trụ

Một ngàn ngày bom giội, đạn xuyên

Khóm bom trùm nhòa cua tay áo

Ngầm Ta Lê cột nước trắng bùng lên

Phu La Nhích tám cây số ngày đêm

Hồ chồng hố

Lỗ chỗ vết loang

Chất độc da cam

Cây rũ lá héo vàng

Trắng góc trời, sậm đất

Mảnh bom găm

Gốc sù sì ứa nhựa

Bụi tro đen gió thốc lùa mũi thở

Mưa ào tuôn bùn níu bước chân…

Phu La Nhích sự sống chết dần

Đàn kiến nhỏ xác khô

Cá trắng bụng xoay tròn vực nước

Đêm nối ngày bom trùm, đạn chớp

Chỉ có chúng em

Trung đội con gái ba bảy người

Tuổi trăng tròn, quê mỗi đứa một nơi

Nhà là hang, đá nền giường ngủ

Cơm gạo mốc rau rừng thay bữa

Chấy bu đầu thâm sì, ghẻ, ngứa

Đêm chuột cắn tay bật máu kêu trời

Sốt rét vàng da, tóc rụng thưa rồi

Hang thành nấm mồ, bom vùi tọa độ…

Phu La Nhích một nghìn ngày rực đỏ

Cua Chữ A, ngầm Ta Lê ngày đêm

Cuốc vẹt lưỡi, xẻng mòn thân

Xe long bánh, càng gãy vênh

Tay chai rộp, sưng đỏ rụng móng

Áo rịn mồ hôi lấm tấm loang lưng

Đá trắng thành vôi

Bom chồng bom

Đạn nối đạn

Chớp lòa bụi đỏ

Chúng em san đường, phá bom, lấp hố…

Ngầm thông xe cho anh vào tuyến lửa

Những sư đoàn ào ạt hướng Nam

Em yêu con đường nên chẳng ngại gian nan

Như mạch máu, trái tim mình trong đó

Gặp em giữa cung đường hỏi nhỏ:

“Sức đâu em bám trụ nơi này?”

Em mỉm cười:

“Bom đạn có chừa ai

Chúng em đây để các anh yên lòng vào trong

đánh giặc”.

Mùa xuân giữa trọng điểm đại ngàn năm ấy

Đại tướng đến thăm ngợi khen2:

“Các cô không phải người thường, mắt thịt

Mà là người thân sắt, chí thép…”

Chúng em - những cô gái mảnh mai

Như những đóa hoa rừng rực đỏ

Bừng sáng đường Trường Sơn gian khổ

Xứng đáng được Đại tướng đặt tên

“Trung đội thép nữ công binh” anh hùng!

1. Đèo Phu La Nhích nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn (Lào), cùng với ngầm Ta Lê, cua Chữ A, trọng điểm kéo dài 8km. Những năm 1971-1973, máy bay Mỹ đã bắn phá hơn 10.000 lần. Ở đây có chị Đinh Thị Thìn (quê Xuân Giang, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cùng 37 chị em thuộc Trung đội 3, Đại đội 3, Tiểu đoàn 33 Trường Sơn đã anh dũng bám trụ và lập nhiều thành tích xuất sắc.

2. Tháng 3 năm 1973, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm Trung đội nữ công binh ở đây. Đại tướng đã ngợi khen và tặng quà cho các chị.