“Đôi khi, công việc làm cha mẹ chẳng khác nào nuôi dưỡng một cánh tay luôn tìm cách cắn mình.”
– Peter De Vries
Những nội dung chính
▪ Làm cha mẹ vừa là kỹ năng vừa là bản năng.
▪ Cảm giác tức giận và thất bại cùng những ký ức buồn trong quá khứ có thể ảnh hưởng đến cách bạn nuôi dạy con.
▪ Tính khí của bạn có thể hòa hợp hoặc mâu thuẫn với tính khí của trẻ.
▪ So với những người cổ đại, chúng ta sống cuộc sống bận rộn, khép kín và xa cách – đó không phải là những điều kiện tốt để nuôi dạy trẻ chập chững.
Bạn đã đi đến giai đoạn này – trở thành một vị đại sứ háo hức và đầy quan tâm tới “người bạn tiền sử” nhỏ bé của mình. Hãy nói cho tôi biết, bạn có luyện tập nhiều trước khi nhận công việc này không? Ngoại giao là một nhiệm vụ tương đối khó khăn và hầu hết chúng ta ít được huấn luyện cách làm cha mẹ – ít hơn so với việc học để lấy bằng lái xe! Bởi vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta thường cảm thấy mơ hồ, chúng ta nuôi dạy con cái theo cách cha mẹ mình đã từng – hoặc hoàn toàn ngược lại!
Mặc dù hầu hết các bậc cha mẹ đều biết rằng thời kỳ trẻ chập chững sẽ có rất nhiều thách thức nhưng rất ít người hiểu những khó khăn ấy thực sự sẽ như thế nào. Điều đó thường trở nên rõ ràng hơn khi lần đầu tiên bạn và trẻ mâu thuẫn với nhau.
Và… bùm! Bỗng nhiên bạn nhận ra rằng mặc dù công việc của bạn là hướng dẫn trẻ với tình yêu thương tràn ngập thì công việc của trẻ lại là gào thét, tát và phun nước bọt. Đó chính là thời điểm để kiểm tra xem bạn đang ở nấc thang nào của sự văn minh!
Trẻ trở nên giận dữ không có nghĩa là bạn cũng nên như vậy! (Một người thượng cổ trong nhà là quá đủ rồi!) Hãy lặp đi lặp lại rằng: “Mình văn minh hơn cả triệu năm so với con cơ mà!”
Thiên thần trong mắt hay viên sỏi trong giày?
5 nguyên nhân khiến công việc làm cha mẹ đòi hỏi rất nhiều thử thách
Bạn sẽ phải đối mặt với hàng ngàn, hàng vạn những khó khăn khi trở thành cha mẹ, nhưng sau đây là 5 khó khăn hàng đầu có thể khiến ngay cả những bậc phụ huynh hoàn hảo nhất cũng phải e dè (nếu những phụ huynh như thế thực sự tồn tại, nhưng mà chẳng có đâu).
▪ Cảm thấy bực bội – những hành vi của trẻ có thể khiến bạn bực bội hoặc thậm chí tức giận.
▪ Cảm thấy thất bại – những mâu thuẫn hằng ngày với trẻ có thể khiến bạn mất niềm tin vào bản thân.
▪ Lời thì thầm từ quá khứ – những cảm xúc không được giải tỏa trong thời thơ ấu có thể quay trở lại ám ảnh bạn.
▪ Tính khí – tính khí của cha mẹ và trẻ hoàn toàn có thể đối lập nhau như hình chấm bi và hình kẻ sọc.
▪ Cuộc sống hiện đại – phong cách sống hiện đại không được lập trình để giúp chúng ta trong quá trình nuôi dạy trẻ chập chững.
Nuôi dạy trẻ chập chững nghĩa là gì?
“Nếu lúc đầu bạn không hiểu gì… thì điều đó cũng bình thường thôi!”
– M. H. Aldeson
Bạn hãy chọn cách mô tả cảm giác của một phụ huynh có con trong độ tuổi chập chững mà bạn cảm thấy phù hợp nhất:
1. Đôi khi tôi nghĩ tôi có thể chăm hai bé sinh đôi cũng được.
2. Đôi khi tôi nghĩ tôi rất vững vàng.
3. Đôi khi tôi có cảm giác mọi việc càng ngày càng tồi tệ.
4. Đôi khi tôi bị quá tải.
5. Đôi khi tôi có cảm giác mình là kẻ thất bại.
Dù câu trả lời của bạn có là gì trong số những điều trên thì bạn cũng hoàn toàn đúng!
Giống như hầu hết các bậc cha mẹ khác, tôi mỉm cười khi con tôi được khen và cảm thấy xấu hổ khi con cư xử thô lỗ. Theo bản năng, chúng ta coi con trẻ như sự nối dài của bản thân mình. Tuy vậy, trong thực tế, hơn một nửa những hành vi của trẻ ở độ tuổi chập chững là do ảnh hưởng của tính khí riêng của chúng đồng thời cũng do trẻ đang ở trong giai đoạn “sơ khai” của nấc thang phát triển – những yếu tố đó hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta.
Cũng chính vì những lý do trên, ba năm tiếp theo chắc chắn sẽ tràn đầy những ngày vui vẻ cùng những thử thách không thể lường trước được. Tôi không cần biết bạn là một CEO hay một người mang quân hàm cấp tướng, bạn vẫn cần phải làm quen với khái niệm rằng, khi là cha mẹ, bạn sẽ có thể gặp rất nhiều thất bại. Hãy luôn luôn nỗ lực hết sức nhưng cũng đừng quá khắc nghiệt với bản thân. Ngay cả những cầu thủ bóng chày giỏi nhất cũng chỉ đánh trúng một phần ba trong tổng số những lần cầm gậy mà thôi.
Bực bội: Cảm xúc phổ biến thứ hai ở hầu hết các bậc cha mẹ sau tình yêu
Không sao, cứ tức giận đi – rồi cố mà bình tĩnh lại!
Bạn đối mặt với tất cả những chuyện này như thế nào? Bạn có kiểm soát được đứa trẻ “hoang dã” bé nhỏ của bạn với thái độ điềm tĩnh không? Hay bạn để trẻ kéo mình vào vòng tròn đấu vật, nơi bạn cũng bắt buộc phải “ra tay”?
Nếu bạn đang cố gắng để “chiến đấu”, tôi hoàn toàn đồng cảm. Tất cả chúng ta đều phải trải qua giai đoạn ấy. Trẻ biết cách để chọc giận chúng ta, và ta phản ứng như chúng muốn! Nhưng la hét và dọa dẫm chỉ khiến trẻ cư xử ngoan ngoãn vì bị hăm dọa, chứ không phải vì tình yêu thương. (Tôi sẽ nói về việc đánh đòn trẻ sau, còn ngay bây giờ tôi có thể nói rằng ngay cả những người ủng hộ hình phạt này cũng thường khuyên các phụ huynh khác không bao giờ được đánh trẻ khi họ đang tức giận).
Peter – bố của bé Andrew 3 tuổi nói: “Có những hôm chuyện gì thằng bé làm cũng khiến tôi nổi giận. Cuối cùng, chính tôi lại cảm thấy giận dữ với bản thân mình!”
Bạn nên làm gì khi cảm thấy nỗi giận dữ sục sôi trong lòng? Khi ấy, bạn nên cố gắng coi mình như một người đấu bò tót thay vì một võ sĩ đấm bốc. Hãy lùi lại, để những đòn tấn công của trẻ trượt qua bên phải như khi chú bò tót hướng cặp sừng về phía người đấu bò.
Để cảm xúc của bạn có thể dịu lại, bạn hãy đi ra chỗ khác trong khoảng một phút (biện pháp cách ly ngắn (time-out) đối với cha mẹ), sau đó viết về những vui buồn trong ngày vào nhật ký. Một cuốn nhật ký viết tay sẽ giúp bạn hình dung ra quy luật của các vấn đề mà trẻ gây ra và các chiến lược để giải quyết chúng. Ví dụ, bạn thường có thể tránh được những cơn thịnh nộ của trẻ bằng cách cho trẻ ăn thêm một bữa ăn nhẹ vào buổi sáng, chơi ngoài sân 10 phút sau bữa trưa, kể chuyện trước giờ đi ngủ hoặc làm những điều tương tự như vậy.
Một điều tôi khuyên bạn không nên làm là phớt lờ cảm giác tức giận và buồn bực của bạn. Kìm nén cảm xúc không có lợi cho sức khỏe. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là bạn nên để cảm xúc bùng nổ trước mặt trẻ. La hét không bao giờ là giải pháp! Nếu trẻ là người nhạy cảm và cẩn trọng, bạn sẽ khiến trẻ sợ hãi. Nếu trẻ có tính khí mạnh, bạn sẽ càng khiến trẻ khó kiềm chế và hợp tác hơn.
Khi bạn cảm thấy quá tức giận, hãy đi chỗ khác và hét vào một cái gối, đấm xuống đệm, hoặc (như tôi vẫn làm) đào một cái hố thật sâu trong vườn. Những phản ứng bạn có thể thể hiện trước mặt trẻ bao gồm dậm chân, vỗ mạnh tay, vờ gầm gừ như một chú chó, nhảy lên nhảy xuống, dùng sáp màu vẽ chằng chịt, sau đó xé tờ giấy thành trăm mảnh. Bên cạnh đó, những đứa trẻ “tiền sử” cũng sẽ hiểu nếu bạn làm như Tarzan – đấm tay vào ngực và hú lên giận dữ.
Nếu chẳng may bạn không giữ được bình tĩnh được trước mặt trẻ, hay coi đó là cơ hội để biến một quả chanh chua thành cốc sinh tố chanh tươi mát. Hãy xin lỗi trẻ ngay khi bạn đã bình tĩnh! Khi cả hai đã trở lại bình thường, hãy dành một phút để nói với trẻ rằng bạn tha thứ cho trẻ và rằng tình yêu luôn mạnh hơn sự giận dữ. Với trẻ chập chững dưới 2 tuổi, bạn có thể nói, “Con bảo: ‘Đừng hét, mẹ ơi! Không, không, không – không hét. Không, không, không!’ Mẹ yêu con. Stevie có muốn mẹ ôm con không?” Đối với trẻ lớn hơn, bạn hãy thử nói: “Mẹ xin lỗi vì mẹ đã hét lên. Mẹ thấy giận quá. Mẹ hét là sai rồi. Nhưng việc mẹ hét không có nghĩa là mẹ bớt yêu con đi chút nào. Mẹ yêu con nhiều như một quả núi, to như một con voi!!! Mẹ ôm con thật chặt nhé? Con yêu, thật dễ chịu! Đập tay với mẹ nào!” Sau khi trẻ đã đập tay với bạn, hãy giả vờ vẫy tay mạnh như thể bạn bị đau và kêu: “Í, Ôi, ôi, ôi…! Con khỏe quá!” Trẻ sẽ cười và cảm thấy nhẹ nhõm hơn!
Bạo hành trẻ em
Sara Jane kể: “Một hôm, tôi cảm thấy vô cùng tức giận, tôi ném cái điều khiển và làm vỡ nó. Bố mẹ tôi đã từng rất hay cáu giận và tôi rất sợ mình sẽ mất bình tĩnh với Kimmie. Nhưng khi bé nhìn thẳng vào tôi và không chịu nghe lời, có gì đó vỡ vụn bên trong tôi, như thể bé đang thách thức tôi vậy!”
Trong cuốn sách tuyệt vời của mình Hiểu tính khí của trẻ (Understanding your child’s temperament), tác giả William Carey nói rằng: “Tính khí của trẻ có thể là nguồn kích động sự tức giận của cha mẹ và khiến họ mất kiểm soát”. Thật khó để tránh cảm thấy giận dữ nhưng bạn cần ngừng hành động giận dữ.
Bạn không bao giờ nên bộc lộ cơn giận của mình bằng cách đánh hay nói những lời khiến người khác tổn thương. Không một người cha, người mẹ nào muốn thét lên với con mình, nhưng nếu bạn mất kiên nhẫn hết lần này đến lần khác, bạn cần tìm cách thay đổi. Sau đây là một số gợi ý dành cho bạn:
▪ Tìm thêm sự trợ giúp từ phía gia đình hoặc tìm nhà trẻ cho trẻ.
▪ Đừng ôm đồm và cố gắng hoàn thành quá nhiều việc cùng lúc.
▪ Sắp xếp thời gian để giải trí (và ngủ).
▪ Nhờ bác sĩ tư vấn về các nhóm hỗ trợ hoặc các nguồn trợ giúp khác hoặc đơn giản là xin lời khuyên.
Có thể bạn không thể thay đổi được hoàn cảnh nhưng bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận vấn đề. Trong khi đối mặt với tất cả những khó khăn trong cuộc sống, đừng quên rằng vẫn có rất nhiều những điều tốt đẹp trong cuộc đời bạn!
Cuối cùng, bạn và người bạn đời của mình nên dành thời gian để chăm sóc và yêu thương nhau nhiều hơn. Nếu có thể nói, trẻ sẽ nói với bạn rằng: “Bố mẹ ơi, đừng kiệt sức – con thực sự sẽ cần đến bố mẹ đấy!” Nếu là cha/mẹ đơn thân, bạn sẽ càng cần được nghỉ ngơi, vì thế hãy tận dụng mọi cơ hội để làm điều đó. Hãy cố gắng ngủ, cười, hít thở không khí trong lành và dành có một chút thời gian cho riêng mình và chắc chắn rằng bạn có một người bên cạnh có thể lắng nghe bạn mà không cần khuyên bảo, chỉ trích hay thương hại.
Bạn nên làm gì khi thấy mình mệt lả?
“Nơi duy nhất bạn tìm thấy sự hoàn hảo chính là ở trong một cuốn từ điển.”
– Ngạn ngữ cổ
Lynne bật khóc khi nói chuyện với mẹ qua điện thoại. Sáng hôm đó, Josh – cậu con trai 20 tháng tuổi của cô – cắn bạn cùng chơi trong nhóm. Đây là lần thứ ba bé cắn bạn mình và lần này bé cắn mạnh đến nỗi người phụ trách nhóm nói với Lynne rằng lần sau cô không nên đưa bé đến nữa. “Khi còn nhỏ, thằng bé thật hoàn hảo”, cô nói trong nước mắt. “Con đã làm gì sai sao?”
Chúng ta tự hào vì được khen ngợi mỗi khi con cái chúng ta cư xử lễ độ, bởi thế mỗi khi các bé làm người khác khó chịu, chúng ta thường hay nghĩ rằng đó là dấu hiệu mình là người cha, người mẹ tồi – mặc dù chúng ta biết phần lớn những hành vi của trẻ phụ thuộc vào bản tính và những động cơ đầy “nguyên thủy” của chúng.
Còn bạn thì sao? Bạn có nghĩ rằng mình là người chịu trách nhiệm về tất cả những thành công và thất bại của con mình không? Bạn có khó chịu mỗi khi con ăn vạ không? Nếu có, mong bạn hãy nhìn nhận vấn đề bao quát hơn. Những ngày tháng này sẽ trôi qua nhanh như chớp và rồi bạn sẽ thấy mình nhớ chúng đến nhường nào, cho dù những giây phút khó khăn đã từng khiến bạn chán nản: trẻ lúc nào cũng mút ngón tay cái, trẻ hét lên chỉ vì chiếc bánh quy bị vỡ, thậm chí chiến tranh nổ ra chỉ vì trẻ nhất định không chịu bỏ bạn gấu bông ra để đi tắm!
Thay vì khiến bản thân mình rầu rĩ, tôi rất mong bạn hãy nhớ rằng, đứa trẻ “tiền sử” của bạn cũng đang nỗ lực để vượt qua hằng triệu năm tiến hóa với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng, bởi thế, khó khăn không là của riêng ai. Nói với trẻ về những việc tốt trẻ đã làm là một điều khôn ngoan, đồng thời, bạn cũng sẽ cảm thấy tinh thần dễ chịu hơn khi tự nhắc mình về hai hay ba điều tốt đẹp bạn đã làm được trong ngày trước khi đi ngủ.
Trước hôm sinh nhật lần thứ ba của Sam, Tracy thú nhận: “Buổi sáng hôm sinh nhật của bé, tôi đã thực sự cảm thấy tuyệt vọng. Con hành động bất cần và phớt lờ mọi điều tôi nói. Nhưng khi chúng tôi đến công viên Disneyland, con lại rất vui vẻ và dễ chịu. Sau đó tôi thấy những cặp cha mẹ khác đang vật lộn để kiềm chế con mình và tôi nhận ra rằng tất cả mọi người đều có lúc khó khăn, lúc thoải mái. Chính điều đó đã khiến tôi cảm thấy lạc quan hơn.”
Đương nhiên, tất cả chúng ta đều có những lúc khó khăn. Thỉnh thoảng thất bại không có nghĩa bạn là người hoàn toàn thất bại. Sự thật là chính những sai lầm sẽ đưa ta đi nhanh hơn trên con đường dẫn đến thành công bởi chúng giúp ta học cách làm việc tốt hơn. Trên thực tế, hầu hết chúng ta học hỏi được nhiều từ thất bại hơn từ những thành công.
Và đây là một lời an ủi nho nhỏ nữa: Một số trẻ trong độ tuổi chập chững thường chỉ hành động thiếu chừng mực nhất khi ở cạnh mẹ. Các bé đợi để làm phiền mẹ bởi mẹ chính là người khiến chúng cảm thấy an toàn nhất. Vì thế, bạn hãy coi đó như một cách những đứa trẻ “tiền sử” này ngợi khen bạn.
Một ngày tồi tệ? Không thể trốn tránh, chỉ có thể cố gắng mà thôi
Bạn hãy nhớ đến câu nói nổi tiếng của Scarlett O’Hara (trong Cuốn theo chiều gió) và tự nhắc nhở bản thân mình rằng “Ngày mai chắc chắn là một ngày khác”. Tiến sĩ Seuss – nhà văn viết truyện thiếu nhi được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ – đã bị từ chối tổng cộng 28 lần trước khi một nhà xuất bản cuối cùng nhận ra giá trị trong các tác phẩm của ông. Vở diễn trên sân khấu thử nghiệm tại Broadway của Barbra Streisand mở màn và kết thúc trong cùng một đêm! Một tờ báo đã sa thải Walt Disney bởi ông “thiếu trí tưởng tượng và không có ý tưởng gốc”. May mắn thay, trong quãng thời gian làm cha mẹ, chúng ta có rất nhiều cơ hội thứ hai.
Lời thì thầm từ quá khứ: Kiểm soát sự xâm nhập của kí ức
“Hạnh phúc là khi bạn có sức khỏe tốt và trí nhớ tồi.”
– Ingrid Bergman
Những trải nghiệm cùng con cái thường gợi lại trong chúng ta những ký ức tuổi thơ. Thông thường, đó sẽ là những cảm xúc tuyệt vời. Mùi bánh quy có thể bất ngờ gợi lên những suy nghĩ ấm áp và hạnh phúc về những lần bạn cùng nấu ăn với mẹ. Nhưng đôi khi, lũ trẻ lại góp phần gợi lại những ký ức buồn.
Debby rất tự hào khi đi ăn tối với chồng – Andy – và hai đứa con sinh đôi 3 tuổi – Sophia và Audrey trong Ngày của mẹ. Nhưng niềm hạnh phúc của cô nhanh chóng chuyển thành sự tổn thương khi hai đứa trẻ bắt đầu đánh nhau về việc ai sẽ được ngồi cạnh Andy. “Con không muốn mẹ. Con muốn bố cơ!” Điều này khiến Debby đau lòng bởi nó gợi lại trong cô những cảm xúc khi bị lũ trẻ trên sân chơi xua đuổi lúc còn nhỏ.
Tôi luôn nói với các bậc cha mẹ tại các buổi hướng dẫn của mình rằng khi trẻ làm điều gì đó khiến bạn giận dữ, hãy dừng lại chỉ một giây thôi, nhấc nỗi tức giận lên như thể đó là một cái nắp chai, và nhìn vào bên trong xem bạn thấy được gì. Có lẽ bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy trong đó chứa những cảm xúc hoàn toàn khác, như tổn thương, ngượng ngùng, tội lỗi hay hổ thẹn. Khi bạn đã nhận ra điều đó, hãy nói chuyện với một người bạn tin tưởng về những cảm xúc này. Hãy cho phép bản thân mình được trải nghiệm những cảm xúc ấy thật trọn vẹn! Hãy khóc, hãy gào thét, và hãy dành một chút thời gian để nhớ lại những kỷ niệm đau buồn! Cảm xúc của bạn sẽ được chữa lành và cảm xúc của con bạn cũng vậy!
Ngay cả khi trẻ khiến bạn gần như muốn phát điên, hãy cố gắng nhớ rằng đó không phải là dấu hiệu của sự ích kỷ hay trẻ không yêu bạn. Đó chỉ là phản ứng nguyên thủy của một đứa trẻ “tiền sử” đang mất kiểm soát mà thôi.
Tính khí: Trái dấu không phải lúc nào cũng hút nhau
Con giống bạn như đúc – hay là một sinh vật đột biến gen đến từ sao Hỏa? Bạn và con xung khắc hay hòa hợp? Ở Chương trước, tôi đã thảo luận về việc tính khí bẩm sinh có ảnh hưởng to lớn như thế nào tới hành vi của trẻ. Bây giờ, chúng ta hãy cùng thư giãn một chút và xem xét tính khí của bạn nhé (Đúng vậy! Bạn cũng có tính khí mà!)
Judy sống trong một thế giới hoạt động với vận tốc 97km/h, nhưng các con cô thì luôn trong trạng thái tinh thần “ì ạch và chậm chạp”. Trên thực tế, Judy đặt biệt danh cho Emily và Ted là Vạch giảm tốc #1 và Vạch giảm tốc #2 bởi các bé buộc cô phải chuyển đổi từ nhịp điệu nhanh chóng bình thường sang trạng thái rùa bò.
Rất ít cha mẹ hòa hợp hoàn toàn với con cái. Hầu hết chúng ta thường xuyên mâu thuẫn với các bé. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều khác biệt. Các nhà tâm lý học đã sáng tạo ra một thuật ngữ rất phù hợp để nói về sự hòa hợp giữa tính khí của cha mẹ và con cái: sự hòa hợp thần thánh.
Câu nào trong số những câu dưới đây mô tả chính xác nhất sự hòa hợp của bạn và trẻ chập chững?
▪ Tôi rất gọn gàng và có kỷ luật. Con gái tôi thì lộn xộn và bừa bãi.
▪ Tôi thích chăm sóc và ôm ấp, vỗ về con. Con trai tôi không thích người khác chạm vào mình.
▪ Tôi thích thể thao. Con trai tôi lại rụt rè và không chịu thử những điều mới lạ.
▪ Tôi là con người của tiệc tùng. Con gái tôi lại rất nhạy cảm và giật mình ngay cả khi nghe thấy tôi cười lớn.
▪ Tôi rất tôn trọng và công bằng với mọi người. Con trai tôi lại bảo thủ, bướng bỉnh và chẳng chịu nghe ai.
Những bậc cha mẹ sôi nổi có thể cảm thấy buồn chán khi có những đứa con hiền lành. Những người dịu dàng, ít nói lại thường phiền lòng bởi những đứa trẻ “tiền sử” quá sôi nổi của mình. Nhưng đôi lúc, rắc rối vẫn có thể nảy sinh ngay cả khi cha mẹ và con cái có tính khí quá giống nhau. Chẳng hạn, cha mẹ bướng bỉnh và những đứa con bướng bỉnh có thể là sự kết hợp sẵn sàng bùng nổ mâu thuẫn bất cứ lúc nào. Tuy vậy, thông thường mọi chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu chúng ta có những đứa con tương đối giống mình.
Bạn có thể xem danh sách những nét tính cách tiêu biểu và tự đánh giá mức độ cảm xúc, tính khí của bản thân mình. Sau đó, bạn hãy thử so sánh. Bạn tự hào nhất về nét tính khí nào của bản thân mình? Nét tính khí nào bạn muốn rũ bỏ ngay lập tức?
Tất nhiên, bạn sẽ không thể thực sự không còn có cường độ cảm xúc mạnh hay cẩn trọng nữa, nếu đó là bản tính của bạn. Bạn có thể điều chỉnh chúng đôi chút nhưng nhìn chung, một cuộc sống thực sự hạnh phúc bao gồm việc chấp nhận tất cả những thứ thuộc về bản thân mình, cả tốt và xấu, và chơi ván bài số phận với tất cả niềm vui cùng sự chính trực mà bạn có thể có.
Tương tự như vậy, một phần của việc có một gia đình hạnh phúc bao gồm cả việc học cách từ bỏ ý nghĩ về một đứa trẻ “hoàn hảo” mà đôi khi bạn vẫn mường tượng. Thay vào đó, hãy yêu trẻ với tất cả những điểm mạnh và điểm yếu của trẻ! Hãy yêu cô bé đầy nữ tính của bạn cho dù bạn đã kỳ vọng bé sẽ mạnh mẽ và cá tính! Hãy trân trọng cậu bé hay ngượng ngùng của bạn cho dù bạn đã luôn mong muốn bé sẽ trở thành một lớp trưởng năng nổ! Hãy chăm sóc con bằng tình thương yêu và sự tôn trọng – đó chính xác là những gì trẻ cần để lớn lên và trở thành đứa trẻ sẽ luôn khiến bạn tự hào!