“Nếu tôi chấp nhận ánh nắng mặt trời và sự ấm áp, thì tôi cũng phải chấp nhận cả sấm sét và chớp giật nữa.”
– Kahlil Gibran
Những nội dung chính
▪ Hiểu tính khí cũng quan trọng như hiểu các giai đoạn phát triển của trẻ.
▪ Mỗi trẻ đều sở hữu tính khí độc nhất vô nhị; không có hai đứa trẻ nào giống nhau hoàn toàn cả.
▪ Bạn không thể thay đổi tính khí của trẻ nhưng bạn có thể tìm cách phối hợp với nó.
▪ Tính khí thường xuất hiện với ba kiểu nổi bật: dễ chịu, cẩn trọng và tính khí mạnh.
▪ Hãy cẩn thận khi định danh cho tính khí của trẻ – những lời nói của bạn có thể khuyến khích trẻ nhưng cũng có thể gây tổn thương cho trẻ.
Bạn chính là chuyên gia giỏi nhất về con bạn. Chỉ cần một giây để lắng nghe tiếng cười khúc khích của trẻ thôi là bạn đã có thể tìm thấy trẻ giữa hàng trăm trẻ khác. Khuôn mặt của trẻ là duy nhất, giọng nói của trẻ là duy nhất và tính cách của trẻ cũng là duy nhất!
Mỗi đứa trẻ được sinh ra với những tính cách tương ứng với những dấu vân tay của trẻ. Trẻ sẽ sở hữu một vài trong số vô vàn những nét tính cách khác nhau như thông minh, hài hước, chính trực và những đặc tính thú vị khác được gọi chung là tính khí.
Tính khí là cách một người tương tác với thế giới: tốc độ, thái độ, sự linh hoạt, tâm trạng chung và rất nhiều yếu tố khác. Các giai đoạn phát triển của trẻ cũng giống như tất cả các trẻ khác; nhưng tính khí của trẻ – giống như hình dáng một bông tuyết – hoàn toàn là của riêng trẻ. Hiểu được những giai đoạn phát triển của trẻ sẽ giúp bạn biết được những mốc phát triển nào trẻ đang hướng tới đồng thời dự đoán xem trẻ sẽ chào đón những giai đoạn đó với sự thích thú hay tiếp cận nó bằng sự thận trọng.
Nắng ấm, tuyết rơi, bão tố – đâu là tính khí của con bạn?
“Nắng ấm thơm tho, mưa thì tươi mát, gió thật mạnh mẽ, tuyết lại đầy hứng khởi; không có cái gọi là thời tiết xấu, chỉ là có nhiều kiểu thời tiết đẹp khác nhau mà thôi.”
– John Ruskin
Ngay cả trong thời kỳ của tổ tiên người tiền sử sinh sống, tôi cũng dám chắc rằng có sự tồn tại của những nét tính khí khác nhau. Mỗi bộ tộc sẽ tồn tại những chàng Tarzan vui vẻ, một số chàng Tarzan hay xấu hổ, một số dễ tính, một số giống như những chàng rocker thời hiện đại với tính khí bốc đồng, thiếu kiên nhẫn và luôn luôn sôi nổi! Các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về loài tinh tinh cũng tìm thấy những nét tính cách khác biệt trong cộng đồng loài vượn hoang dã.
Hiểu tính khí của trẻ cũng quan trọng như việc bạn cần biết rõ hôm nay thời tiết sẽ ra sao. Ví dụ như khi bạn muốn đi dạo. Vậy hôm nay trời nắng nóng hay có tuyết rơi? Hơn nữa, khi biết mình hy vọng chuyện gì sẽ xảy ra, bạn sẽ có thể chuẩn bị một chút và buổi đi chơi sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Cuối cùng, nếu bạn chuẩn bị áo quần phù hợp với thời tiết bên ngoài thì ngay cả mùa đông giá lạnh cũng sẽ trở nên tươi đẹp và lộng lẫy.
Tương tự như vậy, khi bạn phải đưa một đứa trẻ chập chững cùng đi đến cửa hàng, việc biết được tính khí của trẻ – trẻ nhanh nhẹn hay chậm chạp, thích thú hay e sợ những địa điểm mới, dễ hay khó thích nghi với sự thay đổi – việc này sẽ giúp bạn lên kế hoạch làm công việc hằng ngày sao cho phù hợp với tính cách của trẻ. Hy vọng rằng điều đó sẽ giúp bạn tránh được những trận cuồng phong và hướng tới cầu vồng!
Đến nay, chúng ta vẫn chưa thực sự hiểu rõ tính khí của con người được di truyền qua hệ gen như thế nào. Nhưng nhìn chung, “cha nào con nấy”. Cha mẹ dè dặt thì con cái cũng dễ xấu hổ, cha mẹ ầm ĩ thì con cái cũng có khuynh hướng ồn ào. Nhưng cũng có những trường hợp hai người thủ thư dịu dàng, nhỏ nhẹ lại có một đứa con ồn ào, sôi nổi.
Chín nét tính khí cơ bản mà con bạn có thể sở hữu khi sinh ra nhìn chung cũng sẽ không có nhiều thay đổi trong suốt 18 năm sau đó. Nếu trẻ trưởng thành để trở thành một bông hồng, trẻ sinh ra sẽ giống một nụ hồng. Điều đó không có nghĩa là bạn hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến trẻ. Với sự quan tâm luôn được điều chỉnh sao cho phù hợp với nhu cầu độc đáo của trẻ, bạn có thể giúp bụi hồng đó lớn lên khỏe khoắn, mạnh mẽ và nở hoa rực rỡ.
Sự đa dạng là gia vị của cuộc sống (và nền tảng của xã hội)
Sẽ thật khủng khiếp nếu thế giới này không tồn tại các bác sĩ, nhưng cũng sẽ khủng khiếp không kém nếu tất cả mọi người trên thế giới đều trở thành bác sĩ. Chúng ta cần các nhà lãnh đạo và những người được dẫn dắt, người tư duy và người hành động, những người biết lo lắng và cả những người hoàn toàn vô lo vô nghĩ. Những nét tính cách khác nhau tạo nên một thế giới đủ đầy.
Vì thế, mặc dù vì một lý do nào đó nhiệm vụ của bạn là nuôi dưỡng một chú hổ con với hàm răng sắc nhọn thì bạn cũng nên nhớ rằng chú hổ ấy sẽ đóng một vai trò quan trọng trong xã hội.
Ba kiểu tính khí tiêu biểu nhất
Không phải tất cả các bậc cha mẹ đều làm những công việc giống nhau. Ngay khi trở thành một bác sĩ nhi khoa, tôi nhận thấy rõ ràng rằng một số trẻ dễ tính với cha mẹ của mình hơn những trẻ khác. Nhiệm vụ của bạn là nuôi dạy một đứa trẻ – đó là con của bạn. Để làm tốt nhiệm vụ ấy, bạn cần trả lời một câu hỏi, “Tính khí của đứa con chập chững của bạn là gì?”
Tất cả chín đặc điểm tính khí đều xuất hiện ở tất cả trẻ em. Nhưng các chuyên gia nhi khoa đã nhận thấy rằng khi họ cẩn thận đánh giá hành vi của trẻ thì sự kết hợp của chín đặc điểm này thường tạo nên ba kiểu tính khí sau:
▪ Trẻ dễ chịu (chiếm 40%). Những đứa trẻ này rất linh động, hoạt bát, cường độ cảm xúc không quá mạnh mẽ và thường dễ thích nghi với những tình huống mới. Các bé thức dậy với tâm trạng thoải mái, vui vẻ và sẵn sàng chào đón một ngày mới.
▪ Trẻ cẩn trọng (chiếm 15%) còn được gọi là những trẻ “chậm khởi động”. Các bé hay do dự, nhạy cảm và thậm chí hay sợ hãi, những trẻ này không thích sự thay đổi hay bất ngờ. Các bé thường tỏ ra bình lặng nhưng rất dễ cáu giận. Các bé có thể nằng nặc đòi quan sát những đứa trẻ khác trượt cầu trượt đến 20 phút trước khi chúng cảm thấy đủ tự tin để cẩn trọng nhập cuộc.
▪ Trẻ tính khí mạnh (chiếm 10%) còn được gọi là những trẻ “đầy thách thức”. Các nét tính khí của trẻ thuộc nhóm này luôn có cường độ mạnh “hơn” một chút: năng động hơn, cường độ cảm xúc mạnh hơn, nhạy cảm hơn, nồng nhiệt hơn, cứng nhắc hơn, thất thường hơn, thiếu kiên nhẫn hơn, bốc đồng hơn và ương bướng hơn. Trẻ tính khí mạnh là sự kết hợp cao độ của một vài (hoặc tất cả!) những đặc điểm này.
Bạn đang đối mặt với kiểu “thời tiết” nào?
Tìm hiểu những nét tính khí của trẻ là một điều thú vị – giống như đo nhiệt độ cho tính cách vậy. Tính khí là sự kết hợp độc đáo có một không hai của chín nguyên liệu cơ bản tạo nên hành vi (xem phía dưới). Trẻ dễ chịu có nhiều đặc điểm được liệt kê đầu tiên, trẻ cẩn trọng và trẻ tính khí mạnh được trình bày sau đó. Con bạn sẽ đứng ở vị trí nào trên thước đo dưới đây?
Dễ chịu, cẩn trọng hay mạnh?
▪ Hoạt động: Thích những trò chơi tĩnh… dễ gây gổ, hay bồn chồn, không chịu ngồi yên một chỗ
▪ Sự quy củ: Có thể dự đoán thời điểm ngủ trưa và các bữa ăn… thói quen sinh hoạt thay đổi hằng ngày
▪ Phản ứng đầu tiên: Cởi mở với những tình huống mới… cảm thấy những trải nghiệm mới thật đáng sợ
▪ Khả năng thích nghi: Dễ dàng thích nghi với những thay đổi… gặp khó khăn khi có thay đổi hoặc có chuyện bất ngờ xảy ra
▪ Cường độ cảm xúc: Nhẹ nhàng và ôn hòa… ầm ĩ và nồng nhiệt
▪ Tâm trạng: Vui vẻ, dễ chịu… dễ cáu gắt, mất tinh thần và luôn nghĩ về thất bại
▪ Sự kiên định: Dễ nghe theo người khác… chiến đấu đến cùng
▪ Khả năng chú ý: Tập trung khi đang chơi… dễ bị sao nhãng, chỉ tập trung được trong thời gian ngắn
▪ Sự nhạy cảm: Không nhận thấy những thay đổi nhỏ xung quanh… rất nhạy cảm với tiếng ồn, các kết cấu, mùi và hương vị.
Khoảng một phần ba số trẻ không thuộc chính xác một nhóm tính khí nào cả. Ví dụ, bé Will nhìn chung dễ tính và hòa đồng nhưng vô cùng nhạy cảm với quần áo gây ngứa và các mùi quá nồng. Bé cũng rất ồn ào và nhiều năng lượng. Vậy bé thuộc nhóm trẻ dễ tính (vì thuyết phục bé khá đơn giản), hay cẩn trọng (vì bé nhạy cảm), hay mạnh (vì bé rất năng động)? Rõ ràng là bé có đủ đặc điểm của cả ba nhóm tính khí đã nêu.
Nếu bạn vẫn không chắc chắn con mình thuộc nhóm nào, bạn có thể dành 15 giây để làm một bài kiểm tra nho nhỏ như sau: Dẫn trẻ đến một trung tâm thương mại đông đúc và ồn ào, bỏ tay con ra và quay lưng lại với trẻ trong khoảng vài giây. Trẻ sẽ làm gì? Bắt đầu khóc lóc? Chỉ đứng yên đó? Chạy đến cửa hàng gần nhất và không thèm quay lại? Phản ứng của trẻ trong tình huống này sẽ giúp bạn có nhận thức cơ bản về tính khí của trẻ.
Trẻ chập chững dễ chịu: Dịu dàng và ôn hòa
“Không quá lạnh, không quá nóng – chỉ vừa đủ!”
– Goldilocks và ba chú gấu
“Bé Evan tỉnh dậy trong tâm trạng rất vui vẻ và lững thững đi vào bếp để ăn sáng. Tuy nhiên, một sự cố nhỏ đã xảy ra khi món ngũ cốc yêu thích của cậu bé 26 tháng tuổi này ‘biến mất ’ (hết sạch) khi mẹ mới chỉ đổ được vài hạt vào bát cậu. ‘Ăn nữa!’, cậu bé đòi, giọng càng lúc càng vút lên. Chuck – bố cậu – vội lấy ra một hộp ngũ cốc loại khác trong tủ bếp và đổ vào bát cho con trai. Evan nhìn xuống bát và thấy loại ngũ cốc khác lúc trước, cậu bé tỏ ra thất vọng thấy rõ. ‘À!’, Chuck nói, ‘Đây cũng là loại con thích mà! Con ăn thử đi!’ Evan nhúng thìa vào bát ngũ cốc trộn sữa và chẳng mấy chốc đã chén hết cả bát!”
Trẻ dễ tính dường như có cuộc sống khá yên bình. Các bé quan tâm nhưng đồng thời cũng không để ý. Các bé không quá bận tâm nếu bị u đầu sứt trán. Các bé vượt qua sự buồn bực tương đối dễ dàng. Điều đó không có nghĩa là trẻ dễ tính không bao giờ ăn vạ hay cư xử bướng bỉnh khi có chuyện không hay xảy ra – chắc chắn là đôi lúc sẽ có – trẻ dễ tính thường bỏ qua và tiếp tục làm việc khác. Các bé vừa linh hoạt vừa cân bằng. Từ đầu tiên mà một đứa trẻ dễ tính thường nói là Xin chào! (một sự phản ánh chính xác tính cách vui vẻ, dễ chịu của trẻ.) Thậm chí trong suốt thời kỳ “người Nê-ăng-đéc-tan”, trẻ có tính khí dễ chịu giống như những chính khách cao tuổi trong bộ lạc. Các bé hết sức kiên nhẫn và hiểu lý lẽ. (Nhưng bạn đừng vội mừng, khi buộc phải hành động, các bé hoàn toàn có thể phản ứng như những người tiền sử theo đúng nghĩa đen).
Nếu con bạn thuộc nhóm trẻ có tính khí dễ chịu bẩm sinh, xin chúc mừng vì bạn đã thật may mắn. Nhưng nếu con bạn “chậm khởi động”, có tính khí mạnh hoặc là thử thách đối với cha mẹ, thì bạn càng nên khen ngợi mình – bạn thực sự là một ông bố, bà mẹ anh hùng.
Trẻ cẩn trọng: “Chậm khởi động”
“Nghĩ thật kỹ trước khi làm.”
– Charlotte Bronte
Bé Jess 18 tháng tuổi thực sự rất cẩn trọng. Jode – mẹ bé – kể rằng: “Cháu mới chỉ nói được bốn từ nhưng cháu luôn suy nghĩ cẩn thận. Trước khi làm việc gì mới thì cháu phải thực sự tiếp cận với nó. Lúc ở công viên, thằng bé quan sát những trẻ khác chơi trò chui qua đường hầm hàng tuần liền. Sau đó một hôm, thằng bé nói muốn được chơi thử, và sau khi đã từ từ chui qua hết đường hầm, cháu sung sướng đến nỗi sau đó cháu đã chui qua chui lại đến 20 lần liên tiếp!”
Trẻ cẩn trọng có nhịp điệu cuộc sống tương đối chậm. Khi mới sinh ra, sự nhạy cảm của các bé thường được thể hiện qua việc bị colic (hội chứng co thắt bụng ở trẻ sơ sinh). Khi được khoảng bốn tháng tuổi, trong khi nhiều bé khác nhoẻn cười liên tục với mọi người thì trẻ cẩn trọng lại mếu máo đầy lo lắng khi tiếp xúc với người lạ (hoặc bác sĩ) và bám lấy mẹ như để cầu cứu. Mức độ lo âu này thường đẩy trẻ chập chững cẩn trọng trở lại giai đoạn người Nê-ăng-đéc-tan cứng nhắc, bướng bỉnh và khiến cho các hành vi ngoan cố, đòi hỏi luôn ở mức cao.
Những từ đầu tiên của trẻ cẩn trọng thường là Tạm biệt, đi hoặc sách. (Như bạn có thể thấy, không phải là những từ hòa đồng cho lắm.) Các bé thường rất nhiệt tình vẫy tay hay chào tạm biệt – chỉ sau khi khách đã bước ra khỏi cửa. Bé Issabella – 15 tháng tuổi – thích biểu diễn cho người lạ xem chỉ khi họ ở cách bé một khoảng an toàn. (Meg – mẹ bé – gọi đó là “hào” an toàn của bé.)
Khi được khoảng 3 tuổi, sự nhút nhát của các bé có thể giảm bớt, một phần bởi vì khả năng ngôn ngữ tốt hơn. (Một vài trẻ quá nhút nhát vẫn tiếp tục nhút nhát thêm một thời gian nữa). Dần dần, những đứa trẻ cẩn trọng trở nên tự tin hơn và càng ngày càng cởi mở với những trải nghiệm mới hơn.
Chúng ta rất dễ mất kiên nhẫn với những trẻ cẩn trọng thái quá. Một người mẹ đã từng thừa nhận rằng: “Tôi muốn gào lên với thằng bé, ‘Con thôi ngay đi!’” Nhưng sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta luôn luôn khiến những trẻ chập chững này khó kiểm soát hơn. Sợ hãi là một cảm xúc nguyên thủy và sâu sắc, không phải chúng ta muốn gợi lên hay dập tắt là được. Và một khi đã bị kích thích, nỗi sợ hãi sẽ kéo theo hàng loạt những phản ứng dồn dập: tim đập nhanh, nhìn hốt hoảng, muốn bỏ chạy…
Trẻ chập chững cẩn trọng cũng có thể:
▪ Tỏ ra rất cẩn trọng khi thử điều gì mới lạ. Phản ứng đầu tiên của trẻ với một điều mới lạ thường là lảng tránh. Trẻ tránh người lạ, địa điểm lạ và bất cứ thứ gì không quen thuộc.
Bé Emilio rất khỏe mạnh. Bé học đạp xe đạp khi mới chỉ 3 tuổi. Tuy nhiên, bé cũng rất cẩn thận khi đạp xe. Thỉnh thoảng, bé lại dừng lại, nhìn xuống để đảm bảo chắc chắn rằng các bánh xe vẫn còn ở đó.
▪ Tỏ ra cực kỳ nhạy cảm. Trẻ thường than phiền rằng cái mác ở đằng sau áo của bé (hoặc cả cái áo) khiến bé cảm thấy “ngứa ngáy”. Thức ăn quá lổn nhổn, có vị hoặc mùi lạ, hoặc bé sẽ nhất định không chịu mặc một màu nào đó lạ mắt bởi trông nó rất “ghê”.
▪ Muốn được gần gũi. Trẻ cẩn trọng thường bám cha mẹ, lẵng nhẵng đi theo cha mẹ từ phòng này sang phòng khác.
Tim – bố của bé Derek – kể rằng: “Mỗi buổi sáng ở nhà trẻ, Dereck lại bám chặt lấy tôi như một cái màng bọc suốt 10 phút đầu tiên. Nhưng khi bé đã thích thú với điều gì đó, bé hôn tạm biệt rất dễ dàng.” Bé Sophie, 18 tháng tuổi, con của Debbie, bám mẹ đến nỗi biệt danh của cô bé là Velcro (khóa dán).
▪ Thích quy tắc. Trẻ cẩn trọng thích những trình tự lặp đi lặp lại và những quy tắc. Tuân thủ chúng giúp trẻ cảm thấy an toàn và được bảo vệ.
Cư xử thận trọng: Lời khuyên khi đối phó với trẻ cẩn trọng
Mặc dù những người thân của bạn có thể phản đối (hoặc chính bạn cảm thấy lo sợ) nhưng tính khí cẩn trọng của trẻ không phải vì bạn bảo vệ trẻ thái quá hay “đầu hàng” trẻ. Trẻ sinh ra đã như vậy, trẻ sẽ tiến bộ hơn và can đảm hơn – miễn là bạn nhẹ nhàng động viên thay vì mất kiên nhẫn và chỉ trích bé. Nếu bạn thúc giục quá mức, trẻ sẽ càng sợ hãi và bạn sẽ mất gấp đôi thời gian để cùng trẻ vượt qua nỗi sợ ấy. (Bạn đã bao giờ thử nói chuyện để giúp một người vượt qua nỗi sợ đi máy bay chưa? Tốt nhất là bạn đừng bao giờ thử làm như vậy!)
Có rất nhiều điều bạn có thể làm ngay từ bây giờ để giúp trẻ cẩn trọng tự tin hơn.
Đối với trẻ chập chững dưới 2 tuổi:
1. Khuyến khích trẻ có một đồ vật thân thiết.
Bé Brandon 15 tháng tuổi rất thận trọng. Bé chỉ bò chứ không đi vì sợ ngã. Ở phòng khám của tôi, nỗi sợ của bé dịu đi mỗi khi bé được ôm chiếc chăn riêng và được mút ngón tay cái để cảm thấy dễ chịu hơn.
2. Thiết lập những trình tự lặp đi lặp lại và có tác dụng trấn an trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Những bài hát đặc biệt, trình tự ăn uống quen thuộc (bé có đĩa và thìa riêng), dành vài phút để mát-xa, có những Khoảng thời gian đặc biệt (xem Chương 10) để có thể giúp trẻ xây dựng sự tự tin.
3. Bạn cần học cách kiên nhẫn hơn. Điều này thực sự rất khó! Nhưng hãy nhớ rằng, trẻ cẩn trọng luôn cảm thấy hoang mang và yếu đuối trong một thế giới rộng lớn đầy rẫy những điều đáng sợ này.
Đối với trẻ chập chững trên 2 tuổi, bạn có thể thực hiện ba biện pháp trên, kèm theo:
4. Tránh sự bất ngờ. Bạn hãy nói với trẻ về những kế hoạch đã lập ra để thực hiện trong thời gian tiếp theo của ngày. Một số cha mẹ thông báo kế hoạch của cả ngày hôm đó vào bữa sáng. Bạn hãy để trẻ có điều gì đó để trông đợi sau mỗi tình huống căng thẳng. (“Ăn trưa xong, chúng ta sẽ đến gặp bác sĩ và ngay sau đó chúng ta sẽ đi ăn kem nhé! Con có muốn rắc kẹo lên chiếc kem của con không?)
5. Giúp trẻ xây dựng lòng tự tin. Như chúng ta sẽ cùng thảo luận ở Chương 9, có rất nhiều cách để giúp trẻ xây dựng cảm giác tự tin – ví dụ, chơi đóng vai: Hãy giả vờ bạn là một đứa trẻ còn con là một chú chó to đáng sợ.
6. Tiến bước chậm và chắc. Có những ngày trẻ sẽ ham khám phá hơn, cũng có những ngày trẻ sẽ rụt rè hơn. Vào những ngày đẹp trời, bạn hãy nhẹ nhàng động viên để trẻ bước từng bước ra khỏi vùng an toàn của mình. (“Mẹ biết con không thích ở đây, nhưng con hãy nắm tay gấu Pooh, mẹ sẽ quay lại sau một phút ma thuật rồi mẹ con mình sẽ về nhà và cùng vẽ tranh! Đập tay với mẹ nào! Á, con khỏe quá! Đừng bỏ tay gấu Pooh ra nhé, con yêu!”)
7. Tập thư giãn. Bạn hãy cùng trẻ tập hít thở sâu mỗi ngày để trẻ học được cách tự trấn an bản thân.
Trẻ chập chững tính khí mạnh: Đứa trẻ nhỏ, tính cách lớn
“Trong khó khăn nào cũng có cơ hội.”
– Albert Einstein
Bé Gina 15 tháng tuổi bận rộn liên tục từ lúc thức dậy đến tận khi đi ngủ, quay cuồng với hết hoạt động này tới hoạt động khác. Bé hạnh phúc khi hoạt động không ngừng. Nhưng chính điều đó cũng đồng nghĩa với việc bé luôn va vào mọi thứ và cần những cái hôn xoa dịu liên tục hoặc bé sẽ lạc vào một nơi nào đó mà đáng ra bé không nên lại gần. “Nếu con bé không mở được cửa, thì sẽ đập cửa luôn!”, Olivia – mẹ bé – kể lại.
Elise vừa cười vừa kể về cậu con trai 2 tuổi Spencer không biết sợ là gì là một em bé “100% năng lực và 0% suy xét”. Thằng bé sẽ đứng thẳng dậy cầm chiếc rìu sắc lẻm và nói: “Rìu đẹp chưa này!” Spencer chẳng bao giờ chịu ngồi yên trừ khi bé ngủ. “Thỉnh thoảng tôi lại giật mình khi nghe thông báo trên loa ở siêu thị Wal-Mart, ‘Quý khách thân mến, chúng tôi đang giữ một bé trai…’”. Em gái bé, Rosy, lại rất dễ tính. Cô bé sẽ chỉ ngồi một chỗ và chơi đồ chơi hằng giờ nhưng Spencer thì sẽ ngay lập tức ném chúng vào tường.
Mary Sheedy Kurcinka đã quan sát và nhận xét như sau trong cuốn sách Tính khí của trẻ (Raising your spirited child): “Trẻ tính khí mạnh là quả bóng Siêu Nhựa trong một căn phòng đầy những quả bóng nhựa. Những ‘quả bóng’ trẻ em khác nảy lên 90cm khỏi mặt đất. Còn tất cả những quả bóng ‘tính khí mạnh’ đều nảy lên tận trần nhà...” Kết hợp với những đặc tính thường gặp ở những người thuộc Thời kỳ Đồ đá: cứng nhắc, năng động, bướng bỉnh và coi mình là trung tâm – bạn có thể hiểu tại sao trẻ chập chững với tính khí mạnh lại là một thách thức đặc biệt đến như vậy.
Rất nhiều cha mẹ có con dễ tính lầm tưởng rằng những cơn ăn vạ của trẻ khác là do chúng không được giáo dục tốt. Nhưng thường thì điều ngược lại mới đúng. Cha mẹ của trẻ tính khí mạnh thường là những bậc cha mẹ tốt nhất. Tuy nhiên, họ cũng là những người có công việc khó khăn nhất.
Nhiều bà mẹ kể với tôi rằng họ biết con họ sẽ là những đứa trẻ có tính khí mạnh bởi chúng đã không bao giờ chịu nằm yên ngay từ trong bụng mẹ. Khi còn là trẻ sơ sinh, các bé đã thể hiện sự ồn ào của mình nhiệt tình đến mức khi đã bắt đầu khóc, thì sẽ khóc không ngừng – ngay cả sau khi bạn đã đưa cho trẻ thứ trẻ muốn! So với tất cả những trẻ khác, trẻ tính khí mạnh trải qua khoảng thời gian hằng triệu năm sống trong thời tiền sử dễ dàng hơn cả – chúng là những người Nê-ăng-đéc-tan thế hệ alpha.
Trẻ chập chững với tính khí mạnh cũng có thể:
▪ Thể hiện rất nhiều nét tính cách khác nhau. Trẻ chập chững tính khí mạnh luôn thể hiện sự biến hóa đa dạng giống như chúng ta luôn bắt gặp nhiều chú chó con thuộc nhiều giống khác nhau vậy! Một số trẻ tỏ ra đặc biệt hoạt náo – chúng không bao giờ ngồi yên – nhưng chúng luôn vui vẻ và hạnh phúc. Một số trẻ khác có tâm trạng dễ thay đổi, bướng bỉnh, cau có và thiếu kiên nhẫn. Nhìn chung, khi vui chúng rất vui và ngược lại, nếu buồn chúng sẽ rất buồn.
▪ Năng nổ như một tổ ong. Những đứa trẻ này chạy xa hơn, nhảy cao hơn và quay tròn lâu hơn. Bởi chúng dễ bị sao nhãng và luôn nhiệt tình khi chơi nên chúng cũng dễ gặp tai nạn hơn cả.
▪ Gặp khó khăn khi đối mặt với sự thay đổi. Việc chuyển từ hoạt động này sang hoạt động khác có thể không dễ dàng đối với trẻ tính khí mạnh. Chúng quá say mê với việc đang làm và vì thế, không muốn dừng lại.
▪ Lao vào rồi phá vỡ giới hạn. Trẻ chập chững tính khí mạnh sẽ xô đẩy thay vì sờ, chạm; giọng nói của trẻ cao vút như thể đang hét. Các bé lao ra vỉa hè và quay lại nhìn (để biết chắc rằng bạn đang quan sát) rồi sau đó bước thẳng xuống đường!
▪ Dễ cảm thấy bị tổn thương. Các bé rất khó cảm thấy bình thường trở lại sau khi bị chỉ trích hoặc bị thất vọng.
Như bạn có thể hình dung ra, trong suốt những năm ở độ tuổi chập chững, những chú King Kong nhỏ là đối tượng khó trở nên văn minh nhất. Các bé cần sự Nhất Quán (luôn luôn phải Nhất Quán) cùng với thật nhiều tình yêu thương, sự kiên nhẫn và những giới hạn kiên cố (nhưng không cứng nhắc). Điều may mắn là, khi những đứa trẻ này phát triển ngôn ngữ và bắt đầu độc lập, đối phó với chúng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Thích nghi với hoàn cảnh: Bí quyết giúp bạn sống hòa hợp với trẻ chập chững có tính khí mạnh
Tùy vào năng lượng của bạn, bạn có thể chọn áp dụng một trong số những biện pháp được trình bày dưới đây. Hãy bắt đầu với một hai mẹo và xem kết quả ra sao. Quan trọng hơn cả – bạn cần phải kiên nhẫn!
Đối với trẻ chập chững dưới 2 tuổi:
1. Đưa trẻ ra ngoài chơi càng nhiều càng tốt! Nhiều hoạt động thường xuyên để đốt cháy năng lượng và cơ hội vui chơi trong bầu không khí trong lành sẽ giúp trẻ tính khí mạnh Thời kỳ Đồ đá tìm thấy sự cân bằng.
2. Thỉnh thoảng thay đổi và cất bớt một số đồ chơi. Những món đồ chơi sẽ trở nên hấp dẫn hơn nếu lâu lâu trẻ mới lại nhìn thấy chúng.
3. Chắc chắn rằng trẻ được nghỉ ngơi. Trẻ tính khí mạnh thường không chịu đi ngủ bởi các bé luôn hào hứng với những việc chúng đang làm. Tuy vậy, trẻ bị mệt mỏi quá mức sẽ gây ra rất nhiều rắc rối.
4. Hãy khiến cho mọi chuyện trở nên vui vẻ. Năn nỉ hay dọa dẫm đều không có tác dụng đối với trẻ. Bạn sẽ dễ dàng nhận được sự hợp tác hơn nếu bạn đưa ra cho trẻ các lựa chọn và đề nghị giúp đỡ thay vì đưa ra mệnh lệnh.
5. Hãy thu dọn nhà cửa để đảm bảo an toàn cho trẻ. Bỏ đi hoặc sắp xếp lại những vật dễ vỡ, có giá trị hoặc những đồ đạc “có thể khiến trẻ ngã”.
6. Thiết lập ít giới hạn thôi, nhưng tất cả phải luôn nhất quán. Những đứa trẻ tính khí mạnh thường gặp khó khăn nếu bạn đặt ra nhiều giới hạn quá mức cần thiết, hoặc bạn không kiên định trong việc duy trì những giới hạn một cách nhất quán. Bạn có thể khiến các quy định trở nên “dễ thở” hơn với trẻ – nhưng khi làm như vậy, bạn cần đảm bảo bé hiểu rằng bạn chỉ đang đưa ra một ngoại lệ chứ không phải đang thay đổi quy tắc.
7. Tránh để trẻ bị phấn khích quá mức. Một vài tiếng trước giờ đi ngủ đêm, bạn nên vặn nhỏ đèn, bật tiếng ồn trắng, tránh dọn dẹp nhà cửa, tránh tiếng động, tránh bật nhạc lớn và không bật ti vi.
8. Hãy cố gắng hết sức để không phản ứng thái quá mỗi khi trẻ đánh bạn hoặc có hành vi không đúng. Trẻ hành động như một người tiền sử hoang dại không có nghĩa là bạn cũng nên làm như vậy.
Đối với trẻ chập chững trên 2 tuổi, bạn có thể áp dụng cả tám biện pháp trên và thêm vào:
9. Có nhiều phương án dự phòng để trẻ luôn được bận rộn. Ví dụ, luôn có sẵn những hoạt động diễn ra nhanh chóng, ít gây bừa bộn như chơi sáp màu và giấy và nặn đất nặn.
10. Dạy trẻ những kỹ năng xã hội. (“Bobby có thể cho con cùng chơi bóng nếu con cười thật tươi khi hỏi bạn, giống như khi con cười với mẹ ấy.”)
11. Dạy trẻ những từ ngữ giúp trẻ thể hiện cảm xúc. “Con đang cư xử giống như lúc con bị đói ấy. Con có muốn ăn một chút không?”
12. Thực hành các biện pháp trấn an để giúp phát triển khả năng tự bình tĩnh lại. (Xem các bài tập xây dựng tính kiên nhẫn ở Chương 9).
13. Áp dụng phương pháp “tâm lý đảo ngược” để giúp trẻ khi trẻ nhất định muốn làm những việc trái ngược hoàn toàn với những điều bạn muốn trẻ làm (xem Chương 9).
Bạn chỉ có thể gắn nhãn cho đồ hộp chứ không thể gắn nhãn một đứa trẻ
“Nếu không tin, tôi đã không thể nhìn thấy.”
– Marshall McLuhan
“Keisha đúng là đồ quỷ sứ!”
“Pete nhát quá, thằng bé sợ cả cái bóng của chính mình!”
“Drew lúc nào cũng như bị tăng động ấy!”
Chúng ta vẫn thường nghe thấy trẻ bị gán cho rất nhiều biệt danh. Đáng ghét. Cứng đầu. Nhõng nhẽo. Khó bảo. Đòi hỏi. Kén chọn. Tôi không bao giờ hết ngạc nhiên khi nghe các bậc cha mẹ liên tưởng con cái họ với những từ ngữ mà chắc chắn họ không bao giờ cho phép người khác nói về mình như thế! Mặc dù bạn không hoàn toàn sai khi dùng những từ chỉ trích đó để nói về trẻ nhưng những nhãn hiệu cá nhân đầy tiêu cực này khiến trẻ bị tổn thương – thậm chí chúng có thể gây ra những vết sẹo suốt đời trong lòng trẻ. Gọi một đứa trẻ là “đồ quỷ sứ”, khiến cả bạn và trẻ đều tập trung vào những hành vi sai trái của trẻ. Nó khiến bạn nhận ra rằng trẻ đã năm lần gây chuyện (bản thân bạn cũng dự đoán như vậy) mà không thấy được 15 lần khác trẻ đã rất ngoan ngoãn.
Hừm, có lẽ bạn đang nghĩ rằng: Thế nếu Keisha thực sự luôn cư xử hư hỏng thì sao? Liệu việc tránh gắn nhãn tính cách của trẻ có phải chỉ là một điều đúng đắn vô nghĩa hay không?
Không, hoàn toàn không phải như vậy! Những điều bạn nói thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Rất nhiều người đã chờ đợi cả đời chỉ để được nghe cha mẹ mình khen ngợi. Đứa trẻ tiền sử của bạn có thể tranh cãi với bạn, nhưng bạn là người đầu tiên trẻ sẽ tìm đến khi trẻ bị tổn thương hoặc sợ hãi. Bạn chính là Vua (hoặc Hoàng hậu) của cả gia đình và trong lòng trẻ. Những lời nói yêu thương của bạn có thể động viên còn những lời chỉ trích sẽ khiến trẻ tan nát cõi lòng từng chút từng, chút một.
Những biệt danh gây tổn thương cứ tồn tại mãi trong tâm trí chúng ta – khiến ta cả đời không quên được. May mắn thay, những lời nhận xét tử tế cũng đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc đời. Vì thế bạn hãy thận trọng khi lựa chọn những từ ngữ mà bạn mong muốn trẻ sẽ nhớ mãi trong đầu như một định nghĩa về bản thân trẻ.
Tất cả chúng ta đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc đời. Những người có niềm tin vào bản thân sẽ đủ khả năng để vượt qua khó khăn. Bạn hãy sử dụng sức mạnh của ngôn từ để giúp trẻ mạnh mẽ hơn. Đó là một trong những món quà quý giá nhất mà bạn có thể dành tặng cho trẻ.
Những biệt danh tiêu cực, không chỉ quá đáng mà còn không hề chính xác. Nếu bạn nói: “Con lười quá!”, bản thân bạn cũng hiểu rằng không phải ngày nào trẻ cũng như vậy. Nếu bạn nói: “Con xấu tính thế”, bạn sẽ thấy rằng vào lúc khác trẻ có thể thật ngọt ngào, đáng yêu. Có một cách tốt hơn để trẻ biết khi nào bạn buồn bực vì hành vi của trẻ, đó là nhận xét về việc trẻ vừa làm và nói cho trẻ biết bạn cảm thấy thế nào: “Con làm vỡ cái khung ảnh mẹ thích nhất mất rồi. Bây giờ mẹ đang giận, giận, giận lắm!” Điều này sẽ giúp bạn có thể than phiền với trẻ về những gì trẻ đã làm mà không gán cho trẻ một đặc điểm không chính xác, thiếu công bằng và gây tổn thương.
Bạn cũng cần nhận thấy rằng tất cả những nét tính khí “tiêu cực” đều có mặt tích cực và hoàn toàn có thể trở thành một tài sản quý giá đối với trẻ khi trẻ lớn lên. Nỗi sợ của một “kẻ nhát gan” có thể giúp trẻ tránh quan hệ tình dục không an toàn. Một đứa trẻ “cứng đầu” có thể không bị ảnh hưởng bởi áp lực bạn bè nên sẽ không thử dùng chất gây nghiện. Một đứa trẻ “nhõng nhẽo” sẽ không để người khác lợi dụng mình.
Hãy chọn một từ khác!
Hãy thay thế những nhãn hiệu cá nhân làm trẻ đau lòng bằng những miêu tả có ý nghĩa động viên trẻ.
Nhãn hiệu cá nhân tiêu cực/ Mô tả tích cực
Ồn ào → Ham học hỏi
Kén ăn → Biết mình thích ăn gì
Tăng động → Sôi nổi
Nhõng nhẽo → Đấu tranh cho bản thân
Nhút nhát → Cẩn thận
Hoang dã → Nhiều năng lượng
Cứng đầu → Kiên cường
Ngang ngạnh → Dũng cảm
Cầu kỳ → Biết chọn lọc
Lề mề → Chín chắn và cẩn thận