“Văn minh chỉ là một quá trình chậm rãi để học cách trở thành người tử tế.”
– Charles L. Lucas
Những nội dung chính
▪ Về mặt phát triển, trẻ giống như những người hiện đại đầu tiên: những cư dân quần cư sớm nhất sống cách đây 10.000 đến 60.000 năm.
▪ Bộ não của trẻ đã có bước nhảy vọt khiến ta phải ngạc nhiên.
▪ Trẻ có thể khéo léo dùng từ ngữ để thể hiện suy nghĩ của mình về hầu hết mọi thứ.
▪ Trẻ càng ngày càng thích thú với con người và có những mối quan hệ bạn bè đầu tiên, biết chơi giả vờ và có những cảm xúc gắn bó.
▪ Khi đã hiểu các quy tắc, trẻ bắt đầu học cách bẻ cong chúng – vừa để vừa ý trẻ vừa để khiến bạn phải bật cười.
▪ Những cơn ăn vạ có thể lại bùng nổ khi trẻ nhận ra rằng trẻ không còn là em bé nhưng cũng chưa phải một trẻ lớn.
Trẻ chập chững giống một cư dân làng xã giai đoạn đầu như thế nào?
Từ khi sinh ra, bộ não trẻ đã phát triển với một tốc độ và khả năng đáng kinh ngạc, thể hiện tất cả những thành tựu tiến hóa quan trọng nhất của những người tổ tiên sớm nhất của chúng ta. Chỉ trong vòng 36 tháng, đứa trẻ tinh khôn của bạn đã đạt được những thành tựu mà tổ tiên chúng ta phải mất tới hằng triệu năm mới có thể đạt được. (Trẻ biết đi lại trong phòng! Trẻ ném bóng! Trẻ kết bạn! Trẻ thậm chí có thể nói: “Làm ơn!”)
Nhưng khoan đã – bạn đừng vội vỗ tay. Buổi biểu diễn thực sự mới chỉ sắp bắt đầu! Khoảng 60.000 năm trước, một điều gì đó phi thường hơn nhiều đã xảy ra. Khả năng tư duy, nói chuyện và liên kết của con người phát triển với tốc độ chóng mặt. Các nhà khảo cổ học gọi những thành tựu quan trọng trong tiến trình tiến hóa của loài người là “Bước nhảy vĩ đại về phía trước”. Tạm biệt cuộc sống trong các hang động! Xin chào Bảo tàng Nghệ thuật trung tâm và kênh MTV!
Cho đến nay, chưa ai tìm ra lý do giải thích cho sự tiến bộ đột ngột trong năng lực trí tuệ của loài người vào giai đoạn này. Chúng ta biết rằng nguyên nhân không phải do bộ não tăng kích cỡ (loài người đã có bộ não lớn trong suốt 300.000 năm). Nhưng dù chuyện gì đã xảy ra thì con người cũng đã bất ngờ biết cách kết hợp từ để tạo thành câu, kết hợp nhiều nét bút để có được các tác phẩm nghệ thuật và tập hợp các ý tưởng để có những phát minh. Họ đã có thể cùng lúc cân nhắc nhiều khái niệm trong đầu mà không gặp bất cứ khó khăn gì. Trải qua hằng triệu năm với sự sáng tạo chỉ phát triển với tốc độ rùa bò, đột nhiên giờ đây, các ý tưởng sinh sôi nảy nở như nấm mọc sau mưa. Cuộc sống trên Trái đất đã hoàn toàn đổi khác!
Khả năng đi và nói giúp chúng ta tìm ra đường tắt đến với những đặc tính của loài người; nhưng khả năng sáng tạo, hiểu và giải thích mới thực sự là những điểm quan trọng nhất, mang tính tiến hóa nhất dẫn tới sự xuất hiện tất yếu của khoa học, nghệ thuật và văn học.
Hàng nghìn năm trước khi Kinh Thánh ra đời, con người sống thành các bộ lạc gồm nhiều gia đình khác nhau. Khi kích cỡ cộng đồng tăng lên, các cư dân bắt đầu tuân theo quy tắc về ứng xử để tránh những xung đột nguy hiểm. Họ cũng chia thành các nhóm với nhiệm vụ riêng. Adam (Đàn ông) chế tạo rìu. Eva (Phụ nữ) là thợ may. Xerxes1 (Người trị vì) là ông chủ. Phân chia công việc dẫn tới năng suất lao động tăng lên và họ có thêm nhiều thời gian để vui chơi. Âm nhạc, vũ điệu và các câu chuyện kể nở rộ.
1 Xerxes: Hoàng đế Ba Tư (tại vị từ năm 485 đến năm 465 trước Công nguyên).
Bước nhảy đột phá trong năng lực não bộ giúp những người dân làng xã cổ đại trở thành những người rất giỏi giải quyết vấn đề. Họ đã sáng tạo ra những công cụ như cung và tên, lưới bắt chim trong bụi cây và cá trong suối, cả kim và chỉ. Họ cũng phát minh ra nghệ thuật vẽ tranh, điêu khắc, ngôn ngữ hiện đại và những đồ trang sức tuyệt đẹp.
Có lẽ quan trọng hơn hết, họ đã có khả năng tư duy sâu sắc. Họ trở thành những sinh vật dành phần lớn thời gian khi thức để đặt ra câu hỏi “Tại sao?” và “Như thế nào?”
Nếu con bạn 3 tuổi, có lẽ bạn đã nhận ra những điều này quen thuộc đến ngỡ ngàng. Bộ não của trẻ chập chững giờ đây cũng đang chuẩn bị có một “Bước nhảy vọt” tương tự. Gần như chỉ sau một đêm, trí óc trẻ trở nên linh hoạt và hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều. Điều gì đã dẫn đến sự bùng nổ những kỹ năng mới đầy ấn tượng ở những thành viên làng xã nhỏ bé này? Giờ đây, số lượng các kết nối thần kinh (các khớp thần kinh) trong bộ não trẻ nhiều hơn ở não người lớn tới 50%! Và các tế bào thần kinh của bé hoạt động liên tục, sử dụng nguồn năng lượng gấp đôi bộ não của chúng ta.
Số lượng các kết nối thần kinh bắt đầu gia tăng sau khi trẻ sinh ra được sắp xếp để góp phần vào sự hình thành những con đường siêu cao tốc ở bán cầu não trái (nơi kiểm soát chức năng ngôn ngữ và khả năng giải quyết vấn đề), ở bán cầu não phải (phụ trách việc kiểm soát những hành vi bốc đồng, ghi nhớ về những trải nghiệm sống, sự so sánh và giao tiếp không lời) và ở tiểu não (trung khu kiểm soát chức năng phối hợp và sự thăng bằng).
Đột nhiên, trí óc của những “cư dân làng xã tí hon” muốn được biết – về tất cả mọi thứ!
Trẻ 3 tuổi có những biểu hiện gì?
Đương nhiên, trẻ 3 tuổi không thực sự là những cư dân làng xã (Villager) nhưng trẻ hoàn toàn có thể có những biểu hiện giống như vậy:
V – Nói nhiều (Verbal)
I – Trí tưởng tượng phong phú (Imaginative)
L – Đáng yêu (Loving)
L – Lôgic (Logic)
A – Dễ bảo (Agreeable)
G – Thích sự trao đổi (Gives and takes)
E – Thích vui chơi (Entertaining)
R – Luôn sẵn sàng khám phá (Ready for everything)
Cận cảnh sự tiến hóa cá nhân: Trẻ chập chững có thể làm gì trong giai đoạn này?
Bạn cũng có thể hình dung bộ não của trẻ chập chững trong giai đoạn này như một chiếc máy bay phản lực. Khi trẻ được 1 tuổi, máy bay nạp nhiên liệu, tiếp nhận hành khách và khởi động động cơ. Khi trẻ được 2 tuổi, máy bay bắt đầu chạy trên đường băng. Cuối cùng, khi trẻ 3 tuổi, cả hệ thống đã vào vị trí. Máy bay sẵn sàng để cất cánh.
Trong giai đoạn này, trẻ lúc nào cũng giống như một đài phun nước chứa đầy các ý tưởng sáng tạo. Từ vẽ tranh, sáng tác ra những bài hát ngộ nghĩnh cho đến tạo ra lâu đài từ thùng, hộp, chăn, ghế… Trẻ không ngừng phát minh ra những thứ mới mẻ. Sự cứng nhắc của tuổi lên hai đã nhường chỗ cho sự linh hoạt của tuổi lên ba. Và tình yêu chân thành dành cho các quy tắc của trẻ dần dần chuyển hóa thành niềm yêu thích bẻ cong các quy tắc và làm những việc chúng ta chẳng bao giờ ngờ đến.
Kỹ năng vận động thô tại thời điểm này
“Nhìn con này! Con có thể làm được tất cả!” Người bạn lớn nhanh như thổi của bạn giờ đây đã có thể đi lại vững vàng như một người lớn – đi thẳng, vai ưỡn ra sau, đầu ngẩng cao. Cái bụng tròn vo có phần xệ xuống ngày nào nay nhanh chóng biến mất.
Trong năm này, trẻ sẽ học được cách bật nhảy như một chú ếch, nhảy tưng tưng như thỏ, bò trườn như rắn, quay tròn như cà cuống và đứng thăng bằng trên một chân như cò. Trẻ sẽ thích thú phô diễn khả năng kiểm soát mới học được của mình. Bạn sẽ trở nên quen thuộc với những câu như: “Nhìn con này!” hay “Mẹ/Bố nhìn này!” Không chỉ ngạc nhiên trước những gì cơ thể trẻ có thể làm được mà những gì trẻ không làm nữa cũng sẽ khiến bạn sửng sốt. Trẻ không còn nhanh chóng chuyển sự chú ý từ vật này sang vật khác nữa. Thay vào đó, trẻ có thể ngồi lâu hơn để tập trung vào trò chơi ghép hình, chơi trò chơi điện tử trên máy tính hoặc quan sát đàn kiến xây tổ.
Kỹ năng vận động tinh tại thời điểm này
Học cách rửa tay. Trẻ sẽ dùng tay thuận của mình để lấy xà phòng rửa tay. (Cứ 10 trẻ thì có đến 9 trẻ thuận tay phải.) Thay vì chỉ xoa lòng bàn tay vào nhau dưới vòi nước chảy, trẻ 3 tuổi có thể xoay cổ tay và xoa đều các mặt của bàn tay. Trẻ làm việc này rất tốt.
Trẻ cũng phát triển khả năng phối hợp các cơ cổ tay đủ để bắt đầu tập đánh răng và chải tóc. Tuy vậy, trẻ vẫn cần đến sự giúp đỡ để có thể gội đầu, cài khuy áo, kéo khóa, hay buộc dây giày.
Trình bày ý tưởng trên giấy. Khả năng điều khiển thành thạo các nhóm cơ nhỏ cũng mang lại cho trẻ một cách thức mới để biểu đạt bản thân. Giờ đây trẻ có thể dễ dàng điều khiển bút sáp màu bằng ngón cái và ngón trỏ. Sự khéo léo vượt bậc này cùng với khả năng tư duy tiến bộ của bộ não cho phép trẻ vẽ được những bức tranh rõ ràng và giúp trẻ không tô màu vượt ra khỏi tờ giấy.
Khả năng lập kế hoạch cũng giúp trẻ đưa ra quyết định vẽ một bức tranh mô tả một vật hay việc/thứ cụ thể nào đó. Bạn sẽ thấy trẻ không ngừng có những tác phẩm về con người, cầu vồng và mặt trời vào khoảng thời gian cuối năm thứ ba của trẻ. Những bức tranh đó có thể là những ẩn số đối với bạn nhưng trẻ sẽ mỉm cười khi giải thích cho bạn biết chính xác vết màu đỏ này là gì và những đường màu đen nguệch ngoạc kia mô tả cái gì. Trước khi bạn kịp hiểu, bạn sẽ vô cùng sung sướng khi trẻ đưa cho bạn một bức tranh và bạn hoàn toàn có thể hiểu – tranh vẽ một khuôn mặt! Bạn sẽ ngạc nhiên như các nhà khảo cổ học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những bức tranh thuộc Thời kỳ Đồ đá được vẽ trong hang động ở châu Âu – điều này, không phải ngẫu nhiên, do những người tiền sử sống quần cư thành làng xã tạo ra từ cách đây 15.000 đến 30.000 năm.
Năng lực ngôn ngữ tại thời điểm này
Sử dụng từ ngữ để người khác có thể hiểu. Trẻ sẽ nói rất nhiều, như thể có một cánh cửa sổ đã mở vào tâm trí trẻ. Trẻ có thể rất thích buôn chuyện, những buổi trò chuyện không bao giờ dứt với bạn, với búp bê, với chú cún con và với cả những chú chim bay ngang qua. Giờ đây, trẻ sở hữu một kho từ vựng với số lượng vô cùng lớn – hơn 1.000 từ. Trẻ biết rằng ngôn từ khiến thế giới vận động và khéo léo sử dụng cũng như thấu hiểu chúng.
Có một dự đoán khá hợp lý rằng những ngôn ngữ đầu tiên xuất hiện đâu đó trong khoảng 20.000 đến 60.000 năm trở về trước – chính xác là trong khoảng thời gian xuất hiện những cộng đồng làng xã đầu tiên. Giống như những cư dân làng xã cần lời nói để mặc cả, trao đổi và kết bạn, trẻ chập chững muốn mở rộng thế giới xã hội của mình cũng cần phải có một ngôn ngữ mới.
Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ đơn giản qua – những đoạn hội thoại lịch sự. Hầu hết chúng đều bắt đầu và kết thúc bằng một lời chào đơn giản. Trẻ 2 tuổi có thể chỉ nói “Chào!” hoặc “Chúc ngủ ngon!” Trẻ 3 tuổi sẽ nói thêm: “Chào buổi sáng, mẹ yêu!” hoặc “Đi ngủ thôi, chào mẹ!”
“Chúc con ngủ ngon, Tim!”, Dora – mẹ cậu nói.
“Hẹn gặp lại con, cá sấu nhỏ!”, Frank – bố cậu nói thêm.
“Hẹn gặp lại bố, cá mập!”, bé Tim 3 tuổi đáp lại.
Trong những đoạn hội thoại mở này, trẻ thực sự đã tham gia vào cuộc nói chuyện. “Đã đến lượt con chưa?”, trẻ hỏi như vậy. Hoặc “Ấy! Đến lượt con rồi, đi mà mẹ!” Đây thực sự là một tiến bộ rõ rệt so với những đòi hỏi thiếu lịch sự của trẻ ở giai đoạn trước.
“Cư dân làng xã” của bạn hiểu rằng sự đúng mực, chứ không phải sự thúc giục, sẽ giúp trẻ có được điều trẻ muốn. Một yêu cầu lịch sự như: “Con cần cái đó” thay cho câu nói xẵng “Con muốn nó.” Một lời giải thích đầy thuyết phục như “Con sợ” sẽ có hiệu quả hơn những câu nói bướng bỉnh như: “Không, con không làm!” (Tuy nhiên, tất cả mọi dự đoán đều sẽ không còn chính xác nếu như trẻ mệt, đói hoặc căng thẳng).
Trẻ 3 tuổi cũng hiểu rằng những lời khen ngợi sẽ hỗ trợ việc xây dựng các mối quan hệ. Trẻ có thể sẽ khôn khéo đưa ra những lời khen như “Mũ của bạn đẹp quá” để bắt đầu làm quen trước khi mời bạn cùng chơi với mình. Để tăng cơ hội thành công, trẻ có thể làm những yêu cầu của mình nghe dễ chịu hơn bằng cách thêm vào chữ “có được không?” như khi trẻ nói: “Bọn mình đi chơi cát nhé… được không?” hoặc “Lần sau sẽ đến lượt bạn… có được không?” Có được không là một công cụ hiệu quả trong nghệ thuật thuyết phục bởi nó khuyến khích người nghe đồng ý và thể hiện sự quan tâm tới quan điểm của người đó, mặc dù toàn bộ câu nói vẫn mang ý khẳng định.
Hỏi và hỏi! Khi các phóng viên báo chí viết bài, nhiệm vụ của họ là giúp người đọc trả lời năm câu hỏi theo thứ tự là Ai? Cái gì? Ở đâu? Khi nào? và Tại sao? Điều thú vị là, khả năng hiểu biết của những người tiền sử cũng phát triển theo đúng trật tự đó.
Vào thời điểm này, bạn không nên ngạc nhiên khi nhận thấy đó cũng chính là thứ tự trẻ học cách tò mò về thế giới. Câu hỏi Ai? và Cái gì? (“Ai đang đọc sách thế?”, “Mẹ đang ăn gì thế?”) dễ đến nỗi trí tuệ đơn giản của một đứa trẻ 18 tháng tuổi cũng có thể trả lời được. Trả lời cho câu hỏi Ở đâu? (“Gấu Teddy ở đâu rồi?”) là một bài tập xếp hình cần sự tư duy mà trẻ 2 tuổi có thể làm được. Khi được 3 tuổi, trẻ chập chững có thể trả lời tốt câu hỏi Khi nào? Cuối cùng, khi được gần 4 tuổi, trẻ bắt đầu có khả năng trả lời câu hỏi phức tạp nhất, câu hỏi đòi hỏi trẻ phải vận dụng tất cả những kỹ năng trí tuệ mà trẻ có: Tại sao?
Những câu hỏi Tại sao? đầu tiên giúp chúng ta có được cái nhìn lý thú về sự phát triển trí tuệ của trẻ. “Tại sao con chim lại bay đi?”, và vâng, thậm chí là “Tại sao bầu trời lại có màu xanh?” Đừng lo lắng nếu bạn lẩn tránh bằng câu trả lời “bởi vì” “đa năng” là: “Bởi vì Chúa tạo ra nó như vậy” hoặc “Bởi vì bà ngoại dạy mẹ như thế”. Đôi khi đó chính là điều tốt nhất bạn có thể làm và thường trẻ sẽ cảm thấy hài lòng.
Nếu câu trả lời của bạn không làm cho trẻ thỏa mãn, bạn hãy thì thầm: “Mẹ nghĩ đó là do… phép thuật!” Trẻ chập chững trên 3 tuổi thích gán ý tưởng về phép thuật cho những thứ không dễ dàng giải thích. Các bé thực sự tin rằng bạn có thể làm cho đồng xu biến mất và có niềm tin vào sức mạnh bảo vệ kỳ diệu của Nước xịt siêu nhân (chai nước xịt chứa nước thông thường) có thể xua đuổi tất cả những thứ đáng sợ.
Ý tưởng về phép thuật là một cách tiếp cận sáng tạo với những điều còn bí ẩn. Trẻ 2 tuổi thường bỏ qua những gì chúng không hiểu, nhưng trẻ 3 tuổi tin rằng tất cả mọi thứ đều có thể giải thích và hoàn toàn chấp nhận việc coi phép thuật là một lời giải thích hợp lý cho những thứ chúng không thể hiểu được.
Bạn cũng có thể trả lời những câu hỏi của trẻ bằng cách hỏi trẻ 3 tuổi một câu hỏi (và kiên nhẫn đợi trẻ trả lời). Sự trao đổi có qua có lại mang tính tri thức này rất thú vị và nó nuôi dưỡng sự tự tin của trẻ giống như sữa và bánh quy nuôi dưỡng cơ thể trẻ vậy.
Những từ ngữ đưa thế giới về đúng trật tự. Không lâu sau ngày sinh nhật lần thứ hai, trẻ chập chững bắt đầu đưa ra những so sánh đơn giản, phù hợp với thế giới cũng đơn giản chứa đựng các quy tắc cứng nhắc của trẻ như to/nhỏ, nóng/lạnh, và mở/ tắt. Nhưng sau sinh nhật lần thứ ba, người bạn nhỏ thông minh thuộc Thời kỳ Đồ đá này sẽ có thể đưa ra những so sánh và đánh giá trừu tượng hơn như trơn, mấp mô, lo lắng và thích thú.
Mỗi tháng qua đi, năng lực sử dụng tính từ để mô tả sự vật trong thế giới của trẻ lại càng tiến bộ nhanh đến kinh ngạc. Bạn sẽ nghe thấy trẻ nói đôi dép màu hồng ngọc, em búp bê ưa thích, bánh mì bơ lạc, và chiếc xe tải rất to. Trẻ sẽ sáng tạo ra rất nhiều từ mới đầy chất thơ mà ngay cả từ điển Webster cũng chưa hề ghi lại như rất đường, đầy xinh và như một trong những bệnh nhân của tôi đã nói – kem đại dương (kem chống nắng). Đây sẽ là lần đầu tiên trí óc non nớt của trẻ có thể cùng lúc so sánh từ bốn đến năm vật và chọn ra vật nào to nhất, cao nhất hoặc nhanh nhất.
Trẻ tỏ ra rất thích những từ gợi cho trẻ những trải nghiệm vui vẻ và thú vị. Những từ như tiệc, bí mật và bất ngờ có thể kích thích sự thích thú và những tiếng cười sảng khoái tuôn trào ngay cả khi bạn chỉ thì thầm về chúng với trẻ.
Mặc dù bây giờ trẻ có thể ngay lập tức chọn được từ thích hợp trong số hàng trăm từ trong kho từ vựng của mình nhưng trẻ vẫn nghĩ rằng mỗi từ chỉ có một nghĩa duy nhất. Vì thế trẻ có thể tỏ ra bối rối trước những câu như “Bố bận làm việc rồi” hoặc “Sally có một người anh cùng cha khác mẹ”. Sẽ phải mất thêm một hoặc hai năm nữa để bán cầu não phải phát triển khả năng chọn từ không chỉ có nghĩa chính xác nhất mà còn có nghĩa phù hợp nhất trong một bối cảnh.
Phát hiện ra các khái niệm về thời gian. Trẻ chập chững đang trong giai đoạn phát triển bắt đầu nghĩ về những khoảng thời gian và sử dụng từ ngữ mô tả thời gian để sắp xếp thế giới theo đúng trật tự. Khi được 18 tháng tuổi, trẻ thực sự chỉ hiểu được những từ như bây giờ và sớm/nhanh. Tuy nhiên, khi trẻ được khoảng 3 tuổi, trẻ sẽ sử dụng thành thạo những từ chỉ thời gian và thành thạo hơn trong bất cứ giai đoạn nào khác trong quá trình phát triển của mình. Bây giờ và nhanh/sớm bỗng chốc được thay thế bởi hàng tá các từ chỉ thời gian khác như hôm qua, hôm nay, ngày mai, tuần sau, luôn luôn, không bao giờ, và ngày xửa ngày xưa. Trí óc “trẻ làng xã” lúc này rất linh hoạt, trẻ thậm chí có thể sáng tạo ra những từ ngữ thú vị khác để mô tả những thời điểm xảy ra một sự kiện cụ thể nào đó trong cuộc sống của mình như hôm mai hay ăn sáng giường - có nghĩa là ăn sáng trên giường!
Kết hợp các ý tưởng. Bạn có nhớ khi còn đi học, bạn được yêu cầu học từ mới bằng cách dùng từ đó để đặt càng nhiều câu càng tốt không? Có lẽ đây cũng chính là bài tập mà những người tiền sử làng xã đã làm mỗi khi họ phát hiện ra điều gì mới. Ví dụ, có lẽ họ đã nhận thấy rằng họ có thể dùng những lá cỏ dài để kết thành giỏ, vì thế họ áp dụng ý tưởng đó vào những trường hợp khác và phát hiện ra rằng họ cũng có thể dùng cỏ đan đó để làm thành quần áo, lưới đánh cá và thảm trải sàn.
Trẻ 3 tuổi cũng dành phần lớn thời gian trong ngày để nghiên cứu những ý tưởng mới và luyện tập cách ứng dụng chúng theo tất cả những cách mà trẻ có thể nghĩ ra. Ví dụ, sau khi trẻ học được rằng nước giúp cây lớn lên thì ngay ngày hôm sau, trẻ có thể sẽ tưới nước ép trái cây lên chú cún nuôi trong nhà và nói: “Mình muốn Fluffy lớn thật nhanh”.
Khả năng áp dụng các ý tưởng mới theo nhiều cách khác nhau chính là nội dung chính của “Bước nhảy vĩ đại!” Dưới đây là một trong số những điều bạn có thể nghe thấy trẻ lẩm bẩm cả ngày:
“Mẹ ơi, ai sinh ra trước, mẹ hay con?”
“Con dao có phải là bố của chiếc dĩa không hả mẹ?”
“Những người xấu có đi ị không?”
“Mẹ nằm xuống gối của con đi. Mẹ con mình có thể cùng nhau xem giấc mơ của con rồi.”
“Nước tè không chảy ra. Con nghĩ là nó vẫn đang ngủ.”
“Ti mẹ làm từ gối phải không ạ?”
“Những nụ hôn có biến mất không ạ?”
“Như thế không phải là ném lên – như thế là ném xuống! Nếu ném lên thì nó phải bay lên trời chứ.”
“Lúc trời sáng thì ai tắt bóng tối đi hả mẹ?”
Kỹ năng cảm xúc xã hội tại thời điểm này
Đưa ra thỏa thuận đầu tiên: “Mẹ làm trước. Sau đó đến lượt con.” Chắc bạn cũng có thể hình dung ra, những cư dân làng xã cổ đại sống thành từng nhóm lớn nên họ cần các quy tắc để có thể cùng chung sống và làm việc. Những quy tắc được đặt ra giúp họ tránh được các xung đột, cùng tồn tại và phát triển thịnh vượng. Khi xảy ra tranh cãi, những người cổ đại này cũng biết cách hướng tới thỏa hiệp để dàn xếp mọi chuyện. Một trong những thay đổi thú vị nhất xuất hiện ở trẻ chập chững – nhu cầu kết bạn ngày càng tăng – chính là sự mô phỏng kỹ năng xã hội ngày càng phát triển ở những cư dân làng xã thời tiền sử. Trẻ 3 tuổi bắt đầu chia sẻ, vui vẻ đợi đến lượt mình và phối hợp với nhau. Điều này phần lớn nhờ vào việc bán cầu não phải ngày càng phát triển mạnh khả năng kiểm soát những hành động bốc đồng sơ khai.
Karen quan sát bé Brandon 3 tuổi đưa cho em gái 12 tháng tuổi của bé món đồ chơi thứ hai: “Đây này, Hannah, cái này cho em.” Karen rất ngạc nhiên. Và trước khi cô kịp khen Brandon về hành động hào phóng của bé thì Brandon đã nhanh tay giành lấy món đồ chơi mà Hannah đang cầm trước đó. Karen nói với bé rằng như thế là không công bằng và sau khi nói chuyện với bé một hồi, Brandon đã trả lại món đồ chơi đó cho em và xin lỗi em vì bé đã không làm đúng quy tắc.
Con lớn rồi! (Nhưng mà, chà, con cũng vẫn còn bé!) Một trong những so sánh thú vị nhất mà trẻ chập chững thường hay nhắc tới là so sánh bản thân trẻ với những người khác. Những sự so sánh, đánh giá này giúp trẻ cảm thấy mình là người mạnh mẽ và độc lập. Tuy vậy, đôi khi chúng cũng có thể gây ra rất nhiều rắc rối.
Bé Dante – 3,5 tuổi – ngồi trong lòng tôi, tôi ôm bé và nói đùa: “A, em bé của bác!” Bé thở dài, đứng dậy và hỏi mẹ: “Con không phải là em bé nữa đúng không mẹ?”
Cũng giống như Dante, đứa con 3 tuổi của bạn cũng hoàn toàn nhận thức được rằng bé không còn là một em bé nữa. “Con lớn rồi. Kia là em bé của con!”, bé có thể sẽ nói như vậy. Nhưng việc nhận ra rằng trẻ lớn hơn một em bé cũng có thể khiến trẻ sợ hãi khi nhận ra rằng: So với tất cả những người khác, trẻ thật nhỏ bé và yếu đuối. Thật dễ hiểu khi trẻ 3 tuổi thích làm cho nước trong vũng nước bắn lên thật mạnh và thích nghe những câu chuyện về việc làm thế nào để trở nên to lớn và mạnh mẽ. (Nếu bạn không có cuốn sách nào về khủng long, siêu nhân hoặc người khổng lồ thì chắc là chúng sẽ sớm xuất hiện trên giá sách của bạn thôi). Trong những trò chơi yêu thích của trẻ, trẻ chính là những con rồng khổng lồ phun lửa hoặc là Vua sư tử với tiếng gầm đầy uy lực.
“Con sẽ là thầy/cô giáo”. Hãy thử tưởng tượng xem bạn sẽ còn bao nhiêu thời gian để phát minh ra các công cụ hoặc ngôn ngữ nếu như bạn phải dành cả ngày để đấu tranh sinh tồn? Trong giai đoạn đầu, những cư dân làng xã cổ đại đã bắt đầu nhận ra rằng để làm tốt tất cả mọi việc, họ cần chia nhỏ các công việc và giúp đỡ lẫn nhau.
Dần dần, họ tự sắp xếp thành các nhóm quân đội, thợ dệt, thợ săn và những người chuyên đi hái lượm. Đứa trẻ chập chững của bạn cũng có thể bắt đầu thử đóng các vai khác nhau như vậy. Mối quan tâm của trẻ không còn chỉ tập trung duy nhất vào Mẹ, Bố hay Em bé nữa. Càng ngày trẻ càng thích thú với những nhân vật khác – công chúa, vũ công ba lê, lính cứu hỏa, người chăn cừu. Chẳng mấy chốc, trẻ sẽ dành ra hằng giờ để mê mải chơi trò đóng vai, mặc đồ hóa trang, chơi với búp bê và những nhân vật hành động khác.
Bẻ cong các quy tắc. Khi bắt đầu bước vào tuổi lên ba, trẻ có thể vẫn thích những thứ có thể dự đoán trước. Nhưng khi được 3,5 tuổi, trẻ bắt đầu từ bỏ những quy tắc và trình tự sinh hoạt cứng nhắc và bắt đầu dành hằng giờ tìm kiếm thú vui trong việc cố gắng bẻ cong các quy tắc.
Việc bẻ cong các quy tắc đòi hỏi não trẻ phải cân nhắc một vài lựa chọn cùng lúc và chọn ra điều khó lường nhất. Trẻ tự hào khi nhận ra khả năng này của mình và chính nó khiến trẻ trở nên thông minh hơn các trẻ khác. Kỹ năng này trở thành nền tảng cơ bản của những trò chơi giả vờ trong đó trí tưởng tượng của trẻ dường như không có giới hạn: “Ta là người khổng lồ đây. Ta sẽ ăn thịt ngươi!”, con trai bạn hét lên với em gái của bé. “Không, không! Anh là con của em nên anh chỉ được uống sữa thôi!” – cô bé cũng hét lên.
Tính hài hước (ngay cả khi chưa hoàn toàn rõ nghĩa). Hãy hòa trộn khả năng hiểu và bẻ cong các giới hạn, ham muốn khám phá, mối quan tâm xã hội ngày càng tăng của bé với nhau – và xem này! Bạn có điểm khởi đầu của khiếu hài hước ở đây rồi.
Trong giai đoạn này, trẻ dùng năng lực của não bộ để cân nhắc nhiều lựa chọn và chọn ra điều thú vị nhất, thường là ngộ nghĩnh nhất. Trẻ thích sáng tạo ra những từ ngữ ngớ ngẩn, những giai điệu lý thú và kết hợp những từ ngữ thường không đi cùng nhau, ví dụ như chú voi xanh lá.
Anh chàng Jeffrey bé nhỏ trêu tôi: “Bố này, con đang ăn ngũ cốc của con bằng tai này! Ha ha!” Bé Abigail cười khúc khích vào hùa với tôi khi tôi tuyên bố: “Tên tôi là Bố!” “Không!”, cô bé cười như nắc nẻ, thích thú hưởng ứng trò đùa: “Tên con mới là Bố!”
(Bạn sẽ rất thích thú khi biết về khiếu hài hước khi đi vệ sinh của trẻ, bắt đầu ngay sau khi bạn tập cho trẻ ngồi bô.)
Khủng hoảng tuổi lên ba: Giai đoạn “dậy thì” đầu tiên. Khi Trish nói đùa với tôi rằng con gái cô – Courtney – từ 3 tuổi sắp thành 13 tuổi – tôi nghĩ rằng cô đã hiểu khá đúng vấn đề. Giống như khi các em tuổi mới lớn phải “vật lộn” trong thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn, trẻ chập chững cũng phải đấu tranh khi từ một “em bé” trở thành một thiếu nhi.
Những nỗi buồn bực mà trẻ gặp phải trong thời kỳ “khủng hoảng tuổi lên 2” giống như những cơn bão ngắn ngủi so với những trận cuồng phong đang tiến thẳng tới nhà bạn khi trẻ 3 tuổi. Phút trước trẻ muốn được bế, và phút sau trẻ gào khóc đòi được đặt xuống. Năm 3 tuổi này của trẻ giống như một chiếc bập bênh khổng lồ, một bên là mong muốn được bé lại lần nữa (khi trẻ cảm thấy mọi việc đơn giản và trẻ được an toàn), một bên là mong muốn được lớn lên (khi trẻ có thể làm được tất cả những điều thú vị mà các em bé không làm được).
Nhưng – đây là vấn đề then chốt – khi bạn cảm thấy tức giận vì những cơn ăn vạ của trẻ, bạn không bao giờ được quên rằng trẻ cũng giống như bạn – chỉ là nạn nhân của chính những căng thẳng trong lòng trẻ. Trẻ có thể trở nên cực kỳ cáu giận, tự nhốt mình vào một góc. Bởi thế, nếu bạn giúp trẻ tìm ra một cách thật nhẹ nhàng để trấn tĩnh, cuộc chiến giữa bạn và trẻ sẽ nhanh chóng kết thúc. (Xem Chương 9 để biết thêm về những kỹ năng thuần hóa trận cuồng phong).
Giai đoạn trẻ từ 36 đến 48 tháng tuổi là chiếc cầu trí tuệ mà trẻ đang nhanh chóng đi qua. Giống như giai đoạn tinh tinh đáng yêu đánh dấu sự chuyển biến từ trẻ sơ sinh sang thời kỳ chập chững, giai đoạn Cư dân làng xã đánh dấu những năm cuối của thời kỳ này. Sau những tháng cuối cùng này của thời kỳ chập chững, trẻ rồi cũng sẽ đặt chân lên bờ biển tưởng tượng của thời thơ ấu!
Nhưng chúng ta không nên vội vàng chạy về phía trước. Tuổi chập chững có thể trôi qua chỉ trong nháy mắt – nhưng trong suốt những năm tháng ấy, bạn sẽ có được rất nhiều tiếng cười và cả những trận chiến thú vị. Giờ đây khi đã lý giải được căn nguyên những hành động của trẻ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một yếu tố khác có ảnh hưởng không nhỏ đến phương hướng và sắc thái hành vi của trẻ. Đó là một phần quan trọng tạo nên con người của trẻ sau này – chúng ta gọi nó là “tính khí”.