“Nhanh hơn, khỏe hơn, thông minh hơn.”
– Khẩu hiệu Olympic
Những nội dung chính
▪ Về mặt phát triển, trẻ có rất nhiều điểm chung với những người thượng cổ cách đây 150.000 năm.
▪ Những chuyển động của trẻ đã thanh thoát hơn, nhưng cũng chính vì vậy nên trẻ gặp nhiều tai nạn hơn, trẻ tập trung nhiều hơn vào đích đến thay vì những gì ở trên đường đi của bé.
▪ Kiên nhẫn hơn và chính xác hơn, trẻ 2 tuổi sẽ sử dụng đôi tay để xem xét, chơi với đồ vật và đập tay với bạn!
▪ Trẻ không chỉ học từ đơn lẻ mà còn học cách nói chuyện.
▪ Hầu hết trẻ 2 tuổi đều thích các trình tự sinh hoạt và thứ tự thực hiện. Trẻ ngày càng muốn làm những việc khiến cha mẹ, người thân và thầy cô hài lòng.
Bé Kyle rất thích chơi với bộ sưu tập ô tô ngày càng đồ sộ của mình. Bé thích sắp xếp chúng theo từng nhóm nhỏ riêng biệt: xe màu đỏ ở đây, xe màu vàng ở đây, xe màu xanh cuối cùng. Vừa giả vờ tạo ra những tiếng “brừm brừm”, bé vừa cẩn thận “lái” xe lên dốc để đưa xe vào ga-ra đồ chơi.
Larry – bố Kyle – vừa mới tặng cho bé rất nhiều ô tô đồ chơi vào ngày sinh nhật lần thứ hai của bé. (Tất nhiên, bố đã cẩn thận kiểm tra để chắc chắn rằng bánh xe không thể tháo rời và do đó bé sẽ không bị hóc vì nuốt phải chúng). Kyle rất thích ô tô, vì vậy vào cuối tuần trước, khi đi làm về, Larry đã dành cho cậu bé một sự bất ngờ chất đầy trong túi áo.
“Đố con biết túi nào?”, Larry hỏi.
Cậu bé nhìn thấy chỗ túi phồng lên và khi nhìn vào trong túi, bé reo lên sung sướng: “Ô tô! Bố Ky-kyô tô! Brừm!”
Hai ngày sau đó, ngày nào Larry cũng mang về một chiếc ôtô mới cho Kyle, còn bé nhanh chóng trở nên mong đợi và thích thú với trò chơi mới này. Ngay khi nghe thấy tiếng bước chân bố phía cửa ra vào, cậu bé đã reo lên: “Bố! Ô tô! Ô tô! Ô tô cho Ky-ky!”
Nhưng vào buổi tối ngày thứ ba, trong túi Larry chỉ có một quả táo thay vì một chiếc xe ô tô đồ chơi mới. Kyle trông có vẻ bối rối. “Táo không nên ở trong túi bố, đó là chỗ để ô tô cơ mà.” Sau đó, Larry lấy ra một chiếc ôtô từ phía sau lưng mình và Kyle phá lên cười sung sướng.
Trẻ chập chững giống những người thượng cổ như thế nào?
Chà! Kyle đã thay đổi rất nhiều chỉ trong vòng hai năm: từ một em bé sơ sinh bé xíu trở thành một cậu bé biết nói thân thiện, có thể hiểu được những câu chuyện cười đơn giản và biết cách sắp xếp mọi thứ theo trật tự.
Giống như Kyle, con bạn cũng dành hai năm đầu đời để học những khái niệm cơ bản. Trong suốt một thời gian dài, trẻ đã khám phá cơ chế hoạt động của nhiều thứ, đã có thể di chuyển, sờ các đồ vật, phối hợp vận động và nếm thử mọi thứ. Giờ đây, trẻ đã sẵn sàng để làm tất cả mọi thứ tốt hơn những gì trẻ đã từng làm rất nhiều!
Bạn có còn nhớ những từ trẻ bập bẹ và hàng tá những từ vô nghĩa khác hay không? Giờ đây, chúng đã phát triển thành những câu diễn tả chính xác những gì trẻ nghĩ.
Vậy còn những bước đi vụng về thì sao? Chẳng mấy chốc trẻ sẽ chạy ngang qua căn phòng để hướng về phía bạn (mặc dù đổi hướng vẫn là một thử thách với trẻ).
Trẻ đã từng bắt chước những giai điệu nghe được, nhưng khi được gần 3 tuổi, trẻ bắt đầu hiểu lời bài hát và nhớ tất cả những ký hiệu tay tương ứng với lời bài hát: “Đầu, vai, đầu gối, ngón chân”.
Vào thời điểm này, trẻ có bước chuyển biến từ giai đoạn “chạy – chạm” (các chuyên gia về trẻ em gọi đây là giai đoạn vận động cảm giác) khi mà mọi thứ đều liên quan đến việc di chuyển và cầm nắm sang giai đoạn “tìm hiểu”. Bạn bè, ngôn ngữ, trật tự và trình tự sinh hoạt là tất cả những gì trẻ tinh khôn thượng cổ quan tâm đến.
Những người thượng cổ cách đây 150.000 năm cũng đã bước vào thời kỳ “tìm hiểu”. Họ chế tạo công cụ lao động giỏi hơn, giao tiếp tốt hơn và có kỹ năng làm bạn tốt hơn. Họ là những người hiện đại thông minh (Homo sapien) đầu tiên, cùng chủng người với chúng ta hiện nay. Họ sinh hoạt theo một lịch trình rất dễ đoán trước. Mỗi ngày, họ sinh hoạt theo những trình tự cố định với các hoạt động đi săn, ăn uống và nghỉ ngơi, đồng thời họ cũng bắt đầu dành thời gian để suy nghĩ, thắc mắc. Họ tìm ra cách để cải tiến công cụ mà suốt hằng triệu năm trước đó tổ tiên họ chưa từng thay đổi. Những kỹ năng ngôn ngữ mới giúp họ hợp tác với nhau tốt hơn để săn được những con thú lớn hơn, dữ dằn hơn. Có cả những dấu hiệu cho thấy họ bắt đầu thích sự ngăn nắp, trật tự hơn sự lộn xộn như trước kia. Các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu kỹ những hang động mà người thượng cổ sinh sống và tin rằng họ dành riêng một nơi để bỏ xương và thức ăn thừa. Đôi khi, họ thậm chí còn dành riêng những khe hở trong hang để làm nhà vệ sinh khép kín đầu tiên.
Tôi gọi trẻ 2 tuổi là trẻ thượng cổ tinh khôn bởi các bé có những đặc điểm tương tự như những người tiền sử này. Trẻ ở độ tuổi này vẫn còn cư xử khá nguyên thủy, nhưng các bé đã bắt đầu suy nghĩ và có thể cùng hợp tác, bắt đầu biết sắp xếp, tổ chức hơn bao giờ hết. Nếu đứa con 2 tuổi của bạn có một khẩu hiệu thì khẩu hiệu đó sẽ là: “Nhanh hơn, khỏe hơn, thông minh hơn” như trong câu “Con chạy nhanh hơn. Tay con khỏe hơn. Trí não con thông minh hơn.”
Bộ não tiếp tục phát triển: Bán cầu não phải và não trái đang trong thời kỳ hoạt động tốt nhất
Đến thời điểm này, trẻ 2 tuổi đã đạt được những gì trong quá trình phát triển? Câu trả lời được tìm thấy trong sự bùng nổ hết sức mạnh mẽ của những mối liên hệ mới khiến bộ não trở nên phức tạp và hoạt động hiệu quả hơn rất nhiều.
Cuối cùng thì, sau khi trẻ được 2 tuổi, bán cầu não trái đã bắt đầu vào guồng. Bán cầu não trái điều khiển chức năng ngôn ngữ, tư duy lôgic (tìm hiểu sự việc) và nửa bên phải của cơ thể. Giờ đây, trẻ đã có thể lên những kế hoạch đơn giản, dùng ngôn từ để thể hiện cảm xúc, nhớ được các chuỗi thông tin dài (như nói được cả câu “Chúc mừng sinh nhật”) và khéo léo sử dụng tay phải.
Cùng lúc đó, năng lực của bán cầu não phải cũng tiếp tục phát triển và trở nên phức tạp hơn, giúp trẻ nhận ra những thông điệp không lời tốt hơn (biểu cảm giọng nói, nét mặt, ngôn ngữ cơ thể), nên trẻ bắt đầu biết đồng cảm, có thể kiểm soát tốt hơn những hành vi bột phát và thành thục những chuyển động của nửa bên trái cơ thể.
Tất cả những điều này đều chứng tỏ rằng, chẳng mấy chốc trẻ sẽ không ném thức ăn nữa, bắt đầu có hứng thú với việc tập đi toilet và có thể kể lại những sự kiện đã diễn ra trong ngày. Cuối cùng, trẻ bắt đầu biết kiên nhẫn. Và giống như một em bé sơ sinh, ban đầu sự kiên nhẫn ở trẻ nhỏ xíu rồi dần dần lớn nhanh như thổi.
Có lẽ bạn sẽ nhận ra những cuộc chiến quyền lực đã dần dần biến mất. Thường thì trong khoảng vài tháng sau sinh nhật lần thứ hai, những hành vi cắn, cào và những cơn cáu giận sẽ dần dịu đi bởi trẻ đã có thể diễn tả tốt hơn những buồn bực khó chịu của mình bằng ngôn từ; lúc này, trẻ cũng bắt đầu muốn làm bạn hài lòng. (Đương nhiên, những hành động hoang dã vẫn sẽ tiếp tục diễn ra thường xuyên – dù sao thì trẻ 2 tuổi cũng mới chỉ 2 tuổi thôi mà!)
Tài năng của bộ não trẻ chập chững trong thời gian này cũng nở rộ khi trẻ có thể so sánh dựa trên một năng lực mới cực kỳ thú vị: Trẻ có thể suy nghĩ về hai hoặc ba ý tưởng cùng lúc. Những người thượng cổ sử dụng năng lực này để suy nghĩ về cách chế tạo những loại rìu khác nhau. Năng lực đó giúp họ biết rằng chiếc rìu đá tốt nhất là chiếc rìu có tay cầm bằng gỗ. (Việc phát minh ra loại tay cầm này giúp lực chặt của rìu mạnh hơn và giúp bảo vệ tốt hơn các ngón tay của người sử dụng).
Đứa trẻ thượng cổ của bạn cũng trở nên thích thú với những sự so sánh. Giai đoạn này, trẻ sẽ học được cách phân biệt một chiếc xe cứu hỏa với một chiếc xe cứu thương và nhặt ra chiếc xe to hơn hay chiếc bánh quy xoắn dài hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi trẻ đạt được những tiến bộ trí não như vậy, thì thời kỳ của người thượng cổ cổ đại và trẻ thượng cổ hiện đại liên quan đến khả năng điều chỉnh tốt hơn là khả năng sáng tạo. (Như bạn sẽ thấy, năm tiếp theo sẽ thực sự là khoảng thời gian bùng nổ những “phát minh” và sự sáng tạo). Những người thuộc Thời kỳ Đồ đá cải tiến những chiếc rìu cũ nhưng không phát minh ra lưới hay kim khâu hoặc những công cụ mới. (Khám phá ra tay cầm rìu bằng gỗ là “Phát minh đoạt giải Nobel” duy nhất trong suốt 200.000 năm sau đó).
Có lẽ đứa con 2 tuổi của bạn cũng không có nhiều ý tưởng mới mẻ và kỹ năng giải quyết vấn đề hơn những người cổ đại trong thời gian này. Nếu một chiếc hộp bị kẹt nên không đóng lại được thì giải pháp thông minh của trẻ có lẽ chỉ là tiếp tục đập mạnh nắp hộp xuống. Trẻ thường sẽ không suy xét rằng: Hừm, có lẽ có gì đó vướng ở nắp hộp.
Trẻ 2 tuổi làm được những gì?
Tất nhiên, trẻ 2 tuổi không thực sự là một đứa trẻ thượng cổ (Cave-kid), nhưng trẻ hoàn toàn có thể tỏ ra giống như vậy:
C – Càng ngày càng tò mò (Curiouser and curiouser)
A – Khả năng chú ý tăng lên (Attention increases)
V – Luôn luôn bận rộn (Very busy)
E – Thích làm bạn hài lòng (Enoys pleasing you)
K – Tốt bụng hơn (Kinder)
I – Thích sự ngăn nắp và thích so sánh (Interested in order and comparisons)
D – Quyết tâm được giao tiếp (Determined to communicate)
Cận cảnh sự tiến hóa cá nhân: Giờ đây trẻ có thể làm gì?
Câu hỏi tôi thường được nghe nhiều nhất trong một buổi kiểm tra sức khỏe cho trẻ 2 tuổi là “Khủng hoảng tuổi lên 2 sẽ như thế nào?”
Thật dễ hiểu khi các bậc cha mẹ lo lắng cho thời kỳ này. Họ mới vừa trải qua sáu tháng ầm ĩ và mệt mỏi nhất kể từ khi trẻ ra đời. Giờ đây, những gì họ thực sự nghĩ là: Chuyện này sẽ còn khó khăn hơn đến mức nào nữa đây?
Nhưng bạn đừng lo. Mọi việc sẽ không khó khăn hơn nữa đâu! Như tôi đã đề cập ở Chương trước, sự trái ngược cứng nhắc của những đứa trẻ 1 tuổi sẽ đạt đến đỉnh điểm vào lúc 18 tháng tuổi. Khi được 2 tuổi, một cuộc “khủng hoảng tuổi lên 2” của trẻ chập chững gần như đã trôi qua rồi (mặc dù từ lúc đó đến khi trẻ 3 tuổi, bạn cũng sẽ vẫn phải trải qua một vài thời điểm khó khăn).
Nhờ vào bộ não mới và tiến bộ hơn một cách kỳ diệu, trẻ đã không còn bùng nổ như pháo hoa mỗi khi tức giận nữa. Trong giai đoạn này, bạn sẽ thấy “người bạn thời tiền sử” của mình trở nên kiên nhẫn hơn, dễ chịu hơn và cởi mở hơn trong các thỏa thuận. Không chỉ thế, khi bạn đã có trong tay những mẹo giao tiếp đơn giản sẽ được trình bày trong Phần hai và Phần ba của cuốn sách này thì bạn sẽ nhận được phần thưởng là những trải nghiệm tràn ngập niềm vui và tiếng cười cùng với trẻ.
Kỹ năng vận động thô tại thời điểm này
Bớt hoang dại. Sau ngày sinh nhật lần thứ hai, hầu hết trẻ đã không còn trong trạng thái vận động không ngừng nữa (dù cũng có một vài ngoại lệ). Những người thượng cổ không dành nhiều thời gian để chạy nhảy lung tung. Họ cần phải chế tạo công cụ và mài sắc những ngọn lao. Giờ đây, trẻ có thể ngồi yên xem những hình vẽ trong sách thay vì liên tục lật giở ngẫu nhiên như trước.
Kiểm soát chuyển động tốt hơn. Trẻ di chuyển nhanh nhẹn hơn và tự tin hơn. Những bước chân vụng về (bàn chân vẫn có phần hơi bẹt) dần dần cải thiện. Vào khoảng gần 3 tuổi, trẻ thậm chí sẽ có thể đổi chân mỗi khi leo lên bậc và dễ dàng nhảy xuống đất khi đi đến bậc thang cuối cùng. Trẻ có thể đi giật lùi vì thích thú, thậm chí đi nhón chân bởi lúc này trẻ đã kiểm soát khớp mắt cá chân tốt hơn.
Trẻ biết cách đi nhanh hoặc đi chậm, bất ngờ dừng lại và tiếp tục tăng tốc, có thể định hướng để tự “lái” mình qua các góc hoặc đường rẽ mà không bị ngã. Đến khi được gần 3 tuổi, trẻ thậm chí có thể đạp xe đạp ba bánh – đây thực sự là một thành tựu lớn! Tại sao vậy? Bởi việc đạp xe đòi hỏi bàn chân của trẻ phải làm được hai việc trái ngược: chân phải ấn xuống, chân trái đẩy lên. Hầu hết trẻ 2 tuổi khá bối rối và thường cố gắng đẩy thân mình đi bằng cách đẩy cả hai chân lên trước cùng một lúc.
Dễ gặp tai nạn. Có thể bạn sẽ nghĩ rằng khi trẻ có cảm nhận về thăng bằng và kiểm soát các chuyển động cơ tốt hơn thì trẻ sẽ đứng vững hơn trên đôi chân của mình. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là, khi trẻ đi lại tốt hơn, trẻ lại có thể gặp nhiều tai nạn hơn! Đó là bởi vì giờ đây trẻ đang rất tự tin, trẻ tập trung nhiều hơn vào đích đến chứ không phải những chướng ngại vật trên đường. Vì thế nên… ẦM!
Kỹ năng vận động tinh tại thời điểm này
Có bước tiến lớn trong việc sử dụng đôi tay. Sở dĩ trẻ đạt được bước tiến lớn này là vì: Kiên nhẫn hơn đồng nghĩa với việc trẻ có thể ngồi và chơi đồ chơi lâu hơn; bán cầu não trái phát triển đồng nghĩa với việc trẻ bắt đầu có khả năng kiểm soát bàn tay phải tốt hơn. Vì thế, chẳng mấy chốc, bàn tay phải khéo léo hơn sẽ mãi mãi trở thành bàn tay ưa thích của trẻ. (Đối với những người thuận tay trái, quá trình cũng diễn ra tương tự, nhưng bán cầu não phải, nơi điều khiển bàn tay trái phát triển vượt trội hơn).
Nếu như trong năm đầu tiên, ngón tay và cổ tay còn cứng thì đến thời điểm này, các ngón tay càng ngày càng nhanh nhẹn và cổ tay cũng linh hoạt hơn. Những người thượng cổ tận dụng lợi thế này để cải tiến công cụ lao động càng ngày càng hữu dụng. Đứa con thượng cổ thông minh của bạn cũng có thể muốn tận dụng khả năng ấy để vẽ tranh và đập tay với bất cứ ai trẻ gặp. Trẻ cũng sẽ thích thú muốn được luyện tập ba kỹ năng thú vị liên quan tới bàn tay như sau:
1. Đập. Tinh tinh (và trẻ 1 tuổi) chỉ có thể đập mạnh hai vật vào nhau. Nhưng bây giờ, bạn hãy quan sát đứa con 2 tuổi của mình dùng búa đóng những chiếc cọc gỗ vào lỗ. Những động tác vụng về của người Nê-ăng-đéc-tan đã được thay thế bằng những nhát búa tương đối chính xác rồi.
2. Vẽ hình tròn. Trẻ vẫn cầm bút sáp màu bằng cả nắm tay khá chặt, những chuyển động tay vẫn chủ yếu dựa vào cánh tay hơn cổ tay; nhưng cổ tay trẻ cũng đã thả lỏng dần, đủ để trẻ có thể vẽ những đường tròn nguệch ngoạc. (Vẽ một đường tròn duy nhất vẫn còn là thử thách bởi giống như khi chạy, trẻ 2 tuổi sẽ bắt đầu một chuyển động dễ dàng hơn là ngừng nó lại.) Theo thời gian, trẻ sẽ có thể dừng lại ngay khi kéo đến được nét vẽ ở điểm bắt đầu và tạo được một đường tròn hoàn hảo (một ví dụ rõ ràng nhất về khả năng kiểm soát hành động bột phát ở trẻ). Đây sẽ là những bước khởi đầu trước khi trẻ có thể vẽ một hình người.
3. Ném. Ném đã từng là phương pháp tốt nhất để những người thượng cổ xua đuổi kẻ thù, kiếm thức ăn và hái quả từ những cây cao. Nhờ có sự phối hợp ngày càng nhuần nhuyễn của cổ tay và các ngón tay, ném trở thành một nghệ thuật đối với trẻ chập chững.
Nói rất giỏi!
Các cơ được kiểm soát tốt hơn đã mang đến cho trẻ một đột phá lớn nữa: Nói giỏi hơn. Việc học nói đòi hỏi trẻ phải kiểm soát được các cơ nhỏ xíu ở trong miệng. Cần có một sự khác biệt lớn giữa sự linh hoạt ở môi và cổ họng khi trẻ nói “baba” so với khi nói: “Bobbie, bánh, mẹ ơi!”
Bạn hãy thử tự nói hai câu này xem. Hãy cảm nhận cử động môi và cuống lưỡi khi bạn nói. Sự linh hoạt ở cơ miệng của trẻ đang trưởng thành nhanh chóng. Và dần dần, khi gần đến sinh nhật 3 tuổi, trẻ sẽ có thể uốn, làm cong lưỡi và bắt chước hầu hết những âm thanh mà bạn tạo ra.
Năng lực ngôn ngữ tại thời điểm này
Xin hãy chú ý! Nghệ sỹ tung hứng ngôn từ đã tới! Khi được gần 3 tuổi, bạn sẽ khó có thể nhớ lại thời điểm khi “em bé” của bạn chưa biết nói. Khi được 2 tuổi, trẻ biết từ 200 đến 300 từ đơn. Và trong năm tiếp theo, mỗi ngày trẻ học thêm được từ ba đến mười từ mới nữa! Bán cầu não trái của trẻ sắp xếp lượng từ vựng này rất gọn gàng. Chúng không chỉ là những nhóm gồm toàn những từ đơn giản như sách, ô tô và baba nữa. Giờ đây, trẻ đang học nói các động từ, đại từ, tính từ và “tung hứng” chúng để tạo thành hàng trăm câu nói khác nhau.
Khi đã có công cụ, bạn có thể bắt đầu học các quy tắc. Cảm nhận tuyệt vời về trật tự là một bước quan trọng giúp những người thượng cổ phát triển những tiếng gầm gừ thành ngôn ngữ đơn giản. Ngôn ngữ của trẻ chập chững cũng trải qua những bước quan trọng cơ bản như vậy. Trẻ học danh từ nhanh nhất (trẻ 1 tuổi chủ yếu nói loại từ này). Những thành phần khác của câu như chia động từ cần nhiều thời gian để học hơn bởi khi sử dụng, trẻ cần phải lựa chọn rất nhiều để nói ra được câu đúng.
Tất nhiên, trẻ chập chững không chỉ học từ đơn, trẻ còn học cách kết hợp từ lại với nhau sao cho hợp lý để tạo thành những câu đơn giản.
Khóa học ngôn ngữ miễn phí dành cho bạn
Hãy trò chuyện cùng con!
Hãy khiến mỗi ngày trôi qua trở thành một chuyến du lịch có hướng dẫn về một “báu vật quốc gia” trong gia đình của bạn. Hãy chỉ cho trẻ thấy những cảnh tượng và âm thanh thú vị. Thuật lại những việc đã xảy ra trong ngày khi bạn cùng làm việc gì đó với trẻ. Đặt ra cho trẻ nhiều câu hỏi (nhưng đừng ép trẻ trả lời). Hãy để trẻ nghe lén được khi bạn nói chuyện với người khác, hoặc với thú cưng, với chú chim ngoài vườn hoặc với những con búp bê của trẻ! Ngay cả khi trẻ không thường xuyên tỏ ra chú ý, điều đó cũng giúp trẻ học ngôn ngữ và phát triển trí tuệ.
Kỹ năng cảm xúc xã hội tại thời điểm này
Luật và quy tắc về trật tự
Bé Nina 2 tuổi có cách thể hiện rằng bé hiểu thế nào là trật tự rất thú vị. Bé liên tục đi đi lại lại trong phòng khám của tôi, ngắm nghía chú hươu cao cổ đồ chơi. Dường như bé không chỉ thích thú với nó trong chốc lát. Bé chú ý bởi chú hươu cao cổ đã bị thương – một bên tai bị hỏng. Khoảng một giờ sau, bé và mẹ rời khỏi phòng khám và tôi thích thú nhận ra rằng bằng cách nào đó, cả hai tai của chú hươu đều đã hỏng. Rõ ràng là cô bé thượng cổ tí hon ấy đã lấy tay để “sửa” chú hươu “bị lệch” đó và giúp chú trở lại cân đối như xưa.
Đứa trẻ 2 tuổi của bạn đã đi một chặng đường dài, từ một đứa trẻ hoang dã thành một đứa trẻ hoang dã có kế hoạch! Càng ngày trẻ càng cảm thấy an toàn và yên tâm với các quy tắc và những sự việc có thể dự đoán trước. Giai đoạn này, trình tự sinh hoạt trở nên quan trọng với bé hơn bao giờ hết bởi đó là cách để sắp xếp một ngày của trẻ theo hướng trẻ có thể dự đoán được những chuyện sẽ xảy ra. Dọn dẹp là một trò chơi thú vị. (Bạn cũng nên tận hưởng khi trẻ còn đang thích thú!). Trẻ cũng có thể yêu cầu đồ chơi của mình phải luôn được để ở một vị trí nhất định. Và bây giờ, trẻ có thể nói “ị” và muốn được thay bỉm ngay khi trẻ đã “ị xong”.
Được rồi, một số trẻ vẫn còn giống như những chú lợn con bừa bãi. Sắp xếp có tổ chức có thể không bao giờ là thế mạnh của những trẻ này (Tôi rất mừng là bạn không nhìn thấy những chồng giấy và sách chất cao như núi xung quanh tôi khi tôi viết những dòng này!). Nhưng đâu đó sâu thẳm trong trí não trẻ, cảm nhận về trật tự vẫn giúp trẻ bắt đầu xâu chuỗi các câu nói lại với nhau, nhớ các bài hát và nhận biết những quy luật của thế giới xung quanh.
Bé Jeremy – 25 tháng tuổi – sẽ gào lên nếu miếng cà rốt của bé chạm vào miếng khoai tây – hoặc nếu trên đĩa thức ăn của bé có bất cứ thứ gì màu xanh.
Bé Eloise sôi nổi – 27 tháng tuổi – sẽ nổi giận nếu bé làm đổ dù chỉ một giọt nước lên người.
Sau khi nhìn thấy món thịt gà nướng trong một lần gia đình đi cắm trại, bé Camille “2 tuổi” nhất định không chịu ăn bất cứ thứ gì trừ khi thức ăn được xiên bằng que xiên hoặc tăm.
Trời ơi! Con không thể quyết định được! Bạn không bao giờ nên đưa ra quá nhiều lựa chọn cho một đứa trẻ 2 tuổi. Hãy thử tưởng tượng khi bạn cần phải chọn một trường mẫu giáo cho trẻ và bạn có tới 20 lựa chọn. Bạn nên bắt đầu từ đâu? Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn chỉ có một lựa chọn duy nhất. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều, đúng không?
Lựa chọn đòi hỏi phải đưa ra quyết định, và việc đưa ra quyết định có thể khiến một đứa trẻ chập chững cảm thấy bực bội bởi trẻ chưa có đủ năng lực trí tuệ để so sánh giữa hai hay ba khả năng. Bộ não còn non nớt của trẻ có thể bị quá tải bởi quá nhiều lựa chọn. Cốc màu đỏ, cốc màu vàng, hay cốc màu xanh đây? Bộ đồ ngủ in hình khủng long Barney hay Pokémon hay Hello Kitty đây? Kem có tới 34 vị khác nhau? Ôi trời ơi!!!!
Chăm sóc và chia sẻ: mong muốn được hòa thuận. Việc trao đổi với trẻ không còn giống như bước vào vòng tròn đấu vật với kết quả sống còn nữa. Đúng vậy, trẻ 2 tuổi có thể vẫn cắn và đánh, nhưng hầu hết cha mẹ phản ánh với tôi rằng trong khoảng thời gian từ sinh nhật thứ hai đến sinh nhật lần thứ ba, những phản ứng của trẻ khi tức giận trở nên ít hoang dã hơn. Trẻ dùng lời nói nhiều hơn và đập phá ít hơn. Trẻ đợi lâu hơn và khóc ngắn hơn.
Cuối cùng thì những dấu hiệu đáng mừng của sự kiên nhẫn đã bắt đầu xuất hiện. Điều này giúp trẻ có thể kiềm chế sự hài lòng (cũng như cơn ăn vạ) ít nhất là lâu hơn trước kia. Giống như tất cả những sự phát triển khác xuất hiện xung quanh thời điểm trẻ 2 tuổi, đây là một trong những biểu hiện cho thấy bán cầu não phải của trẻ đang ngày càng trưởng thành. Bán cầu não phải cũng chính là nơi đặt trung tâm kiểm soát các hành vi bốc đồng.
Dần dần, trẻ muốn được trở thành bạn của bạn. Trẻ dùng nụ cười thay cho tiếng hét để thu hút sự chú ý của bạn. Trẻ không còn gai góc như một cây xương rồng nữa; giờ đây, có thể trẻ đã lại phát hiện ra rằng được ngồi trong lòng mẹ và được mẹ ôm ấp mới dễ chịu làm sao. Trẻ ngày càng sẵn lòng chờ đợi khi bạn nói “Chỉ một giây thôi” và “Mẹ sắp xong rồi”, miễn là bạn tôn trọng trẻ và hoàn thành công việc của mình càng nhanh càng tốt. Bạn càng giữ lời lứa, trẻ sẽ càng tin tưởng và kiên nhẫn chờ đợi.
Mong muốn được bạn đồng tình cũng là thông báo cho sự xuất hiện của một điều mới mẻ nữa: cảm giác xấu hổ. Trẻ chập chững bắt đầu tuân theo quy tắc ngay cả khi bạn không quan sát trẻ. Dần dần, trẻ muốn làm những điều đúng đắn bởi trẻ quan tâm đến việc bạn nghĩ gì về trẻ. Đó chính là lý do tại sao những lời khen ngợi, phê bình và kỹ năng “tán gẫu” (tất cả đều được đề cập trong Phần Hai) lại đột nhiên trở thành những công cụ có sức mạnh to lớn để giúp trẻ cải thiện hành vi đến vậy.
“Bố về!”: Từ cha mẹ trung lưu đến niềm hoan hỷ thượng lưu
Trong hai năm đầu đời của trẻ, mẹ luôn là người quan trọng nhất. Mẹ có sữa, ngồi lòng mẹ thật ấm áp và trong hầu hết các gia đình, mẹ dường như luôn có mặt mỗi khi trẻ cần mẹ. Trẻ còn muốn gì hơn nữa đâu? Trẻ thần tượng mẹ và đôi khi đối xử với bố như người xa lạ.
Nhưng bạn đừng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó bạn bắt đầu nhận ra sự thay đổi trong tình cảm của trẻ. Bố ghi điểm trong lòng trẻ bởi bố mang đến cho trẻ những trò chơi thú vị mà trẻ 2 tuổi luôn yêu thích như cù léc, đánh nhau bằng gối, đấu vật, đá bóng...
Cuối cùng thì trẻ cũng đã tiến hóa đến giai đoạn đầu của thời kỳ văn minh! Giờ đây trẻ thể hiện những hiểu biết sơ đẳng về tác phong ứng xử, nói “Làm ơn” và tuân theo những quy tắc như “Chúng ta không ném thức ăn xuống sàn nhà.”
Tất nhiên, chia sẻ với mẹ là một chuyện, chia sẻ với một đứa trẻ khác lại là việc khó khăn hơn rất nhiều. Những hành vi này của trẻ sẽ xuất hiện, nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu trong thời gian đó, trẻ tỏ ra bướng bỉnh, hách dịch. Tin tốt dành cho bạn là, ngay từ bây giờ, mọi chuyện sẽ rẽ sang một hướng khác. Thay vì đánh “bạn” bằng chiếc xẻng đồ chơi trên sân, có lẽ trẻ sẽ chỉ phớt lờ hoặc dùng vai huých bạn một chút mà thôi.
Sự đồng cảm ngọt ngào. Cùng với sự phát triển những nhận thức đơn giản đầu tiên về trật tự cách đây 150.000 năm, những người tiền sử Thời kỳ Đồ đá bắt đầu thể hiện những dấu hiệu về sự quan tâm thực sự và tình yêu thương dành cho nhau. Có bằng chứng cho thấy rằng, lần đầu tiên trong lịch sử, những người tiền sử đã quan tâm chăm sóc những người bị ốm và bị thương, chăm sóc người già và thậm chí chôn cất người chết, bảo vệ xác họ khỏi móng vuốt của những loài ăn xác thối. Điều này có nghĩa là họ đã có sự đồng cảm – khả năng nhìn nhận mọi việc theo quan điểm của người khác và quan tâm đến việc người khác nghĩ gì.
Khi cậu con trai – Max – 2 tuổi của Sara nhìn thấy mẹ khóc sau khi nhận được tin xấu qua điện thoại, cậu bé đã đưa mẹ chú gấu bông của mình và vỗ nhẹ vào lưng mẹ.
Stephanie quyết định dựa vào cảm nhận ngày càng rõ ràng về sự đồng cảm của cô con gái 25 tháng tuổi của mình để giúp cô bé cai sữa mẹ. Cô trở về sau khi không ở nhà vào cuối tuần với hai miếng dán vết thương trên hai núm vú. “Chúng hỏng rồi”, cô nói với con gái Kristi. Cô bé đã rất sẵn lòng chấp nhận lời giải thích hợp lý này và cai sữa mà không có bất kỳ phản kháng nào.
Những hạt giống của sự đồng cảm là những gì đã đâm chồi nảy lộc trong lòng một người sẵn sàng hiến thận cho em gái hay nhường cho con mình sự sống. Trẻ chập chững có mong muốn được ôm lấy người bạn đang khóc là một bước quan trọng và diệu kỳ trong quá trình tiến hóa từ một em bé sơ sinh coi mình là trung tâm trở thành một đứa trẻ giàu lòng trắc ẩn.
Những bước phát triển thú vị ở tuổi này đã đặt trẻ 2 tuổi vào đúng trọng tâm của quãng thời gian chính giữa thời kỳ chập chững. Chắc chắn là trẻ vẫn trải qua những thời điểm khó khăn, nhưng khi bạn đã biết cách hòa hợp với trẻ, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy rằng đám mây u ám có thể tan nhanh đến mức nào. Đây là khoảng thời gian để tận hưởng những niềm vui – và hãy nín thở chờ đợi – trước khi bước sang giai đoạn trẻ 3 tuổi với những thành tựu mới và những chiếc bập bênh cảm xúc của lứa tuổi lên 3.