“Nếu một người thuộc Thời kỳ Đồ đá đến gần và ngồi xuống cạnh bạn trên một con tàu, bạn sẽ đổi ghế. Nếu một người Nê-ăng-đéc-tan ngồi xuống bên cạnh bạn… thì bạn sẽ phải đổi tàu.”
– Paul Jordan
Những nội dung chính
▪ Về mặt phát triển, trẻ chập chững ở giai đoạn này tương đương với những người Nê-ăng-đéc-tan xuất hiện cách đây hai triệu năm.
▪ Những người Nê-ăng-đéc-tan tinh khôn hơn, năng lực ngôn ngữ phát triển hơn, nhanh nhẹn hơn người vượn nhưng cũng hung hăng và bướng bỉnh hơn.
▪ Trẻ chập chững đi lại nhanh hơn, bắt đầu dùng tay để vẽ nguệch ngoạc và ném đồ vật.
▪ Trẻ kết nối từ và câu tốt hơn.
▪ Trẻ say mê với cảm nhận ngày càng gia tăng về sự độc lập. Đây là thời kỳ “Con!”, “Của con!” và “Không!”
Bé Paige, 20 tháng tuổi, sở hữu nụ cười rất đáng yêu và cả những tiếng cười giòn giã. Khoảng thời gian yêu thích trong ngày của bé là buổi chiều – khi bé được ra công viên chơi. Bé thích nhặt lá cây, quan sát đàn kiến và ngồi xích đu để tận hưởng không khí trong lành.
Tuy nhiên, gần đây, Joni – mẹ bé – luôn cảm thấy sợ hãi mỗi khi giờ chơi kết thúc và hai mẹ con phải về nhà để ăn tối. Paige sẽ òa khóc ngay khi mẹ nói rằng đã hết giờ chơi ở công viên. Sau đó, như một người Nê-ăng-đéc-tan hoang dã, bé vung tay và hét lên: “Không về! Không! Không! Không!” rồi tìm cách chạy trốn.
Trước kia, Paige từng dễ tính đến nỗi mọi người gọi bé là “Tia nắng”, vậy mà bây giờ, bé bùng phát tới 3, 4 cơn cáu giận mỗi ngày. Bé gào lên nếu chiếc bánh quy bị vỡ. Bé tức giận ném cốc đi khi thấy cốc không có nước. Khi Joni nhẹ nhàng nhắc nhở bé không được ném đồ, bé cười đầy tinh nghịch và ném thêm lần nữa – vào ngay gần đầu mẹ mình – và càng ngày bé càng ném trúng mục tiêu!
Bé Paige hiện tại luôn bận rộn với kế hoạch của riêng mình. Bé không muốn được ôm hôn. Bé vẽ nguệch ngoạc lên bàn. Bé cào bố khi bố đuổi theo để đưa bé đi tắm. Nhưng khi đã ngồi trong chậu tắm đầy bọt, bé lại thích thú đến nỗi nổi cơn ăn vạ khi giờ tắm phải kết thúc.
“Con bé giống như một bé gái trong một bài thơ vậy”, Joni thở dài mệt mỏi. “Khi ngoan thì rất ngoan; còn khi hư, thì thật đáng sợ. Tất nhiên ‘đáng sợ’ là một cách nói quá thôi”, Joni vội vàng nói thêm, “Nhưng con bé thực sự rất khó bảo!”
Trẻ chập chững 18 đến 24 tháng giống người Nê-ăng-đéc-tan ra sao?
Tiệc tùng với người Nê-ăng-đéc-tan có thể rất vui đấy nhưng bạn chắc chẳng muốn sống cùng họ đâu!
Đối với một đứa trẻ mới bước vào thời kỳ chập chững, cuộc sống là một chuỗi những trò nghịch ngợm. Tuy nhiên, khi được 18 tháng tuổi, trẻ sẽ bước vào một sự thay đổi hoàn toàn mới – đến lúc tiệc tùng rồi! Tôi không nói về một bữa tiệc trà lịch sự – ý của tôi là một bữa tiệc nhanh, ồn ào và vui nhộn cơ. Kiểu tiệc tùng mà đồ đạc trong phòng bị quăng tứ tung, khách khứa thì gào thét, còn âm thanh ầm ĩ như muốn đập vỡ kính cửa sổ trong đêm.
Trẻ 18 tháng tuổi cực kỳ, cực kỳ vui nhộn! So với trẻ 12 tháng tuổi, thì các bé sôi nổi hơn, thích những trò ngớ ngẩn hơn và cũng tò mò hơn. Đồng thời, các bé cũng đòi hỏi hơn, bướng bỉnh hơn và coi mình là trung tâm hơn bao giờ hết. Các bé có thể khá hung hăng, vừa nhất quyết lao vào chiến đấu với bạn, vừa gào lên “Của con!” và “Không!” Có lẽ bạn đã dự định rằng tới tận sau sinh nhật 2 tuổi của con thì bạn mới phải đối đầu với sự hoang dã này, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì “khủng hoảng tuổi lên 2” bắt đầu xuất hiện trong khoảng thời gian trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi. Khi đó, trẻ không còn giống như một chú tinh tinh nhỏ lẫm chẫm bước đi nữa. Đứa con chập chững phi thường của bạn đã trải qua toàn bộ ba triệu năm tiến hóa để đạt đến giai đoạn người Nê-ăng-đéc-tan chỉ sau khoảng sáu tháng mà thôi!
Đương nhiên, những người Nê-ăng-đéc-tan vẫn còn khá hoang dã. Nhưng với bộ não có kích thước gấp đôi bộ não của tinh tinh, thì khi so với tổ tiên vượn người của mình, họ giống như những sinh viên đã tốt nghiệp. Cách đây hai triệu năm, những con người cổ đại này đã không còn nhờ cậy đến sự bảo vệ của rừng xanh. Lúc ấy, họ sống trên những đồng cỏ rộng lớn, nơi vốn là thế giới đầy rẫy những hiểm nguy của sư tử, hổ báo và gấu! (Ôi trời!)
Những người cổ đại này thiếu tốc độ hay những móng vuốt sắc nhọn, bởi vậy bạn có thể nghĩ rằng, chuyển nơi sinh sống về đồng cỏ là một quyết định ngốc nghếch. Tuy vậy, những người Nê-ăng-đéc-tan có hai thứ vũ khí bí mật giúp họ chiến thắng những loài vật hoang dã khác, đó là bộ não lớn và đôi bàn tay linh hoạt. Cách họ khéo léo sử dụng đôi bàn tay và bộ não khá giống với nhiều kỹ năng mà những đứa trẻ Nê-ăng-đéc-tan chỉ cao đến đầu gối của chúng ta sẽ luyện tập thành thục trong vòng sáu tháng tới!
Bộ não của người Nê-ăng-đéc-tan: Mới và ưu việt hơn
Bộ não lớn của người Nê-ăng-đéc-tan chứa đựng thêm một số khu vực não bộ mới, ưu việt hơn so với bộ não của các thế hệ trước.
Bộ não mới này có khu vực trung tâm tư duy phát triển hơn khi nó đã có thể lý giải một số sự vật, sự việc. Ví dụ, chủng người này đã phát minh ra những công cụ bằng đá đơn giản đầu tiên. Họ cũng có thể đã nhận ra rằng, khi kền kền bay thành vòng tròn trên một địa điểm thì gần đó có con thú mới chết và họ có thể ăn thịt. Tương tự như vậy, trẻ 18 tháng tuổi giờ đây đã có thể xác định rõ ràng rằng, khi bé ấn vào một nút trên món đồ chơi bật-mở của mình thì một nhân vật nhỏ sẽ xuất hiện. (Trẻ 12 tháng tuổi sẽ ấn mạnh vào một nút bất kỳ nhưng trẻ 18 tháng tuổi biết chắc chắn mình muốn ấn vào nút nào).
Ngoài ra, tiểu não của người Nê-ăng-đéc-tan – trung khu não bộ điều khiển thăng bằng và các chuyển động – đã phát triển nhảy vọt (thực vậy!). Tiểu não ưu việt hơn giúp con người chạy tốt hơn để khoát khỏi dã thú đang đói. Đồng thời nó cũng giúp hoàn thiện khả năng ném đá và quăng gậy để tự bảo vệ mình khi chạy trốn khỏi các loài thú hoang.
Sự ra đời của rìu đá cách đây hơn 2 triệu năm đã chứng tỏ rằng những người cổ đại này đã biết cách đập các vật một cách chính xác – một điều mà những đứa trẻ chập chững rất giỏi thực hiện. Đập và ném là hai kỹ năng cần sự phối hợp của tiểu não và hàng chục cơ khác với tốc độ ánh sáng và sự chính xác tuyệt đối. Khi đập hai khối đá cùng lúc, chỉ một chút trượt tay thôi cũng có thể khiến ngón tay bị thương nặng; trẻ chập chững cũng học được điều này khi chúng vô tình tự đập vào tay mình.
Mặc dù người tiền sử đã đạt được tất cả những thành tựu này (chạy, chế tạo những công cụ đơn giản, ném đá) nhưng sẽ là một sai lầm nếu chúng ta đối xử với người Nê-ăng-đéc-tan như một người hàng xóm nhà bên bởi họ vẫn có nhiều nét tương đồng với loài tinh tinh hơn với những bộ tộc nguyên thủy nhất còn lại đến ngày nay. Trẻ 18 tháng tuổi cũng vậy. Các bé có những đặc điểm giống với những đứa trẻ 1 tuổi chập chững hơn là với những trẻ 3 tuổi đã biết nói và biết chờ đến lượt mình. Trên thực tế, đó chính là căn cứ để xác định các giai đoạn và dự đoán những khó khăn, những thách thức và những cuộc chiến về ý chí cho từng giai đoạn ấy. Trẻ bị mắc kẹt giữa sự phụ thuộc của một đứa trẻ sơ sinh và ham muốn mới mẻ được tự làm tất cả mọi thứ của mình.
Trẻ 18 tháng tuổi có những đặc điểm gì?
Tất nhiên, đứa con chập chững đáng yêu của bạn không thực sự là một người Nê-ăng-đéc-tan (Neanderthal), nhưng trẻ cũng có thể thường tỏ ra giống như vậy:
N – Bản tính tò mò (Naturally curious)
E – Cảm xúc dễ thay đổi (Emotional yo-yo)
A – Hành động trước khi suy nghĩ (Acts before thinking)
N – Luôn nói “không” (No!)
D – Cứng đầu (Defiant)
E – Đầy năng lượng (Energetic)
R – Thích chơi trò vật lộn (Roungh-and-tumble)
T – Dễ tự ái (Thin-skinned)
H – Hạnh phúc (Happy) (Trong hầu hết thời gian)
A – Không tập trung được lâu (Attention is short)
L – Ngôn ngữ hạn chế (Language is limited)
Cận cảnh sự tiến hóa cá nhân: Vào thời điểm này, trẻ chập chững biết làm gì?
Khi đã ra khỏi rừng rậm, những người tiền sử không còn muốn trèo lên ngọn cây để tìm nơi trú ẩn an toàn nữa. Để đánh đuổi các loài thú dữ, họ buộc phải trở thành những cá nhân hung hãn và bảo thủ với khuôn ngực trần, dáng vẻ hiên ngang và biểu hiện đầy thách thức. Cùng lúc đó, việc rời khỏi khu vực an toàn trong rừng rậm có thể khiến những người Nê-ăng-đéc-tan trở nên cẩn trọng hơn và hay lo lắng hơn khi họ luôn tưởng tượng ra việc có sư tử nhảy ra từ bụi rậm.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi hành vi của trẻ 18 tháng tuổi trở nên hoang dại. Có những lúc trẻ rất tự đắc, hoàn toàn không sợ sự dọa dẫm của bạn dù bạn có to lớn hơn trẻ rất nhiều. (Giống như khi một người Nê-ăng-đéc-tan tấn công một con voi, trẻ chập chững thực sự tin rằng bé có thể khống chế bạn!). Nhưng cũng có những lúc trẻ tỏ ra hồi hộp và lo lắng mỗi khi bạn đưa bé đến một địa điểm mới.
Tại sao nhiều trẻ chập chững dường như lúc nào cũng tràn trề năng lượng?
Dành cả ngày ở giữa bốn bức tường là một trải nghiệm của con người thời nay. Khoảng 10.000 năm về trước, những ngôi nhà với bốn bức tường phẳng phiu không hề tồn tại. Và chúng ta mới chỉ sống trong những ngôi nhà có mái che, có cửa ra vào và nhiều cửa sổ kiên cố trong khoảng vài trăm năm trở lại đây! Bởi vậy, trong suốt 99,9% thời gian của lịch sử loài người, trẻ con dành phần lớn thời gian ở ngoài trời. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi các con trở nên buồn bực vì bị nhốt trong nhà suốt nhiều giờ liền!
Kỹ năng vận động thô tại thời điểm này
Tăng tốc. Mỗi ngày, các cơ, xương và bộ não của trẻ 18 tháng tuổi lại phát triển hơn và phối hợp với nhau nhịp nhàng như ở trong cùng một đội. Những bước chân lẫm chẫm nhanh chóng trở thành những bước đi vững vàng, rồi thành những bước chạy nhỏ loạng choạng đầu tiên. Hai cánh tay đã không còn phải giơ cao ngang ngực để giữ thăng bằng như trước mà nay đã hoàn toàn thành thục trong việc mang các “dụng cụ” (hoặc đồ chơi). Điều này mô phỏng những người cổ đại đã phải bước đi quãng đường khá dài, đôi tay được tự do để mang vũ khí, trái cây hoặc bế em bé.
Sự vụng về của trẻ chập chững có thể khiến trẻ bước đi loạng choạng. Mắt cá chân và bàn chân vẫn còn cứng nhắc giống như cổ tay ở giai đoạn trước. Nhưng trẻ không còn di chuyển bằng cả bốn chi mỗi khi vội vã như trước nữa. Khi được 18 tháng tuổi, trẻ đã có đôi chân nhanh nhẹn, luôn sẵn sàng trèo lên các đồ vật và bước lên bậc cầu thang.
Đảm bảo an toàn khi cho trẻ leo cầu thang
Các bậc cầu thang hấp dẫn trẻ chập chững cũng giống như các đỉnh núi cao hấp dẫn các nhà leo núi vậy. Vì thế, bạn nên đặt hai thanh chắn cầu thang ở hai phía: một trên đỉnh và một ở bậc thứ hai hoặc thứ ba tính từ chân cầu thang để dành cho trẻ một chút không gian thực hành việc trèo lên trèo xuống. Đặt một chiếc thảm mềm ở bên dưới bậc cầu thang cuối cùng đề phòng trường hợp trẻ bị hẫng bất thình lình cũng là một biện pháp hiệu quả. Bạn hãy dạy trẻ cách leo xuống cầu thang bằng cách ngồi chạm mông vào bậc và trượt xuống từng bậc một. Nếu các bậc cầu thang được trải thảm và không quá dốc, bạn có thể để trẻ đi xuống bằng cách nằm sấp, trượt xuống bằng bụng, chân hướng xuống dưới.
Chặt, ném và đánh. Khoảng hơn hai triệu năm trước, những người tiền sử bắt đầu biết cách ném đá chính xác vào mục tiêu để tự bảo vệ mình. Họ học cách liên tục đập tảng đá này vào tảng đá kia để tạo ra những công cụ thô sơ bằng đá đầu tiên. Trẻ 18 tháng tuổi cũng đang trong giai đoạn phát triển kỹ năng ném và đập đồ vật với một sự chính xác nhất định. Bây giờ, mỗi khi trẻ ném bóng (hoặc thức ăn), trẻ thậm chí có thể ném trúng một mục tiêu nào đó ở gần. Trẻ cũng có thể bắt đầu biết gõ vào đàn hoặc trống đồ chơi. Trẻ cũng có thể vung vẩy que như một thứ vũ khí. Giống như những người Nê-ăng-đéc-tan, đứa con hoang dã của bạn giờ đây đã trở nên thực sự nguy hiểm hơn nhiều.
Kỹ năng vận động tinh tại thời điểm này
Biết cách kẹp chặt. Như tôi đã đề cập, đôi bàn tay ngày càng khéo léo là một trong những vũ khí sinh tồn bí mật của người Nê-ăng-đéc-tan. Kỹ năng điều khiển đôi bàn tay vẫn còn đòi hỏi trẻ chập chững nỗ lực rất nhiều nhưng trẻ đang cố gắng để thành thạo chúng hơn. Trẻ sẽ vẫn có thể cần phải cầm thìa hoặc bút sáp màu thật chặt. Bạn có thể nghe thấy bộ não của trẻ đang gào lên để truyền đạt với những ngón tay chưa được khai hóa rằng: “Cầm lấy!!! Nắm thật chặt vào!!!”
Nhưng sau một vài tháng, khớp cổ tay của trẻ bắt đầu trở nên mềm dẻo. Trẻ có thể xoay cổ tay và đưa một thìa đầy thức ăn vào miệng, vẽ đường tròn méo mó thay vì đường thẳng như trước. Tuy nhiên, hầu hết những nét vẽ nguệch ngoạc của trẻ vẫn là những nét sổ dài được vẽ bằng cả cánh tay chứ không phải nhờ cổ tay và các ngón tay.
Năng lực ngôn ngữ tại thời điểm này
Nhóm các âm tiết lại với nhau để tạo thành từ. Có lẽ những người Nê-ăng-đéc-tan đã thực hiện một vài cử chỉ, ký hiệu tay và những tiếng gầm gừ có nghĩa. Họ buộc phải có khả năng giao tiếp đủ tốt để cùng nhau đi săn và truyền đạt đôi chút thông tin qua lại. Cử chỉ và những tiếng gầm gừ đã giúp người tiền sử Cha dạy người tiền sử Con cách làm rìu đá nhưng họ vẫn thiếu những kỹ năng cần thiết để cùng bàn bạc và tìm ra cách cải tiến nó.
Những đứa trẻ chập chững của chúng ta có một ưu thế thực sự so với những người tiền sử ở khả năng học từ ngữ – đơn giản bởi vì các con được nghe thấy chúng ta nói chuyện hằng ngày. Trẻ có thể nói được 10 hoặc 20 hoặc 50 từ vào lúc 18 tháng tuổi và vốn từ của bé tăng lên rất nhiều khi được 2 tuổi. Điều đáng ngạc nhiên là trẻ có thể hiểu được vài trăm từ bạn nói với trẻ!
Một đứa trẻ 15 tháng tuổi có thể ghép hai âm tiết giống nhau lại để tạo thành một cái tên dành cho những người quan trọng đối với trẻ: Mama, Papa, Bà bà, meomeo (chú mèo con) và Lili (Lily là tên bé). Trước 18 tháng tuổi, hầu hết những gì trẻ nói là sự bắt chước những từ trẻ nghe được: ví dụ như khi bạn nói “con hà mã” trẻ sẽ nói “à… má”.
Dần dần, sau mốc 18 tháng tuổi, ngôn ngữ trở thành một trong những công cụ của trẻ. Trẻ nhận ra rằng mình có thể sử dụng ngôn từ để nói cho bạn biết trẻ đang nghĩ và nhìn thấy những gì: nước quả, tạm biệt, con chó, đi chơi, ứ ừ, meo meo, quạc quạc, đi và bánh quy. Điều này dễ hơn nhiều so với việc phải chạy tới nắm lấy cổ tay bạn và kéo bạn vào trong bếp! Những câu nói của trẻ trong giai đoạn này được tạo thành từ các danh từ, một vài động từ, một vài từ mang ý nhấn mạnh quyền lực như con, của con, không và nữa.
Trẻ thường sử dụng lối diễn đạt ngắn gọn như “Bobbi!” thay vì nói “Xe tải của Bobbi!” Dần dần, trẻ luyện tập để cơ miệng có thể nói chuyện linh hoạt hơn, kết hợp được nhiều âm tiết khác nhau để tạo thành những từ như nước táo hay con voi.
Kết hợp từ để tạo thành câu. Càng ngày trẻ càng ghi nhớ tốt hơn, trẻ cũng có thể uốn lưỡi để phát âm đúng nhiều âm tiết và điều này khiến trẻ dễ dàng ghép các từ lại với nhau. Bán cầu não trái chịu trách nhiệm về việc này giờ đây có thể giúp trẻ ghép các từ lại với nhau thành một câu giống như khi trẻ xếp các khối đồ chơi lại với nhau để tạo thành đoàn tàu. Sau nhiều tháng thành thạo với các từ đơn – giống như các loại nguyên liệu khác nhau trong tủ bếp – bán cầu não trái bắt đầu nhóm các từ lại và kết hợp chúng với nhau để tạo thành một câu. Vì thế, những đứa trẻ “tiền sử” có thể lựa chọn và kết hợp từ ngữ để làm rõ mong muốn của mình. Những câu nói trong thời gian này của trẻ thường là: “Thêm bánh!”, “Mẹ ơi, đi!” và “Không, con cơ!”
Kỹ năng cảm xúc xã hội tại thời điểm này
“Người Nê-ăng-đéc-tan có ý chí và... tiếng ‘Không’ vô cùng mạnh mẽ”. Trẻ 18 tháng tuổi thường chẳng mấy khi băn khoăn. Dường như trẻ đang nghĩ: Mình quyết định rồi. Chấm hết. Không bàn cãi gì nữa! Không chút ngập ngừng. Không nghĩ lại. Không cần thương lượng. Khi được 2 tuổi, hầu hết trẻ chập chững thường rất cương quyết về việc các con sẽ mặc gì, ăn gì và làm gì. Đừng ngạc nhiên nếu “người bạn tiền sử” của bạn nhìn thẳng vào mắt bạn, mỉm cười với một sự đáng yêu khó cưỡng trong khi bàn tay ngắn ngủn mập mạp của bé đang với lấy chiếc lọ pha lê mà bé biết bé không được động vào. Trẻ vui vẻ hoạt động không ngừng nghỉ từ khi mặt trời mọc cho đến khi lên giường đi ngủ, nhưng khi bạn làm trẻ bực bội – hoặc khi trẻ mệt hay không chắc chắn điều gì – trẻ hoàn toàn bùng nổ. Những lời nói “Không” nhẹ nhàng của bạn giống như những giọt nước lạnh đổ vào chảo nóng, chỉ khiến cho chiếc chảo kêu xèo xèo và rít lên kinh khủng hơn.
Những cơn ăn vạ của trẻ chập chững có thể là một cảnh tượng đáng ngạc nhiên, thậm chí khiến bạn bực bội, xấu hổ. Đôi khi, trẻ thích tỏ ra khó chịu đến nỗi trẻ thậm chí từ chối những điều trẻ muốn! Tôi đã từng chứng kiến những đứa trẻ 18 tháng tuổi gào thét đòi ăn kem, nhưng lại liên tục kêu, “Không! Không!” ngay cả khi chúng đang cố với tới những chiếc kem trong tay cha mẹ!
Bé Jevv – 18 tháng tuổi – là một cậu bé lịch sự, nhưng đôi khi bé cũng cư xử hơi giống một người Nê-ăng-đéc-tan. Khi mẹ bổ trái lê mà bé lại muốn được ăn nguyên quả, bé nhặt miếng lê và ném thẳng vào mẹ! Sau đó, bé từ chối khi mẹ muốn lấy cho bé một quả khác (dù nó còn nguyên) và tỏ ra giận dữ.
Trẻ chập chững thường có cảm giác bị kéo về phía luồng cảm xúc ngược lại. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho giai đoạn “hoang dã” khó lường này là bạn cần biết rằng chắc chắn nó sẽ xảy ra. Đã có rất nhiều bậc cha mẹ tỏ ra vô cùng sửng sốt khi bị ném đồ vật vào người mỗi lúc trẻ hét lên khóc lóc bởi họ luôn nghĩ đơn giản rằng thiên thần nhỏ luôn tươi vui của họ sẽ không bao giờ làm thế! Tôi khuyên bạn nên mường tượng trước cuộc sống của mình với một em bé 18 tháng tuổi như một chuỗi dài bất tận những sự xô đẩy, chèo kéo, thực thi kỷ luật và vui chơi, những điệu khiêu vũ hằng ngày có khi là một điệu valse nhưng cũng có lúc là một điệu nhảy bò tót hoang dại. Mong bạn đừng “vò đầu bứt tai”, đừng kỳ vọng quá nhiều và đừng quá khắt khe với bản thân. Cha mẹ và trẻ trong độ tuổi chập chững giống như những người luôn dẫm lên chân nhau, bởi thế, bạn hãy cố gắng để tự mình đối phó với những cơn ăn vạ của trẻ. (Xem Chương 8 và Chương 12 để biết thêm về các biện pháp kiểm soát hành vi ăn vạ ở trẻ).
Con chỉ nhìn thấy… con thôi. Trung tâm của vũ trụ là một cách đơn giản để mô tả những gì đứa con Nê-ăng-đéc-tan bé nhỏ của bạn nhìn nhận về bản thân bé. Trẻ nghĩ rằng: “Hãy nói về con đi. Rồi nói MỘT CHÚT về mẹ thôi nhé! Rồi thật nhiều nữa về CON!”.
Bởi vậy, cũng có đôi chút ngạc nhiên khi những từ đầu tiên mà trẻ nói không phải là con, con! mà lại là mẹ, mẹ!
Vì trẻ ở giữa cảm nhận rất mạnh mẽ về bản thân mình và nhận thức rất mờ nhạt về thời gian, nên trẻ muốn mọi thứ – NGAY LẬP TỨC! Để thu hút sự chú ý của bạn, bé sẽ nhõng nhẽo, khóc lóc, kéo quần áo bạn, thậm chí dùng tay ôm lấy mặt bạn đòi hỏi bạn phải đáp lại bé. Đối với những trẻ chập chững thiếu kiên nhẫn, khi bạn nói: “Chỉ vài giây thôi con!” điều đó giống như là “Hẹn gặp con vào năm sau!” vậy.
Gặp khó khăn với sự thay đổi. Đôi khi, trẻ nhỏ trong độ tuổi chập chững giống như những cỗ máy tí hon không hề có công tắc tắt. Các con trở nên nổi loạn, ngốc nghếch hoặc giận dữ, sau đó rất khó để bình tĩnh lại. Ngay cả khi chơi cũng vậy, một khi đã bắt đầu chơi, sẽ rất khó để trẻ dừng lại. Trẻ có thể gõ trống và đẩy một chiếc xe cắt cỏ đồ chơi với âm thanh hết sức ồn ào trong 15 phút liên tục. Thực tế là, giám đốc trung tâm y khoa của tôi đã mang hết tất cả những món đồ chơi phát tiếng động ra khỏi phòng chờ – để có thể giữ cho bản thân cô ấy được tỉnh táo.
Cũng chính vì không có công tắc tắt nên những kỹ năng vận động tinh của trẻ cũng bị ảnh hưởng. Trẻ gặp khó khăn khi vẽ những đường thẳng đơn lẻ và khi đã bắt đầu vẽ, trẻ liên tục vẽ nguệch ngoạch trượt ra khỏi tờ giấy.
Ngưỡng tập trung ngắn. Khả năng tập trung của một trẻ 18 tháng tuổi là – Chà, con đang nói về cái gì nhỉ? Sự chú ý của trẻ thay đổi nhanh như chớp là vậy! Một số trẻ có thể tập trung chơi với một món đồ chơi yêu thích nhất định trong khoảng từ 10 đến 15 phút nhưng hầu hết không thể ngồi lâu được đến thế. Ngưỡng tập trung chú ý ngắn là một trong những đặc tính sống còn của người tiền sử. Điều đó có nghĩa là họ luôn cảnh giác với bất kỳ một kích thích mới nào, ví dụ tiếng động trong một bụi cây gần đó - thứ có thể là dấu hiệu cho thấy có sự xuất hiện của một chú thỏ hoặc cũng có thể là một con sói hung dữ.
Tương tự như vậy, sự chú ý của trẻ chập chững dưới 2 tuổi chuyển từ điều này sang điều khác hết sức nhanh chóng. Thông thường, trẻ 18 tháng tuổi rất dễ sao nhãng, hành động bộc phát và rất năng động, đến mức người ta hoàn toàn có thể cho rằng chúng có những biểu hiện tương tự như những trẻ mắc hội chứng tăng động giảm chú ý (ADHD) nếu chúng lớn hơn vài tuổi.
Giữ trật tự tại tòa: Một bước tiến quan trọng đến với sự văn minh. Thỉnh thoảng, trong khoảng 18 tháng đến 2 tuổi, trẻ bắt đầu bộc lộ sở thích sắp xếp mọi thứ theo trật tự. Ví dụ, trẻ sẽ học tên gọi các bộ phận cơ thể và bắt đầu phân loại đồ chơi theo các nhóm: sách xếp thành một chồng, thú nhồi bông xếp thành một chồng khác. Xếp chồng là một cách hay để sắp xếp đồ vật. Trẻ không còn ngẫu nhiên đặt những vòng tròn nhựa vào tháp vòng tròn nữa mà bắt đầu sắp xếp theo thứ tự: vòng to nhất để dưới cùng, vòng nhỏ nhất xếp trên cùng.
“Người bạn tiền sử” nhỏ bé của bạn cũng sẽ tỏ ra thích thú khi được “giúp đỡ” bạn dọn dẹp. Bé sẽ bắt chước bạn dùng máy hút bụi hoặc xếp đồ chơi vào hộp.
Niềm say mê sắp xếp mọi thứ theo trật tự cũng khiến trẻ bỗng nhiên trở nên ngăn nắp, gọn gàng hơn. Giờ đây trẻ muốn rửa tay, mặc dù các động tác vẫn chỉ là một vài cái xoa tay vội vàng. Và trẻ có thể bắt đầu thông báo với bạn khi nào thì bỉm trẻ đang mặc bị bẩn. Đây là một trong năm dấu hiệu cơ bản cho thấy trẻ đã sẵn sàng để tập đi toilet (xem thêm ở Chương 13).
Khi được 18 tháng tuổi, bé Madeline bắt đầu cảm thấy thích thú với khái niệm về sự riêng tư. Mỗi khi muốn đi đại tiện, bé sẽ im lặng lẩn đi và trốn ra sau ghế sofa trong phòng khách để đi đại tiện trong bỉm.
Mặc dù có sở thích sắp xếp mọi thứ theo trật tự nhưng em bé Nê-ăng-đéc-tan bé nhỏ của bạn vẫn phải đi một vài bước chậm rãi và vững chắc nữa để đến với sự văn minh. Bé vẫn gặp khó khăn khi ghép một bức tranh có nhiều hơn bốn mảnh và chưa hiểu hết những câu mệnh lệnh kép như: “Tina, con nhặt bóng và mang lại đây cho bố nào!” Trong trường hợp này, bé có thể chỉ tập trung thực hiện yêu cầu thứ nhất mà hoàn toàn quên mất mệnh lệnh thứ hai.
Bây giờ chắc bạn đã có thể hiểu tại sao đôi khi người bạn nhỏ của bạn không thể nhớ được rằng mình không được phép chạm vào một vật nào đó. Có thể bé đã quá thích thú làm một việc nào đó đến nỗi quên mất cả những quy tắc. Thậm chí ngay cả khi nhớ ra lời cảnh báo của bạn, thì thứ đó có thể vẫn hấp dẫn bé đến nỗi bé cố tìm ra một cơ hội để len lén chạm vào.
Vui vẻ nhưng vẫn chưa thân thiện. Về mặt giao tiếp xã hội, người Nê-ăng-đéc-tan không phải những người thân thiện. Họ ngồi cạnh nhau để cùng ăn nhưng không bàn luận về tình hình thời tiết hay nhảy múa thân thiết với nhau. “Em bé tiền sử” của bạn cũng có thể thích ăn cùng mọi người, nhưng ở sân chơi cát, bé sẽ thích thú quan sát những bạn khác chơi, muốn chơi gần các bạn… nhưng không thực sự chơi cùng các bạn. Trẻ chập chững ở tuổi này thích chơi gần nhau, mỗi trẻ có một xô cát cùng một xẻng xúc cát riêng – nhưng không kết nối với nhau giống như cách người với người ngồi cạnh nhau trên xe buýt vậy.
Có qua có lại. Bạn cười. Trẻ cười. Bạn vẫy tay. Trẻ vẫy tay. Sau khi đã “biểu diễn” những hành động tương tự, trẻ sẽ nhìn quanh chờ đợi mọi người vỗ tay và đáp lại lời khen bằng một màn biểu diễn nhỏ tiếp theo.
Ngay cả khi còn là trẻ sơ sinh, trẻ cũng đã có những cuộc đối thoại nhỏ với bạn. Sau mỗi lần bạn nói điều gì đó với trẻ, trẻ sẽ đáp lại bằng những tiếng kêu nhỏ đầy thích thú rồi dừng lại một chút – để chờ phản ứng của bạn.
Nguyên tắc “có qua có lại” này của trẻ sẽ là nền tảng để trẻ học về sự chia sẻ, hào phóng, luân phiên và chung sống cùng nhau. Những người Nê-ăng-đéc-tan thực sự cũng đã luyện tập trò chơi luân phiên khi một người có thịt còn người kia thì có quả hạch.
Việc cho đi – nhận lại này giống như một sự trao đổi bắt buộc. Bạn có thể thấy điều đó khi đứa trẻ 22 tháng tuổi của bạn nhét một món đồ chơi vào tay trẻ khác và giật lấy thứ mà trẻ thích từ tay cậu/cô bé kia. Hoặc đây cũng có thể là một bước hướng tới sự trao đổi thực sự, ví dụ như khi trẻ để bạn buộc dây giày sau khi bạn đã cho trẻ một miếng hoa quả.
Thông thường, một trẻ chập chững dưới 2 tuổi sẽ đưa tôi một con búp bê nhưng lại nhanh chóng giật lại khi tôi chìa tay ra nhận. Dường như trẻ muốn mời tôi tham dự một trò chơi cho đi – nhận lại thân thiện nhưng đến phút cuối lại do dự bởi trẻ nhận ra rằng như thế tức là mình phải đánh đổi một thứ quý giá.
Là một bác sĩ nhi, tôi thấy việc quan sát những hành vi này thực sự thú vị và hữu ích. Trong khi kiểm tra sức khỏe cho các bé, tôi thường mời những bé có vẻ buồn rầu chơi đồ chơi. Khi có một món đồ chơi trong tay, trẻ có thể nghĩ rằng: Được rồi. Suy cho cùng thì bác sĩ Harvey cũng tốt bụng đấy! Bác ấy đã cho mình chơi đồ chơi, vậy thì mình sẽ cho bác ấy chạm vào mình vậy. Tuy vậy, đôi khi sự hào phóng của tôi cũng không thể thuyết phục được những đứa trẻ 18 tháng tuổi đầy hoài nghi. Ban đầu, các bé đó có thể chấp nhận món đồ chơi nhưng rồi sẽ trả lại ngay khi tôi tiến lại gần như thể muốn nói “Thỏa thuận kết thúc rồi!” Hoặc các bé từ chối món đồ chơi ngay từ đầu bởi chúng hiểu rất rõ rằng nhận quà của tôi có nghĩa là chúng sẽ buộc phải hợp tác.
Giai đoạn người Nê-ăng-đéc-tan này là một trong những khoảng thời gian khó khăn nhất trong suốt hành trình làm cha mẹ. Chỉ một vài tháng trước đó, bạn vẫn đang hy vọng rằng trẻ sẽ hợp tác tốt với những gì bạn sắp xếp. Nhưng giờ đây, không còn nghi ngờ gì nữa – bạn cần dành một khoảng thời gian không hề nhỏ để thích nghi với những kế hoạch của trẻ.
Nhưng bạn cứ yên tâm! Những nỗ lực của bạn giống như những hạt giống vô giá của tình yêu và sự tôn trọng. Những gì bạn sắp đọc tiếp theo đây sẽ giúp bạn sớm hiểu rằng, những hạt giống bạn gieo trồng hôm nay sẽ bắt đầu đơm hoa kết trái vào ngày mai.