“Bước đi nhỏ của một con người, nhưng là bước tiến lớn của toàn nhân loại.”
– Câu đầu tiên Neil Armstrong nói khi đặt chân lên Mặt Trăng
Những nội dung chính
▪ Về mặt phát triển, những đứa trẻ 1 tuổi đáng yêu của chúng ta không giỏi hơn những chú tinh tinh là bao.
▪ Trẻ trong độ tuổi chập chững giai đoạn đầu cực kỳ thích tự đi (nhưng vẫn sẽ di chuyển bằng bốn chi ngay lập tức nếu các con đang vội).
▪ Những kỹ năng vận động tinh mới như chỉ tay, véo và cầm nắm đồ vật giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh theo nhiều cách khác nhau.
▪ Trẻ nói ít nhưng hiểu nhiều hơn và giao tiếp chủ yếu bằng cử chỉ, những tiếng gầm gừ và biểu cảm giọng nói.
▪ Giống như một chú tinh tinh nhỏ đáng yêu, trẻ 1 tuổi “sống trọn từng phút giây” và thích bắt chước mọi việc bạn làm.
Bé Ben thường xuyên đi men theo những đồ nội thất trong nhà kể từ khi cậu bé học được cách tự đứng lên lúc 10 tháng tuổi. Trước ngày sinh nhật đầu tiên của mình, Ben bỏ qua thói quen đi men theo ghế sofa. Thay vào đó, bé bắt đầu đi ra những khoảng không gian trống trong nhà. Cậu bé bước đi lẫm chẫm như một chú vịt, ngã ngồi xuống sau vài bước. Nhưng sau mỗi lần ngã, bé bò lại chỗ xuất phát ban đầu và lại bắt đầu chập chững bước đi đầy quyết tâm.
Và rồi, sớm thôi, khi nhìn ra ngoài, Ben sẽ thấy cả thế giới! Lúc này, không gì có thể ngăn Ben lại được nữa.
“Tôi không thể tin được rằng thằng bé đã nhanh nhẹn hơn rất nhiều chỉ sau có một tuần” – bố của Ben – Sam – không giấu được sự mừng rỡ. “Bò được đã là một thành tựu lớn của con rồi, nhưng đi được lại là cả một trò chơi mới đấy!”
Bây giờ, khi Ben không muốn làm điều gì đó, cậu bé sẽ lẫm chẫm bỏ đi. Khi nhìn thấy thứ gì đó hấp dẫn, bé sẽ chập chững lại gần nhất có thể và nhào vào nó! Nếu không thể với tay tới thứ gì, bé sẽ dùng ngón tay mũm mĩm của mình để chỉ và giữ tay như thế. Từ lúc mở mắt thức dậy cho tới khi nhắm mắt đi ngủ, cậu bé lúc nào cũng như đang đi thực hiện nhiệm vụ vậy!
Trong thế giới trò chơi “bắt chước” của mình, Ben theo đuôi Sam từ phòng này sang phòng khác, kéo tất cả các ngăn kéo mà bố mở. Mặc dù ngôn ngữ của Ben hầu hết mới chỉ là tiếng kêu và chỉ tay nhưng dường như bé có thể hiểu được gần hết những điều người khác nói với bé.
Thật may mắn cho Sam, Ben là một cậu bé dễ phân tâm. Một món đồ chơi mới sẽ khiến cậu bận bịu đủ lâu để thay xong bỉm và việc ra sân chơi sẽ khiến bé vui vẻ mà quên luôn những cái bánh quy bé vừa đòi hỏi ngay lúc trước.
Tuy vậy, vào bữa tối, Sam bắt đầu mơ về một giấc ngủ thoải mái. Anh ấy đã mệt nhoài, kiệt sức và đôi lúc như phát điên. Nhưng khi nhìn vào khuôn mặt đáng yêu đang chìm trong giấc ngủ của Ben, Sam cảm thấy như mình lại được nạp đầy năng lượng và có cảm giác như thể mình là ông bố tuyệt vời nhất!
Sự phát triển của trẻ chập chững giống tinh tinh ra sao?
Năm đầu đời của trẻ được gọi là khoảng thời gian sơ sinh. Từ “sơ sinh” (infancy) bắt nguồn từ tiếng Latinh có nghĩa là “không lời”, tuy nhiên, tôi nghĩ từ mô tả chính xác hơn về giai đoạn này của trẻ nên là “không bước” (infootcy). Thật khó để dự đoán được khi nào trẻ sẽ nói được những từ đầu tiên. Có thể sớm như khi trẻ mới được 9 tháng tuổi, cũng có thể chúng ta sẽ phải đợi tới lúc trẻ được 3 tuổi. Nhưng vào khoảng ngày sinh nhật đầu tiên của mình, hầu hết trẻ đã có thể tự đứng dậy và chập chững bước đi. Đó là lý do tại sao giai đoạn này được gọi là thời kỳ chập chững.
Với những bước chân run rẩy đầu tiên của mình, trẻ bắt đầu theo bước những người vượn tinh khôn đầu tiên (trong giai đoạn “Những mắt xích bị mất”). Đó là giai đoạn cách đây 5 triệu năm khi vượn người không đi bằng đầu gối nữa – và từ đó trở đi, loài người không bao giờ còn đi theo kiểu đó nữa. Trẻ đã thực sự là một “con người” trong hình hài nhỏ bé, nhưng trẻ vẫn thích những trò nghịch ngợm như một chú khỉ con – kéo khăn trải bàn, đổ khay thức ăn của chó đi, hay nhét đủ mọi thứ vào đầu máy video của bạn.
Loài người và linh trưởng: Giống nhau nhiều hơn bạn tưởng
Sự khác biệt giữa con người và linh trưởng là rất lớn. Tuy vậy, về mặt di truyền học, có những sự tương đồng đáng ngạc nhiên giữa người và tinh tinh. Dù bạn có tin hay không thì sự thực là cấu trúc gen của chúng ta giống loài tinh tinh đến 98%!
Khi được 1 tuổi, trẻ đã thông minh đến nỗi những hành vi của trẻ đều mô phỏng hành vi của loài linh trưởng thông minh nhất – tinh tinh. Những chú tinh tinh nhỏ đáng yêu lẫm chẫm đi bằng hai chân, hiểu được một số từ ngữ và có thể tự giải thích một số sự việc đơn giản. Chúng cũng thích được đi đến mọi nơi, chạm vào mọi thứ và chơi, chơi, chơi! (Bạn có thấy giống ai đó không?) Giờ thì, chắc chắn tôi không phải là người duy nhất nhận thấy những điểm tương đồng giữa những đứa trẻ chập chững và những chú tinh tinh nhỏ. Trên thực tế, trong suốt những năm 1930, hai nhà tâm lý học Winthrop và Luella Kellogg đã nuôi dạy Donald – đứa con 1 tuổi của họ – cùng Gua, chú tinh tinh ít tháng hơn cậu bé một chút.
Donald và Gua trở thành bạn thân. Cả hai ăn thức ăn giống nhau, mặc chung quần áo và học hỏi những điều y hệt nhau. Thực tế là, năng lực trí não của Gua gần tương đương với “anh trai” của mình. Cả hai đều thích leo trèo mặc dù Gua giỏi hơn một chút. Cả hai đều thích cầm nắm đồ vật: Donald chơi với đồ chơi tốt hơn, trong khi Gua dùng thìa tốt hơn. Thậm chí, Gua cũng cùng học ngồi toilet với Donald và còn thành thạo nhanh hơn cả cậu bạn “người” của mình!
Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng, khả năng của Donald bắt đầu vượt xa Gua. Gia đình Kellogg nhận thấy rằng, cả hai đều rất tò mò nhưng Donald mày mò để tìm hiểu cách thức sự vật vận hành trong khi Gua chỉ cầm đồ vật trên tay một lúc rồi nhanh chóng vứt đi.
Mặc dù Donald và Gua đều làm theo yêu cầu khá tốt, nhưng Donald bắt đầu có thể sử dụng từ ngữ trong khi Gua chỉ dừng lại ở những tiếng gầm gừ và dùng cử chỉ. Và, không như Donald, Gua không bao giờ mang đồ chơi đến rủ vợ chồng Kellogg chơi cùng, không bao giờ bắt chước họ làm việc nhà hay chơi những trò như trò nướng bánh. Trong khi Donald tiếp tục tiến bộ thì Gua vẫn chỉ dừng lại ở thời điểm năm triệu năm về trước.
Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng ngôn ngữ của loài người và loài tinh tinh phát triển tương đối song song với nhau cho đến khi trẻ/tinh tinh được 18 tháng tuổi.
Một nhà khoa học đã nuôi dưỡng một chú tinh tinh nhỏ và đã dạy nó nhận biết được hơn 200 từ ngữ. Tuy vậy, ngay cả những chú tinh tinh thông minh như vậy hầu như cũng không học cách ghép các từ để tạo thành các câu đơn giản – một điều mà hầu hết trẻ 18 tháng tuổi đều làm được.
Tiểu não – món quà sinh nhật mà Tạo hóa đã ban tặng cho chúng ta từ năm triệu năm trước
Tiểu não có nghĩa là “bộ não nhỏ”. Đó là một phần của não bộ mà có lẽ bạn cũng không biết rằng mình có nó, mặc dù bạn phụ thuộc vào nó từng giây, từng phút. Tiểu não là trung tâm phụ trách sự cân bằng và phối hợp của não bộ. Tiểu não giúp bạn đi vững, không bị ngã khi ngồi trên ghế hay xe đạp. Thêm vào đó, “bộ não nhỏ” diệu kỳ này phối hợp những chuyển động nhanh và phức tạp lại với nhau như viết chữ, ném bóng và nói, do đó bạn có thể làm được những việc này gần như tự động.
Vậy điều này có liên quan gì đến sự phát triển của trẻ chập chững? Rất nhiều đấy! Như đã nói ở trên, khoảng một hoặc hai triệu năm trước, phần đầu của những đứa trẻ mới sinh phát triển quá lớn và rất khó để chui được qua tầng sinh môn của người mẹ. Vì thế, để giúp cho bộ não của thai nhi nhỏ hơn một chút, Mẹ Thiên nhiên đã quyết định ban tặng cho những đứa trẻ sơ sinh một vùng tiểu não siêu nhỏ. Đó là lý do tại sao trẻ sơ sinh chưa có kỹ năng thăng bằng và phối hợp tốt.
Khi trẻ được sinh ra và phần đầu không còn bị giới hạn trong tử cung chật chội nữa, não trẻ có nhiều không gian để phát triển lớn hơn – và bùm! – tiểu não tinh khôn bắt đầu lớn nhanh như thổi… và khả năng phối hợp của trẻ cũng vậy. Đến khi được 1 tuổi, trẻ đã trở thành một vận động viên thể dục thực thụ so với những gì trẻ có thể làm được trước đó 12 tháng. Trẻ có thể đứng, có thể với và cầm lấy một lọ hoa; trẻ có thể điều khiển cơ miệng và phát ra hàng triệu triệu âm thanh.
Tất cả những điều này đều là những trò chơi không bao giờ kết thúc của trẻ 12 tháng tuổi. Và bây giờ có lẽ bạn đã hiểu tại sao tôi lại gọi tiểu não là một món quà sinh nhật. Sẽ không có món quà sinh nhật nào khiến trẻ cảm thấy thú vị hơn chính vùng tiểu não – “vùng chơi đùa” – của bé.
Trong suốt những năm chập chững, tiểu não của trẻ sẽ là một trong những trợ thủ đắc lực nhất. Nó sẽ liên tục tự trau chuốt, ngày càng hỗ trợ trẻ tốt hơn trong việc di chuyển, leo trèo và nói.
Cận cảnh sự tiến hóa cá nhân: Trẻ chập chững đang làm gì?
Một vài tháng sau sinh nhật đầu tiên, trẻ giống như đã được đặt trên “bệ phóng” để bắt đầu bước vào đường cao tốc với tốc độ lớn nhất của thời kỳ chập chững. Trẻ sẽ dần dần đạt được sự tự tin để đứng vững và thể hiện chính kiến. May sao, hầu hết trẻ 1 tuổi đều khá nghe lời và dễ bảo. Nhưng trong những tháng tiếp theo, trẻ chập chững sẽ càng ngày càng đòi hỏi được tự chủ và muốn tiếp cận mọi thứ. Điều đó có thể bắt đầu biến ngôi nhà của bạn thành một khu vực “thảm họa”, nhưng với trẻ đó chính là một khu rừng nhiệt đới hấp dẫn để khám phá.
Kỹ năng vận động thô tại thời điểm này
Khám phá niềm vui được bước đi. Đối với hầu hết trẻ dưới 2 tuổi, hành động có ý nghĩa hơn lời nói. Mặc dù trẻ 1 tuổi đang nỗ lực để thành thạo những từ ngữ đầu tiên nhưng điều khiến trái tim trẻ rộn ràng sung sướng nhất chắc chắn chính là khả năng tự bước đi. Có thể đi đến nơi mình muốn và chạm vào thứ mình thích thực sự là một niềm vui khôn tả. Những đứa trẻ tiền sử này đi đi lại lại và nghĩ: Ồ, mình có thể làm được! Tuyệt!
Trẻ 1 tuổi lấy khả năng tự đi lại để kiểm tra sự tự tin của mình. Một số trẻ tự tin đến mức khi đã có thể đứng vững, trẻ sẽ lẫm chẫm bước đi mà không hề ngập ngừng. Những đứa trẻ này lao đến cánh cửa gần nhất như thể chúng đã sẵn sàng để ra ở riêng vậy. Những trẻ cẩn trọng hơn chập chững bước một vài bước rồi quay sang bạn như muốn hỏi: “Mẹ còn ở đấy không? Mẹ xem, con giỏi chưa này!” Cách đi buồn cười của trẻ dưới 2 tuổi với hai bàn chân choãi rộng sang hai bên, hai tay giơ lên cao để giữ thăng bằng rất giống với cách tinh tinh bước đi lảo đảo, rồi chuyển sang bò khi chúng muốn tới đích nhanh hơn. Và giống như khi một chú tinh tinh con rời khỏi vòng tay mẹ để khám phá thế giới, thiên thần nhỏ của bạn cũng bắt đầu rời khỏi sự an toàn bên cạnh mẹ để ngập ngừng bắt đầu hành trình cuộc đời của riêng bé!
Kỹ năng vận động tinh tại thời điểm này
Chỉ tay. Khi người vượn tinh khôn từ bỏ cách di chuyển bằng đầu gối để đi bằng hai chân, một khả năng tuyệt vời nữa cũng bắt đầu phát triển – đó là khả năng điều khiển tay và cổ tay. Khả năng này giúp tổ tiên chúng ta có thể phát minh ra hàng trăm công cụ lao động tinh khôn và chính nó đã thực sự phân biệt loài người với các loài động vật khác.
Có lẽ công cụ đầu tiên mà con người có được chính là ngón tay trỏ. Trẻ chập chững nhanh chóng học được cách dùng ngón tay trỏ để chỉ và tiếp cận những thứ chúng thích. Giống như một chú tinh tinh nhỏ, trẻ chập chững có thể chỉ vào các hình ảnh trong sách, vét cơm trong đĩa và ngọ ngoạy ngón tay để ngoáy mũi. (Dùng ngón tay trỏ cũng có thể dẫn đến những tai nạn – ví dụ như khi trẻ dùng ngón tay để chọc vào một nắp hộp sắc nhọn, có răng cưa hoặc khi trẻ chạm vào đầu phích cắm điện. Một trong những thử thách khó khăn nhất của việc làm cha mẹ là với mỗi bước phát triển nhảy vọt của trẻ, thì lại càng có nhiều mối nguy hiểm mới xuất hiện).
Cấu véo và cầm nắm. Sau khi người vượn tiến hóa bắt đầu thoát khỏi các đặc điểm giống tinh tinh, họ phát triển một công cụ mới, đặc biệt, mà thậm chí còn trở nên quan trọng với sự tồn tại của họ hơn cả ngón trỏ – đó là tư thế gọng kìm.
Những hóa thạch thu được đã chỉ ra rằng trong sự tiến hóa không ngừng, ngón tay cái đã dần dần nằm gần các ngón tay khác, đủ để phần đầu của ngón cái chụm được vào với ngón trỏ – để cấu véo.
Bàn tay của tinh tinh rất thành thục để chuyền từ cây này sang cây khác nhưng không khéo léo trong việc cầm nắm đồ vật. Ngón tay cái ở vị trí quá thấp, sát phía cổ tay khiến chúng gặp khó khăn trong việc dùng ngón tay để cầm những mẩu, miếng nhỏ. Chúng có thể nhặt những vật có kích thước lớn như cành cây bằng cách giữ chặt những thứ đó giữa ngón tay cái và cạnh bên của ngón tay trỏ, nhưng để có thể nhặt những vật có kích thước nhỏ, chúng cần dùng đến môi của mình. Ngược lại, trẻ dưới 2 tuổi có thể cầm nắm đồ vật thành thục hơn tinh tinh gấp vạn lần. Trẻ có thể dễ dàng dùng ngón tay cái và đầu ngón trỏ như một cái nhíp để nhặt những vật rất nhỏ như vụn bánh mì hoặc xơ vải.
Khám phá thế giới bằng các thao tác. Từ thao tác (manipulate) bắt nguồn từ từ “manu” trong tiếng Latinh cổ có nghĩa là “bàn tay”. Bạn có thể đưa bất cứ thứ gì cho trẻ dưới 2 tuổi, trẻ sẽ lật đi lật lại vật đó trong tay để xem xét. Khi còn sơ sinh, có thể trẻ sẽ ngay lập tức bỏ vào miệng hoặc ném vật đó xuống sàn nhà; nhưng bây giờ, điều đầu tiên trẻ làm sẽ là xem xét nó với bàn tay và ánh mắt.
Sự khéo léo ngày càng tinh vi ở người cổ đại được thể hiện rất rõ ở những đứa trẻ trong độ tuổi chập chững. Trẻ 12 tháng tuổi có thể đập hai khối xếp hình nhỏ vào nhau thì đã khéo léo lắm rồi. Nhưng đến khi được 15 tháng tuổi, chúng thậm chí có thể thực hiện chính xác động tác xếp một khối hình lên trên một khối khác để tự chơi trò chơi xếp hình đơn giản.
Sự linh hoạt của cổ tay. Trẻ chập chững có thể dùng ngón tay để kẹp khéo hơn bất cứ một chú tinh tinh nào, nhưng trẻ lại chậm hơn tinh tinh một chút trong việc điều khiển cử động phức tạp của cổ tay.
Trẻ 12 tháng tuổi thường đã có thể dùng thìa để xúc thức ăn nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi đưa thìa thức ăn đó vào miệng. Rất bất ngờ là vào khoảng từ tháng thứ 15 đến tháng thứ 18, trẻ bắt đầu cử động khớp cổ tay cứng nhắc của mình tốt hơn giống như Người Thiếc vụng về có thể cử động tốt khi đã được tra một chút dầu trong câu chuyện Phù thủy xứ Oz. Đó là thời điểm trẻ có khả năng phối hợp để hơi xoay cổ tay một chút sao cho thức ăn không rơi khỏi thìa khi trẻ đưa thìa lên miệng.
Đối với trẻ chập chững, đây chính là một khoảnh khắc chiến thắng và thỏa mãn! Tuy vậy, kỹ năng mới học được này cũng có nguy cơ gây ra một số tai nạn mới cho trẻ. Vào lúc này, bạn nhất định phải trông chừng để trẻ không vặn vòi nước nóng, không bật bếp nấu hoặc đụng chạm vào một số vật chứa gây nguy hiểm như lọ nước hoa, các loại chai lọ đựng chất tẩy rửa hay bình đựng cà phê đang nóng.
Bán cầu não phải hay bán cầu não trái của trẻ chập chững đang chiếm ưu thế? Như chúng ta đã thấy ở hình minh họa trang 52, não của trẻ chập chững được chia thành hai phần chính: bán cầu não phải và bán cầu não trái. Từ hàng trăm triệu năm về trước, Tạo hóa đã “nhận ra” rằng bộ não rất quan trọng và nên được chia thành hai bán cầu giống nhau để đề phòng trường hợp một trong hai phần gặp sự cố. Việc này giống như chúng ta luôn có sẵn một lốp xe dự phòng hoặc bảo hiểm cho não bộ vậy. Điều này vẫn đúng đối với hầu hết các loài động vật ngày nay.
Nhưng khoảng từ 50 đến 100 triệu năm trước, thay vì lãng phí một nửa bộ não chỉ để dự phòng, thì hai bán cầu đã dần dần phụ trách những chức năng khác nhau.
Bán cầu não phải trở thành nơi phụ trách cảm xúc và những xung động hung hăng, bộc phát. Não phải cũng giúp chúng ta nhanh chóng nhận diện khuôn mặt, giai điệu và địa điểm; đọc vị cảm xúc, biểu cảm giọng nói và cử chỉ của người khác. Tất cả những điều này rất có ích cho chúng ta khi cần đưa ra những quyết định nhanh chóng trong cuộc sống. Bán cầu não phải cũng chỉ đạo nửa bên trái của cơ thể.
Bán cầu não trái là nơi chịu trách nhiệm xử lý những chi tiết cụ thể, là chuyên gia của hệ thần kinh. Nó ghi nhớ và sắp xếp thông tin, thu thập các nốt nhạc để tạo thành bản nhạc hoàn chỉnh, gom các chuỗi ý tưởng để lập kế hoạch và sắp xếp các chuỗi từ ngữ để tạo thành câu hoàn chỉnh. Não trái cũng chỉ đạo nửa bên phải của cơ thể.
Đối với tinh tinh và trẻ chập chững dưới 2 tuổi, hai bán cầu não gần như được sử dụng cân bằng nhau, và bán cầu não phải hoạt động mạnh hơn một chút. Điều này lý giải tại sao trẻ 15 tháng tuổi vẫn thường khá hung hăng và bốc đồng, nhận diện khuôn mặt tốt hơn là hiểu lời nói và bị hấp dẫn bởi giai điệu hơn ca từ.
Về vấn đề tay thuận, các bậc cha mẹ cũng thường nhận thấy rằng đến khi trẻ được 2 hoặc 3 tuổi, dường như trẻ vẫn hôm thì thuận tay phải, hôm thì thuận tay trái!
Khả năng ngôn ngữ tại thời điểm này
Giống như tinh tinh, trẻ chập chững dưới 2 tuổi dùng miệng để giữ đồ vật khi tay chúng bận. Nhưng khi tiểu não phát triển, trẻ sẽ có khả năng kiểm soát tốt hơn những cơ tay rất nhỏ. Trong vòng một vài tháng, bạn sẽ nhận ra rằng trẻ không còn dùng miệng như “bàn tay thứ ba” của mình nữa. Tiểu não “mới phát triển” cũng giúp trẻ kiểm soát cơ miệng tốt hơn. Chẳng mấy chốc, bạn sẽ thấy trẻ khám phá được rằng mình có thể khéo léo dùng cơ miệng để thực hiện một việc vô cùng thú vị – nói.
Hành động có ý nghĩa hơn lời nói. Những từ đầu tiên con bạn nói là gì? “Mẹ”? “Bố”? Nếu bé giống như hầu hết những đứa trẻ khác, trẻ sẽ có xu hướng giơ hai tay lên cao (“Bế con!”) hoặc vừa kêu “ư, a” vừa chỉ tay vào bình sữa (“Con muốn!”). Bạn có thể hình dung và thấy rằng trong những trường hợp đó, nói ra một từ không đơn giản. Bạn cần phối hợp môi, lưỡi, cổ họng và cơ hoành một cách hoàn hảo. Vì thế, trẻ thường có thể vẫy tay chào tạm biệt trước khi tròn 1 tuổi nhưng cần phải đợi đến khi được 15 hoặc 18 tháng tuổi mới có thể thực sự nói “Tạm biệt!”
Chiếc “càng cua”... trong miệng. Những “từ” đầu tiên trẻ học để nói là từ đơn hoặc từ hai âm tiết giống nhau như “ba/bà” hay “Dada”. Chúng ta không dạy trẻ những từ này – các bé tự tạo nên chúng! Việc phối hợp môi và lưỡi để phát triển cũng giống như khi em bé 1 tuổi của bạn học kỹ năng bốc nhón bằng cách liên tục kết hợp phần đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái với nhau. “Mẹ mẹ”, “Dada” và “Bà bà” chính là những gì chiếc “càng cua” miệng đã kẹp được.
Những ngón tay biết nói
Ngón tay dùng để chỉ trỏ được biết đến với tên gọi rất hay là “ngón tay trỏ”. Điều thú vị là, chữ “trỏ” (index) bắt nguồn từ một động từ trong tiếng Latinh “dicere” có nghĩa là “nói”. Trên thực tế, ở Serbia, ngón tay trỏ thường được nhắc đến như “ngón tay biết nói”.
Trò chơi “nói nhại”. Nếu những “từ” đầu tiên mà trẻ học được là những cử chỉ và nhóm “từ” thứ hai là những “từ” trẻ tự sáng tạo ra thì nhóm “từ” thứ ba chính là những từ trẻ “bắt chước” được từ bố mẹ và những người xung quanh.
Khi được 18 tháng tuổi, trẻ có thể nói được từ 20 đến 30 từ (đó chính xác là số lượng “từ” mà tinh tinh hoang dã có thể “nói” thông qua tiếng hú và cử chỉ). (Một số trẻ 18 tháng tuổi chỉ có thể lầm bầm được một hoặc hai từ trong khi nhiều trẻ khác có thể có vốn từ lên tới 200 từ, gần tương ứng với số từ mà tinh tinh được huấn luyện đặc biệt có thể “nói” thành thạo qua ngôn ngữ cử chỉ).
Một cách khá lý thú để giúp trẻ 1 tuổi khởi động năng lực truyền tải thông điệp và mong muốn của mình là dạy trẻ ngôn ngữ ký hiệu. Biện pháp này giúp tăng cường hoạt động của khu vực trung tâm não bộ có nhiệm vụ điều khiển ngôn ngữ. Ngôn ngữ ký hiệu cũng giúp trẻ giảm bực bội bằng cách để trẻ giao tiếp được với người khác và cảm thấy mình là một thành viên trong cộng đồng.
Ngôn ngữ ký hiệu rất đơn giản. Bạn có thể mua một cuốn sách về ngôn ngữ ký hiệu, nhưng tôi vẫn khuyến khích bạn quan sát hành vi của trẻ và tự tạo ra những ký hiệu riêng dựa trên những cử chỉ ấy. Ví dụ, Jane nhận ra rằng cậu con trai 15 tháng tuổi của cô giơ tay quá đầu mỗi khi bé muốn rời đi. Vì thế, cô bắt đầu dùng chính ký hiệu này để thông báo cho bé biết khi nào đến lúc phải đi. Những ký hiệu khác mà các trẻ chập chững dưới 2 tuổi ở phòng khám của tôi đã dạy cha mẹ mình là khịt khịt khi muốn nói “hoa”, đưa tay lên miệng để nói “ăn”, hút nắm tay khi muốn “uống”, xoa mu bàn tay để nói “chó con”, ngọ nguậy ngón tay để nói “giun”, vỗ vào đầu khi cần “mũ”, mở và nắm tay lại khi muốn “ti mẹ”.
Kỹ năng cảm xúc xã hội tại thời điểm này
Luôn sống với thực tại. Tinh tinh nổi tiếng là không bao giờ chịu ngồi yên và trầm tư suy nghĩ. Chúng liên tục nhảy nhót từ cành cây này sang cành cây khác, thỉnh thoảng dừng lại để chú ý vào điều gì đó khiến chúng tò mò và chỉ trong chốc lát lại kêu lên và tiếp tục di chuyển. Không phải tinh tinh không có trí nhớ tốt – chúng dễ dàng nhận ra các thành viên trong gia đình và nhóm gia đình của mình. Nhưng chúng có ngưỡng tập trung rất ngắn.
Những thiên thần 1 tuổi đáng yêu của chúng ta cũng bốc đồng và dễ mất tập trung như vậy. Dù bạn sống ở Morristown hay Minnetonka, địa chỉ của trẻ dưới 2 tuổi luôn luôn là “Ở đây” và “Ngay bây giờ”. Trẻ gần như không hiểu về khái niệm tương lai và không có hứng thú với những kế hoạch sắp xảy ra. Trẻ hét lên “A!”, và lao tới vật sáng lấp lánh gần mình nhất. Rồi chỉ một vài giây sau, trẻ đã lại sẵn sàng để lao vào một thứ khác mới mẻ hơn.
Đôi khi, việc trẻ có trí nhớ ngắn hạn có thể là một lợi thế. Bạn có thể bỏ đi những đồ chơi cũ và trẻ sẽ không nhớ đến chúng. Tuy vậy, cơ hội dọn dẹp thuận tiện này sẽ khó khăn hơn khi trẻ lên 4 tuổi bởi đến thời điểm này, trẻ có thể sẽ thường xuyên hỏi: “Bộ sưu tập nắp chai của con đâu rồi?”.
Giống như tinh tinh, trẻ chập chững dưới 2 tuổi có thể ngay lập tức nhớ lại hình ảnh một người hoặc một địa điểm nào đó, nhất là khi điều đó gắn liền với một trải nghiệm giàu cảm xúc của trẻ. Rất nhiều cha mẹ đã kể với tôi rằng, con họ bắt đầu khóc khi xe của họ dần dần tiến vào khu vực để xe tại phòng khám của tôi. Có lẽ bé đang nghĩ rằng: “Ôi không! Mình biết cái tòa nhà trắng to đùng này rồi. Mình bị tiêm ở đây mà!” Thực tế là, một số trẻ đặc biệt nhạy cảm thậm chí còn khóc thét lên ngay từ khi cách tận vài tòa nhà nữa mới tới phòng khám của tôi, bởi các bé đã nhận ra một vài dấu hiệu quen thuộc trên đường.
Lần đầu nói “Không”. Khi trẻ được 15 tháng tuổi, một chút mây đen sẽ bắt đầu kéo đến trên bầu trời của bạn. Đó là khi trẻ chập chững bắt đầu nói “Không” để tuyên bố rằng chính kiến và nhu cầu của bé đang ngày một tăng lên. Khi được 18 tháng tuổi, “Không” không chỉ là một từ để nói mà nó còn trở thành thứ vũ khí ngôn từ mà cô/cậu bạn tiền sử của chúng ta dùng để tấn công cha mẹ trong những cuộc chiến “có” và “không” hằng ngày.
Rất nhiều cha mẹ cho rằng giai đoạn này sẽ chỉ bắt đầu khi trẻ bước sang tuổi thứ hai. Nhưng trên thực tế, trẻ bắt đầu thể hiện sự phản đối và phủ định ngày càng thường xuyên hơn khi trẻ được khoảng 15 tháng tuổi và điều này bắt đầu giảm dần sau sinh nhật 2 tuổi.
Tiếng gọi nơi hoang dã. Những đứa trẻ 1 tuổi chưa được khai hóa văn minh của chúng ta hoàn toàn không quan tâm đến những chuẩn mực văn hóa. Chúng có thể ham ăn đến mức không hề nhận ra rằng thức ăn đang chảy xuống cằm của mình. (Thậm chí tinh tinh còn có tác phong ăn uống tốt hơn cả những trẻ chập chững dưới 2 tuổi, chúng biết dùng lá cây để lau mặt cho sạch).
Một dấu hiệu khác của tiếng gọi nơi hoang dã là thực tế rằng trẻ chập chững bị hấp dẫn bởi những loài động vật nhỏ. Sự hấp dẫn tự nhiên này rất mạnh mẽ, bé có thể dùng hết sức đẩy mẹ ra chỗ khác để có thể nhìn một chú cún con rõ hơn, như thể bé vừa tìm thấy một người họ hàng thân thuộc vậy. Xem này, con tìm thấy một người giống mình! Trẻ 1 tuổi và những con vật nhỏ đều nhỏ nhắn, đáng yêu với đôi mắt mở to và lúc nào cũng thích nô đùa, nghịch ngợm.
Cha mẹ tinh tinh. Những chú tinh tinh nhỏ rất thích quan sát cha mẹ mình. Chúng học được phần lớn những kỹ năng quan trọng như làm vỡ vỏ hạt bằng cách đập sau đó dùng que để lấy phần nhân thông qua sự quan sát.
Những đứa trẻ tinh tinh đáng yêu của chúng ta cũng trưởng thành chủ yếu nhờ vào sự bắt chước. Nếu để ý, bạn sẽ thấy rằng trẻ rất thích bắt chước bạn chải đầu và nói chuyện điện thoại. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta gọi hành vi bắt chước này là “trò khỉ”. Bắt chước giúp ta tiết kiệm nhiều thời gian và công sức. Đó chính là con đường tắt rất bản năng để học được những kiến thức quan trọng.
Tuy nhiên, năng lực bắt chước của trẻ cũng có thể khiến trẻ gặp thêm những nguy hiểm mới. Vì thế, hãy cẩn thận với những việc bạn làm trước mặt trẻ. Nếu bạn không muốn bé uống những viên vitamin của mình thì bạn không được để trẻ thấy lúc bạn uống chúng. Nếu bạn không muốn trẻ biết cách mở khóa an toàn thì bạn không được để trẻ thấy bạn mở chúng như thế nào.
Nhìn chung, khi khám phá mọi thứ, mối quan tâm của trẻ chập chững thường rất ngắn ngủi. Trẻ thà bước, chạm vào và ném đi chứ không muốn suy nghĩ. Trẻ tập trung vào niềm vui khám phá. Sẽ cần thêm một chút thời gian nữa thì trẻ mới bắt đầu có niềm vui tìm hiểu sự việc.
Giống như việc những chú tinh tinh đầu tiên biết đi xuất hiện đã đánh dấu một bước chuyển đổi từ vượn sang người, những bước đi chập chững đầu đời của trẻ cũng đánh dấu bước chuyển biến từ một em bé sơ sinh trở thành một đứa trẻ chập chững thực sự. Từ đây, trẻ sẽ tiếp tục đi trên những bậc thang tiến hóa cao hơn – và nhanh hơn!