“Bước đầu tiên giống như chỉ trong chốc lát, chúng ta đã quan sát được lịch sử tiến hóa của nền văn minh nhân loại từ những loài nhỏ bé họ cá thành những người tiền sử ngay trước mắt chúng ta.”
- Anna Quindlen và Nick Kelsh, Đứa trẻ trần truồng
Những nội dung chính
➲ Tất cả các bậc phụ huynh đều cảm thấy giai đoạn chập chững của trẻ là một giai đoạn đầy thử thách.
➲ Những biện pháp nuôi dạy dành cho trẻ lớn thường thất bại thảm hại khi áp dụng với trẻ chập chững.
➲ Khi trẻ chập chững lớn dần lên, điều đó có nghĩa là bạn đang được tận mắt chứng kiến năm triệu năm phát triển của loài người.
➲ Trẻ chập chững trải qua bốn giai đoạn phát triển mô phỏng quá trình tiến hóa của tổ tiên tiền sử của chúng ta.
➲ Phương pháp nuôi dạy con của người tiền sử: Làm sao để trở thành một vị đại sứ hoàn hảo với đứa trẻ Thời kỳ Đồ đá của bạn?
Mở đầu
Bé Tara 14 tháng tuổi rất tự hào khi khám phá ra rằng bé có thể tự đi. Bé luôn cố gắng tập đi mỗi khi có cơ hội. Nhưng ngay lúc này, bé đang bị nhốt ở trong phòng khám với tôi và Simone – mẹ bé. Tara chập chững đi về phía cửa. “Hừ!!” Cô bé gầm gừ và cố gắng với tới tay nắm cửa. “A! A!!” Bé dùng sức đẩy cánh cửa đang đóng. Rồi bé nhìn tôi với ánh mắt năn nỉ và bắt đầu đập cửa. Bé muốn ra ngoài!
Simone đáp lại bé: “Không được, con yêu. Mẹ biết con muốn đi về, nhưng mẹ con mình phải ở đây thêm một chút nữa. Chúng mình cùng xem cuốn sách rất đẹp này nào!”
Mẹ của Tara đã rất dịu dàng thừa nhận những cảm xúc của con gái (một mẹo làm cha mẹ rất phổ biến) và thử đánh lạc hướng bé theo cách quen thuộc (cũng là một cách rất hay). Tuy nhiên, lần này, những nỗ lực ấy chỉ mang lại cho cô một khuôn mặt đỏ au và nhăn nhó, một cái miệng nhỏ xinh há thật to… rồi… một tiếng gào dài và chói tai đến nỗi có thể làm vỡ kính.
Bất ngờ trước cơn ăn vạ dữ dội của con gái, người mẹ cố gắng dỗ dành con bằng cách hát bài hát vui vẻ Chú nhện trong ống nước. Nhưng Tara càng hét to hơn nên Simone quyết định phải đặt ra một giới hạn: “Tara, không hét. Shhh! Con ngừng hét hoặc chúng ta sẽ đi về, nhé?”. Nhưng vào lúc đó, cơn ăn vạ của Tara đã lên đến đỉnh điểm. Xấu hổ và bực bội, Simone xin lỗi tôi và nhấc bổng “ngọn núi lửa” của cô lên, tránh ánh nhìn chằm chằm của những phụ huynh khác trong phòng chờ, cô vội vàng đi ra cửa.
Bạn đã phải trải qua cơn ăn vạ đầu tiên của trẻ chập chững chưa?
Bé nhà bạn đã khám phá ra từ “Không!” chưa?
Bạn đã bao giờ bị “đánh úp” bởi những trận chiến chẳng thể nào ngờ đến chưa?
Bạn có thấy tinh thần mệt mỏi khi cứ phải nói: “Đừng kéo cái đó!” và “Con dừng lại ngay!” không?
Nuôi dạy trẻ ở độ tuổi chập chững là quãng thời gian tràn ngập cả nỗi hoảng sợ và những niềm vui giản dị, nhưng đối với hầu hết chúng ta, đó cũng là khoảng thời gian đầy vất vả với những thử thách khó khăn nhất mà ta sẽ phải đối mặt cho đến tận khi con bước vào tuổi dậy thì. (Vì vậy thật dễ hiểu khi đây còn được gọi là khoảng thời gian “niên thiếu đầu tiên”).
Những bậc cha mẹ tràn đầy tình yêu thương giống như bạn đã vò đầu bứt tai trong nhiều thế hệ để tự hỏi (và hỏi các bác sĩ nhi của họ): Điều gì đã khiến trẻ chập chững hành động như vậy? Tại sao chúng lại vô lý và khó rèn kỷ luật đến thế?
Tôi sẽ giúp bạn trả lời hết những câu hỏi này. Không những thế, tôi còn chỉ cho bạn cách để trấn an một đứa trẻ chập chững và giúp cả gia đình bạn giảm bớt căng thẳng. Nhưng trước hết, sẽ thật hữu ích nếu chúng ta xem xét... bức tranh toàn cảnh cho giai đoạn này.
À! Ra thế! Một cách nhìn mới về trẻ chập chững
“Một khối óc đã lớn lên để vươn tới một ý tưởng mới sẽ không bao giờ quay trở lại kích cỡ ban đầu.”
- Oliver Wendell Holmes
Đến tận những năm gần đây, mọi người vẫn lầm tưởng rằng trẻ sơ sinh khóc bởi các bé đang trải qua một cơn co thắt ở bụng (colic1) dữ dội. Sau đó, cuốn sách The happiest baby on the block của tôi được xuất bản và chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh thực sự khóc bởi các bé cần được giúp đỡ để kích hoạt “phản xạ trấn tĩnh” của mình (À! Ra thế). Với trẻ chập chững, khoảnh khắc lĩnh ngộ “À! Ra thế” này giải thích chính xác cho các hành vi khó hiểu của các bé rằng những đứa trẻ ngọt ngào này – thực sự chính là những người nguyên thủy tí hon!
1 Colic – Cơn đau do co thắt ở trẻ sơ sinh. Có những em bé sơ sinh phải trải qua những tháng đầu đời với những cơn khóc dai dẳng kéo dài mà không giải thích được. Triệu chứng này thường gặp ở trẻ từ 2 tuần đến 16 tuần tuổi, cơn khóc thường kéo dài khoảng 3 giờ hoặc hơn và hay xảy ra vào chiều tối. Colic xảy ra ở 1/3 số trẻ, nó gây nên những cơn đau thắt, sau đó vài tuần triệu chứng tự khỏi mà không cần phải điều trị gì.
Tôi hiểu bạn đang nghĩ gì. Tôi đã chứng kiến không chỉ một lần những ánh mắt ngạc nhiên của các bậc cha mẹ khi tôi nói về điều đó. Tôi hy vọng bạn sẽ không coi cách so sánh này là một sự xúc phạm. Hãy cho phép tôi giải thích tại sao tư duy mới mẻ này sẽ trở thành cánh cửa ma thuật giúp bạn thấu hiểu điều gì đang diễn ra trong tâm trí trẻ chập chững – và giúp bạn biến mâu thuẫn thành sự hợp tác trong vòng vài phút – hoặc ít hơn!
“Giả định người lớn thu nhỏ”: Một sai lầm phổ biến
Gần đây, John – một người cha đã đến phòng khám của tôi và nói với tôi một cách hài hước rằng: “Con tôi hoàn toàn là một con vật khác chứ chả giống một đứa trẻ tí nào!”. John không biết rằng anh đã đúng nhiều hơn mình tưởng!
Nuôi dạy trẻ sơ sinh bao gồm cả việc phải vượt qua một vài con đường đầy ổ gà ngay từ đầu (như colic và thiếu ngủ). Nhưng sau một vài tháng, mọi thứ sẽ tiến triển theo hướng tràn ngập ánh sáng bởi trẻ càng ngày càng trở nên đáng yêu và thú vị hơn. Sau đó, với những bước loạng choạng đầu tiên của bé, thời kỳ chập chững sẽ bắt đầu và tăng tốc (bạn cũng vậy!). Trong vòng vài tháng hoặc vài ngày, “kỳ quan” tuyệt vời còn lẫm chẫm của bạn sẽ bắt đầu phát triển ý thức về sức mạnh và sự bướng bỉnh. Và bỗng nhiên, bạn có thể cảm thấy mình cần phải học cách thiết lập kỷ luật với trẻ mà không khiến trẻ bị tổn thương. Trẻ chập chững khiến công việc làm cha mẹ ngày càng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Trong suốt năm đầu đời của con, bạn hạnh phúc khi dành cho bé tất cả những gì bé muốn (sữa, ti giả, tã mới và thay đổi cảnh vật xung quanh). Tuy vậy, đến thời điểm này, bạn chỉ có thể đáp ứng 90% đến 95% những gì trẻ muốn. Bạn sẽ phải nói “Không” trong những trường hợp còn lại bởi những điều trẻ muốn khi đó nguy hiểm, bạo lực hoặc không phải điều bạn muốn làm vào lúc đó.
Hãy thử đoán xem chuyện gì xảy ra? Bé sẽ không thích điều đó đâu!
Vậy bạn phải làm gì?
Bạn cố gắng để “thấu hiểu cảm nhận của trẻ” một cách đầy yêu thương. (“Mẹ hiểu là con giận vì phải rời khỏi đây, nhưng mẹ con mình thực sự phải đi rồi. Được không con?”) Nhưng những gì bạn nhận được là sự giận dữ của trẻ.
Bạn cố gắng giải thích. Bạn nhận được sự giận dữ.
Bạn đánh lạc hướng trẻ. Bạn nhận được sự giận dữ.
Bạn đưa ra một lời cảnh báo. Bạn nhận được sự giận dữ.
Bạn cách ly trẻ (time-out). Bạn nhận được sự giận dữ.
Chẳng mấy chốc chính bạn cũng trở nên giận dữ.
Chuyện gì đã xảy ra vậy?
Thông thường, sai lầm của chúng ta là đã nói chuyện với trẻ chập chững như thể các con là những người lớn thu nhỏ. Trẻ hiểu được hầu hết những điều ta nói, và đôi khi điều này khiến cho trẻ thấy thật khó để nhớ được những giới hạn của mình. Nhà tâm lý học Thomas Phelan – tác giả của cuốn sách Phép kỳ diệu 1, 2, 3 gọi sai lầm đó là “giả định người lớn thu nhỏ”. Ông đã đúng. Trẻ chập chững không phải là những người lớn thu nhỏ. Trẻ chập chững là độc nhất vô nhị – không còn là trẻ sơ sinh, cũng chưa phải “trẻ nhỏ”. Đó chính là lý do tại sao những biện pháp kỷ luật có sẵn dành cho trẻ nhỏ không có tác dụng với trẻ chập chững. Các bé cần một cách tiếp cận đặc biệt dành riêng cho mình.
Có thể ai đó sẽ nói rằng bạn cần phải nghiêm khắc hơn hay khoan dung hơn. Nhưng điều bạn thực sự cần là những kỹ năng được thiết kế đặc biệt dành cho những đứa trẻ chập chững bốc đồng, hay sao nhãng, chưa biết diễn đạt rõ ràng, chỉ quan tâm đến bản thân và nhất là rất “nguyên thủy” này.
Đầu tiên, hãy tìm một phương án dự phòng
“Đứa trẻ này giống một con thú hoang hơn một thiên thần.”
C. Gasquoine Hartley, Mẹ và con trai, 1923
Thông thường, khi mọi người nói rằng “Chuyện đấy xưa rồi”, thì ý của họ là “Hãy quên chuyện đó đi! Nó chẳng đáng để bận tâm đâu.” Nhưng khi nuôi dạy một đứa trẻ chập chững, việc tìm hiểu thêm một chút về lịch sử cổ đại chính xác là điều sẽ giúp bạn trở thành những bậc cha mẹ tuyệt vời hơn.
Điểm khởi đầu là mức độ tiến hóa của trẻ. Nếu từ “tiến hóa” khiến bạn liên tưởng đến khủng long và các hóa thạch thì bạn đang đi đúng hướng rồi đấy. Theo rất nhiều cách đánh giá then chốt về sự trưởng thành của não bộ, trẻ trong độ tuổi chập chững thực sự là những người tí hon thuộc Thời kỳ Đồ đá! Tôi biết điều này nghe có vẻ kỳ lạ nhưng ngôn ngữ và khả năng giải quyết vấn đề của trẻ 12 tháng tuổi có nhiều nét tương đồng với một chú tinh tinh. Trẻ 2 tuổi có quá trình tư duy tương tự như một người thượng cổ (caveman – nhóm người tiền sử sống trong hang). Và trẻ 3 tuổi suy nghĩ giống những người sống quần cư đầu tiên – hàng ngàn năm trước khi Kinh Thánh ra đời – hơn là giống thành viên của các hội nhóm nơi bạn sinh sống.
Khi sinh ra, trẻ bắt đầu một hành trình kỳ diệu để đến với giai đoạn trưởng thành. Hành trình này bắt đầu từ khi trẻ hoàn toàn phải nhờ cậy đến sự trợ giúp và kết thúc khi trẻ có thể tự đọc sách, tự sáng tạo những bức tranh và thể hiện sự quan tâm với những người cần được giúp đỡ – những điều mà các loài động vật khác không bao giờ có thể làm được. Bước chuyển biến của quá trình thay đổi lớn từ hoang dã sang đầy tính nhân văn này diễn ra chính trong những năm tháng chập chững của trẻ.
Trên thực tế, tất cả năm đột phá quan trọng khiến con người phát triển phi thường đều diễn ra trong ba năm chập chững diệu kỳ này:
▪ Đi bằng hai chân
▪ Dùng tay để sử dụng đồ vật
▪ Dùng miệng để bày tỏ lời nói
▪ Kết nối những ý tưởng bằng trí não
▪ Hình thành những mối quan hệ xã hội phức tạp.
Bạn biết rằng, trẻ chập chững giống như một chú côn trùng bận rộn, nhưng tất cả những điều khiến trẻ bận rộn kể trên đều thực sự là những thành tựu!
Để thành thạo tất cả những mốc phát triển này đòi hỏi một bộ não tiến hóa nhanh chóng – đó chính là những gì trẻ chập chững sở hữu. Khi loài người tiến hóa, từ đi bằng đầu gối đến sử dụng công cụ và có ngôn ngữ, bộ não con người sẽ càng ngày càng lớn hơn (đến một kích cỡ nhất định).
Khi còn ở trong bụng mẹ, hộp sọ chứa bộ não của thai nhi trở nên quá lớn để có thể chui qua tầng sinh môn. Vì thế, để có thể ra khỏi bụng mẹ, trẻ sơ sinh phải hình thành những bộ não “chưa có nếp nhăn” được trang bị chỉ đủ để vận hành những nhu cầu sống tối thiểu nhất như bú sữa, tiểu tiện và giữ tim đập bình thường. Để bù đắp hệ thần kinh “chưa có nếp nhăn” này, tạo hóa đã thiết kế để não trẻ có thể phát triển nhanh chóng trong năm đầu đời. Vào thời điểm đôi chân mũm mĩm của trẻ bắt đầu bước những bước đầu tiên sang thời kỳ chập chững, bộ não của trẻ cũng bắt đầu tăng tốc!
Để hiểu được sự bùng nổ năng lực này ở trẻ, chúng ta hãy cùng tìm hiểu khía cạnh sinh học ẩn sau nó.
Từ trò khỉ đến… trò khỉ?
Giới thiệu về “ORP – Định luật phát sinh sinh vật”: Nghe có vẻ giống như điều trẻ sơ sinh sẽ làm, và đúng là như vậy!
“Linh hồn của chúng ta hoàn toàn trọn vẹn trong cả những dấu tích mờ nhạt nhất… bay vụt qua trong một khoảnh khắc… và rồi biến mất mãi mãi, những tiếng thì thầm mờ đục và khó có thể nghe rõ của một cuộc đời vĩ đại và kéo dài… qua rất nhiều thế hệ.”
-G. Standley Hall
Trứng ếch sẽ nở ra gì? Một chú ếch con? Không phải. Một chú nòng nọc sẽ chui ra, giống cá hơn một loài lưỡng cư – đó chính là hình ảnh thu nhỏ về tổ tiên loài ếch trong suốt quá trình tiến hóa của sinh vật này.
Con người cũng vậy. Toàn bộ tiến trình lịch sử của loài người được gói gọn trong mỗi bào thai đang phát triển. Làm sao điều đó xảy ra được? Vào năm 1971, khi tôi còn là một sinh viên đại học ở Buffalo, New York, giáo sư môn Phôi thai học của tôi – Gordon Swartz – đã giúp tôi biết tới một định luật sinh học lý thú và từ đó đến nay, định luật ấy đã trở thành kiến thức trọng tâm giúp tôi thấu hiểu về trẻ chập chững.
Đó là Định luật phát sinh sinh vật (còn gọi là Thuyết về sự lặp lại hình thái – ORP). Chờ đã nào, bạn đừng lo ngại! Tôi biết định luật này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng thực ra nó rất đơn giản và thú vị.
Hãy để tôi giải thích định luật này theo cách dễ hiểu:
Sự phát sinh cá thể (Ontogeny) là gì? Đó chính là sự phát triển của trẻ. Nói ngắn gọn, đó chính là con đường học hỏi và lớn lên nhanh chóng của trẻ, bắt đầu từ giây phút đầu tiên khi trẻ có nhận thức.
Sự lặp lại hình thái (Recapitulate) là gì? Nó có nghĩa là “những sự phản ánh lại”, hay “những sự lặp lại”.
Sự phát sinh loài (Phynogeny) là gì? Đó là quá trình tiến hóa từng bước một của loài người bắt đầu từ cách đây 1,5 triệu năm.
Tóm lại, khi trẻ phát triển, từ khi có nhận thức cho đến lúc trưởng thành, trẻ sẽ phản ánh lại rất nhiều đặc tính của tổ tiên cổ đại của chúng ta trong quá trình dần dần tiến hóa thành người hiện đại. Sau đây là một cách hay ho để tự hình dung ra định luật này: Hãy tưởng tượng bạn có thể quan sát sự phát triển của trẻ như khi xem một bộ phim quay nhanh từ khi tinh trùng và trứng gặp nhau cho đến khi trẻ tốt nghiệp trung học. Tức là, bạn cũng sẽ quan sát cách cuộc sống trên Trái đất được bộc lộ ra như thế nào, tham gia một chuyến du lịch chớp nhoáng để chiêm ngưỡng sự tiến hóa của loài người, từ khi là những sinh vật đơn bào đến khi xuất hiện cá, thỏ tới những chú khỉ nhỏ. Trứng đã thụ tinh trong tử cung, trông hơi giống sinh vật đơn bào đầu tiên xuất hiện trên Trái đất (1,5 tỷ năm trước), nhanh chóng tăng số lượng, biến đổi từ một cụm tế bào có hình dáng như quả mâm xôi, đến phôi thai hình ống, giống ấu trùng. Vào khoảng tuần thứ năm của thai kỳ, phôi thai bắt đầu phát triển nhanh chóng qua giai đoạn “cá” với những chi giống như vây cá và những khe hở nhỏ giống như khe mang của cá trên cổ bé (400 triệu năm trước); sau đó trải qua giai đoạn “động vật có vú thời kỳ đầu” với hai rãnh của núm vú ở trên ngực của bé và đuôi nhỏ (180 triệu năm trước); sau đó vài tháng trước khi ra đời, những đặc điểm này biến mất (chỉ để lại hai núm vú và một vài đốt xương cụt nhỏ ở phía dưới cùng của cột sống). Khi là một em bé mới sinh đẹp đẽ, con của bạn có các ngón tay và ngón chân nắm chặt, có khả năng thở và nuốt cùng một lúc, và thậm chí có thể có một chút lông thừa ở sau lưng, tai và trán – mang tất cả những đặc điểm của một con tinh tinh sơ sinh (30 triệu năm trước).
Sau khi ra đời, quá trình tiến hóa của trẻ tiếp diễn nhanh chóng. Khi trẻ đã có thể tự mình đứng dậy bằng đôi chân mũm mĩm tức là theo bậc thang tiến hóa, trẻ đã tiến tới giai đoạn giống những con vượn đi loạng choạng đầu tiên (5 triệu năm trước!) Đó chính là tiếng chuông báo hiệu trẻ đã bước vào giai đoạn chập chững, ngay cả khi trẻ có thể đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc khác. Vào khoảng sinh nhật lần đầu tiên của mình, trẻ có thể chưa đi vững và những gì trẻ có thể nói sẽ chỉ đơn giản là những tiếng gầm gừ hoặc thể hiện bằng cử chỉ. Nhưng đến sinh nhật lần thứ tư, những khả năng trẻ làm được đã giống hệt như những gì tổ tiên của chúng ta phải mất 5 triệu năm để đạt được. Trẻ có thể chạy, nói, hát, khéo léo dùng tay để sử dụng nĩa hay búa đồ chơi. Trẻ sẽ phát triển khiếu hài hước và có những khái niệm rõ ràng về sự công bằng; những bức vẽ nguệch ngoạc của bé sẽ trở nên rõ ràng hơn. Trên thực tế, đến cuối giai đoạn chập chững, trẻ đã từ một em bé mũm mĩm đáng yêu trở thành một công dân nhí tinh khôn, có thể bắt đầu học đọc, học viết – những việc mà ngay cả những người lớn có bộ não phát triển nhất cũng mới chỉ thực hiện được từ cách đây 8 nghìn năm.
Sự phát triển của trẻ chập chững không phải là một sự phản chiếu hoàn hảo nhất cho quá trình tiến hóa của loài người. Trông bé không còn giống như một người thượng cổ hay một con tinh tinh và những người cổ đại trông cũng không giống như đứa con 18 tháng tuổi của bạn. Nhưng sự phát triển của trẻ thực sự có xu hướng mô phỏng những giai đoạn phát triển mà tổ tiên chúng ta đã trải qua. Vì thế Định luật phát sinh sinh vật (ORP) là một cách thú vị để chúng ta hình dung về con đường trẻ chập chững sẽ đi qua để hướng tới giai đoạn trưởng thành, và là một hướng dẫn rất có ích để giúp bạn giao tiếp với trẻ.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ PHẢN ÁNH QUÁ KHỨ
Tại sao bạn nên nghĩ rằng trẻ chập chững là những… hóa thạch sống
“Những gì đã qua chỉ là sự khởi đầu.”
– William Shakespeare
Khoảng 50 năm trở lại đây, những nghiên cứu về nhân chủng học và chức năng não bộ của trẻ nhỏ đã xây dựng nền móng vững chắc cho những lý giải về sự độc đáo chỉ có ở trẻ chập chững.
Những người đi tìm hóa thạch thông qua xương của các loài động vật thời tiền sử đã cho chúng ta thấy một bức tranh ngày càng rõ nét về cuộc sống và văn hóa của những con người đầu tiên trên Trái đất. Những tiến bộ to lớn trong các nghiên cứu về sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ đã giúp chúng ta hiểu bộ não trẻ hoạt động như thế nào ở từng lứa tuổi, phần nào của não bộ chịu trách nhiệm cho việc di chuyển, phát triển ngôn ngữ và tư duy.
Điều tuyệt vời nhất là càng biết nhiều về sự tiến hóa của người tiền sử và sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ, chúng ta càng thấy được những sự tương đồng giữa chúng. Nói cách khác, trẻ chính là một hóa thạch sống!
Đương nhiên, không có trẻ chập chững nào là bản sao hóa thạch của một con tinh tinh Thời kỳ Đồ đá cả (ngay cả khi trẻ khiến cuộc sống của bạn trở nên khó khăn nhất!). Nhưng như tôi sẽ trình bày chi tiết hơn, giao tiếp với trẻ sẽ thành công hơn rất nhiều nếu bạn hiểu sự phát triển của trẻ mô phỏng quá trình tiến hóa thời cổ đại như thế nào.
Bốn giai đoạn tiến hóa của trẻ chập chững
Thời kỳ chập chững bao gồm toàn bộ quãng thời gian ba năm với những thay đổi vô cùng lý thú tương ứng với 5 triệu năm tiến hóa của loài người. Bởi có nhiều chuyện xảy ra như vậy nên sẽ rất có ích nếu chúng ta chia thời kỳ chập chững của trẻ thành bốn giai đoạn hoàn toàn tách biệt (nhưng chồng chéo lên nhau) như sau:
Chú tinh tinh nhỏ đáng yêu (từ 12 đến 18 tháng tuổi)
Vào sinh nhật lần đầu tiên, trẻ đã đạt đến mốc mà người ta gọi là thời kỳ “Những mắt xích bị mất” trên bậc thang tiến hóa, là giai đoạn tiến hóa từ vượn thành người trên toàn bộ Trái đất khoảng 5 triệu năm về trước.
Khi những người tiền sử bắt đầu đi bằng hai chân thì anh ta không thể ngừng đi lại được (chắc chắn cha mẹ của bất kỳ em bé 12 tháng tuổi nào cũng hiểu rất rõ điều này!) Vì không cần dùng bàn tay cho việc di chuyển nữa, nên bé liên tục sử dụng chúng để cầm nắm mọi thứ trong tầm với. Tinh tinh hoang dã (loài vật tiến hóa gần tới giai đoạn “Những mắt xích bị mất” nhất còn tồn tại tới ngày nay) có thể giao tiếp với khoảng 20 đến 30 từ bằng cách sử dụng dấu hiệu và cử chỉ. Điều này tương đương với những gì một đứa trẻ bình thường thực hiện thành thạo trong khoảng sáu tháng đầu tiên của thời kỳ chập chững.
Những người Nê-ăng-đéc-tan cao đến đầu gối (từ 18 đến 24 tháng tuổi)
Khi được 18 tháng tuổi, trẻ sẽ có một bước phát triển nhảy vọt sang giai đoạn người tiền sử. Khi bạn quan sát đứa con 18 tháng tuổi của mình dùng thìa, uống nước trong cốc mà không làm sánh nước ra ngoài và cố ném bóng về phía bạn, bạn đang nhìn lại những gì xảy ra trong lịch sử loài người vào khoảng 2 triệu năm trước. Giống như tinh tinh, người tiền sử dùng nhiều thời gian để di chuyển và cầm nắm, họ cũng có đôi tay linh hoạt và lóng ngóng (y hệt đứa con 18 tháng tuổi của bạn vậy). Nhưng khả năng giữ thăng bằng của họ đã tiến bộ hơn tinh tinh rất nhiều, khả năng dùng tay để vặn xoắn, sờ nắn và tách rời đồ vật cũng vậy. Họ thậm chí đã có thể làm ra những công cụ bằng đá thô sơ!
Người tiền sử tiến bộ hơn tinh tinh rất nhiều bởi họ có thể giải quyết một số vấn đề cơ bản như vạch ra một kế hoạch đi săn đơn giản hoặc chọn những hòn đá tốt để làm rìu. Những biểu hiện đầu tiên của trí thông minh này cũng xuất hiện ở trẻ 18 tháng tuổi khi trẻ thể hiện khả năng phát hiện ra cách chơi đồ chơi vặn dây cót, hoặc dùng gậy để lấy đồ vật bị rơi trong gầm giường.
Nhưng như tôi đã nói ở trên, quá trình phát triển cũng có cái giá phải trả. Cùng với khả năng dùng dùi cui và biết ném đá, những người tiền sử cũng bộc lộ một vấn đề về thái độ. Họ không còn sợ những con vật to khỏe xung quanh mình nữa; giờ đây, họ có thể tự bảo vệ mình bằng đá và gậy gộc. Điều đó khiến họ trở nên tự phụ, coi mình là trung tâm và luôn sẵn sàng gây chiến. Không phải ngẫu nhiên mà giai đoạn này ở trẻ được gọi là thời kỳ “khủng hoảng tuổi lên 2”. Khoảng thời gian từ khi trẻ được 18 tháng đến khi trẻ tròn 2 tuổi có thể sẽ là khoảng thời gian trẻ cứng đầu, bướng bỉnh và khó thỏa hiệp nhất.
Trẻ thượng cổ tinh khôn (từ 24 đến 36 tháng tuổi)
Đến khi được khoảng 2 tuổi, trẻ phát triển tương ứng với giai đoạn con người thượng cổ sống trong các hang đá (khoảng 150 nghìn năm trước). Những người thượng cổ bắt đầu quan tâm đến việc tạo dựng các mối quan hệ bạn bè và đồng minh, bắt đầu sống trong một thế giới dần dần phức tạp hơn về ngôn ngữ, công cụ và các thỏa thuận.
Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng những người cổ đại này cực kỳ khéo tay. Họ cũng tin rằng những người thượng cổ sở hữu một hình thức ngôn ngữ cơ bản bao gồm động từ, danh từ và đại từ được sử dụng rải rác. Họ có đủ khả năng giao tiếp để chuẩn bị những kế hoạch lớn như săn gấu và voi ma mút, với công cụ duy nhất là giáo mác và sự đoàn kết. Những tàn dư của Thời kỳ Đồ đá cũng tiết lộ một hình thức quy hoạch khác – đó là sự xuất hiện của một góc đặc biệt trong hang chỉ được dùng để đi vệ sinh!
Những sự phát triển này tương ứng với thế giới của một đứa trẻ 2 tuổi. Giai đoạn này đôi tay của bé đã đủ linh hoạt để có thể sử dụng nhiều “công cụ” (đồ chơi) hơn và bé có thể vẽ những đường tròn nguệch ngoạc (dấu hiệu khác của khả năng kiểm soát và lên kế hoạch). Ngoài ra, nhờ khả năng tập trung tốt hơn và hứng thú kết bạn gia tăng nên khả năng chơi luân phiên và kiên nhẫn của trẻ 2 tuổi tăng lên. Mặt trái của việc này là khi những trải nghiệm mới khiến trẻ bực bội, thì những “sinh vật nhỏ chưa được khai hóa văn minh” này sẽ phản ứng như cách một người nguyên thủy vẫn làm – đó là đánh và cắn.
Những cư dân làng xã tháo vát (từ 36 đến 48 tháng tuổi)
Đến sinh nhật lần thứ ba, trẻ sẽ tiến tới giai đoạn của những cư dân làng xã đầu tiên (6 nghìn năm trước). Khoảng 1 nghìn năm trước khi Kinh Thánh ra đời, nền văn hóa của loài người bất ngờ phát triển vô cùng nhanh chóng. Những bằng chứng thu thập được ở khắp châu Âu, châu Phi và khu vực Trung Đông – bao gồm các tác phẩm nghệ thuật, công cụ, trang sức và những vật dụng trong cuộc sống hằng ngày – đã hé lộ một nền văn hóa làng xã phức tạp hơn rất nhiều so với những gì đã được khám phá từ trước cho đến lúc đó.
Rất nhiều trong số những người đàn ông và phụ nữ hiện đại đầu tiên này sống thành từng nhóm gồm khoảng 100 người trở lên – đông hơn trước kia rất nhiều. Sự tồn tại trong hòa bình của những bộ lạc được mở rộng này đòi hỏi sự ra đời của những nguyên tắc ứng xử. Trí thông minh ngày càng phát triển cũng giúp họ học được những quy tắc xã hội và đạt được những kỹ năng ngôn ngữ phức tạp; từ đó, họ có thể cân nhắc những ý tưởng trong đầu và thành thạo những bài hát, điệu nhảy và câu chuyện phức tạp.
Những bước phát triển vượt bậc này được thể hiện gần như chính xác ở trẻ chập chững giai đoạn sau. Sau ngày sinh nhật lần thứ ba, những kỹ năng của trẻ phát triển với tốc độ chóng mặt! Giờ đây trẻ cũng đã có đủ khả năng trí tuệ để cân nhắc các vấn đề, ví dụ như khi trẻ thích thực hiện những phép so sánh như “Đà điểu là một loài chim cao cổ” và “Con không phải là em bé. Con lớn rồi!”. Trẻ nỗ lực để tìm hiểu cách thế giới vận hành, trẻ nói những câu như: “Tại sao con không thể chứ?” và “Màu đỏ có nghĩa là dừng lại!”. Như những cư dân làng xã cổ đại, một đứa trẻ 3 tuổi được hoàn toàn tự do coi “ma thuật” là cách để giải thích tất cả những gì trẻ chưa thể hiểu hết. Và cũng giống như những cư dân làng xã đầu tiên, não trẻ chưa đủ năng lực để chuyển lời nói thành chữ viết.
Khi trẻ thích thú nhận ra rằng trẻ to lớn hơn các em bé sơ sinh, trẻ đồng thời cũng sợ hãi nhận ra rằng so với những người khác, trẻ thật nhỏ bé và yếu đuối. Bởi thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ 3 tuổi thích những câu chuyện về việc trở thành những người to lớn, có sức mạnh và những trò chơi trong đó trẻ có thể đóng vai là những con quái vật vừa to lớn vừa đáng sợ.
Khi bạn bắt đầu nhìn nhận con mình theo hướng “tiến hóa” như vậy, bạn có thể dễ dàng lý giải những khó khăn và mệt mỏi mà bạn phải đối mặt hằng ngày. Những cơn ăn vạ, những tiếng gầm gừ, những lần bé ngang nhiên coi thường yêu cầu của bạn và cả khi bé muốn ném đá vào chú mèo của bạn – toàn bộ hành vi thiếu văn minh của con bạn – giờ đã hoàn toàn trở nên hợp lý. (Điều này cũng có thể lý giải tại sao trẻ lại thích khủng long Barney và những món đồ chơi khủng long nhỏ – nhưng tôi sẽ để dành câu trả lời chính xác cho những nhà nghiên cứu tương lai)!
Bạn cần nhớ rằng, bạn mới là người hiểu con hơn bất cứ cuốn sách nào. Những đặc điểm theo lứa tuổi được liệt kê dưới đây chỉ là những hướng dẫn cơ bản. Mỗi trẻ mỗi khác và tốc độ đạt được những mốc phát triển của từng bé cũng vậy. Tuy nhiên, cuối cùng trẻ cũng sẽ phát triển qua tất cả những giai đoạn khác nhau này và khi được 4 tuổi trẻ sẽ tới được cột mốc đáng lưu ý đó là trẻ thông minh và văn minh hơn rất nhiều so với lúc trẻ bắt đầu hành trình phát triển nhanh như chớp này vào ba năm trước.
Trẻ đã tiến hóa như thế nào?!
Sự phát triển của não bộ tiếp nhiên liệu cho toàn bộ quá trình phát triển. Chúng ta hãy cùng nhìn vào những khác biệt của các mốc trưởng thành thông qua hai hành vi dưới đây:
1. Trẻ sử dụng ngôn ngữ để nói với bạn rằng trẻ muốn thứ gì đó như thế nào?
▪ Trẻ “tinh tinh” chỉ chộp lấy thứ đó.
▪ Trẻ tiền sử chộp lấy thứ đó và nói: “Của con!”
▪ Trẻ thượng cổ muốn chộp lấy thứ đó nhưng cố gắng làm bạn vui lòng bằng cách kiềm chế mong muốn đó và nói rằng: “Con muốn!”
▪ Trẻ làng xã bắt đầu tuân thủ quy tắc ứng xử lịch thiệp và nói rằng: ”Xin mẹ cho con!”
2. Trẻ sử dụng ngôn ngữ để mô tả những thứ trẻ nhìn thấy như thế nào?
▪ Trẻ “tinh tinh” dùng một từ để mô tả một nhóm (“chó con” để chỉ tất cả các con vật nhỏ).
▪ Trẻ tiền sử học cách dùng những từ cụ thể (“thỏ con”, “mèo con”).
▪ Trẻ thượng cổ có thể so sánh hai thứ (“thỏ lớn” và “thỏ nhỏ”) và chỉ vào thứ có kích thước lớn hơn.
▪ Trẻ làng xã có thể so sánh nhiều thứ cùng lúc và chọn ra thứ nào to nhất, dài nhất…
Phong cách nuôi dạy con kiểu tiền sử: Làm sao để trở thành một vị đại sứ cho một công dân Thời kỳ Đồ đá?
“Mẹ là Tarzan - Con là mẹ!”
Việc đầu tiên bạn cần làm để giúp trẻ trở thành đứa trẻ hạnh phúc nhất khu phố là luôn nghĩ rằng mình là một vị đại sứ đến từ thế kỷ XXI của một vị khách thời tiền sử. Vị khách của bạn không biết những tục lệ và không nói cùng một thứ ngôn ngữ với bạn. Nhưng vị khách ấy sẽ ở đây đến tận năm sau đấy.
Mục tiêu của một đại sứ là thúc đẩy bầu không khí hòa hợp và tránh xung đột. Những nhà ngoại giao hàng đầu luôn làm việc dựa trên sự tôn trọng, tử tế cùng với rất nhiều cuộc đàm phán và hiệp ước. (Bạn sẽ có một khoảng thời gian thú vị để thực hành những kỹ năng ngoại giao của mình bằng cách: “tán gẫu”, “vờ làm kẻ ngốc” hoặc dành “khoảng thời gian chất lượng” cho bé...) Các đại sứ không phải những người tự cao (cuồng kiểm soát) hay dễ bị thuyết phục (sợ kiểm soát). Nhưng khi cần, họ nhất định sẽ hành động cứng rắn – tương tự như khi bạn cách ly bé nhưng không phải khi bạn quyết định đánh con.
Thông thường, nhiệm vụ đại sứ của bạn sẽ đơn giản hơn rất nhiều nếu bạn hiểu rõ những thói quen và nói được ngôn ngữ của vị khách thời tiền sử kia. Đó là Phong cách nuôi dạy con kiểu tiền sử. Mặc dù phương pháp này nghe có vẻ lạ lẫm nhưng khi đã bắt tay vào thực hiện, có thể bạn sẽ ngạc nhiên vì tính hiệu quả của nó!
Hẳn bạn vẫn còn nhớ Tara – cô bé muốn ra khỏi phòng khám của tôi chứ? Đây là một ví dụ về cách một phụ huynh khác – một người đã khá thành thạo Phương pháp làm cha mẹ kiểu tiền sử – xử lý một tình huống tương tự.
Phương pháp làm cha mẹ kiểu tiền sử trong thực tế
Bé Mack 14 tháng tuổi thường rất vui vẻ và ham chơi nhưng bây giờ bé chỉ tập trung vào một việc duy nhất: ra khỏi phòng khám của tôi. Sau khi đã dùng một vài từ đơn giản và cả cơ thể để thể hiện mong muốn ấy, Mack đấm mạnh vào cửa và nhìn Kate, mẹ của cậu bé – đầy nài nỉ. Kate khụy xuống, ngang bằng với con trai và cố gắng mô phỏng chính xác cảm xúc của cậu bé bằng những âm ngắn, đầy cảm thông (bằng ngôn ngữ của bé – ngôn ngữ của trẻ chập chững) để cho bé thấy rằng mẹ đã hiểu bé muốn gì. “Ra ngoài! Ra ngoài! Ra ngoài! RA NGOÀI!!!” Kate nói đầy mạnh mẽ, nhiệt tình chỉ tay về phía cửa với ánh nhìn chân thành và đầy quan tâm. “Ra ngoài! Ra ngoài! RA NGOÀI! Con muốn ra ngoài! Con muốn ĐI! Con muốn RA NGOÀI!!!”
Ban đầu, Mack chỉ nhìn chằm chằm vào cửa và dường như không hề biết mẹ mình đang nói gì. Nhưng thật tuyệt diệu, sau khi nghe sáu câu “Ra ngoài!” đầy cảm xúc, Mack đã bất ngờ quay sang phía mẹ. Mắt cậu mở to thể hiện sự biết ơn sâu sắc vì mẹ đã công nhận cảm xúc của mình. Kate hiểu rằng mọi chuyện đang chuyển sang hướng có lợi cho mình nên cô tiếp tục bình luận về hành động của Mack một cách đầy nhiệt huyết. “Con chán quaaaaaaaaaaaá!!! Con muốn đi, đi, đi, ĐI!!!!!!” Chẳng mấy chốc Mack đã bắt đầu bước một bước nhỏ từ cửa về phía mẹ mình và lúc đó, trông bé có vẻ hài lòng – Mẹ đã hiểu bé!
Để hoàn tất việc áp dụng một cách hoàn hảo Phương pháp nuôi dạy con kiểu tiền sử này, Kate kết thúc bằng việc ngồi trên sàn và đề nghị con trai chơi cùng mình. “Này… này… suỵt!“, cô thì thầm thật to, dang tay và ra hiệu cho con lại gần: “Lại đây con! Lại đây! Mình cùng nhảy nào!” Sau đó cô hát đoạn điệp khúc trong bài hát mà Mack yêu thích – La Bamba. Kate vỗ tay còn Mack lẫm chẫm đi vòng quanh mẹ đầy vui sướng, tay giơ cao lên trời mỗi khi thấy mẹ làm thế. Chỉ trong vòng chưa đầy một phút, cơn ăn vạ đã hoàn toàn biến mất và bé lại vui mừng bắt chước mẹ mình!
Nói sao cho trẻ chập chững chịu nghe
Kate thành công bởi cô đã ghi nhớ cách để trở thành một vị đại sứ giỏi. Cô đảm bảo Mack hiểu rằng cậu bé được thấu hiểu và tôn trọng. Và, quan trọng nhất là, cô đã giao tiếp với bé bằng ngôn ngữ của bé (với đúng giọng điệu và biểu cảm gương mặt) trước khi đưa ra thông điệp của mình: “Mẹ con mình cùng nhảy nhé, đừng đấm cửa.”
“Tôi cảm thấy có chút ngớ ngẩn khi nói như một bà mẹ tiền sử, nhưng điều đó lại thực sự hiệu quả”, Kate nói với tôi như vậy. “Điểm tôi thích nhất chính là khoảnh khắc con ngừng lại và tôi biết bé đang nghĩ rằng: ‘Ồ! Mẹ hiểu mình!’. Chúng tôi hiểu nhau như thế đấy. Thật kỳ diệu!”
Nếu bạn muốn nói chuyện với một người Thụy Điển, hãy nói tiếng Thụy Điển. Nếu bạn muốn một đứa trẻ tiền sử đang chập chững hiểu ý mình, bạn phải nói bằng ngôn ngữ của trẻ chập chững.
Hầu hết các bậc cha mẹ đều rất ngạc nhiên khi biết rằng điều ít quan trọng nhất khi chúng ta nói chuyện với một em bé buồn bực chính là… những gì chúng ta nói! Hầu hết lời nói của chúng ta là vô nghĩa nếu chúng không được nói với giọng điệu và biểu cảm chính xác. Nhưng chúng ta cũng không cần phải ngạc nhiên bởi nguyên tắc này cũng đúng khi người lớn giao tiếp với nhau. Ví dụ, nếu ai đó hét lên vì cô ấy thấy một con nhện, và bạn nói: “Ồ, sợ thật!” với nụ cười vui sướng thì những lời an ủi quan tâm của bạn sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa bởi vẻ mặt mỉa mai của bạn đã phá hỏng tất cả. Người lớn càng buồn bực thì chúng ta càng mong những người nói chuyện với mình sử dụng đúng giọng điệu và cử chỉ. Điều này cũng đúng với những đứa trẻ chập chững có mức độ cảm xúc mạnh của chúng ta.
Kate đã kết nối với Mack khi cô mô tả lại cảm giác của cậu bé bằng cách bật ra những câu ngắn và đầy biểu cảm: “Ra ngoài, ra ngoài, ra ngoài! Con muốn đi RA NGOÀI!” Đối với trẻ ở độ tuổi này, sự ngắn gọn và lặp lại rất quan trọng. (Tôi sẽ nói thêm về vấn đề này trong Chương 8.) Kate tiếp tục nói như vậy cho đến khi cô nhìn vào đôi mắt đang mở to của Mack và nhận thấy rằng cậu bé đang dần dần hiểu ra; đó là khi cô biết mình đã truyền được thông điệp về sự tôn trọng và thấu hiểu! Sau đó, dường như có ma thuật, Mack bất ngờ dành cho cô đặc ân tương tự. Cậu bé tập trung sự chú ý của mình vào mẹ và lắng nghe thông điệp của mẹ với sự tôn trọng.
Đó là tất cả những gì một vị đại sứ cần làm. Ngôn ngữ ngoại giao bắt nguồn từ sự tôn trọng. Giống như những nhà ngoại giao, cha mẹ hãy cố gắng luôn luôn sử dụng lời nói và hành động để truyền tải sự đồng cảm và tôn trọng hơn là để thể hiện quyền lực và uy quyền. Điều này sẽ không chỉ có hiệu quả mà còn giúp cho các bên liên quan đều cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.