“Khi người khác nói, hãy chú tâm lắng nghe. Hầu hết mọi người không bao giờ làm được điều này.”
– Ernest Hemingway
Những nội dung chính
▪ Nguyên tắc Đồ ăn nhanh là cách tốt nhất để trò chuyện với một người đang buồn bực: Trước khi nói những gì bạn nghĩ, hãy nhắc lại những gì trẻ nói – bằng sự chân thành.
▪ Nếu bạn bỏ qua Nguyên tắc Đồ ăn nhanh, “người bạn” đang khó chịu của bạn có thể không nghe thấy những gì bạn nói.
▪ Khi trò chuyện với một người đang buồn bực, bạn nhất định phải nhớ rằng: Điều bạn nói không quan trọng bằng cách bạn nói.
▪ Để có thể nói được Ngôn ngữ của trẻ chập chững, bạn cần phải luyện tập một chút – nhưng ngôn ngữ này sẽ giúp bạn trở thành một người cha/mẹ tốt hơn và hạnh phúc hơn.
Bạn chuẩn bị được biết tới một biện pháp cực kỳ hiệu quả để kiểm soát những cơn bùng nổ giận dữ của trẻ bằng tình yêu thương và sự tôn trọng. Để làm được điều đó, bạn cần hiểu rõ những gì diễn ra trong tâm trí của những đứa trẻ “tiền sử” này.
Trước hết, chúng ta hãy thử làm một bài trắc nghiệm nhỏ. Hình ảnh nào sau đây mô tả chính xác nhất suy nghĩ của trẻ trong độ tuổi chập chững?
1. Một công viên gọn gàng, được chăm sóc kỹ lưỡng.
2. Một thảo nguyên xanh rộng lớn.
3. Một khu rừng rậm.
Nếu câu trả lời của bạn là (3) “Một khu rừng rậm” thì bạn đã hoàn toàn chính xác. Trẻ chập chững rất đáng yêu và thú vị, nhưng các bé cũng rất hoang dã và thiếu tổ chức. Điều này đặc biệt chính xác hơn khi trẻ rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực (cáu giận, buồn bực, tổn thương…) Trên thực tế, tất cả chúng ta đều trở nên “hoang dã” khi chúng ta buồn bực, đó chính là lý do tại sao khi một người cáu giận, chúng ta nói rằng họ đã “hóa thành tinh tinh!”
Khi đóng vai trò là một vị đại sứ đến với khu rừng rậm của trẻ, công việc của bạn sẽ đơn giản hơn nếu bạn có thể nói bằng ngôn ngữ của trẻ (kèm theo những tiếng gầm gừ, cử chỉ và câu nói ngắn gọn)! Thông thạo ngôn ngữ của trẻ đồng nghĩa với việc bạn đã sở hữu một tấm vé cho một mối quan hệ tuyệt vời, vui vẻ. Nhưng trước khi học Ngôn ngữ của trẻ chập chững, đầu tiên bạn cần phải nắm chắc quy tắc quan trọng nhất của nghệ thuật trò chuyện với một người khi họ đang buồn bực – Nguyên tắc Đồ ăn nhanh!
Được rồi, tôi biết rằng burger và khoai tây chiên không có ở thời tiền sử, nhưng tôi hy vọng rằng cái tên thú vị của nguyên tắc này sẽ giúp bạn dễ dàng ghi nhớ khái niệm quan trọng này mãi mãi. Khi bạn đã học xong, tôi sẽ chỉ cho bạn cách để chuyển kỹ thuật của Nguyên tắc Đồ ăn nhanh sang Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Hai phương pháp này kết hợp với nhau sẽ trở thành liều thuốc diệu kỳ giúp bạn trấn an trẻ.
Nguyên tắc Đồ ăn nhanh: Nguyên tắc vàng trong giao tiếp
“Khi trò chuyện, bạn cần nói theo lượt – và ai đang là người buồn bực nhất sẽ nói trước!”
– Nguyên tắc của Karp về giao tiếp
Nguyên tắc Đồ ăn nhanh rất đơn giản: Trước khi nói với một người đang buồn bực những suy nghĩ của bạn, bạn cần phải nhắc lại cảm xúc của người đó – nhắc lại lời nói và (quan trọng hơn cả) mô phỏng một cách chân thành mức độ cảm xúc của người đó thông qua giọng nói, khuôn mặt và cử chỉ của bạn.
Sau đây là cách áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh (và lý do tại sao nó lại được đặt tên như vậy):
Nguyên tắc Đồ ăn nhanh, bước 1: Nhắc lại những gì bạn nghe được
Dù các cửa hàng thức ăn nhanh trên đường còn nhiều bất cập, nhưng có một việc họ làm rất hiệu quả: nhận yêu cầu món ăn của khách.
Hãy tưởng tượng bạn đang ở một nhà hàng phục vụ khách ngồi trong ô tô. Một giọng nói cất lên qua loa: “Anh/ chị muốn dùng gì ạ?”
Bạn trả lời: “Cho tôi burger và khoai tây chiên.”
Nhân viên nhận yêu cầu sẽ trả lời bạn như thế nào?
“Sao thế? Anh/chị lười quá nên chẳng thể nấu bữa tối hả?”
“Anh/chị có biết mấy món ăn đó chứa nhiều chất béo đến thế nào không hả?”
“Suất ăn của anh/chị giá 4 đôla.”
Không có câu trả lời nào trong số ba câu trả lời trên là đúng cả. Điều đầu tiên mà nhân viên nhận yêu cầu làm là nhắc lại yêu cầu gọi món của bạn.
Cô ấy hiểu rằng khi chưa chắc chắn về yêu cầu của khách thì cô ấy chưa thể làm tiếp điều gì – vì thế điều cô ấy thực sự nói là: “Vâng, một burger và khoai tây chiên. Anh/chị có cần sốt cà chua hay muối không ạ? Anh/chị có muốn dùng thêm đồ uống gì không ạ?” Chỉ sau khi xác nhận chính xác yêu cầu của bạn và chắc chắn rằng bạn biết cô ấy đã ghi nhớ đầy đủ thì người nhân viên mới bắt đầu “lượt” của mình: “Suất ăn của anh/chị hết 4 đôla. Mời anh/chị lái xe lên phía trước.”
Bây giờ chúng ta hãy áp dụng nguyên tắc này vào những tình huống thực tế trong cuộc sống. Chúng ta có thể bắt đầu bằng một ví dụ liên quan đến người lớn trước khi áp dụng với trẻ chập chững.
Bạn đang rất buồn vì lỡ làm mất túi. Bạn hoảng loạn vì trong túi chứa một bản báo cáo quan trọng mà bạn đã mất vài tuần mới hoàn thành xong và bạn sợ rằng rất có thể bạn sẽ mất việc nếu sếp phát hiện ra. Bạn khóc và kể cho bạn mình nghe chuyện vừa xảy ra nhưng người bạn ấy ngắt lời, ôm bạn thật chặt và nói, “Không sao! Không sao đâu! Đừng lo! Cậu có thể viết một báo cáo khác mà. Dù có chuyện gì xảy ra thì mình vẫn yêu cậu. Này, để mình làm cậu cười lên nhé! Mình kể cho cậu nghe hôm qua mình đã gặp phải chuyện gì chưa?”
Bạn sẽ cảm thấy thế nào? Mặc dù người bạn đó chỉ muốn xoa dịu nỗi buồn của bạn nhưng phản ứng của cô ấy có thể khiến bạn cảm thấy bị ngắt lời, không được tôn trọng và thậm chí còn có thể khiến bạn buồn bực hơn.
Một cách phản ứng hiệu quả hơn trong những trường hợp như thế này là người bạn đó từ tốn lắng nghe, thi thoảng làm gì đó để bạn biết rằng cô ấy hiểu cảm giác của bạn trước khi đưa ra giải pháp của cô ấy hoặc làm điều gì đó giúp bạn tạm thời quên đi chuyện buồn của mình.
Hãy thử thực hành lại cuộc đối thoại trên và tưởng tượng xem bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu cô bạn lắng nghe và thấu hiểu cảm giác của bạn trước khi đưa ra ý kiến cá nhân của cô ấy:
“Tớ đi ăn ở nhà hàng và để quên túi trên ghế rồi!”
“Ôi trời!”
“Mà Sếp tớ khó tính lắm! Ông ấy sẽ lại mắng tớ cho mà xem!”
“Bảo sao cậu buồn thế!”
“Ừ, tớ đã mất hai tuần để làm xong cái báo cáo đó đấy!”
“Ôi! Bao nhiêu công sức của cậu!”
“Cảm ơn cậu vì đã nghe tớ nói. Tớ sẽ tìm cách vượt qua chuyện này!”
“Cậu biết là tớ luôn ở bên cạnh cậu mà! Tớ giúp gì được không? Ôm cái nào? À, tớ kể cho cậu nghe chuyện ngày hôm qua của tớ chưa nhỉ? Có thể nó sẽ làm cậu vui hơn một chút đấy…”
Khi buồn, bạn hy vọng bạn mình sẽ lắng nghe và quan tâm đến chuyện buồn của bạn. Tất nhiên những lời khuyên sẽ giúp ích nhiều cho bạn, nhưng đó không phải là những gì chúng ta muốn được nghe đầu tiên. Những người biết cách động viên thực sự sẽ thể hiện rằng họ thấu hiểu cảm giác của người kia trước khi hy vọng người đó ghi nhận những lời khuyên của mình. Họ không muốn giống như những người phục vụ thông báo với khách về số tiền phải trả – dù khách còn chưa gọi món xong!
Bạn đã bao giờ phải đưa ra thông điệp trước hay chưa?
Theo Nguyên tắc Đồ ăn nhanh, người nào mong muốn được quan tâm nhất sẽ được ưu tiên nói trước. Trong hầu hết các trường hợp, đứa trẻ chập chững đang khóc lóc cảm thấy buồn bực đến nỗi các bé cần chúng ta hiểu rõ điều chúng muốn truyền đạt trước khi nghe những điều ta muốn nói. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nói với con thông điệp của bạn ngay nếu trẻ có khuynh hướng tỏ ra bạo lực, làm điều gì nguy hiểm hoặc đang vi phạm một quy tắc quan trọng nào đó của gia đình. Trong những trường hợp này, cảm giác của bạn được ưu tiên.
Nguyên tắc Đồ ăn nhanh, bước 2: Nhắc lại thông điệp một cách chân thành với biểu hiện trên khuôn mặt, qua giọng nói… và trái tim của bạn
Chúng ta vẫn thường nghĩ rằng những điều chúng ta nói là nhân tố chủ chốt để có một buổi chuyện trò thành công; tuy vậy, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trên thực tế, khi nói chuyện với một người đang buồn bực… những gì bạn nói ít quan trọng hơn rất nhiều so với cách bạn nói. Chỉ đơn thuần lặp lại những lời tâm sự của bạn mình, với khuôn mặt và giọng nói vô cảm, sẽ khiến người bạn ấy cảm thấy tệ hơn dù bạn có lặp lại chính xác lời cô ấy đến thế nào. Đó là lý do tại sao chúng ta cần đến bước thứ hai của Nguyên tắc Đồ ăn nhanh.
Nguyên tắc Đồ ăn nhanh chỉ hiệu quả khi bạn dành sự quan tâm trọn vẹn cho người bạn đang buồn của mình và nhắc lại gần như chính xác không chỉ lời nói mà còn cả cách nói và cử chỉ của cô ấy.
Một lần nữa, chúng ta hãy cùng tưởng tượng, bạn vừa bị đuổi việc và đi uống trà với một người bạn của mình để tìm kiếm sự cảm thông. Phản ứng nào sẽ khiến bạn cảm thấy rằng người ta thực sự quan tâm đến bạn?
Áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh đối với trẻ chập chững
Khi nói chuyện với đứa con đang buồn bực của mình, hầu hết chúng ta đều thiếu kiên nhẫn, chúng ta hiếm khi làm được như nhân viên nhận yêu cầu ở Busy Burger. Chúng ta làm mọi cách để trấn áp sự phản kháng của trẻ (bất kể chúng hợp lý hay chỉ để thu hút sự chú ý) bằng những câu như “Con trật tự đi!”, hay “Thôi ngay đi!”, hay “Để lúc khác!”
Chúng ta bào chữa cho bản thân mình bằng cách nói rằng vì chúng ta đang bận, hoặc chỉ muốn làm điều tốt cho con. Nhưng bất kể là lý do gì thì chúng ta cũng không có quyền bắt đứa trẻ phải im lặng khi đang “đến lượt nói” của bé. Chúng ta không cố ý tỏ ra thô lỗ hoặc thiếu tôn trọng nhưng tiếc thay, đó chính xác là những gì trẻ sẽ cảm nhận được.
Đây là một số cách chúng ta hay làm để “ngắt lời” trẻ hoặc ngăn không cho trẻ khóc lóc và than phiền nữa:
▪ Giải thích: “Đấy, con thấy không? Làm gì có con quái vật nào trong tủ quần áo của con.” Coi nhẹ hết sức cảm giác của trẻ: “Thôi nào, làm gì đến nỗi như vậy. Như thế có đau đâu.”
▪ Đánh trống lảng: “Ôi, này, con nhìn quyển sách này xem!”
▪ Làm ngơ: quay lưng và đi.
▪ Chất vấn: “Tại sao bạn ấy lại đánh con?”
▪ Dọa dẫm: “Thôi ngay, nếu không mẹ cho con ở một mình đấy!”
▪ An ủi: “Không sao đâu! Nín đi con! Bố đây rồi!”
Mong bạn đừng hiểu lầm: bạn hoàn toàn có thể nói những điều này – nhưng phải đợi cho đến khi tới lượt bạn!!! Người nông dân phải cày ruộng trước khi gieo trồng, và phụ huynh cần kiên nhẫn phản ánh những cảm giác của con trước khi bắt đầu thực hiện theo kế hoạch của mình.
Ối, một số cha mẹ làm đúng nhưng... sai thời điểm mất rồi
Theo Nguyên tắc Đồ ăn nhanh, có hai cách thông thường mà cha mẹ hay dùng khiến cảm xúc của con bị đẩy sang một bên thay vì được tôn trọng là: nhanh chóng hướng sự chú ý của con sang việc khác và nói câu “Không sao đâu” quá vội vàng. Tôi sẽ giải thích điều này.
Tại sao việc hướng sự chú ý của con vào việc khác lại phản tác dụng?
“Mọi việc chưa kết thúc cho đến khi nó thực sự kết thúc.”
– Yogi Berra, ngôi sao của đội New York Yankees
Hãy tưởng tượng, nếu mỗi lần bạn cố gắng thảo luận những lo ngại của mình với bác sĩ, bà ấy ngay lập tức chỉ ra ngoài cửa sổ và nói: “Nhìn xem, đằng kia có một tòa nhà mới xây”. Có lẽ bạn sẽ nhanh chóng nghĩ đến việc tìm một bác sĩ khác.
Trẻ chập chững cũng không thích chúng ta phản hồi những lời kháng nghị của con bằng cách làm con sao nhãng với những thứ không liên quan khác. Tuy nhiên, chúng không được chọn đổi sang một người mẹ khác, vì thế chúng hoặc càng trở nên chống đối (để khiến bạn lắng nghe thông điệp của chúng) hoặc thu mình lại (vì cho rằng bạn không quan tâm đến cảm giác của chúng). Cả hai trường hợp đều có thể dẫn đến những tổn thương tâm lý hoặc thể chất.
Tại sao câu nói “Không sao đâu” lại chẳng “không sao” chút nào?
“Đậy vung lên nồi nước sôi không thể khiến nước ngừng sôi.”
– Stephanie Marston, Ma thuật của sự động viên
Dỗ dành trẻ khi trẻ khóc là điều hoàn toàn tự nhiên nhưng ngắt quãng những tiếng khóc của trẻ bằng cách (liên tục) nói “Không sao đâu” có thể vô tình phản tác dụng. Rất có thể đứa trẻ sẽ nghĩ rằng bạn đang nói rằng trẻ đã sai khi cảm thấy buồn bã hoặc bạn không còn muốn nghe về những cảm giác của trẻ nữa. Vì thế, bạn nên để dành lại những lời an ủi đầy yêu thương cho đến khi con đã bắt đầu bình tĩnh lại – khi con thực sự bắt đầu cảm thấy “không sao”.
Monica đang chuẩn bị bữa ăn nhẹ cho bé Suzette 20 tháng tuổi. Trên đĩa là món ăn ưa thích nhất của cô bé – nho tươi, phô mai viên mozzarella và bánh quy, tất cả xếp thành hình một khuôn mặt.
Để khiến bé ngạc nhiên, Monica đã quyết định sáng tạo hơn mọi lần. Thay vì dùng cả cái bánh quy để xếp phần thân, cô bẻ thành nhiều mảnh dài để xếp tay và chân. Suzette phản ứng như thể cô bé bị buộc phải xem bộ phim Thứ Sáu ngày mười ba – tất cả chỉ là sự kinh hoàng!
Monica đã bỏ qua Nguyên tắc Đồ ăn nhanh. Thay vào đó, cô cố gắng trấn an Suzette bằng cách liên tục nói “Không sao đâu! Không sao!” khoảng 20 lần.
Cô công chúa nhỏ thời tiền sử đã phản ứng thế nào trước sự ”trấn an” này? Cô bé càng gào to hơn! Chẳng mấy chốc, bữa ăn nhẹ đã trở thành một thảm họa khi Monica liên tục nói “Không sao! Không sao!” và Suzette khóc thét lên như thể đang nói rằng, “Không! Có sao đấy mẹ ơi! Có đấy mẹ ơi!”
Đôi khi tôi nghĩ Nguyên tắc Đồ ăn nhanh giống như một công tác cứu hộ. Đứa trẻ chập chững bị mắc kẹt trong khu rừng rậm của thế giới cảm xúc thuộc Thời kỳ Đồ đá. Cách duy nhất để giải cứu bé là tìm ra bé trong khu rừng rậm rạp ấy. Và cách duy nhất để tìm được bé là mô phỏng những cảm xúc của bé.
Bây giờ, khi bạn đã hiểu về Nguyên tắc Đồ ăn nhanh, bạn cần thêm một bước nữa để nguyên tắc này có thể phát huy tác dụng tốt nhất đối với con mình. Bạn cần học cách diễn tả những cảm xúc của con bằng ngôn ngữ riêng của con – tôi gọi đó là Ngôn ngữ của trẻ chập chững.
Ngôn ngữ của trẻ chập chững – tiếng mẹ đẻ của trẻ tiền sử
Hãy tưởng tượng một người phụ nữ đi du lịch tại một đất nước mà không biết ngôn ngữ của nơi mình đến. Đột nhiên, cô có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh. Cô hỏi một người trên phố với giọng lịch sự nhưng khẩn cấp: “Nhà vệ sinh?” Người nước ngoài nói: “Wjoorkt”, nghĩa là “Tôi không hiểu”. “Sao cơ?” Người phụ nữ đang trong tình huống càng lúc càng khẩn cấp và cô nói lớn, “Nhà vệ sinh. NHÀ VỆ SINH!” Người lạ cảm thấy khó chịu vì tiếng hét chói tai của cô và cũng hét lên: “Wjoorkt! Wjoorkt! WJOORKT!!!”
Chẳng mấy chốc, khuôn mặt cả hai đều đã đỏ bừng vì giận dữ. Và không ai cảm thấy mình đang được lắng nghe.
Ngay cả một người lạ tận tình nhất cũng sẽ gặp khó khăn khi giúp đỡ bạn nếu anh ta không nói cùng một thứ ngôn ngữ với bạn. Điều này cũng đúng đối với các bậc cha mẹ tận tâm. Nguyên tắc Đồ ăn nhanh có hiệu quả nhất đối với trẻ chập chững khi nó được chuyển thể sang ngôn ngữ của trẻ, giống như cách bà mẹ đầy tình yêu thương này đã nhận ra vào một buổi chiều tại văn phòng của tôi:
Khi tôi cầm chiếc đèn pin để soi vào tai của Shannon, cậu bé 23 tháng tuổi bắt đầu khóc vì lo lắng. Marry – mẹ cậu – đã trấn an cậu bằng một giọng nói đầy bình tĩnh và tôn trọng: “Mẹ biết con không thích, con yêu ạ! Con sợ và lo rằng con sẽ bị đau, nhưng bác sĩ sẽ rất nhẹ nhàng. Mình cần biết chắc rằng tai con không có vấn đề gì cả, như thế thì con sẽ không cần phải uống mấy loại thuốc khó chịu kia nữa, được không con? Sắp xong rồi con ạ!”
Chúng ta có được nói theo cách thông thường nữa không?
Không phải lúc nào bạn cũng phải nói chuyện với trẻ bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Thường thì bạn vẫn sẽ nói theo cách tự nhiên vốn có. Nhưng khi tâm trạng của trẻ xấu đi, bạn sẽ thấy rằng nói chuyện với trẻ theo cách thông thường thường ít khi hiệu quả và thậm chí trở nên phản tác dụng.
Tại sao những cách dạy dỗ thông thường lại không có tác dụng đối với những “đứa trẻ thuộc Thời kỳ Đồ đá”?
“Những gì chúng ta có ở đây là buổi thảo luận đã thất bại.”
– Chain-gang warden to convict Paul Newman trong Cool Hand Luke
Tôi luôn ủng hộ sự tận tình và hợp lý, nhưng có rất nhiều lý do lôgic, làm trẻ sao nhãng và thậm chí cả sự nhắc nhở về tình yêu thương vẫn không giúp ích gì cho đứa trẻ “tiền sử” đang trong cơn giận dữ.
▪ Trẻ chập chững không thực sự có khả năng “nghe” những gì bạn nói. Tất cả chúng ta đều gặp khó khăn để nhìn (và nghe) một cách rõ ràng khi đang buồn bực. Điều này cũng hoàn toàn đúng với trẻ chập chững bởi khả năng xử lý ngôn ngữ của não bộ trong thời kỳ này chưa thực sự tốt.
▪ Trẻ chập chững chưa giỏi tư duy lôgic. Khả năng phân tích, lập luận phụ thuộc vào sự hoạt động của bán cầu não trái. Ở trẻ dưới 4 tuổi, bán cầu não trái vẫn còn khá lộn xộn.
▪ Trẻ chập chững chỉ tập trung vào những gì mình muốn – không phải những gì bạn muốn. Bạn có thể tưởng tượng ra việc một đứa trẻ dưới 4 tuổi nói “Mẹ đúng đấy!” hay “Sao trước đây con không nghĩ ra cách đó nhỉ?” hay không? Đừng kỳ vọng “người bạn tiền sử” của bạn có khả năng lý luận và thỏa hiệp khi bé đang tức giận. (Ngay cả khi vui trẻ cũng khó có thể làm được điều đó.)
▪ Trẻ chập chững nghĩ rằng bạn không hiểu điều trẻ muốn nói. Làm sao một đứa trẻ – gào lên những câu than phiền với bạn – khoảng 25 lần – mà vẫn nghĩ rằng bạn không hiểu nhỉ? Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng có lẽ chúng cảm thấy như vậy bởi vì bạn chẳng bao giờ dùng ngôn ngữ của chúng để trả lời! Thông thường, một khi bạn nói chuyện với con bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững rằng bạn hiểu và tôn trọng bé thì những cơn mè nheo và khóc lóc sẽ nhanh chóng biến mất.
Vậy Shannon đã bình tĩnh lại chưa? CHƯA. Cô bé thậm chí còn gào khóc to hơn. Tại sao lại thế? Có phải Marry chưa áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh hay không? Thì, vấn đề là thế này: Marry nói quá nhiều và cách cô ấy nói không thực sự phản ánh chính xác nỗi hốt hoảng của Shannon!
Một đứa trẻ chập chững đang giận dữ và sợ hãi sẽ nhanh chóng trở nên căng thẳng và cứng đầu. (Điều này đúng với cả những trẻ lớn hơn – thậm chí với cả người lớn!) Khi trẻ nhỏ đang buồn bực thì ngay cả những lời nói dịu dàng cũng giống như một mớ âm thanh hỗn độn. Tội nghiệp Shannon! Cô bé đang lo lắng và sợ hãi, đồng thời cũng cảm thấy mẹ không hiểu mình. Vì thế bé hét to hơn, giống như vị khách du lịch trong câu chuyện chúng ta đề cập đến ở đầu chương – cho rằng gào to lên sẽ khiến người khác hiểu ý mình!
Marry có thể làm gì để giúp cô con gái nhỏ đáng yêu đang hoảng sợ đây? Cô nên nói những điều gì nhỉ? Rất đơn giản! Tất cả những gì cô cần làm là chuyển ngữ những lời yêu thương của mình sang Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Nhưng bằng cách nào?
Bốn nguyên tắc để bạn nói được Ngôn ngữ của trẻ chập chững
“Nhập gia tùy tục”
Lần đầu tiên tôi học Ngôn ngữ của trẻ chập chững là tại văn phòng mình, nơi tôi làm việc như một đại sứ danh dự tại Vương quốc Chập chững. Dần dần, tôi nhuần nhuyễn thứ ngôn ngữ này khi xử lý khoảng hai mươi cơn ăn vạ của trẻ mỗi ngày. Và cuối cùng, tôi đã có thể trấn an những đứa trẻ 2 tuổi đang gào khóc to nhất, khiến các con cười và vui vẻ chơi đùa (hoặc ít nhất cũng chịu hợp tác) chỉ sau vài phút.
Điều đó nghe có vẻ không thực tế đúng không? Thực tế, Ngôn ngữ của trẻ chập chững còn dễ học hơn cả tiếng Pháp, tiếng Trung – và thậm chí dễ hơn cả tiếng lóng của trẻ con. Khi mới bắt đầu, có thể bạn sẽ cảm thấy đôi chút ngại ngùng. Nhưng hãy kiên trì và chỉ sau một vài ngày, “vị khách du lịch tí hon” sẽ nhìn bạn với ánh mắt đầy trân trọng như thể muốn nói rằng: “Ôi, mẹ hiểu con! Cảm ơn mẹ! Mẹ thật tuyệt!”
Sau đây là bốn bước đơn giản để chuyển bất cứ thông điệp nào sang Ngôn ngữ của trẻ chập chững:
1. Nói ngắn gọn
2. Lặp đi lặp lại
3. Sử dụng tông giọng phù hợp
4. Chú ý biểu cảm trên khuôn mặt và cử chỉ
Bốn bước này sẽ chia nhỏ cuộc đối thoại của bạn thành nhiều phần dễ hiểu, cho phép não bộ đang căng thẳng của trẻ nhận ra rằng bạn “hiểu” thông điệp của trẻ. Lặp lại các từ bé nói (hoặc những từ bạn nghĩ trẻ sẽ nói nếu có thể), đồng thời dùng giọng nói và cử chỉ của bạn để phản ánh những cảm xúc của trẻ. Hãy nhớ rằng, với trẻ chập chững đang buồn bực, cách bạn nói quan trọng hơn gấp hàng trăm lần so với những gì bạn nói!
1. Nói ngắn gọn
“Sự ngắn gọn là tinh hoa của trí tuệ.”
– William Shakespeare
Bây giờ, tôi muốn bạn hãy đọc những dòng chữ này, càng nhanh càng tốt: hãyhìnhdungbạnđangđọcmộtcâukhôngcódấu câukhôngviếthoachữviếtliềnnhausẽrấtkhóđúngkhông?
Được rồi. Có thể bạn đã hiểu nội dung của câu trên, nhưng liệu bạn có đủ kiên nhẫn để giải mã nó sau khi đã uống rất nhiều cà phê và làm đổ nước sơn móng tay ra thảm?
Khi nói chuyện với một đứa trẻ chập chững đang buồn bực, ngôn ngữ không phải là trợ thủ của bạn. Thậm chí ngay cả khi trẻ đang bình tĩnh và vui vẻ, chúng vẫn gặp khó khăn để hiểu những câu nói dài. Việc thấu hiểu từ ngữ đòi hỏi rất nhiều sự tập trung của bán cầu não trái, nhưng phần bán cầu não này hoàn toàn hoạt động không hiệu quả khi đứa trẻ tiến vào vùng đất của những cơn thịnh nộ.
Tất nhiên, trẻ chập chững không phải là những người duy nhất mà sự văn minh giảm theo chiều tỷ lệ nghịch với mức độ tiêu cực của tâm trạng… Người lớn chúng ta cũng vậy! Đó là lý do tại sao chúng ta lại mô tả một người đang cực kỳ tức giận là “Ôi trời ơi, cô ấy… biến thành tinh tinh rồi!”
Ngay cả người lớn cũng đi lùi trên bậc thang tiến hóa và trở lại thời kỳ “nguyên thủy” mỗi khi bị cảm xúc tiêu cực chi phối. “Boong! Đi xuống!”
Trẻ chập chững đặc biệt mất kiên nhẫn khi chúng trở nên xúc động, và đó cũng là lý do tại sao việc sử dụng ngôn ngữ của chúng lại hiệu quả. Nó giúp chia nhỏ thông điệp của chúng ta thành nhiều phần đơn giản mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể nắm bắt được… ngay cả khi chúng đang giận dữ.
Vì thế, điều đầu tiên chúng ta cần làm khi nói chuyện với một đứa trẻ đang buồn bực là dùng những câu thật ngắn gọn. Với trẻ chập chững dưới 2 tuổi, mỗi câu chỉ nên có từ một đến ba từ. Với trẻ lớn hơn một chút, câu có thể dài từ ba đến năm từ. (Như tôi đã nói ở trên, Ngôn ngữ của trẻ chập chững được dùng đối với những trẻ đang không vui và tức giận. Khi trẻ đã bình tĩnh trở lại, bạn cũng cần trở lại với cách nói thông thường).
Ngôn ngữ của trẻ chập chững – Tuyệt hơn cả phép thuật, vì nó hoàn toàn có thật!
Nguyên tắc Đồ ăn nhanh và Ngôn ngữ của trẻ chập chững không phải là biện pháp ma thuật có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề. Khi con bạn phải làm điều gì bé không thích hoặc khi con đói, khi con ốm, phấn khích quá mức, hay khi quá mệt, con có thể mắc kẹt trong cơn cáu giận của mình mất một lúc (khi đó bạn cần dùng đến những biện pháp khác như phớt lờ hoặc cách ly như đã chỉ ra trong Chương 11).
Nhưng nếu chịu khó luyện tập, bạn sẽ thấy rằng hầu hết những cơn cáu giận của trẻ đều có thể được xoa dịu. Clare – một người mẹ đến từ Georgia đã thấm nhuần Ngôn ngữ của trẻ chập chững – kể rằng: “Tất nhiên vẫn có những tình huống mà không biện pháp nào khả thi đối với đứa con 2 tuổi của tôi, ví dụ như khi em của bé ra đời, nhưng việc xử lý thành công khoảng 95% các tình huống còn lại không có gì đặc biệt!”
Ngay cả khi bạn không thể xoay chuyển hoàn toàn tình huống lúc đó thì những bức bối của con cũng sẽ được giảm bớt, hành vi của chúng bớt hoang dại chính nhờ những thông điệp được truyền tải bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững với tình yêu thương và sự tôn trọng.
Sau đây là một ví dụ. Thiên thần 15 tháng tuổi của bạn đang cảm thấy buồn chán, con chập chững đi về phía cửa, đập và cào vào cửa đòi ra ngoài sân. Dù bạn có ý định ra ngoài hay không, điều đầu tiên bạn nên làm là mô phỏng thông điệp của con bằng những lời nói đầy đáng yêu và nhiệt huyết: “Đi ra sân!... Đi ra sân!... Đi ra sân!... ĐI RA SÂN! Con chán… con chán… CON CHÁN! Bây giờ con muốn ĐI RA SÂN!” Và con nói, “Đi thôi mẹ ơi!... Đi nào, ĐI NÀO!” Khi con đã tương đối bình tĩnh lại, bạn có để đưa con ra sân hoặc đề nghị một số lựa chọn hay tìm cách hướng sự chú ý của con sang phía khác.
2. Lặp đi lặp lại
“Nếu bạn không thành công ở lần đầu tiên thì hãy cố gắng, cố gắng (cố gắng và cố gắng) thêm lần nữa.”
– Ngạn ngữ cổ
Nếu như người lớn có thể trở nên “mù quáng” vì tức giận thì những cảm xúc nặng nề có thực ở trẻ có thể khiến trẻ “điếc hoàn toàn”. Đó là lý do tại sao việc lặp lại nhiều lần lại là một phần quan trọng của Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Như bạn có thể thấy ở ví dụ trên, “Chán!” là một câu ngắn, nhưng chỉ một câu thôi là không đủ. Bé cần bạn phải lặp lại câu ấy nhiều lần. “Con chán… chán… CHÁN! Và con muốn ĐI RA SÂN!” Nếu con hét lên vì bạn lấy lại thỏi son môi mà con đang dùng làm màu vẽ, bạn hãy nhắc lại cảm xúc của con thật nhiệt tình bằng cách nói: “Con muốn cái này! CON muốn cái này! Con muốn cái này ngay bây giờ!!! Con muốn! Con muốn! Con muốn NGAY BÂY GIỜ!!” Hãy để ý cách lặp lại, dùng những câu ngắn và nhấn mạnh những từ quan trọng trong câu. Bạn cần hết sức nhiệt tình nhắc lại lời con, nhưng không đẩy âm điệu cao đến mức như thể bạn đang hét lên giống con.
Đừng ngạc nhiên nếu đứa trẻ chỉ bắt đầu chú ý đến bạn sau khoảng bốn đến năm lần bạn lặp lại như thế. Bạn sẽ biết rằng bạn đang làm đúng khi trẻ bất ngờ ngẩng lên như thể chúng nghĩ Sao cơ ạ? Mẹ vừa nói cái gì cơ? Nhưng đừng dừng lại. Khi trẻ quá bực bội, có thể bạn sẽ phải nhắc lại cảm xúc của con năm đến mười lần nữa để chúng biết rằng bạn đã thực sự “hiểu” bé.
Ví dụ, khi tôi đang kiểm tra tai của một em bé 2 tuổi đang khóc lóc; tôi đã nói bằng giọng đầy cảm thông những gì tôi nghĩ bé sẽ nói nếu bé lớn hơn một chút: “Steven bảo: ‘Không khám tai!! Không, không… Không khám tai! Không, KHÔNG, KHÔNG khám tai!! Bác NGỪNG! Bác NGỪNG! Cháu không thích!’” Việc này khiến nhiều đứa trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, còn những bé tiếp tục phản kháng thì bớt hung dữ hơn mặc dù tôi vẫn đang tiếp tục làm cái điều khiến cho bé bực bội.
Khi đã khám xong, tôi nói với chúng theo Nguyên tắc Đồ ăn nhanh bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững: “Cháu vừa bảo: ‘Không, không, KHÔNG. CHÁU không thích thế!’ Cháu bảo: ‘Đừng động vào cháu!’ Cháu bảo: ‘Đừng nhìn tai cháu! Cháu khó chịu lắm!!!’” Rồi tôi đi về phía đối diện, đầu cúi xuống để thể hiện sự khuất phục và xin lỗi. Cuối cùng, khi đứa trẻ đã bình tĩnh trở lại, tôi an ủi cháu bằng những lời nói già dặn hơn với một giọng nói tươi vui hơn: “Bai bai cháu nhé! Bai-bai! Xong rồi, cháu yêu! Xong rồi, xong rồi, xong hết rồi! Yeahhh!!! Cháu giỏi lắm! Bai- bai! Cháu ra ôm mẹ đi, bác sẽ đi xa rất xa đây!”
Bé Jack mới 20 tháng tuổi cố với lấy chiếc kéo mà Ann – mẹ cậu – để trên bàn. Khi Ann kịp thời giật lấy chiếc kéo thì Jack òa lên khóc. Thấy con hờn dỗi, Ann muốn ngay lập tức nói với con rằng kéo rất nguy hiểm. Nhưng cô đã kìm lại được và nói với con bằng giọng hùng hồn theo Ngôn ngữ của trẻ chập chững: “Con muốn… Con muốn… Con muốn nó cơ cơ cơ cơ cơ!!!!!” Và Jack tạm ngừng khóc.
Ann nói tiếp: “Con muốn. CON muốn! Nhưng không được! Không được! Không chơi kéo! JACK, không chơi kéo! Không chơi kéo!!!” Cho đến khi Jack chỉ còn nhỏ vài giọt nước mắt, Ann mới bắt đầu đánh lạc hướng cậu bé với giọng hào hứng: “NÀY! NÀY! NHÌN XEM NÀY! Đây này! Jack ơi, xe tải TO này! Xe tải TO! Mẹ con mình chơi… xe tải đi!”
Nếu bạn bắt đầu cảm thấy nói chuyện với con bằng cách này thật kỳ lạ thì bạn đã đúng. Rất lạ, nhưng cũng cực kỳ hiệu quả! Và sau khi bạn đã tập Ngôn ngữ của trẻ chập chững, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy nó tự nhiên giống như đạp xe đạp vậy. Vì thế, mong bạn đừng bỏ cuộc. Bạn đã đi được một nửa chặng đường rồi!
3. Dùng ngữ điệu thích hợp
“Cả thế giới là một sân khấu.”
– William Shakespeare
Phần tiếp theo của Ngôn ngữ của trẻ chập chững đòi hỏi bạn phải có khả năng diễn kịch một chút. Một phần quan trọng của Nguyên tắc Đồ ăn nhanh là mô phỏng lại cảm xúc của người khác bằng giọng nói của bạn. Đương nhiên, tôi không gợi ý rằng bạn cũng phải gào thét hay rít lên ngay cả khi con yêu của bạn đang làm vậy. Đứa trẻ ở trong tâm trạng căng thẳng đến nỗi bạn sẽ không muốn mình cũng ở trong một trạng thái như vậy. Nhưng khi trẻ đang kêu khóc thì giọng nói của bạn cũng không nên quá bình tĩnh và đều đều... Bạn cần một giọng nói chứa đựng sự đồng cảm! Biểu cảm trong giọng nói của bạn chứa đựng thông điệp chính bạn dành cho bé. Khi trẻ bực bội, não bộ của trẻ có thể không nhận thức được lời nói của bạn, nhưng bé sẽ dễ dàng hiểu giọng điệu và cử chỉ của bạn. Đáng tiếc là rất nhiều các bậc phụ huynh thường chọn sai cách biểu cảm giọng nói. Thay vì mô phỏng những cảm xúc mạnh mẽ của trẻ, họ chọn kiểu giọng dỗ dành với hy vọng có thể khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Một người mẹ sử dụng nhuần nhuyễn Ngôn ngữ của trẻ chập chững luôn bắt đầu bằng việc mô phỏng mức độ căng thẳng của trẻ và chỉ bắt đầu dịu dàng khi trẻ đã bình tĩnh trở lại.
Silvia cố gắng nói bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững với cô con gái 3 tuổi đang rất khó chịu của mình, nhưng chính giọng nói du dương của cô lại khiến Clara càng giận dữ hơn! Sau đó, Silvia nhận ra rằng cô chỉ đang nhại lại những cảm xúc của cô bé chứ không phải đang mô phỏng chúng một cách chân thật. Cô đang cố làm Clara cười chứ không phải giúp cô bé cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Kỳ diệu thay, ngay khi Silvia đổi biểu cảm giọng nói để có thể làm nó giống với mức độ bực bội của Clara, cô bé đã nín chỉ trong vòng vài giây.
Hãy thử tưởng tượng đứa con 26 tháng tuổi của bạn đang gào lên trên sân chơi cát vì cố giằng lấy chiếc xẻng của bạn bé, trong khi, cô bé kia thì nhất định không đưa và bỏ đi. Hãy mô tả những gì đã xảy ra bằng một giọng nói đầy giận dữ khớp với cảm xúc của con bạn lúc này. Hãy nói lên điều đó bằng sự đồng cảm và tôn trọng hết sức chân thành với cảm xúc của con, “Con bực quá. Con bực. Bực. Bực. BỰC!! Con muốn có cái xẻng của Susie. Con bảo: ‘Đưa tớ cái xẻng! Đưa cho tớ! Đưa tớ! Đưa cho tớ NGAYYYYYYY!!!’”
Tại sao Ngôn ngữ của trẻ chập chững lại hiệu quả với trẻ chập chững ở mọi độ tuổi
Ngôn ngữ của trẻ chập chững có khác nhau khi bạn áp dụng với nhóm trẻ chập chững nhỏ tuổi nhất và nhóm trẻ lớn tuổi nhất không? Có và không. Một trẻ 3 tuổi trong tâm trạng ổn định chắc chắn có khả năng hiểu những câu nói dài và ít lặp lại hơn so với trẻ 1 tuổi. Tuy vậy, đứa trẻ càng bực bội thì càng cư xử kiểu “nguyên thủy”. Vì thế, trong suốt cơn ăn vạ của trẻ, hãy bắt đầu cách sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững với những từ nghe đơn giản nhất, dù con bạn được 1 tuổi hay 4 tuổi. Khi trẻ đã bình tĩnh hơn, chúng ta sẽ có thể trở lại với cách nói trưởng thành hơn mà bình thường trẻ vẫn hiểu.
4. Chú ý đến biểu cảm khuôn mặt và cử chỉ
“Một hình ảnh đáng giá hơn nghìn lời nói.”
– Fred Barnard
Nếu bạn có cảm giác rằng mình đã cố gắng hết sức để nói chuyện với đứa trẻ “tiền sử” mà vẫn chẳng ích gì thì có thể đó là do bạn đã quá chú tâm đến lời nói mà quên rằng mình cần phải sử dụng cả ngôn ngữ cơ thể nữa. Ôi, sai lầm lớn đấy nhé! Cũng như biểu cảm giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và nét mặt mang nhiều ý nghĩa hơn một tràng những âm tiết mà bạn nói. Đối với một trẻ chập chững đang buồn bực, một cử chỉ thực sự có ý nghĩa hơn ngàn lời nói.
Từ 1 tuổi, hầu hết các bé đều đã trở thành những chuyên gia trong việc đọc biểu cảm trên khuôn mặt người lớn. Bạn nhăn mặt, thở dài, nắm chặt tay… tất cả đều có ý nghĩa với trẻ hơn lời nói. Vì thế, bạn không nên cười khi nói những điều nghiêm túc với con. (Ngay cả khi bé đang làm điều gì thú vị) Trẻ chập chững tin vào những biểu cảm phi ngôn ngữ hơn lời nói, thế nên nếu bạn cười khi nói những chuyện nghiêm túc, bé sẽ chỉ “lắng nghe khuôn mặt bạn” và hoàn toàn làm ngơ những yêu cầu của bạn!
Hãy luyện tập việc sử dụng khuôn mặt và cơ thể để thể hiện sự thích thú và tôn trọng của bạn. Gật đầu, cúi xuống một cách khiêm tốn, quỳ hoặc ngồi xuống để khuôn mặt con ở vị trí cao hơn so với mặt bạn. Nhẹ nhàng nắm tay con hoặc ngồi xuống bên cạnh con. Sự đồng cảm phải được thể hiện trên khuôn mặt. Khi ấy, khuôn mặt bạn sẽ giống như một tấm bảng lớn ghi dòng chữ “Mẹ biết chính xác con cảm thấy như thế nào!”
Nếu chẳng may bạn mỉm cười, hãy quay mặt ra chỗ khác một vài giây để lấy lại sự điềm tĩnh. Nếu cần, bạn cũng phải cắn chặt môi. Sau đó hãy quay lại phía con và nếu con dưới 2 tuổi, bạn nói: “Không được! Không được!” với giọng gầm gừ một chút (Xem Chương 11 để hiểu thêm về biểu cảm này.) Nếu con lớn hơn, bạn có thể nói những câu như: “Mẹ biết, có thể trông mẹ giống như đang cười, nhưng thực sự trong lòng mẹ không cười chút nào đâu”.
Khi một trong những bệnh nhi nhỏ tuổi của tôi chuẩn bị làm điều gì đó nguy hiểm – như nhảy ra khỏi bàn khám bệnh – tôi không chỉ đơn thuần nói: “Cẩn thận đấy cháu! Đừng làm thế!”, tôi nhìn bé với ánh mắt hoảng hốt và sợ hãi. Rồi tôi gầm gừ lời cảnh báo của mình từ sâu trong cổ họng trong khi vẫy ngón tay trỏ về phía cậu bé, nhíu mày, lắc đầu tỏ vẻ không đồng ý và nét mặt tôi chuyển từ hoảng sợ sang rất không bằng lòng.
Rất nhiều trẻ chập chững khóc và đánh người khác khi khó chịu. Điều đó có thể được mô phỏng bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững như thế nào? Tất nhiên, tôi sẽ không khuyên bạn cũng nằm lăn xuống sàn, đấm đá và la hét. Tốt hơn cả là bạn hãy dùng những từ bạn nghĩ con sẽ nói nếu con có thể nói. Và hãy nói thật nhiệt tình.
Sau đây là những gì Terri – mẹ của Billy – một bé trai “tiền sử” 3 tuổi – nói về cách cô đã sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững ở nhà mình:
Mặc dù lúc đầu tôi khá ngượng ngùng vì có thể trông tôi thật ngớ ngẩn, nhưng kể từ khi biết đến Ngôn ngữ của trẻ chập chững cách đây 6 tháng, thì tôi đã dùng nó để trấn an Billy trong hầu hết những lần con cáu giận. Giờ đây, Ngôn ngữ này đã trở nên quen thuộc với tôi và tôi có thể làm dịu hầu hết những cơn ăn vạ này chỉ trong vòng vài giây.
Những cơn giận của Billy thường xảy ra theo trật tự như sau: Thằng bé bắt đầu la hét và gào khóc như xé phổi; tôi can thiệp, mô phỏng gần đúng cảm giác của con bằng lời nói và biểu cảm cảm xúc. Nếu tôi ngừng nói quá sớm, con sẽ tiếp tục kêu khóc, và tôi sẽ lại bắt đầu nói lại Ngôn ngữ của trẻ chập chững, “Billy vẫn tức, tức, TỨC QUÁ!!! Billy RẤT GIẬN!!!” Billy nói: “Không, không, không… KHÔNG!!!!” Nếu con ngừng gào thét, tỏ ra hơi ngạc nhiên nhưng trấn tĩnh thì đó chính là dấu hiệu để tôi thực hiện bước tiếp theo, bắt đầu đánh lạc hướng con hoặc đưa ra cho con một vài giải pháp để con lựa chọn.
Lúc đầu, những cơn ăn vạ của Billy kéo dài khoảng từ hai đến ba phút. Bây giờ, Billy vẫn cần tôi chú ý đến bé trong khoảng hai hoặc ba phút mỗi khi bé buồn bực, nhưng ngay khi tôi dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, bé sẽ dừng cơn giận ngay lập tức.
Sự tôn trọng – thứ giá trị hơn châu báu và… đồ chơi!
Nhiều phụ huynh hỏi tôi, tại sao một đứa trẻ đang giận dữ như thế có thể bình tĩnh trở lại khi tôi thậm chí không hề đưa cho bé bất cứ thứ gì bé đang mè nheo đòi hỏi?
Đã bao giờ bạn để ý thấy rằng con bạn có thể khóc liên tục không dứt để có được một món đồ chơi nhưng lại quẳng nó đi chỉ vài giây sau khi bạn đã đáp ứng đòi hỏi của trẻ chưa? Đó là bởi vì điều bé muốn hơn cả không phải là thứ đồ vật vô tri kia mà chính là hy vọng mọi người hiểu và chú ý đến bé.
Trong suốt cuộc đời, có hàng ngàn hàng vạn thứ chúng ta mơ ước – mà không có được. Chúng ta đều có thể tiếp tục sống với sự thất vọng, nhưng chúng ta không thể sống nếu thiếu đi sự tôn trọng từ phía những người ta yêu quý!
Ngay cả khi bạn không thể đưa cho con mình thứ mà bé đang gào thét để đòi hỏi thì bạn vẫn có thể dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm, giúp trẻ bình tĩnh trở lại.
Kỹ năng đơn giản này giúp bạn truyền đi thông điệp về sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương dành cho trẻ – và đó chính là ma thuật thực sự đằng sau kỹ thuật đơn giản này. Bằng cách sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để áp dụng nguyên tắc Đồ ăn nhanh, bạn sẽ có thể nhanh chóng trấn an trẻ trong hầu hết 80% đến 90% các trường hợp trẻ bực bội.
Phương pháp này thoạt nghe có vẻ khó khăn, nhưng chỉ với một chút luyện tập, bạn sẽ không chỉ tiết kiệm được thời gian mà còn tránh được những hành động khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn nữa.
Một số ngoại lệ – Đôi khi ngay cả Ngôn ngữ của trẻ chập chững cũng không có tác dụng
Nếu bạn đã sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững theo đúng hướng dẫn mà không đạt được kết quả nhanh chóng thì nguyên nhân thường là do trẻ đang mệt, đói, đang ốm, đang buồn chán, hoặc căng thẳng do những tác động bởi một tình huống khác.
Trong trường hợp trẻ không dừng khóc, bạn có thể:
1. Ôm trẻ. Có lẽ trẻ cần đụng chạm cơ thể để bạn giúp bé giải phóng cơn giận của mình.
2. Giải quyết vấn đề đó nếu có thể. Nếu bạn cho rằng trẻ đang bực bội vì đói, vì quá mệt hoặc buồn chán, bạn có thể đưa ra giải pháp phù hợp cho các tình huống này (cho trẻ ăn chút gì đó, xoa lưng trẻ và để trẻ nghỉ ngơi, hoặc đưa cho trẻ một món đồ chơi) trong khi vẫn tiếp tục dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để nói chuyện với trẻ.
3. Đi đâu đó một lúc. Thông thường, bạn có thể tránh đi chỗ khác trong vài phút (thông báo cho trẻ để tỏ thái độ tôn trọng) để trẻ không phải tập trung vào bạn và có thể tự trấn tĩnh lại mà không bị ai quan sát (Một số trẻ thực sự quá “kiêu ngạo” đến nỗi chúng sẽ không ngừng “ăn vạ” nếu có người đang nhìn). Vì thế, nếu bạn sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững trong khoảng một, hai phút mà không thấy tác dụng, bạn có thể thay đổi cách tiếp cận và nói: “Con cứ khóc tiếp đi, con yêu! Mẹ phải đi kiểm tra vài thứ trong bếp. Mẹ sẽ quay lại ngay – Mẹ yêu con!” Bạn hãy quay lại sau khoảng nửa phút đến một phút, lại dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững và áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh để xem trẻ đã có thể bình tĩnh lại chưa. (Những trẻ quá gan lì có thể sẽ đòi hỏi bạn phải lặp đi lặp lại việc này tới ba, bốn lần mới chịu dừng.)
Trẻ chập chững luôn nhạy cảm với sự công bằng. Trẻ nghĩ, rằng Bố/Mẹ tôn trọng con nên con cũng sẽ tôn trọng lại bố mẹ. Vì thế, khi bạn nói chuyện với trẻ bằng sự tôn trọng, điều đó không chỉ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn mà còn khiến trẻ tôn trọng bố mẹ hơn. Thêm vào đó, trẻ sẽ khắc ghi trong tâm trí cách trẻ muốn được đối xử bởi những người yêu thương mình. Bài học này sẽ rất có ích cho trẻ sau này, khi trẻ lựa chọn bạn bè và những mối quan hệ lâu dài.
Câu chuyện của Leslie: Thực hành Ngôn ngữ của trẻ chập chững
Tối qua, bé Nathan 15 tháng tuổi đã ị ra bỉm khi chúng tôi đang ở trong một nhà hàng, vì thế tôi phải đưa thằng nhóc đang ngọ nguậy không yên ấy quay trở lại xe để thay bỉm mới. Khi con gào lên phản đối, tôi cố gắng nhận diện cảm xúc của con: “Mẹ biết con chưa muốn rời khỏi nhà hàng. Mẹ biết con không thích.” Nhưng con quá giận dữ và khó chịu khiến tôi không thể thay bỉm cho con được. Tôi thử dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Tôi nắm chặt tay thành nắm đấm và đấm vào không khí, nói những điều tôi cho rằng đang hiện ra trong đầu bé: “Con ghét. Con ghét. CON GHÉT LẮM! CON GHÉT LẮM! Con GHÉT phải cởi quần ở đây. LẠNH lắm! Con ghét. CON GHÉT! Con giận, GIẬN LẮM!” Tôi không gào lên, nhưng tôi muốn con hiểu rằng tôi biết con muốn nói gì.
Thế rồi điều kỳ diệu nhất đã xảy ra. Con đột nhiên ngẩng lên nhìn tôi với cái nhìn nửa vui nửa tinh nghịch rồi bắt đầu chơi với những hình treo trên trần. (Tôi đã cố gắng khiến con để tâm vào chúng trước đó nhưng không được). Khi tôi dọn bỉm bẩn của con và giúp con mặc bỉm mới, tôi vẫn giữ cách nói cường điệu để mô phỏng cảm xúc thực của con. Con tỏ ra vui vẻ, sau đó tôi hát một bài và đưa con quay trở lại nhà hàng – với cảm giác như mình là một bà mẹ tuyệt vời!
“Nhưng thưa bác sĩ Karp, trông tôi giống như kẻ điên vậy!”
Todd và Birgitte là bố mẹ của bé Oona – 2 tuổi. Họ rất dịu dàng và luôn chứa chan tình yêu thương dành cho bé. Họ sẽ sống ở Đan Mạch một thời gian. Sau vài tháng hướng dẫn họ sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, tôi đã hỏi Todd xem liệu vợ chồng họ đã có dịp nào sử dụng phương pháp này hay chưa. Todd nói: “Ngôn ngữ của trẻ chập chững có vẻ hơi buồn cười với chúng tôi – giống như thể chúng tôi nổi giận với con bé vậy. Người Đan Mạch không thích ‘vượt quá giới hạn’ như vậy.”
Dù bạn đang sống ở đâu chăng nữa, mong bạn đừng ngạc nhiên nếu bạn cảm thấy hơi khó chịu một chút – được rồi, hơi kỳ quặc một chút thì đúng hơn – khi bạn bắt đầu áp dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Lúc đầu, hầu hết các bậc cha mẹ đều ngần ngại khi sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững trước mặt những người khác. “Thực sự rất ngượng!” – họ nói với tôi như vậy. “Làm như thế có vẻ không được tự nhiên cho lắm!” (Một vài người thậm chí còn cảm thấy ngượng ngùng ngay cả khi họ thực hành ngôn ngữ đó một mình trong nhà tắm – mặc dù luyện tập trước gương là một cách tuyệt vời để kỹ năng của bạn thêm tiến bộ).
Như tôi đã giải thích với Todd và Birgitte, nói chuyện thật bình tĩnh là cách tiếp cận tốt đối với những trẻ chập những có tâm tính hiền lành, dễ chịu. Nhưng mô phỏng mức độ căng thẳng trong cảm xúc của trẻ là biện pháp cần thiết để giúp một đứa trẻ đang buồn bực cảm thấy được lắng nghe và tôn trọng. Hầu hết các bậc phụ huynh đều cảm thấy việc vỗ tay và tán thưởng để mô phỏng niềm vui của trẻ khiến họ thấy khá thoải mái. Phản ứng sôi nổi đó khiến trẻ hiểu rằng bạn đang cổ vũ và tán đồng cảm xúc của trẻ. Tương tự như vậy, mô phỏng những cảm xúc tiêu cực của trẻ cũng giúp bạn truyền tải thông điệp tới trẻ, rằng bạn yêu trẻ ngay cả khi trẻ đang cáu giận.
Ngoài việc cảm thấy ngượng ngùng, các phụ huynh còn gặp một số vấn đề phổ biến sau đây khi áp dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững:
▪ Tôi có cảm giác như tôi đang trêu chọc con. Mục đích của việc dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững là để thể hiện tình yêu và sự tôn trọng. Trước đây, có thể bạn đã thấy ai đó bắt chước hành động của người khác để chế nhạo hoặc biến người đó thành trò cười, nhưng trong trường hợp này, việc bắt chước được dùng với mục đích hoàn toàn ngược lại. Đó là cách tốt nhất, chính xác và thông minh nhất để nắm bắt cảm xúc của đứa trẻ đang cư xử thiếu văn minh của bạn, để trẻ biết rằng bạn đã thực sự hiểu những gì trẻ đang “nói” với bạn.
▪ Trông giống như tôi đang cổ vũ cho một hành vi xấu ấy. Mô phỏng thông điệp của trẻ không đồng nghĩa với việc cho phép trẻ có hành vi xấu mà chỉ đơn thuần để giúp trẻ biết rằng bạn hiểu trẻ đang có những cảm xúc mãnh liệt về một vấn đề nào đó. Điều này giúp trẻ thấy sự khác biệt quan trọng giữa cảm xúc và hành vi. Nó dạy cho trẻ biết rằng trẻ được phép tức giận. (Việc kìm nén cảm xúc sẽ dẫn tới sự cô đơn, căng thẳng và càng nhiều cơn ăn vạ!) Đồng thời, việc này cũng giúp trẻ hiểu những hành động khi trẻ tức giận như đánh, cắn, cào cấu, nói những lời gây tổn thương là hoàn toàn không được phép, bất kể trẻ có tức giận đến mức nào. (Xem thêm tại Chương 11).
▪ Điều gì xảy ra nếu như tôi không đồng tình với những cảm xúc của trẻ? Việc bạn hiểu cách nhìn của con không có nghĩa là bạn đồng ý với điều đó. Ngôn ngữ của trẻ chập chững chỉ đơn thuần giúp trẻ biết rằng bạn hiểu và tôn trọng quyền tự do thể hiện cảm xúc của trẻ. Sau khi trẻ đã bình tĩnh, bạn có thể có thái độ nghiêm khắc hoặc đưa ra những giới hạn mà bạn nghĩ là phù hợp. Nhưng chỉ sau khi trẻ đã thực sự trấn tĩnh và có thể lắng nghe bạn mới nên giải thích với trẻ tại sao bạn lại có quan điểm khác trong tình huống ấy.
▪ Đây cứ như là cách nói của trẻ sơ sinh ấy – giống như tôi đang trở thành em bé như con tôi vậy. Đúng là cách nói này có vẻ trẻ con – nhưng này, con bạn chính là trẻ con mà! Và khi trẻ giận dữ thì thậm chí trẻ còn trở nên “trẻ con” hơn rất nhiều. Bạn có thể chọn cách nói chuyện phù hợp sau khi cơn ăn vạ qua đi và chính những hành động của trẻ sẽ chỉ cho bạn bắt đầu trò chuyện theo cách thích hợp.
▪ Nói bằng ngôn ngữ như vậy cả ngày sẽ rất mệt mỏi. Đương nhiên, không bậc cha mẹ nào có thể nói Ngôn ngữ của trẻ chập chững 24 giờ/7 ngày cả. Đây chỉ là biện pháp được dùng khi trẻ có những cảm xúc quá mãnh liệt (vui hoặc buồn). Thời gian đầu, việc áp dụng phương pháp này có thể khiến bạn phải nói hơi nhiều một chút, nhưng ngày qua ngày, bạn sẽ thực sự tiết kiệm được rất nhiều thời gian (cả nếp nhăn và tóc bạc nữa chứ).
▪ Đôi khi tôi không biết mình nên nói gì. Vậy thì đó là lúc bạn nên dùng đến Nguyên tắc Đồ ăn nhanh để giải cứu chính mình. Chắc chắn bạn sẽ không phạm phải sai lầm gì nếu bắt đầu bằng một việc rất đơn giản: nhắc lại những gì trẻ đang làm, đang cảm thấy hoặc đang nói. Đầu tiên, hãy nhắc lại lời trẻ, sau đó bạn có thể nói điều bạn muốn nói!
▪ Liệu tôn trọng quá mức có nên không? Có bao giờ vợ (chồng) bạn tỏ ra tôn trọng bạn quá mức chưa? Tôi nghi ngờ điều đó. Tôn trọng không có nghĩa là rụt rè hoặc nhượng bộ. Tôn trọng là dấu hiệu của tình yêu – và đó là điều tất cả mọi người đều mong muốn.
“Học ngôn ngữ của trẻ chập chững rất đơn giản. Khó khăn lớn nhất là vượt qua cảm giác ngượng ngùng của bản thân để đạt được kết quả mỹ mãn nhất. Trước đây, tôi chỉ dùng biện pháp này khi ở nhà, lúc không có ai bên cạnh. Nhưng bây giờ, ngay cả khi xung quanh có nhiều người, tôi vẫn sử dụng nó. Tôi hiểu rằng khi con khóc thì kiểu gì cũng sẽ có những người lạ nhìn chằm chằm vào chúng tôi, nên tôi cứ làm những điều có thể giúp được con mình thôi!
Tất nhiên, cũng có một số trường hợp ngoại lệ khi biện pháp này không hiệu quả (hầu như vào những lúc con quá mệt). Nhưng nhìn chung, Nguyên tắc Đồ ăn nhanh là một trong những lời khuyên hữu ích nhất mà tôi từng nhận được. Xin cảm ơn bác sĩ rất nhiều!”
– Mari, mẹ của Aidan và Nate
Bước tiếp theo của Nguyên tắc Đồ ăn nhanh: Bạn đã hiểu con nói gì – Bây giờ tới lượt bạn nói!
“Mọi thứ đều có nguyên do của nó.”
– Ecclesiastes 3:1
Bây giờ bạn đã có thể hiểu rằng, chúng ta không thể dạy bảo quá nhiều một đứa trẻ đang buồn bực. Cảm xúc mạnh và những bài học không thể cùng diễn ra, giống như dầu ăn không thể tan trong nước vậy. Đứa trẻ ngây thơ của bạn không có lôgic và lý luận tốt như người lớn, ngay cả khi chúng đang vui vẻ. Vì thế nên khi trẻ đang buồn bực, bạn không nên dạy bảo mà chỉ nên mô phỏng cảm xúc của trẻ mà thôi.
Tuy vậy, sau khi bạn đã áp dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để giúp trẻ thoát khỏi “vòng xoáy cảm xúc” ấy, trẻ sẽ có thể lắng nghe – một chút – những thông điệp của bạn về sự an ủi và lòng yêu thương. Tốt nhất, bạn nên để dành những bài học đó vào lúc sau, khi trẻ đã bình tĩnh và không còn cáu giận nữa. Khi ấy, một số biện pháp sau đây có thể rất hữu ích để giúp trẻ lấy lại cân bằng:
Dùng hành động. Hãy xem liệu trẻ có muốn bạn ôm, ru vỗ hay đơn giản là ngồi xuống im lặng bên cạnh trẻ hay không.
Cho trẻ một số lựa chọn. “Con có muốn uống một cốc nước táo thật đầy hay có muốn mẹ gãi lưng cho con theo kiểu ma thuật không?”
Dạy trẻ một số cách thể hiện cảm xúc. Hãy nói: “Cho mẹ xem khuôn mặt con lúc cáu giận nào!”, hoặc: “Con thử vẽ để thể hiện sự tức giận của con xem nào!”, hoặc “Lại đây, mẹ con mình cùng đấm vào những cái gối này đi!”
Dạy trẻ những từ dùng để diễn tả cảm xúc. Bạn có thể nói với trẻ rằng: “Ồ, con giận quá, máu con sôi lên rồi kìa!” hoặc “Con trông như thể đang sợ hãi ấy. Khi mẹ sợ, thỉnh thoảng mẹ cảm thấy bụng mẹ như thế này (nắm tay thành nắm đấm) và tim mẹ đập thình thịch như đánh trống ý.”
Để trẻ tưởng tượng ra những gì trẻ muốn. Đây là một trong những cách thú vị mà tôi áp dụng với trẻ chập chững. Hãy nói với trẻ rằng bạn ước bạn có thể cho trẻ tất cả những gì trẻ muốn và thêm nhiều nhiều nữa!
Tận dụng sức mạnh của những lời thì thầm. Thì thầm là một cách tuyệt vời, ngộ nghĩnh, giúp thay đổi chủ đề câu chuyện và hàn gắn hiệu quả với bé.
Khen ngợi khi bạn thấy trẻ ngoan ngoãn. Hãy khen ngợi từng cử chỉ hợp tác nhỏ mà bạn nhìn thấy trẻ thực hiện. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, bạn có thể nói, “Kìa... bóng... bóng... con bắt được bóng rồi, GIỎI LẮM! Con lăn bóng lại đây cho mẹ nào!” Với trẻ lớn hơn một chút, bạn có thể nói: “Con thật giỏi khi chịu nghe những gì mẹ nói. Thật khó chịu khi không được chạm [đồ vật] con nhỉ? Mẹ con mình đi tìm các bạn búp bê và xem các bạn ấy đã đói chưa nhé!”
Chia sẻ cảm xúc của bạn bằng cách dùng các câu có đại từ Bố/Mẹ - Con. Khi mọi chuyện đã có vẻ ổn, đến lượt bạn nói ra suy nghĩ của mình, có thể chia sẻ ngắn gọn cảm xúc của bạn bằng cách sử dụng những câu với đại từ “Bố/Mẹ - Con”. Ví dụ, bạn có thể thở dài, lắc đầu và nói: “Mẹ bảo ‘Không được!’ Khi con véo mẹ, mẹ giận, RẤT GIẬN.” Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được sự việc qua cách nhìn của bạn.
Câu chuyện của Patty: Chiến thắng khi dạy con
Việc nuôi dạy con theo kiểu “tiền sử” rất giống với trường hợp của vợ chồng tôi. Chúng tôi đã nhận ra sự thay đổi dần dần ở cô con gái 26 tháng tuổi của mình, từ vui vẻ trở thành “nguyên thủy”, thay vì những tiếng thì thầm đáng yêu, thỉnh thoảng bé lại kêu khóc “Con muốn tự làm!” hoặc đơn giản là nói “Không!”
Một hôm, khi tôi bảo với con là đã hết giờ tắm, bé trở nên vô cùng giận dữ. Bản thân tôi cũng thích được tắm nước ấm nên tôi hoàn toàn có thể hiểu. “Mẹ biết, mẹ biết. MẸ BIẾT!!!”, tôi nói như vậy và đập ngón tay vào vòi hoa sen. Tôi giữ vẻ mặt nghiêm túc nhưng vẫn rất yêu thương, mắt mở to và liên tục gật đầu, tôi nói: “Con muốn tắm! Con muốn tắm! Con MUỐN tắm! Con MUỐN tắm!!!”
Kira có phản ứng lại ngay lập tức. Bé ngừng khóc và nhìn tôi với ánh mắt đầy hy vọng. Tôi tiếp tục nói câu “Con muốn tắm!” thêm vài lần nữa rồi nói: “Con muốn ở đây, ở đây, Ở ĐÂY!!! Nhưng Khônggggg! Mẹ xin lỗi, con yêu, mẹ con mình phải ra ngoài thôi, ra ngoài, ra ngoài và mặc quần áo! Bạn búp bê của con đang đợi một bữa sáng thật ngon lành rồi đấy!” Sau khi giả vờ khóc thêm một lần nữa, bé để tôi vừa lau khô người và mặc quần áo cho bé vừa nói về những điều thú vị chúng tôi có thể làm trong ngày hôm đó.
Khi tôi mặc quần áo cho Kira, bé hét to: “Không! Con tự mặc cơ!” Tôi nghĩ ngay đến việc dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Tôi nói: “Được rồi! Con tự! Con tự! Con tự!!! Con muốn tự mặc đúng không?”. Kira cười rất tươi, rõ ràng con bé đã cảm thấy dễ chịu, bé nói: “Vâng!”. Trong lúc con cố gắng mặc áo, con không hề phản đối khi tôi giúp bé mặc quần và đi tất. Tôi thực sự cảm thấy là mình đã làm rất tốt.
Khi dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, tôi cảm thấy mình đã nhận được một món quà bất ngờ: tôi thực sự đã gần con hơn. Giờ đây, khi Kira đòi hỏi tôi với một yêu cầu không khả thi, sự đồng cảm kiểu “nguyên thủy” của tôi thường giúp bé hiểu được tình yêu thương của tôi và chúng tôi đã có những giờ phút gắn kết với nhau thật đặc biệt!