“Mật ngọt chết ruồi.”
– Ngạn ngữ cổ
Những nội dung chính
Sáu phương pháp hiệu quả để nuôi dưỡng trẻ và khiến trẻ hợp tác:
▪ Tôn trọng: Chia sẻ sức mạnh của việc nuôi dưỡng trẻ bằng tình yêu thương (Hãy thử: Giúp trẻ giữ thể diện).
▪ Khen ngợi: Ôm con bằng lời nói (Hãy thử: Những lời khen ngợi thật lòng).
▪ Tin nhắn “cửa ngách”: Tìm ra con đường bí mật đi vào tâm trí con (Hãy thử: tán gẫu, kể chuyện cổ tích và tâm lý đảo ngược).
▪ Tự tin: Tặng con những món quà sẽ tiếp tục được nhân lên. (Hãy thử: Những yếu tố tạo dựng điểm mạnh cho con).
▪ Kiên nhẫn: Dần dần hướng con tới văn minh (Hãy thử: các bước đi chậm và chắc).
▪ Phần thưởng: Tra dầu cho “bánh xe hợp tác” (Hãy thử: Đánh dấu tích bàn tay và bảng tổng kết sao).
Những công cụ cần thiết để có một mối quan hệ tràn ngập tình yêu
Giờ đây, khi đã có thể dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, bạn đã sẵn sàng để trở thành một vị đại sứ hoàn hảo đối với “người bạn tiền sử” của mình. Cũng giống như những nhà ngoại giao khéo léo khác, đôi lúc bạn cần phải cứng rắn. Nhưng may mắn là bạn sẽ dành phần lớn thời gian để duy trì mối quan hệ với trẻ và khuyến khích sự hợp tác từ phía trẻ.
Có sáu “công cụ” cơ bản để giúp công việc làm cha mẹ/đại sứ của bạn trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Những công cụ này sẽ giúp bạn tránh được những cơn giận bùng nổ, tăng thêm sự tự tin và giúp bạn có được sự gắn kết với trẻ mà bất cứ bậc cha mẹ nào khác cũng sẽ đều mong muốn học hỏi.
Sáu công cụ đó là:
▪ Thể hiện sự tôn trọng. Đó là điều thứ hai trẻ muốn có được sau tình yêu thương của bạn.
▪ Khen ngợi trẻ. Lời khen ngợi sẽ nhẹ nhàng hướng trẻ tới những hành vi tốt đẹp.
▪ Nói chuyện qua “cửa ngách bí mật” của tâm trí trẻ. Trẻ chập chững không thích bị “lên lớp” nhưng chúng rất chú ý đến những gì chúng “nghe lỏm” được.
▪ Tăng sự tự tin. Cùng trẻ chơi những trò chơi giúp hình thành sự tự tin.
▪ Khuyến khích trẻ kiên nhẫn. Dạy trẻ cách chờ đợi – từng chút một.
▪ Tặng thưởng. Trong nhiều trường hợp, đây chính là yếu tố giúp “bánh xe hợp tác” hoạt động trơn tru.
Sau đây, tôi sẽ chỉ cho bạn thấy những công cụ ngoại giao này giúp bồi đắp tình yêu thương và sự hợp tác giữa bạn và đứa trẻ “tiền sử” của bạn như thế nào cũng như làm sao để bạn có thể trở thành “vị đại sứ” tuyệt vời nhất trong khu phố!
Tôn trọng: Sức mạnh của việc chăm sóc và yêu thương
“Tất cả những gì tôi cần là một chút tôn trọng.”
– Otis Redding
Một số cha mẹ coi sự tôn trọng là một khái niệm hiện đại, một quan niệm có tính “tưởng tượng”, nhưng thực ra, đây là quan điểm đã có từ rất lâu đời. Sự tôn trọng chính là chất keo gắn kết để tạo nên một mối quan hệ bền vững. Sự tôn trọng không chỉ quan trọng – nó còn là điều kiện tiên quyết. Đối với trẻ, sự tôn trọng giúp trẻ hiểu rằng: “Con rất có ý nghĩa với bố/mẹ. Con rất quan trọng.” Trên thực tế, từ thời cổ đại cho đến nay, sự thiếu tôn trọng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các cuộc chiến tranh và nổi loạn.
Tình yêu và sự tôn trọng có phải là một?
Không. Tình yêu cực kỳ quan trọng. Nhưng ngay cả những tình yêu vĩ đại nhất cũng có thể bị hủy diệt nếu con người đối xử với nhau bất cẩn và thiếu tôn trọng.
Vậy tôn trọng trẻ chập chững là như thế nào? Để trẻ làm bất cứ điều gì trẻ muốn chăng? Hay để trẻ có tiếng nói bình đẳng trong gia đình? Tất nhiên không phải thế. Tôn trọng trẻ nghĩa là quan tâm đến trẻ với sự sáng suốt, trân trọng những ý kiến của trẻ và đáp ứng những yêu cầu của trẻ nếu yêu cầu ấy chính đáng.
Như tôi đã nói ở trên, trẻ có thể sống khá vui vẻ mà không cần phải có được hầu hết những thứ trẻ đòi hỏi, nhưng nếu thiếu tình yêu và sự tôn trọng của cha mẹ, trẻ sẽ không thể hạnh phúc được.
Thể hiện sự tôn trọng bằng cách nào?
Dưới đây là một vài cách bạn có thể thực hiện để thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đối với trẻ chập chững – hoặc đối với tất cả mọi người:
Thể hiện sự quan tâm của bạn bằng hành động:
▪ Cười, gật đầu, thực hiện giao tiếp bằng mắt, sau đó nhìn xuống vài giây.
▪ Ngồi xuống, quỳ gối hoặc dựa vào đâu đó sao cho mặt bạn ở dưới tầm nhìn của trẻ một chút.
▪ Cúi người về phía trước, hướng mặt vào trẻ.
▪ Lắng nghe với sự quan tâm và không ngắt lời trẻ.
Thể hiện sự quan tâm của bạn bằng lời nói:
▪ Kịp thời phản hồi lại với trẻ.
▪ Nhắc lại lời trẻ. (Xem Nguyên tắc Đồ ăn nhanh trong Chương 8).
▪ Hỏi xem trẻ có cần lời khuyên hay không. Bạn cần làm điều này ngay cả khi trẻ thuộc nhóm trẻ chập chững nhỏ tuổi nhất. Có thể trẻ không hiểu hết những điều bạn nói nhưng trẻ sẽ cảm nhận được sự tôn trọng qua giọng nói của bạn.
Hãy thử: Giữ thể diện – lối thoát khôn ngoan
Giữ thể diện là một cách diễn đạt cũ có nghĩa là hãy duy trì phẩm giá cho người khác. Nó giống như việc ngày nay, chúng ta đưa ra lời cảnh báo không làm đối thủ xấu hổ bằng cách nhắc lại những sai lầm trong quá khứ của họ.
Những nhà đại sứ tài ba nhất luôn muốn giúp đối thủ của mình giữ được thể diện. Điều đó khiến cho những kẻ cạnh tranh trong quá khứ có thể trở thành đối tác trong tương lai (đó chính xác là những gì chúng ta mong muốn!). Trong “cuộc chiến” với trẻ, bạn sẽ giành chiến thắng trong hầu hết các tình huống, vì thế ít nhất bạn hãy để trẻ được “thua” trong vui vẻ. Hãy để trẻ thấy sự khoan dung của bạn. Làm trẻ xấu hổ hoặc mất đi phẩm giá chỉ để lại những vết sẹo trong tâm hồn bé và nuôi dưỡng mong muốn được trả thù trong trẻ.
Dưới đây là một số cách giúp trẻ chập chững thoát khỏi tâm trạng ủ dột mà không làm tổn thương lòng tự trọng của bé:
▪ Áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh. Lắng nghe với sự quan tâm và nhắc lại bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững.
▪ Đưa ra cho trẻ các lựa chọn. Trẻ từ 2 tuổi trở lên cảm thấy được tôn trọng nếu các bé được cho các lựa chọn để tự quyết định. Ví dụ như khi trẻ khóc, bạn có thể nói: “Hillary bảo: ‘Mẹ ơi… mẹ ơi… nghe này, nghe này… Mẹ nghe này!’ Mẹ biết con muốn mẹ nghe con nói, con yêu ạ. Thế nên con có thể chọn, nói như con vẫn nói bình thường hoặc khóc như em bé. Nhưng mẹ sẽ không nghe những tiếng mè nheo không hay ấy đâu.”
▪ Để trẻ thắng trong những “trận chiến” nhỏ, như vậy trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận việc bạn thắng. Chúng ta luôn sẵn lòng “có thắng có thua” nhưng không một người kiêu hãnh nào muốn mình luôn là người thua cuộc cả. Nếu bạn để trẻ thỉnh thoảng được thắng trong một vài “trận chiến nhỏ” (do bạn lựa chọn), trẻ sẽ dễ dàng chấp nhận rằng trong một số trường hợp bạn là người thắng cuộc.
▪ Đáp ứng phần nào yêu cầu của trẻ. Đề xuất một thỏa hiệp hợp lý không đồng nghĩa với việc bạn yếu đuối. Việc này khiến trẻ hiểu rằng bạn trân trọng những mong muốn của trẻ như mong muốn của chính bạn. Một số trẻ ưa thích cạnh tranh thường sẽ muốn bạn đáp ứng nhiều hơn là một phần của thỏa thuận.
▪ Đừng chế nhạo hay chỉ trích. Điều tồi tệ nhất bạn có thể làm khi trẻ đang mè nheo là chế nhạo trẻ. Điều đó không chỉ khiến trẻ mất tự tin mà còn làm trẻ đổi ý và càng trở nên bướng bỉnh.
▪ Có tư duy đôi bên cùng thắng. Chỉ bởi vì bạn có thể chiến thắng dễ dàng không có nghĩa là lúc nào bạn cũng nên thắng. Bạn có thể dễ dàng lấn át trẻ trong hầu hết các trường hợp nhưng đó chưa phải là chiến thắng thực sự mà bạn mong muốn. Mục tiêu của bạn là xây dựng mối quan hệ dựa trên sự yêu thương và tôn trọng lẫn nhau – một mối quan hệ sẽ tồn tại suốt đời, vượt qua mọi căng thẳng và mâu thuẫn. Vì thế ngay cả khi bạn không đồng tình với những điều trẻ muốn, hãy cố gắng hiểu mọi việc theo cách nhìn của trẻ và tìm cách sao cho cuối cùng cả hai đều là người chiến thắng.
Sự tôn trọng: Những câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Tôi phải làm gì nếu con từ chối ngồi ghế trẻ em trong xe ô tô? Có cách nào khiến con chịu ngồi mà vẫn cảm thấy được tôn trọng không?
Đôi khi, vì lý do an toàn, bạn phải áp dụng chiến thuật “vừa đấm vừa xoa”. Tuy nhiên, ngay cả khi bạn bắt buộc trẻ phải làm điều gì đó, bạn cũng nên làm điều đó với sự tôn trọng. Khi đặt trẻ vào ghế trẻ em trên xe, nếu bé khóc lóc không chịu, bạn hãy dùng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh: “Con nói: ‘Không, không, KHÔNG!’ Con nói: ‘Không vào xe đâu bố. Không, KHÔNG!’” Bạn hãy khoát tay và lắc đầu nghiêm túc. Sau đó nói: “Con không thích, con không thích! Con bảo: ‘Không, không, KHÔNG!!!’ Bố xin lỗi, nhưng bố sẽ phải đặt con vào ghế.” (Lúc này, hãy bỏ qua những bài giảng về an toàn trên đường cao tốc.) “Con cứ tiếp tục kêu, và sau đó, bố sẽ bật những bài hát của con lên cho con nghe.”
Tôi vẫn không hiểu thế nào là “để con thắng vài lần và thỉnh thoảng con sẽ để bạn thắng”?
Ngay cả những trẻ chập chững nhỏ tuổi nhất cũng có bản năng thấu hiểu quy luật cho và nhận. Bạn cười, trẻ sẽ cười lại với bạn. Điều này cũng đúng khi giải quyết vấn đề tranh giành quyền lực (với trẻ). Bạn có thể giúp trẻ tránh được “thái độ tiêu cực” nếu bạn để trẻ thắng một vài lần.
Ví dụ, khi tôi khám cho một bé 18 tháng tuổi đang lo lắng, tôi thường lấy khoảng năm sáu món đồ chơi tẻ nhạt ra khỏi túi và đưa cho bé lần lượt từng thứ một. Hầu hết các bé đều từ chối. Và mỗi khi bé từ chối một món đồ, tôi sẽ dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để nói: “Không, không, KHÔNG! Cháu nói: ‘Không, không, KHÔNG! Ném cái đó đi NGAY. Cháu không thích bác!’” Sau đó, tôi ném món đồ chơi xuống bàn, mô phỏng sự khinh khỉnh của bé. Cuối cùng, tôi đưa ra một món đồ chơi thật hấp dẫn. Nếu bé muốn có nó (hầu hết là như vậy), tôi vẫn nói: “Không, KHÔNG! Cháu thích cái này, nhưng bây giờ, cháu không thích bác!” Như vậy bé sẽ hiểu rằng tôi sẽ không coi việc bé có được món đồ chơi bé thích là điều đương nhiên. Đó chính là dấu hiệu cho thấy tôi có thể bắt đầu buổi khám và hy vọng bé sẽ hợp tác một chút với mình.
Nếu bé tỏ ra thiếu tôn trọng và đánh lại tôi? Tôi có nên phát vào mông bé không?
Làm như vậy giống như suy nghĩ rằng bạn có thể cắn một bé 15 tháng tuổi vì bé cắn bạn. Bạn là đại sứ, là một người lớn trưởng thành. Bạn cần đoán được ra là trẻ sẽ vô lý và hoang dã như thế chứ. Có lẽ đó là điều tốt nhất trẻ có thể làm. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm tốt hơn.
Phát vào mông trẻ sẽ giúp bạn trở thành người chiến thắng ngắn hạn nhưng sẽ gieo mầm cho nhiều vấn đề dài hạn. (Xem Chương 11 về những lý do bạn không nên đánh đòn trẻ.)
Khen ngợi: Hãy ôm con bằng lời nói
“Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt và những lời ngợi khen.”
– Charles và Mary Lamb
Khi mọi người cười với bạn và khéo léo khen ngợi gu thẩm mỹ của bạn thì bất kể chiếc áo sơ mi bạn đang mặc trông như thế nào, bạn cũng sẽ muốn mặc nó thêm lần nữa. Loài người là những động vật xã hội. Bộ não của chúng ta (cũng như của trẻ chập chững) khiến chúng ta muốn lặp lại những điều làm ta được khen ngợi. Đó là lý do tại sao khen ngợi những cố gắng của trẻ – “nắm bắt những khoảnh khắc trẻ làm điều tốt” – lại rất hiệu quả trong việc hạn chế những vấn đề rắc rối.
Hãy thử: Những lời khen ngợi thật lòng
Sau đây là ba cách bạn có thể dùng để giúp trẻ thêm tự tin và có tinh thần tốt:
1. Để trẻ được cân bằng giữa những lời khen “nhỏ” và “lớn”
Những lời khen cũng bổ dưỡng như thức ăn, thế nên việc bạn muốn cho trẻ “ăn” nhiều hơn loại thực phẩm đặc biệt này là điều hoàn toàn tự nhiên. Nhưng nếu lạm dụng những lời khen với từ ngữ tuyệt đối (“Con là em bé tuyệt vời nhất trên thế giới!”) thì điều đó cũng giống như việc bạn đang cho trẻ ăn quá nhiều bánh rán ngọt – quá ngậy! Hãy nghĩ về những lời khen như một món thịt hầm bổ dưỡng, ngon miệng, với thành phần chủ yếu là mì dẹt, một chút phô-mai để có hương thơm và một chút gia vị để hoàn thiện. Lời khen cũng giống như vậy. Những lời ngợi khen của bạn nên là sự kết hợp của sự chú ý, những nụ cười dịu dàng, những lời khen với từ ngữ nhẹ nhàng, những mô tả ngắn gọn về việc trẻ làm; một chút những lời khen với từ ngữ mô tả giàu cảm xúc hơn, gây ấn tượng mạnh hơn; và thỉnh thoảng bạn cũng có thể dành cho trẻ những lời khen với từ ngữ tuyệt đối để hoàn thiện nghệ thuật khen ngợi của mình.
Một ví dụ hoàn hảo về những lời khen ngợi đầu tiên dành cho một đứa trẻ 24 tháng tuổi chỉ đơn giản là bạn ngồi xuống, có vẻ mặt quan tâm và mô tả đơn giản hành vi của trẻ: “Ồ, con đẩy xe tải! Rầm! Con đẩy xe trúng vào bạn gấu bông rồi!” Sau đó hãy dành cho trẻ một lời khen ngợi vì đã rất giỏi khi tự nghĩ ra một trò để tiêu khiển. Tiếp theo, bạn hãy tiếp tục công việc của mình trong khi trẻ tiếp tục vui vẻ với những khám phá của bé.
Ghi nhớ: Một ngoại lệ với lời khuyên của tôi dành cho các lời khen với từ ngữ giàu cảm xúc đó là trẻ dưới 2 tuổi, với các trẻ này, bạn chỉ nên khen trẻ với từ ngữ vừa phải mà thôi. Cảm xúc của những cô cậu nhỏ xíu này với mọi thứ xung quanh luôn cực kỳ mãnh liệt, vì thế bạn nên dành cho trẻ toàn bộ sự chú ý của bạn, nói những lời khen ngợi với từ ngữ không cần quá mãnh liệt nhưng cần đi kèm với những tiếng vỗ tay và lời cổ vũ.
2. Khen ngợi hành vi của trẻ chứ không phải bản thân đứa trẻ
Khi làm bánh, bạn muốn được nghe lời nhận xét nào trong hai câu sau: “Ồ, bạn nấu ăn giỏi quá!” hay “Ôi, bánh ngon quá đi mất!” Cả hai câu nghe đều rất tuyệt, nhưng câu thứ hai nghe thật lòng hơn. Chúng ta đều biết rằng việc bạn làm được một chiếc bánh ngon cũng không có nghĩa bạn nấu ăn giỏi. Có thể bạn cho rằng tôi khó tính, nhưng thường thì khen ngợi hành động thực tế hợp lý hơn việc khen ngợi bản thân người thực hiện hành động đó. Câu khen “Con đúng là một trợ thủ đắc lực đấy!” có thể đúng vào lúc đó nhưng sẽ hoàn toàn không còn chính xác nữa khi con bạn từ chối giúp đỡ bạn vào một lúc khác. Hơn nữa, nói “Việc con lau vũng nước đó đi thật sự giúp mẹ rất nhiều” luôn đúng – nó giúp trẻ hiểu bạn muốn trẻ thực hiện hành vi nào nhiều hơn và cũng gia tăng cảm nhận tích cực về bản thân của trẻ. Đừng phá hỏng lời khen của bạn.
Một số bậc cha mẹ khen ngợi con và ngay sau đó lại khiến lời khen trở nên vô nghĩa. Họ nói, “Giỏi lắm! Con đã ăn hết chỗ đậu ấy… Nhưng tại sao con lại ăn lâu thế?” Bạn hãy nhớ rằng, những lời khen ngợi cũng giống như một món ăn. Đừng đưa món ấy cho trẻ nếu bạn lấy lại ngay khi trẻ còn đang thưởng thức. Những bậc cha mẹ “hủy hoại” lời khen như vậy khiến trẻ không còn cảm nhận được ý nghĩa và niềm vui khi được khen, đồng thời, điều đó cũng khiến trẻ dần dần mất niềm tin vào những lời khen ngợi dành cho mình.
3. Khen ngợi tùy theo tuổi và tùy theo giai đoạn
Bạn có thể căn cứ vào từng giai đoạn phát triển của trẻ để đưa ra những lời khen ngợi hợp lý.
▪ Trẻ tinh tinh đáng yêu và trẻ Nê-ăng-đéc-tan cao đến đầu gối (12 đến 24 tháng tuổi) lúc nào cũng coi mình là trung tâm của vũ trụ. Chúng bày trò nghịch ngợm, rồi liếc mắt nghiêng đầu xem chúng ta có để ý không, như thể chúng muốn thông báo một cách đầy tự hào: “Nhìn xem này! Xem con làm được gì này! Hay quá đúng không?!” Những đứa trẻ tiền sử lúc nào cũng nhộn nhạo ấy thích những lời khen ngợi nhiệt thành thể hiện qua những tràng vỗ tay hay những trận cười giòn giã. (Rất nhiều trẻ – ví dụ như Alex 18 tháng tuổi – thậm chí còn tự vỗ tay cổ vũ mình khi chúng làm được điều gì khiến bản thân chúng thấy tự hào.) Đừng dùng quá nhiều từ ngữ khi nói với trẻ. Những lời khen ngợi của bạn nên ngắn gọn và ngọt ngào nhưng phải đi kèm với thật nhiều những cử chỉ yêu thương, với những biểu cảm rõ ràng trên khuôn mặt và một giọng nói hạnh phúc, vui vẻ.
▪ Trẻ Thượng cổ tinh khôn (từ 24 đến 36 tháng) thích được hoan hô cổ vũ nhưng tốt nhất là hãy khen ngợi bé có chừng mực thôi. Khi những lời khen nhiệt tình quá mức, trẻ nhanh chóng coi đó là điều hiển nhiên. Hãy dịu dàng quan sát trẻ, mỉm cười, gật đầu đồng tình và nói: “Chà… mẹ thích con làm thế đấy!” – như vậy thôi là đủ để bé thấy hài lòng. Để vui hơn, thỉnh thoảng bạn có thể thì thầm những lời khen ngợi. Sau 2 tuổi, trẻ hiểu rằng những thay đổi trong giọng nói thể hiện tầm quan trọng của những điều bạn nói.
▪ Trẻ “làng xã” tháo vát, khéo léo (từ 36 đến 48 tháng) quan tâm nhiều hơn đến phản ứng và những cảm xúc của bạn. Trẻ sẽ muốn nghe những câu như “Cảm ơn con vì đã mang giúp mẹ cái hộp nặng đó. Con đã giúp mẹ rất nhiều!” Khoảng 3 tuổi, trẻ bắt đầu so sánh mọi thứ và lúc đó trẻ sẽ thích thú hơn nếu được nghe những câu như: “Con làm việc này siêu nhanh ấy! Nhanh như một chú hổ vậy!” Nhưng nếu bạn liên tục nói với trẻ rằng “Con là cô bé chạy nhanh nhất trên thế giới!” thì lời khen ngợi của bạn sẽ sớm trở nên không thật – ngay cả với một đứa trẻ chập chững.
Những cách khen ngợi không cần thể hiện bằng lời nói
Sau đây là 12 cách bạn có thể dùng để khen ngợi con mà không cần phải nói một lời nào:
▪ Im lặng quan sát – với sự thích thú
▪ Mỉm cười
▪ Gật đầu
▪ Ôm lấy con
▪ Xoa đầu con
▪ Vỗ lưng con
▪ Nhướn mày thể hiện sự ngạc nhiên thích thú
▪ Giơ ngón tay cái thể hiện sự đồng tình
▪ Nói “Ồ”, “Ái chà” và “Đúng rồi”
▪ Nháy mắt
▪ Bắt tay hoặc đập tay
▪ Dán tranh vẽ của con lên tường
Khen ngợi: Những câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Tôi phải làm gì nếu đứa con 2 tuổi của tôi toàn nghịch ngợm nên tôi chẳng thể khen cháu được?
Những lời khen ngợi của bạn không chỉ là phần thưởng vì trẻ đã có những hành vi tốt mà còn là công cụ hữu hiệu để khuyến khích trẻ làm nhiều hơn những việc bạn tán thành. Sau đây là cách giúp bạn có thể tìm ra những điểm tốt xứng đáng được ngợi khen ở trẻ.
Hãy nghĩ ra một mục tiêu mà trẻ có thể đạt được, ví dụ như không tranh giành với em gái của bé. Bạn có thể chia thành nhiều bước nhỏ mà trẻ cần hoàn thành để đạt được mục tiêu cuối cùng: (1) không gây ầm ĩ khi chơi; (2) tự tạo hứng thú; (3) chia sẻ nhiều hơn; và (4) thể hiện bằng lời mỗi khi trẻ tức giận.
Sau đó bạn nên lùi một bước, trở lại với vai trò đại sứ và cố gắng “bắt được” những thành công của trẻ trên nhưng bước nhỏ nhất này ngay khi bạn thấy trẻ đã giữ yên lặng khi chơi, hãy thưởng cho trẻ bằng cách hoàn toàn chú ý đến trẻ trong nửa phút. Nếu trẻ bắt đầu cãi cọ, bạn nên vào ngay, thể hiện rõ sự phật ý trên khuôn mặt và nói: “Chà chà!!! Không được! Không được đánh nhau!... Không được đánh nhau!!” Sau đó, hãy lờ trẻ đi một lúc. Ngay sau khi trẻ đã yên lặng, bạn cũng nên quay lại và chú ý đến trẻ hơn so với lúc nãy. Hãy thỉnh thoảng chú ý đến trẻ một chút như vậy trong khoảng một giờ đồng hồ và bạn sẽ nhanh chóng thấy được sự thay đổi. Khi trẻ đã thực hiện tốt những bước đầu tiên, bạn có thể bớt chú ý đến trẻ và tập trung vào những mục tiêu nhỏ tiếp theo mà bạn đã đặt ra (trong ví dụ này là bước (2) tự tạo hứng thú).
Liệu khen ngợi có bù đắp được tất cả những lời chỉ trích tôi đã lỡ nói ra khi giận dữ hay không?
Có thể, nhưng bạn sẽ cần rất rất nhiều lời khen ngợi để bù đắp cho những lời nặng nề bạn đã nói. Nếu như những lời khen ngợi nuôi dưỡng trẻ thì những chỉ trích khiến trẻ tổn thương nặng nề. Theo Luật về Lời khen của Karp thì: Năm câu khen mới có thể giúp xóa bỏ một câu chỉ trích. Tuy nhiên, bạn cũng không cần phải cố gắng bù đắp bằng việc khen ngợi quá mức. Sau khi bị chỉ trích, lời khen ngợi duy nhất có ý nghĩa với trẻ chính là những nhận xét tràn đầy yêu thương về những điều nhỏ nhặt trẻ đã cố gắng làm được.
Những thông điệp “cửa ngách”: Con đường bí mật để bạn bước vào tâm trí trẻ
“Bạn sẽ không bao giờ biết rằng con người dễ tiếp cận như thế nào cho đến khi bạn cố gắng tìm đến họ; nhưng với mỗi người, bạn sẽ cần một lối đi riêng.”
– Henry Warrd Beecher
Đây là một sự thật lạ lùng về bản chất con người: Chúng ta tin vào những thứ chúng ta “nghe lỏm” được hơn là những thứ chúng ta được nghe trực tiếp! Ví dụ, nếu một người bạn của bạn nói: “Hôm nay trông cậu đẹp quá!” thì rất có thể bạn sẽ nghĩ rằng cô ấy chỉ khen bạn theo phép lịch sự. Tuy nhiên, nếu bạn vô tình nghe thấy cô ấy nói với một người khác rằng hôm nay trông bạn rất xinh đẹp, có lẽ bạn sẽ nghĩ đó là suy nghĩ chân thành của cô ấy. Ngay cả trẻ nhỏ (từ 18 tháng tuổi) cũng để ý nhiều hơn đến những gì chúng vô tình nghe thấy chúng ta nói hơn là những điều ta trực tiếp nói với chúng. Việc chúng ta tập trung vào những điều mình “nghe lỏm” được gợi cho tôi hình ảnh về cửa ngách của ngôi nhà nơi tôi lớn lên. Bố mẹ tôi khóa cửa chính nhưng lại luôn để mở cửa ngách cho trẻ con chạy ra chạy vào. Ừm, trên một phương diện nào đó, chúng ta cũng giống như ngôi nhà ấy. Chúng ta thường đứng gác tại “cửa chính”, bỏ qua những lời nhận xét thái quá hoặc không chân thành. Nhưng “cửa ngách” của chúng ta lại để ngỏ để chào đón những điều chúng ta vô tình nghe được.
Sau đây là ba cách đơn giản mà bạn có thể áp dụng để khuyến khích những hành vi tốt bằng việc truyền tải thông điệp qua con đường bí mật – cửa ngách dẫn tới tâm trí trẻ:
1. Tán gẫu – hãy cố ý nói những điều bạn muốn trẻ nghe thấy.
2. Kể chuyện cổ tích – hãy dùng những câu chuyện thần tiên để truyền tải thông điệp của bạn tới trẻ.
3. Sử dụng chiến thuật “tâm lý đảo ngược” – khuyến khích sự hợp tác bằng cách bảo đứa con bướng bỉnh của bạn làm những điều trái ngược với những việc bạn thực sự muốn trẻ làm.
Hãy thử: Tán gẫu (“Suỵt… này - này, gấu bông, để ta kể cho gấu nghe điều tuyệt vời mà Lauren đã làm hôm nay nhé!”)
Bạn có biết cách dùng những từ lóng để có thể nói chuyện thoải mái mà trẻ không thể hiểu ngay cả khi trẻ nghe thấy hay không? Tán gẫu là một khía cạnh khác của kỹ thuật này. Bạn có thể nói ra những ý kiến của mình bằng cách thầm thì để bé bị thu hút và chú tâm hơn vào chúng.
Điều thú vị là chúng ta càng cho rằng mình không nên nghe những lời nói đó thì ta càng muốn nghe và càng tin vào những gì nghe được. (Điều này đúng với cả trẻ chập chững và người lớn – thậm chí với cả các chính phủ!)
Vậy điều bạn cần làm là gì?
Nếu trẻ đang ở bên cạnh bạn, hãy nói thầm nhưng rõ ràng những lời khen ngợi dành cho trẻ với một người khác (vợ/chồng, một chú chim, gấu bông, bà nội/bà ngoại hoặc với một người tưởng tượng qua điện thoại). Đừng nhìn trẻ khi bạn nói những điều này. Tán gẫu chỉ có tác dụng nếu bạn tỏ vẻ như mình đang tiết lộ một bí mật mà bạn không muốn trẻ biết. Hãy bắt đầu bằng việc nói hơi to một chút để trẻ chú ý, nhưng ngay khi bạn biết trẻ đang im lặng để ghé tai nghe, hãy hạ thấp giọng và che miệng như thể bạn kể một bí mật cho một người khác. (Đối với những trẻ lớn hơn, bạn có thể cần thêm một mẹo đó là thầm thì một vài từ trong khi tán gẫu để có vẻ như là có một số đoạn bạn nói nhỏ đến nỗi bé không thể nghe rõ được. Điều này rất thú vị và khiến trẻ càng tưởng rằng chúng đang được nghe một bí mật quan trọng).
Vào một thời điểm nào đó sau đấy, hãy nhắc lại những lời khen, nhưng lần này bạn sẽ trực tiếp nói với trẻ. Trẻ sẽ nghĩ: Ồ, chắc là mẹ nói thật rồi. Mình đã được nghe rất nhiều từ trước rồi mà! Tán gẫu bắt đầu có hiệu quả đối với các bé từ 18 đến 24 tháng tuổi. Đó là thời điểm trẻ bắt đầu hiểu rằng người lớn thì thầm khi họ muốn nói về những chuyện quan trọng.
Tán gẫu theo tuổi và theo giai đoạn
Sau đây là một số cách giúp phương pháp tán gẫu đạt hiệu quả tốt nhất với trẻ chập chững:
▪ Khen ngợi những gì trẻ vừa làm. Hãy thầm thì với chú vẹt nuôi trong nhà: “Này! Suỵt! Này, ngài Vẹt! Selma đã ăn hết chỗ đậu rồi đấy. Rồi ta nói là: ‘Tốt lắm, ăn đậu, đậu tốt lắm, con ngoan.’ Này… ngài Vẹt, suỵt… Sau đó, Selma nói: ‘Con cảm ơn mẹ!’ Ta vui lắm khi bé nói: ‘Con cảm ơn mẹ!’ Ta thực sự rất vui!” Ngay cả đến khi bé được 2 tuổi, phương pháp chuyện gẫu này vẫn có tác dụng. Bé có thể không hiểu hết tất cả những điều bạn nói nhưng qua giọng nói của bạn, bé hiểu bạn trân trọng bé như thế nào!
▪ Dạy con những bài học cụ thể. Giả sử bé Helen 2 tuổi rất sợ chó. Thay vì nói với bé là “Đừng sợ, đó là một chú chó rất dễ thương”, bạn hãy để bé dường như vô tình nghe thấy bạn hướng dẫn gấu bông cách để lại gần chú chó ấy. “Teddy à! Helen rất sợ. Bé nói: ‘Về nhà thôi mẹ ơi!’ nhưng ta đã chỉ cho bé cách để trở nên dũng cảm. Ta nói: ‘Đi đi chó con, đừng nhỏ nhen như vậy! Phải cư xử tốt với các bé gái! Sau đó ta đã ôm Helen vì ta yêu bé vô cùng!!!”
▪ Giả vờ như bạn cần sự giúp đỡ. Bé Isabella thường phớt lờ khi mẹ đề nghị bé giúp đỡ. Bé vờ như không nghe thấy gì cả. Nhưng khi Joyce đi sang phòng bên và thầm thì (đủ lớn để bé nghe thấy) “Ôi, ước gì có ai đó giúp mình dọn dẹp hết đống đồ chơi này!” Và kết quả là Isabella đã nhanh chóng chạy vào giúp mẹ.
Tán gẫu và những người bạn tưởng tượng
Nhiều trẻ chập chững có những người bạn tưởng tượng – đó là một cách thú vị để có bạn bè vào bất cứ lúc nào, đồng thời cũng giúp trẻ luyện tập các kỹ năng giao tiếp xã hội. Bạn có thể nghe thấy trẻ nói ra rất nhiều suy nghĩ của mình khi nói chuyện với những người bạn tưởng tượng này: “Mẹ thật quá đáng! Mẹ bảo không được xem ti vi nữa!” Bằng cách tương tự như vậy, bạn có thể truyền thông điệp đến trẻ thông qua “cửa ngách” – bằng cách nói chuyện với những người bạn tưởng tượng của trẻ: “Zooker à, nếu con và Susie đi giày vào thật nhanh thì cả hai bạn sẽ được đi cùng mẹ tới cửa hàng nhé”. Hãy lưu ý rằng: Nhiều trẻ không muốn bạn nói chuyện với những người bạn tưởng tượng của chúng. Chúng cảnh báo: “Đó là BẠN CON. Mẹ không được nói chuyện với bạn ấy!”
Một hôm, Louise đưa cô con gái Turner 3 tuổi đến khám họng ở phòng khám của tôi. Cậu bé không khóc nhưng cũng không thèm để ý đến tôi. Thay vì gây sự với cậu để bắt cậu há miệng, tôi quyết định dùng chiến thuật chuyện gẫu. Tôi chồm người về phía trước và nói nhỏ nhưng rõ ràng với Louise: “Tôi rất vui khi Turner há miệng và cho tôi xem hàm răng to khỏe như răng sư tử của cậu bé.”
Khi nói, tôi hơi khum tay che miệng, giống như tôi đang kể chuyện gì bí mật. Tôi dịch tay một chút để Turner có thể thấy rõ cử động miệng của tôi và biết chính xác tôi đang nói gì. Mặc dù tôi không hề nhìn Turner nhưng như có phép thuật, khi tôi bật đèn khám vài giây sau đó, Turner đã ngay lập tức há miệng thật to.
Bạn cũng có thể dùng một vài món đồ chơi ưa thích của trẻ để làm “trợ thủ” trong những câu chuyện “cửa ngách” của mình. Keith – bố của bé Jack – thường gọi điện cho Chú thỏ Phép thuật để tìm lời khuyên. Anh nói: “Đợi đã, Jack, để bố hỏi Thỏ Phép thuật xem.” Sau đó anh sẽ quay lưng về phía con trai và thì thầm đủ để bé nghe thấy: “Xin chào Thỏ Phép thuật, làm ơn, làm ơn, LÀM ƠN hãy giúp tôi. Jack có nên rửa tay trước khi ăn không?” Sau đó Keith sẽ kề sát tai vào cái miệng bằng vải dạ của chú thỏ, lắng nghe “lời khuyên” với vẻ căng thẳng: “Sao cơ? Ngài nói sao? Ồ, chắc chắn rồi… Được rồi… Jack nên rửa tay trước đúng không?”
Jack quan sát, rất hứng thú với cuộc đối thoại, còn Keith gật đầu đồng tình và nói tiếp: “Nhưng Jack có thể rửa tay thật nhanh được không? Bé đang muốn ăn NGAY LẬP TỨC. Được rồi, được rồi, Thỏ Phép thuật. Tôi sẽ bảo với Jack. Cảm ơn ngài! Yêu ngài rất nhiều!” Sau đó Keith quay lại phía con trai và lặp lại những điều vừa nói: “Này Jack, bố vừa nói chuyện với Thỏ Phép thuật. Ngài ấy nói rất muốn trông thấy con rửa tay THẬT NHANH, sau đó đập tay thật mạnh với bố đấy!”
Phương pháp này cần thời gian để tập luyện nhưng nó sẽ giúp mọi việc trở nên nhẹ nhàng và lạc quan. Mẹo nhỏ của Keith khiến hai cha con tránh được những tranh cãi có thể kéo dài đến nửa giờ đồng hồ và khiến cả ngày hôm đó trở nên tồi tệ.
Hãy thử: Những câu chuyện cổ tích (“Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé…”)
Những câu chuyện cổ như Cô bé quàng khăn đỏ được kể lần đầu bên ngọn lửa trại từ thời xa xưa, không chỉ để khiến lũ trẻ vui thích mà còn nhằm dạy chúng những bài học quan trọng như không nói chuyện với “những con sói” mà chúng không quen. Sự phổ biến lâu dài của những câu chuyện cổ này là minh chứng cho hiệu quả mà nó mang lại. Giống như chuyện gẫu, chuyện thần tiên là cách dạy hiệu quả dành cho trẻ từ 2 tuổi trở lên thông qua “cửa ngách” của tâm trí trẻ.
Những câu chuyện nhỏ này giúp cả hai bán cầu não của bé cùng lúc hoạt động tích cực. Bán cầu não trái học ngôn ngữ và nội dung của câu chuyện thú vị ấy trong khi bán cầu não phải tư duy về việc trẻ nên cư xử như thế nào cho phù hợp.
Một trong những tác động tích cực của việc kể chuyện cổ tích cho trẻ nghe là “người bạn tiền sử” nhỏ bé này của bạn không hề nhận ra rằng mình đang được “dạy dỗ”. Giống như hạt cây được gieo xuống đất, các bài học mà bạn thêu dệt nên qua những câu chuyện cổ sẽ nhẹ nhàng nảy mầm rồi lớn lên trong tâm trí trẻ, giúp trẻ bước đầu phân biệt được đúng sai.
Một câu chuyện cổ thường có ba phần:
▪ Phần mở đầu: Phần này kích thích trí não trẻ thông qua việc mô tả khung cảnh nơi câu chuyện diễn ra. Hãy kể cho bé nghe nàng công chúa ếch bé nhỏ nhìn thấy gì, nghe thấy gì, đang mặc gì, hát bài gì, ăn gì trong bữa sáng, cô cảm thấy như thế nào khi ánh mặt trời rọi lên khuôn mặt, những điều thú vị cô nhìn thấy trên đường tới trường… Phần mở đầu rất quan trọng vì đó là những điều đầu tiên mê hoặc trẻ. Khi bạn kể đến phần tiếp theo, trẻ sẽ cảm thấy ấm áp, thoải mái và an toàn. Đó cũng là lúc “cửa ngách” của tâm trí trẻ rộng mở.
▪ Phần thân truyện: Đây là phần bạn sẽ đưa ra những bài học dành cho trẻ. Ví dụ, điều gì sẽ xảy ra nếu công chúa ếch không chịu đợt tới lượt mình hoặc không chịu gội đầu.
▪ Phần kết có hậu: Kết thúc bằng một phần kết có hậu sẽ giống như gói gém câu chuyện thật đẹp rồi thắt nơ. Một phần kết có hậu rất phù hợp với cảm nhận của trẻ về trật tự và cảm giác an toàn khi biết rằng câu chuyện sẽ luôn kết thúc với việc công chúa ếch trở về nhà để ôm hôn mọi người, để chơi trò chơi hoặc ăn món ăn ưa thích và “sống hạnh phúc suốt đời”.
Tôi khuyến khích các bạn tự sáng tạo ra những câu chuyện thần tiên của riêng mình và đan cài vào đó những bài học phù hợp mà bạn muốn trẻ tiếp thu. Dưới đây là một vài mẹo nhỏ có thể có ích cho bạn:
▪ Những nhân vật chính nên là những loài vật ngộ nghĩnh, vui vẻ như chú chuột Steven hay cô nàng nai Mimi. Tránh dùng các nhân vật là trẻ con trong câu chuyện. Điều đó có thể khiến câu chuyện của bạn trở nên hơi “thật” quá và đáng sợ.
▪ Giọng kể chuyện cần thật diễn cảm: lên giọng hoặc thì thầm khi bạn muốn lôi kéo sự chú ý của trẻ hoặc để giúp trẻ ghi nhớ câu chuyện.
▪ Hãy thêm vào một số nhân vật phụ như thiên thần, nàng tiên, một chú ếch biết nói hoặc một cái cây thân thiện – những nhân vật cần anh hùng của chúng ta giải cứu.
▪ Thêm vào những nhân vật xấu tính, hay càu nhàu, kẻ cả - sẽ luôn bị bắt vào cuối chuyện. (Thế giới của trẻ luôn tràn ngập cả những niềm vui và những điều đáng sợ).
Sau khi kể chuyện một lúc, bạn sẽ thấy bé muốn nghe đi nghe lại về những chiến công của nhân vật mà bạn đã sáng tạo ra cho đến khi những câu chuyện ấy trở thành một phần ký ức ngọt ngào trong tuổi thơ của trẻ!
Bé Gracie 3 tuổi rất thích nghe bố kể chuyện về nàng gấu Belle và người anh trai Bill ở một xứ sở xa xôi được gọi là “Miền đất Hạnh phúc”. Đối với Gracie, câu chuyện của bố cũng “nổi tiếng” như chuyện Ba chú lợn con hay Công chúa ngủ trong rừng vậy!
Hãy thử: Chiến thuật Tâm lý đảo ngược (“Con đừng đánh răng!”)
Bé Nicola, cô gái tính khí mạnh – 3 tuổi rất thích trò tốc váy của mình. Tất nhiên, cô bé thích làm như vậy bởi điều đó khiến bố mẹ cô bé phát cáu. Lúc đầu, họ chỉ nói: “Làm ơn đừng làm thế, con yêu!” và họ vẫn mỉm cười khi nói với bé vì bé thực sự rất đáng yêu. Nhưng rồi, cô bé liên tục làm như vậy trước mặt bà ngoại, trước mặt bà hàng xóm và trước mặt nhân viên cửa hàng thực phẩm. Mọi người thường cười lớn và chính điều đó khiến bé càng làm nhiều hơn.
Bố mẹ Nicola đã thử nhiều cách để khiến bé dừng trò này, từ việc giải thích cho đến cách ly bé (time-out) nhưng vẫn không có tác dụng. Cuối cùng, họ thay đổi chiến thuật. Thay vì nạt bé “Không được làm thế!”, họ bắt đầu nói với bé bằng giọng hoàn toàn nghiêm túc: “Làm tiếp đi con! Cứ tiếp đi! Con kéo váy cao lên nữa! Cứ tiếp tục làm thế nhé! Đừng bỏ tay xuống!” Chỉ trong vòng một tuần, trò nghịch ngợm này của Nicola đã hoàn toàn chấm dứt. Cô bé chỉ kéo váy lên để chứng tỏ rằng mình có quyền quyết định; nhưng một khi bố mẹ đã thể hiện rằng đó chính là điều họ muốn bé làm thì mọi hứng thú của bé với trò này tan biến.
Từ 18 tháng tuổi, những đứa trẻ tiền sử của chúng ta bắt đầu thích thách thức người lớn. Điều này khiến các bé cảm thấy thật quyền lực và cho phép bé bộc lộ sự độc lập của mình. Việc khiến chúng làm những điều theo hướng ta mong muốn thường được gọi là chiến thuật “Tâm lý đảo ngược” (cũng từng được gọi là “Tâm lý trẻ em”).
Tất nhiên, không chiến thuật nào có tác dụng mọi lúc mọi nơi nhưng đối với những trẻ chập chững “bướng bỉnh”, Tâm lý đảo ngược thường rất thú vị và hiệu quả. Nó khiến cho những “bậc trượng phu” nhỏ bé của chúng ta (và cả các “đả nữ” nhí) hợp tác, đồng thời vẫn cảm thấy không bị mất mặt và không bị ảnh hưởng đến lòng tự trọng.
Tôi coi việc này như một thông điệp “cửa ngách” bởi trẻ luôn bận rộn phản đối những yêu cầu trực tiếp trong khi những yêu cầu “ẩn” có thể vượt qua các “trạm gác” để vào tâm trí trẻ. Điều thú vị của Tâm lý đảo ngược là nó khiến trẻ vừa có thể thể hiện sự bướng bỉnh của mình vừa thực hiện điều chúng ta mong muốn. Các bên cùng thắng!
Dưới đây là một số hướng dẫn áp dụng chiến thuật Tâm lý đảo ngược mà bạn có thể áp dụng:
▪ Lợi dụng tâm lý “Của con!” Vào cuối buổi kiểm tra sức khỏe của mình, cô bé Mia 2 tuổi muốn mang mấy món đồ chơi của tôi về nhà. Tôi đã nói với cô bé rằng tôi sẽ rất buồn nếu cô bé mang chúng đi nhưng bé vẫn không lay chuyển. Vì thế tôi nói: “Thôi được. Không sao. Cháu có thể lấy mấy món đồ chơi đó.” Sau đó tôi cuộn tất cả quần áo của cô bé lại và nói: “Còn bác sẽ lấy quần áo, giày, tất của cháu nhé! Được không?” Bé tỏ ra buồn bã ngay lập tức và với lấy quần áo của mình. Tôi với lấy mấy món đồ chơi của tôi – chúng tôi giống như đang trong cuộc trao đổi gián điệp tại Bức tường Berlin vậy.
▪ Đừng làm thế! Khi yêu cầu con ăn món gì đó tốt cho bé, hãy nói (ví dụ): “Đừng! Đừng! Con đừng ăn táo! Nhé! Nhé!” trong khi khuôn mặt rạng rỡ của bé tỏ thái độ thách thức, bướng bỉnh. Hoặc vờ như bạn không muốn bé thể hiện tình cảm với bạn, bạn nói: “Đừng ôm mẹ! Đừng! Đừng! Đừng làm thế!” rồi quay đi, co rúm lại sợ hãi và bảo: “Mẹ sợ lắm!” khi con định ôm hôn bạn!
Bé Mason 38 tháng tuổi tỏ vẻ buồn chán khi ngồi chờ tôi khám cho em gái bé. Đột nhiên, cậu bé tỏ ra không thể chịu được nữa và nói: “Cháu sẽ chọc vào mắt bác!” Tôi đáp lại bằng giọng nài nỉ: “Được thôi, chỉ cần đừng chọc tay vào chân bác là được. Đừng, đừng - đừng chọc vào chân bác! Ôi đừng! Đừng - ĐỪNG MÀ!!!” Cậu bé cười nghịch ngợm và sau đó, tất nhiên, cậu lấy tay chọc vào chân tôi trong khi tôi vẫn liên tục “xin tha”.
Khi trẻ tôn trọng những yêu cầu của bạn và không phản đối, bạn có thể dành cho trẻ một lời khuyên nhẹ nhàng – “Con rất ngoan khi chịu lắng nghe lời mẹ!” – sau đó thay đổi chiến thuật (như đưa ra cho bé một số lựa chọn hoặc cho bé một phần thưởng nho nhỏ…)
▪ Chuyện gẫu với những con thú nhồi bông và những người bạn tưởng tượng của trẻ về những gì trẻ không định làm. Nếu trẻ không chịu đi giày, bạn hãy vờ như một trong những con búp bê của trẻ là một Con quỷ giày luôn muốn ăn giày của trẻ. Búp bê nói, “Đừng đi giày – đừng đi giày – Ta muốn ăn nó – đưa giày cho TA… NGAY!!!”. Khi chiến thuật này phát huy tác dụng, chắc chắn trẻ sẽ nhanh chóng đeo giày.
Jessica thường phản đối những gì mẹ bé – Tricia – yêu cầu bé làm. Nhưng Tricica phát hiện ra rằng khi cô nói với chú chuột Nana - người bạn tưởng tượng của Jessica, rằng Jessica còn quá nhỏ để có thể làm được việc gì đó thì ngay lập tức Jessica sẽ muốn chứng tỏ rằng mẹ đã sai!
Arturo sẽ cầm bạn thú nhồi bông yêu thích nhất của con trai mình lên và nói, “Cún con ơi, cún con có thể giúp ta được không? Cún có biết ăn cà rốt không? Jacson nhà ta không biết ăn cà rốt đâu. Bạn ấy còn bé quá mà!”
▪ Ngày đảo ngược. Hãy thông báo với trẻ hôm nay là Ngày đảo ngược. Bạn nói với trẻ rằng trong vòng một giờ đồng hồ, trẻ sẽ phải làm tất cả những gì ngược với những điều bạn nói. Tất nhiên, bạn có thể đặt chuông báo, thời gian thực tế chỉ khoảng chừng mười phút. Trò chơi này rất vui và khiến sự bướng bỉnh của trẻ trở nên hợp lý, đồng thời nó cũng dạy trẻ cách thực sự lắng nghe những điều bạn nói. Cuối cùng, hãy cùng nhau hát một bài (có thể do bạn tự nghĩ ra) hoặc làm gì đó để ăn mừng cho sự kết thúc.
Tự tin: Món quà ngày một lớn dần
“Bạn sẽ chẳng làm được gì nếu thiếu hy vọng và sự tự tin.”
– Helen Keller
Chúng ta hãy cùng đối mặt với sự thật rằng: trẻ chập chững rất bướng bỉnh. Chúng nhỏ bé, vụng về và chậm chạp. Chẳng trách mà trẻ luôn cố gắng hết sức để “chiến đấu” với người lớn – các bé muốn thi thoảng được tận hưởng chiến thắng. Tuy vậy, bạn có thể giúp trẻ tăng thêm sự tự tin để bé cảm thấy mạnh mẽ hơn mà không cần phải bướng bỉnh với bạn.
Alice 22 tháng tuổi đang ngồi chơi với bố – anh Pat – mỗi lần cô bé ra sức thổi vào bố, người bố sẽ ngã xuống như thể mình là một chiếc lông vũ – bé sẽ cười to sung sướng.
Milo thích đi chơi với ông ngoại vì ông luôn cười lớn khi cậu cù léc ông. Ông còn có một công tắc tắt mở nên Milo không thể làm như vậy liên tục hằng giờ. (Ông sẽ tắt công tắc bằng cách vặn mũi.)
Những chiến thuật xây dựng sự tự tin mà tôi ưa thích khai thác bao gồm cả những mẹo nghiêm túc và sự ngớ ngẩn. Tôi có thể gọi những chiến thuật nghiêm túc là “Tạo nên sức mạnh” và sự ngớ ngẩn là “Vờ làm kẻ khờ”.
Hãy thử: Tạo nên sức mạnh
Dưới đây là một số cách bạn có thể áp dụng để phát triển sự tự tin ở trẻ, để trẻ cảm thấy mạnh mẽ hơn và không còn có nhu cầu cư xử bướng bỉnh nữa.
Đề nghị bé giúp đỡ. Khi bạn đề nghị trẻ giúp đỡ, bạn đã giúp trẻ củng cố lòng tự trọng. Hãy giúp trẻ cảm thấy mạnh mẽ bằng cách nói: “Cái này hơi nặng. Con có thể giúp mẹ được không?”, hoặc nói: “Cái này có thể hơi nặng, nhưng con giúp mẹ được không?” (Hãy dùng cách này khi bạn biết chắc chắn rằng trẻ có thể làm được và sẽ mỉm cười đầy tự hào khi làm điều đó để chứng tỏ khả năng của mình!!)
Phản hồi trẻ nhanh chóng và nhất quán. Quan tâm đến những nhu cầu của trẻ và phản hồi kịp thời mang đến cho trẻ cảm nhận rằng bạn hiểu và tôn trọng ý kiến của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc vì có “nhà vua và hoàng hậu” coi bé như “công chúa, hoàng tử” trong nhà.
Trao cho trẻ quyền đưa ra những quyết định nho nhỏ. “Con muốn uống nước bằng cốc màu xanh hay màu đỏ?” Mỗi ngày chúng ta cần phải đưa ra rất nhiều quyết định, nên sẽ rất công bằng nếu bạn để cho bé được quyền tự quyết một vài lần. Nếu bạn tôn trọng sự lựa chọn của trẻ trong một số trường hợp cụ thể hoặc trong những vấn đề không quá quan trọng, trẻ sẽ dễ dàng nhường quyền quyết định cho bạn trong những vấn đề quan trọng hơn. Những quyết định đơn giản thường chỉ nên giới hạn trong hai hoặc ba lựa chọn thay vì cho bé quyết những vấn đề mở - những việc có thể khiến bé bị quá tải.
Cho con được quyền lựa chọn
▪ Bạn có thể thử cho đứa con nhỏ 1 tuổi của bạn một số lựa chọn nhưng trẻ con ở tuổi này chưa biết cách để đưa ra quyết định tốt nhất.
▪ Trẻ 2 tuổi sẽ rất thích được trao quyền quyết định. Hãy cho trẻ lựa chọn bằng giọng nhiệt tình và rõ ràng. (Nếu việc quyết định dựa trên nhiều hơn hai lựa chọn, trẻ có thể bối rối hoặc bực bội).
▪ Khi trao quyền lựa chọn cho trẻ 3 tuổi, hãy cố tỏ vẻ như bạn đang khá bối rối và cần tham khảo ý kiến của trẻ. “Này, con nghĩ cái đĩa nào đẹp nhất: màu xanh hay màu đỏ nhỉ?” Để mọi việc thú vị hơn, bạn có thể vờ như mình là một giáo sư đãng trí. Vài giây sau, khi con nói: “Đĩa màu xanh.” Bạn có thể hỏi lại: “Hả? Gì cơ? Con vừa nói gì? Con bảo đĩa màu đỏ à?” (Đây cũng là cơ hội để trẻ xem lại quyết định của mình và học cách bớt hấp tấp vội vàng).
Ghi chú: Không bao giờ cho trẻ quyền lựa chọn nếu bạn không sẵn lòng thực hiện theo câu trả lời của trẻ. Ví dụ như khi ở phòng khám, bạn không nên hỏi: “Cô y tá đo nhiệt độ cho con được không?” Nếu bé nói “Không”, y tá sẽ vẫn buộc phải làm việc đó, không quan tâm đến mong muốn của bé, hoặc sẽ phải mất rất nhiều thời gian để thuyết phục bé thay đổi quyết định.
Hãy thử: Vờ làm kẻ khờ hay những trò ngớ ngẩn lại tạo ra những điều kỳ diệu
Ngay cả những đứa trẻ chập chững bướng bỉnh nhất cũng sẽ mủi lòng nếu chúng ta tỏ ra hơi bất lực một chút. Nếu bạn “vờ làm kẻ khờ”, trẻ sẽ cảm thấy bạn cần sự giúp đỡ, nên được giúp đỡ và trẻ không nên từ chối bạn. Tất nhiên, những trẻ lớn hơn sẽ hiểu rằng đây chỉ là trò đùa – chúng biết bạn không thường xuyên ngớ ngẩn như vậy, nhưng chúng vẫn sẽ cảm thấy thích thú. Chúng thích sự ngốc nghếch. Và bạn có thể dùng biện pháp lý thú này để biến cuộc tranh cãi với trẻ trở thành thỏa thuận hợp tác và những trận cười giòn giã!
Sau đây là một số cách thú vị giúp tăng sự tự tin cho trẻ:
▪ Tỏ ra kém cỏi. Mặc áo ngược, đội mũ ngược, đếm sai từ 1 đến 5, để đồ chơi xuống mép bàn hoặc ghế, khi chúng rơi bạn hô to “Ôi không… ÔI KHÔNG! Không, không, KHÔNG! Đừng rơi!!” Bạn hãy lặp lại cảnh này ba hoặc bốn lần, mỗi lần lại vờ như bạn đã cố gắng để cẩn thận hơn. (Khi buông tay, tôi ra lệnh cho món đồ chơi: “Bây giờ, ngồi yên ở đây, nhé!”)
▪ Vụng về. Vờ ngã khỏi ghế vài lần hoặc chụp hụt bóng khi chơi tung bóng với trẻ.
▪ Vờ như không nhìn thấy. Hỏi trẻ: “Cái… ở đâu nhỉ?” khi vật đó ở ngay trước mặt bạn. Khi trẻ sung sướng chỉ cho bạn thấy, bạn vẫn nên giả vờ khờ khạo, nhìn xung quanh và hỏi: “Đâu? Đâu cơ? Mẹ có thấy gì đâu”.
▪ Tỏ ra yếu đuối. Cố gắng hết sức để bắt được trẻ nhưng luôn để con trốn thoát. Cố gắng giật được đồ chơi khỏi tay trẻ nhưng luôn để con chiến thắng khi chơi kéo co.
▪ Tỏ ra dễ bị đau. Những đứa trẻ 2 tuổi thích được đập tay với bạn sau đó nhìn bạn kêu gào nhăn nhó vì những cơn đau “giả vờ”. Hãy kêu “Ối, ối!” và thổi vào tay như thể bạn muốn đỡ đau. Đối với trẻ 3 tuổi, bạn có thể nói: “Đập tay với bố nào!” rồi nhanh chóng rụt tay lại và bảo: “Bố sợ lắm! Con có đập mạnh không?” Nếu sau đó bé đập tay thật nhẹ, bạn hãy cảm ơn vì bé đã thật đáng yêu. Nếu bé vẫn dùng hết sức, bạn có thể nhảy lên và kêu phản đối: “Con lừa bố! Con lừa bố!”
▪ Tỏ ra như một đứa trẻ. Hãy với lấy thứ gì đó bé đang cầm rồi giả vờ khóc như em bé và nói: “Của mẹ, của mẹ!” Hãy để trẻ dễ dàng gỡ tay bạn để lấy lại món đồ chơi và coi như yêu cầu của bạn đã không được trẻ thực hiện.
▪ Giả vờ sai. Bạn nói: “Từ từ, đợi một chút nào! Tên con không phải là Kris. Con là Bố! Con là Bố!”. Con bạn sẽ cười lớn và nói: “Không, con là Kris. Mẹ ngốc quá!!”
▪ Giả vờ dễ dàng bị lừa. Nói với trẻ rằng bạn muốn kiểm tra xem tay trẻ đã sạch chưa nhưng lại kiểm tra chân của bé. Sau đó nói: “Ồ, con đùa mẹ!! Đây không phải tay con mà!!”, rồi đòi hỏi: “Đưa tay con cho mẹ xem nào!” nhưng lại nhìn vào túi áo của trẻ.
▪ Tỏ ra tự đắc dù sai. Bạn có thể hát thật to nhưng sai lời một bài hát quen thuộc. “Chúc mừng sinh nhật bé voi!” Trẻ sẽ rất thích thú được sửa sai cho bạn nhưng bạn vẫn nên tỏ ra là trẻ sai và nói: “Mẹ có nói là ‘bé voi’” đâu.” Rồi bạn lại tiếp tục hát sai lời bài hát và khẳng định: “Mẹ không sai tí nào. Mẹ là ca sỹ giỏi nhất TRÊN THẾ GIỚI đấy!”
▪ Tỏ ra dễ bị thuyết phục. Khi trẻ bực dọc, bạn có thể đưa ra cho trẻ một vài lựa chọn tẻ nhạt mà trẻ thường sẽ trả lời “Không”, như “Con có thích một ít bùn ngon lành không?” Hãy dành vài giây để “nịnh” trẻ thay đổi ý định. Sau đó nói, “Thôi được rồi, con thắng! Con chẳng bao giờ làm những điều mẹ muốn cả!” Cho phép trẻ từ chối bạn là một mẹo cũ của nhà ngoại giao để trẻ không cảm thấy xấu hổ. Sau khi trẻ đã từ chối rất nhiều lời đề nghị, trẻ sẽ có cảm giác được tôn trọng hơn và thấy dễ chịu hơn khi nhường cho bạn thắng trong những vấn đề khác.
▪ Tỏ ra ngốc nghếch. Bạn có thể nói bằng giọng hơi ngốc một chút: “Con ăn giày đi! Đi mà! ĐI MÀ!!! Mẹ yêu cầu con phải ăn đôi giày ấy đi!”, Thôi được, con thắng, nhưng như thế không CÔNG BẰNG! Sao lúc nào con cũng thắng thế? Mẹ CHẲNG BAO GIỜ thắng được cả!!!” (Tôi sẽ không áp dụng cách này nếu trẻ là người dễ mềm lòng, nhưng nếu bạn có một em bé thuộc Thời kỳ Đồ đá thích cạnh tranh thì chắc bạn sẽ được cười rất nhiều đấy!)
▪ Tỏ ra đãng trí. Hãy lấy giày của trẻ, với lấy bàn chân trẻ và nói, “Đưa cho mẹ… ờ… ờ”, như thể bạn không thể nhớ ra từ “bàn chân” nói như thế nào. Hãy nhắc lại những câu nói nửa chừng như thế này vài lần. Trong khoảng vài giây sau đó, trẻ sẽ nhấc chân lên hoặc thậm chí kết thúc câu nói đó giúp bạn! Làm như vậy khiến trẻ cảm thấy mình thật thông minh!
Để trẻ nghĩ rằng bố/mẹ mình là kẻ khờ có ổn không?
▪ Tất nhiên, trẻ sẽ không thực nghĩ rằng bạn là một kẻ khờ khạo bởi hầu hết mọi lúc, bạn hoàn toàn sáng suốt và mạnh mẽ. Đây chỉ là một mẹo vui – chứ không phải một phương pháp nuôi dạy con nên được áp dụng mọi lúc! Đóng vai kẻ khờ cũng giống như để con thắng trong trò chơi đấu vật hoặc vờ như bạn không thể tìm thấy con khi chơi trốn tìm. Đó chỉ đơn thuần giống như một cách nịnh nọt – một trong những công cụ cổ điển và cơ bản nhất của một nhà ngoại giao!
▪ Một trong những nhận thức vừa ngọt ngào vừa xót xa trong suốt quá trình nuôi dạy trẻ mà bạn có thể cảm thấy là hầu hết những gì chúng ta làm hằng ngày vì trẻ đều nhằm chuẩn bị cho một ngày nào đó trẻ rời xa chúng ta. Bạn giúp trẻ sẵn sàng cho ngày đó bằng cách giúp trẻ trở nên mạnh mẽ, tự tin và độc lập.
▪ Vì thế, đừng lo lắng về việc đôi khi trẻ không còn “tôn trọng” bạn nữa. Bạn sẽ không cần lo lắng đâu! Trên thực tế, nếu bạn tỏ ra thỉnh thoảng khờ khạo một chút, bạn sẽ có thể dạy trẻ những bài học cuộc sống rất đáng giá rằng ngay cả những người hoàn hảo nhất trong mắt trẻ (chính là bố mẹ) đôi khi vẫn phạm sai lầm!
Khuyến khích sự kiên nhẫn: Từng bước chậm và chắc hướng trẻ tới sự văn minh
“Hành trình vạn dặm khởi đầu từ một bước chân chập chững.”
– Thành ngữ Trung Hoa
Vào những năm 1920, Andrew Canergie là một trong những người giàu nhất thế giới. Khi được hỏi lý do tại sao ông lại giàu có như vậy, ông trả lời rằng thành công giống như bước vào một mỏ vàng. “Đầu tiên, khi bạn đi vào, tất cả những gì bạn thấy chỉ là bùn đất. Sau đó, nếu may mắn, bạn sẽ tìm thấy một mẩu vàng.” Ông nói, nếu một người bỏ qua đống bùn đất và chỉ tập trung vào những đốm vàng thì cuối cùng anh ta có thể nhét nặng túi cả một kho báu.
Dạy trẻ chập chững về sự kiên nhẫn cũng giống như viễn cảnh tìm vàng. Hãy trân trọng từng khoảng khắc kiên trì bạn thấy trẻ làm được – mỗi khoảnh khắc ấy đều giống như những vảy vàng trong mỏ. Hãy khuyến khích trẻ trong những bước đi đầu tiên bằng sự quan tâm, chú ý, và những lời khen. Trẻ sẽ sớm học được cách chia sẻ, đợi đến lượt mình – và kiên nhẫn chờ đợi mỗi khi bạn đang bận (trong phòng tắm hoặc gọi điện thoại).
Hãy thử: Những bước đi chậm và chắc – dạy trẻ sự kiên nhẫn
Sự kiên nhẫn cũng giống như cơ bắp của chúng ta – càng tập luyện nhiều thì càng khỏe mạnh hơn. Có rất nhiều cách để giúp trẻ chập chững luyện tập và tăng cường khả năng kiên nhẫn. Sau đây là một số biện pháp:
Khi trẻ 1 tuổi mè nheo để thu hút sự chú ý của bạn, bạn hãy nhìn trẻ, vỗ tay ba lần để trẻ chú ý rồi nói: “Đợi mẹ một chút!” Sau đó bạn nhanh chóng quay đi như thể bạn không để ý đến trẻ nữa. Trong lúc quay đi, bạn có thể giơ một tay lên và dùng ngón tay làm dấu hiệu chờ đợi trong khi đếm “Một… hai… ba…”. Sau đó, hãy quay lại ngay lập tức và tập trung vào trẻ trong khoảng một phút. Khi bạn kịp thời thưởng cho trẻ vì trẻ đã kiên nhẫn chờ đợi, trẻ sẽ dần dần hiểu được rằng: “Mẹ mình sẽ luôn giữ lời hứa!”
Đối với trẻ trên 2 tuổi, bạn có thể đặt đồng hồ đếm thời gian thay vì tự mình đếm. Đầu tiên, hãy giải thích việc bạn đang làm: “Con chờ đợi giỏi lắm! Khi mẹ nói ‘Chờ mẹ một chút!’ thì mẹ muốn con đợi cho đến khi bác Binh Boong (đưa cho bé xem chiếc đồng hồ) kêu ‘Reng!’” Hãy để cho trẻ nghe rõ những tiếng tíc-tắc của đồng hồ, “Sau đó mẹ sẽ chơi với con! Được không?”
Ban đầu, bạn nên hẹn giờ đồng hồ trong 10 giây. Khi chuông kêu, hãy đến và chơi với trẻ trong vài phút. Sau đó trong ngày, bạn có thể lặp lại cách thức này nhưng hãy đặt hẹn giờ lên 30 giây. Gợi ý rằng trẻ có thể chơi đồ chơi hoặc xem sách trong lúc chờ đợi. Bạn nên phớt lờ trẻ ngay cả khi trẻ cố gọi trước khi chuông reo. Sau đó bạn nên khen thưởng ngay lập tức bằng việc chơi với trẻ để thể hiện rằng bạn rất cảm kích trước nỗ lực của trẻ.
Bạn nên áp dụng cách thức này hằng ngày trong khoảng vài tuần. (Thỉnh thoảng bạn cũng nên làm trẻ ngạc nhiên bằng cách khen thưởng trước khi chuông reo.) Trẻ sẽ học được rằng: “Ồ, thời gian trôi qua khá nhanh. Chờ đợi cũng không có gì khó khăn cả.” Trong vòng một hoặc hai tháng, trẻ sẽ học được cách tự tạo trò tiêu khiển trong khoảng ba đến năm phút. Trước giờ đi ngủ, bạn hãy nhắc lại rằng hôm đó trẻ đã rất kiên nhẫn khi chờ đợi bạn như thế nào.
Nếu việc chờ đợi có vẻ khó khăn đối với trẻ, bạn hãy nói với trẻ rằng đó chưa bao giờ là một việc dễ dàng. Bạn có thể nói: “Mẹ ước gì mẹ con mình có thể làm điều đó NGAY BÂY GIỜ!!” hoặc “Đợi đã, đợi đã – ôi trời! Ước gì mẹ con mình có thể chơi cả ngày và KHÔNG BAO GIỜ phải chờ đợi!!” Sau đó bạn hãy gợi ý cho trẻ làm một việc gì đó trong lúc đợi: chơi đồ chơi, vẽ tranh, cho búp bê ăn, cho búp bê tắm… Nếu trẻ vẫn không chịu, hãy thử nói rằng: “Đây là một nửa phần thưởng. Mẹ sẽ đưa nửa kia cho con khi bác Bing Boong kêu nhé!”
Cha mẹ cũng cần kiên nhẫn
Mặc dù trẻ có thể cần tận năm phút để làm một việc mà bạn chỉ mất năm giây để hoàn thành – thì hãy cứ đợi trẻ! Hãy để trẻ tự xoay xở một chút. Thời thơ ấu của trẻ sẽ trôi qua trước khi bạn kịp cảm nhận được và bạn sẽ ước gì mình có thể lại được thấy con như thế này dù chỉ một lần nữa!
Hãy cho tay vào túi, đừng nói gì cả, hít thở thật sâu và chờ đợi! Hãy quan sát con với tình yêu thương nhưng đừng vồ vập! Nếu con chán nản, bạn có thể đề nghị giúp đỡ. Nếu con có thể tự làm thì ngay cả đứa trẻ 1 tuổi cũng sẽ cười rạng rỡ đầy tự hào như muốn nói: “A! Con làm được rồi!”
Thực hành sự kiên nhẫn: Chăm sóc răng từng bước chậm và chắc
Bạn có thể áp dụng những bước chậm và chắc để tránh những xung đột với trẻ khi giúp trẻ thay bỉm, lấy ráy tai, cắt móng tay hay đánh răng.
Ban đầu, trẻ sẽ để bạn đưa bàn chải vào miệng trong vài giây. Như vậy là ổn – đó là thành công bước đầu. Bạn hãy nói: “A, xong rồi. Đập tay với mẹ nào! Chúng mình đi chơi thôi!”
Tôi biết chỉ vài giây chắc chắn không đủ để giúp bạn chải sạch răng cho trẻ, nhưng dần dần trẻ sẽ cho bạn nhiều thời gian hơn. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì bạn đã không làm mọi việc trở nên nghiêm trọng và bởi vì bạn đã thưởng cho sự hợp tác của trẻ bằng rất nhiều niềm vui!
Nếu trẻ thậm chí không đồng ý cho bạn đặt bàn chải đánh răng vào miệng thì bạn cũng không nên đôi co với trẻ bởi chắc chắn bạn sẽ không thể thắng. Thay vào đó, hãy thử tìm cách làm trẻ sao nhãng với những điều thật thú vị. Bạn có thể nói: “Thôi được rồi, bọn mình chải đầu gối con vậy. Xong rồi, đầu gối bên kia nữa. Rồi, bây giờ chải tay này… tay kia… ngón tay… ngón tay kia nữa… ngón cái… ngón cái bên kia… tóc… tai… tai kia nữa!” Bạn phải chạm bàn chải vào tất cả những bộ phận mà bạn đã gọi tên rồi nói to: “Yeah! Xong hết rồi! Con giỏi lắm! Bây giờ đi chơi thôi!” Bạn hãy làm như vậy vài lần trong ngày để giúp trẻ cảm thấy thoải mái và dần dần không “đề phòng” nữa. Cuối cùng, bạn sẽ có thể đánh răng cho trẻ trong vài giây – và mỗi lần sẽ lâu hơn một chút.
Tặng thưởng: Tra dầu cho “bánh xe hợp tác”
“Một thìa đường giúp làm trôi thuốc.”
– Julie Andrews trong Mary Poppins
Rất nhiều người không tán thành việc tặng thưởng cho trẻ. Họ thấy rằng việc trẻ được kỳ vọng có những hành vi đúng mực là điều hiển nhiên bởi đó là việc đúng đắn nên làm hoặc bởi vì “Bố/ Mẹ đã nói vậy!” Tuy nhiên, hy vọng trẻ sẽ hợp tác mà chưa dạy về sự tôn trọng sẽ giống như dạy tác phong trên bàn ăn cho một đứa trẻ 6 tháng tuổi – đó là đúng tư duy nhưng sai thời điểm!
Bạn thử nghĩ mà xem: Ngay cả người lớn cũng dễ dàng hợp tác hơn nếu chúng ta nhận được sự khen thưởng. Vậy thì tại sao lại không thực hiện điều tương tự đối với những đứa trẻ tiền sử của chúng ta? Những phần thưởng thực tế sẽ giúp trẻ cư xử đúng mực hơn. Đó là lý do tại sao những vị “đại sứ” nuôi dạy con giàu kinh nghiệm thường bôi trơn “bánh xe hợp tác” với trẻ bằng những phần thưởng nho nhỏ để cỗ xe “giao tiếp” của gia đình chuyển bánh thật dễ dàng.
Khen thưởng không có nghĩa là bạn cho trẻ thoải mái mua sắm đồ chơi khi đi siêu thị! Phần thưởng mà trẻ yêu thích nhất chính là bạn! Trẻ sẽ thích có được năm phút đánh trận giả với bạn, chơi tiệc trà, đi bắt côn trùng, mát-xa, kể chuyện cho nhau nghe hoặc đơn giản là trẻ được đi mua sắm với bạn. Tất nhiên, trẻ cũng sẽ thích những món quà thực tế như hình xăm dán, miếng dán hoạt hình, bánh quy và kẹo.
Nhưng khoan đã! Có phải ông bác sĩ kia vừa nói Bánh quy và kẹo không nhỉ? Rất nhiều bậc cha mẹ lo sợ rằng thưởng cho con bánh quy hình thú hoặc kẹo dẻo sẽ khiến trẻ bị béo phì hoặc “nghiện” kẹo ngọt. Trên thực tế, mọi việc sẽ không tệ như vậy – nếu những phần thưởng này được dùng đúng cách. Đồ ngọt là phần thưởng có sức mạnh rất lớn đối với hầu hết trẻ chập chững (cũng có nhiều loại đồ ngọt tốt cho sức khỏe). Bạn có thể để dành kẹo làm phần thưởng trong những trường hợp bạn cần khá vất vả mới có thể thuyết phục được trẻ. Sau đó, hãy thử không động đến kẹo trong khoảng vài tuần. Ví dụ, nếu bạn gặp khó khăn khi thay bỉm do trẻ không chịu nằm yên, bạn hãy để trẻ đứng và ăn loại “bánh quy bỉm” đặc biệt – đó là loại bánh trẻ sẽ chỉ được ăn khi bạn thay bỉm cho trẻ. (Nếu trẻ vứt bánh đi và tiếp tục phản đối, bạn có thể đưa cho trẻ nửa chiếc bánh để ăn trong khi thay bỉm và giữ nửa chiếc còn lại cho đến khi mọi việc đã hoàn tất).
Ngoài kẹo, phần thưởng càng thực tế và bắt mắt thì trẻ càng thích thú. Vì thế, hình xăm dán, miếng dán hoạt hình và thậm chí băng cứu thương cũng có thể trở thành những món đồ ưa thích đối với trẻ chập chững mọi lứa tuổi.
Sau đây là hai cách khác bạn có thể áp dụng:
Hãy thử: Đánh dấu tích lên tay
Tiến sĩ Barbara Howard – chuyên gia về sự phát triển của trẻ nhỏ – gợi ý các bậc cha mẹ thưởng cho trẻ chập chững bằng cách vẽ hoặc in một dấu tích nhỏ lên mu bàn tay trẻ mỗi khi bạn thấy trẻ làm được một việc tốt trong một ngày nào đó. Còn việc gì đơn giản hơn nữa chứ? Bạn cần nhớ rằng, cũng giống như những người thượng cổ, trẻ chập chững thích được vẽ lên người của mình.
Đến giờ đi ngủ, trẻ sẽ rất thích nếu bạn dành khoảng năm phút để ngắm nghía từng hình đã đánh dấu trên tay trẻ và kể lại xem trẻ đã đạt được nó như thế nào.
Hãy thử: Bảng thành tích ngôi sao
Bảng thành tích ngôi sao là một cách khá cơ bản để làm căn cứ khen thưởng cho trẻ chập chững đã lớn (khoảng 3 tuổi). Hãy chọn ra ba hành vi mà bạn muốn khuyến khích trẻ. Chọn hai hành vi mà trẻ có thể dễ dàng đạt được (như rửa tay, đi tất) và một hành vi mang tính thử thách cao hơn (như ăn một miếng súp lơ xanh, dọn hết đồ chơi trong vòng năm phút hoặc đánh răng). Lưu ý: Bạn cũng cần tránh những mục tiêu định tính, mơ hồ như “bớt tranh giành”.
Tiếp theo, hãy lập bảng thành tích cùng bé. Hãy đưa trẻ đến cửa hàng để chọn hình ngôi sao hoặc hình dán sẽ dùng để tích điểm. Hãy cùng tìm trong các cuốn tạp chí và chọn ra những hình ngộ nghĩnh để cắt dán trang trí bảng thành tích đó. Tất cả những hoạt động này sẽ khiến trẻ cảm thấy muốn nỗ lực đạt được thành tích nhiều hơn – bởi vì đó là bảng tích điểm của bé.
Mỗi khi trẻ đạt được một mục tiêu nào đó, hãy để trẻ dán một ngôi sao vào bảng. Bảng thành tích ngôi sao rất thú vị đối với trẻ chập chững vì tất cả đều hiện lên rõ ràng trước mắt chúng. Trẻ sẽ có cảm giác được ngợi khen trực tiếp mỗi khi bé đi qua hoặc nhìn thấy những ngôi sao được dán bảng thể hiện sự thành công của mình được đặt trong bếp hoặc trong phòng ngủ. Bạn có thể giúp trẻ hiểu bạn rất trân trọng nỗ lực này bằng cách để trẻ “nghe lỏm” được về điều đó khi bạn tán gẫu với búp bê của trẻ.
(Hầu hết các bậc cha mẹ dùng Bảng thành tích ngôi sao sẽ duy trì bảng này trong vài tuần, sau đó thiết kế lại bảng để tưởng thưởng cho những hành vi khác hoặc chuyển sang cách thức khác khi các hành vi của trẻ đã cải thiện).