“Thói quen là thứ có sức mạnh lớn nhất.”
Nghệ thuật tình ái (The Art of Love), Ovid, năm thứ nhất trước Công nguyên
Những nội dung chính
▪ Thời gian chất lượng dành cho trẻ là khoảng thời gian vô cùng thú vị bạn dành cho trẻ mỗi ngày.
▪ Những trình tự sinh hoạt hằng ngày và các trò chơi là minh chứng cho tình yêu bạn dành cho trẻ và khiến trẻ muốn hợp tác.
▪ Trẻ chập chững thích những trình tự để trấn an trẻ: mát-xa, ôm ấp, khoảng thời gian đặc biệt, thể hiện tình cảm và các bài tập thở.
▪ Mỗi ngày, bạn hãy tạo ra thật nhiều niềm vui, nhất là khi vui chơi ngoài trời, chơi những trò chơi sáng tạo và khi đọc sách.
Có thể bạn chưa bao giờ áp dụng nhưng hẳn là bạn cũng đã từng nghe đến biện pháp Cách ly trẻ (time-out) như là một kỹ thuật rèn kỷ luật cho trẻ. Bạn cách ly trẻ trong một vài phút, tước đoạt quyền được bạn chú ý đến và cười với trẻ. Biện pháp này thường đạt hiệu quả vì thời gian được ở bên cạnh bạn chính là điều tuyệt vời nhất đối với trẻ. Đây cũng là lý do nhiều người gọi khoảng thời gian vui vẻ chơi cùng với trẻ là “Thời gian chất lượng dành cho trẻ”.
“Thời gian chất lượng dành cho trẻ” là bất cứ thời điểm nào bạn dành sự quan tâm đầy yêu thương của mình cho trẻ, dù là khi bạn giúp trẻ mặc quần áo vào mỗi sáng, chơi với trẻ vào buổi chiều, trò chuyện với trẻ trong bữa ăn, hoặc mát-xa nhẹ nhàng cho trẻ sau khi tắm và trước khi đi ngủ. “Thời gian chất lượng” dạy trẻ về tình yêu thương, sự tự tin, niềm tin vào bản thân bé – và tin vào bạn. “Thời gian chất lượng” dành cho trẻ cũng là một cách tuyệt vời để khuyến khích sự hợp tác. Bạn nên dành cho trẻ thật nhiều khoảng thời gian chất lượng ngắn trong suốt cả ngày để tránh những mâu thuẫn với trẻ, giống như việc bạn bỏ tiền xu vào máy tính tiền đỗ xe trong ngày sẽ giúp bạn không phải mua vé vậy.
Ồ! – Có thể bạn đang thắc mắc – Liệu chơi đuổi bắt và mát-xa nhẹ nhàng vào buổi tối có thực sự giúp tránh được xung đột với trẻ không?
Chắc chắn là có! Ngay cả trẻ chập chững dưới 2 tuổi cũng hiểu rằng bạn càng dành nhiều thời gian chơi với trẻ và chú ý đến trẻ thì trẻ càng nên hợp tác với bạn. Về cơ bản, trình tự sinh hoạt và sự thư giãn bồi đắp nên thiện ý từ phía trẻ. (Trẻ 18 tháng tuổi khó tính thường chỉ “nhận” chứ không “cho”, và vẫn đòi hỏi bạn cho càng nhiều càng tốt, nhưng ngay cả những đứa trẻ “tiền sử” nhỏ bé này cũng sẽ trở nên dễ chịu hơn nếu bạn dành nhiều “thời gian chất lượng” trong ngày với trẻ).
Chúng ta đều đã từng chứng kiến những trẻ nhỏ ỉ ôi, cào cấu và hoàn toàn coi thường những lời nói của cha mẹ. Một số trẻ cư xử như vậy chính vì cha mẹ các bé thiếu các kỹ năng làm cha mẹ hiệu quả. Tuy nhiên, một số trẻ khác đơn thuần chỉ là những đứa trẻ Thời kỳ Đồ đá có tính khí mạnh khó chịu vì bị giam cầm trong nhà cả ngày. Cuối cùng, dù trẻ có cư xử không phải lối vì bất cứ lý do gì, chỉ hai nguồn sức mạnh duy nhất có khả năng biến những thách thức của trẻ thành sự hợp tác, đó là: dọa nạt hoặc yêu thương.
Rất nhiều cha mẹ lầm tưởng rằng dọa dẫm là cách duy nhất để xử lý những hành vi xấu. Chắc chắn là tất cả chúng ta luôn cần tỏ ra nghiêm khắc (tôi sẽ thảo luận về điều này ở chương sau), nhưng cách tốt nhất và có hiệu quả lâu dài nhất để biến một đứa trẻ bướng bỉnh thành một em bé hạnh phúc là dưỡng dục con bằng tình yêu, sự tôn trọng, nhất quán và chơi cùng con! Đó là lý do tại sao “thời gian chất lượng dành cho trẻ” lại quan trọng như vậy.
Trình tự sinh hoạt: Những khoảng thời gian chất lượng dành cho trẻ có thể dự đoán được giúp trẻ cảm thấy an toàn
Đôi khi, cha mẹ lo lắng rằng mình sẽ quá phụ thuộc vào trình tự sinh hoạt. Lặp đi lặp lại một số việc khiến chúng ta cảm thấy nhàm chán; nhưng với trẻ chập chững, những trình tự sinh hoạt có thể đoán trước giúp các con thấy thỏa mãn như khi được uống sữa và chơi dưới ánh mặt trời. Đây là lý do tại sao:
- Trình tự sinh hoạt chính là khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn, lấy lại tinh thần trong suốt một ngày bận rộn của trẻ. Trẻ có thể sẽ thích thú khám phá những món đồ chơi mới, những địa điểm mới, nhưng các bé sẽ nhanh chóng rối rắm khi có quá nhiều thay đổi. Sự mới mẻ thật thú vị, nhưng sự quen thuộc khiến trẻ cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Sau một ngày tràn ngập những điều mới mẻ lý thú, trình tự sinh hoạt mang đến cho nhà thám hiểm tí hon của bạn những hoạt động có thể dự đoán chính xác, giúp trẻ cảm thấy dễ thở hơn.
- Trình tự sinh hoạt giúp trẻ tăng cường khả năng thấu hiểu và cảm giác thân thuộc. Trẻ chập chững thường cảm thấy mình bị bao vây bởi quá nhiều thứ nằm ngoài khả năng kiểm soát của mình cùng với thứ ngôn ngữ mà ai cũng hiểu chỉ mình trẻ không hiểu. Chẳng trách mà đôi khi trẻ có cảm giác thất vọng và bị bỏ rơi. (Nếu bạn đã từng đến thăm một đất nước mà không biết ngôn ngữ của đất nước đó, có lẽ bạn sẽ hiểu cảm giác ấy như thế nào). Tuy nhiên, trình tự sinh hoạt, là điều trẻ hoàn toàn thấu hiểu bởi chúng đã vô cùng quen thuộc. Những thói quen này mang đến cho trẻ cơ hội ngang bằng với các thành viên khác trong gia đình để biết chuyện gì đang xảy ra, chuyện gì có thể sẽ xảy ra tiếp theo. Nó khiến mọi người trong gia đình đều trở nên bình đẳng.
- Trình tự sinh hoạt giúp trẻ nhận thức được về thời gian. Hãy thử hình dung bạn làm việc trong một văn phòng không có đồng hồ cũng không có cửa sổ xem nào. Bạn sẽ cảm thấy mình bị mất phương phướng phải không. (Đây chính là cách các sòng bạc tại Las Vegas khiến bạn không ý thức được bạn đã chơi bạc trong bao lâu đấy). Trình tự sinh hoạt giúp trẻ nắm được lộ trình thời gian và dự đoán được việc gì sẽ làm tiếp theo: “Sau khi ngủ dậy, mình sẽ thay quần áo và ăn sáng. Ăn trưa xong, mình sẽ ngủ trưa” và những việc tương tự như vậy. Những trình tự này giống như đồng hồ đeo tay của trẻ vậy.
Giống nhau – nhưng khác biệt: Trình tự sinh hoạt thay đổi theo thời gian như thế nào?
Những trình tự sinh hoạt bạn thiết lập trong ngày giúp bạn và trẻ có thể vượt qua một ngày suôn sẻ nhất có thể, đồng thời nó cũng trở thành một phần trong ký ức tuổi thơ ngọt ngào của trẻ khi trưởng thành.
Chú tinh tinh đáng yêu và những người Nê-ăng-đéc-tan cao đến đầu gối (trẻ từ 12 đến 24 tháng tuổi)
Vào sinh nhật 1 tuổi, trẻ đã là một “chuyên gia” khám phá những khuôn mẫu sinh hoạt của mình (thay bỉm sau khi ngủ dậy, tắm trước khi đi ngủ…). Những khuôn mẫu sinh hoạt nhất quán luôn chứa đựng tình yêu thương và sự sẵn sàng của bạn giúp trẻ cảm thấy đủ an tâm để rời khỏi vòng tay an toàn của bạn và bắt đầu khám phá thế giới.
Những trình tự sinh hoạt có rất nhiều ý nghĩa đối với trẻ. Chúng giống như một hòn đảo chứa đựng những điều có thể dự đoán được giữa một đại dương đầy những thay đổi bất ngờ. Khi bạn 1 tuổi, cuộc sống là một ống kính vạn hoa với đầy đủ âm thanh, hình ảnh và cảm giác. Những trình tự sinh hoạt quen thuộc sẽ giúp bạn nhóm lại và sẵn sàng cho những điều thú vị tiếp theo. Ngay cả những trình tự sinh hoạt không bao gồm giấc ngủ (như ăn trưa hay đọc sách sau khi tắm) cũng giống như những “chặng nghỉ” trong một ngày bận rộn. Nếu không nhờ những tác động trấn an do trình tự sinh hoạt tạo ra thì những trải nghiệm mới thường sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng và choáng ngợp. (Một số trẻ có thể kiểm soát được điều này tốt hơn những trẻ khác – xem Chương 6)
Trẻ Thượng cổ tinh khôn (trẻ từ 24 đến 36 tháng)
Qua nhiều tháng, trình tự sinh hoạt có thể trở nên hơi nhàm chán đối với bạn nhưng chính sự nhất quán của chúng là những điều mà trẻ vô cùng trân trọng. Nếu trình tự sinh hoạt vốn đã rất hữu ích đối với trẻ 1 tuổi thì chúng lại chính là những phần thưởng bổ sung tuyệt vời cho trẻ 2 tuổi. Bên cạnh những lợi ích thông thường (an toàn, dễ chịu, thói quen giờ giấc), chúng còn đáp ứng được sự khao khát những điều dễ dự đoán được của trẻ chập chững dưới 3 tuổi.
Trẻ thượng cổ có khuynh hướng thích những thứ “giữ nguyên”. Sau khi cố gắng hết sức để làm sáng tỏ một điều gì đó, trẻ không muốn nó thay đổi bởi chỉ như vậy thì trẻ mới có thể tập trung sang những thứ khác. Trên thực tế, đôi khi trẻ có thể nổi xung lên vì một chút xíu thay đổi trái với những gì trẻ mong đợi. Sự thay đổi đấy có thể rất đơn giản, nhỏ nhặt – đối với chúng ta – như một chiếc bánh quy bị vỡ hoặc một vị khách nào đó vô ý ngồi vào chiếc ghế của bố.
Bạn cần nhớ rằng những người thượng cổ cũng không thích những thứ “mới mẻ và khác biệt”. Họ giữ nguyên kiểu dáng những công cụ bằng đá trong suốt hơn 100.000 năm! Joan – mẹ của Phillip – ngày nào cũng tự than thở vì bé Phillip 22 tháng tuổi luôn thức dậy lúc 6 giờ sáng và nài nỉ được xem bộ phim về máy kéo – hết lần này đến lần khác. Tuy nhiên, với bé, sự lặp lại này chính là niềm vui và hạnh phúc. Sự quen thuộc khiến bé cảm thấy mình thông minh và giỏi giang. “Mình biết tiếp theo sẽ làm gì!” – bạn có thể thường xuyên nghe thấy bé tự nói với mình như vậy trong sung sướng.
Vì thế, khi một em bé “tiền sử” đọc đi đọc lại một quyển sách, một đĩa CD, một loại đồ ăn, nhất định phải là chiếc đĩa ấy, cái cốc ấy, cái thìa ấy, phải được ngồi vào một chỗ nhất định, hoàn toàn không phải vì bé khó tính, mà bởi đó chính xác là những điều bé cần. Hãy giữ mọi thứ càng quen thuộc càng tốt hết ngày này qua ngày khác. Bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu “người bạn tiền sử tí hon” ngắt lời bạn khi bạn đang đọc cuốn Chúc mặt trăng ngủ ngon và muốn bạn đọc lại – từ trang đầu tiên.
Trẻ cư dân làng xã (trẻ từ 36 đến 48 tháng)
Nhận thức ngày càng rõ rệt về thế giới xung quanh có thể khiến trẻ 3 tuổi trở nên lo lắng và sợ hãi hơn. Những trình tự sinh hoạt mang lại cho trẻ cảm giác dễ chịu và an tâm, giúp trẻ hiểu rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Bé Mina, 3 tuổi, mặc bộ quần áo công chúa, đầu đội vương miện và đeo giày ba-lê chơi cùng với các bạn mỗi ngày. Arnie lại thích vô cùng bộ quần áo và mũ lính cứu hỏa đến nỗi cậu bé muốn mặc bộ đồ này ngay cả lúc đi ngủ!
Tuy nhiên, nếu như trẻ lên 2 đòi hỏi sự đơn điệu trong hầu hết mọi việc thì những “cư dân làng xã cổ đại” lại linh hoạt hơn rất nhiều. Đôi khi các bé cũng chấp nhận một vài thay đổi trong những trình tự sinh hoạt hằng ngày để khiến các thói quen ấy trở nên khó dự đoán hơn và do đó sẽ thú vị hơn. Ví dụ, trẻ có thể đòi mặc đi mặc lại một bộ quần áo hết ngày này sang ngày khác nhưng cũng có thể đột ngột thay đổi tình cảm tha thiết của mình với một bộ khác. Sự thay đổi này trở nên rất quan trọng. Trẻ 3 tuổi bắt đầu thích đọc những cuốn sách khác nhau vào các buổi tối thay vì đọc đi đọc lại một cuốn như trước. Và nếu bạn thường chỉ dùng một bài hát để báo cho bé biết đã đến giờ đi tắm thì nay thỉnh thoảng bạn nên thêm vào một vài từ thú vị, thậm chí ngốc nghếch, không ngờ tới, bé sẽ cảm thấy thích thú hơn rất nhiều!
Trình tự sinh hoạt của bạn là gì?
Trước kia, cuộc sống của trẻ chập chững thường chỉ có một số việc lặp đi lặp lại hết ngày này sang ngày khác. Trẻ đi ra ngoài cùng mẹ, gặp gỡ các bà mẹ khác, xem những đứa trẻ khác chơi, nhặt đá, nhặt cành khô hoặc bất cứ thứ gì hấp dẫn tầm mắt của trẻ.
Hiện giờ, cuộc sống của trẻ đã sôi động hơn rất nhiều. Một ngày bình thường của trẻ chập chững bây giờ thường đầy ắp những chuyến đi chơi – đến nhà trẻ, gặp người trông trẻ, tới chỗ các nhóm trẻ cùng chơi, đến các trung tâm thương mại, ra sân chơi – điều đó đồng nghĩa với việc trẻ được tiếp cận với rất nhiều âm thanh và hình ảnh đa dạng; không kể đến nhiều người và cảnh vật khác nhau qua cửa kính ô tô trên đường đến những địa điểm kể trên. Những việc diễn ra hằng ngày này có vẻ tẻ nhạt đối với chúng ta nhưng lại có sức kích thích rất lớn đối với tâm trí trẻ. Bởi thế, trình tự sinh hoạt có rất nhiều lợi ích với trẻ, chúng giống như những thời điểm yên bình xen vào giữa một ngày bận rộn – giống như những dấu phẩy giúp bạn nghỉ lấy hơi khi đọc một câu dài.
Một ngày của bạn diễn ra sôi nổi đến mức nào? Thời điểm nào trong ngày là lúc thích hợp nhất để bạn cho bé thực hiện trình tự sinh hoạt để con cảm thấy dễ chịu và có thể dự đoán trước?
Để bắt đầu trả lời cho những câu hỏi này, tôi gợi ý bạn hãy dùng một cuốn sổ tay trong vài ngày. Hãy viết ra tất cả những việc bạn sẽ làm với con. Bạn có thể dùng biểu mẫu dưới đây như một gợi ý:
Trình tự sinh hoạt không phải là sắp xếp thời gian biểu cho toàn bộ một ngày của trẻ mà không chừa lại chút thời gian rảnh rỗi nào. Tôi chỉ muốn gợi ý bạn liệt kê những việc sẽ làm trong ngày rồi xen kẽ vào đó những trình tự sinh hoạt mà con bạn có thể dựa vào để làm theo.
Có thể là hằng ngày, bạn vốn đã có rất nhiều hoạt động với trẻ trong cùng một khoảng thời gian và theo cùng thứ tự. Bạn hãy tìm cách để những trình tự sinh hoạt này (như đánh răng, thay quần áo, ăn uống và đi ngủ) trở nên thường xuyên và dễ đoán hơn. Ví dụ, những hoạt động trước giờ đi ngủ của bé có thường diễn ra theo thứ tự giống nhau không? Ngay trước và ngay sau bữa ăn bé thường làm gì? Với một số việc bạn vốn đang làm hằng ngày, giờ bạn có thể làm tốt hơn không? Bạn có thể thêm vào một số bài hát, điệu nhảy hoặc một vài thói quen đơn giản (như nhảy lên hai lần và quay một vòng sau khi đánh răng xong) để khiến những hoạt động thường ngày của bé được cân bằng với đúng trật tự và sự nhất quán hay không?
Một số nghi thức nhỏ giúp trình tự sinh hoạt trở nên thú vị hơn
Nghi thức là những hoạt động rất đặc biệt, giúp thiết lập những trình tự sinh hoạt rút gọn. Sáng tạo và luyện tập chúng thì rất thú vị. Sau đây là một số nghi thức mà nhiều cha mẹ cùng trẻ chập chững rất ưa chuộng:
▪ Hát một bài hát đặc biệt vào mỗi buổi sáng và vào buổi tối khi đánh răng. Diễu hành vòng quanh bàn ăn ba lần và vờ như đang gõ trống trước khi bắt đầu bữa ăn.
▪ Bật một bản nhạc cố định mỗi lần chở trẻ đi bằng ô tô. (Ít nhất thì đó là đĩa nhạc đầu tiên mà bạn và bé nghe trong ô tô, để bắt đầu chuyến đi cùng cảm giác thân quen.)
▪ Bảo trẻ đọc một câu “thần chú” trước khi bạn bấm nút mở cửa ga-ra hoặc cửa xe ô tô.
▪ Để trẻ xếp quần áo dự định mặc ngày hôm sau phẳng phiu dưới sàn nhà, dưới quần áo là giày và tất (như ma nơ canh đang mặc quần áo).
Còn nữa! Còn nữa! Những trình tự đặc biệt mà trẻ nhất định sẽ thích
Có thể chính bạn cũng đã có những thói quen nho nhỏ để một ngày của bạn trôi qua dễ chịu hơn, có thể là một tách trà muộn vào buổi sáng hoặc một cuộc gọi cho em gái vào mỗi sáng Chủ nhật. Những nghi thức nhỏ mà đặc biệt được thêm vào một ngày của trẻ nhỏ có thể giúp trẻ cũng cảm thấy dễ chịu tương tự như vậy. Đối với tôi, những thói quen mà trẻ chập chững thích nhất chính là mát-xa và những cử chỉ yêu thương, Khoảng thời gian đặc biệt, những lời động viên nhiệt tình, Nghi lễ Bắt đầu và Kết thúc – tôi sẽ mô tả những nghi thức này kỹ hơn ở Chương sau. Một hoặc vài điều trong số đó có thể sẽ rất phù hợp với con bạn.
Mát-xa cho trẻ: Sự vuốt ve diệu kỳ
“Mát-xa là thứ tình yêu có một hơi thở độc nhất vô nhị, thổi vào cả hai người.”
– Frederick Leboyer, bác sĩ sản khoa người Pháp, người tiên phong trong lĩnh vực mát-xa cho trẻ sơ sinh
Như tôi đã đề cập ở Chương trước, châm ngôn có câu: “Một đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng dòng sữa ngọt và những lời ngợi khen.” Nhưng nói rằng, một đứa trẻ được nuôi dưỡng nhờ dòng sữa ngọt và những ru vỗ ân cần cũng hoàn toàn chính xác. Sự vuốt ve – cũng giống như sữa – là nguồn “dinh dưỡng” dồi dào cho sự phát triển của trẻ. Trẻ vẫn có thể lớn lên nếu không được uống sữa, nhưng nếu thiếu những âu yếm yêu thương, thì có thể, trẻ sẽ phải trưởng thành cùng sự mất mát trong suốt cả cuộc đời sau này.
Mát-xa một chút vào mỗi buổi tối như một trình tự sinh hoạt sẽ là món quà tuyệt vời dành cho trẻ. Việc mát-xa giúp trẻ thư giãn cơ bắp đang phát triển, dạy trẻ cảm nhận được sự dịu dàng và gần gũi, tăng cường hệ miễn dịch, mang đến cho trẻ cảm giác bình tâm và giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, mát-xa cho trẻ cũng giúp bạn giảm căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi và làm tăng cảm nhận về bản thân bạn.
Hãy dành cho con thật nhiều, thật nhiều những vuốt ve, âu yếm! Càng ngày càng có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng da-tiếp- da mang lại những tác động vô cùng kỳ diệu đối với cả cha mẹ và con cái. Theo bác sĩ tâm lý Virginia Satir, trẻ cần được ôm ấp ít nhất bốn lần trong một ngày để có thể sinh tồn, tám lần để cảm thấy bình tĩnh và mười hai lần để lớn lên khỏe mạnh hơn.
Một nghiên cứu gần đây của trường đại học McGill tại Montreal đã khẳng định điều này. Câu hỏi được đặt ra là: “Nếu được ôm ấp, động vật có trở nên thông minh hơn không?” Các nhà nghiên cứu đã quan sát hai nhóm chuột sơ sinh. Nhóm thứ nhất được chăm sóc bởi những chú chuột mẹ “đầy tình yêu thương”, thường xuyên liếm láp và vuốt ve con. Nhóm thứ hai nhận được ít hành động thể hiện tình cảm như vậy hơn rất nhiều.
Khi những chú chuột con đã đủ lớn để được huấn luyện về cách vượt qua mê cung và giải quyết vấn đề, các nhà khoa học nhận thấy rằng nhóm chuột được ôm ấp tỏ ra thông minh vượt trội. Nhiều kết nối đã được hình thành tại phần não có vai trò quyết định đối với khả năng học hỏi của những chú chuột này (điều này cũng đúng trong trường hợp của người).
Ý nghĩa của câu chuyện này rất rõ ràng: Ôm ấp trẻ không chỉ khiến trẻ (và chúng ta) cảm thấy dễ chịu mà thậm chí còn giúp tăng chỉ số IQ của trẻ!
“Khi Abigail được một tháng tuổi, chúng tôi bắt đầu mát-xa cho bé vì bé rất nhạy cảm. Mát-xa giúp bé bình tĩnh hơn. Một thời gian ngắn sau đó, bé tỏ ra vô cùng vui vẻ khi nghe tiếng tôi thoa dầu mát-xa vào lòng bàn tay.
Chúng tôi đã duy trì việc mát-xa hằng ngày cho bé ngay từ tuổi sơ sinh. Giờ đây bé đã được 18 tháng, bé luôn đòi ‘Xoa dầu, xoa dầu!’ sau khi tắm xong. Đó là khoảng thời gian kết nối rất đặc biệt giữa chúng tôi. Điều tuyệt vời nhất là, mát-xa mang lại cho bé cảm giác an tâm từ bên trong khiến cho những ngày mệt mỏi nhất cũng kết thúc trong bình yên và thoải mái.”
Sau đây là 5 bước để mát-xa cho trẻ hiệu quả nhất:
1. Chuẩn bị để thư giãn. Ngay sau khi trẻ tắm xong, bạn hãy giảm bớt ánh đèn, tăng nhiệt độ phòng lên một chút – đó sẽ là dấu hiệu để hệ thần kinh của bé bắt đầu thả lỏng. Sau đó, hãy tháo những đồ trang sức bạn đang đeo, bật một đĩa nhạc êm dịu hoặc đĩa ghi những âm thanh tự nhiên và tắt điện thoại. Bạn hãy dùng tinh dầu thực vật (dầu hạnh nhân là một lựa chọn tốt) vài chiếc khăn mềm, để sẵn khăn giấy và bỉm của bé bên cạnh trong trường hợp cần đến.
2. Cùng trẻ thư giãn. Bạn hãy mặc đồ thun thoải mái, cởi đồ cho trẻ, đặt trẻ nằm trên giường hoặc thảm mềm trên sàn rồi ngồi xuống bên cạnh trẻ. (Nếu trẻ không muốn nằm, bạn có thể tiến hành mát-xa ngay khi trẻ đang ngồi). Bạn hãy đắp một chiếc khăn mỏng lên người trẻ để giúp trẻ giữ ấm. Hít thở sâu hai lần để sẵn sàng mang đến cho trẻ một trải nghiệm tuyệt vời; mát-xa không phải là một quy trình cứng nhắc, đó là một quá trình trao đổi cảm xúc. Bạn sẽ bắt đầu tập trung vào các đầu ngón tay mình, làn da mềm mại của trẻ và trái tim yêu thương của bạn sẽ hòa hợp một cách hoàn toàn tự nhiên.
Những lần mát-xa đầu tiên có thể chỉ diễn ra trong khoảng một hoặc hai phút nếu trẻ có vẻ không hợp tác. Nhưng bạn đừng lo lắng – khi cả hai đã trở nên quen với phương thức này, trẻ sẽ bắt đầu thư giãn và tận hưởng món quà mà bạn đang dành cho trẻ.
3. Nói với con bằng đôi bàn tay của bạn. Làm ấm tinh dầu bằng cách đổ dầu vào lòng bàn tay và xoa mạnh hai tay vào nhau. Sau đó, bạn có thể bắt đầu xoa mạnh phần cẳng tay và bàn tay trẻ. Bạn hãy mát-xa lần lượt từng chi của trẻ, cử động của bạn phải nhẹ nhàng, thả lỏng nhưng có lực (giống như khi nhào bột). Những động tác mát-xa dần dần lâu hơn, chậm hơn… giống như hơi thở điềm tĩnh. Hãy cố gắng để lúc nào một tay của bạn cũng chạm vào da thịt trẻ.
Bạn hãy dùng những vuốt ve thật mềm mại, lặp đi lặp lại trên bàn tay, cánh tay, lưng, chân, bàn chân, tai, mặt, ngực và phần bụng của trẻ. Hãy nhẹ nhàng xoay, kéo, làm giãn cơ và xoa bóp cơ thể trẻ. Cố gắng cảm nhận cách trẻ muốn. Xoay nhẹ tay và chân trẻ giống như bạn đang nhẹ nhàng vắt miếng bọt biển đẫm nước.
4. Nói với trẻ những lời yêu thương. Trong khi mát-xa, bạn hãy nhẹ nhàng nói với trẻ về những điều tốt trẻ đã làm trong ngày và khiến bạn hài lòng. Hãy nói cho trẻ nghe rằng bạn cảm thấy cơ thể trẻ khỏe mạnh và cứng cáp như thế nào. Hãy nói về ý nghĩa của việc ăn uống hợp lý, và về tình yêu bạn dành cho trẻ. Hãy cùng trẻ tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời này!
5. Làm theo những dấu hiệu chỉ dẫn của trẻ. Nếu trẻ bắt đầu tỏ ra bứt rứt, đó là dấu hiệu để bạn thay đổi cách mát-xa hoặc ngừng lại. Bạn nên lau phần tinh dầu còn lại trên da trẻ, có thể để lại một chút xíu để phần tinh dầu này nuôi dưỡng làn da trẻ.
Thói quen di động: Chăn và vật trấn an
Bé Natalie 3 tuổi rất thích cái chăn của mình (giờ chỉ còn là những mảnh vải). Bé thích để những miếng vải nhỏ vào miệng và tai phải.
Nhân vật Linus trong loạt truyện tranh kinh điển Peanuts luôn nắm chặt một chiếc chăn bên cạnh mình để cảm thấy an toàn. Chú bé tinh nghịch Calvin trong phim hoạt hình luôn mang theo chú hổ nhồi bông Hobbes đi khắp mọi nơi. Christopher Robin mang theo gấu Pooh. Trong những năm đầu của tuổi chập chững, rất nhiều trẻ hình thành một tình yêu đặc biệt dành cho một vật cụ thể như cái chăn, gấu bông hoặc búp bê. Nếu con bạn cũng giống như vậy thì bạn hoàn toàn có thể tin rằng mình là người may mắn.
Những vật thân thiết này của trẻ đôi khi khiến các bậc phụ huynh khó chịu. Một số cha mẹ lo sợ con sẽ bị bẩn, bị nhiễm khuẩn, thậm chí bị… lạc. Một số khác không muốn con duy trì điều này vì sợ rằng trẻ sẽ… mãi “trẻ con”. Nhưng hãy nhìn thẳng vào vấn đề, trẻ con vẫn cứ là trẻ con. Hơn nữa, bạn có tin không nếu tôi nói rằng những “người bạn” thân thiết này sẽ giúp giấc ngủ (và cả việc đi vệ sinh) của trẻ trở nên dễ dàng hơn? Giờ thì những đồ vật này trông thực sự giống như một điều tích cực ấy nhỉ!
Tôi khuyến khích bạn cho trẻ cơ hội để hình thành “mối quan hệ” với một chiếc chăn mỏng. Hãy cho trẻ một cái chăn để trẻ luôn mang theo bên mình suốt ngày suốt đêm. Bạn cũng hãy ôm chiếc chăn đó thật nhiều. Chiếc chăn sẽ mang hơi ấm và cả sức mạnh đầy ma thuật của một người mẹ.
Những món đồ giúp trẻ trấn tĩnh này giống như một sự thay thế khi người mẹ không ở bên cạnh. Đó là một bước chuẩn bị để chuyển tiếp giữa việc bé chỉ quen có mình cha/mẹ với việc bé làm quen với một người bạn thực sự đầu tiên. (Đó cũng là lý do tại sao những người bạn này còn được gọi là “đồ vật chuyển đổi”.) Chúng mang đến cho trẻ cảm giác về tình yêu thương và sự an toàn khi không có mẹ bên cạnh. Những chiếc chăn trấn an này giúp trẻ vượt qua mệt mỏi, sự vắng mặt của cha mẹ, những chuyến đi dài và cả trong trường hợp trẻ có thêm em, trong những tình huống đáng sợ, và trong những khoảnh khắc căng thẳng khác mà bạn có thể hình dung được (như những lần các bé đến chỗ tôi khám bệnh). Đến giờ đi ngủ, những “người bạn đầu tiên” này sẽ rất hữu ích trong việc giúp trẻ bắt đầu tách khỏi mẹ (để đi ngủ) và thư giãn.
Thực tế cho thấy, những người bạn thân đầu tiên này của trẻ không những không hề cản trở mà còn rất quan trọng trên con đường trưởng thành và tin tưởng vào bản thân của trẻ. Tôi đã từng gặp rất nhiều em bé luôn ôm khư khư miếng tã quần thun, những chiếc khăn đã cũ, một món đồ chơi gỗ, mớ tóc giả hay chiếc ô tô nhựa. Trong nhiều năm liền, cậu bé Alex luôn nhất định phải nắm chặt cái móc đồ chơi bằng nhựa của nhân vật thuyền trưởng Hook. Một số trẻ mẫn cảm thích ôm bất cứ vật gì mềm mại nhưng thường thì mỗi bé đều chỉ gắn bó với một vật đặc biệt.
Nếu con bạn đã gắn bó với một vật trấn an đặc biệt, bạn có thể tìm những thứ tương tự (nếu con thích chăn, bạn có thể cắt đôi cái chăn và viền lại) để phòng trường hợp vật trấn an ban đầu gặp vấn đề, bạn sẽ có thứ để thay thế. Bạn có thể tráo đổi hai thứ, dùng mỗi thứ trong một hoặc hai tuần chẳng hạn. Như vậy cả hai sẽ đều lưu giữ hơi ấm và cảm giác thân thương y hệt nhau.
Đừng bao giờ lấy đi những vật trấn an của trẻ như một hình phạt (dù chỉ là dọa dẫm). Làm như vậy không những không thể khiến trẻ chú ý đến bạn hơn mà còn khiến trẻ mất cảm giác an toàn, đồng thời khiến “người bạn thân” mà trẻ rất coi trọng và tin tưởng giảm bớt sức mạnh an ủi diệu kỳ nữa.
Ti giả, ngón cái và bình sữa
Mút là một trong những thói quen khiến trẻ chập chững cảm thấy dễ chịu và là điều hoàn toàn bình thường. Trong suốt hằng triệu năm, những đứa trẻ thượng cổ bú mẹ đến khi được 3, 4 tuổi. (Ngày nay nhiều trẻ ở khắp nơi trên thế giới vẫn làm như vậy.)
Ngày nay mẹ được khuyến khích tiếp tục cho trẻ cảm nhận niềm hạnh phúc khi được bú mẹ đến năm trẻ 1 hoặc 2 tuổi. Tuy vậy, rất nhiều bà mẹ khác vẫn cho trẻ ngậm bình hoặc ti giả, một số trẻ thì dựa vào chính bàn tay mình, bằng cách hình thành thói quen mút tay. Những trẻ này dựa dẫm vào việc mút ngón tay giống như những trẻ chập chững gắn bó với chăn hoặc gấu bông. Trong hầu hết các trường hợp, mút tay là một hành động khôn ngoan và là dấu hiệu của sự độc lập. Tuy nhiên vẫn còn một số vấn đề tiềm ẩn liên quan đến hành vi này của trẻ nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giúp bé tránh được những vấn đề này mà không cần phải bắt bé từ bỏ một thói quen tuyệt vời trong việc hỗ trợ bé tự trấn an bản thân.
Thói quen do di truyền
Bạn có biết rằng thói quen mút tay hoặc ti giả có nguồn gốc từ gen? Đây là một hành vi có tính di truyền giống như màu tóc hoặc tàn nhang. Trong một số trường hợp hữu hạn, mút tay mới là dấu hiệu của sự bất an hoặc cảm xúc non nớt.
Tránh những tác động tiêu cực của việc bú bình
▪ Bạn không nên đưa bình sữa cho trẻ khi trẻ đang nằm ngửa. Làm như vậy có thể khiến trẻ tăng nguy cơ bị viêm tai giữa. (Bạn có thể nâng đầu trẻ lên một chút bằng cách lót một tấm chăn đã gấp lại xuống phần đầu chiếu nằm của trẻ.)
▪ Không nên để trẻ ngậm bình quá lâu khi trẻ đã ngủ. Bú bình (sữa hoặc nước hoa quả) trong khoảng 30 đến 60 phút liên tục có thể ảnh hưởng đến răng trẻ.
▪ Đừng để trẻ vừa ngậm bình vừa đi lại. Trẻ nên dùng bình bú trong khoảng 20 phút, sau đó bạn cần lấy lại bình.
▪ Không nên đưa bình cho trẻ bất cứ khi nào trẻ khó chịu. Mặc dù cách này rất hiệu quả khi trẻ thực sự căng thẳng – như trong trường hợp trẻ có thêm em hoặc đang khó chịu trong người – thông thường, tôi chỉ để trẻ chập chững dùng bình khoảng 2 hoặc 3 lần một ngày. Trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu và việc này vẫn có tác dụng khuyến khích trẻ tự tìm cách khác để xoa dịu bản thân.
Tránh những tác động tiêu cực của ti giả và ngón cái
▪ Bạn nên tránh cho trẻ ngậm ti giả nếu trẻ thường xuyên bị viêm tai. Thay vào đó, hãy cho bé làm quen với một vật trấn an. Rất may là hầu hết những trẻ thích ngậm ti giả thường thích những tấm vải lụa, mềm mại.
▪ Khi trẻ được 3 hoặc 4 tuổi, bạn cần giúp trẻ cai ti giả để tránh vấn đề răng trẻ bị chìa ra. (Bản thân tôi thích cho trẻ dùng ti giả hơn là để trẻ mút tay bởi “cai” núm vú dễ hơn rất nhiều so với việc “cai” ngón tay.)
Khoảng thời gian đặc biệt: Cách tuyệt vời để có thật nhiều niềm vui trong một thời gian ngắn
“Mẹ chỉ biết đến con thôi!”
– Harry Waren và Al Dubin, Lời bài hát trong phim Dames, 1934
Bạn đã chơi cùng con hằng giờ, vậy tại sao trẻ vẫn đòi bạn khi bạn chỉ dành ra vài phút để gọi điện thoại hoặc cân đối chi tiêu? Đó là bởi vì:
▪ Nhận thức về thời gian của trẻ rất mờ nhạt. Khi trẻ vui chơi cùng bạn, thời gian cứ thế trôi đi, nhưng khi bạn để trẻ ở một mình, thời gian quánh lại như đường.
▪ Trẻ chưa sẵn sàng hòa nhập vào nhịp sống của thế giới hiện đại. Những khoảng thời gian “hoang dại” chưa bao giờ khiến trẻ buồn chán! Các con vật và những đứa trẻ chạy xung quanh, khám phá thiên nhiên và luôn có những người lớn thú vị ở bên cạnh. Khi chỉ còn một mình, chờ đợi bố mẹ là việc không thể buồn chán hơn.
▪ Trẻ bám bố mẹ. Bạn có rất nhiều việc quan trọng phải làm mỗi ngày nhưng trẻ thì chỉ có hai việc: khám phá thế giới và chơi cùng bạn. Thời gian ở cạnh bạn không chỉ mang lại cho trẻ niềm vui lớn nhất mà còn nuôi dưỡng nhận thức về bản thân cho trẻ. Trẻ nghĩ, nếu ngay cả vua và hoàng hậu trong nhà mình còn dành thời gian chơi với mình thì chắc chắn mình phải rất đặc biệt.
Sự thật là, các bậc cha mẹ (thậm chí cả những cặp vợ chồng son) cũng khó lòng cân bằng những trách nhiệm của gia đình và công việc (không kể đến việc phải tạo ra những nguồn vui mới cho cả nhà).
May mắn thay, có một cách cực kỳ đơn giản có thể giúp bạn vừa hoàn thành công việc của mình vừa vẫn dành được cho trẻ nhiều thời gian chỉ “mẹ-mẹ-mẹ” hoặc “bố-bố-bố” mà bé luôn khao khát. Tôi gọi khoảng thời gian này là “Thời điểm đặc biệt”. Thời điểm đặc biệt sử dụng một số thủ thuật được tôi mượn ý tưởng từ các phù thủy quảng cáo trên đại lộ Mandison để đảm bảo rằng con bạn có được tất cả những niềm hoan hỷ trong từng phút giây “chất lượng cao” bạn dành cho con.
Tất cả những gì bạn cần làm là dành ra khoảng 5 đến 10 phút, 2 hoặc 3 lần mỗi ngày để làm tất cả những gì trẻ muốn. Bạn hãy thông báo cho trẻ biết rằng đã đến Thời điểm đặc biệt bằng một câu hát sôi nổi: “Đã đến Thời điểm đặc biệt dành cho Tony!” Sau đó, đặt đồng hồ và dành cho con sự chú ý trọn vẹn. Khi chuông reo, bạn hãy nói: “Chà chà… Mẹ xin lỗi, con yêu, nhưng Thời điểm đặc biệt đã kết thúc rồi… Thật vui quá phải không?… Lát nữa (hoặc ngày mai) mẹ con mình sẽ lại dành Thời điểm đặc biệt với nhau nhé!”
Tôi hiểu, bạn có thể cảm thấy rằng thời gian như vậy là quá ít. Bạn vốn đang dành nhiều thời gian chơi cùng con hơn thế rất nhiều. Nhưng Thời điểm đặc biệt là một điều khác hẳn. Nó là một món quà, một phần thưởng thêm cho trẻ. Trẻ sẽ rất thích sự ưu đãi tuy ngắn nhưng đặc biệt này. Cách bạn nói về nó, cách bạn thông báo với trẻ về nó và sự chú ý trọn vẹn dành cho trẻ sẽ khiến trẻ thực sự cảm thấy trình tự này trở thành một khoảng thời gian đặc biệt thực sự.
Một số quy tắc đối với Thời điểm đặc biệt
▪ Hãy cố gắng thực hiện việc này vào một thời điểm nhất định mỗi ngày (không tính đến thời gian bạn dành cho bé trước giấc ngủ trưa hoặc giấc đêm của bé. Hai khoảng thời gian ngắn mỗi ngày sẽ có hiệu quả hơn một khoảng thời gian dài.
▪ Hãy dùng một chiếc đồng hồ hẹn giờ để thời điểm bắt đầu và kết thúc luôn được thông báo rõ ràng cho trẻ.
▪ Tránh làm gián đoạn. Bạn hãy cất điện thoại di dộng và máy nhắn tin đi.
▪ Quảng cáo về Thời điểm đặc biệt. Trong ngày, bạn hãy liên tục nói về khoảng thời gian này với trẻ, khiến trẻ hồi hộp chờ đợi và cảm thấy điều đó đặc biệt hơn. (“Một tí nữa thôi là đến Thời điểm đặc biệt dành cho con rồi đấy! Không biết hôm nay mẹ con mình sẽ chơi trò vui gì đây nhỉ?”)
▪ Bạn hãy nghĩ ra một câu nói thật ngộ nghĩnh để thông báo rằng Thời điểm đặc biệt đã đến và một điều tương tự để kết thúc, như ôm trẻ hoặc nhảy nhót với trẻ. Như vậy, khoảng thời gian này sẽ trở nên đặc biệt hơn, khác biệt với những hoạt động khác trong ngày.
▪ Hãy để con tự chọn hoạt động chơi. (Bạn có thể gợi ý nếu cần). Những hoạt động tương tác như đọc sách, cùng vẽ tranh, xây dựng, giả vờ đánh nhau, nhảy nhót hoặc đi tìm côn trùng là tuyệt vời nhất. Nếu trẻ nhất định đòi xem ti vi – tôi không khuyến khích việc này – bạn có thể bật một bộ phim với nội dung nhẹ nhàng về tự nhiên và thảo luận với trẻ trong lúc hai mẹ/bố con cùng xem với nhau.
▪ Bạn không nên dọa cắt bỏ Thời điểm đặc biệt. Khoảng thời gian này cực kỳ hữu ích, vào những ngày mọi chuyện có vẻ diễn ra không suôn sẻ. Khi ấy, nó sẽ trở thành cầu nối giữa hai mẹ con.
▪ Thời điểm đặc biệt không phải là sự thay thế những khoảng thời gian dài khác mà bạn đang dành cho trẻ. Nó là một phần thưởng thêm.
Nếu trẻ đòi bạn kéo dài thêm Thời điểm đặc biệt khi chuông đã kêu, bạn cần tỏ ra hiểu và thông cảm với bé nhưng cũng cần phải kiên quyết. Hãy nói với trẻ rằng bạn biết trẻ rất thích Thời điểm đặc biệt, nhắc cho trẻ biết khoảng thời gian tiếp theo sẽ diễn ra vào lúc nào, sau đó, hãy tỏ ra bận rộn với một việc nào đó khác.
Nếu đứa trẻ 2 tuổi của bạn đã thực sự có một ngày khó khăn, bạn cần linh hoạt khi áp dụng Thời điểm đặc biệt. Thêm một khoảng thời gian nữa sẽ giúp bé giữ vững sự hợp tác: “Con yêu, mẹ đang nghe điện thoại, nhưng khi chuông báo kêu, mẹ sẽ dừng lại và chúng ta sẽ lại có Thời điểm đặc biệt dành cho nhau nhé!” Hãy cố gắng dừng nói điện thoại sớm hơn bạn đã hứa. Điều này sẽ xây dựng sự tin tưởng ở trẻ và giúp trẻ hiểu rằng chờ đợi không phải là một việc quá khó.
Thời điểm đặc biệt là sự kết hợp hoàn hảo giữa trình tự sinh hoạt (biết chính xác việc đang làm), giải trí (liên tục tạo ra sự vui vẻ) và sự tôn trọng. Trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng khi bạn cho trẻ được lựa chọn hoạt động và khi bạn dành cho trẻ sự chú ý trọn vẹn. Dù chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đó là thời gian dành riêng cho trẻ và điều đó khiến trẻ vô cùng trân trọng nó.
Những lời khẳng định yêu thương: Chia sẻ với con sức mạnh của những suy nghĩ lạc quan
“Không có điều gì là tốt hoàn toàn hoặc xấu hoàn toàn, chỉ có suy nghĩ của chúng ta khiến chúng thành ra như vậy.”
– William Shakespeare, Hamlet
Ở Chương 9, tôi đã chỉ cho bạn cách tăng cường sự tự tin ở trẻ chập chững bằng cách dành cho trẻ một chút sự quan tâm và khen ngợi nhiều lần trong một ngày. Một cách thực sự hiệu quả để làm điều đó là thực hiện thêm một cách tiếp cận rất đơn giản được gọi là “Lời khẳng định yêu thương” trong trình tự sinh hoạt trước khi đi ngủ đêm của trẻ.
Lời khẳng định yêu thương là những lời nói mô tả điểm mạnh, những hành động tử tế và những điều thuộc về bản chất tốt đẹp của trẻ. Đó là món quà yêu thương bạn có thể thì thầm với trẻ trước khi đi ngủ. Thời điểm tốt nhất để dành cho trẻ những lời khen ngợi này là ngay trước khi đi ngủ đêm bởi đó là thời điểm trí não trẻ hấp thu tốt nhất những lời thuyết phục dịu dàng.
Những lời khẳng định yêu thương được thể hiện qua rất nhiều “vị” khác nhau.
▪ Nhẹ nhàng tán thưởng những điều nho nhỏ trẻ đã làm được trong ngày, như chia sẻ, lắng nghe, ăn hết phần ăn của mình hoặc đi đánh răng ngay khi bạn gọi.
▪ Nhẹ nhàng liệt kê những phẩm chất bạn trân trọng ở trẻ, nói với trẻ rằng trẻ là một đứa trẻ rất biết quan tâm hoặc luôn biết giúp đỡ hoặc bé hiểu cảm giác của người khác và biết đợi đến lượt mình.
▪ Hãy nói về những cảm xúc tốt đẹp và hạnh phúc mà bạn có khi bạn quan sát trẻ và rằng bạn yêu trẻ nhiều như thế nào.
▪ Hãy nói về ngày hôm sau và tất cả những việc thú vị mà bạn dự định sẽ làm.
▪ Hãy gợi ý với trẻ rằng những điều tốt đẹp có thể sẽ sớm đến với trẻ trong suốt cuộc đời: “Con biết không, mẹ sẽ không ngạc nhiên nếu…!”
Mẹo để trở thành người trao đi những lời khẳng định yêu thương tuyệt nhất khu phố
1. Đừng lo lắng nếu trẻ không hiểu tất cả những từ bạn nói – ngay cả khi trẻ không hiểu, thì trẻ cũng vẫn có thể hiểu được cảm xúc chứa đựng trong những lời nói ấy. Thực hiện hoạt động này trong hoặc sau khi bạn đã ôm ấp hoặc mát-xa cho trẻ.
2. Đừng phóng đại những điều bạn nói. Trẻ 3 tuổi bắt đầu hoài nghi về những lời khen được phóng đại. Những “lời khẳng định yêu thương” của bạn cần được nói giảm đi – giống như một ngọn nến dịu dàng đẹp đẽ chứ không phải một màn pháo hoa rực rỡ.
3. Hãy cụ thể. Ví dụ, bạn nên nói: “Mẹ thích tất cả những phần màu đỏ trong tranh vẽ của con” thay vì nói một cách chung chung như “Con vẽ đẹp quá!”
Nghi thức mở đầu và kết thúc: Thói quen hít thở tĩnh tâm
Đã bao giờ bạn mệt mỏi đến mức phải tự nói với mình: “Được rồi, hít một hơi thật sâu nào!” Khi chúng ta căng thẳng, sợ hãi hoặc đau đớn, chúng ta tự động co rúm lại và khó thở. Càng để lâu, những căng thẳng đó có thể dẫn tới đau đầu, rối loạn cảm xúc, cao huyết áp và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Vì thế, khả năng kiểm soát căng thẳng có thể được coi là một tài năng tuyệt vời. Trong văn hóa của nước Mỹ, mọi người thường chọn một trong hai cách sau để giải tỏa căng thẳng – thư giãn (như nằm ngủ) hoặc tìm cách phân tâm khỏi nguyên nhân gây căng thẳng (như xem ti vi). Nhưng cơ thể chúng ta vẫn có một cách thứ ba, đó là nhờ vào năng lực tự nhiên vốn có để làm giảm các mức độ căng thẳng – rất đơn giản, đó là bằng cách thở! Thở sâu, chậm rãi sẽ giúp chúng ta nhanh chóng lấy lại bình tĩnh. Điều này đúng với cả trẻ chập chững.
Tất nhiên, bạn sẽ khó có thể yêu cầu đứa trẻ “hoang dã” thích la cà ngang dọc của mình phải ngồi yên một chỗ trong vòng 10 phút để thiền hay cầu nguyện. Nhưng có một cách rất tuyệt vời để dạy trẻ tập thở sâu, đó là một trò chơi tôi đặt tên là “Nghi thức mở đầu và kết thúc” (cái tên bắt nguồn từ một phần trong các hoạt động lễ hội tại Thế vận hội Olympic).
Các trận đấu tại Thế vận hội Olympic luôn được khai mạc và bế mạc bằng một đợt diễu dành của các vận động viên và cờ của các nước. Đây là nghi thức tĩnh diễn ra ngay trước khi bắt đầu và ngay sau khi kết thúc trận đấu. Tôi gợi ý các bạn tập thở sâu theo cùng một quy trình diễn biến như vậy. Hãy bắt đầu trình tự thở điềm tĩnh ngay trước và sau một trò chơi năng động nào đó. Như vậy, “người bạn tiền sử” của bạn sẽ học cách nhanh chóng chuyển từ trạng thái “hoang dã” sang ổn định, bình tĩnh. Cũng giống như những bài tập khác, trẻ càng luyện tâp thường xuyên kỹ năng tự trấn tĩnh, trẻ càng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh hơn. Bạn sẽ sớm thấy trẻ trở nên văn minh hơn, tự tin hơn, độc lập hơn và điều chỉnh cảm xúc tốt hơn.
Bạn vẫn còn băn khoăn? Tôi sẽ chỉ cho bạn biết chính xác chúng ta cần làm gì. (Bạn hãy cố gắng theo dõi kỹ, vì đây thực sự là một thói quen tuyệt vời!)
Cách thực hiện Nghi thức mở đầu và kết thúc
Đầu tiên, bạn cần dạy trẻ cách thở sâu (trẻ từ 30 tháng tuổi trở lên là tốt nhất):
▪ Môi tạo hình chữ O nhỏ, tròn trịa, thở ra hít vào sao cho bạn nghe thấy âm thanh rõ ràng kèm theo mỗi nhịp thở. (Mỗi nhịp thở phải tạo ra âm thanh như tiếng rít và kéo dài trong khoảng sáu giây).
▪ Khi hít vào và thở ra, bạn dùng tay để mô phỏng nhịp thở. Chậm rãi nâng tay lên rồi hạ tay xuống đều đặn theo từng nhịp. (Xem tranh minh họa).
Bạn không nên vội vàng khi dạy con luyện tập tất cả những điều này. Trong khoảng một tuần đầu tiên, bạn chỉ nên cùng con tập hít thở vài lần trong ngày khi con đang ngồi cùng bạn. Trẻ sẽ tò mò và muốn bắt chước mẹ.
Bạn có thể thấy âm thanh tạo ra trong khi hít thở và cử động đôi bàn tay của bạn sẽ giúp bé hiểu bạn đang làm gì. Một số cha mẹ thậm chí còn hướng dẫn trẻ chập chững trên 3 tuổi để tay trong tư thế cầu nguyện, sau đó chậm rãi nâng tay lên khi hít vào và hạ tay xuống khi thở ra. Nếu con bạn gặp khó khăn trong việc giữ nhịp thở chậm rãi, bạn có thể để con ngừng tập khoảng một tháng sau đó thử lại.
Tiếp theo, hãy giúp trẻ tập hít thở:
▪ Bạn hãy ngồi đối diện với trẻ và dùng tay hướng dẫn trẻ qua từng nhịp thở. Hướng dẫn trẻ khoảng hai hoặc ba nhịp và thưởng cho trẻ những lời khen nhỏ: “Chà, con thở tốt lắm!”, “Con làm theo tay mẹ rất tốt!” Vào một lúc nào đó khác trong ngày, bạn có thể dùng chiến thuật tán gẫu để khen ngợi trẻ với bạn đời của bạn hoặc với chú gấu bông của trẻ.
▪ Khi trẻ đã nắm được cách hít thở sâu, bạn hãy cùng trẻ thực hiện việc luyện tập này ngay trước và sau một hoạt động sôi nổi, hào hứng như chơi đuổi bắt, chơi đấu vật, chơi đấu gối, hoặc “chiến đấu” bằng những tờ báo cũ cuộn lại. Phần thưởng dành cho trẻ khi thực hiện được những nhịp thở này cùng bạn chính là một ngày tràn ngập những trò chơi thú vị.
▪ Bạn hãy dùng một chiếc đồng hồ tính giờ để giới hạn thời gian chơi trong khoảng năm phút. Nếu trẻ phản đối, hãy nói: “Con yêu, mẹ biết con muốn chơi nữa… trò này rất thú vị… nhưng bác Bing Boong vừa nói: ‘Đã hết giờ rồi.’ Mẹ con mình cùng tập vài nhịp thở, sau đó chúng mình lại chơi đấu vật nhé!”
▪ Khi bắt đầu, bạn chỉ cần hướng dẫn trẻ tập một hoặc hai nhịp thở sâu. (Sau vài tuần, bạn có thể tăng lên bốn hoặc năm nhịp khi ngồi cùng trẻ.)
Một bí quyết để việc thở sâu phát huy hiệu quả tối đa là nhịp thở ra phải dài hơn nhịp hít vào. Bạn hãy thử hít thở sâu ngay bây giờ. Bạn sẽ thấy là nhịp hít vào thường lâu hơn nhịp thở ra. Nhưng bí quyết để có nhịp thở điềm tĩnh, thư thái nằm ở việc học cách thở ra càng từ từ, chậm rãi càng tốt.
Hầu hết trẻ chập chững sẽ cảm thấy bối rối khi được yêu cầu thở ra từ từ. Vì thế, dùng tay để hướng dẫn trẻ sẽ rất hiệu quả. Một cách khác để dạy trẻ 3 tuổi cách thở ra chậm rãi là cho trẻ thổi bong bóng – đây là cách được tiến sĩ tâm lý trẻ em Edward Christophersen áp dụng. Như có thể bạn đã nhận thấy, nếu bạn thở mạnh khi thổi vào ống thổi bong bóng, bạn sẽ chỉ thổi được một vài quả bóng nhỏ. Nhưng nếu bạn thở ra thật từ từ, chậm rãi, bạn sẽ thổi được một dải bong bóng dài với vô số quả bóng nhỏ li ti. Một khi con bạn đã nắm được kỹ thuật này, trẻ sẽ có thể thực hành hít thở ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào chỉ bằng cách vờ như đang thổi bong bóng!
Tôi còn dùng một cách khác để giúp những trẻ chập chững lớn học cách thở ra từ từ đó là bằng cách dùng một dải giấy vệ sinh một lớp dài khoảng 8 cm. Khi thở ra, tôi giữ một đầu mẩu giấy ở gần miệng (ngay trên môi trên). Trẻ có thể dễ dàng thấy rằng nhịp thở ra của tôi càng chậm thì mẩu giấy phất phơ càng lâu. Sau đó, trong khi chậm rãi đếm, tôi để trẻ thấy rằng trẻ có thể giữ mẩu giấy bay nhẹ như vậy trong bao lâu chỉ với một nhịp thở.
Khi trẻ đã dễ dàng thực hiện hít thở sâu, bạn hãy giúp trẻ áp dụng kỹ thuật này để giúp bé bình tĩnh khi bé đang bực bội. Trước tiên, hãy dùng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Ví dụ, bạn nói: “Con chó to đó thật ĐÁNG SỢ!!” Con nói: “Không, không, KHÔNG! Đi đi, chó! Đi đi!” Khi trẻ đã bắt đầu dịu lại, bạn có thể cùng trẻ thực hiện các nhịp thở sâu để con thực sự bình tĩnh.
Thở sâu để mở đầu và kết thúc giúp trẻ có khả năng tự kiểm soát bản thân. Trẻ đã biết cách bật tắt công tắc đèn, giờ đây trẻ có thể học để biết cách bật tắt “công tắc hoạt động” của chính bản thân mình.
Thở sâu là một thói quen có hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích tích cực cho sức khỏe. Một khi con bạn đã thành thạo hít thở sâu, kỹ năng sống đáng giá này sẽ luôn giúp ích cho bé mỗi khi con sợ hãi, buồn bã, lo lắng hay khổ đau.
Một số mẹo khác dành cho Nghi thức mở đầu và kết thúc
▪ Bạn hãy cố gắng luôn luôn thực hiện nghi thức này vào cùng một thời điểm, tại cùng một nơi; trẻ sẽ bắt đầu cảm thấy cảm giác gắn kết một chỗ ngồi hoặc một địa điểm cụ thể với cảm giác thư thái, bình yên. Điều này sẽ khiến trẻ đạt tới trạng thái thư giãn nhanh hơn. Khi trẻ đã làm tốt, bạn có thể thực hiện hít thở sâu bất cứ nơi nào bạn muốn.
▪ Hãy cùng trẻ tập luyện vài lần trong tuần. Càng tập luyện nhiều, trẻ sẽ càng làm tốt hơn. (Cuối cùng, trẻ sẽ có thể làm được điều này ngay cả khi trẻ đang căng thẳng.)
▪ Khi trẻ bắt đầu học một kỹ năng nào đó, sẽ dễ dàng hơn nếu để trẻ tiếp thu vào thời điểm trước giấc ngủ trưa hoặc vào đầu buổi tối, khi trẻ đã tương đối thư giãn.
▪ Đừng bao giờ gây áp lực bắt trẻ phải hít thở sâu. Nếu trẻ phản đối, bạn chỉ cần thỉnh thoảng nhắc trẻ rằng trẻ phải thực hiện “những nhịp thở ma thuật” nếu trẻ muốn được chơi trò chơi. Nếu trẻ vẫn phản đối, bạn có thể nói những câu như: “Thôi được rồi, lát nữa mẹ con mình sẽ chơi đấu vật! Không biết là ai sẽ thắng nhỉ?”, sau đó lờ bé đi trong khoảng một hoặc hai phút.
▪ Bạn không nên cảm thấy nản lòng nếu trẻ không thể nhanh chóng tiếp thu phương pháp này. Thông thường, sau khoảng từ 5 đến 10 lần cố gắng, trẻ mới bắt đầu hiểu được cách làm.
Vui chơi: một trong những nền tảng của cuộc sống
“Chơi là tất cả.”
William Shakespeare, Hamlet
Vui chơi kích thích hệ miễn dịch của trẻ
Những tràng cười giòn giã sẽ kích thích hệ miễn dịch của trẻ và xóa bỏ những tác động tiêu cực do trạng thái căng thẳng mang lại. Ngay cả đối với người lớn, cười cũng là một liệu pháp giúp chống chọi với nhiều bệnh hiểm nghèo như viêm khớp và ung thư. Nhưng nếu như những đau đớn bệnh tật này hiếm khi xuất hiện ở trẻ em thì căng thẳng lại hoàn toàn khác. Tất cả chúng ta đều trải qua trạng thái tâm lý đó – kể cả trẻ chập chững. Đối với trẻ chập chững, căng thẳng có thể xuất hiện khi trẻ bị tách khỏi bố hoặc mẹ để đến trường, một cơn ăn vạ do trẻ không muốn ngồi trong xe đẩy mua sắm, cũng có thể chỉ do trẻ nhìn thấy một con chó dữ tợn nơi góc phố.
Chơi là biện pháp tức thời để giúp trẻ bớt căng thẳng. Làm sao chúng ta biết rằng giúp trẻ hạnh phúc hơn và khỏe mạnh hơn lại có thể vui đến thế?
Về cơ bản, giải trí giúp trẻ “tái tạo” niềm hoan hỷ, sự khỏe mạnh và sự toàn vẹn mà trẻ vốn có ngay từ khi sinh ra. Chính vì những lợi ích tuyệt vời này, tôi cho rằng đối với trẻ, chơi chính là nguồn vitamin thiết yếu nhất. Trẻ cần được bổ sung thật, thật nhiều loại vitamin này mỗi ngày.
Chơi…
- Kích thích các giác quan
- Giúp trẻ thành thạo các cử động cơ thể
- Phát triển trí óc
- Kích thích khả năng sử dụng ngôn ngữ
- Rèn kỹ năng kết bạn
- Tăng cường hệ miễn dịch
- Xây dựng sự tự tin
- Tăng chất lượng giấc ngủ đêm
Hình thức chơi nào được trẻ chập chững ưa thích nhất?
Tất nhiên rồi, những người Nê-ăng-đéc-tan cổ đại không cần phải xếp lịch hẹn cùng chơi cho trẻ con làm gì. Đối với họ, cuộc sống vốn đã là một chuỗi những ngày lễ hội – gió thổi, thời tiết thay đổi, cây cối, chim muông, trẻ con và cả những loài động vật trong bộ lạc. Thế giới ấy cũng giống như thế giới mà trẻ chập chững ngày nay muốn được trải nghiệm. Chúng không biết rằng hàng trăm năm trước (so với thời gian cũng chỉ như một cái chớp mắt), loài người đã sống trong những căn nhà kín gió với những tấm thảm trải sàn đơn điệu, nếu có thì cũng sống cùng rất ít người hoặc thú cưng. Vậy nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy khuôn mặt lũ trẻ bừng sáng và chúng kêu lên sung sướng mỗi khi thấy một em bé hay một chú cún con đi ngang qua.
Sự đa dạng chính là gia vị của cuộc sống. Trẻ cần một chế độ vui chơi cân bằng gồm những trải nghiệm vui chơi đòi hỏi vận động thể chất; âm nhạc và những bài hát; những trò chơi mang tính nghệ thuật (chơi với đất sét, cắt dán giấy, vẽ bằng màu sáp và bằng ngón tay); chơi giả vờ (bao gồm chơi búp bê, khủng long đồ chơi và chơi trò hóa trang); các trò chơi mô phỏng (bao gồm các đồ chơi mô phỏng vật dụng trong gia đình như nồi, chảo, thậm chí cả chổi); và các trò chơi cảm giác (chơi với cát, nước, đất sét).
Tất cả những gì liên quan đến vui Chơi có thể viết riêng thành một cuốn sách. (Bạn có thể tham khảo hai cuốn Playful Parenting của Lawrence Cohen và Gymboree Toddler Play của Wendy Masi để biết thêm những ý tưởng để chơi cùng trẻ.) Tuy nhiên, có một số hình thức vui chơi mà tôi đặc biệt thấy thích hợp và cần thiết cho mọi trẻ chập chững – bạn có thể cùng trẻ thực hiện mỗi ngày: hoạt động ngoài trời, trò chơi sáng tạo và đọc sách.
Hoạt động ngoài trời: Tại sao trẻ chập chững lại “phát điên” khi bị “nhốt” trong nhà cả ngày?
Bạn có nhớ ngày bé mình từng lăn lộn trên thảm cỏ, từ đỉnh đồi xuống chân đồi không? Nhảy qua những vũng nước mưa? Nhảy vào một đống lá khô? (Số ít người lớn vẫn còn có thời gian để làm những việc này). Những quang cảnh tuyệt vời ngoài trời là một thế giới thần tiên đối với trẻ. Đó là nơi trẻ có thể thấy những thay đổi liên tục không ngừng của ánh sáng, âm thanh, cảnh vật, các kết cấu – và cả những đứa trẻ khác! Chắc bạn hiểu rõ cảm giác muốn bước chân ra ngoài và hít một hơi thở trong lành là như thế nào. Này, trẻ chập chững không chỉ muốn không khí trong lành – các con khao khát điều đó. Một đứa trẻ 2 tuổi phải loanh quanh trong nhà cả ngày sẽ chẳng khác nào Tarzan bị nhốt trong áo trói cả.
Bạn hãy nỗ lực hết mình để lịch trình hằng ngày của trẻ luôn bao gồm thời gian vui chơi ngoài trời. Đừng lo lắng vì thời tiết quá lạnh hay quá nóng, quá ẩm ướt hay tuyết rơi quá dày. Chúng ta may mắn vì có đủ quần áo ấm, ủng đi mưa và quần áo từ những loại vải đặc biệt giúp chống lại ảnh hưởng của tia UV. Trừ trường hợp thời tiết quá khắc nghiệt, không ngày nào là “ngày xấu trời” để đưa trẻ ra ngoài. Trên thực tế, mưa, gió và tất cả những hình thái thời tiết khác đều khiến chuyến đi chơi trở nên thú vị hơn!
Trò chơi sáng tạo: Tác phẩm giải trí có tên trí tưởng tượng
Những bức tranh trong các hang động không phải là bằng chứng duy nhất chúng ta tìm thấy về tư duy nghệ thuật của người tiền sử. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy những chuỗi hạt và những bức tượng nhỏ được chạm khắc có tuổi thọ lên tới 40.000 năm. Hẳn phải có một yếu tố nào đó đã kích thích những “Picasso thời nguyên thủy” này khiến họ muốn và có thể tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Yếu tố đó chính là sự tưởng tượng!
Chiếc bàn di chuột của tôi có hình Albert Einstein và câu nói nổi tiếng của ông “Trí tưởng tượng quan trọng hơn tri thức”. Trí tưởng tượng là những nét sắc sảo đầy sáng tạo của trí tuệ. Đó là chìa khóa dẫn tới những tiến bộ vượt bậc của con người về khoa học và nghệ thuật. (Và vì lý do này, tôi thực sự đau lòng khi thấy sự vắng mặt của các lớp học nghệ thuật tại các trường học. Mặc dù khoa học và toán học là những môn quan trọng, nhưng theo Thomas Edison – người phát minh ra bóng đèn điện – thì sự sáng tạo mới là yếu tố cốt lõi của thiên tài).
Bạn hãy cố gắng để nghệ sĩ tí hon của mình tiếp cận với càng nhiều dụng cụ nghệ thuật càng tốt. Đừng quan tâm đến chuyện hướng dẫn trẻ làm sao để vẽ một người hay một chú mèo. Hãy để tinh thần sáng tạo kì diệu của bé được tự do. Ngay cả khi tác phẩm của bé trông chỉ giống như một đốm màu, bạn cũng vẫn nên thư giãn đầu óc để có thể nói điều gì đó tích cực, như “Ồ, con vẽ thật nhiều hình tròn! Mẹ rất thích hình tròn đấy!”
Thiên thần của bạn thích búp bê hay xe tải?
Tại sao những bé trai thượng cổ 2 tuổi lại thích xe tải? Và tại sao những bé gái Nê-ăng-đéc-tan 18 tháng tuổi thích gấu nhồi bông? Chúng ta có chung một câu trả lời cho cả hai câu hỏi trên, đó là: sự tiến hóa.
Các bé trai thích những món đồ chơi có tính hành động do sự di truyền qua nhiều thế hệ liên quan đến vận động. Những người đàn ông thuộc Thời kỳ Đồ đá phải chạy và tìm kiếm thức ăn. Họ được định sẵn là sẽ săn đuổi và bắt những loài động vật đang chuyển động. Các bé gái có khuynh hướng thích những món đồ chơi mà bé có thể “chăm sóc”. Đó là do tính di truyền từ những tổ tiên phụ nữ Thời kỳ Đồ đá. Phụ nữ chăm lo nhà cửa và con cái. (Tôi cho rằng những lý giải này có ý nghĩa khoa học, tuy nhiên, bạn cũng đừng hỏi tôi nguồn gốc gen nào khiến các bé gái lại thường mê mẩn màu hồng nhé!)
Có phải điều này có nghĩa là bạn chỉ nên để các bé trai chơi xe tải và các bé gái chỉ được chơi búp bê? Tất nhiên là không. Nhưng bạn cũng không thể phớt lờ những ảnh hưởng di truyền của hằng triệu năm này. Vì thế, nếu bạn thấy bé gái của bạn thích món đồ chơi “kinh điển” này thì đó chính là thứ bạn nên đưa cho bé!
Mỗi khoảnh khắc sáng tạo dù là nhỏ nhất cũng như những sáng tạo mà trẻ bộc lộ với bạn đều cần được khuyến khích, động viên. Điều đó sẽ khiến trí tưởng tượng của trẻ thăng hoa và trở thành một công cụ phi thường rất có ích cho trẻ trong suốt cuộc đời.
(Ngoài ra, câu nói đầy đủ của Einstein trên bàn di chuột của tôi là: “Trí tưởng tượng quan trọng gấp nhiều lần trí thức. Trong khi tri thức thể hiện những gì chúng ta đã biết và hiểu rõ, trí tưởng tượng thể hiện tất cả những gì chúng ta có thể khám phá và sáng tạo).
Chơi với sách: Đọc sách cũng là sự nuôi dưỡng
Nếu bạn muốn trẻ có trí não thông minh và khỏe mạnh, bạn cần giúp trẻ nuôi dưỡng nó! Một trong những cách tuyệt vời nhất để nuôi dưỡng não bộ chính là qua việc đọc sách. Mấu chốt của việc đọc sách cho trẻ từ 1 đến 4 tuổi là đọc với trẻ, không phải là đọc cho trẻ. Em bé năng động 18 tháng tuổi của bạn có thể đã quá bận rộn trong suốt cả ngày và khó lòng ngồi yên với một cuốn sách. Vậy thì bạn hãy chọn một thời điểm khi con đã thấm mệt và có vẻ sẽ kiên nhẫn hơn để tập trung vào những hình ảnh hoặc lật giở những trang sách. Bạn hãy cố gắng liên tục nói về những thứ bạn thấy trong sách: “Con nhìn bạn chó này! Bạn chó nói gì nhỉ?” (Đối với trẻ 1 tuổi thích “phá” những trang sách thì những cuốn sách có các trang bằng bìa cứng là phù hợp nhất. Còn nữa, bạn cũng sẽ không phải nhắc nhở trẻ liên tục rằng không được xé sách.) Đối với những trẻ đặc biệt hiếu động, hãy biến cuốn sách thành một trò chơi: “Được rồi, con hãy giả vờ làm một chú cún giống như bạn cún trong sách này. Bạn cún ơi, mang cho mẹ khúc xương của con nào! Được rồi, bây giờ mình sẽ xem có tìm thêm được con vật nào nữa không nhé!”
Đối với trẻ 2 tuổi, có xu hướng thích những điều quen thuộc có thể sẽ rất nhiệt tình phản đối nếu bạn đọc thiếu dù chỉ một từ thôi trong một câu mà bé đã thuộc lòng: “Không, không – Mẹ đọc sai rồi!” Bé không chỉ coi đó là quy tắc mà bé còn muốn bạn cũng phải làm theo đúng như vậy!
Những trẻ 3 tuổi sẽ thích những câu chuyện về những vùng đất khác, con người khác. Trẻ có thể hỏi những câu hỏi về chuyện gì đang xảy ra trong cuốn sách và thậm chí muốn tiếp tục nói về điều đó sau khi đọc sách xong. Trẻ cũng là một người kể chuyện tài tình theo cách riêng của trẻ. Có thể bạn sẽ thường xuyên nghe thấy trẻ đọc lại những câu quen thuộc trong cuốn sách mà bạn hay đọc với bé cho búp bê hoặc thú nhồi bông của bé.
Đọc sách với trẻ sẽ nuôi dưỡng trí não và kích thích trí tưởng tượng của trẻ. Nhưng bạn đừng đọc sách chỉ vì muốn trẻ thông minh hơn. Hãy đọc sách cho trẻ vì đó là một cơ hội tuyệt vời để bạn và trẻ có thể xích lại gần nhau, gần nhau về cả trái tim và tâm hồn!