“Kỷ luật lơi lỏng sẽ làm hư trẻ.”
– Tiến sĩ T. Berry Brazelton
Những nội dung chính
▪ Việc của trẻ chập chững là vượt những giới hạn. Việc của bạn là khuyến khích điều đó với sự tôn trọng.
▪ Tại sao đôi khi trẻ lại cư xử “tồi”?
▪ Làm sao để thiết lập giới hạn cho trẻ mà vẫn tôn trọng trẻ?
▪ Lối rẽ chứ không phải rào chắn: Cách đánh lạc hướng và thuyết phục, trao đổi để trẻ hợp tác.
▪ Hình phạt hoàn hảo dành cho trẻ tiền sử: Khi nào nên phớt lờ, tước bỏ quyền lợi và cách ly?
Thiết lập giới hạn: Làm sao để hướng dẫn con đi trên đường đời?
Nhiệm vụ đầu tiên của bất kỳ bậc cha mẹ nào là mang đến cho con tình thương yêu, nguồn dinh dưỡng tốt và một chốn an toàn. Nhưng khi trẻ bắt đầu chập chững, cha mẹ còn có một nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều, đó là: thiết lập giới hạn. Vào thời điểm này, đứa trẻ “tiền sử” đáng yêu của bạn cần hiểu rằng bạn sẽ trách mắng nếu bé đập cửa sổ, chạy lăng xăng trên đường phố hoặc ăn thức ăn dành cho chó.
Những giới hạn chứa đựng tình yêu thương mà bạn đặt ra cho trẻ sẽ là kim chỉ nam giúp trẻ đi hết cuộc đời. Nó giống như những bức tường viền quanh con đường mà con bạn sẽ đi. Bạn có thể xây những bức tường ấy liền nhau (những giới hạn nghiêm khắc cùng rất nhiều quy tắc) hoặc xa nhau (những giới hạn bớt cứng rắn với rất nhiều sự linh động). Nhưng tôi biết giới hạn bạn thiết lập sẽ phần nào giống như những bức tường rào, bởi sự hiếu động và tò mò không ngừng tăng lên ở trẻ sẽ buộc bạn phải làm như vậy.
Những giới hạn bạn đặt ra sẽ giúp trẻ phân biệt đúng, sai, tại sao lại nguy hiểm… Nhưng tất nhiên, chẳng có đứa trẻ nào một mực ngoan ngoãn đi theo con đường an toàn mà bạn đã vạch sẵn cho bé. Trẻ sẽ đi thẳng về phía bức tường và kiểm tra nó bằng cách xô đẩy nhiệt tình. Nếu bức tường (những giới hạn của bạn) chắc chắn, trẻ sẽ sớm bỏ cuộc và tiếp tục đi theo con đường. Nhưng nếu bức tường ấy không đủ vững, trẻ sẽ cố sức đẩy và đẩy cho đến khi có thể thoát ra và bạn sẽ phải quyết định mạnh tay hơn nữa.
Có thể bây giờ trẻ sẽ phản đối những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ, nhưng về lâu dài, giới hạn đó giúp trẻ hạnh phúc hơn. Trẻ sống trong môi trường không có giới hạn thường mất kiểm soát, cảm thấy không an toàn và thậm chí cảm thấy không được yêu thương. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu trẻ cứ luôn thúc ép bạn cho đến khi bạn buộc phải làm điều gì đó để giới hạn trẻ. Và đó cũng mới chỉ là một trong những lý do tại đứa trẻ đáng yêu của bạn lại có thể đột ngột trở nên đòi hỏi vô cùng!
Vượt giới hạn: Tại sao trẻ ngoan ngoãn vẫn cư xử “tồi”?
Chúng ta hãy dành vài phút để bàn về 6 lý do tại sao ngay cả những đứa trẻ đáng yêu nhất đôi khi cũng “nổi loạn” trước những quy tắc và giới hạn mà cha mẹ đặt ra:
1. Trẻ sẽ không thể khám phá nếu không phá vỡ một số quy tắc. Trẻ chập chững là những nhà thám hiểm xuất sắc, kiên định, dũng cảm và chỉ có vài điểm chưa hoàn hảo. Việc của trẻ là khám phá, động chạm, nhảy nhót và co kéo tất cả mọi thứ. Chẳng trách mà bạn luôn cảm thấy dường như lúc nào trẻ cũng muốn vượt qua mọi giới hạn. Tuy vậy, đối với trẻ, chính bạn mới là người thường xuyên làm phiền chúng bởi bạn luôn chen ngang vào thú vui lớn nhất của trẻ, đó là khám phá.
2. Trẻ nhỏ rất bốc đồng, coi mình là trung tâm và không nhìn xa trông rộng. Trẻ thường hành động theo cảm hứng và chẳng hề quan tâm xem hậu quả sẽ như thế nào. Bạn không thể kỳ vọng một đứa trẻ 18 tháng tuổi, thậm chí cả trẻ 3 tuổi, có phán đoán đúng đắn về việc không chịu uống thuốc hoặc đứng yên cạnh bạn ở trong bãi đậu xe.
3. Những quy tắc của chúng ta thường không rõ ràng. Đối với trẻ, giới hạn nghe có vẻ xa lạ. Trẻ sẽ nghĩ: “Để con nói rõ nhé! Con muốn nhảy trên ghế sofa hơn bất kỳ điều gì trên thế giới này – còn mẹ thì không muốn con làm thế đúng không? Mẹ không yêu con nữa à?”.
4. Những quy tắc của chúng ta thường không thực tế. Đôi khi, trẻ cư xử “tồi” là do kỳ vọng của chúng ta quá cao. Thông thường, chuyện này xảy ra khi cha mẹ không biết rằng, ở trẻ, những hành vi như thế nào được coi là bình thường. Bạn không nên kỳ vọng một đứa trẻ 18 tháng tuổi biết chia sẻ, trẻ 2 tuổi không được nói dối và trẻ 3 tuổi ngồi ngoan trong nhà thờ. Cảnh báo dành cho bạn: Nếu bạn đặt ra những tiêu chuẩn quá cao, trẻ có thể phản kháng, như thể trẻ muốn nói: “Sao con lại phải quan tâm đến việc đó? Khó lắm!”
5. Chúng ta đã vô tình khuyến khích những hành vi “tồi”. Trẻ luôn cẩn trọng quan sát chúng ta ngay từ khi ra đời. Trẻ học cách ỉ ôi và càu nhàu bởi những cách này có hiệu quả. Trên thực tế, ngay cả trẻ 1 tuổi cũng đã sớm biết chính xác rằng kêu khóc ở mức nào sẽ khiến chúng được chú ý đến nhanh nhất.
6. Đôi khi, chỉ bởi vì trẻ đã có một ngày tồi tệ. Chúng ta đều có những ngày suôn sẻ và những ngày tồi tệ. Và tâm trạng của chúng ta đôi khi cũng đột ngột xoay chuyển nếu ta nhặt được một tờ 20 đôla trên phố hoặc bị cảnh sát giao thông bắt phạt. Thế giới cảm xúc của những đứa trẻ tiền sử nhỏ bé càng dễ dàng rơi vào trạng thái mất cân bằng.
Điều khiến những đứa trẻ “hoang dã” của chúng ta càng trở nên hoang dã bao gồm mệt mỏi, đói, mọc răng, ốm, buồn chán, ghen tỵ, không gian ngột ngạt, chứng kiến cha mẹ cãi nhau, xem ti vi, trình tự sinh hoạt bị thay đổi, caffeine (trong nước soda, trà, sô-cô-la hoặc thuốc) và đường. Tất cả những điều này đều giống như nút tăng tốc – tất cả những gì bạn cần làm là giảm tốc độ lại và xử lý tình huống.
Nghệ thuật ngoại giao kiểu tiền sử
“Hãy tập trung vào những gì bạn thích và bỏ qua hay ngừng làm những điều còn lại.”
Luật về ngoại giao của Karp
Những hành vi không đúng của trẻ hoàn toàn có thể khiến bạn phát điên. Nhưng xin hãy khoan xắn tay áo lên và lao vào cuộc đấu tay đôi với trẻ. Hãy nhớ rằng bạn là một vị đại sứ, và bạn phải luôn luôn cố gắng thể hiện sự chững chạc, kiềm chế và khéo léo trong giao thiệp.
Luật về miếng khoai tây chiên thấm nước
Trong cuốn sách tuyệt vời mang tên Nghệ thuật dạy con hiệu quả (Parent Effectiveness Training) tác giả Thomas Gordon nói rằng: trẻ con yêu mến khoai tây chiên nhiều đến nỗi có thể ăn cả khoai tây đã bị ỉu chứ nhất định không chịu bỏ chúng đi. Tương tự như vậy, trẻ chập chững yêu mến sự quan tâm của bố mẹ nhiều đến nỗi các bé thà để chúng ta bực bội và to tiếng còn hơn lờ bé đi. Đó chính là lý do tại sao những trẻ chập chững có bố mẹ chỉ để ý đến bé mỗi khi bé có hành vi chưa tốt sẽ bắt đầu phá vỡ mọi quy tắc một cách thiếu kiểm soát.
Tất nhiên, chúng ta chẳng bao giờ có ý định dạy bọn trẻ phát tiết những cảm xúc giận dữ. Đơn giản là chúng ta quá… bận. Nhưng lại có một thông điệp vô tình được thể hiện rất rõ ràng với trẻ chập chững là: Con chơi ngoan và sẽ chẳng ai để ý đến con cả; trở thành một đứa trẻ chuyên gây phiền phức và con sẽ được để ý đến. Trong trí óc non nớt của trẻ, khi trẻ phá vỡ một quy tắc nào đó, có thể trẻ đang thực sự muốn nói với bạn rằng: “Mẹ ơi, nhìn con này!” Tất nhiên trẻ không hề muốn bạn quát tháo trẻ, nhưng trẻ đang vô cùng thèm “miếng khoai tây chiên” (sự chú ý của bạn) nhiều đến mức thà rằng trẻ có được một “miếng khoai chiên đã ỉu” (sự tức giận của bạn) còn hơn là “phải nhịn đói” (không được để ý đến).
Giải pháp của chúng ta là gì? Thật nhiều thời gian chất lượng dành cho trẻ – để khao khát nhận được sự chú ý từ bạn của trẻ được đáp ứng – và có một chút giới hạn khi cần thiết.
Bạn giống như hiện thân của một nguồn sức mạnh siêu nhiên. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể xử lý bất cứ hành vi ương bướng nào của con. Nhưng sự áp đặt sẽ luôn phản tác dụng. Nó có thể khiến trẻ mất đi sự tự tin hoặc khiến trẻ dần tích tụ sự oán giận, hoặc tệ hơn, khiến trẻ nảy sinh tư tưởng trả thù. Vì thế, những nhà ngoại giao giỏi nhất sẽ luôn cố gắng tránh xung đột. Thay vào đó, họ sử dụng sức quyến rũ, tài thương thuyết và khả năng thỏa thuận của mình để xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài dựa trên nền tảng là sự tôn trọng. Vì vậy, bạn hãy cất chiếc găng đấm bốc đi và bắt đầu mài giũa những kỹ năng ngoại giao của mình.
Trong Chương 8, 9 và 10, tôi đã bàn về việc khen thưởng cho những hành vi tốt của trẻ với sự lắng nghe đầy tôn trọng (Nguyên tắc Đồ ăn nhanh), khen ngợi, dành sự chú ý và việc chơi cùng với trẻ. Trong chương này, tôi sẽ ôn lại phần thứ hai trong Nguyên tắc ngoại giao của Karp: Làm sao để ngăn chặn những hành vi không mong muốn.
Làm sao để thiết lập những giới hạn mà trẻ chịu tôn trọng?
“Xin Đức Chúa Trời cho con được thanh thản chấp nhận những điều con không thể thay đổi, cho con can đảm để thay đổi những điều có thể thay đổi được và cho con khôn ngoan để phân biệt được điều nào có thể và điều nào không thể đổi thay.”
– Lời cầu nguyện thanh thản
Các bậc cha mẹ thường gặp khó khăn trong việc thiết lập giới hạn. Chúng ta dao động giữa việc coi trẻ chập chững như trẻ sơ sinh và coi chúng như những người đã biết chừng mực. Vì thế, thay vì kỷ luật, chúng ta thường thử dùng lôgic, lý lẽ và tránh xung đột. Đối với những trẻ trên 4 tuổi trong tâm trạng ổn định, biện pháp này có thể hiệu quả, nhưng đối với những đứa trẻ dưới 4 tuổi đầy “hoang dã” thì dường như chúng không hề có tác dụng. Tôi có niềm tin vững chắc vào việc đối xử với trẻ dưới 4 tuổi bằng sự tôn trọng. Nhưng làm cha mẹ không phải là một công việc cho những người có quan điểm chính trị chính xác tuyệt đối. Gia đình của bạn không phải là một thể chế dân chủ! Đó là một nhà nước độc tài rộng lượng trong đó bạn vừa là đại sứ vừa là người thống trị.
Nhẹ nhàng, công bằng và kiên nhẫn là những đức tính cần thiết, nhưng ngoài ra bạn cần có cả sự can đảm và lòng quyết tâm. Thiết lập những giới hạn kiên định với sự ân cần và khiêm nhường không phải là một lựa chọn – đó là trách nhiệm của bạn. Vì thế, trong vòng vài năm tới, bài hát chủ đề trong gia đình bạn sẽ là “Respect”(Tôn trọng), “You are my sunshine” (Con là ánh dương rực rỡ của mẹ/cha) và “My Momma Done Told Me,” (Mẹ đã kể với mình) và gia huy của gia đình sẽ là “Cây gậy và củ cà rốt”. (‘Cây gậy’ tượng trưng cho sự đe dọa trừng phạt, ‘củ cà rốt’ tượng trưng cho quyền lợi hay phần thưởng.)
Tất nhiên, mục tiêu của bạn là dùng càng nhiều cà rốt và ít gậy càng tốt. Hãy lập kế hoạch để bắt đầu mỗi ngày mới bằng những niềm vui, sẵn sàng để tha thứ và để những điều đã tha thứ được đi vào lãng quên. Nhưng khi mọi thứ bắt đầu vượt quá giới hạn, bạn không được ngần ngại sử dụng quyền lực cha mẹ của mình để làm những điều cần thiết – với sự tôn trọng.
Tuy nhiên, như những gì bạn đã học được cho đến lúc này, đưa ra quy định là một chuyện, khiến trẻ luôn tuân theo những quy định ấy lại là chuyện khác. Sau đây tôi sẽ tiết lộ cho bạn bảy bí mật giúp bạn thành công khi thiết lập giới hạn đối với trẻ:
1. Bắt đầu với những kỳ vọng hợp lý
Hiển nhiên, bạn sẽ đặt ra những quy tắc về bạo lực, những hành vi mạo hiểm, cư xử xấu tính và một số vấn đề khác mà bạn cảm thấy cần thiết (như không nhảy nhót trên bộ ghế sofa trắng). Nhưng nếu những yêu cầu của bạn cao đến mức vô lý thì tất cả những gì bạn làm chỉ khiến trẻ bực dọc. (Xem lại từ Chương 2 đến Chương 6 để biết thêm về những năng lực thể chất, tinh thần, ngôn ngữ và cảm xúc của trẻ.) Tốt hơn là bạn nên để những thứ dễ vỡ ở ngoài tầm tay trẻ (ví dụ, bạn hãy để một tấm thảm chống bẩn lên trên ghế sofa) và sắp xếp nhà của bạn phù hợp với trẻ hơn là thay đổi trẻ để phù hợp với sự sắp xếp trong nhà.
2. Hãy chọn những giới hạn mà bạn biết chắc mình có thể thực thi
Tôi biết bạn là cha mẹ, nhưng không phải cha mẹ lúc nào cũng thắng. Ví dụ, bạn không thể ép trẻ ăn bông cải xanh, xin lỗi, chia sẻ, đánh răng, đi vệ sinh vào bô, không được sợ hãi, không được đi ngược cầu trượt… Việc bạn hiểu rõ điều này rất quan trọng vì nếu bạn cứ tiếp tục duy trì những trận đấu mà bạn không thể thắng thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ mất đi uy quyền của mình – rồi sự lộn xộn và bất tuân chắc chắn sẽ xảy ra. (Đứa con cẩn trọng của bạn sẽ càng sợ hãi, và đứa con tính khí mạnh của bạn sẽ càng nổi loạn.)
Khi bạn cảm thấy mình đang rơi vào một cuộc chiến mà bạn không thể thắng, bạn nên sẵn sàng tinh thần để thay đổi chiến thật và sử dụng những công cụ ngoại giao bao gồm sự hấp hẫn, sự thỏa hiệp và sự khéo léo.
Một trong những điều khiến Jessica thực sự phiền lòng là cô con gái Lucy 3 tuổi của cô không chịu xin lỗi em gái Camille 9 tháng tuổi sau khi đã đánh em. Jessica cuối cùng cũng từ bỏ nỗ lực bắt Lucy phải nói lời xin lỗi. Thay vào đó, ngay lập tức, cô đến ngồi giữa hai chị em, quay lưng lại với Lucy và nói với Camille thật ngọt ngào sao cho Lucy có thể nghe thấy: “Con chắc phải buồn lắm khi chị Lucy đánh con nhỉ? Con hãy bảo với chị rằng: ‘Chị đánh làm em đau, em không thích!’ Nhưng nếu chị Lucy nói xin lỗi thì mẹ sẽ rất vui!”
Thường thì chỉ một lúc sau, Lucy đã xin lỗi em gái, còn Jessica ngay lập tức quay về phía cô bé và nói: “Cảm ơn con, Lucy.” Sau đó cô lại quay về phía Camille và nói bằng giọng “thì thầm” thật to: “Con nghe thấy không, Camille? Chị Lucy nói là chị ấy xin lỗi. Chị ấy thật biết cách để xin lỗi. Mẹ rất vui khi chị ấy có thể nói như vậy. Thật tuyệt Lucy ạ!” Sau đó Jessica nói với cả hai chị em: “Nào, cả hai con, chúng mình cùng uống nước chanh đi!”
3. Những quy tắc phải được diễn đạt ngắn gọn và tích cực
Nếu trẻ không lắng nghe bạn, có thể đó là do trẻ “lắng nghe không hiệu quả” nhưng cũng cho thể là do bạn “trình bày kém hiệu quả”. Bạn có thể nói: “Debbie, con đến đây và ngồi xuống nào. Đến lúc con đi giày rồi!”, nhưng nếu trẻ vờ như không nghe thấy, có thể đó là do bạn đã dùng quá nhiều từ.
Những câu nói của bạn nên ngắn gọn, ngọt ngào và được nói ra bằng giọng tự tin, không phán xét. Bạn hãy nói: “Đồ chơi để vào hộp!” hoặc “Đồ chơi rất vui khi được để vào hộp”; “Áo nào! Giày nào! Ngay bây giờ!” hoặc “Để hộp sáp màu vào phòng nào!” (Mẹ của Dew kể rằng khi nói chuyện với con trai, cô đã dùng cách nói dễ chịu nhưng nghiêm túc và dứt khoát mà cô đã tập được khi huấn luyện những chú chó của mình).
Nhắc nhở con về một quy tắc nào đó sẽ có hiệu quả hơn và gây ra ít phản kháng hơn yêu cầu trẻ phải làm gì (hoặc phải dừng việc gì). Bạn có thể nói: “Đây là chỗ đi bộ” hoặc “Ghế dùng để ngồi” thay vì “Đừng chạy”! hoặc “Con ngồi xuống ngay đi”.
4. Nhất quán, nhất quán và nhất quán
Bạn nghĩ mà xem. Nếu mỗi lần chạy xe quá tốc độ bạn đều bị phạt thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ kiểm soát được việc đó. Ngược lại, nếu bạn chạy quá tốc độ 200 lần mà chỉ bị phạt một lần thì rất có khả năng là lần nào bạn cũng sẽ vượt tốc độ. Nguyên tắc cơ bản của kỷ luật có hiệu quả chính là sự nhất quán và có thể đoán trước. Trẻ càng nhận thấy rằng trẻ có thể tránh được những hậu quả của việc phá vỡ các quy tắc thì trẻ sẽ càng tiếp tục làm việc đó. Nhưng nếu bạn kiên định thực hiện các quy tắc đó, bạn sẽ giúp trẻ có ý thức rõ ràng về những hành vi đúng và sai.
5. Dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để đạt hiệu quả tốt nhất
Bạn hãy áp dụng cả bốn kỹ thuật trong Ngôn ngữ của trẻ chập chững để truyền thông điệp của mình: câu ngắn, lặp đi lặp lại, giọng nói diễn cảm, khuôn mặt và cử chỉ biểu cảm. Ví dụ, khi tôi thấy trẻ đang làm việc gì nguy hiểm như chạy nhảy ở bãi đậu xe, tôi dọa chúng một chút. Tôi tỏ vẻ hốt hoảng, buồn rầu khi nói: “Không, không, không không! Nhìn này! ÔTÔ! Nguy… hiểm..! Ối! Ối! ỐI!!!!!!!!” (Bạn hãy dành lúc khác để thuyết giảng với trẻ về tai nạn do bánh xe chèn qua và bài học phải nhìn đường thật kỹ.)
Trong trường hợp những hành động của trẻ không nguy hiểm hoặc hung bạo, khiến bạn chưa cần can thiệp ngay lập tức, tốt nhất bạn nên áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh (xem Chương 8). Hãy mô tả lại hành động và cảm xúc của trẻ cho trẻ nghe để giúp trẻ dễ tiếp nhận cảm xúc của bạn hơn.
Ví dụ, nếu bạn thấy cậu con trai Aaron của mình chuẩn bị đánh bạn thân của bé vì hai đứa cãi nhau, đầu tiên bạn hãy để con biết rằng bạn hiểu chính xác bé đang cảm thấy thế nào. Hãy dậm chân, lúc lắc đầu, thở dài thật lớn và vung tay như thể một người đang ra sức ra dấu hiệu “thỏa thuận kết thúc!” Đồng thời, bạn phải nói thật rõ ràng: “Bực quá! Bực quá! BỰC QUÁ! Aaron bực quá! Con nói: ‘Không được, Tommy! Không được! không được! Không được, KHÔNG ĐƯỢC! Không được lấy xe tải!’ Bực quá! Bực quá! Bực quá!”
Khi mọi chuyện đang ở cao trào, bạn sẽ là một vị đại sứ thành công rực rỡ nếu bạn bắt đầu bằng việc mô phỏng lại cảm xúc của trẻ bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Sau đó khoảng nửa phút đến một phút, hãy nhắc lại quy tắc của bạn thật ngắn gọn: “Không đánh nhau! Không đánh nhau! Không, không không. Không đánh nhau, Aaron!” Vào một thời điểm sau đó trong này, khi trẻ đã bình tĩnh hơn, bạn có thể dùng chuyện gẫu để kể lại những gì đã xảy ra với chú gấu Teddy của Aaron hoặc nói trực tiếp với bé. Đó là lúc bạn nên nói với trẻ tất cả những lý do tại sao đánh nhau lại là sai.
Claudia kể: “Benjamin hiểu rằng tôi rất nghiêm túc khi tôi gần như gào lên. Đối với tôi, như thế có hiệu quả hơn là nói: ‘Nhẹ nhàng thôi, nhẹ nhàng’ hay ‘Con nói đi’. Ngay lập tức, bé thôi cắn và mặc dù bé có vẻ buồn, bé vẫn lăn đến gần tôi và lại thân thiết với tôi. Thậm chí chính tôi đã dạy bé gào lên thay vì cắn xé mỗi khi tức giận. Điều đó khiến bé trút được cơn giận dữ mà vẫn hiểu rằng cắn xé là điều không được phép.
Bây giờ mỗi khi Benjamin và tôi chơi trò giả vờ làm những chú gấu ở trên giường, chúng tôi khuỳnh chân và cùng gầm lên! Điều đó rất thú vị đối với cả hai mẹ con và có vẻ như nó giúp bé giải phóng nhiều năng lượng bị dồn nén. Tôi cảm thấy mình như một gấu mẹ đang dạy gấu con vậy!”
Đừng ngạc nhiên nếu con bạn tỏ ra bối rối trong lần đầu tiên bạn thử gầm lên. Trẻ có thể cười hoặc thậm chí cũng gầm lại. Nếu vậy, bạn có thể gầm lên thêm một lần nữa. Bạn có thể làm như sau: Bạn gầm lại, lần này trầm hơn, dữ dằn hơn rồi quay đi trong vài giây. Sau đó, bạn quay lại phía con, gầm lên lần nữa, to hơn, rồi làm mặt mếu, lắc đầu và nói: “Không! Không được chạm vào!” Nếu chẳng may bạn cười, cố gắng cắn môi và quay đi trong vài giây để lấy lại biểu cảm nghiêm túc, sau đó quay lại và nói: “Mẹ biết trông mẹ như đang cười nhưng thực ra mẹ không hề cười – Mẹ nói: ‘Không, không!! Không đánh!’” (Nếu trẻ vẫn bất chấp những điều này, bạn có thể nghĩ đến việc sử dụng biện pháp cách ly – tôi sẽ nói về kỹ thuật này ở phần sau của chương.)
Tin nhắn không lời tuuuuuuyệt vời!
Một trong những thông điệp không lời tuyệt vời nhất bạn có thể dùng để giúp trẻ hiểu rằng bạn đang rất nghiêm túc chính là… gầm lên! Các loài động vật có lông (và những đứa trẻ tiền sử thực sự) hiểu rất rõ ý nghĩa của âm thanh này. Một cái nhìn nghiêm khắc và tiếng gầm gừ grrrrrr trầm trong cổ họng cảnh báo những loài vật khác phải dừng lại – ngay lập tức! Trẻ từ một đến 2 tuổi đặc biệt thấu hiểu lời nhắn này mặc dù cách này có hiệu quả đối với tất cả trẻ từ 1 đến 4 tuổi.
Khi bạn gầm lên, hãy vỗ tay thật nhanh và mạnh vài lần, khuôn mặt đanh lại và nói với giọng nghiêm túc: “Không, không, KHÔNG!!!” Sau đó thở dài, nheo mắt lại, chậm rãi lắc đầu và gầm gừ như tiếng gầm gừ của các chú chó.
Bạn hãy tập gầm gừ trước gương cho đến khi có thể thực hiện hành động này với vẻ mặt nghiêm nghị. Tôi hiểu điều này nghe có vẻ như bạn đang diễn kịch, nhưng bạn cứ kiên nhẫn thực hiện. Sau một thời gian, đây có thể sẽ là một trong những công cụ thực thi kỷ luật ưa thích nhất của bạn!
6. Tránh những thông điệp chồng chéo: Đừng cười hoặc nói giọng ngọt ngào khi bạn đang nói chuyện nghiêm túc
Trẻ có thể cười với bạn ngay cả khi các bé đang cư xử không tốt. Đó không phải vì trẻ thiếu tôn trọng bạn, cũng không phải vì trẻ nghĩ mình đang làm điều gì đó buồn cười. Theo bản năng, trẻ biết rằng nếu cười với bạn, bạn thường cười lại, và khi bạn cười thì có nghĩa là tất cả mọi việc đều ổn. (Hãy nhớ sức mạnh của tin nhắn không lời!) Vì thế, hãy hạ giọng và nghiêm mặt lại để chắc chắn rằng bạn không vô tình gửi đi một tin nhắn khó hiểu.
7. Hãy sáng tạo
Trẻ tính khí mạnh thực sự rất ghét bị ra lệnh. Vì thế, đối với những trẻ đầy thách thức này, bạn cần tìm cách khác để nói với trẻ về các giới hạn và quy tắc mà vừa không phải đối đầu với trẻ vừa khiến trẻ thấy thích thú. Bằng cách nào? Bạn có thể huýt sáo, bắt chước tiếng kèn trumpet để thông báo hoạt động tiếp theo, đội một chiếc mũ ngộ nghĩnh hoặc chỉ cho bé cách để đôi tất bẩn của bé “hành quân” vào giỏ đồ chờ giặt. Tôi dám cược rằng một khi bạn đã bắt đầu nghĩ cách để truyền thông điệp tới trẻ mà không phải gào thét ra lệnh thì chắc chắn bạn sẽ nghĩ ra hàng trăm cách thú vị để làm điều đó.
Rick thích giả giọng thành một hướng dẫn viên cắm trại nhiệt tình để nói với hai đứa con sinh đôi Bethany và Brittany của anh: “Được rồi, các cô gái, đã đến giờ của những điều rùng rợn đáng sợ. Hãy nhanh chóng mặc quần áo ngủ vào! Các tay đua, hãy nổ máy! Rrrrrrrrr! Vào vạch xuất phát, sẵn sàng, bắt đầu!!!”
Một cách để trở nên tích cực: Bánh mì sandwich
Hãy thử để những yêu cầu và mong muốn của bạn nằm giữa những hoạt động thú vị mà bạn biết chắc con sẽ thích – giống như bánh mì sandwich vậy. Ví dụ, hãy nói: “Mình đọc cuốn sách này nào. Sau đó chúng mình sẽ thi xem ai lấy được nhiều đồ chơi hơn. Sau đó bọn mình sẽ ăn nhẹ một chút!”
Lối rẽ, không phải đường cụt: Sử dụng những công cụ đánh lạc hướng và thỏa thuận trao đổi để thiết lập có hiệu quả những giới hạn
“Đừng bao giờ nói không với kẻ bắt cóc con tin, trong sách viết thế.”
– Samuel L. Jackson, Người thương thuyết
Khi trẻ vi phạm một nguyên tắc quan trọng nào đó, bạn có thể sẽ phải ngăn cản bằng một rào chắn nghiêm khắc giống như một hình phạt. Nhưng nếu trẻ chỉ hơi vượt quá giới hạn một chút, bạn không nên nói “Không” một cách khó chịu khiến trẻ buồn bực. Thay vào đó, hãy để trẻ thấy rằng bạn quan tâm đến những cảm xúc của trẻ bằng cách lặp lại “Được rồi! Con rất muốn cái đó!” Sau đó, khi trẻ đã hiểu rằng bạn thực sự quan tâm, bạn chỉ cần dẫn trẻ theo một lối rẽ để trẻ trở về đúng đường.
Những lối rẽ (đánh lạc hướng và thỏa thuận trao đổi) có hiệu quả hơn rất nhiều so với những rào chắn (nói “Không” và phạt), nhất là đối với những trẻ “khó bảo”. Bạn hãy thử một vài cách khiến trẻ phân tâm như đưa cho trẻ thứ gì đó trẻ muốn trong tưởng tượng: “Tuyệt vời! Ước gì mẹ có thể cho con một triệu cái như vậy”. Hoặc đề nghị một thỏa thuận nào đó mà cả hai mẹ con đều có lợi. Cách tiếp cận này đã được các nhà đại sứ đúc kết qua nhiều năm: những người giàu lòng tự trọng nhất sẽ thay đổi ý định khi bị nói “Không” – nhất là khi đó là một “người cổ đại”.
Bị nói “Không” giống như khi bạn bị ai đó “hắt nước vào mặt”. Hãy cố gắng tránh ngay lập tức nói câu “Không”, ngay cả khi đó là điều duy nhất xuất hiện trong đầu bạn. Thay vào đó, hãy thể hiện lại cảm xúc của trẻ: “Con giận, giận, GIẬN! Con muốn mấy cái bánh kia… BÂY GIỜ! Nhưng khôooooong… không ăn bánh quy cho đến khi con ăn xong bữa tối nhưng mẹ có thể cho con một ít nho khô, hoặc chúng mình cùng chơi đuổi bắt nhé!”
Mong bạn đừng hiểu sai ý tôi. Là cha mẹ, chúng ta buộc phải nói “Không” rất nhiều lần và bạn đừng do dự nói câu đó khi bạn cần phải đưa ra một giới hạn nghiêm khắc. Ví dụ, nếu thấy trẻ sắp chạm tay vào bếp nóng, bạn nên nói “KHÔNG” thật to và thật nhanh! Nhưng nhìn chung, khi “Không” là câu đầu tiên bạn nói ra với trẻ thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn đang kích động một cuộc chiến quyền lực.
Tốt hơn hết, điều đầu tiên bạn nên làm là khẳng định lại cách nhìn của trẻ. Khi cả bạn và trẻ đều đã thấu hiểu rằng trẻ thực sự “rất, rất, rất” muốn điều gì đó, bạn có thể khiến trẻ phân tâm, đưa ra đề nghị thỏa hiệp hoặc nếu cần, buộc trẻ phải tuân thủ giới hạn nghiêm ngặt mà vẫn thể hiện được sự tôn trọng với trẻ.
Đánh lạc hướng: Lối rẽ cho mọi vấn đề
Bé Maisy 13 tháng tuổi – chập chững bước đến gần giá sách và bắt đầu với khiến sách trên giá rơi xuống. Bryan – bố của bé – đỡ bé dậy và đặt bé ngồi xuống bên cạnh những hình khối đồ chơi, nhưng chỉ khoảng một phút sau bé lại bò đến và cố tình làm rơi sách trên giá. Thay vì hét toáng lên “Không! Không!”, Bryan quyết định làm bé quên đi ý đồ nghịch với giá sách. “Con muốn xem sách! Con muốn xem sách! SÁCH!!! Sách!” – Bryan nói bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Marry dừng lại. “Nhưng không được ném sách! Không được ném sách! Sách là bạn.” Sau đó, Bryan thì thầm để dẫn bé đến một lối rẽ khác: “Xem này! Bố biết một muốn cuốn sách rất, rất đặc biệt. Bố con mình có thể cùng đọc đấy!”
Điều này có nghĩa là gì? Cách phản ứng đơn giản nhất với một hành vi thiếu chuẩn mực là thay đổi chủ đề. Nếu con đường trẻ đang đi mấp mô, gồ ghề, hãy tìm một khúc ngoặt để thay đổi hướng đi, hướng tới một hoạt động khác hoặc một địa điểm khác.
Điều này có hiệu quả tốt nhất với... Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi – lứa tuổi dễ dàng bị sao nhãng và vì thế, sẵn lòng nghe theo những thay đổi hơn. Nhưng tất cả trẻ trong nhóm từ 1 đến 4 tuổi đều sẽ có phản ứng tích cực với những điều gây phân tâm nếu điều đó phù hợp với hoàn cảnh.
Làm sao để thực hiện? Hãy bắt đầu bằng cách mô tả lại cảm xúc của trẻ (Nguyên tắc Đồ ăn nhanh) bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Sau đó hãy thử một vài cách khiến trẻ sao nhãng. Ví dụ, bạn có thể đề nghị trẻ giúp đỡ: “Việc này khó quá, mẹ không làm được” hoặc thay đổi không gian: “Mẹ biết rồi, chúng mình ra ngoài chơi nhé!”
Bạn hãy đưa ra những lựa chọn để trẻ có thể phân tán tư tưởng khỏi những hành vi mà bạn không tán đồng. Ví dụ, nếu trẻ đang đuổi theo một chú mèo, thay vì nói “Không!”, bạn hãy lấy ra một cuốn sách có hình các chú mèo hoặc nghĩ ra một trò chơi, lấy cuộn len làm bóng và trẻ giả vờ làm mèo. Những lựa chọn này sẽ khiến trẻ cảm thấy được tôn trọng.
Nếu bạn đã thử tất cả những cách này mà vẫn không đạt được kết quả, bạn hoàn toàn có thể nghiêm khắc hơn với những giới hạn mình đã đặt ra.
Xả giận
Hãy giúp trẻ xả ra những ấm ức trong lòng trước khi chúng bị dồn nén đến mức bùng phát thành một cơn cáu giận kinh hoàng. Hãy cố gắng mô tả tất cả những gì trẻ đang cảm nhận bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững. Tái hiện lại những cảm xúc của trẻ giúp trẻ tìm được cách để bộc lộ những cảm xúc bị dồn nén đó. Ví dụ:
▪ Với trẻ “tinh tinh” đáng yêu (từ 12 đến 18 tháng tuổi): Bạn có thể làm mẫu để trẻ biết cách xả giận. Dậm mạnh chân, vỗ tay, lắc đầu quầy quậy và chỉ cho trẻ biết cách “gầm gừ” khi bực tức.
▪ Với trẻ Nê-ăng-đéc-tan (từ 18 đến 24 tháng tuổi): Bạn có thể làm tất cả những điều trên và chỉ cho trẻ cách bộc lộ cảm xúc hiệu quả hơn bằng việc nhắc đi nhắc lại những câu nói như: “Không”, “Của con” hay “Dừng lại!”
▪ Với trẻ “thượng cổ (từ 24 đến 36 tháng tuổi): Vào một ngày yên ả, bạn có thể cùng trẻ tập thể hiện những biểu cảm trên khuôn mặt: “Con làm mặt vui đi… mặt buồn… mặt tức giận.” Để con nhìn thấy những biểu cảm đó trên khuôn mặt bạn để trẻ nhận biết được chúng. Hãy chỉ cho trẻ xem những hình vẽ minh họa cảm xúc trong sách và nói: “Con nhìn xem, em bé này đang buồn.” Bạn cũng có thể tự làm một cuốn sách tranh bằng những hình ảnh thể hiện cảm xúc cắt ra từ các tạp chí.
▪ Với trẻ “làng xã” (36 đến 48 tháng tuổi): Bạn hãy dạy những từ trẻ có thể dùng khi đang buồn bực. Hãy bắt đầu bằng những hình ảnh khi bạn đọc sách cho trẻ. Bạn có thể hỏi trẻ: “Cậu bé này đang cảm thấy thế nào hả con? Tại sao cô bé này lại buồn nhỉ?” hoặc nói “Khi mẹ tức giận, máu trong người mẹ sôi lên, mẹ cảm thấy như thế này này (làm mặt tức giận).”
Mặc cả và thỏa thuận: Thuật ngoại giao biến “Không ai chịu thua” thành “Cả hai cùng thắng”
Khi bé James 3 tuổi ném những hạt nho khô lên sàn nhà, mẹ bé – Tess – giận dữ nói: “Con nhặt lên đi!” Bé tỏ ý muốn mẹ giúp đỡ nhưng Tess nói: “Con tự ném thì con tự nhặt đi chứ!” James phản đối, bắt đầu nũng nịu: “Không! Mẹ giúp con cơ!”
Vậy là Tess đang phải đối đầu với một cuộc chiến càng lúc càng căng thẳng, và điều quan trọng hơn là cô cũng không có nhiều cơ hội chiến thắng. Vậy có cách giải quyết nào không? Cho James một thỏa thuận: “Con ném đi nhưng con lại muốn mẹ giúp con. Hừm, thôi được, nếu con nhặt một hạt lên, mẹ sẽ nhặt… mấy nhỉ… hai hạt? Ba hạt? Con nghĩ mẹ nên nhặt mấy hạt?”
Điều này có nghĩa là gì? Trao đổi và cố gắng tìm ra một thỏa thuận “hai bên cùng có lợi” là một trong những chiến thuật kinh điển của nghệ thuật ngoại giao. Những người thượng cổ đã thực hiện việc trao đổi hàng hóa từ hơn 100.000 năm trước. Việc mặc cả vẫn còn tồn tại vào ngày nay ở rất nhiều nền văn hóa. Đó là một hình thức quen thuộc để hình thành sự tôn trọng lẫn nhau và gây dựng tình bạn bền vững.
Cách thức trao đổi này tương đối xa lạ đối với nhiều người Mỹ bởi người Mỹ thích đi thẳng vào vấn đề và nói thẳng nói thật những gì chúng ta biết hay nghĩ. Tuy nhiên, đó không phải là cách đứa trẻ “tiền sử” của bạn nhìn nhận về thế giới này.
Thương thuyết để đi đến thỏa thuận là một trong những kỹ năng cơ bản để đạt được mục đích “có qua có lại” khi tham gia vào xã hội. Hầu hết trẻ từ 2 đến 4 tuổi đều cảm thấy thoải mái với những sự việc kịch tính, những sự mặc cả hơi có vẻ khó khăn và những thỏa thuận mang tính mặc cả. Những việc này đòi hỏi trẻ phải kết hợp được khả năng hiểu những cảm xúc của bạn (khả năng này bắt đầu hình thành vào khoảng sinh nhật 1 tuổi của trẻ) và khả năng so sánh các ý tưởng xuất hiện cùng lúc trong đầu (khả năng này được hình thành vào khoảng giữa sinh nhật 2 và 3 tuổi của trẻ và càng lúc càng phát triển).
Một số bậc cha mẹ tỏ ra bối rối khi tôi nói với họ về việc thỏa thuận với con cái: “Như thế có nghĩa là chúng tôi chịu thua bé à?”, “Như vậy có làm hư trẻ không?” Đương nhiên, nếu bạn tạo ra một khuôn mẫu hành động mà theo đó bạn luôn luôn đầu hàng trẻ thì chắc chắn bạn sẽ làm hư trẻ. Nhưng thông qua việc thỏa thuận, bạn dạy cho trẻ hiểu rằng những người hành động vì tình yêu thương có thể chịu nhường nhịn lẫn nhau mà vẫn luôn kiên định.
Và khi bạn để trẻ thắng trong rất nhiều những cuộc chiến nhỏ, trẻ sẽ dễ dàng nhường khi bạn khăng khăng đòi phải thắng.
Phương pháp này có hiệu quả tốt nhất với... Trẻ từ 2 tuổi trở lên có phản ứng với những hình thức mặc cả tốt hơn với những biện pháp làm sao lãng và đánh lạc hướng. Việc mặc cả giúp hình thành một mối quan hệ trong đó trẻ làm theo lời bạn vì trẻ cảm thấy được tôn trọng và đồng thời cũng tôn trọng bạn, hoàn toàn không phải vì trẻ thấy xấu hổ hay sợ hãi.
Nhưng ngay cả những trẻ nhỏ hơn cũng có khuynh hướng tự nhiên muốn được mặc cả. Nếu đứa con 15 tháng tuổi lấy kính râm của bạn và nhất định không chịu trả lại, bạn không nên giằng co với trẻ. Thay vào đó, hãy phớt lờ chuyện cái kính và bắt đầu lấy quần áo của trẻ ra khỏi tủ. Mỗi lần lấy một món đồ, bạn hãy nói với giọng tự hào: “Cái này của mẹ! Tất cả những cái này là của mẹ! Của mẹ! Của mẹ! Của mẹ!” Thông thường, khi bạn rút đến khoảng chiếc áo thứ ba hoặc thứ năm, bạn đã “tịch thu” đồ của trẻ thành công, trẻ sẽ trả lại kính cho bạn và coi đó như nỗ lực “thỏa thuận” với bạn để lấy lại quần áo.
Cách áp dụng: Quá trình đàm phán diễn ra như sau: bắt đầu bằng việc đưa ra một đòi hỏi lớn. Bạn cần nói với trẻ bằng giọng như ra lệnh: “Con ăn hết đậu đi. Con phải ăn! Mẹ yêu cầu con đấy!” Nếu trẻ phản đối, bạn bắt đầu xuống nước – thật nhanh. Bạn giảm bớt yêu cầu của mình, tỏ ra có vẻ hối hận về điều đó. Bạn nói: “Thôi được rồi, con ăn 5 hạt thôi. À, khoan đã! Không được! Con ăn 6 hạt. Đây là yêu cầu cuối cùng của mẹ đấy. Được không?” Khi trẻ phản đối: “Không, con chỉ ăn 1 hạt thôi!”, bạn hãy tiếp tục tỏ vẻ rầu rĩ. Bạn có thể than thở: “Không! Như thế thì ít quá!” Chính những biểu cảm rõ ràng, có vẻ chân thực này của bạn sẽ khiến trẻ cảm thấy như trẻ đang giành chiến thắng.
Cuối cùng, kể cả nếu như trẻ chỉ ăn một nửa hạt đậu, bạn cũng cần phải nói: “Thôi được rồi, được rồi. Con thắng. Con mặc cả giỏi lắm! Con đã ăn một nửa hạt đậu, bây giờ con có thể uống một ít sữa.” Đó là một chiến thắng tuyệt đối về phía trẻ. Bạn hãy dành cho trẻ nhiều sự chú ý hơn để trẻ cảm nhận được rõ ràng lợi ích của việc hợp tác. Đây là cách bạn bắt đầu xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau đối với trẻ. Lần sau, bạn có thể tăng yêu cầu lên thêm vài hạt đậu.
Bạn sẽ phải làm gì nếu trẻ nhất định đòi ăn bánh quy trước bữa ăn tối? Bạn có thể chọn cách cấm trẻ hoặc tìm cách đánh lạc hướng trẻ: “Không! Đó là nguyên tắc. Mẹ con mình cùng ra ngoài chơi đuổi bắt đi!” Hoặc bạn có thể cố gắng đưa ra một thỏa thuận: “Con ăn một chút hoa quả này đi, sau đó con có thể ăn bánh quy.” Hoặc “Đây là nửa chiếc bánh. Mẹ sẽ đưa con nửa kia sau bữa ăn tối.”
Bé Jack 3 tuổi chỉ thích đi dép xăng-đan. Bé ghét đi giày và tất. Với thời tiết ở Los Angeles thì bình thường cũng không sao cả, nhưng hôm nay trời lại mưa rất to và bé vẫn nhất định đòi đi xăng-đan. Bé không chịu thua kể cả sau khi Shaya – mẹ bé – diễn tả lại những cảm xúc của bé lúc đó (Nguyên tắc Đồ ăn nhanh) nên cô phải cố gắng thỏa hiệp với bé: bây giờ bé có thể đi một chiếc xăng-đan và một chiếc giày, và đi chiếc giày còn lại khi đến trường, hoặc bé có thể đi xăng-đan lúc trên ô tô và đi giày khi đến trường. Jack đã đồng ý với phương án thứ hai. Sau đó, để thưởng cho bé vì đã có tinh thần hợp tác, Shaya lấy bút và viết một dấu tích lên tay bé. Mọi việc lại trở lại bình thường.
Bạn cần biết khi nào nên nói và khi nào nên quay đi
Tất cả những nhà đàm phán giỏi nhất đều hiểu rằng đôi khi họ phải rút lui khỏi cuộc thương lượng nếu họ đang bị đối xử không công bằng. Nếu con bạn không sẵn sàng để thỏa hiệp thì có lẽ bạn nên quay đi và không chú ý đến bé trong khoảng một hoặc hai phút trước khi thử lại từ đầu. (Xem phần sau để biết cách không chú ý đến trẻ).
Ba bẫy Kỷ luật phổ biến: So sánh, trầm trọng hóa vấn đề và nói những lời tổn thương
Tránh việc so sánh. Đừng nói: “Anh trai con rất… tại sao con lại không thể như thế?” So sánh gây ra những oán giận và khiến trẻ phải tiếp thu những điều không hợp lý. Bạn muốn trẻ làm điều gì đó vì trẻ hiểu đó là việc nên làm chứ không phải vì một ai đó khác cũng làm như thế. Trên thực tế, bạn đang bảo trẻ đừng làm những việc mà những đứa trẻ khác làm, trước cả khi bạn nhận ra điều này. Và có trời mới biết bạn sẽ ghét chuyện trẻ bắt đầu so sánh bạn với những bà mẹ khác đến mức nào.
Tốt hơn là: Bạn chỉ nên tập trung vào hành vi của trẻ chứ không phải hành vi của những trẻ khác.
Tránh trầm trọng hóa vấn đề. Đừng nói “Con không bao giờ…” hoặc “Con lúc nào cũng…”. Những lời nói chung chung này thường chẳng mấy khi đúng. Thậm chí ngay cả khi chúng có đúng phần nào thì chúng cũng khiến con mất tinh thần và càng tích tụ những oán giận mà thôi.
Tốt hơn là: Áp dụng cấu trúc “con -mẹ/bố” trong thông điệp của bạn. Ví dụ, bạn nói với con rằng: “Khi con bảo mẹ quá đáng, trong lòng mẹ rất buồn” hoặc bạn có thể nói những câu khiến con nhận ra hành vi không đúng của mình qua sự nghi ngờ như: “Mọi hôm con luôn nhớ không để chân lên ghế sofa nhưng mẹ đoán là hôm nay con quên thì phải.”
Tránh những lời nói gây tổn thương. Liệu có bao giờ bạn hình dung ra cảnh một vị đại sứ nói rằng người đứng đầu đất nước mình là kẻ “ngu ngốc”? Những lời nói gây tổn thương có tác hại không kém việc bạn tát và đánh trẻ bởi nó làm tổn hại đến tận sâu trong tâm hồn trẻ. Rất nhiều bậc cha mẹ nói những lời này đơn giản bởi họ vô thức lặp lại những gì chính mình đã từng được nghe khi còn nhỏ. Dùng từ ngữ chế giễu những đứa trẻ “tiền sử” này sẽ khiến tâm hồn trẻ bị tổn thương, cảm thấy giận dữ và thậm chí oán hận.
Tốt hơn là: Khi trẻ khiến bạn khó chịu, bạn chỉ nên phê phán hành vi của trẻ chứ không phải bản thân trẻ. Đừng nói: “Con thật hư vì con đã đánh bạn Johnny.” Thay vào đó, bạn chỉ nên nói: “Đánh nhau là không ngoan đâu con ạ!”
Hình phạt hữu hiệu nhất đối với những công dân “nguyên thủy” tí hon: Phớt lờ, tước bỏ quyền lợi, cách ly
Susan đã hết chịu đựng nổi rồi. Cậu con trai Shane 18 tháng tuổi của cô trước giờ vẫn luôn ngoan ngoãn và dễ bảo nhưng hôm nay cậu bé trở nên giận dữ hơn cả một chú ong bắp cày khi không được làm theo ý mình. “Tôi đã thử chuyển hướng sự chú ý của bé nhưng không được. Đôi khi tôi vẫn có thể thỏa thuận để giải quyết một tình huống xấu, nhưng gần đây bé thường đánh tôi mỗi khi giận dữ. Tôi không biết phải làm sao nữa. Tôi không muốn đánh bé, nhưng tôi nên làm gì khi bé sẵn sàng nhìn thẳng vào mắt tôi và không chịu nghe lời?”
Bạn phải làm sao nếu đã thử đủ mọi cách: cảm thông, hài hước, đánh lạc hướng và cả thương lượng mà người bạn nguyên thủy tí hon ấy vẫn nhất quyết phá vỡ những giới hạn bạn đã đặt ra? Như tất cả những vị đại sứ dày dạn kinh nghiệm đều biết, bạn cần luôn luôn chuẩn bị tinh thần để có hành động phù hợp với lời nói. Bây giờ, chúng ta hãy cùng bàn về việc làm sao để phạt trẻ khi tất cả những biện pháp đều không thể khiến trẻ dừng những hành vi không tốt.
Trách nhiệm của bạn là phải kiểm soát được những hành vi của trẻ khi trẻ không thể (lúc trẻ quá buồn bực hoặc quá nghịch ngợm) tôn trọng những nguyên tắc công bằng và hợp lý mà bạn đã đặt ra. Phạt là một cách nghiêm khắc hơn để nói với trẻ rằng trẻ đã đi tới giới hạn mà bạn không thể thỏa hiệp được nữa. Đây chính là lý do tại sao ở phần trước tôi nói rằng, trong suốt những năm tháng chập chững của trẻ, gia huy trong gia đình bạn nên là “Cây gậy và củ cà rốt”. Để phù hợp hơn với phong cách kỷ luật thời hiện đại, có lẽ tôi nên nói là: “Cà rốt và Đồng hồ bấm giờ” – thứ cực kỳ hữu hiệu khi áp dụng biện pháp cách ly.
Trước khi đề cập đến những vấn đề tiếp theo, tôi muốn trấn an bạn rằng hình phạt không phải là điều xấu. Nó không quá đáng hoặc khủng khiếp đến nỗi bạn luôn luôn phải tránh áp dụng nó. Mặc dù bạn không bao giờ nên phạt trẻ chỉ vì bạn tức giận, muốn “trả thù” hay ích kỷ, nhưng phạt là một trong những công cụ cần thiết để “hãm” những đứa trẻ không có khả năng hoặc không đủ mạnh mẽ để tự mình dừng lại. Những bậc cha mẹ giàu kinh nghiệm chỉ viện đến hình phạt khi những hành vi của trẻ khiến họ không còn lựa chọn nào khác hợp lý hơn.
Bạn cần nhớ rằng, trẻ khiến bạn phải dùng hình phạt bởi vào một thời điểm cụ thể nào đó, trẻ chính là kẻ thù lớn nhất của bản thân mình. Bạn cần hành động như một vị đại sứ, nói với trẻ rằng: “Con yêu à, mẹ rất tiếc vì mẹ không thể để con dùng bút dạ vẽ lên tường. Nhưng vì con không tôn trọng yêu cầu của mẹ, mẹ buộc phải phạt con cách ly trong vòng ba phút.”
Tất nhiên, trước khi chuyển sang dùng hình phạt, bạn nên xem lại các bước đã nêu trong Chương 8 đến Chương 11 để thử và tránh lựa chọn cuối cùng này, ví dụ như hãy dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, dành nhiều thời gian chất lượng cho trẻ, thiết lập giới hạn rõ ràng, đưa trẻ ra ngoài chơi, đưa ra những đề nghị thỏa thuận hợp lý… và nhiều cách khác. Nhưng nếu trẻ vẫn nhất định không chịu thua, có thể trẻ cần được nhắc nhở rõ ràng hơn rằng bạn mới là người có thẩm quyền trong gia đình.
Sau đây là 3 hình thức phạt thích hợp nhất đối với trẻ chập chững: phớt lờ, tước bỏ quyền lợi và cách ly.
Nguồn gốc của Kỷ luật
Chữ Kỷ luật trong tiếng Anh – discipline – có nguồn gốc từ chữ La-tinh discere có nghĩa là “học hỏi”. Chữ phạt – punish – có nguồn gốc từ một chữ Hy Lạp mang nghĩa “trả” hoặc “phạt”.
Phớt lờ: Cho trẻ thấy thái độ lạnh nhạt thực sự
Bé Sadie 15 tháng tuổi phát hiện ra rằng bé có thể làm một trò thú vị với giọng nói của mình: thét lên. Bé bắt đầu thét lên mỗi khi bé muốn bố mẹ chú ý đến mình. “Lúc đầu, chúng tôi vội vàng chạy đến xem chuyện gì đã xảy ra” – Bill – bố cô bé – giải thích. Nhưng họ đã nhanh chóng nhận ra rằng bé chỉ đang thích thú với việc kêu thét lên như vậy. Vì thế, thay vì “thưởng” cho hành động đó bằng cách nhanh chóng chạy lại với bé, bố mẹ bé quyết định hoàn toàn lờ bé đi cho đến khi bé trật tự trở lại.
Sau đó, bằng giọng sôi nổi của một đứa trẻ 15 tháng tuổi, Bill nói: “Con muốn! Con muốn! Con muốn sách! Không thét! ÔI!! ÔI! Bố không thích!” Sau đó, Bill thở dài, liên tục vẫy ngón tay trỏ và lắc đầu: “Không” sau đó quay lưng đi, không nhìn bé trong 30 giây. “Thật kỳ diệu” – Bill kể lại – “Con dừng lại ngay – chỉ trong vài giây!”
Điều này có nghĩa là gì? Diễn viên nào cũng cần khán giả. Trẻ chập chững không tiếp tục “biểu diễn” nếu không có ai nghe chúng. Cụm từ “thái độ lạnh nhạt” nghe có vẻ khắc nghiệt nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ đơn giản là quay lưng đi trong khoảng 30 đến 60 giây. Bạn có thể coi đó như một lần cách ly nhanh.
Đối tượng áp dụng: Phớt lờ trẻ chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp bé vi phạm nghiêm trọng một nguyên tắc nào đó của bạn như có hành vi gây gổ hoặc làm điều gì nguy hiểm. Tuy vậy, Phớt lờ đặc biệt thích hợp với trẻ có những hành động gây phiền toái như mè nheo khóc lóc, bám mẹ, đòi hỏi, kêu thét hoặc thô lỗ. Hình phạt này cũng có thể áp dụng trong một vài trường hợp hơi ương bướng (như khi trẻ vừa nhìn bạn vừa ném thức ăn xuống sàn) hoặc khi trẻ không chịu ăn hay trẻ đập phá đồ đạc.
Bạn cần nhớ rằng, những đứa trẻ đang cảm thấy buồn chán có thể làm bất cứ điều gì để khiến bạn phải phản ứng lại. Vì thế, không trả lời trẻ thường chính là cách phản ứng tốt nhất.
Bạn nên làm gì? Khi phớt lờ trẻ, bạn hãy làm theo ba bước sau đây:
1. Đầu tiên, hãy diễn tả lại trạng thái của trẻ (buồn chán, bực bội,) áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh và Ngôn ngữ của trẻ chập chững.
2. Sau đó hãy nói ngắn gọn với trẻ rằng bạn cảm thấy như thế nào trước hành vi không hay của trẻ. Nếu trẻ dưới 2 tuổi, gầm gừ một chút sẽ có hiệu quả hơn dùng lời nói. Hãy nhớ rằng cách giao tiếp không lời là thứ đồng điệu với trẻ chập chững. Hãy tỏ ra chân thành đồng thời cũng thật cường điệu khi phản ứng lại với hành động của trẻ. Hãy thở dài, nhăn mày, gầm gừ trong cổ họng, lắc đầu như thể muốn nói “Ôi, con đùa à!”
3. Cuối cùng, nếu trẻ vẫn cương quyết không nghe, bạn cần phải bỏ đi. Hãy làm việc gì đó để trẻ không thể dễ dàng lại gần bạn trong khoảng 1 đến 2 phút. Tuy vậy, bạn vẫn cần nhanh chóng chú ý tới trẻ nếu trẻ điều chỉnh hành vi của mình.
Một trong những mục đích của việc phớt lờ trẻ là để giúp trẻ biết rằng bạn sẽ không phải là khán giả cho những trò khôi hài của bé. Có một cách rất thú vị để trẻ hiểu rõ điều này là đặt trẻ vào trạng thái “tạm dừng”.
Bạn cần làm như sau: Sau một vài giây thở dài và gầm gừ để phản hồi với những hành vi của trẻ, bạn bất ngờ giơ một ngón tay lên cao (giống như khi bạn ra hiệu cho ai đó đợi bạn) và trong khi vẫn tiếp tục giữ ngón tay như vậy, quay đi trong vài giây. Giống như bảo ai đó “giữ máy” khi nghe điện thoại, cử chỉ này với bé có nghĩa là “Mẹ là sếp. Con phải đợi mẹ!” Sau đó, bạn liếc nhìn trẻ một chút, cau mặt một chút và nói “Không, không! Con dừng lại NGAY!!” rồi lại quay đi. Khi trẻ đã điều chỉnh hành vi đúng mực trong khoảng 10 giây, bạn cần chú ý đến trẻ.
Đối với những trẻ trên 2 tuổi, bạn giơ ngón tay lên, và trước khi quay đi, bạn có thể nói một vài câu như: “Tiếng rít ấy làm đau tai mẹ. Mẹ sẽ rất vui được lắng nghe con nói chừng nào con nhớ ra cách trò chuyện bằng giọng bình thường.” Hoặc nếu đứa trẻ tiền sử này đang ăn vạ để được ăn kẹo, bạn có thể nói với bé: “Ồ, con tức giận, tức giận, TỨC GIẬN! Con muốn t-h-é-t-l-ê-n!! Nhưng không được, không được…!! Mẹ không thích con thét lên. Mẹ buồn đấy. Mẹ biết là con RẤT tức giận. Con rất muốn được ăn kẹo. Nhưng mẹ không muốn con thét lên. Trong khi con đang hét, mẹ sẽ đi sang phòng bên cạnh để không nghe thấy tiếng ồn nữa.”
Sự may mắn của cái đầu gối bị trầy xước
Tôi hy vọng khi đã đi đến đoạn đường này của hành trình làm cha mẹ, các bạn đã khám phá ra những sự thật tuyệt vời nhất về trẻ con: Chúng rất sôi nổi! Trẻ không phải là bông hoa trong nhà kính cần được bảo vệ khỏi tất cả mọi vấn đề. Bạn đừng bao giờ nên giúp trẻ tránh khỏi tất cả những xung đột, mâu thuẫn hay hậu quả do chính những hành động của bé mang lại. Như Wendy Mogel đã nói trong cuốn sách nổi tiếng Dạy con kiểu Do Thái: Sự may mắn của cái đầu gối bị trầy xước của bà, tất cả những tình huống khó khăn đều bao gồm một ý nghĩa tích cực vô giá – nó giúp trẻ mài giũa những kỹ năng đối phó với những tình huống tuyệt vọng và những khó khăn không thể tránh được trong cuộc sống. Bạn đã bao giờ biết đến cụm từ “các cá thể thích nghi sống sót” (chọn lọc tự nhiên) chưa? Thử thách thực sự giúp cảm xúc của trẻ thích nghi tốt hơn.
Tước bỏ quyền lợi: Một hình phạt mà trẻ lớn “hiểu rõ”
Cặp sinh đôi của Maura – Jake và Pete – 32 tháng tuổi tranh nhau một quả bóng màu đỏ. “Bóng! Bóng! Bóng! Bóng! Cả hai con đều muốn bóng!”, Maura nói giọng sôi nổi, “Các con muốn có bóng NGAY LẬP TỨC! Nhưng các con không được đánh nhau, nếu không mẹ sẽ lấy lại quả bóng. Mẹ muốn các con chơi vui vẻ với nhau!”
Cô ngồi chơi lăn bóng với hai đứa nhỏ một lúc (thời gian chất lượng ngắn) sau đó để cả hai một mình. Chỉ khoảng ba phút sau, Jake và Pete lại bắt đầu cãi nhau. “Bóng! Bóng! Bóng!”, Maura tiếp tục nói, “Cả hai con đều muốn có bóng nhưng con có nhớ mẹ nói gì không ‘Không đánh nhau. Không đánh nhau.’ Nên giờ bạn bóng sẽ ‘đi ngủ’. Các con có thể chơi bóng vào lúc khác.” Maura cất bóng đi ra xa tầm với của hai bé sinh đôi và mang ra hai chiếc xe tải giống hệt nhau để hai bé cùng chơi.
Điều này có nghĩa là gì? Tước bỏ quyền lợi là một hình phạt đơn giản giúp trẻ hiểu về sự công bằng. Ngay từ những năm tháng đầu đời, trẻ đã nhận thức được rằng có những sự việc luôn diễn ra đồng thời, rằng thế giới có một trật tự nhất định. Ví dụ, trẻ có thể thấy rằng mỗi khi trẻ nghe thấy tiếng chùm chìa khóa leng keng, đó chính là lúc trẻ được ra ngoài. Bạn hãy tận dụng khả năng nhận thức về nguyên nhân – hậu quả của trẻ để giúp trẻ trở nên hợp tác hơn. Một khi trẻ hiểu rằng trẻ sẽ phải gánh chịu hậu quả từ chính những việc mình làm và thậm chí có thể bị phạt, trẻ sẽ bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn mỗi khi định làm việc đó… dù đối với trẻ điều đó có thể cực kỳ thú vị.
Khi phạt trẻ lớn, bạn cần tước bỏ thêm một quyền lợi nào đó hoàn toàn không liên quan đến hành vi của trẻ, ví dụ không cho trẻ đến chơi nhà bạn nếu trẻ không dọn phòng. Tuy nhiên, cách này sẽ không có hiệu quả với những trẻ chập chững “sống trọn từng phút giây” của chúng ta. Trẻ 2 tuổi sẽ không hiểu tại sao dọn phòng lại có liên quan đến việc được phép ra ngoài chơi sau đó. Trẻ chập chững nhỏ không nghĩ được nhiều đến thế. Để những đứa trẻ Thời kỳ Đồ đá của bạn có thể học sách cư xử đúng mực hơn, trẻ cần thấy được những hậu quả tức thời và có liên quan trực tiếp đến hành động sai trái của mình. (Đôi khi điều này được gọi là “những hậu quả lôgic”.)
Đối tượng áp dụng: Trẻ từ 1 đến 4 tuổi.
Làm cách nào để áp dụng? Bạn ngay lập tức tước bỏ những quyền lợi liên quan trực tiếp đến hành vi chưa đúng mực của trẻ. Ví dụ, nếu trẻ đánh trẻ khác bằng gậy bóng chày đồ chơi, bạn lập tức mang cây gậy đó ra chỗ khác.
Bạn không nên chỉ đơn thuần lấy đi một món đồ nào đó của trẻ. Món đồ ấy nên có liên hệ tới hành vi mà bạn đang muốn trẻ sửa (nhưng đừng mang đi những vật trấn an của trẻ).
Nếu trẻ liên tục ném bánh quy ra đằng sau lưng ghế, hãy cất bánh quy đi. Nếu trẻ đã có một buổi sáng ngột ngạt và nhất định không chịu mặc quần áo để đi ra công viên chơi, bạn hãy nói: “Con mặc xong quần áo trước khi chuông reo nếu không chúng mình sẽ không đủ thời gian để chơi ngoài công viên nữa đâu.” Sau đó, bạn quay đi trong vài phút. Nếu trẻ không có phản ứng gì, bạn có thể cảnh báo trẻ thêm một hoặc hai lần nữa, nhưng đừng thúc giục, nài nỉ hoặc dọa dẫm nhiều lần. Nếu trẻ không nghe, trẻ sẽ nhận ra bài học khi thấy được hậu quả của việc phớt lờ lời bạn. Khi bạn tước đi quyền lợi của trẻ, hãy dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để nói với trẻ rằng bạn biết trẻ muốn điều đó như thế nào – giống như cách Maura đã làm trong ví dụ ở trên.
Tốt nhất là bạn nên cố gắng nắm bắt được khoảnh khắc trẻ cư xử không đúng mực. Đó chính là thời điểm tốt nhất để dạy dỗ trẻ. Thỉnh thoảng tôi yêu cầu phụ huynh đặt gương tại nhiều vị trí trong nhà để họ có thể quan sát và ngăn chặn những hành vi không tốt của trẻ ngay cả khi trẻ đang làm điều đó một cách yên lặng ở phòng bên cạnh.
Hình phạt Cách ly Thời cổ đại: Quân át chủ bài
Điều này có nghĩa là gì? Cách ly là hình phạt rất hiệu quả đối với những trẻ chập chững không thể kiềm chế được bản thân. Theo kinh nghiệm của tôi, hình phạt này có thể áp dụng tốt nhất với nhóm trẻ từ 1 đến 4 tuổi, hơn bất cứ nhóm tuổi nào khác. Tôi đã giảng giải những điều cơ bản về Hình phạt Cách ly với tất cả các bậc phụ huynh đưa trẻ đến phòng khám của tôi trong năm đầu đời của trẻ bởi khoảng thời gian từ lúc trẻ được 1 tuổi đến lúc trẻ 2 tuổi là một trong những khoảng thời gian “nguy hiểm” nhất trong suốt thời thơ ấu của trẻ và cha mẹ cần biết cách dạy những đứa trẻ luôn trong trạng thái bốc đồng ấy một dấu hiệu mang ý nghĩa “dừng lại ngay lập tức”.
Tôi khuyến khích bạn áp dụng hình phạt này liên tục trong suốt những năm tháng chập chững của trẻ để giúp trẻ coi trọng lời nói của bạn. Bạn đừng coi Cách ly là dấu hiệu cho sự thất bại của cả con – và cả bạn. Cách ly chỉ là một trong những công cụ hữu hiệu của việc làm cha mẹ. Đó là một thói quen giúp hình thành kỷ luật và trật tự cho con trong cuộc sống đầy những xáo trộn của bé. Cách ly có tác dụng bởi nó lấy đi của trẻ (tất nhiên luôn luôn chỉ là tạm thời) một trong những thứ có giá trị nhất: quyền lợi được ở bên cạnh bạn.
Khi nào có thể áp dụng? Trẻ bắt đầu sẵn sàng với hình phạt Cách ly khi tròn 1 tuổi. Khi đó, trẻ đã khá thông thạo với những điều lặp đi lặp lại. Ví dụ, ngay cả khi trẻ không biết đếm, trẻ vẫn có thể hiểu khi bạn đếm từ một đến ba (với giọng nói và nét mặt nghiêm nghị), đó là lời cảnh báo rằng trẻ sẽ bị cách ly nếu trẻ không dừng những việc đang làm ngay lập tức. Khi trẻ được 4 tuổi, Cách ly không còn cần thiết nhiều nữa. Trẻ lớn có phản ứng tốt hơn với những cách tiếp cận mang tính đối kháng như thương lượng hoặc tước bỏ quyền lợi.
Đôi khi bạn sẽ cần phạt cách ly trẻ ngay lập tức – ví dụ như khi trẻ làm điều gì đó bạo lực, nguy hiểm hoặc vô lễ. Nhưng nhìn chung, bạn nên cảnh báo trước cho trẻ (bằng cách đếm từ một đến ba chẳng hạn).
Cách áp dụng: Trừ khi bạn cần dừng hành động của trẻ ngay lập tức, nếu không bạn nên nói với con ngắn gọn bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững một lần cuối cùng để thể hiện rằng bạn đồng cảm với trẻ và sẽ không phạt trẻ nếu có thể.
Ví dụ, nếu Jamie bắt đầu ăn vạ vì mẹ không để bé chơi với lọ đường, mẹ có thể nói với bé: “Con giận. Con giận. Con giận. Jamie giận mẹ. Giận. GIẬN!” Khi bé đã chú ý đến bạn, bạn hãy nói với bé về quy tắc: “Nhưng con không được nghịch đường! Không được, không được. Không được!” Dĩ nhiên, nếu lời nói của bạn đã có hiệu quả, bạn nên đưa trẻ đến một lối rẽ như chúng ta đã đề cập, ví dụ làm điều gì đó khiến trẻ phân tâm. Nếu không, hãy nói với trẻ rằng trẻ có thể sẽ bị phạt: “Bây giờ con đang không làm theo những quy định. Mẹ nghĩ có thể mẹ sẽ phải phạt cách ly con.” Sau đó bạn đếm đến ba để trẻ nhận thấy tín hiệu thông báo thời gian cách ly sắp đến, trừ khi trẻ cư xử ngoan ngoãn trở lại.
Đừng nói quá nhiều hoặc thể hiện quá nhiều cảm xúc vào lúc này! Khi bạn bắt đầu đếm, bạn cần phải dừng nói. Đây chính là lúc bạn cần can đảm với những lời “kết án” của mình. Khuôn mặt cần nghiêm nghị, giọng nói cũng nghiêm khắc, bạn lắc đầu liên tục, gầm gừ một chút, sau đó giơ ngón tay lên để đếm đến ba.
Bạn nên đợi khoảng hai giây giữa mỗi lần đếm. Nếu khi bạn đếm đến ba mà trẻ vẫn không khoan nhượng, bạn sẽ cho trẻ vào khu vực cách ly mà bạn chọn. Ghế hoặc phòng có không gian mở là những địa điểm cách ly lý tưởng đối với những trẻ ngoan ngoãn; nhưng những trẻ nóng nảy thường cần được cách ly ở nơi có không gian kín như trong cũi chơi (trẻ dưới 2 tuổi), hoặc trong phòng riêng của trẻ (trẻ trên 2 tuổi). Nếu bạn để trẻ ở trong phòng riêng, bạn cần chắc chắn rằng trong phòng không có đồ đạc dễ vỡ hoặc góc cạnh nguy hiểm. Không bao giờ được cho trẻ cách ly trong phòng tắm, phòng thay đồ hoặc tầng hầm.
Bí quyết Phạt cách ly với những chuyên gia thử giới hạn đến từ “thời tiền sử”
Hãy cố gắng luyện tập thực hiện những chỉ dẫn sau, để giúp bạn trở thành chuyên gia phạt cách ly:
Đừng nói nhiều. Cách nhanh nhất khiến hình phạt cách ly giảm hiệu quả là nói quá nhiều hoặc thể hiện quá nhiều cảm xúc. Khi bạn cho trẻ cách ly, bạn muốn mình bình tĩnh hơn và giữ khoảng cách một chút. Những lời giải thích và làm hòa nên dành để sau, khi hình phạt kết thúc.
Cách phạt phải nhất quán. Điều này giúp trẻ học được cách kỳ vọng. Thông thường, sau khoảng năm đến mười lần bị cách ly, trẻ sẽ hiểu lời cảnh báo trước hình phạt và rút lui khi bạn bắt đầu đếm. Tin hay không tùy bạn, nhưng sự nhất quán và khả năng dự đoán trước hình phạt sẽ dần dần dạy trẻ cách nghe lời và tôn trọng những yêu cầu của bạn, thậm trí trước khi bạn đếm đến ba. Thực tế là, chỉ sau khoảng vài tháng áp dụng phương pháp cách ly, hầu hết các bậc cha mẹ đều càng ngày càng ít khi phải dùng đến nó!
Janie – mẹ của bé Jim 26 tháng tuổi – kể rằng khi cô còn nhỏ, mỗi lần mẹ cô ấy dọa sẽ phạt, cô chỉ dám nhướng mày lên một chút. Cô hiểu rằng tốt nhất mình nên dừng lại vì chắc chắn cô không thích những điều sẽ xảy ra nếu cô còn tiếp tục.
Đừng do dự. Bé Stuart 18 tháng tuổi, con trai của Lynn – tỏ ra rất vòi vĩnh. “Tôi không bao giờ phạt cách ly con, nhưng thỉnh thoảng tôi bực đến nỗi tôi cách ly chính mình.” Điều Lynn cần làm là cách ly bé trước khi cô trở nên quá bực bội đến nỗi bỏ mặc con vì sự tức giận của mình.
Những bậc cha mẹ đợi đến khi thấy mình gào lên: “Đủ rồi!
Có những bậc cha mẹ đã đợi quá lâu mới dùng hình phạt cách ly với con. Sự bộc lộ cảm xúc lúc đó có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt. Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi, hoặc trẻ nắm được cách làm sao để phá vỡ giới hạn chịu đựng của cha mẹ. Có thể rồi trẻ sẽ cố làm điều đó mỗi khi trẻ buồn chán hoặc bực bội. Cách ly sẽ không có tác dụng nếu không có những khoảng thời gian chất lượng bạn dành cho trẻ.
Thành công của hình phạt cách ly phụ thuộc vào việc bạn dành thật nhiều thời gian chất lượng cho trẻ. Trên thực tế, sự khuyến khích thực sự để trẻ tránh hình phạt này không phải là thực hiện nó một cách nghiêm khắc (Cách ly thực ra cũng khá nhẹ nhàng). Hình phạt này có hiệu quả bởi vì bạn nhanh chóng rút lại một phần thưởng có ý nghĩa to lớn đối với trẻ: sự chú ý đầy yêu thương của bạn. Trẻ luôn muốn được ở bên cạnh bạn, nhiều thật nhiều!
Kỹ thuật phạt cách ly cho người mới bắt đầu
Khi lần đầu tiên bạn áp dụng này, bạn không nhất thiết phải cô lập trẻ chập chững hoàn toàn. Nếu trẻ không làm theo yêu cầu của bạn (“Đưa mẹ cái dĩa – ngay bây giờ! Một… hai… ba…”) bạn chỉ cần bế trẻ lên, đưa trẻ sang phòng khác, để cửa phòng mở, sau đó đi ra chỗ khác (đừng quên cầm theo cái dĩa!). Tức là bạn chỉ nghiêm khắc hơn khi bạn phớt lờ trẻ một chút mà thôi.
Sau khi áp dụng cách ly nhẹ nhàng như vậy khoảng hai hoặc ba lần cách xa nhau, bạn có thể bắt đầu thực hiện việc cách ly thực sự trong khoảng một phút. Đếm từ một đến ba, đưa trẻ đến vị trí bạn đã chọn để trẻ thực hiện hình phạt, sau đó hoàn toàn phớt lờ trẻ trong khoảng 30 đến 60 giây. (Nếu trẻ trên 2 tuổi và bạn chọn phạt trẻ ở trong phòng riêng, bạn có thể đóng cửa nếu trẻ không chịu ở trong phòng khi cửa mở).
Ngay cả khi trẻ khóc, bạn cũng nên không để tâm đến trẻ. Hãy cố gắng không nhìn trẻ (một số cha mẹ đã đặt gương trong phòng để có thể bí mật quan sát việc trẻ đang làm). Mục đích cuối cùng của việc cách ly là để trẻ không được thấy bạn vui vẻ trong một khoảng thời gian ngắn. Đừng lo về những cảm xúc của trẻ về việc bị bỏ rơi vào lúc đó. Tất cả tình yêu và sự quan tâm mà bạn dành cho trẻ trong suốt 23 tiếng 59 phút còn lại trong ngày hoàn toàn đủ để bù đắp cho khoảng thời gian ngắn ngủi nhất thời đó.
Khi thời gian phạt đã hết (ngay cả khi trẻ vẫn còn buồn bực), bạn hãy trở vào với trẻ và chơi với trẻ một cách yên lặng hoặc dịu dàng quan tâm đến việc trẻ đang làm. Nếu trẻ vẫn đang trong trạng thái mất kiểm soát, bạn có thể thử đưa trẻ ra khỏi đó nhưng vẫn vờ như không chú ý đến trẻ trong khoảng 30 đến 60 giây nữa.
Sau khi đã cách ly trẻ xong, bạn không nên dạy trẻ những bài học về cách cư xử ngay lập tức. Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ sau đó, bạn cũng không nên nói với trẻ về việc trẻ bị cách ly, về những gì trẻ đã làm, những gì bạn đã làm hoặc phản ứng của trẻ về việc đó. Sau khoảng thời gian đó, hãy nói với trẻ về những gì bạn muốn trẻ học được từ sự việc ngày hôm đó. Tốt hơn hết là bạn nên để bé nghe lỏm được khi bạn vờ chuyện gẫu với đồ chơi của trẻ. Như vậy trẻ sẽ không cảm thấy rằng mình đang bị “lên lớp”.
Tôi rất khuyến khích bạn tìm được lý do hợp lý để cách ly trẻ khi trẻ được 12 hoặc 15 tháng tuổi. Vào thời điểm đó, trẻ rất dễ rơi vào những tình huống nguy hiểm như chạy nhảy ở bãi đậu xe, kéo đổ đèn bàn, hoặc nghịch ổ cắm điện, thậm chí khi bạn chạy về phía trẻ vì trẻ đang chuẩn bị bước xuống đường, rất có thể trẻ nghĩ rằng đó giống như trò chơi đuổi bắt và sẽ tiếp tục chạy đi! Trẻ cần hiểu mỗi khi bạn nói “Không!!” với cái nhìn và giọng nói nghiêm nghị, trẻ cần dừng lại ngay lập tức. Đó không phải là một trò chơi!
Khi trẻ đã quen với hình thức phạt này, mỗi lần cách ly nên kéo dài thêm một phút tương ứng với tuổi của trẻ. Bạn có thể dùng đồng hồ hẹn giờ để trẻ nghe chuông báo thời gian kết thúc. Một số chuyên gia khuyên rằng, khi đó bạn nên yêu cầu trẻ hoàn thành những việc trẻ đang làm dở trước đó, tuy nhiên, tôi không đồng ý với quan điểm này. Đối với trẻ chập chững, việc bị cách ly đã là sự trả giá rất lớn vì không tuân theo quy định rồi. Quay trở lại với sự việc đã diễn ra trước đó chỉ khơi mào lại vòng luẩn quẩn của cuộc chiến quyền lực mà thôi.
Cách ly: Những câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Tôi phải làm gì nếu bé liên tục ra khỏi phòng?
Đối với trẻ dưới 2 tuổi, tôi khuyến khích bạn để bé trong cũi chơi. Với trẻ trên 2 tuổi, tôi khuyên bạn nên dùng chốt cửa có móc cài. Khi trẻ đã bình tĩnh và vui vẻ, bạn hãy dành thời gian để chỉ cho trẻ xem bạn đã chốt cửa như thế nào, lần sau khi trẻ bị phạt, cửa sẽ đóng ra sao. Bạn hãy để trẻ nhìn thấy cách bạn khóa cửa và bảo trẻ thử mở ra. Hãy nói với trẻ: “Con thấy không, bé yêu, không mở được đâu, không thể mở được đâu!”. Điều này khiến trẻ hiểu rằng khi cửa đã bị chốt thì chắc chắn trẻ sẽ không thể nào mở được.
Dùng chốt cửa để phạt trẻ ở trong phòng đồng nghĩa với việc bạn không cần đứng phía bên kia cánh cửa để giữ chặt lấy tay nắm cửa. Mục đích của việc cho trẻ cách ly là để trẻ mất đi sự chú ý của bạn và phải ở một mình trong khoảng một phút, vì thế nó sẽ hoàn toàn không có hiệu quả nếu trẻ phát hiện ra bạn đang chơi kéo co với trẻ đằng sau cánh cửa.
Liệu bé có nghĩ rằng tôi chuẩn bị phạt cách ly khi tôi đếm “một, hai, ba” trong lúc chơi với bé không?
Không. Việc bạn đếm không làm trẻ liên tưởng đến việc bị cách ly; mà thông qua nét mặt và giọng nói nghiêm khắc của bạn.
Liệu phạt cách ly có làm tổn thương tâm lý của bé không?
Chỉ khi bạn xúc phạm con lúc bạn thực hiện hình phạt này. Vì thế, bạn nên tránh làm trầm trọng sự oán giận của con bằng những câu như: “Con đi vào phòng ngay! Con nghe thấy mẹ nói gì không?” Có lẽ sẽ giúp ích cho bạn nếu bạn coi việc cách ly trẻ giống như thời gian tạm dừng trận đấu trong thể thao – một khoảng thời gian nghỉ ngắn giữa trận đấu. Bạn có thể nói: “Mẹ xin lỗi, con yêu, nhưng mẹ nghĩ con cần bình tĩnh lại một chút!”
Một số cha mẹ chọn cách để trẻ ngồi vào lòng và ôm trẻ thật chặt như một hình phạt. Điều đó cũng được nếu bạn thấy nó hiệu quả. Nhưng tôi thấy rằng đối với những trẻ tính khí mạnh thì điều đó chỉ khiến “cuộc chiến giành quyền lực” giữa bạn và trẻ thêm trầm trọng mà thôi.
Tôi phải làm gì nếu trẻ cương quyết không thực hiện hình phạt này?
Nếu vậy, bạn cần đích thân đưa trẻ đến vị trí thực hiện hình phạt, thậm chí bế trẻ đến đó. Việc trẻ phản đối là hoàn toàn dễ hiểu. Đối với trẻ trên 2,5 tuổi, rất nhiều phụ huynh đã tính dôi ra thêm một chút thời gian khi tính giờ cách ly trẻ mỗi lần trẻ phản kháng quá mức hoặc phản đối bằng cách đánh người khác.
Chuyện gì xảy ra nếu tôi phải áp dụng hình phạt này tới 10 lần mỗi ngày?
Khi bé Trevor 18 tháng tuổi ném bóng vào cây, cha mẹ bé đã cách ly bé. Ngay khi hình phạt kết thúc, bé lại tiếp tục chạy ra ném bóng vào cây – và lại bị phạt. Theo bạn, nếu cứ tiếp tục như vậy thì Trevor nên bị phạt bao nhiêu lần?
Câu hỏi này nghe có vẻ giống như một bài toán ở trường. Thực ra đó cũng là điều hoàn toàn bình thường. Bạn cứ làm những gì bạn thấy cần thiết. Nhưng nếu bạn cảm thấy rằng mình đã cho trẻ cách ly nhiều hơn hai hoặc ba lần mỗi ngày, có lẽ bạn cũng nên thay đổi điều gì đó. Hãy tự hỏi bản thân: Liệu con có cần thêm nhiều thời gian chơi ngoài trời với bạn bè không? Trong nhà bạn có quá nhiều thứ hấp dẫn con phải không? Bạn đã dành cho trẻ đủ sự quan tâm ấm áp và những lời nói tình cảm hay chưa? Bạn có khen thưởng khi bé làm được những việc tốt không?
Đánh đòn trẻ: Những câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Khi con trai tôi không đáp ứng mỗi khi tôi nói “Không”, chồng tôi thường tét nhẹ vào tay bé. Làm như vậy có được không?
Đây là vấn đề phát sinh khi bạn tét tay trẻ: Càng lớn, thì những cái “tét tay nhẹ hều” không còn là mối đe dọa với bé nữa. Vì thế, mỗi khi trẻ nổi loạn, trẻ sẽ cần bị đánh đau hơn, mạnh hơn. Việc đánh đòn trẻ để phạt khi trẻ đánh người khác là điều đặc biệt không thích hợp. Bạn không thể dạy trẻ không được nhổ nước bọt nữa bằng cách nhổ nước bọt vào bé, đúng không nào? Một số phụ huynh thậm chí còn dùng thắt lưng, móc áo hoặc roi để đánh trẻ. Sau này, khi trẻ đã quá lớn rồi, thì những thứ này sẽ không còn tác dụng nữa.
Tóm lại, khi bạn đánh trẻ, điều đó giống như bạn đang đi vào đường cụt và gửi đến trẻ một thông điệp hoàn toàn sai lầm, rằng “Người lớn đánh trẻ nhỏ là hoàn toàn bình thường”. Đó có phải là điều bạn muốn trẻ học được không?
Đánh trẻ: Làm sao để KHÔNG phạt em bé chập chững của bạn?
Bạo lực rõ ràng đang là một vấn đề nghiêm trọng trên đất nước chúng ta – và nó bắt nguồn từ môi trường trong gia đình. Do đó, việc chúng ta đối xử với trẻ bằng sự tử tế, sự tôn trọng và sự kiềm chế là cực kỳ quan trọng. Điều đó sẽ giúp trẻ học được những cách tốt hơn để thể hiện cảm xúc và không dẫn tới hành vi trút giận lên trẻ khác.
Khi bạn cảm thấy vô cùng giận dữ, khó chịu, hãy đưa hai bàn tay lại gần nhau và vỗ tay. Đừng tát trẻ. Bạn có thể thể hiện sự bực bội của mình bằng cách gầm gừ, giậm chân nhưng đừng bao giờ lay, lắc hay phát vào mông trẻ.
Khi còn nhỏ bố tôi đã từng bị đánh và chính điều đó khiến ông cư xử ngoan ngoãn hơn, nên ông cũng làm như vậy với tôi, và tôi cũng cư xử lễ độ hơn. Vậy thì việc tôi đánh đòn con mình có vấn đề ở chỗ nào?
Rất nhiều cha mẹ nói rằng “Tôi đã từng bị đánh mà giờ tôi vẫn bình thường đấy thôi”. Đúng là những hình phạt về thể xác không phải lúc nào cũng để lại những vết sẹo vĩnh viễn, nhưng rất nhiều người lớn vẫn cảm thấy bị nhục nhã, phẫn uất và giận dữ bởi vì họ đã từng bị đánh.
Hầu hết những truyền thống gia đình đều có các giá trị riêng của nó và chúng cần được gìn giữ, nhưng trong đó chắc chắn không có việc đánh đòn. Vào thời ông cha chúng ta, trẻ con bị đánh bằng roi vọt và thắt lưng, bị kéo tai, bị tát vào mặt, súc miệng bằng xà phòng, bị đánh vào khớp ngón tay bằng thước kẻ. Hãy để việc cưỡng ép trẻ hợp tác bằng nỗi sợ và sự dọa dẫm trở thành quá khứ.
“Các cụ ông ơi, cháu không có ý phản đối gì đâu, nhưng chúng ta luôn có cách khác tốt hơn để dạy trẻ con mà!”