Những nội dung chính
▪ Những cơn thịnh nộ (ăn vạ): bắt đầu xuất hiện khi trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi, khi đó, cảm xúc của trẻ dâng cao nhưng khả năng kiềm chế chưa tốt.
▪ Quấy khóc nơi công cộng: Cần phải kiểm soát những cơn giận bùng phát của trẻ ở những nơi có “khán giả”.
▪ Những vấn đề về giấc ngủ: Trẻ 1 tuổi thường không muốn từ bỏ niềm vui khám phá – ngay cả khi trẻ đã kiệt sức. Bạn có thể luyện ngủ cho trẻ bằng cách thiết lập những giới hạn dựa trên trình tự sinh hoạt. Trước giờ đi ngủ, bạn cần ôm ấp và trấn an trẻ; rồi sau đó cần kiên quyết và nhất quán.
▪ Cắn người khác: Dập tắt từ trong trứng nước bằng những tiếng gầm.
Bây giờ chúng ta hãy cùng xem những lời khuyên được thảo luận trong Phần 2 được áp dụng như thế nào để loại bỏ những trở ngại mà trẻ chập chững với tính cách “hoang dã” hay gặp phải. Ba chương tiếp theo đây không phải là một danh mục dài dằng dặc những tình huống khó khăn bạn thường phải đối mặt với trẻ nhưng chúng đi sâu vào những vấn đề thường gặp nhất và tìm cách giải quyết chúng. Tôi sẽ chỉ cho bạn cách chính xác để áp dụng Phương pháp nuôi dạy con kiểu tiền sử vào thực tế cuộc sống của chúng ta.
Những khó khăn tôi sẽ đề cập đến trong chương này có tác động đặc biệt với trẻ dưới 2 tuổi, nhưng cũng có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào khác.
Những cơn thịnh nộ: Khi ngọn núi lửa phun trào!
“Con giận vì cái gì á? Đó là những ngày con cài cúc không thẳng thớm, là khi con muốn thức khuya và khi con ghét đồ ăn trên đĩa của mình…”
– Catherine and Laurence Anholt, Điều gì khiến con vui
Trẻ chập chững nhất định phải có những cơn thịnh nộ, giống như vào ngày 4 tháng 71 luôn luôn phải có pháo hoa vậy. Chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong suốt quãng thời gian này (từ năm 1 tuổi đến năm 4 tuổi) và có thể sẽ còn tiếp tục. Nhưng chúng bắt đầu thực sự xuất hiện vào khoảng lúc trẻ được 12 đến 15 tháng tuổi – thời điểm “khủng hoảng tuổi lên hai” thực sự bắt đầu.
1 Ngày Quốc khánh Mỹ.
Tại sao trẻ lại nổi cơn thịnh nộ?
Không phải ngẫu nhiên những cơn thịnh nộ ở trẻ lại bắt đầu khi trẻ được khoảng 1 tuổi. Đó chính xác là thời điểm trẻ chập chững dưới 2 tuổi bắt đầu phát triển sự kết hợp mang tính bùng nổ giữa khả năng độc lập và những tính cách di truyền từ thời cổ đại bao gồm sự cứng đầu, bướng bỉnh, cường độ cảm xúc mạnh, sự hung hăng và thiếu kiên nhẫn. Hãy so sánh những điều trẻ luôn khao khát muốn được thực hiện với số lần bạn nói “không” ngày càng gia tăng và… Tôi chắc bạn đã hiểu vấn đề.
Như Ted nói về cô con gái 20 tháng tuổi tính khí mạnh của mình: “Tess thông thạo hai ngôn ngữ: nói và hét.” Sau đây là một vài lý do có thể khiến con bạn trở nên thiếu kiểm soát:
Có những sự thay đổi bất ngờ trong cuộc sống của trẻ. Ngay khi không có chuyện gì phức tạp xảy ra thì việc giữ cân bằng mọi cảm xúc cũng là nhiệm vụ khó khăn đối với trẻ. Vì thế, một sự việc bất ngờ xảy ra làm xáo trộn sự bình yên của trẻ – như sự vắng mặt của bố hoặc mẹ hoặc cả hai người, có thêm em, đi chơi xa – sẽ khiến trẻ mất thăng bằng và trở nên khó kiểm soát.
Những căng thẳng bên trong trẻ tích tụ lại. Những gì diễn ra trong đầu bé có thể cũng tạo áp lực không kém những nguồn gây căng thẳng bên ngoài. Một số yếu tố thường gặp kích động những cơn thịnh nộ của trẻ là đói, mệt, đồ ngọt, ti vi, chứng kiến cảnh bạo lực trong gia đình, caffeine (có trong sô-cô-la, trà, nước cola, thuốc trị cảm lạnh), phấn khích thái quá hoặc bực bội (vì không thể nói hoặc làm những điều trẻ muốn). May mắn thay, nếu bạn học được một quy luật, bạn sẽ có khả năng kiềm chế những cơn ăn vạ này trước khi nó xảy ra.
Bé ở trong môi trường ngột ngạt quá lâu. Trẻ còn chập chững không có nghĩa là trẻ phải ở trong nhà cả ngày. Trẻ luôn mong muốn được hít thở không khí trong lành, được nghe tiếng chim hót, được nghịch bùn, được chơi với những đứa trẻ khác và khám phá một nghìn lẻ một những kho báu khác của thiên nhiên – bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi trẻ trở nên buồn chán trong căn phòng ngột ngạt, giữa bốn bức tường.
Trẻ tự dồn mình vào một góc cảm xúc. Một trong những lầm tưởng lớn nhất mà cha mẹ mắc phải khi nghĩ về những cơn thịnh nộ của trẻ là cho rằng đó chỉ là một hình thức thao túng. Trên thực tế, khi trở nên giận dữ, những đứa trẻ “tiền sử” cũng chỉ là nạn nhân cho chính những cảm xúc của mình – giống như chúng ta. Cơn thịnh nộ của trẻ giống như vũng cát lầy – càng cố gắng vùng vẫy để thoát ra, trẻ càng lún sâu vào đó!
Như tôi đã đề cập ở trên, điều trẻ khao khát nhất chính là sự thấu hiểu và quan tâm của bạn (ngay cả khi trẻ gào khóc để đòi thứ khác). Nhưng do trẻ mới chỉ có những cảm nhận sơ khai về lòng tự trọng nên càng buồn, giận, trẻ càng bị dồn vào góc cảm xúc đó. Đây chính là thời điểm trẻ cần sự trợ giúp của nhà ngoại giao (là bạn) để trẻ có thể hồi phục mà không cảm thấy xấu hổ.
Trẻ được thỏa mãn mọi yêu cầu. Giống như khóc lóc và gào thét làm nũng, những cơn ăn vạ hoàn toàn có thể trở thành một hành vi có chủ đích mà trẻ học hỏi được bằng kinh nghiệm. Nếu trẻ thích những phản ứng của bạn, dù bạn chịu thua và chiều theo trẻ hay cáu gắt bực bội, thì trẻ cũng sẽ ghi nhận trong tiềm thức rằng việc nổi giận của trẻ sẽ mang lại những kết quả nhất định. (Điều này đúng với hầu hết trẻ trên 2 tuổi). Đây không hẳn là một hành vi thao túng có ý thức mà nó giống như một thói quen mà càng ngày trẻ càng muốn duy trì thì đúng hơn.
Trẻ có tính cách nóng nảy. Trẻ tính khí mạnh và có cường độ cảm xúc cao thường có xu hướng hay ăn vạ hơn chính bởi vì - bạn thấy đấy, các bé luôn làm mọi việc với cường độ mạnh mẽ hơn mà. Michele từng rất ngạc nhiên trước những cơn thịnh nộ của cậu con trai Harrison: “Chúng khiến những trận ăn vạ của chị gái thằng bé chỉ như trò đùa.”
Tại sao trẻ lớn vẫn có những cơn thịnh nộ?
Các bậc cha mẹ thường kỳ vọng rằng những trẻ chập chững trên 2 tuổi đã phát triển ngôn ngữ ở mức tương đối tốt và có thể làm được nhiều việc – sẽ không còn ăn vạ nữa. Nhưng thực tế cho thấy rằng các trẻ ở nhóm tuổi này vẫn có thể nổi giận. Đó là lý do tại sao chuyên gia về sự phát triển của trẻ nhỏ, Louise Bates Ames và Frances Ilg, đặt tên cho cuốn sách của mình là Trẻ 3 tuổi – Bạn hay thù? Dưới đây là ba lý do khiến bạn vẫn thỉnh thoảng thấy những cơn thịnh nộ ở trẻ lớn:
1. Trẻ 3 tuổi vẫn phải cố gắng rất nhiều để kiểm soát sự bốc đồng. Không những vậy, càng ngày càng có nhiều tình huống mà trẻ được kỳ vọng phải cư xử “ngoan ngoãn” (ở nhà trẻ, nhà ông bà, khi chơi cùng bạn bè,…) Bởi thế, vào cuối ngày, trẻ đã tích tụ quá nhiều những xung động đến nỗi ngay vào khoảnh khắc khi trẻ đã an toàn ở ngôi nhà quen thuộc của mình, thì trẻ bùng phát một cơn cáu giận với sức mạnh như của mạch nước Old Faithful.
2. Trẻ cảm thấy mất thăng bằng – trẻ không còn là một em bé nhưng cũng chưa phải là một thiếu nhi. Đôi khi, ngọn roi cảm xúc đó có thể trở nên quá mạnh và đẩy trẻ vào vùng nguy hiểm.
3. Trẻ bất ngờ nhận ra cách mọi việc vận hành. Hơn bao giờ hết, trẻ 3 tuổi dùng những cơn ăn vạ để thu hút sự chú ý, kêu gọi sự giúp đỡ, thậm chí để trả thù.
Thuần hóa những cơn thịnh nộ theo cách giáo dục kiểu cổ đại
Tất cả trẻ chập chững đều có những cơn thịnh nộ – đó là chuyện hết sức bình thường. Vì thế, bạn không nên nghĩ rằng bạn có một đứa con chập chững chuyên gây rắc rối hoặc bạn không phải là cha/mẹ tốt. Tin tốt là, một khi bạn đã biết cách để xử lý những cơn thịnh nộ ở trẻ, bạn có thể thường xuyên vô hiệu hóa những quả bom cảm xúc này nhanh hơn cả một đội phá bom.
Chiến thuật phòng ngừa: Hãy giúp trẻ duy trì sự cân bằng bằng cách dành thật nhiều thời gian chất lượng với trẻ, đưa trẻ ra ngoài hít thở không khí trong lành, giúp trẻ ngủ ngon giấc, ăn ngon miệng, khen ngợi trẻ (những lời khen bóng gió nhưng được nói trực tiếp với trẻ và cả những điều đến với trẻ qua “cửa ngách”); các bài tập tăng cường khả năng kiên nhẫn và sự tự tin (xem Chương 9). Hãy giúp trẻ chuẩn bị tinh thần để chào đón mỗi ngày mới và thiết lập những giới hạn rõ ràng, nhất quán. Bạn cần nhớ rằng, mỗi biện pháp này đều giống như một đồng xu bỏ vào đồng hồ đỗ xe, giúp bạn có thêm nhiều khoảng thời gian trẻ bình tâm và hợp tác.
Chiến thuật ngăn chặn: Nếu trẻ càng ngày càng buồn bực, có thể bạn sẽ ngăn chặn được một cơn thịnh nộ khủng khiếp của trẻ nếu ngay lập tức bạn diễn tả lại những cảm xúc bên trong trẻ bằng cách áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh và sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững.
Chúng ta vẫn thường thấy những bậc cha mẹ thiếu kinh nghiệm bình luận về hành động của con họ mà không bắt đầu bằng việc mô tả lại cảm xúc của trẻ:
“Con lạnh.” “Lạnh làm sao được.”
“Con đói.” “Con vừa mới ăn xong mà.”
“Của con. Cái này của con!” “Không phải, con yêu, cái này của Tommy.”
“Bánh! Bánh!” “Con nhìn này, có một tổ kiến!”
Nếu bạn bỏ qua Nguyên tắc Đồ ăn nhanh thì khi bạn càng cố gắng để làm trẻ bình tĩnh, trẻ sẽ càng bực bội. Chẳng mấy chốc, cuộc trò chuyện sẽ trở thành cuộc cãi vã, và cuộc cãi vã sẽ sớm trở thành một cuộc thi gào thét kiểu tiền sử. Bạn nói: “Con trai, con không hiểu gì cả.” Còn trẻ hét lên: “OAAAAAA!!!!” (với nghĩa đại khái rằng “Không, mẹ mới không hiểu ấy.”)
Mục đích đầu tiên của bạn là kết nối với trạng thái tinh thần đầy hoang dã của trẻ chứ không phải là chăng dây cấm đường để trẻ không thể bộc lộ tâm trạng tiêu cực của mình. Bạn có thể dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để mô tả những gì bạn nghĩ trẻ sẽ nói nếu trẻ có thể trình bày những cảm xúc của mình. Bạn không nên quát tháo mà hãy cố gắng thể hiện sự căng thẳng của trẻ. Hãy cảm nhận điều đó bằng trái tim mình. (Bạn cần luyện tập một chút, hầu hết các bậc cha mẹ đều thấy rằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững có tác dụng trấn an chỉ trong vòng một phút hoặc ít hơn).
Bạn chỉ nên an ủi và tìm cách làm trẻ phân tâm sau khi trẻ đã bình tĩnh hơn. Khi trẻ đã bắt đầu ổn định, thì sau đó là lượt của bạn. Hãy cố gắng nghĩ ra một giải pháp cùng thắng: “Con muốn ăn bánh quy phải không? Hãy chọn ra hai chiếc bánh để ăn sau bữa trưa con nhé!” Hoặc bạn có thể Vờ làm kẻ khờ – ví dụ, vờ vấp ngã khi đứng dậy hoặc làm rơi thứ gì đó. Đây là một cách thú vị để làm trẻ sao nhãng, đồng thời cũng giúp trẻ giữ thể diện khi trẻ thấy rằng có vẻ như mình không phải là người duy nhất phạm sai lầm.
Bạn sẽ phải làm gì nếu trẻ tiếp tục ăn vạ dữ dội hơn bằng cách đạp chân và la hét dù bạn đã cố gắng hết sức? Trừ khi trẻ gây đổ vỡ hoặc trở nên hung hăng, trước tiên bạn hãy thử tỏ vẻ khó chịu và phớt lờ bé một chút trước khi nghĩ đến việc Cách ly trẻ.
Ví dụ, bạn có thể nói: “Con đang rất bực! Con bực! Bực! BỰC! Con không thích thế! Con không thích thế! Mẹ rất tiếc, con yêu! Con cứ tiếp tục đấm đá đi nếu con muốn, mẹ đi vào bếp đây. Mẹ sẽ quay lại nhanh thôi.” Bạn nên tránh đi trong khoảng 30 đến 60 giây. Khi không còn ai làm khán giả nữa, trẻ sẽ không còn động lực để tiếp tục gây kịch tính và ồn ào nữa. Và bởi vì bạn không còn ở đó nữa, trẻ không còn là trung tâm nữa nên trẻ sẽ dễ dàng bình tĩnh trở lại mà không có cảm giác xấu hổ hoặc thua cuộc.
Khi tất cả đều không có tác dụng: Nếu việc phớt lờ trẻ không thể dừng cơn thịnh nộ của trẻ, và trong trường hợp trẻ đập phá hoặc hung bạo, bạn cần phải kiểm soát tình huống. Bạn có thể thử ôm trẻ thật chặt từ phía sau (giữ chặt tay trẻ), cùng lúc đó thì thầm vào tai trẻ rằng mọi chuyện sẽ ổn và rằng bạn yêu trẻ. Nếu trẻ vẫn kháng cự thì có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc việc cách ly trẻ.
Xoa dịu con đúng cách
John và Elise đã chỉ cho chúng ta một cách khác lạ để giúp trẻ trấn tĩnh: “Chúng tôi đã phát hiện ra một cách tuyệt vời để xoa dịu đứa con 2 tuổi đáng yêu của chúng tôi, Mathew, khi con bùng phát cơn thịnh nộ. Một trong hai chúng tôi dùng móng tay hoặc bàn chải đánh răng để gãi lòng bàn chân hoặc bàn tay bé. Chỉ vài giây sau, mọi việc đã đâu vào đấy!”
Cơn thịnh nộ ở trẻ: Những câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Con trai tôi khó chịu và bực bội tới mức ngất đi. Như vậy là sao? Tôi có thể làm gì để cháu không bị như thế nữa?
Ngưng thở trong một cơn thịnh nộ có thể khiến chúng ta sợ hãi nhưng đó là điều khá phổ biến ở trẻ từ 15 đến 30 tháng tuổi. Chúng giận dữ, sợ hãi hoặc giật mình, rồi chúng cố để khóc nhưng không thành tiếng! Chúng cứ như vậy trong khoảng 30 đến 40 giây, mặt tái dần và gần như ngất đi. Về bản chất, trẻ chỉ “quên thở” một lúc. Ngay khi trẻ có dấu hiệu ngất đi, quá trình thở tự động của trẻ sẽ được kích hoạt. (Thỉnh thoảng gương mặt bé có vẻ như bị co rút). Hầu hết những trẻ nhỏ “nguyên thủy” bị ngưng thở sẽ tỉnh lại sau vài giây.
Nếu bạn bắt gặp trẻ trong những tình huống như vậy, hãy vẩy nước hoặc thổi trực tiếp vào mặt trẻ. Làm như vậy có thể khiến trẻ thở hổn hển và bắt đầu thở lại bình thường.
Những trường hợp ngưng thở như trên không làm tổn thương não trẻ; nhưng nếu trẻ trải qua tình trạng này theo cơn hoặc theo một quy luật nào đó, bạn cần đưa trẻ đến bác sĩ càng sớm càng tốt để chắc chắn rằng việc trẻ ngất đi không phải là một triệu chứng tai biến hoặc một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào khác.
Ăn vạ nơi công cộng: Làm sao để không hốt hoảng trên phố?
Sandy đưa con trai Corey 22 tháng tuổi đi xem các cửa hàng đồ chơi vì chị của cậu – bé Chrissy – muốn mua quà sinh nhật cho bạn. Đó là cửa hàng thứ ba mà ba mẹ con ghé vào trong buổi sáng hôm đó và Sandy mong rằng họ sẽ chỉ ở đó một lúc thôi. Cô để Corey đứng trước nơi trưng bày đồ chơi tàu hỏa và vừa xem bé chơi vừa giúp Chrissy chọn quà.
Đến lúc ra về, Corey nhất định không chịu dù Sandy đã nói với bé rất vui vẻ. Khi cô cố gắng bế cậu lên, bé lăn ra sàn và bắt đầu giãy giụa.
Người thu ngân thở dài, Chrissy rền rĩ còn Sandy nhìn đồng hồ. Đáng lẽ Corey phải ăn trưa và đi ngủ từ một tiếng trước.
Phớt lờ ánh nhìn chòng chọc của những người khách khác trong cửa hàng, Sandy quỳ xuống bên cạnh con trai và nói bằng giọng biểu cảm: “Con nói: ‘KHÔNG! Không, không, khôôôông!!’ Con nói: ‘Không về nhà! KHÔNG! Corey thích tàu hỏa!’ Corey nói: “KHÔNG về nhà!’” Corey vẫn khóc. Sandy cũng không dừng lại. Cô dậm chân, lắc đầu và xua tay thật mạnh để thể hiện sự căng thẳng của Corey. “Con nói: ‘Không! Không, không, KHÔNG!!! KHÔÔÔÔÔNG!!’ Con nói: “Không về nhà!’” Và Corey dừng lại trong tích tắc.
“Con nói ‘KHÔNG về nhà! KHÔNG… KHÔNG!!! Corey chưa muốn về đâu mẹ ơi!!’” Sandy tiếp tục nói bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững thêm một lúc sau khi Corey đã nín khóc. Sau đó, cô hạ thấp giọng để nói nhỏ với bé: “Này! Suỵt! Này! Mẹ con mình chơi trò đoàn tàu nhé! Tu tu, xình xịch! Mẹ con mình kêu tu tu xình xịch từ đây ra xe nhé!” Chrissy cảm thấy xấu hổ đến mức cô bé đã giả vờ như không quen biết cặp mẹ con đang kêu tiếng tàu hỏa kia, nhưng Corey lại rất sung sướng giả vờ làm tiếng tàu chạy khi cậu bé theo đuôi mẹ ra ngoài. Ăn vạ nơi công cộng là một vấn đề đặc biệt khó khăn bởi nó diễn ra ở… nơi công cộng. Bạn có cảm giác như mình là nhân vật trung tâm và cả thế giới đang “săm soi” mình vậy. Không chỉ thế, con bạn không chỉ la hét mà thậm chí còn khóc to hơn nếu trẻ nhận ra bạn đang xấu hổ hoặc bối rối không biết phải làm thế nào.
Bạn cần lên kế hoạch trước cho những lần đưa trẻ ra ngoài để tránh trường hợp trẻ khóc lóc ăn vạ giữa lối đi trong siêu thị Wal-Mart. Nếu có thể, hãy thu xếp thời gian đi ra ngoài sau giờ ngủ trưa hoặc bữa ăn của trẻ. Những chuyến đi này nên ngắn và được chuẩn bị trước. Mỗi lần đưa trẻ đi cùng, bạn chỉ nên làm một hoặc hai việc – đi lòng vòng trong một trung tâm thương mại chắc chắn sẽ dẫn tới những việc quá tải cảm giác trong não trẻ ở độ tuổi chập chững. Bạn có thể mang theo đồ ăn nhẹ hoặc những phần thưởng nho nhỏ như hình dán, giấy bút hoặc một món đồ chơi đặc biệt để trẻ chơi trong lúc chờ đợi bạn hoàn tất phần việc của mình.
Khi tâm trạng trẻ bùng nổ, bạn có 3 lựa chọn:
1. Bạn có thể phớt lờ trẻ – việc này tương đối khó khăn vì những cơn ăn vạ nơi đông người thường có xu hướng leo thang – trẻ đang có rất nhiều khán giả mà.
2. Bạn có thể dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để thể hiện sự đồng cảm – như cách Sandy đã làm – sau đó đưa trẻ đến lối rẽ (thỏa thuận hoặc khiến trẻ phân tâm).
3. Bạn có thể đếm đến ba, sau đó đưa trẻ ra chỗ khác, cách ly trẻ trong xe ô tô. Bạn làm như sau: Đặt trẻ vào trong xe, hạ kính cửa xe xuống một chút, khóa cửa xe lại, sau đó đợi bên ngoài và quay lưng lại phía trẻ. Nếu trẻ bình tĩnh lại trong vòng một, hai phút, bạn cần đưa trẻ ra ngoài và cho trẻ một phần thưởng nho nhỏ để “làm trơn bánh xe hợp tác” và để bạn có thể nhanh chóng kết thúc nhiệm vụ mua sắm. Bạn cũng có thể đưa trẻ về nhà ngay lúc đó – có thể trẻ thực sự muốn như vậy. Cảnh báo: Bạn không được nhốt trẻ trong ghế ngồi ô tô của trẻ. Nếu làm như vậy, trẻ có thể không nghĩ đó là thiết bị đảm bảo an toàn mà chính là một hình phạt. Và đừng bao giờ để trẻ trong một chiếc ô tô với nhiệt độ cao, hoặc ô tô đậu chỗ nắng nóng.
Những vấn đề về giấc ngủ: Bây giờ con đã buồn ngủ chưa?... Chưa đâu ạ!
Gigi thường ngủ rất tốt. Lúc 5 tháng tuổi, bé có thể ngủ liên tục 12 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ tối đến 7 giờ sáng. “Bạn bè luôn ghen tỵ với chúng tôi”, mẹ của Gigi, Anita, nhớ lại đầy tiếc nuối. Đến khi bé được 18 tháng tuổi, quy luật giấc ngủ tuyệt vời ấy của bé đột ngột thay đổi. Gigi bắt đầu tỉnh giấc hai, ba rồi bốn lần mỗi đêm. Và bé hét lên. Anita hoặc chồng cô, Paul, sẽ lập tức chạy đến và dỗ bé ngủ tiếp, nhưng chỉ vài giờ sau bé sẽ lại tỉnh dậy dù đã ngủ sâu. Ngay cả khi được bố mẹ bế trên tay để ngủ, Gigi vẫn sẽ tỉnh giấc ngay khi được đặt xuống giường. Nhiều đêm, Anita và Paul đã phải ru bé ngủ từ lúc 7 giờ tối và không thể đặt bé nằm xuống giường cho đến gần 11 giờ đêm. Không bao lâu sau, Gigi chống đối cả khi đi ngủ.
“Bé cứ liên tục như vậy”, Anita thú nhận đầy mệt mỏi, “Còn tôi thì chẳng biết phải làm gì!”
Tại sao trẻ không chịu đi ngủ?
Trung bình, trẻ chập chững sẽ ngủ khoảng 12 đến 14 tiếng mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ trưa và ngủ tối. Trẻ cần ngủ đủ giấc để có thời gian tái tạo và nuôi dưỡng não bộ, ghi lại hàng trăm trải nghiệm trẻ có hằng ngày. Vậy tại sao nhiều trẻ lại nhất định không chịu đi ngủ một cách ương bướng như vậy?
Vì trẻ… thích hoạt động. Có thể trẻ gặp phải những vấn đề về giấc ngủ bởi trẻ yêu thích vô cùng việc khám phá thế giới và không thể chịu được việc phải dừng điều đó lại. Bởi thế, trẻ sẽ đương nhiên phản đối việc đi ngủ mặc dù trẻ cũng đã thấm mệt. Nếu trẻ bất ngờ tỉnh giấc trong đêm, lúc đó trẻ thậm chí có thể cảm thấy mình hoàn toàn đủ năng lượng để bắt đầu một ngày mới!
Vì trẻ nhớ bạn. Có lẽ bạn đã nhận ra rằng trẻ càng ngày càng trở nên buồn bực nếu trẻ bị tách khỏi bạn. Điều này là hoàn toàn bình thường, nhất là sau một chuyến đi, một trận ốm hoặc một sự thay đổi to lớn đối với trẻ (như trẻ có em chẳng hạn). Ảnh hưởng của sự chia tách này đặc biệt dễ nhận thấy vào ban đêm bởi khi đó căn nhà chìm trong bóng tối và im lặng, có cảm giác cô đơn (thậm chí là sợ hãi), và trẻ có thể nhất định muốn bạn vào phòng để giải cứu trẻ khỏi tình trạng một mình lúc đó.
Vì trẻ mọc răng. Khi phải nằm xuống, trẻ sẽ cảm thấy khó chịu hơn vì mọc răng, điều này hoàn toàn có thể khiến trẻ tỉnh giấc vì giấc ngủ không sâu.
Vì trẻ tò mò. Nhà thám hiểm nhỏ tuổi của chúng ta luôn thích thú tìm hiểu những điều đang xảy ra trong thế giới của bé (nhà bạn). Bởi thế nên khi trẻ nghe thấy tiếng nói chuyện hoặc bất kỳ tiếng động nào ở phòng khác, trẻ sẽ lập tức cảm thấy tò mò. Trẻ không muốn bỏ lỡ bất cứ điều gì cả.
Vì thói quen của trẻ. Bạn nên cẩn trọng về những thói quen liên quan đến giấc ngủ mà bạn tạo ra cho trẻ. Nếu bạn luôn luôn bế ru trẻ, trẻ sẽ muốn được bế ru ngay cả khi trẻ tỉnh dậy giữa đêm; nếu bạn ngủ cùng trẻ khi trẻ ốm thì sau một vài hôm như vậy, trẻ sẽ luôn muốn có bạn ngủ cùng. (Tất nhiên, nếu trẻ ốm, bạn có thể vẫn quyết định làm như vậy và tập lại cho trẻ thói quen cũ sau khi trẻ khỏi ốm).
Luyện tự ngủ cho trẻ theo cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Mặc dù những cơn ăn vạ của trẻ rất phổ biến nhưng chính những vấn đề về giấc ngủ mới thực sự khiến nhiều bậc cha mẹ phải đau đầu. Đó là bởi vì chúng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của tất cả các thành viên trong gia đình. Sau khi Jenifer thấy bạn mình – Janice – lái xe bất cẩn (Janice quá mệt và không còn biết mình đang làm gì), cô đã đưa Janice đến gặp tôi để học cách luyện tự ngủ cho đứa con “cú đêm” 14 tháng tuổi của cô ấy.
Dưới đây là một số gợi ý của tôi dành cho Janice:
Giảm các nhân tố gây kích thích. Giảm bớt sự phấn khích xảy ra trước giờ đi ngủ. Khoảng một tiếng trước khi đi ngủ, hãy giảm ánh sáng trong nhà (có thể để đèn ngủ). Tránh nô giỡn bằng trò đánh nhau, tiếng ti vi, các âm thanh lớn và tất cả những chất kích thích từ bên trong khác như nước cola, trà, sô-cô-la và thuốc làm thông mũi.
Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc ban ngày. Trái với những gì cha mẹ vẫn nghĩ, giữ cho trẻ thức cả ngày cho đến tận giờ đi ngủ không giúp bé ngủ lâu hơn. Trên thực tế, giấc ngủ của trẻ sẽ thường kém hơn khi bạn làm như vậy. Hầu hết các chuyên gia về giấc ngủ đều nói rằng nếu bạn muốn trẻ ngủ nhiều hơn vào buổi tối, bạn nên khuyến khích trẻ ngủ nhiều hơn vào ban ngày!
Cho trẻ dùng một chút thuốc giảm đau. Nếu trẻ đang mọc răng, bạn có thể đề nghị bác sĩ kê cho bạn ibuprofen (loại thuốc giảm đau dùng khi đi ngủ) để trẻ bớt cảm giác đau nhức khó chịu.
Hãy chắc chắn rằng trẻ không đói. Nếu trẻ tỉnh giấc vào lúc 2 giờ sáng và đòi bú mẹ hoặc bú bình, bạn hãy thử đánh thức trẻ dậy sớm hơn thời điểm đó một chút và cho trẻ bú sữa. Sự khác biệt là gì? Cho trẻ bú dòng sữa ngọt ngào và thơm ngon khi trẻ đang thức giống như bạn đang thưởng cho trẻ vì đã thức dậy. (“Mẹ rất vui khi mình tỉnh dậy vào ban đêm. Mẹ đã tặng mình một món quà!”) Mặt khác, nếu bạn đánh thức trẻ dậy để ăn, trẻ sẽ hấp thụ được lượng ca-lo cần thiết mà không cần phải giật mình tỉnh dậy.
Nếu trẻ thức dậy vào giữa đêm, bạn hãy thử chủ động đánh thức trẻ vào khoảng từ 11 giờ tối đến nửa đêm để cho trẻ uống sữa, giúp trẻ ngủ tốt hết phần còn lại của giấc đêm. Nếu trẻ vẫn thức dậy và đói vào lúc 4 giờ sáng, tôi vẫn sẽ cho trẻ ăn, nhưng vào đêm tiếp theo, tôi sẽ đánh thức trẻ dậy trước thời điểm trẻ tỉnh giấc vào đêm trước 30 phút để cho trẻ ăn (trong trường hợp này là vào lúc 3 giờ 30 phút). Bạn không nên nói chuyện hoặc ru vỗ trẻ trong khi cho trẻ ăn những cữ đêm này.
Sau khoảng ba tới bốn đêm như vậy, bạn cần giảm thời gian cho ăn xuống còn khoảng vài phút, hoặc thay 60ml sữa bằng 60ml nước lọc. Trong vòng hai tuần, bạn sẽ có thể cai được cữ gần sáng cho trẻ.
Một mẹo nhỏ nữa có thể giúp trẻ ngủ đêm ngon giấc là cho trẻ ăn một bữa giàu ca-lo ngay trước giờ đi ngủ (ví dụ như bơ nghiền trộn với một chút dầu ôliu).
Daniella – mẹ của bé Skyler 13 tháng tuổi – nhận thấy rằng bé có thể ngủ ngon trọn đêm nếu cô cho bé ăn một quả trứng trước giờ đi ngủ.
Thiết lập trình tự đi ngủ thật hợp lý. Trình tự đi ngủ nhất quán, không thay đổi là dấu hiệu hoàn hảo nhất để trẻ hiểu rằng đã đến giờ đi ngủ. (Bạn nên sử dụng trình tự đi ngủ này vào lúc trẻ khoảng 2 tuổi để trẻ đi ngủ dễ dàng hơn vì tại thời điểm này, trẻ đã trở nên rất phụ thuộc vào các trình tự sinh hoạt).
▪ Giảm bớt ánh sáng, bật tiếng ồn trắng trong khoảng một đến hai tiếng trước giờ đi ngủ. (Bạn có thể bật tiếng ồn trắng suốt cả đêm.) Tiếng ồn trắng có hai tác dụng: Thứ nhất, nó giống như âm thanh trẻ nghe được khi còn ở trong tử cung của người mẹ, điều này khiến bé bình tĩnh hơn và đi sâu vào giấc ngủ; Thứ hai, tiếng ồn trắng sẽ giúp loại bỏ những âm thanh khó chịu bên trong và bên ngoài nhà bạn.
▪ Cho trẻ tắm nước ấm, sau đó ru trẻ và mát-xa cho trẻ (xem Chương 10) để giúp trẻ thư giãn.
▪ Nhẹ nhàng vuốt phần trán của trẻ, từ lông mày đến chân tóc, kéo mắt trẻ mở một chút mỗi lần vuốt. Phản ứng tự nhiên của trẻ sẽ là muốn nhắm mắt lại.
▪ Một số biện pháp khác giúp hỗ trợ giấc ngủ bao gồm nhạc hát ru (cùng với tiếng ồn trắng), đèn ngủ, hát nhẹ nhàng, những lời yêu thương và tất nhiên là cả một người bạn thân ấm áp và gần gũi nữa.
Nếu trẻ bắt đầu ngủ khi bạn vẫn đang ở bên cạnh, hãy huých nhẹ để trẻ hơi tỉnh một chút khi bạn bắt đầu rời khỏi phòng trẻ. Điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng trẻ càng được luyện tập để tự tìm lại giấc ngủ thì càng có khả năng ngủ lại tốt hơn nếu trẻ tỉnh dậy trong đêm.
Bạn cần nghiêm túc trong việc luyện cho trẻ ngủ xuyên đêm. Tin xấu là những thói quen về giấc ngủ của trẻ chập chững có thể dễ dàng bị phá vỡ, nhưng tin tốt là trẻ có thể dễ dàng học những thói quen mới.
Nếu bạn đã thử tất cả những biện pháp như trên mà em bé tiền sử của bạn vẫn không chịu đi ngủ hoặc tỉnh dậy giữa đêm thì có lẽ bạn nên đặt những giới hạn nghiêm khắc hơn cho trẻ. Sau đây là ba cách tiếp cận có thể có ích cho bạn:
Kỹ thuật “Mẹ sẽ ở bên con mỗi khi con cần mẹ”
Trẻ chập chững rất đòi hỏi và gan lỳ. Thông thường, các nguyên tắc dành cho trẻ cần được lặp đi lặp lại để cuối cùng bé nhận ra rằng mình không có lựa chọn nào khác ngoài việc tuân thủ kỷ luật.
Kỹ thuật này gồm ba bước:
1. Bạn cần chạy đến bên trẻ ngay khi trẻ khóc, ôm lấy trẻ khi trẻ đang nằm trong cũi hoặc bế trẻ lên. Nói với trẻ rằng bạn yêu trẻ, nhưng không nên nói nhiều hơn thế. Bạn càng nói nhiều thì tức là bạn càng thưởng nhiều cho trẻ vì tỉnh giấc.
2. Đặt trẻ xuống ngay khi trẻ đã yên lặng trở lại. (Bạn ngồi bên cũi của trẻ).
3. Ôm trẻ hoặc bế trẻ lên ngay khi trẻ bắt đầu khóc trở lại.
Bài học bạn dành cho trẻ ở đây là “Mẹ yêu con, mẹ luôn ở bên con, nhưng khi con đã bình tĩnh, mẹ muốn con tự đi ngủ.” Kỹ thuật này có tác dụng tốt nhất đối với những trẻ chập chững dễ tính, ít bướng bỉnh. Bạn đừng ngạc nhiên nếu bạn phải lặp đi lặp lại những hành động này từ 20 đến 50 lần trước khi trẻ thực sự ngủ lại được hay nếu bạn phải liên tục áp dụng vài lần mỗi đêm và trong vài ngày (thậm chí vài tuần).
Kế hoạch “Dạy trẻ tự ngủ lại”
Đây là cách truyền thống để luyện ngủ cho trẻ. Bạn không bao giờ nên để trẻ khóc ban đêm nếu trẻ thực sự sợ hãi. (Xem Chương 14 về nỗi sợ.) Nhưng thường thì khóc đêm chỉ là một thói quen. Trẻ không chịu chấp nhận rằng sự náo nhiệt ban ngày đã kết thúc. Tiếng khóc này rất giống với việc trẻ hét lên để phản đối những giới hạn bạn đặt ra. (“Không được! Con có thể khóc cả ngày, nhưng nhất định là con không được nghịch kéo!”)
Kỹ thuật này cũng bao gồm ba bước:
1. Đến bên trẻ sau khi để trẻ khóc một mình khoảng ba phút.
2. Ngó vào phòng trong khoảng vài giây, đủ để bạn kiểm tra xem trẻ có nôn hoặc để tay thành một tư thế gây khó chịu nào đó hay không. Bạn chỉ nói: “Mẹ yêu con! Con ngủ đi, con yêu”. Sau đó rời khỏi phòng trẻ.
3. Nếu trẻ vẫn tiếp tục khóc, bạn đợi 5 phút rồi quay lại, rồi đợi 10 phút mới quay lại, rồi đợi 15 phút để kiểm tra và để trẻ biết rằng bạn vẫn ở gần trẻ. Mỗi lần bước vào, bạn chỉ nên ở lại với trẻ trong khoảng ba đến bốn phút và lặp lại câu: “Mẹ yêu con! Ngủ đi, con yêu!”
Đêm đầu tiên áp dụng biện pháp này sẽ rất khó khăn. Trẻ có thể khóc đến cả tiếng đồng hồ, đôi khi lâu hơn. Và bạn sẽ cần lặp lại toàn bộ quá trình này mỗi lần trẻ tỉnh giấc (thường từ một đến ba lần). Thông thường, đêm tiếp theo sẽ tương tự như đêm đầu tiên, nhưng đêm thứ ba sẽ ổn hơn. Đến đêm thứ tư, hầu hết trẻ chập chững sẽ ngủ được xuyên đêm.
Bạn nên cố gắng không bế trẻ lên hoặc nói quá nhiều với trẻ. Bạn càng nói hoặc làm nhiều, bạn sẽ càng khiến trẻ hy vọng rằng bạn sẽ thay đổi ý định và “giải cứu” trẻ. Thậm chí cả việc lại gần cũi của trẻ cũng có thể “đổ thêm dầu vào lửa”, khiến trẻ càng thêm hi vọng rằng tiếng khóc của trẻ đã có tác dụng và bạn sẽ nhanh chóng bế trẻ lên.
Để trẻ khóc cho đến khi tự ngủ lại được trong vài đêm sẽ không gây bất cứ ảnh hưởng gì cho trẻ. Trẻ có thể buồn vào sáng hôm sau, nhưng tổn thương và sự tức giận trong thoáng chốc này sẽ nhanh chóng được cân bằng nhờ tình yêu thương và sự quan tâm bạn dành cho trẻ trong suốt thời gian ban ngày. Ngoài ra, bạn sẽ làm điều đó tốt hơn nếu bạn không liên tục rơi vào trạng thái mệt mỏi. Nếu con bạn không còn nằm cũi nữa khi bạn luyện ngủ cho bé, bạn cần đặt thanh chắn cửa để trẻ không thể rời khỏi phòng vào ban đêm. Nếu trẻ có thể trèo qua thanh chắn, tôi khuyên bạn nên làm khóa cài bên ngoài cửa căn phòng. Ban ngày, bạn chỉ cho trẻ thấy rằng một khi cửa đã khóa, trẻ sẽ không thể mở được. Ban đêm, bạn nên để một cái chăn hoặc gối bên cạnh cửa ra vào, bởi một số trẻ rời khỏi giường và có thể sẽ ngủ quên trên sàn nếu trẻ nhận ra rằng trẻ không thể ra ngoài. Với cả hai kỹ thuật luyện ngủ ở trên, một vật trấn an và tiếng ồn trắng sẽ giúp quá trình luyện ngủ kết thúc sớm hơn. Tiếng ồn trắng sẽ át đi những tiếng động bên ngoài có thể khiến trẻ tỉnh giấc, đồng thời cũng giúp trẻ ngủ sâu hơn, giấc ngủ dài hơn.
Nếu trẻ ngủ cùng phòng với anh/chị/em, bạn nên để anh/ chị/em của trẻ ngủ ở phòng bạn hoặc ở phòng khách trong khi bạn thực hiện những kỹ thuật luyện giấc ngủ cho trẻ.
Sự gián đoạn lấp lánh: Phương pháp “không nước mắt” giúp trẻ chập chững tự ngủ
Đây là một phương pháp tuyệt vời để giúp trẻ chập chững (khoảng gần 2 tuổi) không gặp những khó khăn về giấc ngủ. “Sự gián đoạn lấp lánh” là một phương pháp “không nước mắt”, không gây đau đớn khi luyện ngủ cho trẻ. Aaron, bố của Emma, đã đặt tên cho phương pháp này theo bài hát Những ngôi sao nhỏ lấp lánh (Twinkle, twinkle, Little Star) bởi con gái anh thường yêu cầu anh hát đi hát lại bài hát này trong khoảng từ 30 đến 40 phút cho đến khi cô bé buồn ngủ.
Phương pháp này như sau:
Bạn thực hiện trình tự đi ngủ thường ngày. Hát bài Những ngôi sao nhỏ lấp lánh hoặc một bài hát khác mà bé yêu thích hai lần. Khi bạn bắt đầu hát đến lần thứ ba, dừng lại và giả vờ làm kẻ khờ, bất chợt nhớ ra điều gì quan trọng. Bạn có thể nói, “Ôi, ôi, ôi… bố quên chưa hôn mẹ rồi. Đây, con ôm lấy bạn gấu bông. này nhé, bố sẽ quay lại NGAY.” Bạn quay lại thật nhanh sau vài giây. Sau đó, bạn lại tiếp tục hát bài hát từ đầu, nhưng tiếp tục bỏ đi bằng cách y hệt như trước. Lần này, bạn đợi khoảng mười giây sau mới quay lại. Bạn hát vài phút, sau đó lặp lại các bước trên, nhưng quay lại sau 30 giây và ở bên cạnh trẻ cho đến khi trẻ ngủ. Đêm tiếp theo giống như đêm trước nhưng bạn để bé đợi lần lượt mười giây, 30 giây và cuối cùng là một phút. Đêm thứ ba, bạn đứng bên ngoài phòng trẻ trong khoảng 30 giây, sau đó là một phút và cuối cùng là ba phút. Chẳng mấy chốc, trẻ sẽ ngủ lại trong khi đợi bạn sau lần đầu hoặc lần thứ hai bạn rời đi.
Tất nhiên, đây chỉ là một kiểu mánh khóe nhưng đó cũng là những gì người đại sứ cần làm. Không có thủ đoạn nào ở đây cả – đó là một kế hoạch hành động rất lương thiện, hoàn toàn không xấu xa! Bạn chỉ đơn giản là sử dụng sự khéo léo trong ngoại giao và sự thông minh trội hơn để chiến thắng những lo lắng của trẻ.
Để trẻ không ngã khỏi cũi
Trước khi luyện ngủ cho trẻ, bạn cần bỏ hết quây cũi ra khỏi cũi để tránh trường hợp trẻ trèo ra ngoài. Cẩn thận như vậy vẫn chưa đủ, bạn nhất định phải đặt một vật mềm trên sàn, xung quanh cũi. Bạn sẽ không thể biết khi nào đứa trẻ dũng cảm của bạn sẽ cố gắng để “tẩu thoát”. Bé Will 15 tháng tuổi đã trèo ra khỏi cũi khi Sue – mẹ bé – đang luyện ngủ cho bé. “Bé không sao cả”, cô nói, “nhưng tôi đã vô cùng sợ hãi khi đột nhiên tôi nghe thấy tiếng khóc của bé càng lúc càng gần mình!”
Nếu bạn nghĩ trẻ đã có thể trèo khỏi cũi (trẻ có thể đặt một chân lên thanh chắn) thì có lẽ bạn nên chuyển bé sang ngủ ở giường dành riêng cho trẻ nhỏ để tránh những tai nạn có thể xảy ra.
Những vấn đề liên quan đến giấc ngủ: Câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Tôi phải làm gì nếu con tôi liên tục khóc?
Chúng ta không có quy ước về một khoảng thời gian nhất định để trẻ khóc. Nếu bạn chắc chắn rằng trẻ không ốm hoặc sợ hãi, bạn có thể để trẻ khóc đến một tiếng đồng hồ (một số trẻ đặc biệt bướng bỉnh thậm chí có thể khóc lâu hơn thế). Bạn nên kiểm tra tình hình của trẻ khoảng 15 phút một lần để đảm bảo không có chuyện gì xảy ra với trẻ nhưng nên tránh vô tình khiến trẻ nhận được thông điệp lẫn lộn qua việc nói quá nhiều, đứng quá gần cũi của trẻ hoặc nấn ná quá lâu trong phòng trẻ.
Cho trẻ đi ngủ đúng giờ mới chỉ là trận chiến khởi đầu bởi sau đó, con tôi tỉnh dậy giữa đêm và khóc lóc!
Đối với những trẻ tỉnh giấc giữa đêm, bạn nên áp dụng cách thức giống như cách bạn cho trẻ đi ngủ. Bạn nên nhanh chóng kiểm tra xem trẻ có ổn không, sau đó kiểm tra lại, lần sau cách lần trước lần lượt năm phút, mười phút và mười lăm phút. Thông thường, bạn càng thực hành các bước này nhiều lần, trẻ sẽ càng nhanh chóng học được cách tự ngủ.
David và Catherine rất mệt mỏi. Cô con gái Chloe ngủ cùng bố mẹ cho đến khi bé 2 tuổi. Sau đó, họ muốn bé ngủ giường riêng nhưng họ đã được cảnh báo trước rằng bé có thể sẽ kêu khóc vào ban đêm trong suốt hai tuần và họ muốn tránh điều đó. Vì thế, trước khi cho bé ngủ riêng, họ đã thiết lập trình tự đi ngủ rất tuyệt vời: chúc tất cả các bạn đồ chơi của Chloe ngủ ngon, mát-xa cho bé, vuốt ve âu yếm bé và những người bạn thân của bé, và hát ru. Nhưng họ đã không thành công. Chloe muốn bố mẹ ở bên cạnh bé hàng tiếng đồng hồ, khiến họ cảm thấy rất căng thẳng và mệt mỏi. Cuối cùng, họ quyết định áp dụng phương pháp “để bé khóc” để hình thành thói quen đi ngủ cho bé đồng thời cũng để bản thân họ được tỉnh táo. Đêm đầu tiên, Chloe khóc suốt một tiếng đồng hồ sau đó ngủ một mạch đến sáng. Nhưng bé cũng chỉ khóc như vậy. Kể từ sau đó, bé chìm vào giấc ngủ rất nhanh và ngày nào cũng ngủ từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng hôm sau!
Cắn: Ôi chao, răng con sắc quá!
Dian đang cố gắng buộc dây giày cho Lucas nhưng cậu bé liên tục ngọ nguậy chân. Vì thế, cô phải kẹp một chân cậu vào giữa hai đầu gối mình để có thể buộc dây giày cho cậu. Ngay lúc đó, bé Lucas 16 tháng tuổi cúi về phía trước và cắn vào tay mẹ – rất đau. “Á!!” Mẹ cậu kêu lên. Rồi mẹ cậu cũng cố gắng trấn tĩnh, nhẹ nhàng trách mắng, “Thôi nào, Lucas, con không được cắn!”
Nhưng Lucas vẫn không chịu dừng lại. Thực ra, mỗi lần bé cáu giận, đây chính là cách phản ứng ưa thích của bé.
Tại sao trẻ nhai?
Những người Nê-ăng-đéc-tan dùng răng nhiều đến nỗi răng phía trước của họ thường hỏng sớm! Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ chập chững dưới 2 tuổi có xu hướng cắn nhiều hơn những trẻ lớn tuổi hơn. Đối với những người tiền sử chưa nói được nhiều, cắn chính là cách họ thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng (ngay cả những trẻ hiền lành đôi khi cũng cắn bạn chơi cùng mỗi khi chúng cảm thấy bị bắt nạt hoặc dọa dẫm.) Trẻ chập chững dưới 2 tuổi cũng coi việc cắn là một cách để nói rằng chúng đang đói hoặc đang mọc răng.
Một số trẻ chỉ cắn một lần và không bao giờ lặp lại hành động đó nữa. Nhưng đối với một số trẻ khác, cắn đã trở thành một thói quen xấu. Giống như trường hợp của Lucas, điều này xảy ra do trẻ thích phản ứng của chúng ta khi trẻ làm như vậy. Dù là bố mẹ hay bạn chơi cùng, người bị cắn không thể không kêu lên ré khi trẻ đột nhiên trở thành “ma cà rồng Dracula” như vậy. Và trẻ hoàn toàn có thể coi sự cố cắn người đó như một trò chơi thú vị. Nếu trẻ cắn bạn Sally khiến bạn ấy phải buông cái cào đồ chơi mà trẻ đang muốn có thì rất có thể lần sau trẻ sẽ lại làm thế để có được kết quả tương tự.
May mắn thay, trẻ thường không duy trì hành vi này vào cuối giai đoạn chập chững. Khi đó, trẻ sẽ học được những cách hợp lý hơn để thể hiện mong muốn của mình.
Phản ứng khi bị trẻ cắn theo phong cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Mục tiêu đầu tiên là ngăn trẻ không cắn người khác, nhưng nếu bạn không thể đạt được điều đó, thì hai mục tiêu tiếp theo là yêu cầu trẻ dừng lại khi trẻ đang cắn hoặc ngay sau đó.
▪ Ngăn trẻ không cắn. Phương pháp ngăn ngừa hiệu quả có thể giúp bạn hoàn toàn tránh được việc phải xử lý tình huống khi trẻ cắn bạn hoặc người khác, hoặc biến việc này thành sự việc “một lần và mãi mãi”.
▪ Đáp ứng trẻ khi trẻ đói hoặc mọc răng. Nếu trẻ đói, bạn cần cho trẻ ăn. Nếu trẻ mọc răng, bạn có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn bằng ibuprofen hoặc đồ chơi gặm nướu. (Bản thân tôi ưa dùng khăn mặt hoặc đồ chơi vải vì chúng không chứa các thành phần nhựa.)
▪ Luôn nhớ rằng trẻ cần nhiều thời gian vui chơi ngoài trời. Dù trẻ có mọc răng hay không, bạn cũng cần chắc chắn rằng trẻ không bị nhốt trong nhà quá lâu. Đưa trẻ ra ngoài chơi sẽ khiến trẻ giảm bớt những căng thẳng tích tụ trong ngày.
▪ Dùng tin nhắn “cửa ngách” để giải thích quy định. Nếu trẻ đã chứng kiến một trẻ khác cắn người, bạn cần “chuyện gẫu” với một món đồ chơi nào đó của bé rằng bạn không thích trẻ cũng làm như vậy, hoặc kể cho trẻ nghe một câu chuyện cổ về một chú ếch thay vì hôn mọi người thì luôn cắn họ và chẳng mấy chốc đã không có bạn bè nào bên cạnh. (Đừng quên kết thúc có hậu của câu chuyện: Chú ếch nhận ra rằng thay vì cắn các bạn khác, chú có thể cắn chiếc áo sơ mi của mình, và kỳ diệu thay, sau đó những người bạn cũ của chú đều quay lại chơi với chú!)
▪ Giảm đến mức tối thiểu những cơ hội xảy ra mâu thuẫn giữa trẻ và các bạn khác. Nếu bé đi nhà trẻ hoặc tham gia một nhóm bạn cùng chơi, bạn cần đảm bảo rằng xung quanh trẻ luôn có nhưng đồ chơi hợp với lứa tuổi của mình. Một trong những cách để giảm thiểu mâu thuẫn là tạo ra từng khu vui chơi riêng biệt trong phòng, mỗi khu tập trung vào một hoạt động hoặc trò chơi nhất định – ví dụ, một góc nghệ thuật, một góc nấu ăn, một góc chơi xếp hình…
Khi trẻ quá nóng giận
Khi trẻ có dấu hiệu chuẩn bị cắn, bạn cần nhắc nhở trẻ rằng bạn không thích điều đó, “Không được cắn. Con không được cắn. Con chỉ cắn thức ăn thôi!” Bạn cần chú ý rằng trong trường hợp này, bạn có thể bỏ qua Nguyên tắc Đồ ăn nhanh và truyền tải thông điệp của bạn ngay lập tức bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững.
Giọng nói là yếu tố quyết định. Nếu bạn chỉ nhẹ nhàng nói rằng: “Mẹ không thích con cắn người khác,” như Diana đã làm ở ví dụ trên, thông điệp của bạn sẽ chẳng khác nào một lời thì thầm trong cơn bão. Bạn cần tỏ ra cứng rắn và nghiêm khắc, rằng bạn không hề đùa. Những biểu cảm trên khuôn mặt bạn cần thật nghiêm túc. Hầu hết trẻ sẽ hiểu yêu cầu của bạn và dừng lại. Bạn không nên tiếp tục nhìn chằm chằm vào trẻ sau khi bạn đã nói lời cảnh báo. Một số trẻ sẽ chủ động không vâng lời khi chúng bị người khác nhìn chằm chằm.
Sau khi trẻ cắn
Bạn phải làm gì nếu trẻ lao vào cắn người khác mà bạn không kịp can ngăn? Khi ấy, bạn cần nói bằng giọng nghiêm khắc“KHÔNG!” và gầm gừ, thở dài, đập tay và giậm chân, sau đó phớt lờ trẻ để thông điệp của bạn có thêm sức nặng. Điều này có hai ý nghĩa: Thứ nhất, trẻ hiểu rằng cắn là hành vi không được chấp nhận và thứ hai, nó giúp trẻ thấy rằng gầm gừ cũng là một cách để thể hiện những cảm xúc quyết liệt mà không cần cắn.
Nếu trẻ cố cắn thêm lần nữa sau khi bạn đã làm tất cả những điều trên, thực hiện cách ly với trẻ là một hình thức phạt hợp lý. Bạn đã thể hiện sự không hài lòng của mình, còn trẻ biết rằng có quy tắc đối với việc cắn. Bởi trẻ đã vi phạm quy tắc đó nên bạn cần phản ứng mạnh hơn để nhấn mạnh thông điệp của mình.
Nếu trẻ cắn một bạn khác, bạn cần hướng sự quan tâm của mình sang trẻ đó và phớt lờ con trong một hoặc hai phút. Bạn sẽ không muốn khuyến khích hành vi sai trái của trẻ bằng cách dành cho trẻ quá nhiều sự chú ý sau khi trẻ đã cắn người khác đâu. (Hãy nhớ Luật về miếng khoai tây ỉu).
Nếu con bạn bị cắn thì sao?
Nếu như cha mẹ của trẻ cắn bạn cảm thấy xấu hổ thì cha mẹ của trẻ bị cắn cũng cảm thấy rất xót xa. Có thể trẻ cắn đang đói hoặc chưa có đủ không khí trong lành cần thiết, chưa được thỏa mãn với những trò chơi hiếu động hoặc đơn giản bởi xung quanh trẻ không có đủ đồ chơi. Đôi khi, trẻ ở nhà trẻ hoặc trong một nhóm chơi có thể lao vào cắn nhau bởi trẻ bắt chước hành vi của nhau (cũng giống như khi trẻ bắt chước nhau lè lưỡi vậy).
Điều thú vị là, những trẻ hung hăng thường hay bị cắn hơn những trẻ hiền lành. Những trẻ này thường rất hiếu động và trong khi chơi, trẻ có thể vô tình “xâm phạm” vào không gian của một trẻ khác, khiến trẻ đó cắn để tự vệ.
Chúng ta nên biết điều gì đã xảy ra khi trẻ bị cắn. Nếu bạn không có mặt vào lúc đó, bạn cần hỏi người trông trẻ hoặc giáo viên ở nhà trẻ để họ giúp bạn hiểu rõ và biết nên làm gì tiếp theo để tránh những trường hợp tương tự.