Những nội dung chính
▪ Lo sợ xa cách: Ngay cả những trẻ chập chững độc lập đôi khi cũng trải qua những lo lắng sâu sắc. Sự đưa đẩy này thường xuất phát từ cốt lõi của những vấn đề khi trẻ xa cách cha mẹ.
▪ Thay vì lẻn đi, dần dần rút ngắn thời gian tạm biệt (Dần dần giãn mẹ) sẽ khiến sự chia tách bớt đột ngột.
▪ Trẻ kén ăn: Xu hướng thông thường ở trẻ 2 tuổi là trẻ sẽ tăng trưởng chậm lại và cần ít ca-lo hơn.
▪ Học đi toilet: Những đứa trẻ “sống trong hang” thích ngồi bô – nếu bạn tiếp cận bé theo cách của những nhà ngoại giao.
Lo sợ xa cách: “Mẹ ơi, mẹ đừng đi!”
“Chia cách là một nỗi đau ngọt ngào.”
– William Shakespeare, Romeo và Juliet
Ếch và thằn lằn vui vẻ nhảy và trườn khỏi gia đình mình ngay khi chúng vừa sinh ra. Tuy nhiên, chúng ta là động vật xã hội. Sự gắn kết chặt chẽ với người mẹ là đặc điểm nổi bật của động vật có vú trong suốt hàng chục triệu năm qua! Cùng lúc đó, loài người được lập trình để vươn xa và khám phá. Đó là lý do tại sao quãng thời gian chập chững là một trò chơi “tiến hai bước, lùi một bước”. Khi phải xa cách bố mẹ, đứa trẻ chập chững nhưng độc lập của bạn có thể bất ngờ cảm thấy mất an toàn và dễ bị tổn thương – do đó, trẻ quay lại (bước lùi) trở về thời điểm trẻ còn non nớt để cảm thấy dễ chịu khi được là “em bé đáng yêu” không hề phải chịu áp lực.
Tại sao trẻ chập chững lại cảm thấy khó khăn khi phải xa cách cha/mẹ?
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những lo sợ xa cách thường diễn ra phổ biến nhất ở trẻ từ 15 đến 30 tháng tuổi. Khi trẻ bắt đầu chập chững bước đi xa khỏi bạn và khám phá thế giới rộng lớn, đó là điều tuyệt vời với trẻ, đồng thời cũng mang lại cho trẻ đôi chút sợ hãi. Sau đây là lý do tại sao trẻ ở độ tuổi này thường phải đối mặt với những nỗi sợ hãi khi bị chia tách:
Đó là bản tính tự nhiên của trẻ. Những lo sợ xa cách thường bắt đầu vào khoảng 15 đến 18 tháng tuổi, khi trẻ bước vào giai đoạn trẻ Nê-ăng-đéc-tan (cứng đầu, bốc đồng và đam mê). Khi trẻ buồn bã hoặc sợ hãi, rất nhiều trẻ trải qua cảm giác bị những cơn thủy triều cảnh báo dồn dập xô vào, đe dọa biến thế giới của trẻ thành một nơi lộn xộn. Một suy nghĩ đơn giản như Mẹ đâu? có thể bất ngờ trở thành một nỗi sợ hãi tột độ MẸ đâu? MẸ đâu mất rồi?!!! Ngưỡng chú ý của những trẻ tiền sử đang chập chững này thường chỉ tập trung vào một việc trong mỗi thời điểm – do đó, trẻ có thể mải mê vào việc đang làm đến nỗi trẻ không nghe thấy tiếng bạn rời khỏi phòng. Đột nhiên, trẻ nhìn xung quanh, và – ôi không! – người bảo vệ vĩ đại của trẻ bỗng nhiên biến mất. Trẻ cảm thấy mình bị bỏ rơi – chỉ có một mình giữa thế giới, ngay cả khi lúc đó bạn thực ra chỉ đang ở trong nhà vệ sinh.
Vào thời điểm trẻ được 24 tháng tuổi, trẻ cực kỳ thích thú với những thứ giống nhau, và bất cứ điều gì làm gián đoạn trình tự sinh hoạt hằng ngày có thể gia tăng sự lo âu của trẻ. Vì thế, nếu đều đặn hằng ngày bố đưa trẻ đến nhà trẻ, trẻ có thể chia tay bố rất vui vẻ, nhưng trẻ sẽ bám chặt và khóc lóc nếu được mẹ đưa đi hoặc nếu một cô giáo khác đón trẻ. Những trẻ nhỏ cẩn trọng thường phải trải qua một khoảng thời gian đặc biệt khó khăn khi có điều gì đó thay đổi.
Sự xa cách cũng có thể khiến trẻ chập chững trên 2 tuổi thấy khó khăn. Một số trẻ 3 tuổi đôi khi thể hiện một bước lùi (quay trở lại) trong biểu đồ phát triển của mình khi chúng bắt đầu so sánh bản thân với những thứ khác trong thế giới mà chúng biết. Rồi đột nhiên, trẻ nhận ra rằng chúng thật nhỏ bé và yếu đuối (Xem Chương 14 về nỗi sợ.) Những trẻ này sẽ bám bố mẹ thật chặt.
Những tình huống khiến trẻ cảm thấy dễ bị tổn thương. Hãy chuẩn bị tinh thần rằng trẻ sẽ có cảm giác lo lắng xa cách nhiều hơn khi bạn đang bồn chồn bứt rứt. Vì trẻ chập chững rất nhạy cảm với những thông điệp không lời, nên trẻ có thể cảm nhận được những căng thẳng và nỗi buồn đau của bạn khi một người thân qua đời, khi đau ốm, khi vợ chồng bạn mâu thuẫn hoặc có khủng hoảng về tài chính. Tương tự như vậy, nếu trẻ cảm thấy bất an bởi quá nhiều sự thay đổi, như chuyển sang nhà mới hoặc chuyển trường; mẹ sinh em bé, ốm hoặc phải nằm viện; mất đi một người thân trong gia đình, người trông trẻ hoặc thú cưng, những chuyến đi xa; thậm chí những căng thẳng hằng ngày như đói, mệt hoặc quá nhiều kích thích.
Kiểm soát những lo lắng xa cách theo cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Bạn cần tiếp cận những vấn đề có thể xảy ra với “người bạn nguyên thủy” của mình khi xuất hiện sự chia tách bằng tất cả những công cụ mà một vị đại sứ cần có:
Giúp trẻ tự tin “chích ngừa” những cuộc chia tay “đau khổ”. Bạn hãy sử dụng chiến thuật gây dựng sự tự tin để giúp trẻ mạnh mẽ và kiên cường hơn. Bạn cần dùng thật nhiều lời khen, dành nhiều thời gian chất lượng với trẻ, tặng trẻ những phần thưởng nho nhỏ, và mang lại cho trẻ sự thoải mái từ những trình tự sinh hoạt hằng ngày để giúp trẻ giảm bớt những căng thẳng do sự xa cách gây ra (Xem Chương 9 và Chương 10).
Tập cách tạm biệt khi chơi cùng trẻ. Trốn tìm là một cách rất thú vị để dạy trẻ hiểu rằng dù bạn có đi khỏi tầm mắt trẻ nhưng bạn sẽ luôn luôn quay lại. Bạn cũng có thể dùng phương pháp tán gẫu hoặc chơi đóng vai với búp bê hay chơi những trò giả vờ (Xem Chương 9). Để trẻ đóng vai mẹ, còn bạn đóng vai một em bé đang lo lắng. Bạn nói: “Con nhớ mẹ! Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ ơi!!! Con muốn mẹ!!! Ồ! Mẹ đây rồi! Con biết mẹ sẽ luôn quay lại mà!”
Bạn có thể sáng tác ra những câu chuyện thần tiên (Xem Chương 9) và kể cho trẻ nghe: “Ngày xửa ngày xưa, có một chú ếch nhỏ. Chú rất lo lắng mỗi khi mẹ chú nhảy khỏi chiếc lá sen, nhưng chú có một con gấu bông biết nói luôn hát cho chú nghe, khiến chú vui vẻ và an toàn cho đến khi mẹ chú trở về, ôm hôn chú và luôn mang theo những chú ruồi béo ngậy cho bữa ăn!”
Trao quyền lực cho trẻ. Bạn có còn nhớ rằng những chiếc chăn và những vật trấn an của trẻ được gọi là “những vật chuyển tiếp” bởi chúng giúp trẻ chuyển tiếp khỏi việc bám dính lấy bạn chứ. Trẻ 2 tuổi hoặc 3 tuổi luôn cố gắng giải nghĩa thế giới và tin vào sức mạnh của đồ vật, tin vào ma thuật. Vì thế, trẻ sẽ thấy can đảm hơn nếu bạn đưa cho trẻ một món đồ nào đó có tác dụng gợi trẻ nhớ đến bạn nhiều nhất, ví dụ một chiếc lắc tay, một chiếc khăn tay, một hình vẽ khuôn mặt mà trẻ có thể cầm trên tay, một cái kẹp tóc hoặc một tấm ảnh – bất cứ thứ gì trẻ có thể cầm, có thể chạm vào hoặc nhìn vào mỗi khi trẻ cần cảm thấy bạn đang ở bên trẻ.
Tập thở nhẹ nhàng. Hãy biến việc tập thở thành một phần của cuộc chia tay (xem Chương 10).
Đừng bao giờ lẻn đi. Đương nhiên bạn có thể muốn tránh cảm thấy đau lòng khi thấy phản ứng của trẻ lúc bạn rời đi. Nhưng nếu bạn cố lẻn đi khi bé không thấy thì sẽ chỉ càng khiến trẻ càng sợ hãi và tin rằng thế giới thật bất an và khó lường. Khi trẻ bắt đầu cảm thấy buồn vì sắp phải rời mẹ, bạn hãy nói với trẻ thật nhiều bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, với giọng thật bình thản. Hãy nhắc lại yêu cầu của trẻ: “Không! Không! Mẹ đừng đi! Con nói, “Không, không! KHÔNG! Mẹ đừng đi!!!” Sau đó, bạn tìm một giải pháp có lợi cho cả hai mẹ con bằng cách nói với trẻ: “Mẹ đi làm rồi mẹ sẽ về nhé con! Khi nào mẹ về, mẹ sẽ ôm con thật chặt như thế này rồi mẹ con mình sẽ đi xe đạp nhé!”
Nếu trẻ vẫn buồn bực, bạn có thể bắt đầu thực hiện chiến thuật Dần dần giãn mẹ.
Nghệ thuật Dần dần giãn mẹ
Nội dung cơ bản của chiến thuật này nằm ở việc dạy những trẻ đang lo âu về sự kiên nhẫn. Nó bao gồm những bước nhỏ để khiến sự chia tách không diễn ra quá đột ngột với trẻ.
Ví dụ, khi bạn đưa trẻ đến nơi giữ trẻ. Khi trẻ nói “Không! Không đi học!” và bám chặt lấy chân bạn bên ngoài cửa lớp, có thể điều đó không có nghĩa là trẻ ghét trường học. Đơn giản chỉ là do não trẻ chưa đủ năng lực để gợi nhớ quá khứ (rằng ngày hôm trước trẻ đã có một khoảng thời gian tuyệt vời ở trường) hoặc để dự đoán tương lai (rằng hôm nay cũng sẽ là một ngày thú vị). Trẻ bị kẹt trong tình huống hiện tại, và tất cả những gì trẻ thấy chỉ là bạn đang bỏ rơi trẻ. Nhiệm vụ của bạn là giúp trẻ nhớ rằng bạn sẽ luôn luôn quay trở lại.
Bạn cần làm như sau:
Dùng Ngôn ngữ của trẻ chập chững để trẻ biết rằng bạn hiểu trẻ muốn nói gì: “Con nói ‘Không! Không! KHÔNG! Không đi học! Mẹ không được đi!’”
Khi trẻ đã bình tĩnh hơn một chút, bạn đi vào cùng trẻ và cố gắng lôi cuốn trẻ làm điều gì đó cùng với bạn. Sau một vài phút, bạn có thể nói thật bình thường: “Ôi, mẹ phải đi kiểm tra mấy thứ. Mẹ sẽ quay lại sau một giây thôi.” Bạn rời đi, ngay cả khi trẻ khóc, và quay lại sau khoảng ba hoặc năm giây. Bạn mô tả lại cảm xúc của trẻ một lần nữa, dùng những câu ngắn gọn và ngôn ngữ cơ thể, biểu cảm giọng nói, cử chỉ bàn tay và chơi cùng trẻ thêm một lúc nữa. Sau khi trẻ đã giữ được bình tĩnh trong vài phút, bạn ra ngoài một lần nữa và nói: “Mẹ cần đi vệ sinh. Đây, con cầm lấy cái vòng công chúa ma thuật của mẹ (hoặc một vật quen thuộc khác), mẹ sẽ quay lại ngay!”
Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ sau đó, bạn lặp lại những bước này khoảng ba đến bốn lần, mỗi lần bạn rời đi lâu hơn một chút, 30 giây, 45 giây, rồi hai phút chẳng hạn. Cuối cùng, khi bạn thực sự rời đi, bạn cần vẫy tay nhiệt tình với trẻ và nói giọng vui vẻ, “Chào con, mẹ sẽ gặp lại con sau khi con ngủ trưa nhé! Lúc nào con nhớ mẹ, con nhìn vào hình khuôn mặt mẹ vẽ trên tay con nhé! Nhớ là mẹ con mình sẽ ra sân chơi sau giờ học nhé!”
Bây giờ, trẻ có thể sẽ nghĩ Được rồi, mẹ ơi, mẹ có thể đi đi. Nhưng nếu đến thời điểm đó trẻ vẫn khóc, hãy cứ vững tâm vì tất cả những sự chuẩn bị bạn đã làm trước đó sẽ giúp trẻ chỉ buồn bã một chút thôi. Bạn có thể gọi lại sau một tiếng đồng hồ và hỏi cô giáo về tình hình của trẻ sau khi bạn rời đi. Thông thường, câu trả lời sẽ là, “Ồ, chỉ khoảng một phút sau khi chị đi, bé đã thôi khóc và chơi cùng các bạn rất vui vẻ!” (Hóa ra, cảm giác tội lỗi mới chính là thứ đang ám ảnh bạn đấy!) Tuy nhiên, nếu trẻ vẫn tiếp tục khóc hằng giờ sau khi bạn đi khỏi, có thể trẻ còn có lý do khác. Nếu bạn không thể tìm ra nguyên nhân hợp lý (ví dụ trẻ ốm), bạn cần thêm các giải pháp khác như ở lại lớp với trẻ trong khoảng một hoặc hai ngày. Hoặc thậm chí chuyển trường cho trẻ.
Mari đối phó với những lo lắng xa cách của con trai cô bằng cách áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh: “Con trai Aidan 2 tuổi của tôi đến trường hai lần mỗi tuần. Khi chúng tôi đến nơi, bé thường bắt đầu kêu thét lên rằng bé không muốn ra khỏi xe. Bé muốn ở lại tới tôi và em gái Nate. Tôi mô phỏng lại cảm xúc và giọng nói của bé: ‘Hôm nay con không muốn đến trường! Con không muốn gặp cô Chris!! Con không muốn cô Cindy. Con không muốn bạn!! Con muốn mẹ và em Nate! Không đi học đâu! KHÔNG!’
Khi đó, bé thường bình tĩnh lại một chút và tôi nói chắc chắn với bé rằng: ‘Được rồi, mẹ biết rồi! Nhưng mẹ con mình phải vào và nói với cô Chris là hôm nay con sẽ không đến trường. Nếu con nhất định không muốn ở lại, con có thể về nhà với mẹ.’ Khi tôi nói vậy, bé vui vẻ ra khỏi xe và rất hùng hổ đi về phía lớp học. Khi bé đã ở bên trong trường, bé lập tức bị thu hút bởi những hoạt động náo nhiệt và các bạn của bé. Bé hôn tạm biệt tôi chỉ trong vòng chưa tới năm giây sau đó.”
Việc sử dụng Ngôn ngữ của trẻ chập chững và từng bước chậm mà chắc một cách xuất sắc đã giúp Aidan dần dần quen với sự chia tách mà không khiến bé phải đối mặt với sự việc ngay lập tức và phản ứng bằng cách gào khóc. Nhưng nếu khác với Mari, bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa trẻ đến trường, bạn có thể nói: “Con bảo, ‘Không, không, KHÔNG! Không đi học! Con không thích! Con không thích!!’” Khi trẻ đã trấn tĩnh, bạn đề nghị: “Mẹ con mình cùng đi vào và bảo với cô giáo là con nói, ‘Không, không, KHÔNG nhé!!!’” Bạn không nói với trẻ là trẻ có thể về nhà; bạn chỉ đơn thuần mô tả lại cảm xúc của trẻ bằng thái độ tôn trọng. Những bước đường vòng này sẽ giúp bạn trì hoãn mâu thuẫn, giúp bạn có thêm cơ hội đưa trẻ vào bên trong trường và tham gia vào một hoạt động nào đó. Nhờ đó, bạn có thể áp dụng chiến thuật Dần dần giãn mẹ để chia tay bé một cách nhẹ nhàng.
Khen ngợi những thành công của trẻ. Khi bạn gặp lại trẻ, bạn nên thể hiện sự quan tâm và hỏi về ngày hôm đó của trẻ, sau đó kể cho trẻ nghe một câu chuyện thần tiên qua “cửa ngách” hoặc chuyện gẫu với búp bê về sự can đảm và thành công của trẻ: “Darcy bảo với mình rằng ‘Không, không. Mẹ đừng đi…’ nhưng sau đó con lại rất dũng cảm và đã tự chơi với các bạn búp bê của mình. Sau đó mẹ về. Chúng mình đã ôm nhau thật chặt và đi chơi cùng nhau. Chúng mình đã rất vui!”
Sự xa cách: Câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Liệu chiến thuật Dần dần giãn mẹ có khiến trẻ cảm thấy rằng trẻ bị phớt lờ hay không?
Không. Trẻ 2 tuổi đánh giá mọi thứ qua những gì chúng nhìn thấy. Nếu bạn nói bạn phải đi trong vài giây, sau đó bạn thực sự nhanh chóng quay trở lại, trẻ sẽ thấy điều đó hợp lý. Trẻ có thể chịu đựng sự khó chịu một chút.
Kén ăn: “Dường như con trai tôi sống bằng không khí”
Đây là một điểm khác biệt giữa trẻ và những người tổ tiên chưa được khai hóa của mình: khẩu vị. Những người thượng cổ ăn bất cứ thứ gì họ kiếm được còn trẻ chập chững lại có khẩu vị cực kỳ khiêm tốn. Shana, mẹ của bé Danny 2 tuổi, nói, “Tôi xin thề rằng, một ngày con tôi chỉ cần ăn một chiếc bánh quy là đủ!”
Tuy nhiên, bạn cũng không nên để nỗi sợ khiến bạn thổi phồng vấn đề lên. Trẻ kén ăn thường sẽ không trở thành những người lớn bị béo phì. Và thậm chí dù ở trong những gia đình nghèo nhất trên nước Mỹ, trẻ vẫn được nạp đủ lượng protein cần thiết. Như tôi sẽ trình bày ngay sau đây, chất xơ, sắt và vitamin mới là những thứ bạn cần quan tâm.
Tại sao trẻ chập chững lại không hứng thú với ăn uống?
Đây là lý do tại sao những vấn đề khiến bạn lo lắng lại thường là những chuyện hoàn toàn bình thường:
Trẻ không thực sự đói. Không lâu sau sinh nhật lần đầu tiên, trẻ đột ngột chuyển từ giai đoạn phát triển nhanh chóng của trẻ nhỏ sang quá trình phát triển chậm hơn của trẻ chập chững. Việc trẻ giảm hứng thú ăn uống có thể khiến các bậc phụ huynh kinh ngạc, bởi khi trẻ 1 tuổi và nặng khoảng 10kg, trẻ có thể uống hết hơn một lít sữa mỗi ngày. Điều đó tương đương với một người phụ nữ nặng khoảng 54kg có thể uống hết gần bốn lít sữa mỗi ngày. (Điều này có nghĩa là 3000 ca-lo mỗi ngày chỉ riêng từ sữa). Tuy nhiên, trẻ sẽ không giữ vững phong độ như vậy mãi mãi.
Từ 18 đến 24 tháng tuổi, trẻ thường trở thành “động vật ăn cỏ”, mỗi ngày chỉ ăn một vài bữa nhẹ và thậm chí trải qua hết ngày mà không thực sự ăn một bữa ăn với đầy đủ rau, quả hoặc thịt. Tất nhiên, đó không phải là một chế độ dinh dưỡng hợp lý, nhưng như tôi vẫn luôn nói với các bậc phụ huynh, chúng ta phải tính tổng lượng thức ăn của trẻ trong suốt một hoặc hai tuần để biết trẻ thực sự đã được cung cấp đủ dinh dưỡng hay chưa.
Một bữa ăn không hẳn là một bữa ăn đối với trẻ. Chúng ta ngồi xuống để ăn. Nhưng với trẻ ở độ tuổi chập chững, một bữa ăn không chỉ để cung cấp chất dinh dưỡng mà chính là thời gian nghiên cứu khoa học. Cô bé tiền sử của bạn có thể thắc mắc: Nếu mình dùng thìa để thẩy hạt đậu đi thì không biết nó sẽ rơi xuống đâu nhỉ? hoặc Không biết mình sẽ cảm thấy thế nào nếu mình cho một ít sốt táo lên tay, lên tóc nhỉ? Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi trẻ bực tức với bạn vì bạn cố bón thêm một thìa sữa chua vào miệng trẻ, như muốn nói rằng Mẹ muốn gì cơ, mẹ muốn con ăn thêm ạ? Nhưng con bận lắm!
Màu xanh trông ghê quá: cơ chế bảo vệ thời tiền sử được kích hoạt. Lúc khoảng 2 tuổi, trẻ thường có những sở thích cứng nhắc về thức ăn. Thức ăn màu đỏ, màu vàng, màu trắng – được. Màu xanh – không! (Ngay cả đối với kẹo mút cũng vậy – hầu hết các lần chọn kẹo, trẻ sẽ chọn màu đỏ chứ không phải màu xanh). Việc trẻ bị hấp dẫn bởi màu đỏ và đồ ngọt là khá khôn ngoan bởi những đặc tính này chứng tỏ thức ăn đó chín (trái cây) và an toàn. Ngay cả động vật cũng dựa vào vị ngọt để xác định độ chín của trái cây. Việc tránh những đồ ăn màu xanh cũng là một hành vi khôn ngoan bởi trong tự nhiên, những thứ màu xanh thường có vị đắng.
Vì vậy bạn không nên quá ép buộc trẻ phải thử tất cả các loại thức ăn trong giai đoạn này. Bữa ăn của trẻ sẽ diễn ra thành công hơn nếu bạn tỏ ra nhạy bén với khẩu vị của trẻ bằng cách cho bé ăn cà rốt, khoai lang, ngô và một số loại rau có vị ngọt khác, hoặc thêm vị ngọt vào rau xanh như bông cải xanh trộn xốt teriyaki.
Trẻ có thể đang có “khẩu vị ưa thích tạm thời”. Một số trẻ chỉ đơn giản là nhạy cảm hơn với những vị đậm hoặc thích đồ ăn nhạt. Những trẻ không dứt khoát thậm chí còn tỏ ra lưỡng lự mỗi khi phải thử một món ăn mới.
Kiểm soát sự kén ăn ở trẻ theo cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Tất cả những mối quan tâm lâu nay của bạn luôn là ăn, ăn, ăn và ăn bởi vậy rất khó để chúng ta nghĩ khác đi, nhất là khi ta thường cảm thấy mình là một người cha, người mẹ tốt khi trẻ ăn hết tất cả đồ ăn trên đĩa! Tuy nhiên, bạn không nên coi việc ăn uống lộn xộn là một cuộc chiến giữa bạn và trẻ - bạn nên coi nó như một thử thách để bạn sáng tạo hơn và học cách làm sao để biến thức ăn thành trò vui.
Bạn hãy thử những cách sau đây trong vòng một hoặc hai tháng. Một hoặc một vài trong số chúng sẽ giúp bạn biến cuộc chiến “không-ai-thắng-cả” thành kết cục “hai bên cùng thắng” đầy thành công (mặc dù sự thật là, một số trẻ nhất quyết chỉ ăn mỳ Ý, các chế phẩm từ sữa, pizza và bánh mì bơ).
Mặc cả từng bước một. Nếu bạn muốn trẻ ăn một chút rau, dọa dẫm hoặc thúc ép sẽ không giúp bạn đạt được mục đích. Thay vào đó, bạn hãy thử mặc cả với trẻ: “Nếu con ăn một hạt đậu, mẹ sẽ cho con ăn thêm một miếng khoai chiên.” Bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần rằng “người bạn thượng cổ” này sẽ không để cho bạn dễ dàng mặc cả đâu. Trẻ có thể sẽ chỉ ăn một nửa hạt đậu hoặc thậm chí chỉ nhấm nháp một tí ti. Nhưng thế thôi cũng có thể coi là chiến thắng. Đó là những bước chậm mà chắc theo đúng lộ trình.
Hãy khiến thức ăn trông thật hấp dẫn. Bạn hãy dùng chiến thuật “tâm lý đảo ngược”. Khi bé Celia 2 tuổi không muốn ăn, cha mẹ bé – Mark và Karen – đã tỏ ra lén lút và nhanh chóng trút hết thức ăn ra khỏi đĩa của bé. Họ vờ như mình rất tham ăn và muốn ăn hết cả phần của bé nữa. “Chúng tôi đã kích thích bản năng sở hữu ở bé”, Mark nói, “Biện pháp này chỉ thành công trong một nửa các trường hợp, nhưng tỷ lệ thành công 50% cũng không phải quá tệ.” Thậm chí hiệu quả hơn đó là: khi trẻ với tay lấy thức ăn, bạn chỉ đưa cho trẻ một mẩu thật nhỏ. Bạn có biết câu thành ngữ “Chúng ta luôn muốn những gì chúng ta không có” không? Ngoài ra bạn cũng có thể biến đổi cách thức một chút: bạn nói với giọng vờ như khó chịu, “Con đừng ăn miếng bông cải xanh đấy – nó là của mẹ! Của mẹ!” và yếu ớt phản đối khi trẻ ăn luôn để tỏ ra không nghe lời.
Hãy là bậc thầy của nghệ thuật cải trang
Được rồi, phần này, nghe có vẻ giống như bạn là một gián điệp hơn là một vị đại sứ, nhưng đây là những mẹo tôi rất ưa dùng để trẻ có thể hấp thụ đủ chất dinh dưỡng và chất xơ:
▪ Kích thích vị chua của trẻ. Bạn hãy cắt rau theo kích cỡ những miếng khoai tây chiên, nấu rồi ướp chúng qua đêm với nước dưa chua hoặc dầu dấm trộn xà lách và rau thơm. Xay rau vào trong súp.
▪ Trộn và nướng rau và đặt lên bạt bánh mì. Bạn nên có công thức để làm bánh mì bí ngồi, nhưng dùng bông cải xanh nghiền thay cho bí ngồi và tăng lượng bông cải gấp đôi so với công thức.
▪ Làm món khoai lang chiên bằng cách nướng với một chút muối và bơ.
▪ Nhúng rau củ đã chần qua ngập trong xốt ranch hoặc xốt kem Ý.
▪ Xay bí ngồi và cà rốt, sau đó trộn với bạt bánh kếp rồi rán lên và ăn kèm với mật.
▪ Cho trẻ uống nước cà rốt ép hoặc cà rốt/táo, cà rốt/cam.
▪ Sắt đóng vai trò quan trọng giúp bổ máu, tốt cho sự phát triển của cơ và não bộ. Bạn có thể thêm nhiều sắt vào các bữa ăn của trẻ bằng cách chế biến thức ăn trong nồi hoặc chảo gang. Bạn có thể thêm nước chanh hoặc dấm, chất axít sẽ tách sắt ra khỏi kim loại và đưa chúng vào thức ăn.
▪ Trẻ chập chững cần khoảng 12mg sắt mỗi ngày. Các thực phẩm giàu sắt bao gồm đậu đen (mỗi chén chứa 8mg), gan động vật (mỗi lạng chứa 7,9mg), đậu lăng (mỗi chén chứa 6,6mg), thịt bò (mỗi lạng chứa 3,6mg), mật mía (mỗi thìa chứa 3,5mg), nho khô (mỗi lạng chứa 1,6mg), nước ép mận (mỗi 200ml chứa 3,0mg), và các loại rau lá xanh được nấu chín (1/2 chén lá mù tạt, lá bồ công anh và cải xanh chứa 2,6mg). Bạn có thể vắt một chút nước chanh vào các thực phẩm giàu sắt để tăng lượng sắt được hấp thụ. (Nhưng bạn cũng cần nhớ rằng, nước ép nho đen sẽ làm giảm lượng sắt hấp thụ đến hơn 50%).
▪ Trẻ chập chững cần từ 700mg đến 1000mg can-xi mỗi ngày. Bạn có thể dễ dàng thêm vào những thực phẩm giàu can-xi trong thực đơn hằng ngày của trẻ, ví dụ bột sữa gầy rất dễ dàng trộn cùng các thực phẩm khác (60ml chứa 400mg can-xi), mật mía (mỗi thìa chứa 290mg), bơ vừng (tahini) được bán tại các cửa hàng thực phẩm hỗ trợ sức khỏe (60ml chứa 270mg), sữa chua (mỗi 240ml chứa 270mg), phô mai parmesan bào (60g chứa 260mg), và bông cải xanh (mỗi nhánh chứa 160mg). Bạn có thể giúp trẻ bổ sung thêm rất nhiều can-xi bằng cách đưa trẻ ra ngoài chơi mỗi ngày! Khoảng 15 đến 30 phút chơi dưới ánh nắng mặt trời sẽ giúp cơ thể hấp thụ vitamin D, cần thiết giúp bé hấp thụ trọn vẹn hơn nguồn can-xi trong các loại thực phẩm hằng ngày. (Đừng quên cho trẻ đeo kính râm nếu trẻ chơi dưới trời nắng nhiều hơn 30 phút).
Cẩn thận với những gì bạn thể hiện trên khuôn mặt. Những đứa trẻ “thượng cổ không biết đọc các nhãn hiệu nhưng chúng thực sự là những chuyên gia khi đọc những biểu cảm trên khuôn mặt bạn. Nếu bạn tỏ ra khó chịu khi nhìn thấy rau chân vịt, chắc chắn trẻ sẽ cầm nó lên.
Đừng tham gia vào một cuộc chiến mà bạn không thể thắng. Bạn không thể ép trẻ ăn. Nếu bạn cố làm thế, bạn sẽ khiến trẻ quay lưng với đồ ăn – và cả với bạn! Bạn cần nhớ rằng, những trận chiến liên quan đến việc ăn uống của trẻ là trận chiến bạn không thể thắng. Vì thế, nếu trẻ thử một món và từ chối ăn, bạn cần lùi một bước và phớt lờ trẻ trong khoảng một hoặc hai phút để trẻ hiểu rằng bạn sẽ không quan tâm tới trẻ nếu trẻ không chịu hợp tác.
Bạn nên để trẻ rời bàn ăn khi trẻ nói trẻ đã ăn xong – ngay cả khi trẻ hầu như không ăn gì cả. Nếu trẻ quay trở lại bàn ăn chỉ để uống sữa, bạn có thể thử thương lượng với trẻ: hãy gợi nhắc những sở thích của trẻ bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, sau đó phớt lờ trẻ trong vài giây, với lấy bình sữa, và ngay trước khi bạn đưa nó cho trẻ, bạn rút lại và mặc cả để trẻ ăn một chút đồ ăn trước đã. Nếu bạn thành công, trẻ có thể cũng chỉ ăn một miếng rất nhỏ, nhưng thành công bước đầu như vậy là rất tốt. Đó là bước khởi đầu quan trọng để tiến tới sự hợp tác.
Cân nhắc đến việc cho cho trẻ uống vitamin tổng hợp hằng ngày. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ xem liệu ý tưởng này có ổn không. Nếu trẻ quá kén ăn, vitamin tổng hợp có thể vừa giúp bạn bớt lo lắng, vừa có lợi cho sức khỏe của trẻ. Bạn cần luôn nhớ để lọ vitamin ra khỏi tầm tay trẻ. Nên nhớ rằng, ở tuổi này, trẻ hoàn toàn có thể mở được các loại chai lọ và lọ vitamin thường trông giống như kẹo. Bạn cần đặc biệt cẩn thận với những loại vitamin có chứa sắt. Vitamin chứa sắt sẽ rất độc nếu trẻ lấy được và uống vài viên cùng lúc.
Dạy trẻ đi toilet: Tạm biệt bỉm, bai bai!
Đã đến lúc trẻ nên ngồi bô chưa? Trẻ 1 tuổi không ngồi yên được đủ lâu để có thể tập thử. Trẻ 18 tháng tuổi sẽ không nghe lời; giả sử trẻ có quan tâm đến việc đại tiện thì mối quan tâm ấy cũng chỉ giới hạn ở việc sờ một ngón tay vào tã và xì hơi. Giai đoạn trẻ thượng cổ – 2 tuổi – là thời điểm sớm nhất trẻ thể hiện mình đã sẵn sàng để học được rằng đi ị, đi tè và nhà vệ sinh là các khái niệm luôn đi cùng nhau. (Điều này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng của Phương pháp nuôi dạy con kiểu tiền sử. Những người tiền sử sống trong hang từ 150.000 năm trước là những người đầu tiên có “nhà vệ sinh trong nhà” – một cái hố ở một góc xa trong hang).
Bé Kyle – 2,5 tuổi kỹ tính và cẩn trọng – luôn sắp xếp quần áo của mình theo màu vào buổi tối. Cậu ghét chơi nước vì cậu thường bị bắn vài giọt nước nhỏ lên áo. Cậu cương quyết không ngồi bô khiến bố mẹ cậu, Martin và Sondra, hứa sẽ cho cậu một món quà nếu cậu chịu đi vệ sinh trong bô. Kyle vẫn nhất định không chịu. Tôi khuyên họ không nên quá bận tâm vào vấn đề vệ sinh của cậu nữa. Tôi nói, đối với cậu bé, đó là một thử thách quá lớn và thay vào đó, hãy thưởng cho cậu chỉ vì cậu đã ngồi vào bô trong khoảng một phút (dùng đồng hồ bấm giờ) trong khi họ đọc một quyển sách cho cậu nghe.
Lúc đầu, Kyle rất phản đối việc này nhưng Sondra đã có phản ứng rất tuyệt vời. Cô nói “Không sao” và lờ bé đi trong một phút. Cô cũng không nhắc lại chuyện này trong suốt ngày hôm đó. Hai hôm sau, khi Sondra hỏi lại, Kyle đã đồng ý thử ngồi vào bô trong giờ đọc truyện. Sondra đặt đồng hồ, đọc một cuốn truyện thật hấp dẫn trong vòng một phút và sau đó thưởng cho Kyle hai chiếc bánh quy hình thú. Hai mẹ con đã lặp đi lặp lại việc này hằng ngày, mỗi ngày vài lần. Một thời gian ngắn sau đó, Kyle cứ muốn làm như vậy mãi. Cậu bé thậm chí còn không muốn rời bô. Mọi chuyện quá thú vị!
Sau đó, Sondra bắt đầu thưởng cho Kyle một đồng xu poker mỗi lần bé làm được việc tốt nào đó trong ngày. Mỗi đồng có thể mua thêm thời gian đọc truyện khi cậu bé ngồi vào bô! Sondra cũng để Kyle nghe mình chuyện gẫu với Martin về những gì họ đang đọc và rằng cô đã vui như thế nào khi Kyle có thể ngồi cho đến tận khi chuông reo.
Ngày hôm sau, Kyle bắt đầu đi tiểu trong bô, và chỉ trong vòng một tuần, cậu bé đã dùng bô khi đi đại tiện. Bé rất hào hứng và tự hào, và mặc dù Sondra rất ủng hộ và tích cực, cô vẫn cẩn thận không khen ngợi bé quá nhiều: “Con làm tốt lắm!”, cô nói, “Trông con thật vui. Tối nay mẹ sẽ kể cho bố nghe. Được rồi, bây giờ mẹ con mình cùng dọn dẹp và đọc nốt quyển sách này nhé!”
Sondra biết rằng nếu cô thể hiện sự vui mừng quá mức, có thể Kyle sẽ cảm thấy áp lực.
Tại sao luyện đi toilet cho trẻ lại mất nhiều thời gian?
Mặc dù bài tiết là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên nhưng điều đó không có nghĩa là quá trình luyện tập đi toilet cho trẻ sẽ dễ dàng. Thông thường, đó sẽ là một quá trình lâu hơn những gì cha mẹ mong đợi, vì một số lý do.
Thời gian biểu của cha mẹ và thời gian biểu của trẻ không phải lúc nào cũng đồng bộ. Có thể một bà mẹ nào đó trong nhóm của bạn đã vượt qua thời điểm bỏ bỉm cho trẻ rất dễ dàng và bạn hy vọng mình cũng được như vậy. (Tôi không trách cứ gì bạn, mặc dù bà mẹ bốn con Gretchen đã lưu ý: “Hoàn thành huấn luyện đi toilet là một thành tích được đánh giá cao quá mức. Dùng bỉm thực sự là một việc quá đơn giản so với việc dọn dẹp nếu chẳng may bé đi vệ sinh không đúng chỗ và việc hướng dẫn trẻ làm sao cho đúng!”) Hoặc có thể bạn đang hy vọng rằng bạn sẽ có thể giúp trẻ tập ngồi bô vào một ngày nhất định nào đó trước khi đi học mẫu giáo. Tuy nhiên, dù sau đó bạn sẽ thấy hết những tiện lợi khi trẻ đã học được những thói quen này thì bạn cũng cần hiểu rằng, trẻ nhỏ trong độ tuổi chập chững thiếu sự kiểm soát những hành vi bột phát và thiếu ngưỡng tập trung cần thiết cho việc tập đi toilet.
Cơ hội vàng để tập luyện thực sự đến sau ngày sinh nhật lần thứ hai của trẻ, đó là khi trẻ nói được nhiều hơn, muốn làm những việc làm vui lòng người lớn và luôn thích thú làm mọi việc theo đúng thứ tự.
Thời điểm nên cho trẻ tập ngồi bô
Dưới đây là năm dấu hiệu cơ bản cho thấy trẻ chập chững đã sẵn sàng tập ngồi bô:
1. Trẻ thường xuyên nói “Có” trong nhiều tình huống hơn.
2. Đi không còn là điều mới mẻ và thú vị đối với trẻ, giờ đây trẻ sẵn sàng ngồi yên một chỗ.
3. Trẻ biết dùng từ để nói khi muốn “đi tè”, “đi ị”.
4. Trẻ thích bắt chước bạn.
5. Trẻ thích sự gọn gàng, thích sắp xếp mọi thứ theo từng nhóm và thích dọn dẹp.
Cha mẹ cố gắng quá mức. Ngay cả những trẻ 2 tuổi đã sẵn sàng để học những thói quen đi vệ sinh cũng vẫn có thể thể hiện khuynh hướng của “người tiền sử”: tiêu cực và bướng bỉnh khi có áp lực. Trẻ cũng dễ dàng cảm thấy ngượng ngùng, xấu hổ khi học những thói quen này. Vì thế, quá nhiều áp lực và quá nhiều sự quan tâm đến vấn đề đi vệ sinh của trẻ sẽ phản tác dụng và khiến trẻ càng trở nên chống đối. Đây cũng là một trận chiến bạn không thể thắng và cũng không muốn phải tham gia.
Đó là một quá trình học hỏi đầy phức tạp. Bạn không thể giải thích chính xác về bàng quang hoặc về sự co thắt của trực tràng cho một đứa trẻ đang trong độ tuổi chập chững. Vì thế, đây thực sự là một kinh nghiệm sống “học qua thực hành”. Ví dụ, bé Micah 2 tuổi, rất thích nhìn bố xả nước bồn cầu, vì thế bé vào nhà vệ sinh – tè trên sàn và sau đó tự xả nước bồn cầu!
Luyện tập đi toilet theo cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Hiểu trẻ và hiểu điều gì khiến trẻ hành động như vậy là vấn đề quan trọng nhất!
Đừng bắt đầu từ quá sớm. Bạn cần đợi cho đến khi trẻ thể hiện hai hoặc ba dấu hiệu sẵn sàng cho việc luyện tập thói quen này.
Biến nhà vệ sinh thành một nơi thú vị. Trẻ mới thực sự là người nắm quyền kiểm soát trong toàn bộ quá trình này, và áp lực hay áp đặt đều sẽ chỉ khiến trẻ chống cự. Vì thế, điều tốt nhất bạn nên làm là biến nhà vệ sinh thành một điểm đến mà trẻ ưa thích viếng thăm. Bé Byran – 2 tuổi – cực kỳ thích thú với việc đọc những cuốn sách ưa thích của mình cùng với mẹ khi bé đi vệ sinh đến nỗi bé nài nỉ “Đi nào mẹ!” suốt ngày – chỉ để được đọc sách!
Tiếp cận từng bước một:
1. Hãy bắt đầu với thói quen nho nhỏ “Không tè, không ị”. Đầu tiên, bạn hãy dùng bô như một nơi để hai mẹ con cùng đọc những cuốn sách thú vị, dù con vẫn đang mặc quần áo hay đang mặc bỉm. (Dần dần, bạn sẽ muốn trẻ cởi quần (hoặc bỉm) và ngồi xuống bô, nhưng nếu trẻ chỉ ngồi xuống khi vẫn được mặc quần áo thì cũng không sao cả, khởi đầu như vậy là tốt rồi.) Mỗi ngày, vào thời điểm trẻ thường đi đại tiện, bạn hãy nói những câu như, “Đến giờ chúng mình đọc sách dành cho khi đi vệ sinh rồi!”
Điều này sẽ giúp trẻ hình thành một tình cảm đặc biệt và ngày càng lớn dần cho thói quen biến thời gian đọc sách khi ngồi bô thành một điều quen thuộc, thường xuyên. Bạn nên đặt đồng hồ hẹn giờ sau một phút (sau đó có thể tăng thời gian lên hai hoặc ba phút).
2. Thưởng cho trẻ vì đã ngồi xuống – ngay cả khi trẻ không đại tiện. Khi chuông báo thời gian đã hết, bạn nên có một phần thưởng cho trẻ, ví dụ như một dấu tích lên tay trẻ, cho trẻ một hình dán hoặc bánh quy hình thú – dù trẻ có ra sản phẩm hay không. Bạn cũng có thể dùng bảng thành tích ngôi sao – và tất nhiên, trẻ sẽ được thưởng sao chỉ khi bé chịu ngồi xuống bô. Bạn cần đảm bảo rằng bạn cũng thưởng sao cho trẻ khi trẻ có những hành vi tích cực khác trong ngày để không chỉ tập trung vào việc ngồi bô.
3. Đây là phần khó nhất: hãy điềm tĩnh. Nếu trẻ có thể tiểu tiện hoặc đại tiện khi ngồi bô – chắc chắn rồi trẻ sẽ làm được như vậy – bạn đừng tỏ ra quá vui mừng về việc đó! Hãy khen trẻ thật nhiều vì đã ngồi xuống nhưng chỉ khen một chút thôi vì trẻ đã có thể đi vệ sinh thực sự. Vỗ tay và chúc mừng khi trẻ có thể dùng bô khi đi vệ sinh sẽ phản tác dụng với trẻ chập chững. Những trẻ hay ngượng ngùng sẽ càng dè dặt bởi chúng cảm thấy rằng chúng đang đi vệ sinh dưới ánh đèn sân khấu. Trẻ hay lo lắng cũng sẽ dè dặt bởi chúng không muốn vô tình khiến bạn thất vọng. Trẻ tính khí mạnh có thể thấy rằng việc đi vệ sinh của chúng rất quan trọng đối với bạn và sẽ không chịu làm như thế nữa khi chúng nổi giận với bạn.
Bé Ethan – 2 tuổi – đã ngồi bô trong suốt nhiều tháng. Nhưng khi bé đến nhà ông bà ngoại, họ đã nhiệt liệt chúc mừng bé trong hai lần đầu tiên họ nhìn thấy bé làm điều này – đối với họ là một điều kỳ diệu. Ngay khi trở về nhà, vì quá choáng ngợp, cậu bé đã lại đòi mặc bỉm.
Thay vì dùng thật nhiều từ ngữ hoa mỹ để khen trẻ, bạn chỉ nên nói với giọng vui vẻ nhẹ nhàng: “Ồ, con đã đi vệ sinh rồi kìa. Hay lắm! Bây giờ chúng mình rửa sạch và xả nước nhé, rồi mình sẽ đọc tiếp quyển truyện này!” Sau đó, vào một thời điểm nào đó trong ngày, bạn có thể thể hiện sự hài lòng của mình qua “cửa ngách”: hãy để trẻ nghe thấy bạn đang chuyện gẫu với bố của trẻ về những gì trẻ đã làm được.
4. Đảm bảo phân trẻ mềm. Khi được 2 tuổi, trẻ thường dễ bị táo bón do kén ăn, thích những đồ ăn có màu trắng (sữa và thực phẩm nhiều tinh bột như bánh mì hoặc mỳ Ý). Bạn nên cho trẻ ăn gạo nguyên cám và nhiều rau cùng trái cây tươi. Nước ép cà rốt tươi hoặc nước ép mận cùng nước táo và nước cam hoặc các loại hoa quả khô rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ. (Bạn có thể gặp bác sĩ để được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ).
5. Áp dụng Nguyên tắc Đồ ăn nhanh nếu bạn gặp khó khăn. Bé Daniel 2 tuổi rất thích đi tiểu vào bồn cầu, sau đó giật xả nước và rửa tay nhưng bé lại không muốn đi đại tiện ở đó. Điều này khiến bé xấu hổ, vì thế bé bắt đầu lui vào phòng riêng để đi đại tiện và sau đó nhất định không chịu thay bỉm.
Việc gây áp lực hoặc chế giễu những bé như Daniel thực sự không tốt và phản tác dụng. Thay vào đó, hãy thông cảm cho trẻ và tôn trọng quyết định của trẻ. Hãy diễn tả lại phản ứng của trẻ khi bạn giúp trẻ thay bỉm: “Con nói ‘Không, không, không không! và đẩy mẹ ra. ‘Không thay bỉm. Không thay bỉm.’ KHÔNG.’” Mẹ xin lỗi. Mẹ nói: “Không đi vệ sinh trong bỉm nữa”, nhưng Daniel bảo: “KHÔNG! KHÔNG! Khôôôôông!!’” (Trong khi đó, bạn vừa thay bỉm cho trẻ vừa làm trẻ sao nhãng và diễn tả lại những cảm xúc thực của trẻ!)
Tái phạm: Quay trở lại trường hợp của Kyle
Khi Kyle được gần 3 tuổi, Sondra sinh đôi hai bé trai. Không lâu sau đó, Kyle gặp nhiều vấn đề với việc đi đại tiện. Cậu bé trở nên rất sợ nhà vệ sinh. Bố mẹ cố gắng động viên cậu. Họ nhắc rằng cậu đã từng làm rất tốt mà không gặp khó khăn gì cả. Những lý lẽ họ đưa ra rất có lý, nhưng Kyle vẫn không thay đổi.
Kyle nhịn đi đại tiện suốt một tuần. Bồn cầu càng ngày càng trở thành một sự ám ảnh hơn đối với cậu. Thậm chí sau khi đã uống thuốc làm mềm phân, cậu vẫn nhất định không chịu ngồi xuống bồn cầu. Tôi đã khuyến khích Sondra và Martin cho cậu bé mặc tã, dẹp bỏ hết mọi áp lực đối với cậu, cho cậu bé ăn nhiều chất xơ giúp làm mềm phân và luôn có phần thưởng mỗi khi cậu ngồi xuống bồn cầu (khi vẫn mặc tã). Tôi cũng nhắc họ khuyến khích Kyle chơi những trò dễ dây bẩn như vẽ bằng ngón tay, chơi bột nặn để giúp bé thư giãn và không còn e ngại việc mình sẽ “dây bẩn” khi ngồi xuống bồn cầu. Việc này kéo dài suốt hai tháng.
Một hôm Kyle nói: “Được rồi, con không mặc bỉm nữa!” Cậu bé đi đại tiện ba lần vào bồn cầu và cảm thấy rất tự hào về điều đó. Sau đó, cậu không đi đại tiện trong suốt bốn ngày. Nhưng với sự động viên nhẹ nhàng, không khoa trương, dần dần cậu đã tiến bộ, và sau vài tuần thực hành ngồi xuống bồn cầu mỗi ngày, ăn các thức ăn giàu chất xơ, cậu bé đã chính thức nói lời tạm biệt với bỉm mãi mãi.
Nếu trẻ nhịn đi đại tiện, bạn có thể nghĩ đến một trong những nguyên nhân sau:
▪ Trẻ bị đau khi đi đại tiện và vì thế, trẻ không dám đi nữa. Điều này thường xảy ra khi trẻ bị táo bón, tiêu chảy hoặc phát ban.
▪ Trẻ giận dữ hoặc mâu thuẫn với anh/chị/em, hoặc trẻ đang cố gắng dồn nén một cảm xúc mạnh nào đó.
▪ Trẻ sợ không đi đại tiện được và sẽ khiến bạn thất vọng.
▪ Trẻ không có sự riêng tư (thường là một vấn đề hay gặp ở trường học).
▪ Trẻ sợ bị nước cuốn trôi. (Bạn cần nhớ rằng, những lý luận về không gian của trẻ chập chững còn rất nghèo nàn. Vì thế nên trẻ thường cố gắng bò vào những chỗ nhỏ hơn rất nhiều so với cơ thể trẻ. Khi nhìn thấy một số vật có thể bị cuốn trôi và biến mất trong bồn cầu, trẻ có thể tự hỏi, “Liệu mình có thể bị cuốn đi như thế không?”)
▪ Trẻ không ngồi vững trên bồn cầu vì chân trẻ không chạm đất. Bạn cần dùng loại bô trẻ em để chân trẻ chạm sàn hoặc cho trẻ một chiếc ghế đẩu để kê chân khi trẻ ngồi trên bồn cầu lớn. (Thực sự rất khó để đẩy phân ra ngoài nếu chân còn lơ lửng trong không trung – bạn có thể thử!)
Ngoài ra một số trường hợp trẻ nhịn đi đại tiện do có vấn đề về sức khỏe. Bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nếu trẻ nhịn đi đại tiện quá 3 hoặc 4 ngày hoặc nếu trẻ thể hiện những hành vi bất thường.
Cho trẻ 3 tuổi tập ngồi bô
Không vội vàng tập thói quen đi vệ sinh nếu trẻ phản kháng hoặc không hứng thú sẽ có một điểm cộng: Sau 3 tuổi, trẻ dễ dàng tiếp nhận lý lẽ hơn, như trong câu chuyện của Sam dưới đây.
Sam không muốn ngồi bồn cầu khi cậu đi đại tiện, nhưng cậu lại rất muốn trở thành hiệp sỹ Jedi và có một thanh gươm ánh sáng. Heidi, mẹ cậu, nói rằng: “Mẹ rất muốn tặng cho con một thanh gươm ánh sáng. Con sẽ trở thành hiệp sỹ Jedi vĩ đại. Ồ, nhưng mẹ vừa mới nhớ ra: Hiệp sỹ Jedi đi vệ sinh vào bồn cầu đấy!” Heidi không hề nói gì để dọa dẫm hoặc ép buộc cậu bé. Cô nói bằng giọng điệu hết sức nhẹ nhàng và bình thản. Sau đó, cô nói thêm, “Một ngày nào đó, sớm thôi, mẹ chắc chắn con sẽ sẵn sàng để trở thành Hiệp sỹ Jedi. Sau đó mẹ con mình có thể chọn một thanh gươm ánh sáng. Con thích màu gì? Đỏ? Hay xanh?”
Sau đó, cũng trong hôm ấy, khi hai mẹ con đang cùng nhau vẽ tranh, Heidi vẽ hiệp sỹ Jedi và nói: “Sam ơi, mẹ quên không vẽ bỉm của Jedi rồi. Ôi, mẹ ngốc quá. Jedi đâu có mặc bỉm!” Cô tán gẫu với bố Sam: “Anh ơi, khi lớn lên, Sam sẽ trở thành một hiệp sỹ Jedi mạnh mẽ, có thanh gươm ánh sáng và cả quần lót Jedi nữa đấy!”
Chỉ trong một ngày, Sam đã trở thành một Hiệp sỹ Jedi rất giỏi ngồi bô.
Tập đi toilet: Những câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Đứa con 27 tháng tuổi của tôi nhất định không chịu hợp tác khi tôi tập cho cháu ngồi bô, dù tôi đã cố gắng hết sức để dụ dỗ cháu. Cháu chạy đi và phớt lờ tôi. Tôi phải làm gì?
Khi trẻ đã thể hiện dấu hiệu chứng tỏ trẻ sẵn sàng tập ngồi bô nhưng vẫn nhất định phản kháng thì có thể trẻ chỉ đang thể hiện sự bướng bỉnh của mình. Cũng có thể một sự thay đổi nào đó trong gia đình đã khiến trẻ mất thăng bằng. Ví dụ, trẻ có thêm em không? Có phải trẻ mới thôi nằm cũi không? Trẻ chuyển trường? Chuyển nhà? Trong gia đình có người thân nào mới qua đời? Trong gia đình có xảy ra cãi vã? Hay trẻ mới xem một chương trình rùng rợn trên ti vi?
Tôi khuyên bạn không nên nói nhiều về việc đi vệ sinh nữa. Có thể bạn nên bắt đầu bằng việc thưởng cho trẻ khi trẻ chịu ngồi ở bồn cầu, dù vẫn đang mặc quần áo, để đọc một cuốn sách nào đó cùng bạn một lúc. Hãy làm cho mọi việc trở nên vui vẻ!
Xin hãy giúp tôi! Con tôi không làm ướt quần vào ban ngày nhưng đêm nào cháu cũng tè dầm!
Bạn đừng lo lắng. Chứng tè dầm ban đêm của trẻ có thể phải mất thời gian điều chỉnh lâu hơn, nhất là đối với các bé trai. Điều này phụ thuộc vào khả năng kiểm soát ý thức của trẻ. Thậm chí 10% trẻ trai năm tuổi cũng vẫn tè dầm (tỷ lệ này ở trẻ gái là 5%). Vấn đề này có tính di truyền.