Những nội dung chính
▪ Những cách nhìn mới mẻ về thế giới xung quanh có thể khiến nỗi sợ của trẻ trở nên rất thật.
▪ Sợ hãi: Những cách hiệu quả để đối phó với nỗi sợ, được thiết kế đặc biệt dành cho trẻ có hiểu biết ở cấp độ “làng xã”.
▪ Nói lắp: Làm sao để trẻ không nói lắp mà vẫn theo kịp những gì diễn ra trong đầu trẻ.
▪ Có em: Chính trẻ chập chững, chứ không phải đứa con mới sinh của bạn, là người cần được quan tâm và yêu thương nhiều hơn.
Sợ hãi: một phần mạnh mẽ của bản năng sinh tồn đã trở nên hơi… rắc rối
Bé Stella 3 tuổi rất thông minh và tự tin, đồng thời cũng luôn cẩn thận mỗi khi làm việc gì. Một ngày, khi bé nhìn thấy một chú kiến nhỏ bò lên chân mình, bé bất ngờ khóc lóc dữ dội. Mẹ bé, Fran, nhúp bỏ chú kiến, an ủi bé và không nghĩ gì thêm về sự kiện đó.
Tuy nhiên, ngày hôm sau, Stella tỏ ra sợ hãi, không dám ngồi trên bãi cỏ vì sợ “những con côn trùng”. Fran cố gắng thuyết phục bé ra ngoài chơi bằng cách nhét gấu quần vào trong tất của bé (một giải pháp đơn giản và lôgic, dễ hiểu đối với một đứa trẻ đang trong giai đoạn “cư dân làng xã”). Nhưng tối hôm đó, tình hình trở nên xấu đi. Một lúc sau khi lên giường đi ngủ, Stella bắt đầu khóc lóc cầu cứu với giọng đầy sợ hãi: “Biến đi! Biến đi! Biến đi! Mẹ ơi! MẸ ƠI!!!” Khi Fran chạy đến bên bé khoảng năm phút sau đó, Stella bám chặt lấy mẹ và kêu: “Bọ! Mẹ ơi! Bọ!”
Fran bật đèn lên và kiểm tra xem trên giường bé có con côn trùng nào không nhưng hoàn toàn không có. Cô cố gắng giải thích bằng lý luận với con: “Con thấy không, con yêu? Không có con bọ nào cả! Tất cả đều ổn. Không có bọ!” Stella bình tĩnh trở lại và Fran rời khỏi phòng bé. Nhưng chỉ một phút sau, bé lại khóc và sợ hãi vì “bọ”. Tối hôm đó, bố mẹ Stella phải để bé ngủ cùng với mình, chỉ có thế Stella với thực tự trấn tĩnh và ngủ yên đến sáng hôm sau.
Tình trạng này diễn ra trong suốt ba đêm liên tiếp, Stella càng ngày càng tỏ ra sợ hãi mỗi khi đèn tắt. (Chúng ta sẽ cùng trở lại câu chuyện của Stella và xem vấn đề này được giải quyết như thế nào sau khi tôi đã lý giải tại sao tâm lý sợ hãi lại rất phổ biến ở những trẻ chập chững trong giai đoạn “làng xã”).
Tại sao trẻ chập chững hình thành nỗi sợ hãi?
Nỗi sợ hãi hình thành từ một khu vực sâu thẳm và ban sơ trong tâm trí chúng ta: sợ rắn, sợ ngã, sợ nhện, sợ chuột, sợ bị cô lập (bị bỏ rơi), sợ tiếng ồn và sợ ánh sáng. Chúng ta khó lòng biết được điều gì đã kích thích một nỗi sợ cụ thể nào đó đối với trẻ chập chững. Những yếu tố gây kích thích có thể bao gồm những căng thẳng trong gia đình (có em, cha mẹ cãi cọ, có người thân ốm, qua đời hoặc chuyển nhà), một tai nạn hoặc mối nguy hiểm (như động đất hoặc tai nạn xe cộ), hình ảnh nào đó được phát trên ti vi hoặc phim ảnh, trẻ bị trêu chọc (“Con ngài sắp sửa chui vào tóc con và làm con bay lên cây đấy”), hoặc vô tình nghe thấy và có thể hiểu sai điều gì đó (“Ở chỗ cắm trại, lũ kiến tha hết mọi thứ đi”). Thông thường, nguyên nhân của những nỗi sợ ở trẻ vẫn là một điều bí ẩn.
Trẻ chập chững ở bất cứ độ tuổi nào cũng có thể hình thành nỗi sợ. Trẻ chập chững dưới 2 tuổi thường sợ những thứ bất thình lình gây ra chấn động như sấm, pháo, chó to và nỗi sợ thường có xu hướng biến mất khi trẻ được ôm ấp, vuốt ve. Nhưng đến khoảng 3 tuổi, trẻ hình thành những nỗi sợ khác – sợ những người đàn ông xấu, sợ quái vật, phù thủy – những nỗi sợ này rất khó để xua tan. Mặc dù phi lý nhưng nỗi sợ của trẻ thường xuất phát từ hai nguyên nhân chính:
Trẻ 3 tuổi cảm thấy dễ bị tổn thương hơn. Những thay đổi lớn xảy ra trong tâm trí trẻ “ở Thời kỳ Đồ đá” có thể khiến trẻ cảm thấy dễ bị tổn thương hơn khi trẻ bước vào giai đoạn tiếp theo này. Đầu tiên, trẻ thường xuyên so sánh bản thân mình với người khác. Trẻ nhận ra rằng mình lớn hơn các em bé (anh lớn) nhưng lại nhỏ hơn so với tất cả những người còn lại và điều đó khiến trẻ khá hoảng sợ. Thứ hai, trẻ nỗ lực hết mình để tách bản thân mình ra khỏi những hành động bộc phát mang tính “hoang dã” và không được chấp nhận, do đó, trẻ vô thức tưởng tượng chúng (ví dụ sở thích cắn hoặc đánh) thành những cái bóng, những người lạ và những con vật đáng sợ ở thế giới quanh mình.
Trẻ tin vào phép thuật. Một trong những tiến bộ đáng chú ý nhất trong cách tư duy của trẻ chập chững giai đoạn này là khả năng nhận biết cách thức mọi vật vận hành. Giờ đây, trẻ đã biết rằng con bò cho sữa và băng tan tạo thành sông. Và tất cả những gì không thể giải thích bằng kinh nghiệm của bản thân trẻ đều được cho là nhờ “phép thuật”. Cũng giống như những người cổ đại sống quần cư sớm nhất từ cách đây 10.000 năm, giờ đây trẻ tin rằng tất cả mọi việc đều có thể xảy ra, đầu óc trẻ có thể tưởng tượng ra bất kỳ loại ma quỷ đáng sợ nào, bao gồm cả những con quái vật dưới gầm giường và đội quân kiến trên tường đang thi hành nhiệm vụ bắt cóc bé.
Kiểm soát nỗi sợ theo cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Khi không được quan tâm để ý, cảm giác lo lắng được nhen nhóm bởi nỗi sợ có thể dẫn tới một bữa tiệc hành vi: hành động quá khích, hung hăng, bám chặt không rời và những dấu hiệu lo âu như cắn móng tay, nói lắp, thủ dâm, ám ảnh sợ hãi, tiến bộ giật lùi, khó khăn khi đi vệ sinh, các vấn đề về giấc ngủ, ác mộng hoặc mắc hội chứng giấc ngủ kinh hoàng vào ban đêm.
Việc bạn muốn nhanh chóng an ủi động viên con khi trẻ bị hoảng loạn do những suy nghĩ về khủng long hoặc một đàn ong hung dữ là điều hoàn toàn bình thường. Nhưng như bạn có thể thấy ở những người có nỗi sợ lái xe hoặc đi máy bay, việc phủ nhận những cảm xúc này hoặc cho rằng chúng vô lý không những vô ích mà còn khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn. Việc đó không giúp làm giảm nỗi sợ hãi mà còn khiến trẻ càng cảm thấy cô đơn tột độ – như thể bạn đã không hiểu và không tôn trọng những lo lắng của trẻ. Vậy bạn nên làm gì? Dưới đây là một số cách có thể giúp bạn trở thành đồng minh của trẻ thông qua việc nhìn thế giới theo nhãn quan độc đáo của trẻ chập chững!
Đừng phủ nhận nỗi sợ của trẻ ngay lập tức. Tôi vẫn thường giải thích cho các bậc phụ huynh trong phòng khám của tôi rằng khi cần an ủi một đứa trẻ chập chững đang trong tâm trạng sợ hãi thì “Đường ngắn nhất để nối hai điểm lại với nhau không phải lúc nào cũng là một đường thẳng.” Nói cách khác, mặc dù có vẻ như tất cả những gì bạn cần làm để chấm dứt nỗi sợ của trẻ là nói với trẻ rằng “trên đời này không hề có phù thủy” thì việc thẳng thắn và lôgic thường không có tác dụng với trẻ. Trong tưởng tượng của một đứa trẻ đang sợ hãi, hình ảnh quái vật hoặc “những người xấu” luôn rất chân thật, thật như chính cuốn sách trẻ đang cầm trên tay vậy!
Theo kinh nghiệm của tôi, cách tốt nhất để làm vơi bớt nỗi sợ của trẻ là kiên trì tiếp cận vấn đề của trẻ bằng tình yêu và sự tôn trọng, sau đó, dùng những lý lẽ “kiểu tiền sử” để an ủi trẻ (như mô tả dưới đây). Quá trình tiến từng bước chậm chạp xung quanh lỗ hổng chứa đựng nỗi sợ hãi của trẻ là cách an toàn và chắc chắn hơn so với việc cố gắng thu nhỏ và nhanh chóng làm nó biến mất.
Dùng lý luận kiểu tiền sử để chiến thắng nỗi sợ của trẻ. Bạn càng cố gắng dùng lý luận để nói về nỗi sợ và thuyết phục trẻ đừng sợ thì những cảm giác sợ hãi của trẻ càng tăng thêm. Đối với trẻ, tất cả những điều đó đều là thật, bởi trẻ luôn hiểu mọi thứ theo nghĩa đen và vì thế, chúng tin rằng mọi thứ đều có thể xảy ra. (Hôm nay sếp của mẹ “bốc hỏa” phải không? Ôi chà!”)
Vì thế, thay vì nói với trẻ “Không có con quái vật nào cả”, bạn hãy cố gắng làm sao cho những lời giải thích của mình phù hợp với khả năng lý luận của trẻ. Ví dụ, bạn có thể nói: “Mẹ của quái vật con không để nó ra ngoài vào buổi tối đâu. Chúng còn phải ăn tối và đi ngủ nữa! Nhưng dù sao mẹ con mình cũng có thể làm gì đó thật ghê gớm và bí mật để chắc chắn là mấy con quái vật sẽ đi nơi khác, không ở đây nữa nhé!” hoặc: “Con có biết mẹ vừa nhớ ra điều gì không? Khủng long rất sợ mùi tỏi. Thế nên bây giờ mẹ con mình sẽ bôi một ít tỏi lên mảnh giấy này rồi treo nó ở cửa sổ. Như thế khủng long sẽ không đến nữa!” (Bạn cần làm điều này thật nghiêm túc. Mặc dù đối với bạn, đó có thể là một việc ngớ ngẩn nhưng với trẻ, đó thực sự là vấn đề sống còn đấy! Nếu bạn bật cười trong khi đang cố gắng an ủi trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bị coi thường và giễu cợt).
Dưới đây là một số cách thực sự hiệu quả để trấn an trẻ chập chững đang sợ hãi, đặc biệt phù hợp với những trẻ 3 tuổi đang bị ám ảnh bởi nỗi sợ:
▪ Dùng một món “bùa hộ mệnh” như một chiếc vòng đeo tay đặc biệt, một con búp bê, một cái chăn, một cái bùa ngăn chặn những giấc mơ xấu (dream catcher), một tấm ảnh của “người hộ mạng” đặt bên cạnh giường – ảnh bố và mẹ, và/ hoặc một bình xịt chứa “nước phép thuật”.
▪ Giả vờ mặc cho trẻ một “bộ quần áo bảo vệ” tưởng tượng vào mỗi tối. Bạn hãy mát-xa tấm áo đó từ đầu đến chân để nó bảo vệ trẻ khi trẻ đã nằm trên giường.
▪ Vẽ một bức tranh mô tả nỗi sợ của trẻ rồi để trẻ vò nát, dẫm lên hoặc xé nó đi.
▪ Đọc một cuốn sách về nỗi sợ của trẻ (Xem câu chuyện của Fran và Stella).
▪ Chơi đóng kịch, trong đó bạn và trẻ cùng chiến đấu chống lại nỗi sợ; nhưng bạn đừng ngạc nhiên nếu đứa trẻ “hoang dã” của bạn có những tưởng tượng “đẫm máu”.
▪ Hỏi trẻ xem điều gì có thể khiến trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Khi bé Tess 3 tuổi hốt hoảng sợ hãi khi thấy tiếng còi báo cháy bất ngờ vang lên, bố mẹ bé liền đặt tên cho sự việc ấy – Fred. Họ bảo Tess vẽ một bức tranh về Fred và dán một hình mặt cười lên đó. Họ chào Fred vào mỗi buổi sáng và buổi tối, thậm chí còn mời Fred ăn bánh quy. Chỉ trong vòng vài ngày, nỗi sợ của Tess đã trở thành quá khứ.
Bé Jaymie gần 3 tuổi đột nhiên nhất định không chịu tắm. Vốn dĩ bé thuộc nhóm tính khí cẩn trọng, bố của bé thường xuyên đi công tác xa nhà. Bé không sợ nước thoát ra khỏi bồn tắm như những đứa trẻ khác nhưng bé rất sợ gặp phải một “tai nạn”. “Con không muốn đi tè khi đang ở trong chậu nước”, bé kêu ca (bé đã tập được thói quen đi vệ sinh từ vài tháng trước đó).
Vì thế khi Jaymie bắt đầu hoảng sợ mỗi lần tắm, mẹ bé – Barbara – lại dùng ngôn ngữ của trẻ chập chững để bé hiểu rằng mẹ rất hiểu bé. “Không tắm! Không tắm! Không, không, KHÔNG!! Con nói ‘KHÔNG tắm! Không thích nước!’”, – cô nói bằng giọng nghiêm túc và hùng hồn, lắc đầu và xua tay khi cô chỉ vào bồn tắm: “Không nước! Không tắm! Tè, tè!”
Cô có thể đề nghị Jaymie đi tiểu trước để giải phóng bàng quang, nhưng đó là lôgic của người lớn và có lẽ sẽ không thể thuyết phục được Jaymie. Cô cũng có thể thử một chiến thuật từng bước một: “Được rồi, con sẽ không cần ngâm cả người vào bồn tắm. Bây giờ con chỉ nhúng chân vào nước thôi. Để xem có thể đẩy chú vịt kia đi không nhé!” Cách tiếp cận này có thể có tác dụng sau hai hoặc ba ngày kiên trì thực hiện từng tí một như thế. Đầu tiên là ngón chân, rồi bàn chân, cẳng chân, mông, và cuối cùng là toàn bộ cơ thể. Nhưng Barbara đã chọn cách sử dụng “phép thuật”. Cô nói với Jaymie: “Con tè đi, sau đó mẹ sẽ bôi kem ‘ma thuật’ cho con để từ giờ đến lúc đi ngủ con không phải tè nữa. Cô cũng dành cho Jaymie thời gian khởi động trước khi tắm, cùng rất nhiều lời “chuyện gẫu” với chú vịt của cô bé, nhiều thời gian chơi cùng nhau hơn, và khoảng Thời gian đặc biệt. Lúc đầu, Jamie cũng kêu ca một chút nhưng Barbara nhận thấy rằng cô bé không thét lên vì sợ mà chỉ khóc để phản đối, vì thế cô chỉ mô phỏng lại những cảm xúc đó và tiếp tục duy trì việc “chuyện gẫu” với chú vịt. Chỉ trong vòng vài ngày, Jamie đã vui vẻ đi tắm mà không cần đến thời gian khởi động nữa.
Cố gắng không khiến trẻ thêm sợ hãi. Khi một chuyện gì đó chắc chắn khiến trẻ sợ hãi sắp xảy ra, bạn không nên báo trước với trẻ quá sớm, nhất là khi trẻ có tính cẩn trọng. Ví dụ, bạn có thể đợi đến một ngày trước ngày hẹn gặp bác sĩ rồi mới thông báo với trẻ. Nếu trẻ hỏi trẻ có phải tiêm không, đừng nói có; thay vào đó, bạn nên nói rằng “Có thể con sẽ phải tiêm. Mẹ không chắc chắn lắm.” Đó có thể là một lời nói dối nhỏ vô hại. Dù khó tin nhưng tôi cũng phải nói rằng, các phòng khám đôi khi cũng hết vắc-xin, vì thế bạn có thể để trẻ ngồi đó, ngọ nguậy và hy vọng. Nếu bạn khẳng định chắc chắn, bạn sẽ chỉ càng khiến cho trẻ sợ hãi hơn!
Đồng thời, bạn cũng cần nhớ rằng nỗi sợ của trẻ sẽ càng trở nên dữ dội nếu trẻ thấy bố mẹ chúng cũng sợ. Nếu bạn hồi hộp về một điều gì đó có thể khiến trẻ sợ, như sấm chớp chẳng hạn, bạn hãy cố gắng tỏ ra bình tĩnh. Trẻ có thể dễ dàng đọc được nỗi sợ trên khuôn mặt bạn, và điều đó khiến trẻ càng cảm thấy dễ tổn thương và sợ hãi hơn.
Kiểm soát nỗi sợ ở trẻ: Câu hỏi thực tế từ phụ huynh
Tại sao nỗi sợ của trẻ lại nghiêm trọng hơn vào ban đêm?
Ngay cả người lớn cũng cảm thấy khó chịu hơn khi đêm xuống. Trong đêm tối, chúng ta thường hay nảy sinh những suy nghĩ lo lắng và những cảnh tượng đáng sợ. Trẻ cũng cảm thấy như vậy – nhất là vào buổi tối, khi chúng phải nằm trên giường một mình.
Những biện pháp hữu ích nhất bạn có thể sử dụng gồm: tạo dựng sự tự tin, chuyện gẫu, chơi đóng vai, dành thời gian chất lượng cho trẻ, tăng động chạm cơ thể (ôm ấp và mát-xa), tập thở, khen ngợi (xem Chương 9), và những biện pháp phòng tránh để xử lý nỗi lo lắng xa cách (xem Chương 13) vì đây cũng là một trong những nỗi sợ của trẻ.
Nuôi dạy con theo kiểu tiền sử trong thực tế
Chúng ta hãy cùng xem lại trường hợp của Stella – cô bé sợ kiến. Sau bốn đêm, cô bé càng lúc càng sợ hãi mỗi khi đến giờ đi ngủ. Fran - mẹ Stella – gọi cho tôi để nhờ tư vấn. Đây là những gì chúng tôi đã làm:
▪ Chơi đóng vai. Ban ngày, Fran chơi trò chơi côn trùng với Stella. Fran đóng vai chú côn trùng xấu tính không tìm thấy đồ chơi của mình, đồng thời cũng đóng vai chú côn trùng nhỏ bị lạc. Stella đóng vai cô bé bảo với chú côn trùng: “Hãy đi đi!” rồi quay ra chơi với các anh chị em của mình.
▪ Lôgic của trẻ thời kỳ “làng xã”. Fran tìm thấy một thư viện sách về côn trùng cho trẻ em. Cô cùng Stella đọc để biết côn trùng sống ở đâu (dưới lòng đất, không phải trong nhà hoặc trên giường) và chúng ăn gì (lá cây – chúng không thích vị trẻ con! Hú hồn! Với chúng, trẻ con chẳng ngon lành gì cả!). Cuốn sách cũng minh họa rất rõ rằng côn trùng nhỏ thế nào và trẻ con so với chúng thì to lớn đến mức nào.
▪ Trình tự đi ngủ trấn an trẻ. Tôi yêu cầu Fran vặn nhỏ đèn và âm thanh khoảng một tiếng trước giờ đi ngủ, sau đó thử áp dụng một bài mát-xa trấn an vào buổi đêm, vừa làm vừa nói chuyện về những điều thú vị mà Stella đã làm trong ngày và những gì trẻ sẽ làm vào ngày tiếp theo. Sau khi hát một bài hát ru, hai mẹ con nói lời chúc ngủ ngon với tất cả các bạn búp bê, gọi chúng là “những người bảo vệ dũng cảm của Stella”. Bật đèn ngủ với ánh sáng thật dịu mắt để xóa đi sự mênh mông của bóng tối.
▪ Sức mạnh của ma thuật. Fran kết thúc trình tự đi ngủ đêm bằng việc mặc cho Stella một bộ quần áo “siêu bảo vệ”, bộ quần áo này sẽ giúp bảo vệ cô bé khỏi bất cứ thứ gì đáng sợ. (Tôi bảo Fran thậm chí không được nhắc tới kiến. Tại sao phải mở đầu bằng chuyện đó chứ?). Fran mát-xa cho Stella, bắt đầu từ hai bàn chân. Fran xoa mạnh làn da con gái như thể cô đang khoác vào cho Stella một bộ quần áo tàng hình vừa khít người suốt từ đầu đến chân trong khi hát một bài hát đặc biệt: “Mẹ yêu con. Bố yêu con, Stella. Stella an toàn, an toàn, an toàn.” Sau đó cô còn khiến căn phòng trở nên “cực kỳ an toàn” bằng cách xịt một chút “nước xịt siêu nhiên bí mật” – bằng một bình xịt nhỏ chứa nước mà Fran đã vẽ hình mặt cười lên đó.
Đêm đầu tiên, Stella trấn tĩnh trong khoảng 5 phút, nhưng sau đó cô bé bắt đầu lo lắng. Vì thế bố mẹ cô vào phòng, hát bài hát an toàn một lần nữa và “mặc lại” bộ quần áo bảo vệ, xịt “nước xịt siêu nhiên” và mọi chuyện lại ổn vào đêm hôm đó. Hôm sau, Stella ngủ ngon lành sau tất cả các bước trên. Khoảng sau đó năm ngày, họ rút ngắn trình tự. Sau khoảng hai tuần, họ quay lại với trình tự ngủ đêm quen thuộc trước đó. Khi đó, Stella đã lại yêu quý những chú côn trùng! Vào lễ hội hóa trang năm đó, Stella muốn được hóa trang thành một chú kiến!
Giậm chân và nói lắp
Bé Polly 3 tuổi rất tự hào về những gì gần đây mình đã làm được, bao gồm cả việc bé đã học được cách tự mặc quần áo và đổ thức ăn ra bát cho chú cún con. Bé tự thấy mình “đã lớn” và dường như bé luôn cố gắng hết sức để làm được tất cả những việc giống như các anh chị của mình. Vì thế bố mẹ bé – Thomas và Hope – rất ngạc nhiên khi bé bắt đầu gặp khó khăn mỗi khi nói. “Bây giờ đến lượt -lượt-lượt-lượt con cho chó ăn! Không phải lượt-lượt-lượt của anh Pe-Pete!” – bé nói cà lăm.
Hội chứng giấc ngủ kinh hoàng – người anh em với chứng mộng du
Một số trẻ thức dậy và khóc vào ban đêm bởi chúng mơ thấy những điều không tốt. Khi trẻ mắc hội chứng giấc ngủ kinh hoàng, trẻ sẽ khóc, kêu gào hoặc hành động như thể trẻ vừa tỉnh giấc sau một giấc mơ khủng khiếp – nhưng trẻ vẫn trong trạng thái đang ngủ. Trẻ sẽ hoàn toàn phớt lờ những lời an ủi, những ôm ấp vỗ về của bạn. Giấc ngủ kinh hoàng thường xảy ra trong khoảng từ hai đến bốn tiếng sau khi ngủ, đó là khi trẻ chuyển từ giai đoạn ngủ sâu sang giai đoạn ngủ REM (chuyển động mắt nhanh). Điều này có liên hệ với chứng mộng du và nói mớ khi ngủ.
Mặc dù trẻ không thực sự tỉnh giấc nhưng trẻ cũng không hôn mê. Vì thế nếu trẻ vật vã với một cơn hoảng loạn trong đêm, tôi khuyên bạn nên tác động tới tiềm thức của trẻ để dỗ dành trẻ. Bạn có thể vặn đèn sáng mờ, bế ru trẻ trên tay và hát một bài hát ru mà trẻ yêu thích, hoặc liên tục nói bằng giọng trấn an như thể đang hát “Mẹ và bố yêu con”.
Nếu trẻ thường xuyên gặp phải giấc ngủ kinh hoàng, tôi khuyến khích bạn thực hiện trình tự trấn an vào mỗi lần bạn cho trẻ đi ngủ. Chọn một bài hát ru nhẹ nhàng và trong khi hát, bạn giả vờ như đang mặc cho trẻ một bộ quần áo bảo vệ. Đêm nào bạn cũng cần mặc bộ quần áo phép thuật đó từ đầu đến chân cho trẻ. Hãy vờ như bạn cần phải kéo nó lên “bởi vì nó hơi chật một tí” và chắc chắn rằng bạn kéo nó lên hết như thể mặc cho bé một bộ quần áo tàng hình thật sự. Bạn càng thực hiện quy trình với bài hát và bộ đồ phép thuật này nhiều lần, bạn càng khắc sâu một thông điệp vào tiềm thức của trẻ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Nếu trẻ vẫn có một cơn hoảng loạn trong đêm, bạn sẽ có thể an ủi tiềm thức của trẻ (hãy nhớ rằng trẻ vẫn còn đang ngủ) bằng cách mặc lại bộ quần áo ma thuật và hát bài hát ru quen thuộc.
Đôi khi tái hiện cảm xúc và thận trọng là điều rất tốt bởi chúng có thể ngăn trẻ không trèo vào khu vực nguy hiểm hoặc đánh chị em của mình. Nhưng đôi khi những đứa trẻ 3 tuổi lại nghĩ quá nhiều. Khi chúng nghĩ quá nhiều trong lúc nói, chúng có thể bị nói lắp – một dấu hiệu báo động đối với các bậc cha mẹ mới vài tháng trước đó còn choáng ngợp trước những từ và câu đầu tiên con có thể nói ra. Nhưng bạn đừng lo lắng. Điều may mắn là vấn đề này thường không nghiêm trọng như bạn tưởng.
Tại sao một số trẻ chập chững nói lắp?
Chúng nghĩ quá nhiều. Vào khoảng sinh nhật lần thứ ba, hầu hết trẻ nhận thức rất rõ về những điều mình nói. Chúng bắt đầu nghĩ xem chúng định nói gì và chính điều này làm cản trở dòng ngôn ngữ thoát ra ngoài. Bạn có thể nhận thấy điều tương tự mỗi khi bạn cố gắng suy nghĩ quá tỉnh táo về một hành động vô thức. Ví dụ như khi nhảy dây chẳng hạn. Nếu bạn quá tập trung về việc “nhấc chân phải lên, quăng dây về phía trước, nhảy lên” và tiếp tục như vậy, chắc chắn bạn sẽ nhảy chậm lại và thậm chí vấp ngã.
Cũng giống như đi bộ, lái xe đạp hoặc tập đàn piano, việc nói được thực hiện tốt nhất khi vùng não bộ vô thức của bạn được kiểm soát (vùng tiểu não). Vùng não bộ có ý thức chỉ nên vận hành như một người giám sát có kinh nghiệm, đưa ra một trong những quyết định quan trọng về việc nên đi đâu, nên nói gì nhưng không chịu trách nhiệm về quyết định đi như thế nào hoặc phát âm mỗi từ như thế nào cho đúng.
Vì thế, trong một số ít các trường hợp, nói lắp có thể là một dấu hiệu của căng thẳng trong cảm xúc nhưng trong phần lớn các trường hợp khác, đối với trẻ chập chững, đó chỉ đơn giản là một dấu hiệu của việc trẻ đang nghĩ quá nhiều!
Trẻ nghĩ hoặc nói quá nhanh. Đôi khi bạn có thể có cảm giác rằng đầu óc trẻ đang làm việc quá nhanh đến nỗi miệng trẻ phải rất khó khăn mới theo kịp. Khi trẻ hào hứng nói chuyện với bạn, trẻ có thể nói vấp từ ngữ và khiến ngôn từ nói ra trở nên lộn xộn.
Mặt khác, đôi khi trẻ coi việc nói lắp như một biện pháp tâm lý để kiềm chế một suy nghĩ trong khi lý trí phân tích xem chính xác trẻ muốn nói gì. Kết quả là chúng ta nghe thấy một tràng những lời lặp lại, “Ăn trưa xong, con… con… con… con xem ti vi được không?”
Trẻ bắt chước người khác. Trẻ chập chững là những người bắt chước tài ba. Đôi khi việc trẻ nói lắp chỉ là sự bắt chước một người nào đó trẻ thấy ở trường hoặc trên ti vi.
Phản ứng với việc trẻ nói lắp theo cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Hầu hết trẻ chập chững chỉ nói lắp trong khoảng hai tuần (hoặc hai tháng) sau đó hiện tượng này sẽ biến mất. Nhưng có hai việc bạn có thể làm để đẩy nhanh quá trình này:
Đừng quan trọng hóa vấn đề. Cũng giống như những lỗi khác trẻ mắc phải khi nói, tốt nhất là bạn không nên quá chú tâm đến việc trẻ nói lắp. Bạn cần nhớ rằng, trong vấn đề này, trẻ mới chỉ là người học việc. Bạn nên giúp trẻ giữ thể diện bằng cách xử lý việc nói lắp giống như cách bạn xử lý một lỗi ngữ pháp: bỏ qua nó. Trên thực tế, nếu con bạn đặc biệt nhạy cảm, trẻ có thể nhận ra bạn hơi mím môi hoặc nhướng mày chú ý ngay cả khi bạn tỏ ra không hề để ý đến việc trẻ nói lắp. Vì thế tôi nghĩ cách tốt nhất để phớt lờ việc trẻ nói lắp là vẫn lắng nghe nhưng thỉnh thoảng quay mặt đi hoặc nhìn theo hướng khác khi trẻ nói.
Động viên trẻ và giúp trẻ giải tỏa lo lắng. Một cách khác để giúp trẻ thư giãn, để ngôn ngữ của trẻ được giải phóng và để trẻ không phải cố gắng quá mức là làm những việc giúp trẻ tăng thêm tự tin và giải tỏa lo lắng. Bạn có thể thử tăng cường áp dụng các biện pháp giúp trẻ tự tin và lời khen ngợi nhẹ nhàng (xem Chương 9); thêm vào một số hoạt động dành thời gian chất lượng cho trẻ như Thời điểm đặc biệt và chơi ngoài trời (xem Chương 10); giúp trẻ giảm bớt lo âu bằng bài mát-xa nhẹ nhàng và tập thở để trấn tĩnh trong Nghi thức bắt đầu và kết thúc (xem Chương 10).
Uống thuốc: Biến một nhiệm vụ thành một trò chơi
Khi bác sĩ kê đơn thuốc cho con bạn, hãy hỏi bác sĩ xem thuốc có vị như thế nào. Tiếc thay, câu trả lời chúng ta thường nghe thấy nhất là “Ghê lắm!”. Vì thế một số cha mẹ đã thử các mẹo thông dụng như trộn thuốc vào nước hoa quả hoặc thức ăn để trẻ có thể uống thuốc. Những mẹo này cũng có lúc hiệu quả nhưng những trẻ 2 tuổi đã rất thông minh và trẻ 3 tuổi còn tinh khôn hơn nữa, chúng thường phát hiện ra mánh khóe này ngay lập tức, bởi trộn thuốc với nước quả cuối cùng lại khiến cho cả cốc nước quả có vị rất khó chịu. Có thể bạn sẽ may mắn trộn thuốc với một món đồ ăn hoặc đồ uống tối màu và có vị mạnh – như nước cola chay (không chứa caffeine) hoặc nước soda nho. Nhưng đừng ngạc nhiên nếu đứa con nhạy cảm, cẩn trọng hoặc bướng bỉnh của bạn chỉ ngửi qua và bảo “Con không uống đâu!”
Thay vì áp dụng những mẹo trên, bạn hãy thử biện pháp Tráo đổi nổi tiếng của Bác sĩ Harvey. Trước khi bạn gọi trẻ đến để uống thuốc, hãy đổ một chút nước cola không chứa caffeine vào hai cốc thủy tinh nhỏ, sau đó trộn lượng thuốc trẻ cần uống vào một trong hai cốc đó. Khi đã hoàn tất, bạn gọi trẻ đến, rót thêm một chút thuốc nữa vào thìa và bảo, “Con uống thuốc nhé, sau đó con có thể uống một chút sođa để thuốc trôi xuống hết.”
Nếu trẻ nói, “Vâng,” bạn chỉ cần cho trẻ uống hết thìa thuốc và cốc chứa soda. Nếu trẻ nói “không”, bạn hãy lặp lại đề nghị của mình một lần nữa, “Con uống thuốc trước rồi sẽ được uống soda.” Sau đó, nếu trẻ vẫn không chịu, bạn giả vờ cáu và than thở, “Thôi được rồi, con thắng! Chà! Con luôn luôn thắng! Mẹ chẳng thắng được lần nào cả. Thôi được, con uống soda đi, mẹ cất thuốc đi vậy!”. Bạn thở dài và tỏ vẻ buồn bã, giống như thể bạn lại vừa bị lừa vậy, sau đó đưa cho trẻ cốc soda có pha thuốc và chú tâm vào việc rót thuốc từ thìa lại vào lọ.
Lúc này, trẻ sẽ cảm thấy trẻ đã thắng và sẽ uống thật nhanh hết cốc soda. Trẻ sẽ không biết rằng bạn đã trộn thuốc vào trong đó. Bạn đừng nên tỏ vẻ vui mừng hoặc kêu lên, “Được rồi!” khi trẻ uống xong. Hãy để trẻ nghĩ rằng trẻ đã thắng, và sau đó bạn có thể cố gắng để “thắng” lại vào lần tiếp theo trẻ uống thuốc.
Có em: Bạn chơi mới hay thử thách mới cho vị trí độc tôn?
Cậu bé Sam 3 tuổi, con trai của Stephen và Nicole, lần đầu tiên “ăn vạ” ở nơi công cộng là ngay sau khi em gái của cậu chào đời. “Khi có em, thằng bé có lúc là thiên thần tốt và có khi trở thành thiên thần xấu”, Nicole giải thích. “Lúc đầu, bé sẽ chạm vào em thật nhẹ nhàng, nhưng sau đó bé nghiến răng, cố tỏ ra đang cười – và bất thình lình véo em!”
Hãy tưởng tượng một hôm chồng bạn về nhà và nói: “Nhìn này, em yêu! Anh vừa mang về một người vợ mới cho em chơi cùng! Cô ấy sẽ giành được rất nhiều sự quan tâm của anh trong một thời gian, nhưng cuối cùng em và cô ấy sẽ rất vui vẻ khi ở cùng nhau đấy!” Bạn sẽ phản ứng thế nào? Hừ, em không nghĩ vậy!
Sự xuất hiện của một em bé mới toanh trong gia đình thường là nguyên nhân gây ra sự bàng hoàng và mất phương hướng lớn nhất đối với đứa con đầu lòng (hoặc nếu bạn có nhiều con thì những đứa trẻ dưới năm tuổi sẽ trải qua cảm xúc này). Tôi chắc chắn rằng bạn cảm thấy rất mệt mỏi và căng thẳng, nhưng ít nhất bạn gần như cũng hiểu rằng bạn đang vướng vào chuyện gì. Tuy nhiên đối với con bạn, điều này hoàn toàn khiến trẻ ngỡ ngàng.
Rất nhiều cha mẹ cảm thấy có lỗi vì đã không thể dành cho đứa con thứ hai sự quan tâm tuyệt đối như họ đã có thể làm khi chăm sóc con đầu lòng. Nhưng bạn đừng nên mất một giây nào để dằn vặt mình vì điều đó! Đúng là đứa con đầu lòng nhận được nhiều sự quan tâm từ bạn hơn, nhưng những gì đứa con thứ hai không nhận được từ bạn, bé sẽ nhận được gấp năm lần điều đó từ anh/chị của mình. Không ai có thể khiến con bạn cười hoặc học hỏi được nhiều điều như anh/chị của bé – đối với bé, đó chính là những siêu nhân thực sự! Tôi luôn muốn được nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng đứa con đầu sống trong thế giới của người lớn, nhưng đứa con thứ hai sống trong thế giới của trẻ em. Sau khi bạn đã sinh hai đứa con, chúng muốn bạn ở bên cạnh để mang lại cho chúng tình yêu thương, những nụ hôn và đồ ăn nóng sốt – tất cả đều luôn sẵn sàng khi chúng cần!
Tại sao trẻ gặp khó khăn khi trở thành “anh hai” hoặc “chị hai”?
Hãy đặt mình vào vị trí của con, bạn sẽ hiểu tại sao trẻ có thể là người ít vui nhất khi bạn đón thêm một em bé về nhà.
Trẻ chập chững luôn coi mình là trung tâm và không có khả năng kiểm soát những hành động bột phát. Như trong viễn cảnh về “một người vợ mới” chúng ta đã thấy ở trên, liệu có ai trong vị trí người “vợ đầu” mà không cảm thấy cạnh tranh? Con bạn đang ở tuổi chập chững, tuổi coi mình là trung tâm của mọi sự chú ý, bởi vậy, hoàn toàn bình thường khi trẻ cảm thấy như bạn đang xát muối vào vết thương của trẻ mỗi khi bạn đi về phía em bé và bỏ quên trẻ. Hơn nữa, khả năng kiểm soát hành động bột phát còn non yếu ở bán cầu não phải của trẻ khiến trẻ càng gặp nhiều khó khăn trong việc kiềm chế những cảm xúc cạnh tranh. Bởi thế, sự bực bội của những “anh hai” này có thể được biểu lộ qua hàng loạt những cái cấu, véo, tát và cắn đầy bất ngờ.
Cảm xúc của trẻ cực kỳ mâu thuẫn. Những hiểu biết ngày càng rõ ràng của trẻ về các nguyên tắc đồng nghĩa với việc trẻ hiểu cắn và đánh là sai trái. Thêm nữa, trẻ luôn mong muốn làm bạn hài lòng, và bây giờ trẻ hiểu rằng trẻ có thể bị phạt nếu trẻ gây sự với em. Tuy nhiên, những mong muốn mang tính hung tợn của trẻ cũng rất khó để được kiềm chế. Đôi khi, những cảm xúc mạnh mẽ này lọt ra ngoài dưới dạng những lo lắng về những con quái vật đáng sợ hoặc các hành vi thể hiện sự bất an như nói lắp, cắn móng tay, gặp ác mộng, khó khăn khi xa cách, thủ dâm hoặc những nỗi sợ hãi. Bạn đừng ngạc nhiên nếu đôi khi bạn bắt gặp trẻ không thể kiềm chế việc véo em hoặc thậm chí hôn em quá mạnh.
Trước khi bạn sinh bé thứ hai
Bạn không nên nói chuyện về em bé ngay khi nhận được kết quả thử thai dương tính. Điều tốt nhất có thể xảy ra là trẻ sẽ cảm thấy buồn chán khi phải chờ đợi em bé ra đời. (Bạn cần nhớ rằng ý thức về khái niệm thời gian của trẻ không được tốt lắm.) Và điều tồi tệ nhất có thể đến là, trẻ sẽ có thêm nhiều tháng nuôi dưỡng sự ghen tỵ dưới hình ảnh một con quỷ mắt xanh và cả cảm giác sợ hãi vì bị bỏ rơi. Bạn nên đợi khoảng hai tháng trước khi sinh để bắt đầu nói về “em bé trong bụng mẹ”. Dưới đây là những gì tôi vẫn thường khuyên các bậc phụ huynh trong phòng khám của tôi làm để chuẩn bị tâm lý cho trẻ trước khi em bé ra đời:
▪ Cho trẻ (dù trai hay gái) một con búp bê nhỏ, dễ ôm để trẻ có thể tập cho em bé ăn, thay bỉm và rửa tay thật sạch.
▪ Chuyện gẫu bằng cách nói chuyện với em bé trong bụng bạn (và cả sau khi bé được sinh ra) về những gì người anh/chị tuyệt vời của bé đã làm được.
▪ Chuẩn bị tâm lý cho trẻ bằng cách giúp trẻ tập hít thở sâu (xem Nghi thức mở đầu và kết thúc – Chương 10).
▪ Lên kế hoạch cho trẻ chuyển từ cũi sang giường thật cẩn thận. Nếu trẻ vẫn chưa rời cũi ít nhất khoảng hai hoặc ba tháng trước khi bạn sinh em bé, bạn nên hoãn lại tất cả mọi kế hoạch về việc rời cũi của trẻ cho đến khoảng hai hoặc ba tháng sau khi sinh, như thế trẻ sẽ không có cảm giác bị “mất chỗ”.
▪ Mua cho trẻ một món đồ chơi xinh xắn và dùng nó làm quà của em bé dành cho trẻ, một số món quà khác “từ” những vị khách đến thăm - những người có quà cho em bé mới sinh nhưng không có quà cho bé lớn.
▪ Đảm bảo chắc chắn rằng trẻ được đi tiêm phòng đúng hạn.
Giúp trẻ thích nghi với việc có em theo phong cách nuôi dạy con kiểu tiền sử
Chơi với trẻ dựa trên thế mạnh của trẻ và bạn sẽ không còn gặp nhiều khó khăn về điểm yếu của trẻ nữa.
Tận dụng lợi thế của Thời điểm đặc biệt. Đây chính là lúc bạn biến Thời điểm đặc biệt thành khoảng thời gian thú vị cùng với trẻ (xem Chương 10). Bạn nên dành hai Thời điểm đặc biệt trong ngày để chơi với trẻ. Đó là một cách rất hiệu quả để trẻ biết về những phần thưởng chưa được trao ngay – chính là những thứ trẻ sẽ cần khi bạn bận bịu với việc cho em bé ăn hoặc thay tã cho em. Nếu có thể, bạn có thể dành cho trẻ cả Thời điểm đặc biệt với mẹ và Thời điểm đặc biệt với bố. Thỉnh thoảng bạn thậm chí có thể dành cho trẻ Thời điểm “siêu” đặc biệt, ví dụ như đưa trẻ ra ngoài ăn kem mà không có đối thủ – ý tôi là em bé mới sinh ấy – đi cùng!
Ghi nhận những việc tốt trẻ làm được. Những “cư dân làng xã” tí hon này thích được mọi người ghi nhận và nhận phần thưởng (bảng thành tích sao, đánh dấu tích vào tay) khi các bé làm được việc tốt.
Hào phóng với những “phần thưởng cộng thêm”. Hãy tạo ra một trình tự đi ngủ đêm kỹ lưỡng và tỉ mỉ hơn, dành cho trẻ thật nhiều những cử chỉ yêu thương và gia tăng sức mạnh.
Chơi trận giả. Chơi đấu vật và ném gối không chỉ giúp trẻ giải tỏa tâm lý hiếu chiến, hung hăng theo cách hoàn toàn chấp nhận được, đây còn là những hành động của trẻ “lớn” mà bé hiểu rằng các em bé “nhỏ xíu và yếu ớt” chưa thể làm được – và trẻ hiểu điều đó. Bên cạnh những thời gian chơi trận giả, bạn đừng quên các bài tập hít thở sâu của Nghi thức mở đầu và kết thúc, như vậy trẻ sẽ luyện tập thêm được cách trấn tĩnh cũng như cách khởi động năng lượng của mình!
Định hướng lại tâm lý hung hăng. Thay vì chỉ trích trẻ khi những trò đùa của trẻ với em vượt quá giới hạn, bạn nên chỉ cho trẻ những cách tốt hơn để giải tỏa. Hãy tích cực, nói với trẻ rằng: “Em gái nhỏ của con rất thích được chạm nhẹ nhàng như thế này – con làm việc đó rất giỏi đấy!”. Sau đó, chuyện gẫu với bố trẻ về điều đó.
Nếu đứa trẻ “làng xã” của bạn đã có thể nói được khá nhiều, bạn hãy chỉ cho trẻ biết rằng trẻ có thể dạy, dỗ dành và khiến em bé vui bằng những lời nói. Tôi thực sự thích thú khi thấy các “anh hai” và “chị hai” nói với em bé bằng Ngôn ngữ của trẻ chập chững, bắt chước cách mà mẹ vẫn thường làm với trẻ.
Bé Will – 3 tuổi – có một thời gian “khủng hoảng” với em Estelle của bé. Em sẽ khóc nếu bé ôm em quá chặt hoặc vô tình khiến em giật mình. Nhưng lần đầu tiên em cười khi nhìn thấy khuôn mặt ngộ nghĩnh của bé, bé cảm thấy cực kỳ thú vị.
Liệt kê những điều trẻ có thể giúp. Những đứa trẻ “làng xã” thích chơi trò đóng vai. Bạn có thể phân công cho trẻ một công việc nào đó, ví dụ như lấy cho bạn chiếc tã của em khi bạn cần. Một trong những công việc rất thích hợp với trẻ trên 2 tuổi là làm cho trẻ một bảng tên và gọi trẻ là “chú cảnh sát của thế giới đồ chơi thu nhỏ”. Để trẻ biết rằng trẻ đã giúp bạn được rất nhiều khi trẻ nhặt những đồ chơi nhỏ xíu cho bạn. Hãy dạy trẻ cách luồn đồ chơi qua lõi giấy vệ sinh để kiểm tra kích thước của vật đó và chắc chắn rằng nó sẽ không gây hóc nếu lỡ em bé cho vào miệng. Mặc dù phải hàng tháng sau đó em bé mới biết bò nhưng đây vẫn là một việc hữu ích. Hơn nữa, nó khiến trẻ lớn có cảm giác mình quan trọng.
Không nên liều lĩnh. Ngay cả khi trẻ tỏ ra có khả năng bảo vệ hoặc muốn bảo vệ em, trẻ vẫn không tránh khỏi những lúc phải kiềm chế ý muốn đánh hoặc cào cấu em. Hơn nữa, trẻ có thể muốn bế em mà không nhận thức được thực tế rằng em bé nặng hơn và hiếu động hơn các bé búp bê rất nhiều. Bởi vậy, bạn không nên để trẻ ở một mình với em bé dưới 1 tuổi. Cẩn tắc vô áy náy.
Để trẻ được nhỏ lại. Có lẽ đây là thời điểm bạn mong chờ nhiều nhất rằng trẻ lớn sẽ thể hiện những hành vi xứng đáng với vai trò một “anh hai” như biết đi vệ sinh đúng cách hay ngủ trên giường riêng. Nhưng thực tế, đây lại chính là thời điểm trẻ cần có sự tự do cho riêng mình. Bạn hãy hỏi trẻ: “Bây giờ con muốn là một ‘anh lớn’ hay là một ‘em bé’ nào? Con ngồi vào lòng mẹ đi, em bé lớn mạnh mẽ của mẹ, con ôm mẹ một lúc nhé!”
Đưa ra những kỳ vọng hợp lý. Bạn có thể nhẹ nhàng nhắc bạn bè đến nhà mình hãy chú ý đến trẻ lớn một chút trước khi trầm trồ khen ngợi em bé mới sinh. Trên hết, bạn không nên cảm thấy tội lỗi vì đã không dành cho em bé nhiều sự quan tâm như bạn đang dành cho anh/chị của bé. Trẻ lớn mới là người chịu mất mát nhiều nhất đấy.
Tốt cho tất cả mọi người
Để tránh em bé bị ốm, bạn cần thay quần áo cho trẻ lớn mỗi khi trẻ về nhà sau khi đi chơi với những trẻ khác. Bạn cần chắc chắn rằng trẻ đã rửa tay mỗi ngày vài lần. Bạn không cần xà phòng diệt khuẩn, chỉ cần chắc chắn rằng trẻ đã xoa tay mạnh và kỹ càng mỗi khi trẻ rửa tay và lau khô tay.
Bạn sẽ không thể ngăn được sự cạnh tranh giữa anh chị em ruột trong gia đình – đó là điều hiển nhiên: Có đến hai “người tí hon” coi bạn là trung tâm trong vũ trụ của các bé và cả hai đều muốn có được sự quan tâm của bạn càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tràn trề hy vọng, bởi bằng cách áp dụng những mẹo nhỏ và các chiến thuật đã được bàn tới trong chương này, bạn sẽ có thể giữ hòa khí trong gia đình cho đến khi các bé đều lớn hơn và có thể tự mình giải quyết mọi chuyện giữa chúng với nhau.