“Hầu hết những nhà lãnh đạo và nhân viên đều không biết thế mạnh của bản thân là gì. Khi được hỏi về vấn đề này, thường họ sẽ ngây người nhìn bạn, hoặc sẽ trả lời thế mạnh là kiến thức chuyên môn - và tất nhiên câu trả lời đó bị ‘lạc đề’.”
– Peter Drucker
Đó là giờ cao điểm vào một buổi sáng tháng Một lạnh lẽo. Ga tàu điện ngầm ở Washington D.C. nhộn nhịp với hàng ngàn hành khách đang vội vã bắt chuyến tàu sớm để kịp đến chỗ làm. Giữa quang cảnh tấp nập đó, một người đàn ông ngồi xuống sàn xi-măng lạnh ngắt, tại vị trí hoàn hảo trên một hành lang mà mọi hành khách trên đường ra tàu đều phải đi ngang.
Trên tay người đàn ông là hộp đàn vĩ cầm. Ông mở hộp lấy cây đàn ra và đặt hộp đàn rỗng xuống trước mặt, ngầm ý xin thính giả thả vào đó vài đô-la.
Và rồi nghệ sĩ vĩ cầm vô danh đó bắt đầu chơi nhạc. Ông chọn sáu tác phẩm của Johann Sebastian Bach để biểu diễn phục vụ cho những hành khách đi chuyến tàu sáng. Phần biểu diễn của người đàn ông ấy không chê vào đâu được, nhưng chẳng mấy ai để ý. Có một người đàn ông trung niên dừng chân. Nhưng chưa đến một phút, anh bỏ đi. Vài phút sau đó, một phụ nữ vừa sải bước vừa thả tờ một đô-la vào chiếc hộp đàn đang để mở. Đó là tờ tiền đầu tiên người đàn ông chơi vĩ cầm nhận được.
Người nghệ sĩ biểu diễn suốt bốn mươi lăm phút, và trong khoảng thời gian đó, hàng ngàn hành khách đã đi ngang qua ông. Có vẻ trẻ con hứng thú với âm nhạc của ông nhất. Người đầu tiên trông có vẻ muốn nán lại lâu hơn để lắng nghe tiếng đàn của người nghệ sĩ kia là một cậu bé ba tuổi. Cậu bé dường như bị cả âm nhạc lẫn người người nghệ sĩ chơi đàn mê hoặc. Nhưng rõ ràng mẹ cậu bé có việc phải đi nên cô đã kéo con đi tiếp. Nhiều đứa trẻ khác cũng muốn dừng lại, và thường thì phụ huynh của các em luôn lôi các em đi tiếp mà không hề chậm lại dù chỉ một chút để thưởng thức tiếng đàn đó.
Khi biểu diễn xong, người nghệ sĩ vĩ cầm gom số tiền mình nhận được, thu xếp nhạc cụ, đóng hộp đàn lại và rời đi. Trong bốn mươi lăm phút, ông nhận được ba mươi hai đô-la. Không có tiếng vỗ tay hay sự công nhận nào dành cho nỗ lực của ông. Không có gì ngoài sự vội vã của buổi sớm mai - một quá trình di chuyển bắt buộc trước khi bắt đầu những việc quan trọng.
Sự kiện kể trên là một thí nghiệm xã hội được tiến hành bởi tờ The Washington Post. Người nghệ sĩ vĩ cầm tại ga tàu lạnh lẽo sáng hôm đó chính là Joshua Bell, một trong những nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc nhất thế giới. Ông đã chơi sáu bản nhạc phức tạp nhất từng được soạn cho đàn vĩ cầm, và ông đã biểu diễn bằng một nhạc cụ trị giá đến ba triệu rưỡi đô-la Mỹ. Chỉ mới trước đó hai đêm, Bell đã biểu diễn trong một buổi hòa nhạc cháy vé tại phòng hòa nhạc Boston, nơi mà giá vé trung bình là hơn một trăm đô-la.
Thật khó tưởng tượng khi gần cả ngàn người hối hả lướt qua Joshua Bell ngày hôm đó hầu hết là thờ ơ với phần biểu diễn tài năng đẳng cấp thế giới của ông. Đã bao nhiêu lần chúng ta lướt qua những tài năng xuất chúng đang hiện diện ngay trước mắt mình?
Cũng như những hành khách ở ga tàu điện ngầm, chúng ta thường bỏ qua những điều vĩ đại và xuất sắc chỉ vì ta không hoàn toàn tập trung hiện diện ở hiện tại. Chúng ta quá bận rộn với những áp lực hàng ngày, với mối lo toan phải hoàn thành công việc hay phải đến một nơi nào đó, đến mức ta phớt lờ hoặc chỉ dành sự công nhận vô cùng hời hợt cho những tài năng xuất chúng ở ngay trước mắt chúng ta.
Bạn có thường nhìn thấy tiềm năng của những người mà mình quen biết không?
Bạn có thường nhận thức được năng khiếu độc đáo của những người xung quanh không?
Trong vai trò nhà lãnh đạo, bạn có nhìn ra dù chỉ một chút tiềm năng nào nơi các thành viên trong đội ngũ của mình không?
Bạn có nhìn thấy tiềm năng trong bản thân mình không?
Chúng tôi không chỉ nói đến cú ném bóng tuyệt đẹp của bạn, hay việc bạn có thể sử dụng bốn ngôn ngữ, hay hai mươi bốn động tác yoga nổi đình nổi đám mà bạn thành thục.
Chúng tôi đang nói về những nguồn lực to lớn tiềm ẩn trong bạn và trong những người khác mà chưa bao giờ được khai thác hay thậm chí được nhận thức. Chúng tôi đang nói về những “Joshua Bell” trong đội ngũ của bạn và trong bản thân bạn.
Hãy nghĩ xem, trong cuộc đời mình, bạn có từng gặp một người lãnh đạo có thể nhận ra trong con người bạn một năng lực mà bản thân bạn không hề nhìn ra?
Nếu có, việc đó đã tác động đến cuộc sống của bạn như thế nào?
Việc đó đã tác động đến mối quan hệ của bạn với những người khác ra sao?
Bạn muốn có được khả năng giống với người lãnh đạo đó và làm điều tương tự cho những người khác hay không?
Hồi nhỏ tôi là một thiếu niên lười biếng. Kết quả học tập của tôi rất tệ - tôi bị điểm kém ngay cả với những môn tôi giỏi, chẳng hạn như môn lịch sử. Tôi thật sự rất thích môn lịch sử và tự đọc rất nhiều sách, nhưng tôi không đọc sách giáo khoa, vì với tôi thì đọc sách giáo khoa cũng giống như phải làm bài tập vậy.
Một ngày nọ, thầy giáo dạy lịch sử của tôi, người mà tôi nghĩ không hề thích tôi, giữ tôi lại sau giờ học. Thầy nhìn tôi và nói bằng giọng run run, “Em đang tự lừa dối bản thân đấy. Em có thể làm tốt hơn rất nhiều. Thật ra thầy nghĩ em rất có năng khiếu môn lịch sử”.
Khi thầy nói những lời đó, trong lòng tôi cảm thấy rất lạ. Chưa từng có giáo viên nào thể hiện bất kỳ sự quan tâm đặc biệt dành cho tôi. Dần dần, tôi đã trở nên tốt hơn dưới sự dìu dắt của thầy. Thầy dõi theo tôi, đào tạo tôi và luôn động viên tôi. Tầm nhìn của thầy về những gì tôi có thể đạt được đã truyền cảm hứng cho tôi, và tôi bắt đầu hiện thực hóa chúng. Nói ngắn gọn, cuối cùng tôi đã tốt nghiệp với tấm bằng hạng ưu chuyên ngành lịch sử tại một trường đại học danh tiếng. Cảm xúc đó rất tuyệt vời, và tôi đạt được thành công này chủ yếu nhờ người thầy có giọng nói run run và tấm lòng quan tâm đến tôi.
Ngược lại, một cộng sự của chúng tôi đã chia sẻ trải nghiệm sau:
Tôi từng làm việc với một vị lãnh đạo cấp cao và vị này cho rằng việc phát triển con người cũng như đầu tư vào con người là quá tốn thời gian mà kết quả chẳng đi đến đâu. Ông nói với tôi, “Anh dành thời gian và tiền bạc để giúp họ phát triển, và rồi khi đã học xong những gì cần học, họ rời bỏ công ty”.
Tôi đồng cảm với ông ấy ở điểm này. Thật đáng thất vọng khi chúng ta đầu tư vào con người để rồi họ lại lựa chọn đi đến nơi khác. Nhưng tôi nói với ông, “Hãy nhìn nhận vấn đề này dưới một góc độ khác. Nếu ông không đầu tư vào họ và họ ở lại công ty thì sao? Lúc đó ông sẽ phải làm việc với những con người như thế nào?”.
Vị lãnh đạo này thiếu tinh thần giữ chân nhân tài. Ông cho rằng đầu tư thời gian vào nhân viên của mình là một sự lãng phí, và rồi ông cảm thấy phẫn nộ khi họ rời đi.
Thuật lãnh đạo ngày nay đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng một trong những vai trò căn bản của nhà lãnh đạo tài ba là nhìn thấy, nhận ra và sau cùng là khai phóng tiềm năng cũng như thế mạnh của người khác - đồng thời tạo ra sự thu hút để gắn kết những người này với công ty, tránh trường hợp những tài năng và thế mạnh này được phát triển để rồi sau đó rơi vào tay công ty khác giữa môi trường làm việc biến đổi chóng mặt hiện nay.
Vậy các nhà lãnh đạo làm điều đó như thế nào? Hãy nghĩ mà xem. Mặc dù đa số các nhà lãnh đạo thăng tiến nhờ năng lực và kỹ năng làm việc, nhưng nhà lãnh đạo xuất chúng được nhớ đến vì tác động họ tạo ra cho cuộc sống của những người mà họ dẫn dắt. Khi bạn đề nghị ai đó chia sẻ về người lãnh đạo tuyệt vời nhất mà họ từng gặp (và chúng tôi đã làm điều đó - tại sáu lục địa trên toàn thế giới), họ ít khi nói rằng người lãnh đạo đó là người có năng lực giỏi nhất. Thay vào đó, họ sẽ chia sẻ về tính nhân văn, lòng can đảm, sự trăn trở và mối quan tâm sâu sắc của cá nhân nhà lãnh đạo đó - về việc người lãnh đạo đó đã giúp nhân viên trưởng thành, phát triển, hoàn thành công việc, tìm được ý nghĩa to lớn hơn trong công việc cũng như từ sự đóng góp của mình như thế nào. Họ sẽ nói với bạn rằng người lãnh đạo đó thật sự quan tâm đến họ.
Hơn 80% những người mà chúng tôi hỏi đã dùng ít nhất một trong hai mô tả sau để nói về “người lãnh đạo vĩ đại nhất” mà họ từng làm việc cùng:
• “Tôi tin người lãnh đạo của tôi sẽ giúp tôi khám phá, phát triển và sử dụng tài năng của mình để đạt được điều gì đó ý nghĩa.”
• “Tôi tin chúng tôi có chung tầm nhìn về những gì tôi cần đạt được, vì sao điều đó lại quan trọng và tôi sẽ đạt được điều đó bằng cách nào.”
• “Tôi tin người lãnh đạo của tôi sẽ tìm cách hỗ trợ tôi.”
Trong môi trường làm việc ngày nay, lòng tin đó không phải là thứ “có thì tốt”, mà là yếu tố tuyệt đối quan trọng trong việc thu hút, giữ nhân tài và đạt được hiệu quả công việc cao. Đúng vậy, ta phải trả giá khi dành thời gian xây dựng những mối quan hệ có thể truyền cảm hứng cho sự phát triển, sáng tạo, hiệu quả công việc cao, lòng trung thành với người lãnh đạo và với công ty, nhưng kết quả mà việc đó mang lại có thể vô cùng tuyệt vời.
Có thể bạn từng nghe nói rằng nhân viên không rời bỏ công ty, họ chỉ rời bỏ sếp của mình. Cũng có thể bạn từng nghe nói rằng Thế hệ Thiên niên kỷ (những người được sinh ra vào đầu những năm 1980 đến khoảng năm 2000) là thế hệ dịch chuyển nhiều nhất và rất hay nhảy việc. Trên thực tế, báo cáo từ tổ chức khảo sát Gallup cho thấy Thế hệ Thiên niên kỷ - những người hiện đang chiếm hơn phân nửa lực lượng lao động ở Mỹ - là thế hệ có khuynh hướng thay đổi công việc nhiều nhất, khi 60% trong số họ sẵn sàng đón nhận những cơ hội việc làm mới.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy người tài thuộc mọi thế hệ thường không rời bỏ những nhà quản lý biết quan tâm chân thành và xây dựng được môi trường làm việc toàn diện. Dù thuộc nhóm nhân khẩu học nào thì con người đều muốn có sự kết nối. Họ muốn có cảm giác thuộc về nơi này, cảm giác người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm thật sự quan tâm đến họ. Họ muốn cảm thấy được cấp trên giúp đỡ và hỗ trợ để đạt được những mục tiêu quan trọng và tạo ra những đóng góp ý nghĩa. Những nhà quản lý và lãnh đạo truyền được cảm hứng để xây dựng những mối liên kết như vậy thường tạo nên sự khác biệt giữa một tổ chức thành công và một tổ chức thất bại.
Quyển sách này nói về 3 Cuộc trò chuyện khai mở có khả năng giúp bạn - trong vai trò người lãnh đạo một đội ngũ, một dự án hoặc một tổ chức - tạo dựng cảm giác “được quan tâm” và “được thuộc về” nói trên. Những cuộc đối thoại này sẽ giúp bạn thu hút và giữ được những người tài giỏi và sáng giá nhất, cũng như khai phóng tiềm năng của họ để áp dụng vào những mục tiêu quan trọng nhất. Đây cũng là những cuộc trò chuyện có thể giúp bạn tạo ra sự kết nối và lòng tin được đề cập trong ba mô tả nói trên.
Chúng tôi nhận thấy thế giới ngày nay có rất nhiều cơ hội để phát triển kỹ năng lãnh đạo - cả chính thống lẫn phi chính thống. Trong môi trường làm việc linh hoạt và theo hướng làm việc nhóm, hôm nay bạn có thể lãnh đạo nhóm này và hôm sau trở thành nhân viên trong một dự án khác. Bạn cũng có cơ hội đào tạo và cố vấn người khác. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị bạn hãy xem tất cả những cơ hội này đều nằm trong phạm trù nghệ thuật lãnh đạo, và những cuộc trò chuyện này có thể được áp dụng hiệu quả trong mọi tình huống tương tác và mọi vai trò nêu trên.
Ban đầu, bạn có thể học cách tiến hành những cuộc trò chuyện này chỉ trong vài phút và tạo ra những kết quả tích cực tức thì. Tuy nhiên, qua thời gian, bạn sẽ có thể phát triển nguồn lực dồi dào về kiến thức, tính cách và kỹ năng để xây dựng môi trường nuôi dưỡng Cuộc trò chuyện khai mở trong đội nhóm hoặc tổ chức của mình, thứ có thể giúp khai phóng tiềm năng cũng như khai thông con đường đến với hiệu quả làm việc cao.
Mặc dù trọng tâm của quyển sách này là sử dụng những cuộc đối thoại để đạt được hiệu quả cao trong công việc, nhưng qua những chia sẻ cá nhân của chúng tôi - và cả những suy nghĩ của riêng bạn trong lúc đọc quyển sách này - bạn sẽ thấy những cuộc đối thoại này cũng cực kỳ hữu dụng trong quá trình tương tác với người thân và với những mối quan hệ quan trọng khác mà sự lãnh đạo của chúng ta có tác động gián tiếp đối với họ.
Đây là lời hứa chúng tôi dành cho bạn:
Nếu tham gia cùng chúng tôi bằng cách đọc quyển sách này và bắt đầu sử dụng bộ Hướng dẫn trò chuyện để thực hiện những Cuộc trò chuyện khai mở với những người xung quanh, bạn sẽ:
• Phát triển tư duy và bộ kỹ năng lãnh đạo mới, những thứ có thể củng cố đáng kể mối quan hệ của bạn với những người mà bạn đang dẫn dắt.
• Xây dựng sự tự tin đối với khả năng nhận ra và khai phóng tiềm năng của người khác.
• Ngày càng nhận thức rõ rằng khi khai phóng tiềm năng của người khác, bạn cũng đang khai phóng tiềm năng của chính mình.
Kích hoạt tiềm năng là tác phẩm của bốn tác giả đã trực tiếp chứng kiến thành công của những nhà lãnh đạo trên khắp thế giới, những người đã khai phóng tiềm năng của nhiều cá nhân xung quanh mình. Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn những câu chuyện của những nhà lãnh đạo này. Nhưng phần lớn nội dung quyển sách bạn đang cầm trên tay được viết dựa trên kết quả của quá trình làm việc mà chúng tôi đã cùng thực hiện với hàng ngàn khách hàng của công ty FranklinCovey trong suốt ba mươi năm qua.