Trong số tất cả mọi thứ, bến Cảng Vụ lại làm cậu dễ chịu. Trên thực tế, tổ hợp trải dài, xơ xác ở phố 42 và đại lộ số Tám là một trạm xe buýt khổng lồ, bất chấp cái tên của nó gợi ý rằng các con tàu đại dương từ những vùng biển xa xôi đang xếp hàng để được cập cảng.
Nơi này chỉ là một điểm tập trung lộn xộn của những khách tỉnh lẻ vội vã, các khách lữ hành tới hay đi khỏi những sân bay trong khu vực và của khách du lịch. Ở đây bạn cũng sẽ tìm được những thanh niên giàu hi vọng và năng lượng từ khắp nơi trên thế giới, mang theo túi tập gym, những chiếc ba lô đóng chặt quần bò, áo len, thú nhồi bông, bao cao su, bản nhạc, sổ phác thảo, các chương trình hoà nhạc chúc-may-mắn và kha khá những giấc mơ mãnh liệt lẫn mơ hồ.
Nơi đây cũng có cả gái điếm, bọn bán ma tuý, bọn lừa đảo, tụi tuyển quân đạo đức giả - dù không hẳn là loại thông minh lắm. Nhưng bạn đâu cần là một nhà chiến thuật tài ba gì khi đám con mồi mà bạn nhắm tới là một tập hợp những đứa trẻ ngây thơ và háo hức từ Wheaton, Illinois hay Grand Rapids. Ngày này, ở Cảng Vụ ít thấy lũ hèn nhát này xuất hiện hơn xưa, nhưng nguyên nhân chẳng phải vì có một đợt lương tâm thức tỉnh nào bùng lên trong giới trẻ cả đâu; chủ nghĩa khủng bố đã khiến số lượng cảnh sát trên phố 42 tăng cao đấy.
Vimal Lahori biết rõ chuyện này – hay đoán được nhiều phần - bởi Cảng Vụ là ngôi nhà thứ hai của cậu.
Chỗ này chỉ cách chỗ làm của cậu ở cửa hàng ông Patel trên phố 47 một quãng đi bộ ngắn nên cậu thường lượn ra đây kiếm chút đồ ăn nhanh cho bữa trưa. Để được ngắm mọi người, biểu cảm của họ, cử chỉ và tình cảm của họ - để tìm cảm hứng mang về nhà, tới chỗ làm, cố xây dựng lại hình ảnh ấy thành một vật thể ba chiều.
Cậu ngồi trên chiếc ghế dài ở phòng chờ và vòng tay ôm cái bụng đau nhói. Cậu siết mạnh. Cơn đau giảm đôi chút nhưng rồi trở lại ngay. Thực ra là nó lan rộng, như thể cậu đã làm vỡ một túi mỏng đựng axít và sự khó chịu đang toả ra tới cả những nơi nó chưa tới được. Chỗ đau nhất là ở mạn sườn phải, ngang tầm khuỷu tay, nơi cậu cảm nhận một vết sưng phồng dưới da. Khi tên sát nhân nâng khẩu súng lên, theo bản năng Vimal đã quay người. Hoặc viên đạn hoặc một phần của nó hay một mẩu đá đã xuyên qua lớp quần áo của cậu và trúng đích. Cậu từng nghe nói nếu bạn tới một phòng cấp cứu và kể với họ mình bị bắn hoặc họ tự luận ra, các nhân viên y tế sẽ gọi cảnh sát.
Và tất nhiên việc đó không được rồi.
Thò tay vào trong áo khoác và sờ xuống dưới chiếc áo thun Keep Weird, cậu sờ nắn bằng bàn tay trái – cánh tay có thể chạm tới chỗ đau. Cậu rút ngón tay ra và trông thấy máu. Rất nhiều máu.
Vimal nhắm mắt lại trong chốc lát. Cậu hoàn toàn lạc lối và tê liệt. Ông Patel đã chết – hình ảnh hai bàn chân của ông hướng lên trần nhà mờ tối của cửa hàng không chịu biến mất. Cả cặp đôi kia cũng vậy. William Sloane và vị hôn thê của anh ta, Anna. Và gã đàn ông đeo mặt nạ, bước ra ngưỡng cửa, ánh mắt nheo lại ngạc nhiên khi trông thấy cậu. Hắn giơ khẩu súng lên và hai tiếng động vang lên gần như đồng thời: tiếng nổ và tiếng va đập khi viên đạn bắn trúng vào chiếc túi trong tay cậu.
Cậu loạng choạng lùi lại rồi lao bắn ra cầu thang qua cửa thoát cháy – chuông báo động đã hỏng từ nhiều năm nay – và lộn tùng phèo trên bậc thang. Cậu lo chết khiếp là gã kia sẽ đuổi theo nhưng không. Chắc hắn nghĩ Vimal đã chạy ra cầu thang bộ ở phía trước toà nhà. Hoặc có thể hắn cho là viên đạn sẽ mau chóng giết cậu.
Giờ thì Vimal Lahori đang ở đây.
Tìm kiếm sự an ủi, theo hết nghĩa có thể.
Chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp, gù lưng trên ghế băng, Vimal nhìn khắp quanh mình. Ngay cả bây giờ, không phải là ngày làm việc mà khu này vẫn đông đúc. Bến xe Cảng Vụ rất gần quận Nhà Hát. Đám đông đi xem các buổi biểu diễn ngày thứ Bảy đã vãn. Những vở kịch hoặc đã bắt đầu hoặc sắp khai màn. Nhưng ở đây vẫn còn cả triệu thứ để xem và làm trong các ngày cuối tuần, thậm chí có là một buổi chiều tháng Ba lạnh giá đi chăng nữa: Disneyland ở Quảng trường Thời đại, các bộ phim, bữa sáng muộn, mua sắm. Và nơi yêu thích của cậu: khu vực các phòng trưng bày Metropolitan và MoMA ở đầu phía nam phố 14.
Hàng trăm dòng chảy trôi qua cậu.
Nếu ở tình huống khác, hẳn cậu sẽ hấp thu lấy nguồn năng lượng này. Nếu ở tình huống khác, cậu sẽ đang nhìn chằm chằm vào bảng điện tử hiển thị thời gian xuất phát và tự hỏi về những địa điểm mà các chuyến xe buýt kia có thể đưa cậu tới (Vimal chưa bao giờ ra khỏi khu trung tâm). Giờ thì, tất nhiên cậu đang tìm kiếm gã đàn ông có thể đang lần theo mình.
Cầu thang thoát hiểm ngoài cửa tiệm của ông Patel đã đưa cậu tới một cửa nhận hàng đằng sau toà nhà. Cậu chạy sang phố 46 và rẽ về phía tây. Và cứ thế chạy thục mạng. Những con số nói lên thực tế và một chàng trai Nam Á gầy nhẳng đang lao ra khỏi quận Kim Cương trông có vẻ như là một người đang chạy việc vặt – theo cái cách mà những thanh niên da màu hay Mỹ Latinh không làm. Chẳng ai chú ý gì đến cậu. Cậu thường xuyên liếc ra sau nhưng không thấy tên sát nhân nào đang truy đuổi.
Cậu chỉ dừng lại một thoáng. Khi rẽ vào Đại lộ số Sáu cậu tìm và cuối cùng cũng thấy một quầy điện thoại. Chúng đang dần bị thay thế bởi hệ thống wifi LinkNYC, dù nó cực kì dễ bị lần theo - thậm chí các quầy này còn quay mặt cả người dùng – nhưng rốt cuộc cậu cũng tìm được một bốt điện thoại kiểu cũ, gọi 911 và báo án. Thông tin có ích chừng nào thì Vimal không thể nói được: Cậu gọi chủ yếu là để họ gửi cảnh sát và một xe cứu thương đến phòng khi ai đó còn sống. Cả ba người trong cửa hàng trông như đều đã chết nhưng có lẽ là chưa. Còn về mô tả tên cướp, tất cả những gì cậu nói được là hắn có khổ người trung bình, đeo găng tay và mang mặt nạ trượt tuyết, cả hai đều màu đen. Dường như hắn là người da trắng. Vimal không biết khẩu súng loại nào. Có lẽ ai đó được xem nhiều chương trình tivi và phim ảnh hơn cậu sẽ biết nó thuộc loại gì. Với cậu nó chỉ là một khẩu súng.
Rồi cậu cúp máy, chạy sang một toà nhà khác và lao vào đám đông trên Quảng trường Thời đại, liên tục nhìn lại sau.
Giờ thì cậu đang ở thánh địa của mình, bến Cảng Vụ luôn tấp nập.
Cậu cố nghĩ một điều gì khác có thể hữu ích cho cảnh sát. Nhưng Vimal chắc chắn rằng đây chỉ là một vụ cướp ngẫu nhiên. Họ chưa bao giờ nhận được lời đe doạ nào, cũng chưa từng bị cướp lần nào cả. Ông Patel nổi danh khắp thế giới là nhà chế tác kim cương bậc thầy. Chắc chắn trong cửa hàng của ông có vài viên đá tuyệt vời, nhưng công chúng không biết điều đó. Hoạt động bán lẻ của ông rất nhỏ bé, chủ yếu các khách hàng được giới thiệu tới chỗ ông từ những nhà bán lẻ khác khi họ muốn một món gì đó thật sự xa xỉ.
Trong ngành này, không ai lại đi ăn cướp của đồng nghiệp cả, chưa nói đến giết người cùng nghề. Đơn giản là điều đó không xảy ra trong giới kim cương.
Cơn đau lại quặn lên.
Thêm một lần chạm da nữa. Lại thêm máu tươi.
Có ai để ý đến tình trạng của cậu chưa? Cậu lướt qua đám đông, để ý thấy một phụ nữ ngồi ở ghế gần đó đang ăn bánh quẩy, độ chục người đang kéo va li đằng sau như những chú chó tự mãn, một đám vô gia cư cả nam lẫn nữ, vài người mang sự tự tin của Chúa còn những người khác chỉ đơn giản là hoang mang.
Cậu lôi điện thoại ra khỏi túi quần, nhăn nhó vì đau. Cậu gửi một tin nhắn và hài lòng khi đọc tin trả lời.
Cậu gửi đi một biểu tượng ngốc nghếch rồi cảm thấy mình như một thằng ngố vì vẫn còn làm vậy trong tình huống này.
Rồi cậu nhìn chằm chằm vào màn hình và cân nhắc. Và trì hoãn. Việc chưa nhận được tin nhắn nào của bố chứng tỏ gia đình cậu còn chưa nghe tin tức gì. Kể cả khi câu chuyện được lên sóng thì tên cậu có lẽ cũng không bị nhắc đến. Rõ ràng cậu không nằm trong số các nạn nhân ở cửa hàng và vì ông Patel trả cậu bằng tiền mặt, cũng chẳng giữ đồ cá nhân trong cửa hàng, khó có khả năng cảnh sát biết về cậu lắm.
Tuy nhiên, ngay khi câu chuyện về cái chết của ông Patel lên sóng, có thể điện thoại của Vimal sẽ đổ chuông không ngừng.
Cậu tiếp tục nhìn vào màn hình xước xác. Chỉ cần gửi tin đi, thế là xong.
Làm đi.
Nó không giống với việc gọi một cuộc gọi. Chỉ là một lời nhắn thôi. Không ai có thể tương tác bằng lời với cậu, cứng rắn với cậu hay tỏ ra cậu là đứa trẻ mười tuổi. Chỉ là một tin nhắn chết tiệt thôi mà.
Cậu gõ lời nhắn.
“Bố sắp sửa được nghe một chuyện kinh khủng. Ông Patel đã chết. Một vụ cướp. Con ổn. Nhưng sẽ lánh đi một thời gian. Con sẽ ở chỗ một người bạn. Con sẽ liên lạc cho bố sớm.”
Ngón tay cậu lơ lửng bên trên mũi tên của nút Gửi. Cậu viết thêm:
“Yêu bố.”
Cậu vươn tay đến nút Tắt Nguồn nhưng trước khi kịp bấm nó, tin trả lời đã hiện trên màn hình.
“Ý MÀY LÀ GÌ???? MÀY ĐANG NÓI ĐẾN BẠN NÀO??? VỀ NHÀ NGAY LẬP TỨC!!!”
Trong lúc điện thoại của cậu chuyển sang chế độ tắt, tim Vimal đập nhanh gần bằng lúc trông thấy khẩu súng chĩa vào mình. Một tin trả lời gần như ngay lập tức, cậu nhớ lại, bất chấp thực tế cha cậu đã phải viết hoa từng chữ cái một.
Cậu cũng để ý thấy trong số tất cả những lời nhận xét có thể có, cha cậu chẳng nói lời nào về cái chết của ông Patel hay về vụ cướp, mà đòi được biết danh tính người bạn của Vimal. Tất nhiên là chẳng có bạn bè nào ở đây. Cậu không quen ai đủ thân để ở nhờ, trong trường hợp này thì càng không. Dòng nhắn ấy đơn giản chỉ là để cha cậu – hay đúng hơn là mẹ và em cậu - đỡ lo mà thôi.
Tâm trí cậu lại hiện ra hình ảnh bàn chân của ông Patel. Cậu nhắm chặt hai mí mắt vào nhau như thể cách ấy sẽ làm hình ảnh kia biến đi, nhưng nó chỉ càng sống động hơn. Kinh hoàng hơn.
Cậu bật khóc lặng lẽ, quay lưng lại đám đông. Cuối cùng cậu cũng kìm được nước mắt, thấm khô mặt và hít một hơi thật sâu.
Khi ấy một ý nghĩ chợt đến; cậu nhớ lại một điều khác về tên sát nhân. Gã đàn ông ấy có một chiếc cặp táp, loại cũ, kiểu mà gần đây ta không còn bắt gặp nhiều nữa. Hắn đã mang nó trong lúc đi vào phòng chờ của cửa hàng, khi trông thấy Vimal. Cậu hồi tưởng lại, có lẽ chiếc cặp chính là lí do cậu vẫn còn sống. Tên cướp đang cầm nó bằng tay phải. Hắn đã phải thả nó xuống để lôi khẩu súng ra khỏi túi quần, cho Vimal một giây – dù chỉ là một phản xạ - để xoay người và giơ hai tay lên. Khi gã đàn ông nổ súng, viên đạn bắn trúng mấy viên đá chứ không phải ngực cậu.
Một người đàn ông mang chiếc cặp táp như thế có thể dễ bị nhận diện. Vimal sẽ gọi 911 lần nữa và cho họ biết. Cảnh sát ở khắp khu Midtown có thể lùng tìm hắn.
Cậu đứng dậy và đi về phía quầy điện thoại trả tiền. Cậu biết rằng ngay khi mình gọi điện, ai đó trong sở NYPD sẽ báo động cho các cảnh sát ở đây - cậu đang trông thấy khoảng năm sáu người – và báo cáo rằng có người biết về vụ cướp đang ở Cảng Vụ. Cậu sẽ phải bỏ đi ngay lập tức sau khi cúp máy.
Chính vào lúc ấy cậu cảm nhận, hơn là trông thấy, ai đó đang tiến lại.
Cậu quay người và chú ý thấy một người đàn ông khoảng ba mươi lăm tuổi, mặc áo mưa màu đen đang đi về phía mình. Hắn vừa băng qua đám đông đi bộ trên các lối đi của Cảng Vụ vừa nhìn trái nhìn phải. Cùng chiều cao và dáng người với tên sát nhân. Mặt mũi nghiêm trọng.
Tên sát nhân đã mặc áo khoác, đúng không nhỉ? Người đàn ông không mang cặp táp.
Nhưng một tên trộm thông minh sẽ rũ bỏ những quần áo hắn đã mặc ở hiện trường phạm tội.
Ôi chết tiệt! Nhỡ có tới hai tên thì sao? Đây là… bọn họ gọi là gì nhỉ? Trợ thủ.
Dù thế nào, rõ ràng gã này đang đi về phía cậu. Hắn cầm một cái gì đó nhỏ nhắn và đen xì trong tay. Nó không phải là súng; hắn sẽ không dám bắn ở đây. Nó có thể là con dao mà hắn đã dùng để cắt cổ cặp đôi kia cùng ông Patel.
Vimal tìm cảnh sát. Người gần nhất vẫn còn cách cậu khoảng sáu mươi mét còn gã kia thì đang ở giữa họ và Vimal.
Hơn nữa, cảnh sát là điều cuối cùng cậu mong gặp. Chạy đi! Bỏ chạy!
Cậu quay người và chạy nhanh tới hành lang gần nhất, xếp dọc theo nó là các tủ gửi đồ. Cơn đau nhói trong lồng ngực và bên mạn sườn cậu lại cuộn lên nhưng cậu lờ tịt và tiếp tục chạy.
Trước mặt là một ngã ba hình chữ T. Phải hay trái? Bên phải có vẻ sáng hơn. Cậu lượn quanh khúc cua.
Sai rồi. Nó là ngõ cụt, chỉ dài thêm ba mét rồi kết thúc ở một cánh cửa có dán chữ: Có điện. Chỉ dành cho đội bảo dưỡng. Cấm vào.
Thử xem!
Cửa khoá. Cậu trông thấy bóng của người đàn ông khi hắn tới gần.
Mình sắp chết, cậu nghĩ.
Trong tâm trí cậu, hình ảnh hiện lên không phải khuôn mặt của mẹ, hay của em trai, cũng không phải viên kim cương sáu cara mà cậu vừa hoàn thành tuần trước và được ông Patel tuyên bố là “tạm chấp nhận được” - lời khen có cánh của ông ta.
Không, trong những khoảnh khắc cuối cùng của mình trên Trái Đất, Vimal nghĩ tới một mẩu đá granit đang nằm trong căn buồng của mình: một hình kim tự tháp bốn mặt. Màu xanh lục đậm, với những dải đen và một chút xíu ánh vàng. Cậu mường tượng ra từng xăng ti mét vuông của nó.
Người đàn ông dừng ở ngã tư và nheo mắt nhìn cậu.
Vimal nghĩ: Không. Cậu hít một hơi thật sâu và bước về phía trước, đứng thẳng lên hết mức có thể. Cậu sẽ không hèn nhát. Cậu sẽ chiến đấu.
Vimal không phải người to con nhưng có niềm đam mê với đá và đá quý; cậu phải nâng rồi cắt rồi đập vỡ và mài phẳng nó. Các dụng cụ của cậu đều rất nặng. Đôi khi cậu phải nhấc cả tảng đá lớn trên tay, thứ đang sẵn sàng kể cho cậu nghe về tâm hồn của nó để cậu có thể giải phóng cho nó.
Những cơ bắp ấy nay đã chắc nịch và cậu rút từ trong túi áo ra một loại vũ khí của riêng mình: một viên đá to, chú chim Tháng Giêng, đã nằm sẵn trong túi khi gã này – hoặc đồng bọn của gã - bắn cậu. Cậu giấu nó ra sau lưng.
Vimal cười mỉm với vẻ trào phúng chua chát, nghĩ về trò chơi mà cậu vẫn chơi cùng em trai Sunny hồi cả hai còn nhỏ: đấm-lá-kéo.
Kéo cắt lá. Lá bọc đấm.
Còn đấm thì làm gãy kéo. Cậu nắm chặt viên đá.
Ồ phải, cậu sẽ chiến đấu… ném mạnh vào gã, né con dao khéo nhất có thể và bỏ chạy.
Khỏi hắn. Và khỏi cảnh sát.
Gã đàn ông tiến lại gần. Rồi hắn ta mỉm cười. “Này, anh bạn trẻ. Tôi đã vẫy tay chào cậu đấy.”
Vimal đứng yên, không nói gì, chỉ nắm bóp viên đá. Nụ cười của hắn chỉ là một trò bịp để cậu mất cảnh giác.
“Cậu bỏ quên cái này trên ghế. Trong phòng chờ.”
Ông ta giơ ra chiếc điện thoại di động chứ không phải một con dao. Vimal nheo mắt và vỗ tay vào túi. Đúng rồi, nó là của cậu. Cả hai cùng bước về phía nhau và người đàn ông đưa nó ra. “Cậu ổn chứ, chàng trai?” Ông ta cau mày.
“À. Tôi… chỉ là, có một ngày bận rộn. Tôi ngốc thật. Xin lỗi.” Cậu tuồn viên đá vào trong túi quần; dường như người đàn ông không chú ý gì.
“Ầy, chuyện thường ấy mà. Tôi còn bỏ quên cả một chiếc iPhone mới tinh ở sân chơi của bọn trẻ khi vợ tôi và tôi đưa chúng đi công viên cơ. Khi tôi nhận ra, mãi tận lúc đã về đến nhà, tôi gọi vào số đấy. Một đứa bé - chừng mười tuổi – nghe máy. Tôi nói đó là điện thoại của tôi còn nó thì chỉ hỏi nó có thể xin mật khẩu cho App Store hay không?”
Người đàn ông tốt bụng cười phá lên còn Vimal thì ép mình phải cười phụ hoạ.
“Cảm ơn.” Lời nói có chút run rẩy.
Người đàn ông gật đầu và đi về phía hàng người đang chờ xe buýt đi New Jersey.
Vimal quay lại quầy điện thoại. Cậu đứng cúi mặt, hít thở chậm, bình tĩnh. Cậu gọi 911 lần nữa. Khi cậu nói mình gọi để báo tin về vụ cướp trên phố 47, người phụ nữ cố giữ cậu trên đường dây nhưng cậu chỉ nói đơn giản, “Người đàn ông cầm súng và một cái cặp táp màu đen. Giống loại các doanh nhân hay mang.”
Cậu cúp máy và đi nhanh tới lối ra, ném một cái nhìn cuối cùng vào bảng xuất phát, ken đặc các điểm đến. Tất cả đều đang mời gọi.
Nhưng việc nào trước phải làm trước. Đầu cúi gằm, Vimal lao vào đám đông trên vỉa hè và rẽ về phía nam, đi bộ nhanh hết mức cơn đau cho phép.