“Đây sẽ là một chuyến phiêu lưu.”
“Phiêu lưu,” Adeela Badour đáp lại Vimal, rõ ràng cô thấy bực bội vì cách dùng từ của cậu. “Đây là gì? Cuộc chinh phục chắc? The Hobbit.”
Cả hai đang ở trong sân sau nhà cô. Gia đình Badour có một ngôi nhà xinh xắn, xây bằng gạch và viền bằng gỗ đỏ. Nó nằm ở Đông Elmhurst, Queens, cách nhà Vimal khoảng hai cây rưỡi. Khu vực này bao quanh sân bay LaGuardia và vào những ngày gió không thuận, cư dân ở đây sẽ phải chịu đựng tiếng gầm rú của những chiếc phi cơ lao trên đầu họ để hạ cánh xuống Đường băng số 4. Hôm nay, không khí tương đối bình lặng.
Nhà của gia đình Badour to hơn nhà Lahori; cha của Adeela có công việc tốt tại một công ty công nghệ cỡ lớn, mẹ cô – cũng giống như mẹ Vimal – là một y tá. Ngôi nhà có một mảnh vườn được chăm sóc tốt, cả nhà lẫn vườn đều là thứ hiếm thấy ở đây.
Mặc dù vậy, với Vimal, một trong những đặc điểm tốt hơn của nơi này lại là gara tách biệt, nằm sau nhà, mở ra một con ngõ nhỏ là lối đi chung của cả khu.
Tốt hơn là vì chính ở bên trong khối kiến trúc rỉ sét ấy, Vimal và Adeela đã trao nhau nụ hôn đầu – mạo hiểm thực hiện ở ghế sau trên chiếc Subaru của mẹ Adeela – tất nhiên là sau khi bố mẹ cô đã say giấc nồng – và cũng là nơi họ đã khám phá, đụng chạm, liếm láp, trở nên nóng bừng, nghịch ngợm với mấy chiếc khuy và cuối cùng là một vài cái khóa kéo.
Mặc dù vậy, ngay bây giờ, tâm trạng của họ rất khác. Mục duy nhất trong chương trình của cậu là bỏ trốn.
Cậu đã dẫn cô vào gara chỉ để khuất khỏi tầm nhìn, mặc dù cậu không lo lắm chuyện gã đàn ông đeo mặt nạ trượt tuyết tìm được đường đến đây – đó là điều không thể xảy ra. Nhưng cậu không muốn hàng xóm trông thấy cậu và gọi cho cha cậu.
Cô dựa người lên ô tô của mình, một chiếc Mazda cũ màu xanh đậm (trên đó cũng có nhiều kỷ niệm đáng yêu, mặc dù ghế sau bé đến mức nực cười). Không còn đủ chỗ cho chiếc xe thứ hai trong gara nữa. Hầu hết khoảng trống còn lại đã bị một cái ghế băng xộc xệch và các thùng hộp các tông mềm rũ chiếm dụng. Trên thùng vẫn còn các nhãn dán mờ tịt ghi nội dung bên trong: Bát đĩa của mẹ. Quần áo từ thiện. Sách vở/giấy.
Cậu nói, “Em biết đấy, anh không phải đang làm chuyện bớt nghiêm trọng hay gì. Ý anh là, với em, đó sẽ là một sự thay đổi.”
“California ư?” cô hỏi. “Sao lại là Canifornia?” “Em đã bao giờ đến đấy chưa?”
Adeela bắn cho cậu cái nhìn suy tư, hếch đầu lên. “Trên một vùng đất mà từ lâu lắm rồi, ở cách đây rất xa, đã có một nơi chốn kỳ diệu mãi tận miền Viễn tây, vượt ra ngoài tầm với của con người.”
Vimal thở dài. Giờ thì đến lượt cô châm biếm. “Anh chỉ…” “Disney, Legoland, San Francisco, Yosemite. Em đã trượt tuyết trong tháng Bảy ở Mamoth đấy.”
“Ý anh không định nói kiểu như em là… từ đó là gì nhỉ?”
“Trẻ ranh, tỉnh lẻ, ngây ngô?”
Cậu thở dài, nhưng chỉ rất nhẹ thôi. Rồi cậu hồi phục ngay. “Thế sao? Em có thích nó không?”
“Vim! Tất nhiên rồi. Nhưng việc ấy chẳng liên quan gì ở đây cả. Làm sao anh có thể cứ chọn bừa một nơi và đi… và trông đợi em…”
“Không phải trông đợi.” “… đi cùng anh được?”
“UCLA có một khóa nghệ thuật với môn điêu khắc. Và cả một trường y vĩ đại nữa. Anh kiểm tra rồi.” Rồi cậu nắm tay cô.
“Giờ không phải lúc nghĩ về chuyện đó.” Cặp mắt nâu của cô nheo lại. “Anh là nhân chứng của một vụ án mạng. Anh có hiểu không, rằng giờ không phải lúc bình thường? Anh đã nghĩ ra chưa? Anh lại còn nói đùa về chuyện phiêu lưu mạo hiểm. Đây là việc nghiêm trọng mà!”
“Anh không bảo chúng mình nhảy lên tàu ngay hôm nay. Anh sẽ đi và tìm một nơi nào đấy và…”
“Đi tàu đến California?” Cặp lông mày xinh đẹp của cô nhăn lại. “Ôi, vì anh không thể bay được do nằm trong danh sách theo dõi. Người ta không đi tàu xuyên qua đất nước Vim ơi. Như thế có nói lên điều gì với anh không?”
Cậu rơi vào im lặng. “Em có thể cân nhắc không?” “Vim, chỉ cần bảo ông ấy là anh không muốn cắt nữa.”
Cậu thả tay Adeela ra, bước lùi lại và đi đến một cửa sổ nhỏ trên tường gara, cáu bẩn và bị cỏ dại che mất một nửa. Cậu khẽ cười trước câu nói của cô. Nghe thì có vẻ bất hợp lý, nhưng đó là toàn bộ những điều cậu đang đấu tranh.
Cha cậu, người mà đến cảnh sát cũng không thể bảo vệ cậu khỏi được.
Cũng là người cậu phải cật lực né tránh không khác gì với tên sát nhân.
Vimal yêu Adeela Badour. Cậu đã phải lòng cô ngay từ lần đầu tiên để mắt đến cô. Đó là bên trong một quán cà phê ở làng Greenwich – một trong những cái quán kiểu cũ, từ rất rất rất lâu trước khi có Starbucks. Cô đang gò lưng bên trên một biểu đồ trái tim trong cuốn sách giải phẫu học và thì thầm học thuộc tên của những mạch máu, động mạch và cơ – hay cái gì đó mà sinh viên y khoa cần phải biết về cỗ máy bơm máu. Cái gì đó ở đây chắc là mọi điều về nó mất.
Cậu đã ngồi xuống và mở cuốn sách Michelangelo của mình ra.
Tất nhiên, câu chuyện mở màn là về giải phẫu học. Một bên nói về máu và thịt. Còn bên kia nói về cẩm thạch.
Họ bắt đầu hẹn hò không lâu sau đó và tiếp tục mối quan hệ thủy chung suốt từ lúc ấy. Kể từ những ngày đầu, chủ đề hôn nhân đã thường xuyên hiện lên trong suy nghĩ của cậu. Có lúc, cậu coi việc kết hôn với Adeela là một mục tiêu có thể đạt được bằng việc lên kế hoạch thực tế, giống như hầu hết các cặp đôi khác. Nhưng thường xuyên hơn là những ngày mà việc họ được nói “con đồng ý” lại xa vời như là dùng cánh tay để bay vậy.
Vấn đề nằm ở tình thế Romeo và Juliet.
Nhà Lahori là những người Kashmiri Hindu. Kashmir là một vùng đất xinh đẹp nằm ở phía bắc của Nam Á, nhưng lại là trung tâm xung đột từ nhiều đời nay. Cả Ấn Độ lẫn Pakistan lẫn Trung Quốc, dù hời hợt, đều tuyên bố chủ quyền với nó. Trong hơn một ngàn năm nay, quyền cai trị vùng đất này, hoặc một phần của nó, đã trao tay đổi chủ từ người Hindu qua người Hồi giáo và cả các lãnh chúa Sikh – tất nhiên còn có cả người Anh. Chính họ đã nghĩ ra một trong những cái tên đáng tò mò nhất cho một quốc gia: Princely State. Những năm gần đây, cộng đồng Hindu của Kashmir, chủ yếu là người Saraswat Brahmin, sống ở thung lũng Kashmir. Đại diện cho khoảng 20 phần trăm dân số ở vùng này, họ là tộc người thực hành tôn giáo hòa nhã, có đời sống tâm linh và thế tục trộn lẫn một cách thoải mái, và né tránh hết mức có thể các bất ổn trong khu vực.
Thực tế khó tránh khỏi, nền hòa bình và sự tách biệt không duy trì được mãi. Trong những năm 80, một tổ chức quân sự độc lập của người Kashmir nổi lên, chủ yếu bao gồm người Hồi giáo cực đoan. Nhiệm vụ của tổ chức này là thanh lọc sắc tộc, dẫn đến sự kiện Di dân tai tiếng năm 1990, trong đó hơn 150.000 người Kashmiri Hindu đã phải bỏ chạy. Những người không ra đi chịu cảnh chết chóc. Cuối cùng, chỉ còn vài ngàn người Hindu là còn lưu lại thung lũng này.
Vimal được sinh ra ở Mỹ và không có chút hiểu biết cá nhân nào với các sự kiện này – tất nhiên, những chủ đề này hiếm khi nào được đề cập trong các cuốn sách lịch sử thế giới ở trường học Hoa Kỳ. Nhưng cậu đã thành chuyên gia về cuộc vận động đòi độc lập, những vụ cưỡng hiếp và giết người, và cuộc Di dân bởi Papa thường xuyên thuyết giáo cho cậu và Sunny về chúng. Papa đã ở Mỹ khi Di dân xảy ra nhưng nhiều người thân của ông đã phải bỏ nhà bỏ cửa, vứt lại tất cả phía sau để tái định cư ở Ấn Độ - trong khu đô thị chen chúc, ô nhiễm ngoài rìa thủ đô Delhi. Vài ông chú bà cô lớn tuổi đã phải chết sớm bởi việc tái định cư này, Papa chắc chắn như vậy.
Papa cậu nuôi dưỡng một nỗi hiềm thù sâu sắc, không ngừng nghỉ với toàn bộ người Hồi giáo nói chung.
Với cả Adeela Badour chẳng hạn – nếu ông biết về cô.
Việc gia đình Badour đã sống ở đây qua nhiều thế hệ hơn cả gia đình Papa không thành vấn đề, cả chuyện tổ tiên họ không dính líu gì đến đám người cực đoan ở thung lũng cũng vậy, hay chuyện tín ngưỡng của họ ôn hòa và thế giới quan cũng trần tục. Cha của Vimal cũng không bận tâm đến chuyện chính người Hồi giáo ở Ấn Độ đang phải chịu sự đàn áp dưới bàn tay của người Hindu chiếm đa số.
Không, không thành vấn đề gì hết.
Điều nực cười ở chỗ: Rốt cuộc cha cậu cũng đã phải miễn cưỡng từ bỏ quyết tâm áp đặt hôn nhân cho hai người con trai; Vimal có thể kết hôn với bất kỳ cô gái Hindu nào mà cậu chọn (dù Papa thường nhắc nhở cậu rằng Akbar Vĩ đại, vị vua nổi tiếng nhất của Đế chế Mughal và các cận thần của ngài gần như đều ưa chuộng phụ nữ Kashmir làm vợ và người tình hơn – phải, cha cậu thực sự đã nói vậy – bởi vẻ đẹp của họ.)
Có thể, về lâu về dài, cùng với thật nhiều sự vận động của mẹ cậu, cha Vimal sẽ chấp nhận ai đó không phải người Hindu.
Nhưng người Hồi giáo ư? Không bao giờ.
Nhưng người đã chiếm trọn trái tim của Vimal lại chính là một cô gái đạo Hồi, người vừa nhấp nháp trà ở làng Greenwich vừa xem bức tranh vẽ trái tim ấy.
Lúc này, cậu quay sang cô, khi cô vẫn đang dựa người vào chiếc ô tô, hai tay khoanh lại.
Adeela lặp lại, “Nói với ông ấy đi. Anh phải nói.”
Anh đã thử, Vimal Lahori nghĩ. Và rốt cuộc biến thành tù nhân trong chính căn hầm nhà mình.
Cậu bảo Adeela, “Em không hiểu ông ấy đâu.”
“Em là người đạo Hồi, Vim. Em biết về các vị phụ huynh chứ.” Sự im lặng lấp đầy gara, rồi đột nhiên nó bị phá vỡ bởi tiếng mưa rơi, rất to, vì mái nhà không được cách âm. Vimal nhìn lên và trông thấy một tổ chim bị bỏ không.
Với ánh mắt hơi cam chịu, cô nói, “Cứ làm việc gì anh cho là mình phải làm. Em có ba năm ở New York. Sau đó, việc sống ở đâu sẽ linh hoạt hơn. Có thể là California. Có khi sẽ được. Nhưng em cần ba năm ở đây.”
Thông điệp của cô không phải một lời đe dọa, chắc chắn không phải. Adeela không bao giờ đe dọa. Cô chỉ đưa ra sự thật không thể chối cãi bằng một cách đơn giản và lãnh đạm: Rất nhiều điều có thể xảy ra trong ba năm.
“Anh sẽ ra đi, đúng không?” Cậu gật đầu.
Mắt cô nhắm lại. Và cô ôm cậu thật chặt. “Anh có tiền chưa?” “Một ít.”
“Em có…” “Không.”
“Anh có thể vay. Và em có người quen ở Glendale.” “Đấy là đâu?”
Cô cười. “Los Angeles. Phải tìm hiểu đi chứ. Chị ấy đã dạy ở NYU56 được một năm. Chị ấy và chồng chị, họ là những người tốt. Chờ tí. Taalia đang ở nhà.”
56 NYU là viết tắt của New York University – trường Đại học New York
Cha mẹ Adeela không biết cô đang hẹn hò cùng Vimal nhưng cô rất thân với em gái, và hai cô đã cùng Vimal xem vài bộ phim, có vài bữa ăn nhanh đơn giản. Còn tốt hơn là không có nhân chứng nào.
Vimal để ý thấy trên ghế băng có điện thoại, chìa khóa xe và túi xách của cô. Cậu nảy ra một ý tưởng. Cậu sẽ mượn xe cô và lái tới một thị trấn ngoại ô có ga tàu, Westchester hoặc đâu đó. Cậu sẽ bỏ lại nó ở đây. Cô có thể đi tàu tới lấy nó về. Và cậu có thể mua một vé tới ga tàu khác, Amtrak, và hướng tới Albany, rồi tìm một chuyến tàu về miền Tây.
Cậu thả chùm chìa khóa vào túi. Cô sẽ hiểu.
Rồi cậu đứng yên. Có tiếng một chiếc ô tô lăn bánh vào phố nhánh và tiếng phanh nghiến khi cỗ xe dừng lại. Động cơ im lặng. Cậu nhìn ra ngoài và không thấy xe đâu.
Không có gì đâu, cậu chắc vậy. Một người hàng xóm. Cậu lại nghĩ xác suất để tên sát nhân tìm được nhà Adeela gần như bằng không.
Cậu dựa người vào cái ghế băng và chờ nàng Juliet của mình quay lại.