“Sao, kuritsa, tôi gọi ông là gì đây? Tên gì? Chắc chắn không phải ông Andrew Krueger chứ?”
“Dùng tên thật của tôi ư? Nào, anh nghĩ sao, Vladimir? Không, tôi là Edward Ackroyd.”
“Phải, phải, tôi thích thế. Thằng khốn xuất sắc. Có phải người thật không?”
Krueger không giải thích rằng danh tính mà lão đã ăn cắp, Edward Ackroyd, đích thực là một nhân viên của Milbank Assurance - công ty nhận bảo hiểm cho hàng trăm viên kim cương, những mỏ kim loại quý và các nhà bán buôn. Như lão đã kể với Rhyme, Ackroyd là cựu thanh tra của Scotland Yard và hiện đang làm thám tử điều tra khiếu nại cấp cao ở Milbank. Ngoài chuyện đó ra, Krueger không biết gì về Ackroyd thật; lão đã bịa ra tất cả mọi chuyện, như là về xu hướng tình dục của nhân vật: Lão đã sắm vai đồng tính tưởng tượng của mình - một lựa chọn nhân cách cố tình để len lỏi qua rào phòng ngự của Rhyme một cách tinh vi; anh chàng cố vấn có vẻ như kiểu người đề cao giá trị sự chịu đựng. (Krueger đã kể với cộng sự trong công ty mình, Terrance DeVoer, người đàn ông thẳng nhất mà bạn có thể gặp, rằng giờ đây Terry và Krueger đã là vợ chồng – gã Nam Phi chết cười vì chuyện này.)
Những câu đố ô chữ mật mã - một thú vui của Krueger – cũng là để lấy lòng nhà tội phạm học. Nhiều khách hàng của Krueger là người Anh nên lão có thể dễ dàng đóng giả thành một người Anh.
Trên ghế lái xe trong chiếc xe thuê, Krueger lùi lại một chút khỏi người Nga. Rostov có mùi thuốc lá cay, hành tây và quá nhiều nước hoa sau cạo râu rẻ tiền. “Còn anh? Anh cũng không phải Vladimir Rostov, tôi cho là vậy.”
“Không, không.” Người Nga cười lớn. “Quá nhiều tên tuổi chết tiệt trong tuần vừa rồi… Giờ tôi là Alexander Petrovich. Tôi đã là Josef Dobyns khi hạ cánh. Giờ là Petrovich. Tôi thích tên đó hơn. Dobyns nghe như Do Thái. Ông có thích Alexander không? Tôi thích. Đó là cái hộ chiếu duy nhất mà thằng khốn ở bãi biển Brighton có. Chém tôi cả đống tiền. Tôi thích bãi biển Brighton. Ông tới đó bao giờ chưa?”
Trong giới an ninh của ngành kim cương, Rostov được biết đến như một gã hoang dại, và cũng hơi điên điên. Vụ lảm nhảm này là điển hình.
“Anh biết đấy, Vla…” “Alexander.”
“…Tôi không đến đây để thăm quan.”
“Ha, không, chúng ta không phải khách du lịch, ông và tôi.” Krueger đã cảm thấy thoải mái hơn. Lão đã vượt qua cơn sốc của việc bị Rostov lén lút theo dõi, mặc dù lão đã biết chẳng sớm thì muộn hắn cũng xuất hiện. Lão cũng thấy dễ chịu hơn vì không phải dùng đến giọng Anh nữa. Việc đó mỗi lúc mỗi mệt mỏi. Thực ra, lão là người Nam Phi, và tông giọng tự nhiên của lão là của một người Châu Phi nói tiếng Anh. Lão đã phải hết sức cẩn thận mỗi lần nói chuyện với Lincoln Rhyme, Amelia Sachs và những người khác, vật lộn để giữ đúng giọng Anh trịch thượng.
Hết lớp mặt nạ này đến lớp mặt nạ khác… tuần vừa qua thật đáng nhớ.
Chính Andrew Krueger mới là thủ phạm thật sự chứ không phải Vladimir Rostov, kẻ mà cảnh sát đặt biệt danh Nghi phạm 47: lão là người đã giết chết Jatin Patel và Saul Weintraub, cũng là kẻ đã lươn lẹo len được vào cuộc điều tra của cảnh sát dưới danh nghĩa Edward Ackroyd.
Krueger đã chết điếng khi “Người hứa hẹn” xuất hiện, nhái lại vai diễn của Krueger, từ mặt nạ trượt tuyết, găng tay cho đến con dao rọc giấy. Không mất nhiều thời gian, lão đã nhận ra kẻ đó có thể là Rostov. Hắn, hoặc ông chủ của hắn ở Moscow chắc đã bẻ khoá máy tính, điện thoại của Krueger và thu lấy những thông tin thời gian thực từ tiến trình của người Nam Phi trong lúc lão liên lạc với công ty và ông chủ của chính mình về nhiệm vụ này. Rostov biết mọi thứ về các tội ác của Krueger trước cả khi cảnh sát biết.
Krueger đã đổi điện thoại và cài đặt các máy chủ mới, nhưng rốt cuộc lại gửi một tin nhắn trên chiếc điện thoại mà lão biết là đã bị bẻ khoá. “Rostov. Liên lạc với tôi.” Mặc dù lão chờ một cuộc gọi, chứ không phải là chính người thật thình lình xuất hiện trên ghế trước, trong xe mình. Người Nga đã biết lão đang ở đâu và theo dõi lão đến tận đây.
Krueger khởi động xe. “Hãy nói chuyện ở một nơi nào đó. Tránh tầm nhìn. Chúng ta có một vấn đề, Vlad ạ, và cần phải xử lý.” “Đúng, đúng. Chúng ta đến nhà hàng nào được không? Và nhớ nhé. Nyet59 “Vladimir”. Tôi là Alexander. Alexander Đại đế!”
59 Tiếng Nga, nghĩa là “không”
Nửa tiếng sau, hai người đàn ông đã có mặt ở một nhà hàng tại Harlem.
Andrew Krueger không rành rẽ New York lắm. Lão mới tới thành phố được một tuần, để tiến hành kế hoạch. Nhưng lão tin rằng Harlem phần lớn là người da đen và giai cấp lao động, nên sẽ ít có khả năng chạm mặt ai đó liên quan đến cuộc điều tra của cảnh sát ở một nơi như thế này. Krueger hơi ngạc nhiên khi thấy nhà hàng khiêm tốn này lại có đầy khách da trắng - phần đông là dân hipster – cũng nhiều như da màu.
Cũng khá dễ chịu.
Nhưng đó là thiên đường với Vladimir Rostov. Hắn yêu thịt nướng chuẩn Martha. Krueger chỉ uống Sprite. Lão đã giả vờ yêu thích loại rượu scotch đơn cất để chen sâu hơn vào thế giới của Rhyme và Amelia. Thực tế, lão ít khi uống rượu, đa số chỉ có rượu vang đỏ Pinotage, loại đặc sản quê hương lão.
Người Nga đã gọi đến ly whisky ngô thứ hai. Hắn lên cơn ho. “Thuốc lá chết tiệt.” Hắn giơ cốc của mình lên. “Cái này có ích. Tốt cho ông.”
Krueger biết Rostov đã làm việc trong các mỏ kim cương ở Siberia từ hồi còn trẻ. Không, cặp lá phổi tả tơi của hắn chẳng phải là do thuốc lá gây ra, không hoàn toàn.
Krueger và người Nga đã chạm mặt nhau, và đối đầu từ nhiều năm nay và Krueger biết quá rõ gã người Nga là một kẻ huênh hoang, một con sâu rượu (dù hắn ghét quốc tửu vodka của mình). Và còn là kẻ nghiện đồ ăn nữa. Hiện giờ hắn đang hào hứng tấn công những món ăn hắn đã gọi: sườn non nguyên tảng, dễ phải đến cả cân thịt, cùng với hàng đống món ăn truyền thống của người Mỹ-Phi.
Krueger thì gẩy gót món salad lão đã gọi. Lão đang trong cơn khủng hoảng và chẳng hề đói chút nào.
Lão để ý thấy mắt Rostov đã lần theo cặp mông của cô hầu bàn. Cô ta cao ráo, chắc nịch với nước da mang màu bánh mỳ nướng giòn hoàn hảo. Lão biết người Nga là một tay phàm phu tục tử trong mọi khía cạnh.
“Anh đã gọi tôi là gì đấy?” “Gọi ông?”
“Khi vào trong xe ấy?”
Rostov cười phá lên - rất to. “Tôi bảo là ‘kuritsa’. Chú kuritsa nhỏ của tôi. Nó là gà mái. Một con chim. Với tôi ai cũng là kuritsa hà! Thậm chí tôi cũng là kuritsa của ai đó. Tôi yêu ông, ông biết đấy Andrew. Ông là anh, là cha mẹ của tôi!”
Mắt đảo khắp nhà hàng, Krueger thở dài. “Như họ vẫn nói ở đây, hạ giọng xuống một nấc đi.”
“Ha! Vâng, vâng.” Rostov dùng hàm răng vàng khè xé thịt từ miếng sườn và nhai ngồm ngoàm. Một nụ cười đáng sợ nở trên mặt hắn. “Đầu tiên!” Hắn chạm cốc vào cốc Krueger. “Uống vì ông, bạn tôi. Vì ông. Ông là một thiên tài. Cái kế hoạch vĩ đại chết tiệt mà ông đã nghĩ ra ấy! Thiên tài.”
Môi Krueger mím lại. “Chỉ có điều nó không diễn ra như cách tôi hi vọng.”
Chúng ta có một vấn đề...
“Vậy là,” Rostov hỏi bằng giọng nhỏ hơn, “ông đang làm cho Nuevo Mundo - Mỏ Tân thế giới – Thành phố Guatemala.”
Hắn biết được điều này từ vụ bẻ khoá… Lũ người Nga chết tiệt. Krueger nói, “Đúng. Khách hàng mới. Trước đây chưa từng làm việc với họ. Anh biết họ à?”
“Tôi có nghe nói, có, có.”
“Và đương nhiên anh ở đây vì Dobprom nhỉ?”
Đó là một công ty độc quyền khai thác mỏ kim cương gần-như-của-nhà-nước của Nga đặt trụ sở tại Moscow. Dobychy: khai mỏ. Promyshlenmost: ngành công nghiệp. Nó là nhà khai thác và phân phối kim cương lớn nhất trên thế giới. Rostov là người giải quyết sự vụ cho họ thường xuyên.
“Thì tôi còn làm cho thằng chết tiệt nào được? Nhìn vào chỗ quần áo mắc dịch của tôi, cái bụng béo vì ăn lắm đồ ăn rẻ tiền này. Nói xem, kuritsa. Tân Thế giới trả trước cho ông không?”
“Tất nhiên. Một nửa.”
“Ặc. Với tôi, không bao giờ!” Hắn nháy mắt và xúc một miệng đầy thịt sườn bằng một ngụm whisky ngô.
Krueger thở dài.
“Kế hoạch vĩ đại chết tiệt.” – và tình huống làm hai gã đàn ông vô tình vấp phải nhau ở New York này – đã bắt đầu từ vài tuần trước, nhờ một sự kiện kỳ lạ.
Một nhà thầu – đúng ra là một tay súng đánh thuê – làm việc cho Mỏ Tân Thế giới đã liên lạc với Krueger và thông báo rằng một nghệ nhân kim cương nổi tiếng ở Manhattan là Jatin Patel đã sở hữu vài viên kimberlite, do Northeast Geo Industries đào được trong công trường địa nhiệt của họ ở Brooklyn. Phân tích cho thấy các viên đá rất giàu hàm lượng kim cương, với một viên thô chất lượng cao. Nào, chắc chắn việc tìm thấy kimberlite đã là một sự kiện quái lạ - serpentinite, một loại đá họ hàng, rất phổ biến ở New York, nhưng người anh em có mang kim cương của nó thì không.
Nhưng nếu mạch ngầm đủ lớn và chất lượng tốt như thông tin ban đầu, và người chủ đất biết được khám phá này, chắc ông ta sẽ nhượng quyền khai thác khoáng sản cho một công ty khai khoáng Mỹ. Sản phẩm của nó có thể làm giảm giá kim cương trên toàn thế giới. Tệ hơn nữa, một cái mỏ kim cương ở Mỹ sẽ có lợi thế tiếp thị to lớn hơn so với các mỏ nước ngoài. Tại sao người tiêu dùng lại phải mua bán những viên kim cương có khả năng thuộc về thế giới thứ ba, trong khi mỏ ở Mỹ thì chẳng có gì phải nghi ngại về mặt đạo đức? Điều này có thể trở thành thảm hoạ cho các mỏ ở nước ngoài; Hoa Kỳ chiếm đến hơn một nửa lượng mua lẻ kim cương trên thế giới, giá trị khoảng bốn mươi tỉ đô la mỗi năm.
Khi ấy nhà thầu đã gợi ý là Tân thế giới sẽ trả cho công ty của Andrew Krueger một triệu đô la để họ làm việc chuyên môn của mình: “điều chỉnh làm giảm sản lượng đầu ra”.
Nói cách khác là: phá hoại, đe doạ và đưa hối lộ, thi thoảng tệ hơn nữa, là đảm bảo rằng khám phá về các loại kim loại quý, uranium và những loại quặng hay đá quý khác sẽ không bao giờ trông thấy ánh sáng. Ngành kim cương vốn đã có một lịch sử lâu dài – và đẫm máu – trong việc kìm nén sản xuất và cạnh tranh.
Kế hoạch cụ thể mà nhà thầu kia nghĩ ra rất tuyệt: Krueger chỉ phải giết Patel, sau khi đã tra khảo được tên của tất cả những người biết về việc phát hiện kimberlite kia. Và giết luôn những cá nhân đó. Lão đã hối lộ được một công nhân của Northeast Geo giúp lão tiếp cận công trường, nơi lão có thể thu thập và tống khứ càng nhiều kimberlite càng tốt. Rồi lão sẽ thả các cục chất nổ xuống hố khoan và bịt chúng bằng vữa, và đặt bom trên những đường ống ga ở các toà nhà gần đó. Mỗi cục C4 được hẹn giờ để phát nổ chỉ ngay trước khi một đường ống ga nổ. Việc này sẽ nhái lại một vụ động đất và đám cháy kèm theo.
Thành phố sẽ đóng cửa công trường do lo ngại sẽ có thêm động đất. Điều đó sẽ đặt dấu chấm hết cho việc đào bới kimberlite.
Lão đã lắp đặt các thiết bị đâu vào đấy rồi quay sang loại bỏ tất cả những người biết về chỗ kimberlite ấy.
Dưới lưỡi dao của Krueger, Jatin Patel đã phải khai tên Saul Weintraub. Nhưng Patel đã thề là không còn ai khác biết về kimberlite. Mặc dù vậy sau khi lão già chết, lại có một chàng trai trẻ bước vào cửa hàng – Vimal Lahori, hoá ra vậy. Rõ ràng cậu ta là một nhân viên, vì cậu biết mã mở cửa. Krueger đã bắn cậu nhưng cậu trốn thoát. Và rõ ràng là cậu ta biết về kimberlite, bởi vì viên đạn đã bắn trúng một cái túi có chứa chúng.
Biết rằng cậu thanh niên kia sẽ gọi 911 bất kỳ lúc nào, Krueger đã cố nghĩ xem phải làm gì. Lão không có thời gian lục lọi toàn bộ giấy tờ của Patel để biết danh tính cậu ta - một cuộc kiểm tra nhanh không cho biết điều gì. Rồi sau khi nhìn vào những chiếc phong bì vuông trắng đựng kim cương mà lão đã vãi ra sàn, để khiến cảnh sát tin đây chỉ là một vụ cướp, lão nảy ra một ý.
Lão sẽ lừa chính lũ cảnh sát phải giúp lão tìm thằng bé và bất cứ ai có thể biết về việc phát hiện ra kimberlite.
Trong lúc hành nghề sát thủ đánh thuê cho ngành công nghiệp kim cương và các kim loại quý, Kruger thường dùng các danh tính ăn cắp được như một công cụ (y như Rostov đã làm). Giờ lão cũng sẽ làm tương tự.
Trong cửa hàng Patel, lão tìm được một phong bì kim cương rỗng và đã viết lên đó tên cũng như các đặc điểm của những viên kim cương trị giá bốn triệu đô-la, cùng với tên Grace-Cabot, một công ty khai mỏ thật sự ở Nam Phi. Tuy nhiên số điện thoại mà lão ghi xuống là đường dây bí mật của Terry DeVoer, cộng sự của lão ở Nam Phi.
Krueger bỏ chiếc phong bì tại một bàn làm việc và mang theo mình ổ cứng cùng đoạn băng an ninh tố giác sự thật, rồi bỏ chạy.
Sau đó lão gọi cho DeVoer ở Cape Town để bảo gã đổi đoạn ghi âm trả lời cuộc gọi tự động trên số điện thoại đó sang Grace-Cabot và sẵn sàng chờ một cuộc điện thoại từ cảnh sát, hỏi về những viên thô bị đánh cắp. Gã phải đóng vai Llewellyn Croft - một giám đốc thật của công ty kia. “Croft” sẽ tỏ ra bị sốc về tổn thất này rồi gửi cảnh sát tới chỗ một thám tử của công ty bảo hiểm, một người có kinh nghiệm trong việc truy tìm kim cương, một người có thể giúp đỡ họ.
Krueger đã tự sắm vai diễn đó: Edward Ackroyd, làm việc tại công ty bảo hiểm Milbank Assurance thật sự, cái tên này đã bị lão “mượn” trong quá khứ. Trạc tuổi Krueger, Ackroyd là người Anh và từng làm cho Scotland Yard. Và không có bức ảnh nào của ông ta trên website của Milbank cả. Krueger đã cho in danh thiếp Milbank với tên Ackroyd và công ty nhưng lại cho số của một trong những chiếc điện thoại ẩn danh.
Ngớ ngẩn, thực vậy. Kế hoạch có thể đổ bể bất kỳ lúc nào. Chỉ có một cơ hội mong manh là nó thành công. Krueger phải chấp nhận mạo hiểm.
Vận may của lão đã kéo dài… được khá lâu rồi. Cảnh sát tin danh tính giả của lão, các cục C4 phát nổ đúng kế hoạch, ngọn lửa đã nướng vài mạng người, thành phố đình chỉ giàn khoan, lão đã tìm ra và giết Saul Weintraub và đã có chút tiến triển trong việc tìm kiếm thợ học nghề của Patel.
Nhưng lúc ấy lão lại va phải một bức tường gạch: Lincoln Rhyme và Amelia Sachs, hai người đã kết nối hai phần của một kế hoạch mà tuyệt đối không nên bị kết nối: Kẻ đã giết Patel cũng từng hiện diện tại công trường địa nhiệt. Và tệ hơn nữa, đó cũng là kẻ đứng sau dàn dựng vụ động đất. Lão vẫn còn đau khổ khi nhớ lại Rhyme đã gọi mình vào phòng khác để mô tả chi tiết, nhờ có các đoạn băng CCTV, việc nghi phạm của họ thực sự định làm gì, dàn dựng các vụ động đất và cháy nổ.
Đó là kế hoạch của Nghi phạm 47. Lí do vì sao hắn ở đây: cài các quả bom trên đường ống ga và C4 để nhái lại vụ động đất…
Krueger đã phải dùng mọi nguồn lực ý chí để giữ bình tĩnh. Lão chắc chắn Rhyme sẽ quay sang mình và nói, “Tôi biết ông chính là thủ phạm! Bắt lấy lão ta, Amelia!”
Nhưng, không. Màn diễn Ackroyd vẫn vững. Và, tạ ơn Chúa, Rhyme và Amelia chưa nhảy được đến kết luận là lí do của màn kịch này chính là để phá hoại mạch kim cương dưới công trường địa nhiệt. Họ cũng xác định được kimberlite, nhưng may thay với họ, chúng không có gì quan trọng.
Tất nhiên, sau đó, vượt lên tất cả là gã người Nga bất ổn chọc gậy bánh xe. Vladimir Rostov đã thô bạo xen vào hành động.
“Được rồi. Vậy là anh đã quyết định sẽ trở thành người song trùng của tôi và…”
“Cái chó gì cơ?”
“Một người đóng thế, anh biết đấy. Anh bắt chước tôi. Anh nghe thấy tôi nói trên điện thoại, kể về những nhân chứng tôi phải truy tìm rồi anh quyết định giúp tôi.”
“Ừ, ừ. Tôi tìm thấy thằng khốn Iran này – Nashim – và hắn cho tôi tên bạn của Vimal, Kirtan. Và thằng nhóc lại bán đứng Vimal và bạn gái nó, Adeela. Tôi làm thám tử cũng giỏi quá chứ hả? Columbo!” Một cái nhún vai. “Tôi suýt soát tóm được. Nhưng không thành. Chết tiệt.”
Giờ Krueger hỏi thẳng, vì sao hắn lại làm vậy. Mục tiêu của Dobprom cũng giống Tân Thế giới: giữ bí mật mạch kim cương. Tại sao không để một mình Krueger xử lý vấn đề?
Rostov ngửa cổ uống cạn ly rượu ngô và chọc một cái tăm về phía Krueger. “Nghe này, ông bạn. Hi vọng ông không tự ái khi tôi nói: Nhưng đây là một vụ làm ăn to đùng. Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu ông thất bại? Cái mỏ kimberlite kia, ôi ngon. Tôi đã đọc báo cáo hàm lượng. Ông thấy lượng cara trên tấn chưa?” Hắn hất cằm về phía cửa sổ, đoán là về hướng công trường địa nhiệt ở Brooklyn. Hắn thì thầm nhiệt huyết, “Nó bằng trữ lượng với Botswana đấy.”
Mặc dù các con số khác nhau đáng kể, quy tắc trong ngành là trung bình một mỏ phải xử lý từ một trăm tới hai trăm tấn đá mới sản xuất ra được một cara kim cương chất lượng. Ở quốc gia Botswana thuộc Châu Phi, mật độ kim cương trong quặng cao hơn gấp mười lần. Mỏ tốt nhất thế giới.
Mạch ở New York cũng tương tự.
“Tôi cũng rất prosti, rất rất xin lỗi, kuritsa, nếu ông buồn. Nhưng chúng ta không thể mạo hiểm. Vậy nên, vui lên nào! Tôi ở đây để giúp ông. Ông là Batman còn tôi là Robin! Tán dương tôi đi xem nào!”