Cuộc đời cậu là thế.
Một ngày điển hình. Dậy lúc sáu giờ vào một ngày thứ Bảy, bạn có tin nổi không? Cậu giúp mẹ dọn sạch mọi cái giá trong nhà kho và bếp, để lau rửa và đặt lớp giấy lót mới. Rồi rửa xe – trong một ngày ẩm thấp, u ám nữa chứ! Cậu ôm bố mẹ chào tạm biệt, rồi bắt chuyến tàu từ nhà họ ở Queens đến mãi tận Brooklyn, để chạy việc vặt cho ông Patel.
Thêm một tuyến tàu khác nữa là tới Manhattan, công việc đánh bóng những viên đá đang chờ đợi cậu. Giờ cậu đã lên tàu, trong lúc nó ngúng nguẩy trên đường về phía bắc.
Thứ Bảy. Khi tất cả mọi người khác đang ăn bữa sáng muộn hoặc chơi thể thao hay xem phim… hoặc đi thăm viện bảo tàng.
Hay phòng tranh. Bất công làm sao!
Ôi, thôi quên chơi bời đi. Vimal Lahori sẽ ổn cả - thực tế, cậu thích như thế hơn - sống trong cái hầm ẩm thấp của ngôi nhà của gia đình ở Queens.
Nhưng đó không phải là một lựa chọn.
Cậu kéo chiếc áo khoác len màu xám đậm sát người hơn trong lúc khẽ đung đưa theo chuyển động của tàu điện ngầm. Chàng trai hai mươi hai tuổi gầy gò nhưng không cao. Cậu đạt được chiều cao 1 mét 67 như hiện nay từ hồi tiểu học và đã có độ hai năm lợi thế so với các bạn nam cùng lớp, cho đến khi chúng đều cao bằng hoặc vượt cả cậu. Tuy nhiên, nhờ xu hướng dân tộc ở trường trung học của cậu, nơi những cái tên thuộc về Mỹ Latinh hay Đông và Nam Châu Á vẫn nhiều hơn tên người da đen hoặc Ăng-lô, cái sự thấp bé của cậu không khác biệt mấy. Nói thế không có nghĩa là thỉnh thoảng cậu không gặp trận đòn nào - mặc dù động cơ của các vụ tra tấn ác liệt nhất thường là vì gia đình cậu di cư từ Kashmir, một khu vực bị các đối thủ chung đường biên giới là Ấn Độ và Pakistan tranh chấp. Vimal tin rằng cậu là thằng bé duy nhất từng bị đánh vì vấn đề tranh cãi đường biên (trớ trêu thay lại là do hai nhóm anh chị lứa trên mà đáng lẽ tôn giáo của chúng - một theo đạo Hồi còn bọn kia theo đạo Hindu - phải khiến chúng thành kẻ thù không đội trời chung mới phải).
Mặc dù vậy mấy vết thương không đáng kể và cuộc xung đột nhanh chóng bị lãng quên, chủ yếu là vì Vimal gần như chẳng phải người Kashmir (thậm chí cậu còn không chắc đường biên giới của quê hương ông bà tổ tiên cậu nằm ở đâu). Quan trọng hơn, cậu có thể di chuyển dọc đường biên sân bóng y như cách một chú ong mật nhảy từ bông hoa này sang hoa kia; dù là ngày nào thì khả năng kiểm soát bóng cũng ăn đứt vấn đề địa chính trị.
Tàu sắp tới trạm dừng trên phố 42. Các bánh xe nghiến ken két và bốc khói, mùi mằn mặn lẻn vào trong khoang tàu. Vimal giở cái túi giấy mang theo và ngó vào trong. Nó đựng sáu cục đá. Cậu lấy ra một cục, một viên đá to gần bằng nắm tay cậu. Nó có màu xám và xanh lục đậm, các khía có tinh thể. Một đầu được cắt phẳng còn đầu kia tròn. Mọi hòn đá trên Trái Đất, dù là to hay nhỏ, đều có thể được biến thành một thứ khác. Với chút ý tưởng và sự kiên nhẫn, một nghệ sĩ có thể hình dung được nó sẽ trở thành cái gì. Nhưng cái này rất rõ ràng: một con chim, Vimal trông thấy ngay lập tức, một con chim đang ép hai cánh vào thân mình và cúi đầu xuống thấp để tránh gió lạnh. Cậu có thể đục sơ sơ hình dạng nó trong một ngày.
Nhưng hôm nay không phải là ngày đó.
Hôm nay là ngày làm việc. Ông Patel rất tài năng. Một thiên tài, nhiều người đã nói vậy, và Vimal biết đó là sự thật. Và có lẽ do quá tài năng, ông Patel cũng là một ông chủ khó tính. Vimal cần làm xong vụ Abington. Bốn viên đá, mỗi viên khoảng ba cara. Cậu biết công việc này sẽ tiêu tốn đến tám giờ đồng hồ, và ông già – ông ta đã năm mươi lăm tuổi - sẽ dành một phần lớn trong khoảng thời gian ấy để quan sát nỗ lực của Vimal dưới một cái kính. Rồi lại bắt cậu điều chỉnh. Thêm nhiều điều chỉnh nữa.
Và thêm nhiều nhiều lần nữa.
Cánh cửa tàu điện ngầm mở ra và Vimal đặt Chú chim Cô độc, Tháng Giêng - trở lại trong túi giấy. Đây là cái tên mà cậu đặt cho bức tượng đá sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Cậu bước lên sân ga và trèo lên phố. Ít nhất hôm nay là thứ Bảy, lại có nhiều cửa hàng Chính thống giáo đóng cửa, nên quận Kim Cương sẽ yên bình hơn ngày thường, đặc biệt là trong tiết trời tháng Ba khó chịu này. Những khu phố ồn ào ở đó đôi khi làm cậu phát điên lên.
Theo bản năng, càng đến gần phố 47 Vimal càng trở nên cảnh giác – cũng như hàng trăm người khác làm việc ở nơi đây, một khu vực mà chính những người chủ cũng phải do dự khi quảng bá rộng rãi. Đúng là trên các cửa hàng và công ty có khá nhiều chữ “Trang sức”, “Kim cương” và “Đá quý”, nhưng các tổ chức cao cấp hơn và vài nhà chế tác kim cương quan trọng còn lại trong thành phố này thì thích tự gọi mình bằng những cái tên như “Elijah Findings”, “West Side Collateral” và “Specialties In Style” hơn.
Những viên kim cương và đá quý trị giá hàng trăm triệu đô-la vẫn được lưu chuyển ra vào các cửa hàng và tiệm chế tác này mỗi ngày trong năm. Và trên toàn thế giới, cả những tên trộm cướp chỉ hơi khá khẩm thôi cũng biết thừa thực tế này. Chúng đều biết rằng cách tốt nhất để vận chuyển những viên đá quý hay vàng, bạch kim và các món trang sức hoàn chỉnh không phải là bên trong những chiếc xe bọc thép (mỗi ngày có quá nhiều chuyến ra vào đến nỗi dùng trọn một chiếc xe tải thì không hiệu quả về mặt kinh tế). Mấy chiếc cặp táp bằng nhôm cùng xích sắt móc vào cổ tay cũng chẳng khá hơn (quá dễ bị phát hiện và như bất kì bác sĩ nào có thể nói cho bạn biết, để cắt cụt hai bàn tay người bằng cưa sắt chưa mất tới sáu mươi giây, nhanh hơn nữa nếu bạn dùng cưa điện).
Không, cách tốt nhất để vận chuyển những vật giá trị như thế là làm đúng như Vimal đang làm đây. Ăn mặc tồi tàn - quần bò, giày chạy bộ, một chiếc áo cộc Keep Weird and Carry On và áo khoác len, trong lúc tay cầm một cái túi giấy nhờn mỡ.
Vì vậy, như cha của Vimal - bản thân ông cũng từng là một thợ cắt – khăng khăng yêu cầu, chàng trai trẻ phải liên tục đảo mắt tìm kiếm bất kì kẻ nào liếc một cách có chủ đích vào cái túi trong tay cậu hoặc có thể đang tiến lại gần mà vẫn tỏ ra đang không nhìn.
Tuy nhiên, cậu cũng không mấy lo lắng; ngay cả trong những ngày buôn bán kém sôi động như hôm nay cũng vẫn có các vệ sĩ hiện diện, trông họ có vẻ không trang bị vũ khí gì nhưng lại dắt các khẩu tự động hoặc súng lục bên trong đai quần. Giờ cậu đang gật đầu với một người trong số họ, một cô gái đứng ngay phía trước cửa tiệm kim hoàn, một phụ nữ gốc Phi với mái tóc màu tím cắt ngắn xoăn tít khiến Vimal kinh ngạc; cậu không hiểu làm thế nào cô ta duy trì được nó. Vốn tới từ một dân tộc gần như có một-kiểu-tóc- phù-hợp-cho-tất-cả (đen, dày và lượn sóng hoặc thẳng), cậu bị ấn tượng mạnh với tóc tai cô nàng. Cậu tự hỏi làm thế nào mình có thể biến nó thành đá.
“Chào Es,” cậu gọi và gật đầu.
“Vimal. Thứ Bảy ư? Ông chủ không cho cậu nghỉ ngày nào sao? Tệ nhỉ.”
Cậu nhún vai và trưng ra nụ cười méo mó.
Cô liếc nhìn cái túi mà theo chỗ cô được biết có thể chứa tới sáu viên đá nhãn hiệu Harry Winston giá mười triệu đô.
Cậu những muốn nói câu, Chỉ là bơ lạc với thạch ấy mà. Có thể cô ấy sẽ cười. Nhưng ý tưởng pha trò trên phố 47 mới xa lạ làm sao. Ở quận Kim Cương chẳng có nhiều sự hài hước lắm. Điều gì đó ở giá trị của các viên kim cương – hay có lẽ đúng hơn là tính gây nghiện của nó - khiến việc này luôn quá mức nghiêm trọng.
Bây giờ cậu đã vào trong toà nhà của ông Patel. Cậu không bao giờ chờ Thang Máy Củ Chuối - một cách gọi nhái theo kiểu Harry Potter mà cậu đã kể với Adeela và làm cô cười – mà lao thẳng về phía thang bộ, bộ khung quắt queo của cậu không bị trọng lực ảnh hưởng, chân và phổi còn khoẻ mạnh sung sức nhờ môn bóng đá.
Đẩy cửa vào hành lang, cậu để ý thấy bốn trên tám cánh cửa vẫn còn tối. Như mọi khi cậu lại tự hỏi vì sao một người đã có cả núi tiền như ông Patel vẫn không đi tìm một văn phòng hào nhoáng ở nơi khác. Có lẽ là vấn đề tình cảm. Ông ta đã sở hữu cửa hàng này ba mươi năm rồi, khi chủ của toàn bộ tầng này còn là các nhà chế tác. Giờ ông là một trong vài người ít ỏi còn lại của toà nhà này. Vào những ngày như hôm nay thì lạnh còn từ tháng Sáu tới tháng Chín thì vừa nóng vừa bụi. Mùi thì phát kinh. Ông Patel không có phòng trưng bày và “nhà máy” thực ra chỉ là một cái xưởng, phòng nhỏ nhất trong ba phòng. Nếu xét đến sản lượng thấp nhưng chất lượng cao của ông ta, tất cả những gì ông cần chỉ là một chốn đủ rộng cho hai cái đĩa mài kim cương và hai chiếc máy cắt. Ông ta có thể chuyển tới bất kì chỗ nào.
Nhưng ông Patel chưa bao giờ chia sẻ lí do ở lại đây của mình với Vimal, vì ông ta chẳng bao giờ chia sẻ gì với cậu hết, trừ chuyện cầm cây cố định như thế nào, đặt đá lên để mài như thế nào và cần bao nhiêu bụi kim cương trộn với dầu ô liu để đánh bóng.
Nửa đường tới văn phòng, Vimal dừng bước. Mùi quái gì thế nhỉ? Sơn mới. Mấy bức tường trên tầng này chắc chắn là cần lớp áo mới rồi, từ nhiều năm nay rồi ấy, nhưng cậu không thấy có dấu hiệu nào cho thấy có bất kì công nhân nào đang sửa chữa chỗ này.
Trong tuần còn khó gọi đội thợ đến sửa cái gì. Ai đó thực sự tới đây vào đêm thứ Sáu hoặc thứ Bảy để sơn ư?
Cậu đi tiếp về phía cửa. Các văn phòng ở đây đều có cửa sổ con, mặc dù tất nhiên chúng có chấn song, và cậu có thể thấy bóng người bên trong cửa tiệm của ông Patel. Có lẽ họ là người mua, cặp đôi tới gặp ông để đặt hàng chiếc nhẫn đính hôn đặc biệt. William Sloane và Anne Markam – cậu nhớ tên bọn họ vì họ có vẻ tử tế, họ còn giới thiệu bản thân với Vimal – tay làm thuê – khi cậu rời cửa tiệm trong lần ghé thăm trước của họ. Tử tế, nhưng ngây thơ. Nếu họ đem chỗ tiền định tiêu tốn vào viên kim cương một cara rưỡi kia để đầu tư thì nó sẽ lớn lên đủ để trả tiền học đại học cho đứa con đầu lòng của họ. Thế nhưng họ lại bị chiêu trò quảng bá của ngành kim cương dụ khị, như cậu đã nghĩ.
Nếu Vimal và Adeela có bao giờ kết hôn - một chủ đề còn chưa được bàn tới, thậm chí còn xa mới được – nhưng nếu có thật, cậu sẽ mua cho cô một cái ghế bập bênh chuốt bằng tay để làm quà đính hôn. Cậu sẽ khắc cho cô một cái gì đó. Và nếu cô muốn có nhẫn, cậu sẽ làm cái gì đó từ lam thạch, với một cái đầu sói bên trên. Vì lí do gì đó mà sói lại là con vật yêu thích của cô ấy.
Cậu bấm mã trên khoá cửa.
Vimal bước vào trong và dừng giữa chừng, miệng há hốc.
Ba thứ lập tức thu hút sự chú ý của cậu. Đầu tiên là thi thể của một người đàn ông và một người đàn bà – William và Anna – trong tư thế vặn vẹo và đáng sợ, cứ như họ đã chết một cách đau đớn lắm vậy.
Thứ hai là bể máu đang lan rộng ra ngoài.
Thứ ba là hai bàn chân của ông Patel. Vimal không thể trông thấy phần còn lại của thi thể, chỉ có đôi giày đã mòn vẹt của ông chĩa lên trên. Bất động.
Từ trong xưởng ở bên trái phòng tiếp khách, một hình người hiện ra. Chiếc mặt nạ trượt tuyết che mất mặt hắn nhưng ngôn ngữ cơ thể bộc lộ ra là hắn đã bị giật mình.
Cả Vimal lẫn gã đàn ông đều đứng yên.
Rồi kẻ xâm nhập thả rơi chiếc cặp hắn đang cầm và rút khẩu súng từ trong túi ra nhắm bắn. Vimal lao đi theo bản năng, như thể cậu sẽ tránh được viên đạn, và giơ hai tay lên, như thể sẽ ngăn nổi nó.
Một chùm sáng bùng ra khỏi nòng súng và tiếng ồn làm Vimal điếc đặc. Cơn đau thấu tim gan xọc vào bụng và sườn cậu.
Cậu lảo đảo lùi vào hành lang mờ tối và bụi bặm, tâm trí chỉ độc một ý nghĩ điên cuồng: Thật là một chốn buồn thảm và tầm thường để chết.