Carmella Romero thường nói một cách trang trọng rằng bà là điệp viên.
Người phụ nữ năm mươi tám tuổi đã chia sẻ lời nhận xét đó với bốn đứa con và mười một đứa cháu của mình. Cơ sở của tuyên bố là bà làm việc cho chính phủ với tư cách là một đặc vụ.
Dù trong trường hợp của bà, ông chủ không phải là CIA hay Cơ quan Tối mật của James Bonds. Mà là ở Sở Trật tự giao thông của Thành phố New York.
Hai năm trước, người phụ nữ to béo, tóc xám, trọn đời sinh sống tại Brooklyn đã quyết định rằng bà cần tìm một việc làm, sau khi cô con gái út đã rời khỏi tổ ấm. Vốn là người hâm mộ của các chương trình truyền hình về cảnh sát, như Blue Bloods, bà nghĩ sự nghiệp trong một cơ quan hành pháp có vẻ hay ho (và Tom Selleck có thể là sếp của bà bất cứ ngày nào!).
Nhưng làm một cảnh sát mang súng không thể là tương lai của bà, với độ tuổi của bà (giới hạn tuổi của NYPD là ba mươi lăm), nhưng không có giới hạn nào cho các nhân viên của TEA74cả. Hơn nữa, bà lúc nào cũng tức điên khi ông Prill, một người hàng xóm, cứ đỗ xe bất kể chỗ quái nào ông ta thích - trước cột nước, trên vỉa hè, ở ngay vạch qua đường. Và ông ta còn thô lỗ khi bị nhắc nhở! Tưởng tượng mà xem. Thế là bà quyết định bà sẽ xin việc đó. Ông ta cùng những kẻ như ông ta sẽ không thoát được tội nữa. Carmella Romero cũng có khiếu hài hước, và bà trân trọng phẩm chất đó ở những người khác. Bà rất thích khi Sở Trật tự giao thông đặt các tấm biển: Đừng có nghĩ bạn có thể đỗ xe ở đây. Sao bà lại không muốn làm việc cho một cơ quan như vậy kia chứ?
74 TEA là viết tắt của ‘Traffic Enforcement Agency’ – Cơ quan Trật tự giao thông
Không, bà không ở trong thế giới thực thi pháp luật của Blue Bloods nhưng giờ bà đã có cơ hội làm một việc gì đó gần gũi hơn với công việc của các cảnh sát thực thụ. Bà và tất cả các TEA khác (không bao giờ là “brownies”, đừng bao giờ gọi như vậy), cũng như mọi viên chức thành phố trong phần này của Brooklyn, đã được gọi để sơ tán các toà nhà và vào các tầng hầm của Vinegar Hill để xem dưới đó có một thiết bị nhỏ màu trắng, trông như bộ điều nhiệt gắn vào một ống ga hay không.
Một IED!
Thiết bị nổ tuỳ biến. (Bà biết cụm từ này là nhờ, ta-da, một vụ mà con trai của Tom Selleck đã phá; nó không xuất hiện nhiều lắm trong các buổi huấn luyện của Trật tự giao thông).
Carmella Rosina Romero đã là người của Đội phá bom trong một ngày.
Dãy nhà mà bà phụ trách gồm các ngôi nhà có ba, bốn và năm tầng. Giống nhiều nhà khác ở Brooklyn, có khoảng cách dễ tiếp cận với Manhattan, chúng sẽ đầy người thuê. Và toà nhà lại còn cũ. Ồ, chắc cũng có những cải tạo gần đây để nâng cấp chúng – có thể, nếu chủ cho thuê là người thật thà – nhưng những ngôi nhà này vẫn chẳng khác gì hộp mồi lửa, nếu so với các kiến trúc mới.
Bà đang đi bộ đến ngôi đầu tiên trong “danh sách” của mình, ở góc dãy nhà, thì đông cứng.
Mặt đất bên dưới chân bà bỗng rung rinh.
Có phải nó không? Cơn động đất giả mà bà và các nhân viên khác của thành phố đã được cảnh báo?
Điện đàm của bà lên tiếng, “Thông báo. Tất cả các nhân sự phụ trách sơ tán. Vừa xác nhận một vụ phát nổ do IED ở gần Cadman Plaza. Sơ tán lúc này là cực kỳ cấp bách. Các bạn có khoảng mười phút cho đến vụ nổ thứ hai và hoả hoạn.”
Romero lao nhanh bằng cặp chân ngắn ngủn, hai bàn chân bè ra ngoài, tới toà nhà ở góc, dự định bấm vào nút gọi nội bộ và yêu cầu sơ tán.
Lỗi: Không có điện thoại nội bộ. Thậm chí chẳng có một cái chuông cửa nào. Rõ ràng là bạn phải cho ai đó biết trước rằng bạn sắp đến. Hoặc có thể sẽ phải hét lên thông báo.
Bà hét.
Không có tiếng trả lời.
Nghĩ đi, bà già. Nghĩ đi, đặc vụ! Quỷ gì chứ? Kéo một viên gạch rời trên phố, bà đập vào cửa kính và giật lùi lại tránh mảnh vỡ. Bà mở cửa từ bên trong và lao vào toà nhà, vừa đi vừa gọi, “Cảnh sát đây. Nổ ga khẩn cấp, sơ tán cả toà nhà!” Gõ vào từng cánh cửa và lặp lại lời cảnh báo.
Một cánh cửa ở đằng sau mở ra và một người đàn ông gốc Latinh mặc quần bò áo phông bước ra ngoài, ngáp dài. Hoá ra đó là người quản lý toà nhà. Bà kể cho anh ta nghe về mối nguy hiểm, với cặp mắt mở lớn, anh ta hứa sẽ thông báo cho người thuê.
Điện đàm của bà lại vang lên, “TEA Romero, xin nghe. K”
Với một trái tim nhảy nhót – bà chưa từng được tổng đài gọi tên trước đó – bà trả lời. “Romero đây. K”
“Bà ở phố Front à?” “Xác nhận. K.”
“Ngoài vụ sơ tán, phòng Các vụ cướp Trung tâm ở Brooklyn đã báo cáo một vụ đột nhập một tuần trước. Tám Không Bốn Front. Kẻ nào đó đội mũ cứng và mặc áo bảo hộ đã dùng kéo cắt khoá để vào qua cửa sổ tầng hầm. Không có gì bị mất. Đó là hồ sơ của kẻ tình nghi. Chúng tôi nghĩ có thể hắn đã đặt thiết bị ở đó.”
“Nó còn cách chỗ tôi ba cánh cửa nữa!” Rồi bà nhắc mình nhớ đến nghi thức và nói, “K.”
Bà nói thật là ngầu. Nhưng lại nghĩ, Dios mío! Chết tiệt! “Chúng tôi đang gọi đội phá bom rồi, Romero. Cố gọi càng nhiều người ra ngoài càng tốt. Bà còn chín phút nữa. Nhớ đấy.”
Từ xa đã có tiếng còi hụ. “Roger. K.”
Bà lao tới toà nhà đó, một khu nhà cũ, cao bốn tầng. Nó không phải cái to nhất trên phố nhưng là cái yếu nhất, nhìn vào tất cả khung gỗ kia kìa. Nó sẽ cháy phừng phừng như một miếng giẻ tẩm xăng. Các cửa sổ đóng lại trong tiết tháng Ba lạnh giá nhưng bà có thể thấy ánh đèn bên trong vài cái cửa hướng ra mặt tiền.
Lại không có điện thoại nội bộ.
Và toà nhà này còn chả có một cái cửa kính nào; toàn là gỗ cứng. Quỷ thật.
Tám phút nữa, bà nhẩm.
Bà nhìn vào cửa sổ tầng hầm, được bảo vệ bằng thanh kim loại, với những cái khoá to đùng.
“Ra ngoài!” Romero bắt đầu hét. “Rò ga. Ra ngoài!”
Không ai phản ứng. Bà nhặt một hòn đá lên và quăng nó lên cửa sổ tầng hai - cửa tầng một cũng được bảo vệ bằng chấn song kim loại như tầng hầm. Viên đá đập vỡ một tấm trên cửa. Nếu có người bên trong, họ không chú ý hoặc cố tình không phản ứng.
Đúng, đây chính là mục tiêu. Giờ bà đã ngửi thấy mùi ga.
“Sơ tán!”
Không phản ứng.
Nhìn quanh, bà để ý thấy một hàng ô tô đỗ song song ở phía đối diện toà nhà. Bà chú ý đến một chiếc Lexus và những cái xe đắt tiền khác, thêm vào đó là vài chiếc khiêm tốn hơn. Nếu đặc vụ Carmella Romero có biết điều gì thì đó là về ô tô. Bà đi đến chiếc Lexus và tì mạnh đầu gối vào tấm chắn phía trước, làm lõm miếng kim loại. Còi báo động bắt đầu kêu vang.
Bà bỏ qua chiếc Taurus và Subaru, nhưng đập mạnh vào một chiếc Mercedes và một chiếc Infiniti. Còi báo động kêu inh ỏi.
Các cửa sổ bắt đầu mở ra. Trên tầng thượng của toà nhà, Romero thấy một người phụ nữ và hai đứa con nhỏ ló đầu nhìn ra.
“Ra ngoài! Rò ga rồi!”
Rõ ràng bộ đồng phục của bà đã thêm uy quyền cho mệnh lệnh đó. Người phụ nữ biến mất nhanh chóng. Vài người khác xuất hiện trên cửa sổ cũng vậy và bà lặp lại mệnh lệnh bằng cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.
Romero nhìn khắp phố. Chưa thấy đội phá bom đâu. Cũng chưa có cảnh sát nào.
Còn sáu phút nữa.
Cửa trước mở ra và mọi người bỏ chạy. Mùi ga rất nồng. Bà giữ cửa và khuyến khích họ chạy, trong lúc bà hét thật to vào hành lang tối, “Rò ga, rò ga! Sơ tán. Toà nhà này sắp nổ!”
Dù cho chỉ ba phần tư các căn hộ ở đây có người ở, thì chừng ấy cũng là hai mươi tới ba mươi người còn bên trong. Có thể vài người còn đang ngủ, hoặc bị tàn tật.
Không cách nào lôi được hết ra ngoài.
Bà thở sâu. Carmella Romero vừa nghĩ lại về Chỉ huy Selleck vừa chạy tới cánh cửa tầng hầm. Bà đi xuống bậc cầu thang cọt kẹt bằng cặp chân mập mạp, chắc nịch. Mũi bà hít phải mùi trứng thối của khí ga. Một cơn buồn nôn dâng lên.
Tầng hầm rất ẩm thấp và tối om, ánh sáng duy nhất là từ cửa sổ có chấn song ở đằng trước, chúng rất nhỏ, nằm trên tầm mắt. Rất khó để nhìn được gì, chứ đừng nói đến thiết bị nhỏ xíu trên ống ga, lại còn rất có thể đã bị cố tình che giấu. Nhưng không đời nào bà bật đèn lên.
Nghĩ đi: Chúng ta đang tìm các quả bom trong tầng hầm; đáng lẽ họ phải trang bị đèn pin cho chúng ta mới đúng.
Còn bốn hoặc năm phút nữa, bà đoán.
Có ba phòng ở dưới này, các phòng rộng. Căn phòng phía trước nơi bà đang đứng, hầu hết là cất đồ dự trữ. Một cuộc kiểm tra nhanh cho thấy các sợi dây trên đầu và ống nước thải nhưng không có vẻ chứa ga. Căn phòng thứ hai chứa lò sưởi và máy nước nóng, một chục đường ống, trụ và dây dợ. Mùi ga ở đây mạnh hơn. Romero đã bắt đầu choáng váng và cảm thấy mình sắp xỉu. Bà đi đến cửa sổ, đập tấm kính ngang tầm khuỷu tay mình, hít một hơi thật sâu và trở lại căn phòng thứ hai, tìm trong đám mê cung ống và trụ ấy một thiết bị.
Bà liếc sang máy đun nước nhưng lại phát hiện nó chạy điện. Bà tìm chỗ lò sưởi. Nó còn nóng nhưng ngay lúc này đang không hoạt động. Tất nhiên sẽ có một ngọn đèn phụ hay thiết bị kích cháy nào đấy. Ngoài quả bom mà gã kia đã đặt, bản thân thiết bị làm nóng cũng sẽ bị bật lên bất kỳ lúc nào, kích nổ cho khí ga. Bà tìm và ấn vào nút tắt khẩn cấp.
Lại bị choáng nữa, bà ngã khuỵu xuống. Rõ ràng khí ga tự nhiên nhẹ hơn không khí và đã dâng lên trần nhà hết; bên dưới nhiều không khí thở được hơn. Bà lại hít đầy hai lá phổi, chiến đấu với cơn buồn nôn, và đứng dậy. Bà định vị được ống cung cấp ga cho lò sưởi và lần theo nó tới phòng thứ ba. Bà nhanh chóng qua đó và sau khi cân nhắc liền bật đèn pin trên điện thoại lên.
Không có vụ nổ nào.
Bà cho ánh sáng soi dọc cái ống, tới nơi biến mất đằng sau một chục cái hộp và các vật dụng khác do người thuê cất dưới này: những tấm thảm cuộn, bàn và ghế hỏng.
Còn một phút, bà đoán.
Bà nghe giọng nói gọi với từ bên ngoài chiếc cửa sổ mở, đằng sau lưng. Lờ họ đi.
Không thể quay lại bây giờ được.
Blue Bloods…
Bà lia ngọn đèn từ phải qua trái, phải rồi! Nó đây rồi! Một cái hộp nhỏ màu trắng gắn lên đường ống ga. Bên dưới nó là một cái lỗ hở chừng một phân rưỡi và ga đang rít ra ngoài từ chỗ đó.
Bà lao tới, quờ quạng qua đống đồ đạc và hộp. Bà không có kế hoạch nào thực sự, ngoài việc giật cái hộp ra khỏi đường ống. Có lẽ sau đó là thổi vào đường dẫn. Lôi pin ra nếu nó có pin. Bà sẽ lao ra cửa sổ, ném nó ra ngoài.
Lúc này, cùng với hình ảnh những khuôn mặt khác trong đầu – người chồng quá cố của bà và hai thành viên mới nhất: hai đứa cháu sinh đôi – Carmella Romero giật thiết bị khỏi đường ống và lao ra cầu thang.
Chỉ vài giây sau, khi bà đang nhìn xuống thiết bị, để ý thấy nó không có công tắc, nó vang lên một tiếng bép, gần như câm lặng, và một ngọn lửa xanh nhá lên trước mắt bà.