Amelia Sachs tăng tốc chiếc Torino Cobra vòng qua góc phố vào phố Front.
Cô đạp phanh thắng gấp, khi toàn bộ đại lộ đã đầy xe của đội cứu hoả và cứu thương.
Bước ra ngoài, cô vội đi tới chiếc xe cứu thương nơi một người phụ nữ rắn chắc, gốc Latinh, mặc đồng phục, đang ngồi trên cáng.
“Đặc vụ Romero?” Sachs hỏi.
Người phụ nữ đang được nhân viên y tế của NYC chăm sóc nheo mắt lại.
“Vâng?”
Sachs tự giới thiệu và hỏi, “Bà sao rồi?”
Đặc vụ của Sở Trật tự Giao thông Carmella Romero cũng quay sang hỏi nhân viên y tế, “Tôi sao rồi?”
Người đàn ông dẻo dai, có tên là Spiros nói, “Về cơ bản là ổn. Lông mày? Chà, bà sẽ cần trang điểm. Và vài chỗ phỏng do nhiệt, bà có thể gọi là vậy. Bactine. Nhưng đó là tất cả những gì bà cần. Hai bàn tay hả? Đó là vấn đề khác. Không có gì nghiêm trọng và bà chưa cảm nhận được nó đâu – tôi đã cho thuốc tê rồi. Nếu là đàn ông thì bà sẽ mất một ít hoặc toàn bộ lông tóc và cái mùi ấy sẽ ám bà một thời gian. Nhìn tôi xem. Lông Đười ươi. Vợ tôi bảo đấy.” Romero quay sang Sachs. “Tôi đoán là tôi như thế đấy.” Spiros nói, “Nhưng phải nói rằng bà đã gặp may mắn.” “Đúng vậy, anh ạ.”
Mặc dù Sachs đã biết là chẳng có chuyện may gì ở đây.
Khi thiết bị lehabahs phát nổ, cả toà nhà cùng những người bên trong đã được bà Romero cứu. Bà đã lấy thiết bị ra khỏi tầng hầm, lúc ấy đã đầy khí ga, và lao lên cầu thang trước khi nó phát nổ. Vụ nổ mạnh làm bà bị thương là do thiết bị kích lửa, một loại tạo ra tia lửa điện cơ học, đốt cháy nốt chỗ hoá chất còn lại vốn dành cho đường ống ga. Nó rất dễ cháy. Bà đã ở đủ xa để chỗ ga trong hầm không phát nổ.
“Tôi sẽ nói với sếp của bà, đặc vụ Romero. Sẽ có huân chương.” Bà chớp mắt, rõ ràng là khổ sở.
Nghĩa kép. Sachs cười, “Ồ không, không phải trát của bà đâu. Vé phạt đỗ xe. Ý tôi là bà sẽ được tặng thưởng huân chương. Đích danh chỉ huy sẽ tặng.”
Mắt bà sáng lên và có vẻ như ở đây có một câu đùa nội bộ nào đó về chỉ huy trưởng của cảnh sát NYPD mà Sachs không hiểu.
Xe của đội hiện trường tấp đến và Sachs đứng dậy – hơi khó nhọc.
Cô vẫy chiếc xe tải và tài xế, một kỹ thuật viên thu thập bằng chứng gốc Á mà Sachs từng làm việc cùng trước đây. Anh ta gật đầu với cô và lái đến.
“Ô, Thanh tra?”
Cô quay sang bà Romero.
“Có một vấn đề nhỏ,” đặc vụ trật tự giao thông nói. “Sao thế?”
“Chỉ có một cách để mọi người phải chú ý? Tôi đã phải đá vào vài cái xe. Để còi báo động kêu.” “Thông minh quá.”
“Tôi cho là vậy. Nhưng tôi đã đá một chiếc Lexus. Và ông chủ của nó sẽ không vui vẻ lắm đâu. Anh ta sẽ kiện tôi. Đích thân anh ta đã nói vậy. Tôi có nên kiếm một luật sư không? Anh ta có thể làm vậy không?”
“Ông ta đâu?”
Bà Romero chỉ một người đàn ông tầm ba mươi tuổi, trong bộ vest doanh nhân, mái tóc cắt kiểu phố Wall và đeo kính tròn. Khuôn mặt dài của anh ta có một nụ cười tự mãn bề trên và dường như anh ta đang hạ cố rao giảng cho một cảnh sát tuần tra, dùng một ngón tay chỉ vào ngực anh cảnh sát.
Amelia Sachs cười. “Đừng lo. Tôi sẽ đi nói chuyện với anh ta.” “Cô có chắc không, thanh tra?”
“Ồ, vinh hạnh của tôi mà.”
Vimal Lahori nghĩ chiếc xe cổ mà cậu đang ngồi có mùi xăng, khí thải và dầu nồng hơn nhiều so với các loại phương tiện hiện đại. Tất nhiên, các loại mùi ấy cũng có thể là do thực tế nó đang được một người phụ nữ hoang dã lái ở tốc độ kịch kim.
“Cậu ổn chứ?” Thanh tra Sachs hỏi.
“Tôi ổn. Vâng.” Một tay cậu tóm chặt dây an toàn của chiếc xe cổ, tay kia bám vào móc chống tay.
Cô mỉm cười và đi chậm lại. “Thói quen khó bỏ,” cô lẩm bẩm.
Sau khi cô cứu mạng cậu và bắn gã kinh khủng kia, kẻ đã giết ông Patel, thanh tra Sachs nói cho cậu biết họ đã tìm được một chiếc điện thoại trên người hắn. Nó rất đáng nghi. Nó đã được dùng để gọi về Nga sau khi sát thủ người Nga đã chết. Còn có ai liên quan không? Cô và Rhyme không nghĩ vậy, nhưng tốt hơn nên cẩn thận, vì thế Vimal đã phải ở lại đồn cảnh sát ở Brooklyn đến khi một chuyên gia máy tính nào đó ở NYPD phát hiện ra chiếc điện thoại chỉ là mánh lừa, đánh lạc hướng nghi ngờ khỏi Andrew Krueger. Vimal đã được ra về thoải mái và cậu hỏi liệu thanh tra Sachs có thể đưa mình về nhà không.
Cô nói cô rất vui lòng.
Giờ cô đang rẽ và tấp lại trước mặt ngôi nhà của chàng trai trẻ ở Queens. Thậm chí trước khi cậu bước ra, cửa trước nhà đã mở toang và mẹ cậu cùng Sunny đang vội vã chạy qua không khí mờ sương về phía cậu.
Cậu nói với thanh tra, “Cô chờ đây một phút được không?” “Chắc chắn rồi.”
Cậu gặp gia đình mình giữa chừng lối đi và họ ôm nhau. Hai anh em lúc đầu còn lúng túng, rồi Vimal vò tóc Sunny và họ bắt đầu xô đẩy, vật lộn nhau, cười vang.
“Con không bị thương chứ?” mẹ cậu hỏi, nhìn khắp người cậu bằng cặp mắt của một bác sĩ.
“Không, con ổn ạ.”
“Anh, lại một vụ đấu súng nữa à? Đi gần anh nguy hiểm phết. Lên cả tivi đấy.”
Không đầy mười phút sau khi thanh tra Sachs bắn kẻ sát nhân, một tá xe tin tức đã xuất hiện một cách thần kỳ ở bãi rác.
Sunny nói, “Kakima gọi – mãi từ NCR75! Anh cũng lên cả bản tin ở đó!”
75 NCR là viết tắt của ‘National Capital Region’ – Thủ đô
Thủ đô – New Delhi. Có nghĩa là hàng chục triệu người có thể đã trông thấy cậu.
Bà dì bảy mươi tám tuổi của cậu dành nhiều thời gian trên mạng hơn bất kỳ thằng nhóc mới lớn nào mà Vimal biết.
Mẹ cậu lại ôm cậu lần nữa và đi đến chỗ chiếc xe Ford màu nâu. Bà cúi xuống nói chuyện với Thanh tra Sachs, chắc chắn là để cảm ơn cô đã cứu mạng con trai bà.
Sunny đang hỏi cậu có trông thấy cảnh người đàn ông bị bắn không. Rồi “Có phải ngay trước mặt anh không?”
“Để sau, nhóc. Anh phải lấy một thứ trong nhà.”
Vimal để ý thấy xe của nhà đã đi mất. Cha cậu đang ở nơi khác. Tạ ơn trời đất. Cậu không mong nhìn thấy ông già. Ngay bây giờ. Hoặc không bao giờ luôn.
Cậu đi vào trong và xuống xưởng. Để ý thấy các thanh chắn đã được thay thế, điều này là hợp lí vì đây là thành phố New York, một nơi không hề quá an toàn. Nhưng khoá và chốt đã được bỏ đi, cả thanh sắt cố định cũng vậy. Các thùng thực phẩm và đồ uống cũng biến mất.
Xưởng điêu khắc đã không còn là Alcatraz nữa.
Vimal đi tới tủ quần áo và tìm được thứ cậu tìm, quấn nó trong một mẩu giấy báo. Và quay lại sân trước.
Cậu bảo với mẹ và em trai là cậu sẽ vào nhà ngay rồi đi đến cửa hành khách trên chiếc xe của thanh tra, ngồi lại vào đó. “Tôi có thứ cho cô. Và người mà cô làm việc cùng, ông Rhyme.”
“Vimal. Cậu không cần làm vậy.”
“Không, tôi muốn mà. Một trong những bức tượng của tôi.” Cậu dỡ vật đó ra và đặt nó lên bảng điều khiển. Nó là một hình kim tự tháp bốn mặt mà cậu tạc năm ngoái, cũng là thứ cậu đã nghĩ đến trước giây phút mà cậu tin là mình sắp chết. Bức tượng cao mười bảy xăng ti mét và đế cũng rộng mười bảy phân. Sachs cúi người nhìn vào nó, rồi vuốt bề mặt đá granite màu xanh đậm. “Trơn nhẵn.”
“Vâng. Trơn nhẵn. Và thẳng tắp.”
“Đúng vậy.”
Michelangelo tin rằng bạn cần phải thành thục các hình khối cứng ngắc cơ bản trước khi có thể thổi hồn vào đá.
Vimal nói, “Nó lấy cảm hứng từ kim cương. Hầu hết kim cương trong tự nhiên đều được tìm thấy ở dạng bát giác. Hai kim tự tháp nối với nhau ở đáy.”
Cô nói, “Rồi chúng bị tách thành hai viên để mài giác. Thường là thành các hình tròn.”
Cậu cười lớn. “À, cô cũng đươc chỉ bảo kha khá về nghề của chúng tôi rồi.” Cả cậu cũng cúi người và chạm một ngón tay vào nó. “Nó đã giành giải nhất trong cuộc thi nghệ thuật ở Brooklyn năm ngoái, giải nhất trong một cuộc thi ở Manhattan và giải nhì Buổi trưng bày Điêu khắc New England.”
Cậu nhớ lại, cha cậu đã không cho phép cậu dự thi những lần đó. Một người bạn đã đăng ký hộ cho cậu.
“Quán quân,” cô nói, rõ ràng là đang cố tỏ ra ấn tượng – trong lúc quan sát vật thể có hình dáng rất tầm thường.
Vimal nói đùa, “Không tệ để làm một cái chặn giấy, đúng không?”
Nhìn cậu với nụ cười nhăn nhó, Sachs nói, “Tôi cảm thấy còn có nhiều thứ dành cho nó hơn chứ. Tôi có phải ấn một nút bí mật nào cho nó mở ra không?”
“Không hẳn, nhưng cô cũng đoán gần đúng. Nhìn mặt dưới xem.”
Cô giơ bức tượng lên và lật ngược. Cô há hốc. Bên trong nó là một khoang khắc hình trái tim – không phải phiên bản in lên thiệp của Hallmark mà là một trái tim đúng đắn về mặt giải phẫu học, tái tạo chính xác các mạch, động mạch và khoang.
Cậu đã mất tới mười tám tháng để khắc nó, làm việc cùng những dụng cụ nhỏ bé nhất. Bạn có thể nói, nó là một bức tượng âm: phần khoảng trống, chứ không phải phần đá, mới là trung tâm.
Tôi làm có được không, Signore Michelangelo di Lodovico Buonarroti Simoni?
“Nó được gọi là Ẩn giấu.”
“Vimal, tôi không biết phải nói gì. Nó thật đáng kinh ngạc. Tài năng của cậu…” Cô đặt lại nó trên bảng điều khiển rồi vươn người tới ôm cậu. Khuôn mặt cậu đỏ bừng và cậu lúng túng đặt hai bàn tay lên lưng cô.
Rồi cậu bước ra khỏi ô tô và đi bộ trở lại nhà, nơi một vài thành viên, chứ không phải tất cả gia đình cậu đang chờ.