Những kinh bàn về pháp môn Tịnh Độ thì rất nhiều, không thể kể xiết. Nhưng căn bản thì có ba kinh: Một là Kinh Vô Lượng Thọ, còn gọi là Đại Bản Di Đà thì chuyên về bản nguyện, nguyện nào cũng cầu thành Chính Giác; hai là Kinh Quán Vô Lượng Thọ (hay Thập Lục Quán): Mười sáu pháp quán tưởng này, pháp nào cũng cầu chứng nhập Chân tâm; ba là Kinh Phật Thuyết A Di Đà, thì chuyên về trì niệm hồng danh Phật A Di Đà, khi nào tâm không còn tán loạn thì nhận thấy được Y báo, Chính báo cõi Cực Lạc. Thế là Tịnh Độ cũng ở nơi tâm mình chứ không phải ở ngoài tâm, nên gọi là “Tự tính Di Đà, duy tâm Tịnh Độ”.
Xưa nay, các chốn tùng lâm tự viện thường lấy Kinh A Di Đà làm khóa tụng hàng ngày, vì cho rằng một pháp chuyên trì danh hiệu Phật Di Đà thích hợp, lợi ích cho cả ba căn Thượng, Trung, Hạ của người tu pháp môn Tịnh Độ.
Kinh này có rất nhiều bản chú giải, nhưng đặc sắc thì có ba: Một là Di Đà Sớ Sao được Tổ Vân Thê giải thích tinh vi; hai là Di Đà Yếu Giải do Ngài Ngẫu Ích biên soạn; ba là Di Đà Viên Trung Sao do Ngài Cự Am lược giải, Ngài U Khê viết phần chú giải, trong đó nêu rộng nghĩa lý nhờ vào giả quán Tín - Nguyện - Hành để có kết quả công phu tu Tịnh Độ được viên mãn trung đạo.
Nói về bộ Di Đà Viên Trung Sao này, mãi đến năm Khải Định thứ tám triều Nguyễn (Quý Hợi 1923), Ngài Phổ Tụ ở chốn Tổ Bảo Khám - Tế Xuyên - Hà Nam chép lại từ trong Đại Tạng Thích Giáo của Nhật Bản ở viện Bác Cổ và cho khắc ván lưu thông. Từ đó đến nay, bộ sách này chưa được dịch ra tiếng Việt.
Khóa hạ năm Mậu Tý - Phật lịch 2552, các trường hạ thuộc tỉnh Hà Tây cũ có giảng bộ Di Đà Sớ Sao nên Tăng Ni hạ trường Tổ đình Viên Minh đề nghị học thêm bộ sách này. Tôi đã đem ra giảng giải cho đại chúng và được các học chúng ghi chép lại. Thấy vậy, Đại đức Thích Tiến Đạt chùa Cự Đà có xin phép được ấn tống lưu thông làm tài liệu học tập cho các hạ trường ở thủ đô Hà Nội nhân khóa An cư Phật lịch 2553, tôi hoan hỷ trao bản thảo cho Đại đức để biên tập chỉnh lý và ấn tống lưu thông. Tuy đã cố gắng nhiều nhưng chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, dám mong các bậc cao minh đính chính để lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.
Xin hồi hướng phúc báo và trí tuệ đến chư Tôn đức Tăng Ni và quý vị Phật tử đã phát tâm công đức ghi chép, biên tập chỉnh lý và cúng dàng tịnh tài để ấn tống bộ sách này. Nguyện cho hết thảy chúng sinh đều sinh về Tịnh Độ.
Dịch giả: Sa môn Thích Phổ Tuệ