Xét về Đức Thế Tôn ra đời thuyết pháp độ sinh, đều dùng ba tạng Thánh giáo làm chỉ nam. Nhưng trong ba tạng giáo, lại đặc biệt mở ra một cửa Tịnh Độ, lấy đó làm đường tắt tu hành, làm phương tiện tối thắng bậc nhất. Xét những kinh chuyên bàn về Tịnh Độ, tóm lại có ba:
1. Kinh Đại Bản Di Đà, chuyên về nguyện.
2. Kinh A Di Đà, chuyên về niệm.
3. Kinh Quán Vô Lượng Thọ, chuyên về quán tưởng.
Còn những kinh kiêm bàn Tịnh Độ thì nhiều không kể xiết. Thế nên, cả ba kinh Tịnh Độ đều lưu hành, nhưng người xưa chỉ lấy Kinh Di Đà làm khóa tụng hàng ngày. Đó há chẳng phải một phép trì danh lợi khắp ba căn, tóm thâu sự, lý không sót, thống nhiếp cả Tông lẫn Giáo hay sao? Như thế lại càng không thể nghĩ bàn vậy.
Kinh Di Đà này, người đời chú sớ rất nhiều, nhưng nay còn lại không được bao nhiêu. Sớ Sao của Tổ Vân Thê rộng lớn tinh vi; Viên Trung Sao của Ngài U Khê cao sâu rộng lớn; cho đến sách Yếu Giải của Tổ Ngẫu Ích thì từ nghĩa giản dị và nghiêm tịnh bao quát dung thông cả sự lý, thực là thiết yếu. Nhưng xét nghĩ, nước ta từ trước đến nay chỉ lưu thông hai bản Sớ Sao và Yếu Giải, còn Viên Trung Sao thì chưa được thấy. Mãi đến triều vua Khải Định năm thứ tám, may mắn gặp được Đại Tạng Thích Giáo từ Nhật Bản đem về. Xem trong đó, vị chủ khắc là Ngài pháp danh Phổ Tụ tìm được bản “Sao” này, vui mừng khôn xiết, cho là ngọc quý nơi bảo sở để lại. Chẳng ngờ đến già mới được thấy của lạ này, liền giục môn nhân xin phép chép lấy, đem về viết ra, khắc ván để lưu thông. Phần thì mở rộng đường lối tu hành của Ngài Thiện Đạo, từ đây được đổi mới; phần thì mở pháp môn Bất Tư Nghì của Ngài Linh Phong, nhân đây thêm mở rộng. Thực là hiếm có! Rất đáng trân trọng! Vị chủ san ủy thác cho tôi dẫn lời thay Ngài, tôi bèn cầm bút viết bài này. Còn nói là bài tựa thì không dám.
Triều vua Khải Định năm thứ 10, tháng bảy, ngày tốt. Sa môn pháp danh Thanh Hanh - kế đăng chùa Vĩnh Nghiêm viết lời dẫn này.
Ván kinh này để ở chùa Bảo Khám, làng Tế Xuyên.