Núi Thiên Thai, Sa môn U Khê, pháp danh Truyền Đăng soạn.
Núi Thiên Thai, Sa môn U Khê, pháp danh Truyền Đăng soạn.
Đức Như Lai khẩu nghiệp bí mật, ý lời nói hàm chứa nhiều. Như vua ra lệnh bằng cách gọi “tiên đà bà”, tuy một câu nhưng bao hàm cả bốn nghĩa. Chỉ có người bầy tôi trí tuệ mới khéo hiểu được ý của vua. Đợi vua khi ra đi, hay khi ăn, khi uống, khi chiến đấu, gọi một câu “tiên đà bà” này thì hoặc đem ngựa, hoặc đem muối, hoặc đem nước, hoặc đem binh khí dâng lên, đều hiểu tâm vua và làm vừa ý vua. Bồ Tát - bầy tôi trí tuệ cũng thế, khéo hiểu lời thuyết pháp của Phật. Ở trong pháp nông làm ra lời nói sâu; ở trong pháp sâu làm ra lời nói nông; ở trong pháp vừa nông, vừa sâu thì làm ra pháp không nông cũng không sâu; trong pháp không nông, không sâu làm ra pháp vừa nông, vừa sâu. Tạo luận hay hoằng hóa kinh pháp, nhiều ít vừa phải, đã không khiến cho trí tuệ cầm chừng cũng không để cho nghĩa thiếu khuyết, rồi sau mới có thể nói lên nhà cao, vào nhà sâu vậy. Bộ Kinh Phật Thuyết A Di Đà này là Đức Thích Ca ở trong phép sâu làm ra phép nông mà thuyết giảng, trong phép rộng làm ra phép lược mà thuyết giảng. Giảng thuyết đã lược, song ai có trí tuệ làm giải thích thì cũng phải giản lược. Nghĩa đã sâu như vậy, thì bậc có trí tuệ làm chú giải cũng phải giải thích sâu. Giải vắn tắt không để cho trí tuệ cầm chừng; lý sâu chẳng khiến cho nghĩa thiếu khuyết. Dùng lược để dò rộng, thung dung trung đạo.
Tôi khi ở Ngô Môn đã xem lược giải của Đại sư Cự Am. Trong bài tựa của Ngài có viết: “Rừng báu, ao ngọc chỉ rõ từ nguồn tâm; tuổi thọ ánh sáng tưng bừng nơi tự tính”. Lại nói: “Hiểu rõ duy tâm vốn đủ thì muôn ức cõi không xa; biết được về nhờ đại nguyện thì ba kiếp Tăng Kỳ vắn tắt”. Ôi! Bao quát hết toàn kinh, lời sao gọn thế!
Bản tính duy tâm, nghĩa sao sâu thế! Nếu chẳng phải bậc Bồ Tát trí tuệ thì sao có thể đạt được như vậy? Nay làm bài Sao mà đặc biệt đề là “Viên Trung”, là có ý lấy Y báo, Chính báo của cõi Cực Lạc làm Diệu Hữu, lấy nhất tâm trì danh làm Chân Không. Chẳng phải là Chân Không thì cũng chẳng thể chứng được Diệu Hữu ở Cực Lạc; chẳng phải Diệu Hữu thì chẳng thể rõ được Chân Không ấy. Thế nên cái giả không thể nghĩ bàn thì chẳng phải là cái giả thiên lệch. Chân Không vẫn “có”, không phải không ngơ. Hợp hai ý ấy mà tu hành thì “Viên Trung” viên mãn mà thành nghĩa trung đạo, vì thế mà đặt tên là “Sao” vậy. Ý muốn người đọc kinh này mà tu hành thì phải thấy rõ danh rồi nhớ rõ nghĩa. Thực đạt nhất tâm bất loạn thì muôn ý nghĩ đều quên, thời rõ lý Chân Không.
Bảy ngày trì danh, từng giây từng phút nối nhau, thời tỏ rõ được lý Diệu Hữu. Tu hành thành tựu nên thấy Phật, tâm thanh tịnh thì hoa nở; “ấn hoại” ở cõi Sa Bà, để “văn thành” ở Cực Lạc (ấn là thể, văn “nét” là tâm). Ấn hoại là sở dĩ không còn tình cảm (vọng), thế gọi là Chân Không; văn thành sở dĩ lập được pháp, gọi là Diệu Hữu. Hai ý ấy đều quên mà đều còn. Kinh A Di Đà về lời thì lược, về nghĩa thì sâu. Nhân lúc viết lời Sao mà nêu ra nghĩa đề, rồi mượn đấy làm lời tựa.
Triều nhà Minh niên hiệu Thiên Khải, đầu năm lên ngôi, cuối mùa đông, ngày mùng ba hạ bút viết bài này.