Triều nhà Minh, quận Ngô, Sa môn Đại Hựu thuật.
Triều nhà Minh, núi Thiên Thai, quận U Khê, Sa môn Truyền Đăng.
Triều nhà Minh, quận Ngô, Sa môn Đại Hựu thuật.
Triều nhà Minh, núi Thiên Thai, quận U Khê, Sa môn Truyền Đăng.
Người trứ thuật.
Ngài tên chữ là Cự Am, Đại Hựu là tên húy, trụ trì ở chùa Thiên Thai Giảng, Bắc Thiền, Tô Châu. Ngài rất tinh giáo lý, nhất là đối với môn Tịnh Độ, Ngài càng hiểu được nghĩa màu nhiệm. Ngài có viết tập sách Tịnh Độ Chỉ Quy, được lưu hành rộng ở đời. Họ tục và quê hương của Ngài còn phải đợi tìm hiểu thêm.
Bài tựa được chép ra: Gồm hai phần:
1. Trình bày lý do thuyết kinh;
2. Trình bày lý do lược chú.
Bởi vì nói chân nguyên, trong nhất tính đó không có khổ vui khác nhau, thì không cần Phật phải ra đời nói kinh. Chỉ vì vọng phái thành khác nên Phật ta thị hiện ở đời diễn giảng giáo lý.
Trình bày lý do thuyết kinh.
Nói rõ duyên khởi.
Xét tìm nguồn gốc.
Nguồn chân không hai.
Sớ: Cảnh Tịch Quang Chân Tịnh, tuyệt không có cái gì là khổ vui.
Sao: Tịch Quang là một trong bốn cõi Tịnh Độ. Bốn cõi Tịnh Độ: 1. Tịnh Độ Phàm Thánh Đồng Cư; 2. Tịnh Độ Phương Tiện Hữu Dư; 3. Tịnh Độ Thật Báo Vô Chướng Ngại; 4. Tịnh Độ Thường Tịch Quang. Bốn độ này đều có tịnh uế, chỉ có Tịch Quang thượng phẩm là Tịnh Độ chân thật, còn các Tịnh Độ khác đều dính hư cấu (hư thiết). Nên biết thế này nữa, nói đến “chân tịnh” thì không phải lìa ba cõi kia mà riêng có cõi Tịch Quang; chỉ vào thể của ba cõi dưới, về lý vốn là cứu kính, cùng với Tịch Quang không hề sai khác. Cho nên Tôn giả Tứ Minh dạy trong Diệu Tông Sao rằng: “Phải biết bốn cõi có ngang có dọc”.
Vẫn biết có ngang có dọc song chỉ tại “nhất xứ”; nếu đạt được “nhất xứ”, tức là cõi Thật Báo. Nếu phá vô minh chuyển thân vào đấy, thế là Pháp Thân, thể dụng đồng với Phật, gọi là Báo thật nhiệm màu, thì bậc tịnh lục căn cũng không dự được, huống chi hàng Nhị Thừa. Thế thì một nơi bàn về Thật Báo chiều dọc. Những người chưa phá được vô minh, còn thân kiến, nếu ai có khả năng thấy được thì chư Phật và các Đại Bồ Tát gia bị khiến cho họ thấy cõi Thật Báo. Bởi vì có cơ duyên, nên tuy chưa phá được hoặc nhưng đã tu Trung Quán. Như trong hội Hoa Nghiêm và các pháp hội giảng kinh khác, các cơ tạp loại, hoặc thấy thân độ khó nghĩ bàn là những người này. Cõi Thật Báo đã thế, cõi Phương Tiện, cõi Tịch Quang, đồng xứ luận theo chiều ngang, cũng lại như thế. Ở cõi Đồng Cư thì bàn về ngang dọc của ba cõi kia; ở cõi Phương Tiện bàn về dọc ngang hai cõi (Thật Báo, Tịch Quang); ở nơi Thật Báo thì bàn ngang dọc một cõi. Đến cõi Tịch Quang thì không có ngang dọc, ngay đương xứ cũng không.
Nay nói “Tịch Quang chân cảnh”, đó là nói thẳng ngay cái thể chân thật vậy; còn câu “tuyệt không có cái khác nhau về khổ vui”, tức là nói xa rời cái lỗi trái. Bởi vì nói về tịnh uế của bốn cõi, ở Sa Bà Đồng Cư thì chỉ có khổ, không có vui; ở cõi Thanh Thái chỉ có vui mà không có khổ. Đem cõi Phương Tiện đối với Đồng Cư mà nói thì Đồng Cư chỉ có khổ mà không có vui; còn ở cõi Phương Tiện thì chỉ có vui chứ không có khổ. Lấy cõi Phương Tiện ở ngay cõi đó mà nói thì cõi Phương Tiện uế bang chỉ có khổ chứ không có vui; còn cõi Phương Tiện Tịnh Độ, chỉ có vui chứ không có khổ. Lại đem cõi Thật Báo đối với Phương Tiện mà nói thì Phương Tiện chỉ có khổ mà không có vui; Thật Báo chỉ có vui mà không có khổ. Mà ngay về cõi Thật Báo thì Thật Báo uế bang chỉ có khổ không có vui; Thật Báo Tịnh Độ chỉ có vui, không có khổ. Nếu đem cõi Thật Báo đối với Tịch Quang mà nói thì Thật Báo chỉ có khổ, không có vui; Tịch Quang lại chỉ có vui, không có khổ. Cứ ngay cõi Tịch Quang ấy mà nói, Tịch Quang uế bang chỉ có khổ, không có vui; Tịch Quang Tịnh Độ chỉ có vui, không có khổ. Ở trên đều ước do tu thành, không hai mà chia làm hai để nói, cho nên có khổ có vui khác nhau.
Bài tựa ở đây nói rằng: “Ban đầu không chia khổ vui” là trong bản tính đủ cả mười cõi mười giới. Nói về ngũ ấm quốc độ thì chỉ có tính viên dung khổ vui ở mười cõi mà không có tướng sai biệt khổ vui ở mười cõi. Tức là chúng sinh và Phật đều có bản thể Chân Như bất biến, vốn không có tịnh uế phân biệt thì làm gì có khổ vui sai khác nữa? Thế nên một câu này chỉ về nguồn chân không hai, lấy đó lưu lại để giải thích cho câu “Vọng phái thành thù” ở dưới. Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tính giác diệu minh, bản giác minh diệu”.
Lại nói: “Thanh tịnh bản nhiên khắp cả pháp giới” là vậy. Còn bốn loại Tịnh Độ sẽ giải thích dưới đây.
Vọng thành phân biệt.
Sớ: Vọng thức phân vân liền có Thánh phàm sai khác.
Sao: Vọng thức là tên chung của ba hoặc (vô minh, kiến tư, trần sa hoặc). Bởi vì chúng sinh từ vô thủy đến nay, từ trong tính giác diệu minh bản giác minh diệu, một niệm chợt nhiên mê muội, mà hóa ra minh giác, nương vào minh mà lập “sở”. Đã lập ra “sở” náo thì mới lập ra cái “năng” náo của chúng sinh. Trong cái không “giống - khác” đó mới bừng bừng thành khác. Nhân đây mà thành Tam tế: Vô minh, trần sa hoặc; nhân đây mà thành Lục thô: Kiến hoặc, Tư hoặc. Đầu tiên biến thành Tịch Quang uế độ; thứ hai biến thành Thật Báo uế độ; thứ ba biến ra Phương Tiện uế độ; thứ tư biến ra Đồng Cư uế độ. Cứ như thế hóa ra Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác và lục đạo chúng sinh.
Cho nên nói rằng “Vọng thức phân vân liền có Thánh phàm sai khác”.
Kinh Lăng Nghiêm có nói: “Tùy chúng sinh tâm, ứng sở chi lượng”. Hoa Nghiêm thì dạy: “Nó theo duyên nhiễm tịnh mà chia ra mười cõi”. Cho nên ở chính khoa là câu “vọng phái thành thù”. Lại nữa nên biết: Câu thứ nhất tuy nói rằng “Tịch Quang chân tịnh tuyệt không có khổ vui sai khác”, song cũng chẳng ngại gì “không khác” mà “khác”, tức là ở trong tính gồm đủ mười cõi. Câu thứ hai tuy nói rằng “vọng thức phân vân liền có Thánh phàm sai khác”, thì cũng không trở ngại gì “khác” mà “không khác”, tức ở tính không khác vậy. Bởi vì Chân Như tuy bất biến nhưng chẳng ngại gì bất biến mà tùy duyên; vọng thức tuy tùy duyên nhưng cũng chẳng ngại gì tùy duyên mà bất biến. Bởi tùy duyên nên không khác mà thành khác; bởi bất biến nên khác nhưng lại không khác. Biết được như thế thì mới có thể rõ cái tâm niệm Phật đây là “toàn tính” để khởi “tịnh tu”, “toàn tu” nhưng chỉ tại “nhất tính” vậy.
Chính trình bày về duyên khởi.
Sớ: Bởi thế mới trôi dạt vào ngũ trược ác thế, không thể trở về được chân nguyên. Vì vậy Đức Thích Tôn của chúng ta thị hiện, sinh xuống cõi Kham Nhẫn.
Sao: Đây là chính trình bày duyên khởi Đức Phật thuyết kinh. Bởi vì Đức Thích Ca Như Lai đã từ lâu chứng nhập được bản thể chân thường thì làm gì có chuyện thụ sinh vào cung vua. Chỉ vì tất cả chúng sinh đọa lạc từ vô thủy cho nên có cái việc xuất thế ở cõi Sa Bà.
“Trôi dạt ở đời ngũ trược”: Ý nói chúng sinh từ vô thủy đến nay, từ trong biển tính Niết Bàn khua sóng thức gây động phong ba, dậy “trừng viên” nên mất trong lặng; làm đục ngầu tính Minh Diệu, vùi dập tính Chân Như. Bởi vì trước thất tính do vọng động, cho nên gọi là “phiêu lưu”. Kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Giác minh không muội, đối đãi nhau sinh ra lay động”, là vậy. Thứ đến thất tính do hôn mê mờ mịt, cho nên gọi là ngũ trược. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Mờ tối là hư không”, là vậy. Nhưng hôn mê thì ắt đủ cả vọng động, vọng động nhất định cũng đủ cả hôn mê; cho nên “phiêu lưu” tức là “ngũ trược”, mà “ngũ trược” ấy cũng là “phiêu lưu”. Cái mê hoặc tối tăm và dao động nó đã hình thành, thì cái bản thể chân thật sáng suốt bị mất. Riêng ngũ trược này có thô tế bất đồng. Như câu trong Kinh Lăng Nghiêm nói về kiếp trược rằng: “Ông thấy hư không biến khắp mười phương, cái không và cái thấy nó không phân biệt, có cái không mà vô thể, có cái thấy mà không biết, đan dệt vào nhau thành vô giác, là tầng thứ nhất, gọi là kiếp trược”. Đây gồm cả ba hoặc mà nói. Nếu như tầm thường mà nói thì khi con người ta thọ hai vạn tuổi mới bắt đầu vào kiếp trược. Thế là chỉ riêng vào hai cái hoặc là Kiến hoặc và Tư hoặc thôi, lúc ấy là lúc Kiến - Tư hoặc này rất thịnh. Nhưng mà có thể tế không gồm thô, chứ chưa từng thô không gồm tế. Đây chính chỉ vào lúc Đức Thích Ca sinh vào cõi Kham Nhẫn, mà sáu thô đương hợp tình cảnh. Nếu nói không trở lại một chân thể cũng là nói gồm cả tế ở trong đó vậy. Thị hiện sinh vào cõi Kham Nhẫn chính là Ngài đương ứng cơ vào cõi uế độ Phàm Thánh Đồng Cư. Hẵng nói về thân Liệt Ứng với hình tướng vị Tỷ Khiêu cao một trượng sáu mà thôi. Nếu cũng gom cả tế hoặc mà nói thì nghĩa còn bao hàm cả hai cõi Ngài ứng hiện ở trên.
Trình bày thuyết kinh.
Cơ nghi trụ xứ.
Sớ: Ở hội tốt vườn Kỳ Đà, bảo cho người lợi căn là ông Thân Tử (Xá Lợi Phất).
Sao: “Kỳ viên gia hội” là nơi trú xứ thuyết kinh. “Thân Tử lợi căn” là người đương cơ được lợi ích. Bàn về người đương cơ được lợi ích, có ba phẩm: Một là Bồ Tát, hai là Nhị Thừa, ba là phàm phu. Bởi pháp môn Tịnh Độ, các kinh Tiểu Thừa tuyệt nhiên không bàn đến. Vì “tử quả” (phiền não Kiến - Tư hoặc, khổ báo) đã hết, thời thân nguội trí diệt, không nói đến có Sinh Thân sau nữa. Nay nói nhiều về nó, là pháp môn của Bồ Tát vậy. Nếu xét đến kinh này thuyết về thời Phương Đẳng, chính là đàn xích (bác bỏ) thiên không Tiểu Thừa, là thời khen Đại Thừa Viên Đốn. Bác bỏ Tiểu Thừa, cho rằng không có việc sinh thế giới khác nên gọi là hữu sinh. Đặc biệt kinh này chỉ về nước kia có vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử. Lại hết sức khen ngợi Y báo, Chính báo của nước kia màu nhiệm trang nghiêm, thì là sự tán thán ca ngợi Đại Thừa Viên Đốn ngụ ý ở trong đó. Huống chi Ngài Xá Lợi Phất lại là bậc thượng thủ trong chúng đệ tử, cho nên bảo Ngài khiến cho hồi tiểu hướng đại. Nếu chính cơ được lợi ích là kẻ bác địa phàm phu, thì bảy ngày trì danh, nhất tâm bất loạn, tức được vãng sinh. Một lần dự được hội tốt này thì chứng được bất thoái chuyển. Bởi xét thế nên tuy ở phàm phu nhưng nghĩa thuộc Viên Đốn, lại nên biết vậy.
Trình bày pháp yếu: Gồm bốn phần: Trình bày tên kinh; trình bày thể của kinh; trình bày tông yếu của kinh; trình bày lực dụng của kinh.
Dù năng thuyên, sở thuyên song không ra ngoài bốn loại này. Vì vậy bao quát mà trình bày ra để hết ý thú của một kinh. Có thể được gọi là người khéo thông Đại Thừa vậy.
Trình bày tên kinh.
Sớ: Mở nguyện môn của Ngài Pháp Tạng, chỉ cõi màu nhiệm là Lạc Bang.
Sao: Kinh này thuyết cả Y báo, Chính báo đến đồ chúng gọi là năng thuyên. Nhưng đề kinh chỉ nói: “Phật Thuyết A Di Đà”. Quán Kinh Sớ của Đại sư nói rằng: “Nêu Chính báo để thu Y báo, thuật hóa chủ để bao gồm đồ chúng”, là vậy. Như vậy thì đề kinh chỉ nói về Chính báo thì đó là nêu Chính báo để thu cả Y báo. Bài tựa chỉ nói Y báo, thì nêu ra Y báo để thu Chính báo. Nêu lẫn hai bên, văn pháp khéo vậy. Văn bàn về kinh này không có khai nguyện môn, bởi Đại Bản Di Đà đã nói rõ, vì thế lược đi không nói.
Trình bày thể của kinh.
Sớ: Rừng quỳnh, ao ngọc rõ thẳng ở nguồn tâm; tuổi thọ, ánh sáng toàn hiện ở tự tính.
Sao: Rừng quỳnh ao ngọc, là lược nêu về Y báo được nói trong kinh, từ câu “thất trùng lan thuẫn” trở đi đến “cây báu lưới báu phát ra âm thanh màu nhiệm” - một đoạn kinh văn. Còn tuổi thọ và ánh sáng, là nhắc qua về Chính báo được nói trong kinh, từ câu “Bỉ Phật hà cố hiệu A Di Đà” trở đi cho đến “Đãn khả dĩ vô lượng vô biên A Tăng Kỳ thuyết” - một đoạn kinh văn. Hai câu: “Rõ thẳng ở nguồn tâm, toàn hiện ở tự tính” chính là hiển bày thể của kinh. Bởi vì kinh này lấy thật tướng ấn (vô tướng) làm chính thể; không tướng nào không phải là tướng, tướng đấy nhưng không phải tướng, gọi là thật tướng. Rừng quỳnh ao ngọc, thọ lượng quang minh, vẫn là tướng của hết thảy các pháp. Thế thời rõ thẳng ở nguồn tâm, toàn hiện nơi tự tính, còn tướng nào có thể được nữa vậy thay. Đây chính là “vô tướng bất tướng”, là chính thể của “tướng nhi vô tướng”.
Phép màu nhiệm duy tâm Tịnh Độ bản tính Di Đà nói thì dễ, lý lại khó rành; hiểu được nghĩa sâu thẳm tinh vi (huyền vi) mới là thích đáng. Muốn thử làm rõ được thì nếu không phải tông Pháp Tính của Thiên Thai thì không được. Tại sao? Vì cõi nước Cực Lạc xa đến ngoài mười vạn ức cõi; Phật A Di Đà là bậc “quả nhân” trí đức, đoạn đức viên mãn, thanh tịnh đầy đủ; chứ hàng bác địa phàm phu bị tam hoặc làm nhiễm ô, trầm luân nơi Biến dịch sinh tử và Phận đoạn sinh tử, tạo nghiệp trói buộc vô cùng, gây nhân sinh tử bất tận thì làm sao cảm được Đức Di Đà mà sinh ngay về Tịnh Độ, tắt ngang năm ngả đường mà lên ngôi bất thoái? Chính do lời bàn của một nhà, Pháp Tính của chúng sinh, nghĩa đó có ba:
* Tính lượng: Thời khắp cả mười phương, nhưng cùng suốt không ngoài; nước Cực Lạc ngoài mười vạn ức cõi ở trong tính lượng của ta, mới hơi gần được một góc.
* Tính thể: Thì rắn chắc thường còn, trong sạch sáng sủa. Trí đức, Đoạn đức của Đức Di Đà là giác thể viên mãn, với thể tính của chúng ta, chính rốt ráo mà không hai.
* Tính cụ: Nhưng nếu chỉ nói “vô ngoại, vô sai”, mà không biết có pháp môn tính cụ thì tuy nói là “vô ngoại” mà cuối cùng thành ra “hữu ngoại”; tuy nói là “vô sai” song cuối cùng thành “hữu sai”. Như vậy thì không biết được cái đức của tính lượng, tính thể theo đâu mà chu biến, dựa vào pháp nào mà thanh tịnh? Nên biết rằng có tính cụ, thì hướng vào đấy mà nói thể đức, thể lượng đều gốc từ tính cụ của ta. Ý chỉ của ba tính được phát minh đủ ở trong Sinh Vô Sinh Luận1, ở đây không kể nhiều.
1 Sinh Vô Sinh Luận: Do Ngài Truyền Đăng đời Minh soạn, gồm một quyển. Trong luận này, tổng hợp tinh hoa của các bộ kinh luận, nhằm làm rõ lý “Sinh” và “Vô sinh” trong giáo nghĩa Tịnh Độ. Luận chia thành mười môn, là một trong ba bộ luận quan trọng của giáo nghĩa Tịnh Độ.
Trình bày tông yếu của kinh.
Sớ: Chúng Thánh cùng một nơi, không phải người ít thiện căn được sinh tới; bảy ngày trì danh phải ở nhất tâm bất loạn.
Sao: Dưới đây giải thích đề trong năm chương, lấy Tín, Nguyện, Tịnh Nghiệp làm tông chỉ thiết yếu của một kinh. Nay thu gọn kinh văn để trình bày, chỉ nói về tịnh nghiệp. Bởi vì trong tam yếu (tín, nguyện, hành) thì tịnh nghiệp (hành) đứng vào phần chính. Câu đầu, tức như trong kinh nói:
“Bỉ Phật hữu vô lượng vô biên Thanh Văn đệ tử, giai A La Hán, phi thị toán số chi sở năng tri. Chư Bồ Tát chúng, diệc phục như thị” (Đức Phật kia có vô lượng vô biên những đệ tử Thanh Văn đều là bậc A La Hán, không thể tính đếm mà biết được. Chúng Bồ Tát cũng nhiều như thế). Lại nói rằng: “Cõi nước Cực Lạc, chúng sinh sinh về đấy đều là bậc bất thoái chuyển. Trong đó có rất nhiều vị Nhất sinh bổ xứ, số đó rất đông không thể tính đếm mà biết được, chỉ có thể nói là vô lượng vô biên A Tăng Kỳ”. Lại nói: “Chúng sinh ai nghe phải nên phát nguyện, nguyện sinh về nước ấy. Tại sao vậy? Vì được cùng với các bậc thượng thiện như thế đều ở một nơi”. Câu tiếp theo, tức như trong kinh nói: “Chẳng thể lấy nhân duyên thiện căn phúc đức ít mà được sinh về nước kia”. Bởi vậy nói rằng chúng Thánh cùng ở, không phải ít thiện mà được sinh.
Câu thứ ba, câu thứ tư, tức như trong kinh nói: “Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào nghe đến Đức Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu của Ngài từ một ngày cho đến bảy ngày đạt đến nhất tâm bất loạn”. Đó chính là rừng quỳnh ao ngọc hiện ngay ở nguồn tâm, thọ lượng và quang minh rõ cả ở tự tính. Chúng sinh từ vô thủy cho đến nay do nhân duyên hôn mê vọng động, trôi dạt trong ngũ trược, không trở về được nơi nhất chân. Nay sắp trở về cội gốc, trước không soi tối tĩnh động. Bảy ngày chấp trì danh hiệu là để soi vào cái bóng tối ấy vậy; nhất tâm bất loạn là để làm yên lặng cái vọng động ấy vậy. Nếu hôn mê vọng động tạm quên đi thì đợi gì Chân Không ở đâu nữa? Ví như bụi sạch kính sáng, gió yên sóng lặng. Nhưng bảy ngày chấp trì danh hiệu mà được lên ngôi bất thoái, chính làm rõ giáo pháp thuộc về Viên Đốn, không đợi một đời sức nguyện rộng sâu, cho vui cứu khổ. Sức công đức ấy bất khả tư nghì, thực là bến thiết yếu để ra khỏi sinh tử, là con đường hanh thông hành đạo Bồ Tát vậy.
Trình bày lực dụng của kinh.
Làm rõ lực dụng.
Sớ: Thể của sự lý là một, chúng sinh với Phật vốn cùng; lòng từ vô duyên, không phải mưu kế mà hợp.
Sao: Phần tác dụng của kinh này là lìa khổ được vui, tức trong kinh dạy: “Người đó tới khi mệnh chung, Phật Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ở trước họ. Người đó khi chết, tâm không điên đảo, liền được vãng sinh về cõi nước Phật A Di Đà”. Thế thời lực dụng này quan hệ với cho vui bạt khổ, cái công “dữ bạt” ở chỗ cảm ứng. Chúng sinh phải lấy nhất tâm trì danh làm “cảm”; Đức Di Đà lấy bạt khổ cho vui làm “ứng”. Đạo bạt khổ gốc ở tâm bi, đạo ban vui gốc ở tâm từ. Quan hệ cả về tính thiên sẵn có, không hề miễn cưỡng. Người tu hành thời lấy sự lý làm một, cái đạo chúng sinh với Phật vốn cùng là cảm. Phật Di Đà thì lấy lòng từ vô duyên đạo không mưu tính là ứng. Há không phải Đức Di Đà không đến mà đến, đến cõi Sa Bà này tiếp dẫn người tu hành; người tu hành không đi mà đi, đi đến nước Cực Lạc kia yết kiến lễ bái Đức Di Đà. Đây là nghĩa lý cơ bản làm căn cứ lực dụng của kinh này.
Công huân phát sinh.
Sớ: Hiểu rõ vốn đủ là duy tâm thì ức cõi không xa; biết nhờ được đại nguyện thì tắt ngang ba kỳ.
Sao: Văn trên đã nói rõ cái gốc lý của lực dụng, nhờ đó mà niệm Phật cầu sinh. Hiểu được sự lý một thể, chúng sinh và chư Phật vốn cùng, thì phương xa mười vạn ức cõi đều vốn đủ ở tại tâm ta, tuy xa mà không xa. Biết được lòng từ vô duyên, không mưu kế mà hợp, thì 48 nguyện lớn vô duyên mà nhờ được, dòng thức cắt ngang. Lực dụng như thế há không siêu việt ư?
“Tắt ngang ba kỳ”: Thế là nói rõ siêu xuất ba cõi, có hai nghĩa dọc và ngang. Như ở Bà Sa Luận nói rõ Bồ Tát Tam Tạng tu lục độ vạn hạnh ba A Tăng Kỳ kiếp, trăm kiếp trồng nhân tướng tốt, về sau mới tiến lên bất thoái chuyển, được năm phận Pháp Thân. Đấy là theo chiều dọc mà ra, từ thấp lên cao, như con thỏ con ngựa qua sông, quanh co lâu rộng. Nếu ai y vào kinh này mà cầu sinh Cực Lạc, “nếu sinh rồi hay bây giờ mới sinh, hoặc sẽ sinh, đối với đạo Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác đều được bất thoái chuyển”.
Lại nói: “Chúng sinh nào sinh về đấy đều là bất thoái chuyển”. Như vậy, tắt ngang mà ra, là từ đây mà tới được cõi kia như con voi cản dòng chảy, một thoáng có thể được. Vì vậy lực dụng này rất là đặc biệt hơn cả.
Lý do trình bày lược chú.
Chính trình bày.
Lý do giải rộng.
Sớ: Văn kinh thì giản ước (ít gọn), ý Phật thì sâu thẳm; trì tụng tuy nhiều, nghiên cứu rõ thì ít.
Sao: Kinh này không ngoài nghìn lời, đủ giải thích cái ý duy tâm Tịnh Độ và bản tính Di Đà nên gọi là văn kinh ngắn gọn, ý Phật huyền vi. Huống nữa Phật Di Đà có nhân duyên đặc biệt với chúng sinh ở cõi Sa Bà. Vì vậy nghe pháp môn này ai cũng vui vẻ đón nhận, và kinh này ít lời dễ trì, hợp cơ dễ tin. Bởi thế dù Tăng hay tục, ai cũng đọc tụng thụ trì được. Văn thì rõ dễ xem nhưng lý sâu khó xét nên ít người nghiên cứu, đến nỗi ý Phật bị tối không rõ, thế nên các bậc tiền hiền giải thích thì phải rộng vậy.
Trình bày lý do lược giải.
Sớ: Các bậc tiền hiền trứ thuật, buồn kẻ mạt tục ít nghe.
Sao: Tiền hiền trứ thuật, như trình bày riêng sau bài tựa như các Ngài Từ Ân, Cô Sơn, v.v. đều có trứ thuật. Hoặc lời văn nhiều rộng, hoặc nghĩa lý thâm sâu, không dễ cho kẻ sơ cơ, cho nên thời mạt tục ít nghe, thời phần “lược” đời nay lại phải dẫn ra.
Chính trình bày lược giải.
Bắt đầu bài tựa của Ngài Khiêm Quang.
Sớ: Bắt chước lưu thông, lược kể viện dẫn.
Sao: Chữ “lưu thông”, lời sớ ở Kinh Kim Quang Minh nói rằng: “Lưu gọi là rót xuống dưới; thông gọi là không ùn tắc. Muốn cho nước chính pháp từ nay được chảy, đương lúc Thánh giáo ban truyền, không bị lấp cho đời sau”. Ngài Đại sư Khiêm Quang nói: “Ý riêng bắt chước cách lưu thông đại pháp của người xưa, vì thế lược bày viện dẫn các lời thành ngữ để làm lược giải. Nhưng ở trong đó dùng nghĩa mà không dùng từ, lược nghĩa mà không lược ý để thành lời nói một nhà, như đưa ra ngòi bút của một người, có thể gọi là người khéo về mặt trứ thuật.
Trình bày chí nguyện của mình.
Sớ: Nguyện với các đồng chí, rộng kết tịnh duyên, đều hợp với lý vô sinh, cùng lên ngôi bất thoái.
Sao: Hai câu đầu lấy lời giải riêng mà chung cho mọi người. “Dữ đồng chí”: Là rộng kết cái duyên nước Phật thanh tịnh. Hai câu thứ thì lấy cái ý muốn của mình mà thi hành với chúng, cùng với những ai nghe hợp ý lên ngôi vô sinh bất thoái, chính là các chí nguyện của Bồ Tát lợi mình kiêm cho cả người khác, mở ra tấm lòng đại bi của Đại sĩ tế độ rộng vậy.
Bên lề bài tựa.
Sớ: Pháp sư Từ Ân đời Đường trước tác một quyển Di Đà Thông Tán. Đời Tống, các Ngài Cô Sơn, Tịnh Giác, Linh Chi đều có sớ ký; Ngài Tam Cù Luân Sư, Cổ Nhai Tân Sư đều có tập chú.
Nay muốn theo lược qua để tiện cho sơ cơ. Vì vậy nêu ra riêng ở đây là theo với chí của các Ngài.
Sao: Từ câu “Đường Từ Ân” trở xuống, trình bày chú giải của các bậc thời xưa. Từ chữ “kim dục tòng” trở xuống, trình bày chỗ chú của mình. Kinh này trì tụng đã rộng, chú sớ hẳn nhiều. Bây giờ viện dẫn ra thì thấy nghe được, tính đầu ngón tay có sáu vị mà thôi. Vì tôi gần đây thấy được có khoa chú của Pháp sư Nguyệt Khê; khoảng niên hiệu Hồng Vũ, có khoa thích của Pháp sư Phả Trí; gần đây có sớ sao của Pháp sư Liên Trì. Nếu mà theo ý ngắn gọn thì bản giải thích này là hơn cả. Mong rằng những vị xem rộng cũng cứ theo chí của mình.
THÁP THỜ PHẬT TẠI CHÙA VIÊN MINH PHÚ XUYÊN HÀ NỘI