Đại sư Ấn Thuận
Việt dịch: Thích Quảng Lâm
Vào năm 1934, Đại sư Thái Hư giảng giải Kinh Dược Sư tại chùa A Dục Vương, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Khi đó, bởi pháp duyên thù thắng nên người đến dự nghe pháp rất đông, chúng đệ tử nhân đó đã ghi chép lại thành một bộ giảng ký vô cùng sâu sắc nhằm lưu lại cho hậu thế.
Riêng trong năm nay, thế giới phải gánh chịu nhiều tai ương, hoạn nạn với những trận lũ lụt, thiên tai lớn xưa nay chưa từng có trong lịch sử. Điều này càng thôi thúc chúng ta nên xiển dương pháp môn Dược Sư, chính là muốn đưa ra một phương pháp vô cùng hữu ích và ý nghĩa cho mọi người cùng thực hành. Bởi lẽ, các tai ương đó đều là do nghiệp lực của chúng sinh chiêu cảm, còn Phật giáo xuất phát từ lập trường từ bi, giải trừ khổ nạn cho nhân dân mà lập ra pháp môn tiêu trừ tai ách, giúp cho chúng sinh giải trừ nghiệp chướng, thoát khỏi các tai ương. Do vậy, bản tự tổ chức “Pháp hội Dược Sư” để cầu nguyện cho đất nước và toàn cầu. Trên từ nguyên thủ quốc gia, dưới đến quân nhân, quần chúng đều được tiêu tai, tăng tuổi thọ, trừ nạn tích phúc. Cho nên, trước lúc pháp hội bắt đầu diễn ra, Đại sư đã giảng giải về kinh này với mong muốn giúp mọi người hiểu rõ nội dung, ý nghĩa trong kinh, và cũng để cho những người tham dự pháp hội không chỉ nương vào phương diện uy lực hộ trì của Tam bảo, mà tự thân phải biết nương vào giáo pháp, tinh tiến tu trì mới có thể thực sự đạt được mục đích tiêu trừ tai ách như tâm nguyện. Đây là nhân duyên gần nhất để ngài giảng giải Kinh Dược Sư này.
Khi Đại sư Thái Hư giảng về kinh này, ngài nói có ba nhân duyên lớn:
1. Con người trong thời cận đại chú trọng đến đời sống an lạc ở hiện tại
Con người thời nay chú trọng vào hiện thực, mong cầu một đời sống thực tế lý tưởng và an lạc. An lạc mà Phật pháp bàn đến có ba loại: Một là an lạc đời này, hai là an lạc đời sau, ba là an lạc đưa đến thành tựu giải thoát.
Trên thế gian, con người thường gặp muôn vàn thống khổ bức bách, nên ai ai cũng mong cầu thoát khổ, hướng đến an vui. Thông thường, những mong cầu ấy chung quy đều không ngoài việc tìm cầu đời sống an lạc ở hiện tại, an lạc trong đời sau và an lạc đưa đến thành tựu giải thoát. Bởi vì, căn tính của mỗi người vốn dĩ khác biệt, sống trong hoàn cảnh, môi trường không giống nhau, nên cảnh giới an lạc mà họ mong cầu cũng có điểm sai khác. Do đó, có người thì mong cầu an lạc cho đời sau, có người lại tìm cầu an lạc nơi cứu cánh giải thoát. Trong thời đại ngày nay, đa số mọi người thường rất coi trọng đời sống an lạc trong hiện tại.
Đức Thế Tôn khai sáng đạo Phật trên tinh thần căn bản là dẫn dắt chúng sinh đạt được thành tựu, đời sống trở nên an lạc và giải thoát, nên Phật pháp còn được gọi là “Pháp xuất thế”. Tuy nhiên, lòng mong cầu của mọi người đều không giống nhau, nếu chỉ nói an lạc, cứu cánh giải thoát thôi thì e rằng không thể đáp ứng hết được ước nguyện của tất cả mọi người. Do vậy, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dùng phương tiện vừa chỉ bày pháp môn Dược Sư ở Tịnh độ Đông phương, vừa giảng giải pháp môn Di Đà ở Tịnh độ Tây phương. Từng có nhận định rằng, Đức Phật Dược Sư độ sinh (gia hộ cho người còn sống được trường thọ), còn Đức Phật Di Đà thì độ tử (độ cho người sắp mạng chung), thật ra đó cũng chỉ là lời nói chung chung mà thôi.
Nói một cách đúng nghĩa, pháp môn Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai ở cõi Đông phương phù hợp với những ai tìm cầu sự an vui trong đời sống thực tại. Còn pháp môn Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây phương thì hợp với những ai mong cầu an vui ở đời sau. Cả hai đều là phương tiện dẫn dắt chúng sinh bước vào cánh cửa Đại thừa, thành tựu giải thoát tối thượng.
Vốn xưa nay, bất luận là thế giới Tây phương Cực lạc hay thế giới Đông phương Thanh tịnh Lưu ly, thì không ai trong chúng ta có thể biết rõ. Phải đợi đến khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giới thiệu, chúng ta mới biết có những thế giới như vậy tồn tại. Đây đều là phương tiện thiện xảo, đại từ đại bi cứu độ trần gian của Đức Thế Tôn.
Vì muốn cho nhân loại đều được an vui trong đời sống hiện tại, nên Đức Phật Thích Ca đã chỉ bày pháp môn Tịnh độ của Phật Dược Sư ở cõi Đông phương; vì muốn dìu dắt nhân loại tìm cầu an vui ở đời sau, mà Ngài giảng dạy pháp môn Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Cả hai pháp môn này đều diệu dụng, được lưu xuất từ pháp môn thành tựu viên mãn rốt ráo giải thoát.
Đại sư Thái Hư đặc biệt xiển dương pháp môn Dược Sư là vì phần nhiều tín đồ Phật giáo thường thiên về pháp môn niệm Phật cầu sinh Tây phương Tịnh độ. Họ quá chú trọng đến thế giới an lạc được sinh về sau khi chết, điều này dễ dẫn đến sự ngộ nhận của các nhân sĩ trí thức trong xã hội đối với Phật pháp. Thật ra, điểm cốt yếu của đạo Phật là an lạc, giải thoát. Đức Thế Tôn nêu ra hai cõi Tịnh độ ở Đông phương và Tây phương là muốn cùng một lúc chỉ bày hai pháp môn đem đến niềm hỷ lạc, an vui cho mọi người, mọi loài ngay trong đời này và cả đời sau. Đại sư chú trọng đến pháp môn mang lại an lành cho con người trong đời sống hiện tại, và để thích ứng với căn tính của mỗi người, mà ngài đặc biệt xiển dương pháp môn Dược Sư nhằm phát huy diệu dụng nhiệm mầu của Phật pháp.
2. Tịnh độ Đông phương và tư tưởng người dân Đông Á
Đức Phật dạy: “Từ đây đi về Tây phương, trải qua mười vạn ức cõi Phật, có thế giới tên là Cực lạc”. Đồng thời Ngài cũng dạy: “Hướng về Đông phương, cách đây hơn mười hằng hà sa cõi nước Phật, có thế giới tên là Tịnh lưu ly”.
Không phải ngẫu nhiên mà Đức Phật đã khai thị hai pháp môn lớn này. Có thể nói, dù là cõi Tịnh độ Đông phương hay là cõi Tịnh độ Tây phương, nhất định đều mang một ý nghĩa chân thật. Sinh ra trên đất nước Ấn Độ với nền văn hóa hết sức đa dạng, Đức Thế Tôn nhận thấy hai pháp môn này rất phù hợp và có ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với thế giới nhỏ bé của chúng ta. Nếu tư tưởng của người dân ở phía Tây Ấn Độ phần nhiều có khuynh hướng giống với “Tịnh độ Di Đà”, thì đa phần tư tưởng của con người ở phía Đông Ấn Độ lại tương ứng với tinh thần “Tịnh độ Dược Sư”.
Từ lãnh thổ đất nước Ấn Độ hướng về phía Tây, tư tưởng tôn giáo của người dân, dù là Hồi giáo hay Cơ Đốc giáo, đều tôn thờ một vị thần. Họ cầu nguyện sau khi chết sẽ được sinh về cõi trời và đặt nặng về tín ngưỡng cũng như phúc lạc ở đời sau. Vậy nên, Đức Phật mở bày Tịnh độ Tây phương, không những đơn thuần chỉ cho chúng sinh thế giới Cực lạc cách đây hơn mười vạn ức cõi, mà còn đề cập đến các quốc gia ở phía Tây đất nước Ấn Độ, nếu biết chuyển nhơ uế thành thanh tịnh thì cũng chính là đang từng bước xây dựng thế giới Tịnh độ Cực lạc. Tuy nhiên, từ Ấn Độ hướng về phía Đông, chẳng hạn như đối với Trung Quốc thì tư tưởng không phải vậy. Khổng Tử nói: “Sự sống còn chưa biết rõ, làm sao biết được sự chết”. Điều đó cho thấy rằng, tư tưởng văn hóa Đông phương đặc biệt xem trọng phúc lạc hiện đời, điều này rất giống với tư tưởng Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư. Cho nên, Kinh Dược Sư rất phù hợp với lối tư duy của người phương Đông chúng ta.
3. Nương theo cõi Tịnh độ của Phật Dược Sư để xây dựng Tịnh độ nhân gian
Thường thì khi hành trì pháp môn Dược Sư, chúng ta chỉ chú trọng việc cầu nguyện cho tai qua nạn khỏi và khỏe mạnh, trường thọ, chứ không mấy ai quan tâm đến Đức Phật Dược Sư ở các kiếp trong quá khứ đã từng phát tâm Bồ đề, lập thệ nguyện lớn, thực hành hạnh đại bi, rồi sau mới thành tựu quả vị Phật, thành tựu thế giới Lưu ly thanh tịnh quang minh. Vấn đề này trong kinh đã đề cập rất chi tiết, vì thế khi tham gia pháp hội Dược Sư, chúng ta vừa nguyện cầu ân đức Phật Dược Sư gia hộ, đồng thời cũng nương theo hạnh nguyện từ bi mà Ngài đã phát nguyện, đã thực hiện, rồi theo đó áp dụng triệt để vào thực tiễn nhằm giúp cho mình và người được tịnh hóa, hoàn thành cõi Tịnh độ tại nhân gian.
Năm 1933, Viện trưởng Viện Hành chính Trung Hoa - Đới Quý Đào đã tổ chức pháp hội Dược Sư ở núi Bảo Hoa, và khuyến khích mọi người phát mười hai đại nguyện như Phật Dược Sư. Nếu chúng ta thực hành theo đại nguyện ấy, thì không chỉ những tai ương nhỏ bé của bản thân được tiêu trừ, mà ngay đến quốc gia, xã hội, thậm chí cả thế giới, cũng đủ khả năng chuyển hóa thành cõi Tịnh độ trang nghiêm. Cõi Đông phương Tịnh độ của Đức Phật Dược Sư được thành tựu là do y nơi bản nguyện công đức của Ngài. Nếu thực hành pháp môn này thì chúng ta có thể chuyển hóa từ thế giới ô trược tràn ngập muôn nghìn thống khổ thành thế giới Tịnh lưu ly, không còn thiên tai, dịch bệnh. Vì thế, chúng ta nghe giảng kinh này rồi thì nên theo sự hiểu biết và thực hành đó mà phát nguyện xây dựng Tịnh độ ở nhân gian.