Tựa đề của bản kinh này căn cứ vào lời dạy của Đức Phật thì có ba cách gọi:
1. Bản nguyện công đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai.
2. Thập nhị Thần tướng nhiêu ích hữu tình kết nguyện thần chú.
3. Bạt trừ nhất thiết nghiệp chướng.
Bản kinh lưu hành hiện nay lấy tựa đề theo cách gọi thứ nhất là Bản nguyện công đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai. Bởi vì, Bạt trừ nhất thiết nghiệp chướng (tiêu trừ tất cả các nghiệp chướng) chính là năng lực công đức bản nguyện của Đức Phật Dược Sư; còn Thập nhị Thần tướng nhiêu ích hữu tình kết nguyện thần chú, cũng là pháp môn hộ trì công đức của Phật Dược Sư, giúp cho chúng sinh có được lợi lạc từ pháp môn công đức này. Vì vậy, lấy tên Kinh Bản nguyện công đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là đã bao hàm cả nội dung, ý nghĩa, hạnh nguyện và công đức của Phật Dược Sư.
Về ý nghĩa “Dược Sư”: Thời nay, nói đến tên “Dược Sư”, người ta sẽ nghĩ ngay đó là người điều chế ra các loại thuốc chữa bệnh (dược sĩ bào chế thuốc).
Còn thời xưa thì ý nghĩa của hai chữ “Dược Sư” lại hàm nghĩa là vị lương y (bác sĩ chân chính). Trong đạo Phật, chúng ta thường xưng tán Đức Phật là “Vô Thượng Y Vương” hoặc là “Đại Dược Sư”, vì Đức Phật có năng lực chữa lành mọi thứ bệnh khổ cho tất cả chúng sinh.
Kinh điển có chép: Trong các hoạt động của sinh học và các chức năng của cơ quan trong cơ thể con người (sinh lý), có ba thứ bệnh khổ là già, bệnh, chết. Tâm lý cũng có ba thứ bệnh là tham lam, sân hận, si mê. Đức Phật ra đời cứu độ chúng sinh tức là chữa lành, làm tiêu trừ mọi thứ bệnh tật cả về thân lẫn về tâm của chúng sinh, thế nên mọi người mới xưng tán Đức Phật là Đại Y Vương, Đại Dược Sư. Chúng ta không thể đem danh hiệu Dược Sư, với một nghĩa cao quý, đặt ngang bằng với tên gọi của người pha chế thuốc bình thường được.
Thế nào là bệnh? Thế nào là thuốc? Bệnh là hiện tượng phát sinh do sự phá vỡ cân bằng và hòa hợp của cơ thể mà tạo thành, như trong kinh chép: “Một đại mà không hòa hợp thì trăm thứ bệnh phát sinh”. Trong cơ thể con người, nếu có một bộ phận nào đó không điều hòa thì sẽ sinh bệnh, và gây ảnh hưởng dẫn đến việc các đại (đất, nước, gió, lửa) xảy ra xung đột, chống trái lẫn nhau. Tâm lý con người cũng có những xung đột bất ổn, không hòa hợp giống như vậy. Nếu trong tâm chúng ta còn tồn đọng một vài vướng mắc thông qua những biểu hiện bất thường, hoặc giả như có nỗi phiền muộn nào đó thì sẽ rất dễ dẫn đến sự bất an cho cả tinh thần lẫn thể xác. Nếu nói như thế thì bệnh tật của thế gian này nhiều vô kể. Từ thân tâm của mỗi cá nhân, rộng hơn nữa là gia đình, quốc gia, xã hội cho đến toàn thế giới, ai mà không có đầy rẫy những bệnh tật. Ví dụ: Trong một gia đình, nếu cha - con, vợ - chồng, anh - em, chị - em không hòa thuận nhau, thì tất nhiên gia đình đó có “bệnh”. Mỗi một thành viên trong một tổ chức đoàn thể mà không đoàn kết hòa hợp thì đoàn thể đó đã có “bệnh”.
Nói rộng hơn, trong một đất nước mà hệ thống chính trị không đi đúng quỹ đạo thì đất nước đó sẽ đổ “bệnh”. Con người nếu không chịu hòa giải, thương thảo, không giúp đỡ lẫn nhau, không chung sức đồng lòng thì thế giới ấy ắt sẽ bị “bệnh”.
Và một điều tất yếu rằng, có bệnh là có khổ, cho nên, có bao nhiêu tai ương, hoạn nạn thì có bấy nhiêu đau đớn, khổ sở. Tất cả đều là mầm bệnh và những mầm bệnh ấy được sinh ra từ chính những mâu thuẫn, xung đột trong đời sống thường nhật của mỗi chúng ta. Ở phương diện cá nhân, thông thường, ai ai cũng đinh ninh là mình không có “bệnh”, nhưng theo quan điểm Phật giáo thì: “Con người không lúc nào là không có bệnh”, chẳng qua chỉ vì nó còn tiềm ẩn trong cơ thể nên tạm thời chúng ta chưa nhận ra mà thôi. Con người xưa nay luôn gắn liền với bệnh tật, bởi lẽ, đã sinh ra làm người thì hiển nhiên chúng ta phải có thân, có tâm, có lục phủ, ngũ tạng, v.v. và các chức năng sinh lý. Các nhân tố cấu thành nên thân thể này vận động không ngừng, phát sinh mâu thuẫn rồi sinh bệnh. Chỉ khi chúng ta khiến cho các nhân tố ấy nghiêng về một mức độ điều hòa ổn định nhất, thì thân thể lúc này mới tạm xem là khỏe mạnh. Từ ý nghĩa trên mà xét, thì tất cả thế gian đều có thống khổ, có tai ương hoạn nạn, tức là không ai mà không có bệnh tật.
Chúng sinh có bệnh nên cần thuốc để chữa trị, từ y dược đến pháp luật chính trị của thế gian, v.v. đều có thể được xem là “thuốc hay trị bệnh”. Nhưng ở trong Phật pháp, “thuốc hay” đó chính là lời dạy cao quý của Đức Phật (pháp Phật), cũng được gọi là “Pháp dược”, và duy chỉ có pháp Phật mới có thể chữa lành được tất cả các bệnh tật.
Như vừa mới nói, bệnh thì có đủ các chứng bệnh khác nhau. “Bệnh” luôn tồn tại và hiện hữu trong thân, trong tâm, gia đình, đoàn thể, quốc gia và trên cả thế giới, v.v. Hễ những gì có thể làm xoa dịu và dứt trừ bệnh khổ, khiến mọi nỗi khổ niềm đau biến thành an lạc thì đó đều gọi là “thuốc” cả. Do vậy, có thể thấy rằng, tất cả mọi thứ trên thế gian này đều được xem là “thuốc”, đâu đâu cũng có “thuốc”. Chẳng qua chúng ta không nhận thức được điều đó mà thôi. Nếu hiểu được rồi thì cái gì cũng có thể trị bệnh. Trước đây, có một người học nghề thuốc, lúc sắp tốt nghiệp, người thầy muốn kiểm tra trình độ học lực của học trò mình như thế nào, bèn bảo anh ta lên núi hái thuốc, và căn dặn: Hễ nhìn thấy bất kỳ cây thuốc nào thì cứ hái hết mang về. Kết quả là, người ấy đi hết một ngày nhưng lại trở về tay không. Người thầy hỏi: “Tại sao con lại về tay không vậy?” Anh ta điềm nhiên đáp: “Thưa thầy! Từ cỏ cây, hoa lá cho đến đất đá, cát sạn ở trên núi, có thứ nào mà không phải là thuốc. Thuốc nhiều vô kể như vậy, thử hỏi con làm sao lấy hết được!”
Nói như vậy để thấy, mọi thứ trên thế gian đều có thể là thuốc và đều có khả năng chữa bệnh, vấn đề là do người sử dụng thuốc không hiểu rõ dược tính của nó nên mới không biết cách tùy theo bệnh để phối thuốc mà thôi. Phật pháp là pháp uyển chuyển, chúng sinh có muôn vàn thứ bệnh thì Phật pháp dùng vô số pháp dược để đối trị. Bởi, pháp của Phật tùy theo căn bệnh của chúng sinh mà kê đơn, cho nên nói, nhân sinh có tám vạn bốn nghìn phiền não thì Đức Phật đưa ra tám vạn bốn nghìn pháp môn tương ứng để đối trị. Nếu có bệnh gì thì cứ lấy loại thuốc tương ứng để chữa trị, còn giả như cứ khư khư rằng, đây mới đúng là thuốc và kia thì không phải, tức là còn cách Phật pháp rất xa.
Liên quan đến vấn đề thuốc và bệnh như trước đã nói, ở đây bàn tiếp về người thầy thuốc có thể biết rõ nguồn gốc của bệnh và có thể dùng đúng thuốc. Phật pháp nói, có hai hạng thầy thuốc, đó là:
1. Tiểu Dược Sư: Y thuật không quá giỏi, trong tủ thuốc của vị ấy cũng chỉ có đôi ba loại thuốc và chỉ có thể chữa một vài chứng bệnh.
2. Đại Dược Sư: Trong tủ thuốc của vị ấy luôn đầy đủ tất cả các loại thuốc, cần loại nào có loại đấy. Hơn nữa, y thuật lại rất giỏi, có thể xem bệnh tận tình, kỹ lưỡng và khéo dùng thuốc hay, phù hợp với từng căn bệnh.
Đại Dược Sư dụ cho trí tuệ thâm sâu viên mãn, nguyện lực vĩ đại cũng như lòng từ bi rộng lớn của chư Phật, chư Bồ tát. Với vô số pháp môn, vô số diệu dược, các Ngài có thể chế ra và sử dụng trăm nghìn phương thuốc khác nhau một cách thuần thục, không bao giờ nhầm lẫn. Tùy theo muôn hình vạn trạng chúng sinh, hễ ai mắc chứng bệnh gì thì các Ngài liền chữa trị bằng thứ thuốc ấy. Còn vị Tiểu Dược Sư cố chấp vào một phương thuốc, một cách trị thì không bao giờ có thể sánh kịp.
Thầy thuốc trị bệnh, cách chữa trị phần ngọn và chữa trị tận gốc không giống nhau. Ví như đau đầu thì trị đau đầu, đau chân thì chữa đau chân, đó là chỉ trị ở phần ngọn; còn nghiên cứu, tìm hiểu căn nguyên của chứng bệnh rồi tìm ra phương cách loại trừ sạch nguồn gốc của bệnh, ấy mới là cách trị bệnh tận gốc. Tuy nhiên, cách chữa trị tốt nhất là vừa lo bồi dưỡng nguyên khí, vừa lo chuẩn bị đầy đủ các nhân tố để có thể ứng phó với căn bệnh, điều này cũng đồng nghĩa với việc đề phòng và ngăn ngừa từ khi chưa phát bệnh, đó mới là phương pháp trị bệnh tốt nhất.
Về phương diện tâm lý, như lời dạy (của chư vị tiền bối) là dùng cái thấy biết chân chính (chính tri kiến), tin sâu nhân quả và phải có niềm tin tuyệt đối vào ngôi Tam bảo. Về phương diện sức khỏe thì nhắc nhở chúng ta phải cẩn thận giữ gìn vệ sinh, siêng năng vận động, khéo quân bình lối sống của bản thân. Nếu biết trước, tự mình cân bằng trạng thái thân - tâm điều hòa thật tốt, thì cơ bản sẽ không phát sinh bệnh tật. Nếu không biết phòng ngừa bệnh trước, đợi sau khi có bệnh mới dùng thuốc trị thì đó chỉ là “hạ sách” mà thôi. Đây tuy là cách chữa trị cần thiết, nhưng xét cho cùng thì dĩ nhiên không bằng cách trước. Tục ngữ có dạy: “Bị đau bệnh tuy có thuốc chữa trị là tốt, nhưng đừng để đổ bệnh thì càng quý hơn”.
Phương pháp trị bệnh chú trọng việc chăm sóc, bồi dưỡng, giữ gìn cho thân tâm được khỏe mạnh, cân bằng sự phát triển các bộ phận trong cơ thể và loại bỏ các nhân tố gây bệnh. Bệnh trong mỗi gia đình, mỗi đất nước cũng áp dụng cách chữa trị giống như vậy. Nếu để sau khi có bệnh mới đưa đến bệnh viện chữa trị thì đã muộn rồi. Người thầy thuốc giỏi là người điều trị được cả bệnh nền lẫn bệnh mới phát sinh, vấn đề còn lại là tùy vào bản thân người bệnh. Nếu thầy thuốc dặn người bệnh hãy chú ý giữ gìn vệ sinh để phòng ngừa các vi khuẩn gây bệnh, mà anh ta không nghe thì đương nhiên khó thể lành bệnh.
Đức Phật trị bệnh cho chúng sinh cũng có hai cách là trị bệnh trên ngọn và trị bệnh tận gốc. Sau khi được quy y Tam bảo, người Phật tử có thể nương theo giáo pháp mà tinh tiến tu tập, từ trong hạnh nguyện mà dần dần được thể nghiệm. Các loại phiền não cùng với vô số khổ đau tự nhiên cũng dần dần được xoa dịu, cuối cùng là hoàn toàn biến mất, từ đó giúp người tu tập thành tựu được lý tưởng cao thượng. Thế nhưng, người bình thường khó lòng làm được như vậy, cũng bởi hằng ngày không chịu cố gắng tu tập; không giữ gìn, phát triển điều thiện lành; biếng nhác tìm hiểu, học hỏi; điều xấu thì không chịu bỏ, mà ngược lại, ngày càng sai phạm nhiều thêm; không biết điều phục thân tâm, không khéo sắp xếp việc nhà, lại chẳng giỏi điều hành đất nước, bệnh tuy nhẹ mà cứ để tràn lan, phát tán thì đau khổ biết bao!
Phật pháp vì muốn chữa trị các loại bệnh khổ nơi thân và tâm của chúng sinh, nên có pháp môn dứt trừ tai ương, khổ nạn. Đối với người bệnh, mặc dù không tránh khỏi bị chê trách rằng:
Bình thường chẳng biết thắp hương,
Đến khi gặp chuyện, tựa nương chân Ngài.
Song, nếu có thể mạnh mẽ, quyết tâm quay đầu, khẩn thiết sám hối tội lỗi, cầu nguyện Tam bảo gia hộ thì vẫn còn cơ hội dứt trừ tai ương, cuộc sống nhờ đó mới được an nhiên, hạnh phúc. Chỉ sợ là không biết bệnh, không chịu tìm thầy hay, thuốc tốt nên mới đành chịu chết một cách oan uổng mà thôi. Cho nên, nếu tha thiết, chí thành nương vào giáo pháp mà hành trì, thì khổ nạn chưa tiêu rồi cũng sẽ tự tiêu, phúc tuệ chưa tăng trưởng chắc chắn cũng sẽ tự lớn mạnh. Muốn cầu cho qua khỏi ách nạn, tiêu trừ tai chướng, tuổi thọ tăng trưởng, thì mọi người phải nên thực hành phương pháp trị bệnh cả gốc lẫn ngọn.
Theo pháp môn phương tiện của Đức Phật, trị bệnh còn có thể chia làm hai loại: một là chính trị, hai là kỳ trị. “Chính trị” là phương pháp trị liệu những bệnh thường gặp, “kỳ trị” là phương pháp trị liệu các bệnh đặc biệt. Lẽ dĩ nhiên, thuốc độc thì hại người, nhưng vào tay vị bác sĩ giỏi thì thạch tín cũng có thể bào chế thành thuốc hay. Đây cũng chính là phương pháp điều trị đặc biệt để chữa trị các căn bệnh hiếm, lạ. Tuy vậy, phương pháp điều trị theo cách “kỳ trị” này không phải dễ vì thường nảy sinh nhiều nguy hiểm. Các phương pháp chữa trị thông thường xem ra vẫn ổn định và an toàn hơn, không dẫn đến biến cố ngoài ý muốn.
Phương pháp trị bệnh cho chúng sinh của Đức Phật cũng có hai cách: phương pháp điều trị thông thường và phương pháp điều trị đặc biệt. Ví dụ như, Đức Phật nói về vô ngã. Đó là cách điều trị căn bản, thông thường, nhưng có một số người lại không thể hiểu rõ, lòng sinh hoang mang hoặc giải thích sai lạc ý chỉ của Phật, từ đó mạt sát nhân quả, từ bỏ điều lành, chạy theo điều ác. Đức Phật đối trị hạng người này không thể không nói đến hữu ngã, để có thể sửa đổi những thiên kiến sai trái của họ. Sự ứng dụng linh hoạt bằng vô số phương tiện để cứu độ chúng sinh như thế của Đức Phật không thể nêu ra hết được. Nói tóm lại, hễ gặp chúng sinh mắc bệnh nào thì Ngài dùng loại thuốc đó để chữa trị. Con đường đẹp tuy xa nhưng bằng phẳng và dễ đi; con đường quanh co, khúc khuỷu tuy gần nhưng gập ghềnh, nguy hiểm. Về điểm này, người tu học Phật pháp trước hết cần phải hiểu rõ.
“Dược Sư”, vốn có thể được xem như danh hiệu chung của tất cả chư Phật, bởi lẽ, Đức Phật nào cũng có thể chữa trị “bệnh” cho chúng sinh. Đức Phật xem xét các loại bệnh trạng của chúng sinh rồi kê toa, đưa ra các đơn thuốc để sử dụng sao cho phù hợp; tám vạn bốn nghìn pháp môn, chính là tám vạn bốn nghìn phương thuốc hay để chữa lành các căn bệnh phiền não, đau khổ. Đại khái mà phân ra thì có: pháp dược của trời người, pháp dược của Thanh văn, pháp dược của Bồ tát tự lợi, lợi tha, v.v. Căn cứ theo ý này thì tất cả chư Phật đều là Vô Thượng Y Vương, đều là Đại Dược Sư.
Nhưng Đức Phật ở cõi Đông phương lại đặc biệt chú trọng đến việc tiêu tai, giải nạn, chú trọng việc điều trị bệnh cho mọi người, mọi loài, nên lấy tên “Dược Sư”. Dược Sư Vô Thượng cứu cánh tuy là danh hiệu Đức Phật, song nếu đệ tử Phật tu học theo giáo pháp của Đức Phật, hoặc tự học, hoặc giảng thuyết, làm lợi ích hóa độ cho mọi người, mọi loài, học tập pháp dược của Đức Phật, cứu chữa vô vàn bệnh khổ cho chúng sinh thì cũng có thể được gọi là Dược Sư.
“Lưu Ly Quang” cũng là danh hiệu của Đức Phật cõi nước Đông phương. Danh xưng Lưu Ly được đề cập ở đây không phải là đèn lưu ly, ngói lưu ly hay những vật dụng bằng ngọc lưu ly nào khác, mà là danh từ được lược dịch từ chữ “Bích lưu ly” của Phạn ngữ, dùng để chỉ cho một loại báu vật. Màu sắc của nó như bầu trời xanh vạn dặm không một gợn mây, lại như nước biển trong suốt thấu đến tận đáy, thể chất kiên cố như đá kim cương, là một loại trân bảo rất quý hiếm. Ở đây, chúng ta dùng ánh sáng rạng ngời, chói lọi và sáng đẹp, trong suốt của bảo lưu ly để ví với đức hạnh thanh khiết, cao vời của Đức Phật. Cũng chính vì thế, Đức Phật Dược Sư ở Đông phương mới lấy danh hiệu là “Lưu Ly Quang”.
Bảo lưu ly còn được dịch là “Bảo viễn sơn”. Y cứ vào lời dạy của Đức Phật, thì thế giới này của chúng ta, chính giữa là núi Tu Di, bao quanh ngọn núi này có bốn châu lớn. Bốn đỉnh của núi Tu Di đều được tạo thành từ các loại châu báu. Hướng đỉnh núi quay về Nam Thiệm Bộ Châu được tạo thành từ bảo lưu ly. Ánh sáng rực rỡ của đỉnh núi báu này phản chiếu trong không gian và hiện dần ra trên nền trời màu xanh tuyệt đẹp, thế nên lưu ly còn được dịch là “Bảo viễn sơn”. Đối với các nhà khoa học thời hiện đại thì việc trên bầu trời tại sao lại xuất hiện màu xanh, đương nhiên là có cách giải thích của riêng họ. Đức Phật sinh ra ở Ấn Độ, nên dùng kiến giải đương thời của các nhà khoa học Ấn Độ để lý giải rằng, đó là do sự phản chiếu ánh sáng của ngọc lưu ly.
Danh hiệu của chư Phật và Bồ tát được thành lập căn cứ vào uy đức và hạnh nguyện của quý Ngài. Uy đức của Đức Phật vốn cao tột, không có sự hoàn mỹ nào có thể sánh được, vậy nên chúng ta chỉ có thể dựa trên một đặc tính nào đó của Đức Phật (như tự lợi hoặc lợi tha), hay dùng hình ảnh thí dụ để miễn cưỡng giải rõ nghĩa lý. Ví như Tu Di Sơn Vương Phật, là dùng sự nguy nga, cao lớn của ngọn núi Tu Di để sánh với uy đức vĩ đại, cao quý của Đức Phật. Cũng như Chiên Đàn Hương Phật, bởi hương thơm từ uy đức của Phật bay xa, không giới hạn vùng trời, quốc độ nên lấy Chiên đàn hương mà lập danh hiệu. Lại như Lôi Âm Vương Phật, được hình dung là pháp âm của Đức Phật vang động khắp nơi, như tiếng sấm trong hư không làm rung chuyển cả thế giới. Danh hiệu của chư Phật nương theo uy đức hoặc lấy từ thí dụ mà lập; danh hiệu Lưu Ly Quang đây cũng từ hình thức so sánh ẩn dụ nhằm ca ngợi tính đức của Phật mà thành.
Hàm nghĩa thâm sâu trong danh hiệu Lưu Ly Quang, sau đây sẽ được khái lược trong hai ý:
1. Căn cứ vào tâm tính của chúng sinh: Bản kinh này cho rằng: Cõi Phật ở Đông phương là thế giới Tịnh lưu ly, danh hiệu của Phật là Lưu Ly Quang Như Lai. Có hai vị Bồ tát là Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu cùng Đức Phật tuyên dương chính pháp. Như trước đã nói, bảo lưu ly chính là Bảo viễn sơn, ánh sáng lưu ly là màu sắc do Bảo viễn sơn phản chiếu vào hư không. Nhưng ở đây, hai vị Bồ tát này lại lấy danh hiệu để hiển bày công đức, như mặt trời, mặt trăng chuyển động trong không trung, tỏa ánh sáng soi chiếu khắp mọi nơi. Tất cả mọi người, mọi loài, trong quá trình sinh tử luân hồi đều có xu hướng và mong cầu hướng đến những điều tốt đẹp và hoàn mỹ. Đức Phật dựa theo tâm tính của chúng sinh nên đã lấy sự trong xanh, sáng đẹp của bầu trời và hình ảnh mặt trời, mặt trăng để biểu trưng cho đức tính của Như Lai.
Hướng đến điều tốt đẹp, hoàn mỹ là sự khao khát, mong cầu chung của cả nhân loại, đó cũng là yêu cầu tối thiểu của bất kỳ một tôn giáo nào. Phật giáo vốn chú trọng về chân lý và trí tuệ; đa thần giáo thì sùng bái mặt trời, mặt trăng; Cơ Đốc giáo thờ Thiên Chúa, tuy nói là không hình không tướng nhưng có thể thấy Thượng đế cũng là ánh sáng chói rạng; hay như Ấn Độ giáo sùng bái đấng Phạm Thiên, ý nghĩa của chữ Thiên (tiếng Phạn là Đề bà) cũng có nghĩa là ánh sáng.
Sở dĩ, nhân loại dành sự kính ngưỡng đối với ánh sáng của mặt trời, mặt trăng hay khát khao một bầu trời trong xanh, thoáng đãng, v.v. tất cả cũng chỉ là biểu hiện của lòng khát vọng, mong cầu những gì tốt đẹp và tươi sáng. Nhu cầu tự nhiên của nhân loại là hướng đến điều tươi đẹp, nhưng do nền tảng hiểu biết còn ấu trĩ nên mới mù quáng đặt niềm tin vào thần thánh (thần mặt trời, thần mặt trăng), ma quỷ, mà không thể tự mình hiểu được nghĩa chân thực của việc ngưỡng mộ ánh sáng trí tuệ, quy hướng Đức Phật ấy cốt là để phát khởi nguồn sáng chân thật của Chân tâm Phật tính. Do vậy, pháp môn Dược Sư lấy sự cao rộng, khoáng đạt của bầu trời xanh và ánh sáng trong suốt của mặt trăng, mặt trời để biểu thị công đức của chư Phật và chư Bồ tát, hiển bày cảnh giới siêu việt cùng lý tưởng cao thượng cho nhân loại.
Ánh sáng của thế gian không gì sánh bằng ánh sáng rực rỡ của mặt trời và ánh sáng dịu dàng của mặt trăng. Hai loại ánh sáng này đều là ánh sáng của sự thanh tịnh, tượng trưng cho hy vọng và hạnh phúc. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì chúng vẫn có các đặc tính khác nhau.
Ở đây, ánh sáng của mặt trời luôn ấm áp bởi nguồn nhiệt lượng vô cùng phong phú, nên dưới sự soi sáng của mặt trời thì tất cả vạn vật đều hiển bày một cách rõ ràng. Điều này dụ cho ánh sáng của trí tuệ có thể mang hơi ấm đến khắp nơi, soi thấu tất cả sự mông muội, thấu triệt chân lý của các pháp thế gian lẫn xuất thế gian.
Còn mặt trăng với ánh sáng mát dịu, bình yên, u nhã và tĩnh mịch. Trong đêm tối, ánh trăng chiếu sáng thanh khiết, trong suốt, dẫn lối cho người đi đường tránh được các hiểm nguy, hàm chứa trọn vẹn ý nghĩa từ bi cứu độ cao cả. Trong khi ánh sáng của mặt trời mang đến cho con người sự ấm áp, nguồn sáng, hạnh phúc và hy vọng, thì ánh sáng của mặt trăng lại đem đến cho con người cảnh giới của sự thanh lương, mát mẻ, an ổn, u nhã và tĩnh mịch. Ánh sáng cùng với hơi ấm ấy có thể thúc đẩy chúng ta thêm phấn khởi, hướng thượng. Song song với nguồn ánh sáng ấm áp ấy là sự nhẹ nhàng và an tịnh, đủ sức tôi luyện tâm tính, giúp chúng ta trở nên tự tại và an định, đây là mục tiêu mà tất cả con người cần đạt đến.
Trong thế giới hiện thực này, ai ai cũng đều có khuynh hướng mong cầu những gì tươi sáng, tốt đẹp hơn. Con người cần sự tươi mới của con người, xã hội cũng cần có những bước “lột xác” của xã hội. Trung Quốc thời xưa có bốn chữ “Quang thiên hóa nhật”, dùng để diễn tả một xã hội xán lạn, rực rỡ. Hiện nay, đất nước Trung Quốc sử dụng lá cờ nền đỏ làm quốc kỳ, biểu trưng cho mong muốn toàn thể nhân dân Trung Quốc từ nay trở về sau sẽ có được cuộc sống tự do, bình đẳng, luôn tươi mới và hạnh phúc.
Hoàng đế Võ Tắc Thiên đời nhà Đường luôn ôm ấp hoài bão có thể đưa tư tưởng Phật giáo vào chính trị. Bởi vì bà mong muốn thể chế đất nước vận hành theo con đường đúng đắn nhất, và đương nhiên, khi đó toàn dân đều sẽ được sống trong hạnh phúc, an vui. Vì vậy, bà đã chủ ý đặt ra chữ “Chiếu” để làm tên cho mình; “曌” đọc là chiếu, nghĩa là mặt trời (日), mặt trăng (月) gần kề với không gian (空). Do đó, có thể thấy rằng, Võ Tắc Thiên luôn mong mỏi một viễn cảnh hạnh phúc, tươi sáng như thế hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, những gì đề cập trên đây chỉ là khuynh hướng mong cầu một cuộc sống tươi sáng hơn mức bình thường của hầu hết nhân loại. Điều thực sự có thể đưa chúng ta đạt đến mục tiêu cuối cùng, khiến con người đạt đến cảnh giới chân lý rốt ráo duy chỉ có Phật pháp. Do đó, chỉ có những ai đang đi trên lộ trình học Phật, hành pháp mới có thể thành tựu viên mãn, rốt ráo đời sống tu tập, mới có khả năng đưa chúng ta đạt đến cảnh giới của trí tuệ vĩnh cửu, không còn giới hạn.
2. Căn cứ vào cảnh giới của Đức Phật: Cảnh giới tự chứng của Phật là bình đẳng, không có sai biệt, lìa tất cả tướng trạng, vốn không thể dùng ý nghĩ tư duy hay lời nói mô tả mà luận bàn được. Căn cứ từ việc xa lìa vô minh, u tối mà hiển bày sự chứng ngộ để nói, thì có thể gọi cảnh giới tự chứng của Phật là pháp giới thanh tịnh như hư không trong suốt; hoặc căn cứ từ chân tính hiện chứng mà nói, thì gọi là “Tất cánh không” hoặc là “Tính không”. Lưu Ly Quang, chính là cảnh giới tự giác của Đức Phật Dược Sư.
Trí tuệ như như khế hợp với lý như như, trong pháp giới bình đẳng hiện bày vô biên quang minh (công đức thanh tịnh) chiếu diệu vắng lặng, bình đẳng không khác, hoàn toàn không phải là một vòng đen tối, hỗn độn; nên ví dụ cho cảnh giới tự chứng của Phật là Lưu Ly Quang. Cảnh giới viên mãn của quả vị Phật là bất khả tư nghì (không thể nghĩ bàn), nên trong các kinh dùng nhân đức của Bồ tát để biểu đạt quả đức của chư Phật.
Như Đức Phật Tỳ Lô Giá Na (cũng có nghĩa là Quang Minh Biến Chiếu), dùng danh hiệu của hai vị đại Bồ tát (Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền) để tán thán “Đại trí” và “Đại hạnh” của Đức Phật. Hoặc dùng danh hiệu của bốn vị Bồ tát (Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Địa Tạng Vương) để tán thán đức “Từ bi, Trí tuệ, Hạnh đức, Nguyện lực” của Đức Phật. Bản kinh này dùng danh hiệu hai vị Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu để tán thán đại trí tuệ (Nhật) và đại từ bi (Nguyệt) cứu độ tất cả mọi người, mọi loài của Đức Phật Dược Sư, giống như ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, tỏa chiếu khắp cả thế gian. Công đức vô lượng, vô biên của Đức Như Lai ở trong đức tính của hai vị đại Bồ tát này đã hiển lộ ra một cách trọn vẹn.
Do đó, Đức Phật Dược Sư còn gọi là Lưu Ly Quang Vương Phật, quốc độ của Đức Phật ấy gọi là cõi Tịnh lưu ly. Hai danh hiệu Bồ tát Nhật Quang Biến Chiếu và Nguyệt Quang Biến Chiếu là để nói lên ý nghĩa thâm sâu này vậy. Thế giới Tịnh lưu ly ở Đông phương biểu trưng cho pháp giới hiện chứng thanh tịnh của Đức Phật. Lưu Ly Quang biểu trưng cho đức tính khế chứng Vô thượng Bồ đề của pháp giới. Lưu Ly Quang (bầu trời trong xanh) là bản thể; mặt trời, mặt trăng vận hành trên nền trời xanh mà chiếu rọi ánh sáng khắp nơi. Có thể nói, tất cả đều từ diệu dụng của Lưu Ly Quang mà lưu xuất. Người Trung Quốc luôn xem trọng mặt trời, còn đối với mặt trăng thì sự ưa chuộng có phần hạn chế hơn, nên việc xem trọng sự ấm áp, quang minh và hy vọng là đã “rõ như ban ngày”.
Tuy nhiên, người Ấn Độ lại rất có hứng thú với mặt trăng. Chữ “Ấn Độ” có nghĩa là mặt trăng. Trong tư tưởng văn hóa của Ấn Độ (bao gồm cả Phật giáo), thường đặc biệt chú trọng đến đức tính an tịnh và thanh lương. Những năm trở lại đây, cục diện của thế giới ngày càng căng thẳng, trào lưu tư tưởng văn hóa càng lúc càng sôi nổi, đức tính yên tịnh, trong sáng của loài người cũng vì thế mà mỗi lúc một mất dần.
Xưa nay, động và tĩnh, náo nhiệt và an tịnh, rực rỡ với tỏa nhẹ, ấm áp với mát mẻ đều có sự hỗ tương nhịp nhàng để đạt đến sự cân bằng. Điều này đối với việc phát triển bản chất con người, hay sự bình ổn cục diện của thế giới đều vô cùng cần thiết. Chúng ta học Phật, từ phàm phu đạt đến quả vị của bậc Thánh, hay đạt đến cảnh giới của chư Phật thì nhất định phải phát huy đức tính này trên cả hai phương diện. Để đối trị với hạng người náo nhiệt cuồng loạn, cần chú trọng đến sự nhẹ nhàng và yên tĩnh. Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai đối với chuyện này đã có đầy đủ những phương tiện vô cùng viên mãn, nên mới có thể cứu chữa mọi bệnh tật, khổ nạn cho tất cả nhân sinh.
Kế đến là giải thích chữ “Như Lai”: Dược Sư Lưu Ly Quang là danh hiệu riêng của một Đức Phật, còn “Như Lai” là danh hiệu chung của tất cả chư Phật, chỉ cần chứng đắc Phật quả Vô thượng thì đều có thể gọi chung là “Như Lai”. Như Lai tiếng Phạn là “Tathāgata”, có ba nghĩa: Như Lai, Như Giải và Như Thuyết.
1. Như Lai: “Như” là hoàn toàn giống nhau, không có ý nghĩa sai biệt. Bồ tát đạt đến công đức viên mãn, đem trí tuệ siêu việt thể chứng chân lý rốt ráo, chân lý này được gọi là Như. Đức Phật khế hợp với chân như bình đẳng, không hai không khác, nên gọi là Như Lai.
2. Như Giải: Đức Phật với trí tuệ vô thượng, thông đạt tất cả pháp tướng của thế gian và xuất thế gian một cách chính xác, không mảy may điên đảo, lệch lạc, rõ biết đúng như thật tướng của pháp, nên gọi là Như Giải.
3. Như Thuyết: Đức Phật không chỉ chân thực giác ngộ mà đến cả thuyết pháp cũng như thật mà thuyết. Nên nói như thế nào thì nói như thế ấy, có như thật thì nói có, không như thật thì nói không, những lời nói ra đều khế hợp với lợi ích của mọi người, mọi loài. Cho nên, trong kinh tán thán Đức Phật là người luôn nói điều chân thật, nói như thật, nói lời không có hư dối, không có sai khác.
Như Lai, Như Giải và Như Thuyết là công đức của Đức Phật, tuy nhiên, vì không thể dịch cùng lúc cả ba nghĩa nên thường dịch là Như Lai.
“Bản nguyện công đức”: “Nguyện” là mong ước, “bản nguyện” là những thệ nguyện lớn lao mà Bồ tát đã phát khi còn là phàm phu. Tu học Phật pháp lấy việc phát nguyện làm đầu, có thể nói đây là điểm căn bản cho việc thành Phật. Bồ tát phát hoằng thệ nguyện khi còn là phàm phu, chuẩn bị hành Bồ tát đạo (Nhân địa). Bản nguyện của Bồ tát không chỉ chứa đựng ước nguyện chung của mười phương chư Phật (thông) mà còn mang một sắc thái riêng (biệt). Nguyện chung giống nhau như: nguyện thành Phật đạo, nguyện độ chúng sinh, và Tứ hoằng thệ nguyện: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, v.v.” gọi là thông nguyện, vì Bồ tát nào cũng đều phát những nguyện như vậy. Còn bản nguyện riêng đại loại như: Đức Phật A Di Đà phát bốn mươi tám lời nguyện, Đức Phật Dược Sư phát mười hai đại nguyện khi còn là phàm phu, ấy là biệt nguyện. Mọi người hay ngộ nhận rằng: phát nguyện càng nhiều thì công đức sẽ càng lớn, phát nguyện càng ít thì công đức sẽ càng nhỏ. Nên biết rằng, nguyện lực của chư Phật là bình đẳng, không có sai biệt.
Nguyện là động lực để phàm phu mau đạt đến quả vị Phật. Nếu không lập nguyện thì dù có cố gắng bao nhiêu cũng không thể chứng đạt. Không riêng gì tu học pháp môn Đại thừa, ngay cả học giáo pháp Nguyên thủy mà không lập nguyện thì cũng đồng nghĩa với việc đường tu không thể thành tựu. Thế nên, Bồ tát tu học, trước tiên cần phải xác lập chí nguyện rồi từ nơi nguyện mà lập hạnh, nương nơi hạnh mà chứng ngộ. Đức Phật A Di Đà và Đức Phật Dược Sư nơi Nhân địa của Bồ tát, phát đại nguyện rộng lớn và thực hành cho đến khi đạt được mục đích cứu cánh thì nguyện cũng thành tựu viên mãn. Tựa đề của kinh chỉ ghi “Bản nguyện công đức”, mà trong kinh thì lại nói đến “Hạnh nguyện rộng lớn”. Có thể thấy, hạnh nguyện là tâm yếu khi hiện thực hóa chí nguyện. Chúng ta mỗi ngày đều phát nguyện, nhưng hầu hết chỉ phát nguyện mà không đem ra thực hành, như thế thì không thể thực hiện mục đích học Phật là vì lợi mình và lợi người được.
“Công đức” không chỉ là làm vài việc Phật sự ở trong chùa. “Công” có nghĩa là công lực, chẳng hạn như: với việc thực hành bố thí, trì giới, nhẫn nhục, lễ Phật, tọa thiền, v.v. đều cần phải tận tâm, tận lực mà làm. “Đức” tức là đắc, nhờ vào sự tu tập mà có thành quả, làm một phần được một phần. Đó gọi là công đức. Nương nơi bản nguyện để thực hành và thành tựu được công đức, gọi là bản nguyện công đức.
“Kinh”: Phiên âm Phạn ngữ là “Sūtra”, vốn có nghĩa là sợi dây xuyên suốt và giữ chặt. Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài tùy nhân duyên mà thuyết pháp. Sau khi Đức Phật diệt độ, chúng đệ tử đã kết tập những lời dạy ấy, phân ra từng đoạn, từng chương mà hình thành nên những bộ kinh điển như bây giờ. Các pháp môn được sắp xếp rất xuyên suốt giống như từng đóa hoa, dùng sợi dây kết thành tràng hoa thì sẽ không rơi lạc. Kinh cũng giống như vậy, Đức Phật khi còn ở đời tùy lúc, tùy nơi mà nói pháp; nếu không tiến hành việc kết tập, e khó mà giữ gìn kho tàng Pháp bảo dài lâu được. Pháp của Phật nói là chân lý và đức hạnh rốt ráo, mãi mãi là chỗ cho chúng ta học tập và nương tựa, cho nên, kinh còn có hàm ý là phép tắc thường hằng. Lời Đức Phật nói gọi là “Kinh”, những gì đệ tử của Đức Phật phân tích lại chỉ gọi là “Luận” mà không gọi là “Kinh”, ở đây nhằm biểu thị sự tôn kính với lời Phật thuyết. Ở Trung Quốc, các loại điển tịch xưa có giá trị như: Thư, Thi, Dịch, v.v. đều gọi là kinh.
Trên đây là giải thích phân biệt tựa đề của kinh, bây giờ tổng hợp lại: Kinh là tên chung của tất cả kinh Phật, là giáo pháp mà Đức Phật giảng dạy. Bản nguyện công đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai là tên riêng của kinh này, là giáo pháp mà Đức Phật giảng dạy. Bản nguyện công đức là nói về việc nương nơi hạnh nguyện ở Nhân địa, Dược Sư Lưu Ly Quang là nương vào quả đức mà nói. Trong quả đức, Như Lai là tên gọi chung tất cả chư Phật, Dược Sư Lưu Ly Quang là tên gọi riêng của Đức Phật giáo chủ cõi Đông phương. Trong tên gọi riêng, chữ “Dược Sư” dụ cho đức tính đại từ bi của Phật, “Lưu Ly Quang” là hiển bày đại trí tuệ của Phật. Trong tựa đề kinh có “Nhân, Quả, Bi, Trí”; đến phần kinh văn sẽ khai thị đầy đủ về các khái niệm ấy.