Phật pháp tuy được giảng thuyết ở những nơi khác nhau, song vì căn tính của chúng sinh không đồng nên trong việc thuyết pháp cũng có sự khác nhau. Vì Đức Thế Tôn ra đời ở Ấn Độ, nên tất cả kinh Phật đều được biên chép bằng chữ Ấn Độ. Dùng kinh điển bằng chữ Ấn Độ đã được phiên dịch sang tiếng bản ngữ, thì chúng ta mới có thể hiểu được. Cho nên, công tác phiên dịch kinh tạng là vô cùng quan trọng. Trước đây, có rất nhiều chư vị tiền bối tổ sư đã nỗ lực cống hiến tâm huyết của mình cho sự nghiệp phiên dịch kinh tạng. Điển hình như dịch giả Tam tạng Huyền Trang, đã góp phần làm nên thời kỳ hoàng kim rực rỡ trong lịch sử phiên dịch của Trung Quốc.
Kinh này truyền đến Trung Quốc, được phiên dịch tổng cộng có năm bản sau:
1. Bản dịch thứ nhất, do Tam tạng Bạch Thi Lê Mật Đa La (Śrīmitra) đời Đông Tấn dịch, có tên là Kinh Phật thuyết quán đỉnh bạt trừ quá tội sinh tử đắc độ.
Chỉ có bản dịch này là không hoàn toàn lưu hành độc lập, thuộc một phần trong Kinh Phật thuyết quán đỉnh đại thần chú. Kinh Quán đỉnh thuộc về pháp điển của Mật bộ, có mười hai quyển, kinh này là quyển sau cùng. Thi Lê Mật Đa La, Hán dịch là “Cát Tường Hữu”; “Bạch” là thuộc dòng dõi vương gia nước Quy Tư. Thế nên, nói tóm lại, Tam tạng Bạch Thi Lê Mật Đa La là người nước Quy Tư.
2. Bản dịch thứ hai, do Pháp sư Tuệ Giản đời Lưu Tống dịch, có tên là Kinh Dược Sư Lưu Ly Quang, ngày nay đã bị thất truyền. Theo lời người xưa nói thì văn nghĩa của bản dịch này không được đầy đủ trọn vẹn.
3. Bản dịch thứ ba, do ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) đời Tùy Dạng Đế dịch, có tên là Kinh Phật thuyết Dược Sư Như Lai bản nguyện, bản dịch này hiện vẫn còn. Đạt Ma Cấp Đa, Hán dịch là “Pháp Tạng” hoặc “Pháp Hộ”, ngài còn dịch Nhiếp Đại thừa luận và Kim cương kinh luận của Bồ tát Vô Trước. Có thể nói, ngài là một vị học giả về Duy thức. Tuy nhiên, bản này không phải do một mình ngài dịch mà còn có thêm những người trợ dịch khác, cho nên mới nói là Đạt Ma Cấp Đa, v.v. dịch.
4. Bản dịch thứ tư, chính là bản đang được sử dụng để giảng giải ở đây, do Tam tạng Huyền Trang đời Đường dịch.
5. Bản dịch thứ năm, do Pháp sư Nghĩa Tịnh thời Võ Tắc Thiên đời Đường dịch, ước chừng cách Pháp sư Huyền Trang từ 20 đến 30 năm. Pháp sư Nghĩa Tịnh xuất phát từ Quảng Châu, theo đường biển qua các nơi như Việt Nam, Sri Lanka, v.v. trải qua biết bao gian nan mới tới được Ấn Độ và tham học các vị đại sư nổi tiếng khắp xứ Ấn. Sau khi về nước, ngài dịch kinh này, lấy tên là Kinh Phật thuyết Dược Sư Lưu Ly Quang Thất Phật Như Lai bản nguyện công đức, gồm hai quyển, nội dung rộng hơn so với bốn bản dịch trước.
Ở đây, bản kinh được đem ra giảng giải là bản dịch của Pháp sư Huyền Trang. Pháp sư Huyền Trang thì tất cả mọi người đều đã từng nghe danh, nhưng hầu như thông tin về ngài phần lớn đều từ tác phẩm Tây du ký. Tác phẩm đó vốn chỉ mang đến hình ảnh ly kỳ, thần thánh, pha chút phi thường chứ không đúng với sự thật lịch sử. Muốn biết về lịch sử chuẩn xác, đáng tin cậy thì chúng ta có thể đọc Từ Ân Tam tạng truyện trong Đại tạng kinh.
Ngài Huyền Trang vốn là người Hà Nam, sau khi xuất gia thì tham phương học đạo với các bậc danh đức khắp nơi. Khi nghiên cứu kinh luận, ngài xét thấy các kinh điển được dịch ở Trung Quốc có nhiều chỗ không đồng nhất với nhau, nghĩa lý cũng có chỗ chưa đủ tin cậy, khiến cho các học giả đời sau không biết y cứ vào đâu. Vì niềm khát khao đối với chân lý, muốn thấu triệt tinh hoa Phật pháp một cách trọn vẹn tại Ấn Độ, nên đại sư đã quyết tâm tìm đến đất nước Ấn Độ xa xôi và ở lại tu học tại đó ngót 17 năm. Sau khi kết thúc cuộc hành trình đi qua hơn một trăm quốc gia, học cả Thánh điển Đại thừa lẫn Nguyên thủy, đến năm Trinh Quán thứ 19, đời Đường Thái Tông, ngài mới thỉnh kinh trở về nước. Lúc ấy, từ hoàng thân quốc thích đến quần chúng nhân dân đều hân hoan vui mừng đón rước, cung kính lễ bái ngài. Sau khi trở về nước, ngài liền dốc sức vào sự nghiệp dịch thuật và đã để lại số lượng kinh sách đồ sộ, viết nên trang sử vô cùng huy hoàng trong lịch sử phiên dịch kinh điển.
Tác phẩm Tây du ký nói về hành trình Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, từng trải qua chín lần chín là tám mươi mốt (9 x 9 = 81) nạn, nếm đủ mọi khó khăn, khổ nhọc của chốn nhân gian. Sự thật tuy không phải như vậy, nhưng trên lộ trình cả đi lẫn về ấy, ngài cũng đã băng qua sa mạc mênh mông, vượt qua núi cao trùng điệp, quả thật nếm trải không ít gian nan vất vả. Vậy, tại sao Pháp sư Huyền Trang cùng các vị cổ đức khác lại phải mạo hiểm chịu nhiều gian khổ để đến Ấn Độ thỉnh cầu kinh tạng như thế? Đó là vì các ngài biết được Phật pháp có khả năng cứu độ chúng sinh, giúp cho toàn nhân loại lìa khổ được vui, bởi vậy mới không quản ngại nguy hiểm, chẳng màng đến chuyện sống chết. Chính sự thôi thúc mãnh liệt của tâm đại bi, mong muốn đem đến lợi ích cho mọi người, mọi loài mà dù hy sinh bản thân mình, quý ngài cũng không quản ngại. Nói về việc dấn thân trên con đường thỉnh kinh, người xưa từng có câu:
Người đi có đến hàng trăm,
Khi về chẳng được lấy năm mười người.
Thế mới hay, việc thỉnh kinh gian nan, nguy hiểm biết nhường nào! Do đó, không thể phủ nhận kinh điển được phiên dịch hoàn toàn là nhờ vào thành quả mà các vị cổ đức đã đánh đổi bằng cả thân mạng của mình. Hiện nay, chúng ta có thể đọc được các Thánh điển này, thì nên “uống nước nhớ nguồn”, cảm niệm ân đức của chư vị tổ sư tiền bối.
“Đường” là chỉ cho triều đại nhà Đường, hoàng đế mang họ Lý. “Tam tạng” là bao gồm ba tạng Kinh - Luật - Luận. Bởi vì Pháp sư Huyền Trang tinh thông trọn cả ba tạng Thánh điển nên người đương thời mới tôn xưng ngài là “Tam tạng Pháp sư”. Bản kinh này ngài phụng theo ý chỉ của hoàng đế mà dịch ra, nên cũng gọi là “Phụng chiếu dịch”.
Bây giờ, chúng ta hãy cùng bàn qua về những điểm giống và khác nhau của năm bản dịch: Bốn bản dịch trước của bản kinh này có sự giống nhau, riêng bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh lại có chút khác biệt. Các bản dịch trước chỉ nói đến cõi Phật Dược Sư, bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh thì đề cập đến bảy cõi Đức Phật. Chẳng hạn, nói: “Đông phương cách đây, qua bốn hằng hà sa số (số cát sông Hằng) cõi Phật, có thế giới tên là Vô thắng. Phật có tên là Thiện Danh, còn gọi là Cát Tường Vương Như Lai…”, cho đến: “Đông phương cách đây, qua chín hằng hà sa số cõi Phật, có thế giới tên Thiện trụ bảo hải, danh hiệu Phật là Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông Như Lai…”. Sáu đoạn trong kinh này đều khác với bốn bản dịch trước. Đến phần nói về cõi Tịnh độ Dược Sư Như Lai thì giống với bốn bản dịch kia. Song, trong phần giống ấy lại có chút khác biệt:
1. Bốn bản dịch trước, sau khi Phật tuyên thuyết thần chú xong, chỉ nói đại chúng được nghe danh hiệu của Phật Dược Sư mà được lợi ích. Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh thì nói, nhờ nghe danh hiệu bảy Đức Phật liền được lợi ích.
2. Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh nói: Khi Dược xoa Thần tướng nghe danh hiệu bảy Đức Phật xong bèn phát nguyện hộ trì Phật pháp, lúc ấy, đại chúng cùng đứng dậy, và bảy Đức Phật liền đến pháp hội chứng minh cho việc ấy, v.v. là các đoạn văn mà những bản dịch trước không có.
3. Bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh nhiều hơn ở phần bảy Đức Phật nói chú, gọi là Định Lực Lưu Ly Quang.
4. Bản dịch của ngài Huyền Trang không có các vị thần Kim Cương, Phạm Thiên và chư Thiên nói ra chú ngữ. Trong bản dịch của ngài Huyền Trang mà chúng ta hiện đang y cứ có một đoạn về Dược Sư Như Lai nói thần chú, cũng từ bản dịch ngài Nghĩa Tịnh trích ra rồi chép thêm vào.
Riêng bản dịch của ngài Bạch Thi Lê Mật Đa La cũng có chú ngữ, song không phải để ở giữa kinh mà chỉ thêm vào phần cuối kinh. Về điểm này, Đại sư Thái Hư từng luận bàn: Phật pháp, không riêng Phật giáo Nguyên thủy mà ngay cả Phật giáo Đại thừa cũng là tùy xứ sở mà có khác, tùy thời đại mà có sự cách biệt. Sau khi Phật diệt độ 100 năm, đạo Phật Nguyên thủy phát triển rầm rộ, Đại thừa vẫn còn tiềm ẩn. Sau đó khoảng 500 năm đến 800 năm, Đại thừa bắt đầu thịnh hành, Mật giáo thì chưa hưng thịnh lắm, về sau mới dần dần phát triển, đây là do từng thời điểm mà có sự khác biệt.
Vị dịch giả thứ nhất, Tam tạng Bạch Thi Lê Mật Đa La là người Quy Tư. Mật tông đã sớm lưu truyền ở Quy Tư, cho nên ngài đã biên dịch Kinh Đại quán đỉnh thần chú. Lúc ngài Nghĩa Tịnh đến Ấn Độ, đúng vào thời điểm Thánh điển Mật giáo đang thịnh hành, nên Tam tạng Nghĩa Tịnh đã dịch những bộ kinh điển thấm nhuần sắc thái về Mật tông sâu đậm, còn ngài Huyền Trang và Đạt Ma Cấp Đa, v.v. thì ít hơn.
Ở đây sẽ luận bàn thêm về mối liên hệ giữa hai pháp môn Tịnh độ và Mật tông. Trước đây, có một vài hành giả Tịnh độ tông không hài lòng với Mật tông; ngược lại, các học giả Mật giáo cũng ít nhiều xem thường Tịnh độ. Thực ra, Tịnh và Mật có mối tương quan rất mật thiết, và tính chất của cả hai cũng khá gần gũi. Đem so với bản kinh này, nếu trừ phần chú ngữ ra, thì đúng là pháp môn Tịnh độ; thêm phần chú ngữ vào lại đồng với Mật bộ. Trong Kinh A Di Đà thì thuần là pháp điển Tịnh độ, nhưng Bạt nhất thiết nghiệp chướng căn bản đắc sinh Tịnh độ Đà la ni lại thông với Mật bộ. Điểm này tương đồng với bản Kinh Dược Sư chúng ta đang đề cập, cũng bàn về thần chú “Bạt trừ nhất thiết nghiệp chướng”.
Lại nữa, không luận là Tịnh độ hay Mật giáo, dù là Đức Phật hay Bản Tôn thì sức gia hộ của các Ngài đều rất được xem trọng. Nguyện lực của Phật A Di Đà hay bản nguyện của Phật Dược Sư đều vô cùng quan trọng. Hành giả đối với pháp lực không thể nghĩ bàn của Đức Phật hay Bản Tôn đều phải tín tâm một cách trọn vẹn, tuyệt đối không còn một chút ý niệm nghi ngờ nào. Vả lại, niệm chú ở Mật bộ và niệm Phật ở Tịnh độ đều là dùng miệng phát ra âm thanh, làm phương tiện cho sự tu hành. Mật tông tu quán, quán tưởng đối tượng Bản Tôn và tông phái mình sùng bái, ví như chư vị Bồ tát: Đại Nhật Như Lai, Quán Âm, Văn Thù, v.v. cùng các vị thần Kim Cương như: Bất Động, Diêm Mạn Đức Ca (Phạn: Yamāntaka), v.v. đến lúc quán hạnh được thành tựu, Bản Tôn hiện tiền, tức có thể cùng nhau đàm luận và được khai thị pháp ngữ. Nếu quán tưởng niệm Phật của pháp môn Tịnh độ tu tập thành tựu, thì Đức Phật sẽ thị hiện ngay trước mặt, như Kinh Bát chu tam muội từng nói. Cả hai pháp môn này đều gần gũi và tương trợ lẫn nhau. Chẳng hạn như Kinh Dược Sư hiện đang giảng giải đây, dạy chúng ta tụng kinh hoặc trì chú, có thể nói là đều thuộc về phương pháp tu hành của Hiển giáo. Các đại sư Mật giáo như Kim Cương Trí, Bất Không, Nhất Hạnh Tam tạng, đều từng ứng dụng nghi quỹ của Kinh Dược Sư, cho nên kinh này thông cả pháp môn Tịnh độ lẫn pháp môn Mật giáo, thông cả Hiển và Mật.