Tôi nghe như vậy: Một thời Đức Thế Tôn du hóa các nước, đến thành Quảng Nghiêm, nghỉ dưới cây Âm Nhạc.
Toàn bộ bản kinh này chia làm ba phần lớn: Duyên khởi, Chính tông và Lưu thông. Thuật lại nhân duyên Đức Phật nói kinh này, là phần Duyên khởi. Từ đây mà dẫn khởi và trình bày toàn bộ chủ đề chính của kinh, thuộc về phần Chính tông. Đức Phật thuyết pháp không chỉ dành cho thính chúng hiện tiền mà xa hơn nữa còn thuyết cho chúng sinh ở đời vị lai, nên lại phải phó chúc lưu thông để làm lợi ích mãi mãi, ấy gọi là phần Lưu thông.
Trong phần Duyên khởi lại chia làm hai: trình bày về sự chứng tín và đỉnh lễ thỉnh Phật nói pháp, còn được gọi là thông tự và biệt tự. Trình bày về sự chứng tín là thuật lại việc Đức Phật thuyết pháp ở nơi nào, vào thời điểm nào, vì những người nào mà khai thị kinh này, cho đến việc lúc ấy trong đạo tràng thính chúng gồm có bao nhiêu người, để biểu thị rằng: người kết tập kinh điển đúng là đã từng nghe Đức Phật dạy chứ không phải do bản thân tự ý đặt ra, như vậy mới có thể tạo được sự tin tưởng và kính ngưỡng của người đời sau. Đại trí độ luận nói rằng: “Nói có thời gian, có địa điểm, có con người là để làm cho mọi người sinh khởi niềm tin”. Giống như trong thời hiện đại, vị thư ký hội nghị có trách nhiệm phải ghi chép thời gian, địa điểm, số người tham dự và đề án thảo luận của họ để nói lên rằng: lịch sử là có căn cứ sự thật, có thể tra cứu. Thánh điển Phật giáo không giống với kinh sách của ngoại đạo. Kinh sách của ngoại đạo không nêu ra được xuất xứ cụ thể, thay vào đó thường mượn bóng thánh thần, cho là do trời giáng xuống hoặc là xuất hiện từ trong hang động, thậm chí còn nói là nhờ lập đàn cầu thỉnh mà thấy biết được.
“Như thị ngã văn” (tôi nghe như vậy), nói về pháp môn đã được nghe, tức là nói: lời Phật dạy trong bộ kinh này như vậy. “Thị ngã” (chỉ người kết tập) là ý nói chính mình đã nghe được. Đây là câu nói của các vị đệ tử, căn cứ vào mỗi lần kết tập kinh điển sau khi Đức Phật nhập diệt. Thời ấy, Đức Phật thuyết pháp không giống như chúng ta hiện nay có ghi chép hay thu âm, mọi người đều được nghe từ chính kim khẩu của Ngài. Ngài A Nan (Ānanda) hoặc một vị nào đó, khi kết tập kinh điển đều sẽ mở đầu bằng câu nói “Như thị ngã văn” ở trước mỗi bộ kinh, nhằm để xác chứng là được nghe từ Đức Phật. Câu này vừa đơn giản vừa dễ hiểu, nhưng người xưa thường từ sự giản đơn ấy mà diễn giải cho sâu thêm, nên mới có rất nhiều cách giải thích.
Bây giờ, nói một cách đơn giản: Căn cứ về phương diện nghĩa lý mà nói, thì pháp Đức Phật nói là có một không hai, nghĩa lý của nó tuyệt đối không có hai, nên gọi là “như”. Dùng văn tự để trình bày một cách phù hợp, truyền đạt hết ý nghĩa, nên gọi là “thị”. Văn tự và nghĩa lý đều chính xác và không sai lạc, nên gọi là “như thị”. Nghe, vốn là nghe bằng tai, nhưng chỉ nhờ vào lỗ tai thôi thì không thể trở thành cái nghe được, cần phải có ý thức và sự hiện diện cùng lúc của các nhân duyên khác mới có thể sinh ra công dụng nghe hiểu được. Căn cứ vào Thế tục đế thì sự hòa hợp của sáu căn, sáu thức, giả lập cho đó là ngã; giả ngã là chung, là tổng thể, căn thức là riêng. Cho nên bây giờ bỏ cái riêng, lập nên cái tổng thể, không nói từ tai nghe mà nói là tôi nghe, tức là “ngã văn” vậy.
Có nhiều người đặt nghi vấn rằng: Phật pháp luôn nói “vô ngã” nhưng trong đây vì sao lại nói là “tôi nghe”? Người đời vì không hiểu rõ Phật pháp, nên quả thật có không ít người nảy sinh mối nghi ngờ như vậy. Trước đây, có một chú Sa di nhỏ rất thông minh. Một hôm, lúc đang đọc tụng Tâm kinh, đến câu “không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý” thì chú chợt thắc mắc, bèn chạy đến chỗ sư phụ, sờ mắt, tai, mũi của chú rồi hỏi sư phụ: “Đây là cái gì?” Vị thầy đáp rằng: “Mắt, tai, mũi mà cũng không biết à?” Chú nói: “Tất nhiên, đây đúng thực là mắt, tai, mũi của con rồi. Vậy tại sao trong kinh lại nói là không mắt, tai, mũi, lưỡi, v.v. ạ?” Cuối cùng, vị thầy đã không thể trả lời được.
Lại nữa, thời xưa, có Pháp sư Đức Sơn giảng Kinh Kim cương rất hay. Ngài mang Chú sớ Kinh Kim cương đi tham vấn khắp nơi. Giữa đường, ngài thấy một cụ già đang bán các món điểm tâm, bèn nghỉ chân và dự định mua một ít để dùng. Cụ già hỏi: “Trong tay nải của ngài đựng thứ gì thế?” Ngài trả lời là: “Chú sớ Kinh Kim cương”. Cụ già lại hỏi: “Kinh Kim cương dạy: ‘Tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được’, vậy rốt cuộc ngài muốn ‘điểm’ cái tâm nào?” Ngài Đức Sơn không đáp được, bèn đem kinh sớ đốt hết.
Kinh Phật nói không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; nói ba tâm đều không thể được; sự thật là, các pháp thân - tâm này căn bản tồn tại một cách hiển nhiên. Cũng như vậy, Phật pháp dù nói là không có ngã, nhưng ở trong Thế tục đế, cái giả ngã do nhân duyên hòa hợp lại là sự thật không thể phủ nhận. Vấn đề này đối với người bình thường tựa hồ rất mâu thuẫn, không thể lý giải nổi. Nên biết cái ngã của ngũ uẩn giả hợp với cái ngã trong không vô ngã tính, hàm nghĩa của nó hoàn toàn khác hẳn. Trong tiềm thức, chúng ta luôn cảm thấy có một cái ngã vận động trong thời gian, không gian, hơn nữa lại thường trụ, bất biến, độc lập và tồn tại tự chủ. Cái ngã như vậy gọi là thần ngã, tự tính ngã. Phật pháp phủ nhận các thứ ngã này nên mới nói là “không có ngã”.
Bởi vì từ đầu đến chân, từ vật chất tới tinh thần, dù cho có tìm cầu ra sao cũng không thể tìm được chút mảy may tự tính nào, nên “không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”, “không có ngã, không có chúng sinh”. Tuy nhiên, ngũ uẩn hòa hợp, thân tâm hài hòa, thống nhất thì lại có “ngã”, tuy có mà như huyễn như hóa. Tướng hòa hợp, huyễn hóa không thật này, giả định gọi là ngã. Giả gọi là ngã, không những là chuyện của phàm phu, mà ngay cả bậc Thánh Thanh văn cũng không ngoại lệ. Có người hỏi Đức Phật: “A la hán có thể nói là ngã không?” Đức Phật bảo: “Có thể”. Giả ngã tuy có, nhưng khác xa với cái thật ngã trong nhận thức sai lầm của phàm phu và thường ngã, thần ngã vọng chấp của ngoại đạo. Thật ra, Phật pháp nói ngã và vô ngã; nói mắt, tai, mũi, lưỡi và không mắt, tai, mũi, lưỡi hoàn toàn không mâu thuẫn, đứng trên lập trường Chân đế và Tục đế mới có thể dung thông vô ngại được.
“Một thời”, là nói về thời gian thuyết pháp, đây chỉ cho thời gian kể từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc pháp hội. Sở dĩ không nói ngày nào, tháng nào, năm nào là vì Phật pháp lưu truyền tới các nước, mà thời gian giữa các nơi không giống nhau, cụ thể như Trung Quốc đang là chín giờ đêm thì nước Mỹ đang là ban ngày; lại còn mốc thời gian dương lịch, âm lịch cũng chênh lệch rất lớn, thực tế không cách nào xác định thỏa đáng cho nên tạm gọi là “một thời”.
“Đức Thế Tôn”, Phạn ngữ là “Bhagavat - Bạc Già Phạm”, là danh hiệu tôn xưng của Đức Phật, Hán dịch là “Thế Tôn”, chỉ cho bậc thuyết pháp chính cho pháp hội là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Từ này mang nhiều ý nghĩa như: “Cát Tường, Đoan Nghiêm, Xí Thịnh” và vì hàm nghĩa rộng nên chúng ta không dịch ra mà vẫn giữ nguyên, chỉ phiên âm của chữ. Nay chính là đem nghĩa gốc để lược nói hai điểm chính:
1. Khéo phân biệt: Đức Phật hay khéo phân biệt tướng của các pháp, tức là đối với chân tướng vũ trụ nhân sinh đều suốt thấu, rõ đến ngọn ngành; tuy nói là hết mọi pháp tướng mà thật ra không ngoài Đệ nhất nghĩa đế, nên gọi là khéo phân biệt.
2. Năng phá: Chúng sinh từ vô thỉ đến nay bị sợi dây vô minh và phiền não trói buộc khiến cho mông muội, chưa khi nào có được tự do và giải thoát thực sự. Thanh văn Nam truyền, Bồ tát Bắc truyền, tuy đều đi trên đạo lộ giải thoát nhưng vẫn chưa đạt đến mục đích cứu cánh. Chỉ có Đức Phật, bậc đại Giác ngộ đoạn tận tất cả gốc rễ phiền não vô minh, chứng đắc Nhất thiết trí, thật chứng đắc Đại tự tại, Đại giải thoát, nên tôn xưng Đức Phật là “Bạc Già Phạm”.
“Du hóa các nước, đến thành Quảng Nghiêm, nghỉ dưới cây Âm Nhạc”, là nói về nơi thuyết pháp. Đức Phật luôn thương tưởng đến những khổ nạn và tai ách của chúng sinh, nên thường du hành giáo hóa khắp nơi ở lưu vực sông Hằng, để cho vô lượng chúng sinh đang khổ não đều được thấm nhuần mưa pháp. Không chỉ Đức Phật, mà ngay cả các đệ tử của Ngài lúc ấy cũng thường có nhiều cách để hoằng pháp lợi sinh. Người xuất gia đời sau này thường thích ở yên một chỗ giáo hóa, nên dễ phát sinh nhiều vấn đề. Vì ở lâu một trụ xứ thì dần dà xem chùa chiền, tự viện, thậm chí cả tín đồ Phật tử như là sở hữu của mình. Đồng thời, tài sản riêng tư chứa càng lúc càng nhiều, tâm tham lam cũng càng ngày càng lớn mạnh, lún sâu vào vực thẳm danh lợi khi nào chẳng biết, cũng không tự mình cởi bỏ ra được. Do vậy, vì lòng thương tưởng đến chúng sinh và để ngăn ngừa lòng tham lam, tư lợi cá nhân mà Đức Phật đặc biệt chú trọng đến việc du phương giáo hóa.
“Thành Quảng Nghiêm” là dịch nghĩa từ chữ Tỳ Xá Ly (Vaiśāli) trong tiếng Phạn. Do đất đai nơi này rộng lớn, cộng với nền văn hóa tiên tiến, của cải dồi dào và đời sống nhân dân an lạc, thư thái nên gọi là “Quảng Nghiêm”. Theo sự khảo chứng của các học giả đời nay thì thành này nằm ở vùng Paṭnā, thuộc phía Bắc sông Hằng. Thành Quảng Nghiêm là chỉ địa danh chung, còn nơi Đức Phật dừng chân là dưới cây Âm Nhạc, ở vùng ngoại ô. Đức Phật không bao giờ giảng pháp ở một chỗ cố định, lúc thì nơi dinh thự trang nghiêm, rộng lớn; lúc thì trong khu rừng yên ắng, tĩnh mịch. Cây Âm Nhạc được nói đến ở đây không chỉ là một cây, hai cây mà là cả một rừng cây Âm Nhạc. Vì cây nhiều, mọi người ngồi dưới đó nghe pháp, gió nhẹ khẽ lay cành lá, phát ra các loại âm thanh tự nhiên giống như hòa nhạc nên gọi là cây “Âm Nhạc”.
Cùng với tám nghìn vị đại Tỳ kheo, ba vạn sáu nghìn vị đại Bồ tát, các hàng quốc vương, các quan đại thần, các Bà la môn, các hàng cư sĩ, trời, rồng, Dược xoa, nhân và phi nhân, v.v. vô lượng đại chúng cung kính vây quanh, vì họ nói pháp.
Câu này nêu rõ số lượng thính chúng tham dự nghe pháp. Kinh này thuộc Thánh điển Đại thừa, tùy căn cơ mà Đức Phật dẫn dắt và giáo hóa cho tất cả chúng sinh, cho nên mới đề cập đến các chúng Thanh văn, Bồ tát, trời, người, v.v. Đức Phật vì chúng sinh mở bày pháp môn cứu cánh viên mãn và bao trùm rộng khắp. Những người có căn cơ cao khi nghe pháp xong ắt được lợi ích lớn, người có căn cơ thấp khi nghe pháp rồi, hiển nhiên được lợi ích nhỏ hơn. Sở dĩ Phật pháp chia ra các loại cao thấp, chủ yếu là căn cứ vào phát tâm và hạnh nguyện của hành giả. Nếu hạnh nguyện rộng lớn, lòng đại bi cùng khắp, bất cứ nơi đâu cũng lấy việc lợi ích chúng sinh làm đầu thì đó là Phật giáo Đại thừa vậy. Còn nếu chú trọng về phương diện cá nhân, xem trọng việc thoát ly sinh tử của bản thân mình hơn thì đó là Phật giáo Nguyên thủy. Cũng vậy, nếu đối với kinh này chỉ cầu được tiêu trừ nạn tai, được phúc báo trời người, không nhàm chán sinh tử mà lấy dục lạc ở trần gian làm mục đích, thì đó là Nhân Thiên thừa.
Khi Đức Thế Tôn nói kinh này, thính chúng đầu tiên là “chúng Tỳ kheo”, tức là những vị chú trọng tự độ, hành pháp Thanh văn chứng quả A la hán.
Đệ tử Phật có bốn chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Sa di, Sa di ni, hoặc thêm Thức xoa ma na nữa là năm chúng, nhưng chúng xuất gia lấy Tỳ kheo làm chính, cho nên được tôn làm đại diện cho Thanh văn thừa.
“Tỳ kheo” còn có cách dịch khác là “Bí sô”, ý nghĩa chủ yếu là “Khất sĩ”. Tỳ kheo xuất gia sống đời sống khất sĩ, dù là y áo, lương thực hay chỗ ở, v.v. đều nhờ vào sự phát tâm bố thí của tín đồ để duy trì cuộc sống của mình, đồng thời ngưỡng cầu giáo pháp của Đức Phật. Như vậy, một mặt hướng đến thí chủ khất thực để duy trì sự sống, hai là khất cầu giáo pháp Đức Phật để nuôi dưỡng tuệ mạng, cho nên gọi là “Tỳ kheo” hay “Khất sĩ”.
“Cùng với”, chư Tỳ kheo trong pháp hội gồm “tám nghìn vị”. Thật ra, số lượng người trong pháp hội không dừng lại ở con số đó. Ở đây, kinh văn chỉ nói đến chúng “đại” Tỳ kheo mà thôi. “Đại” không có nghĩa là tuổi đã lớn, mà chỉ cho những vị tinh cần tu tập, là vị Thánh giả chứng đắc quả Vô học, A la hán đã dứt hết tất cả phiền não. Chúng là chỉ nhiều người, Tỳ kheo là những vị Tăng cùng sống đời sống đoàn thể. Đoàn thể đây không phải là một hay hai người, cho nên còn gọi Tỳ kheo là chúng Tăng. Lúc ấy rất nhiều vị đại Tỳ kheo “cùng” vân tập dưới cây Âm Nhạc, lắng nghe Đức Phật nói pháp. Đây hoàn toàn không phải là nhóm người “ô hợp” tụ tập mà các ngài mang tri kiến đồng nhất, vâng giữ giới luật giống nhau, ý kiến hòa hợp, mọi người đoàn kết một lòng, cùng ở một trú xứ, vâng theo giáo pháp tu hành, cùng nhau chung sống đời sống Tăng đoàn một cách thanh tịnh và hòa hợp.
Hàng thính chúng thứ hai là “ba vạn sáu nghìn vị đại Bồ tát”, là chúng Bồ tát tu học theo pháp Đại thừa. Lý tưởng Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa thực ra rất đơn giản, rõ ràng. Tự hoàn thiện bản thân, tự mình thoát khỏi sinh tử, gọi là Nguyên thủy; không chỉ hoàn thiện cho bản thân mà còn độ cho tất cả chúng sinh, tức là Đại thừa. Bồ tát là tên gọi được dịch tắt từ chữ “Bodhisattva” trong tiếng Phạn, Hán dịch là: Giác (Bodhi - Bồ đề) hữu tình (Sattva - Tát đỏa). Phàm những chúng sinh có mạng sống, có cử động, có hành động tình thức, đang trôi lăn trong vòng luân hồi sinh tử, thì bất luận là trời, người, ngạ quỷ, súc sinh, địa ngục, v.v. đều gọi chung là “hữu tình”.
Bồ tát có trí tuệ cao siêu, là hữu tình giác ngộ, cũng chính là bậc giác ngộ trong chúng hữu tình. Bên cạnh đó, trong quá trình tu học, vị Bồ tát một mặt cầu Phật đạo, mặt khác là hóa độ chúng sinh. Từ chúng sinh phàm phu cho đến các Thanh văn đều không biết ngưỡng cầu quả vị giác ngộ tối thượng của Đức Phật, duy chỉ có Bồ tát là biết hướng đến. Đồng thời, cũng chỉ có Bồ tát mới phát tâm đưa tay cứu vớt vô biên thống khổ của chúng sinh, hỗ trợ và giúp đỡ, khiến cho chúng sinh hưởng được pháp vị thanh lương. Vì bao gồm cả ý nghĩa thượng cầu và hạ hóa, trí tuệ và từ bi, nên gọi là Bồ tát.
Nhắc đến Bồ tát, mọi người thường liên tưởng đến các vị đại Bồ tát như: Bồ tát Văn Thù, Bồ tát Phổ Hiền, Bồ tát Quán Âm, Bồ tát Địa Tạng, thật ra Bồ tát có lớn nhỏ và cao thấp khác nhau. Chúng ta phát nguyện học theo tinh thần “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” của Bồ tát thì ngay lúc đó chúng ta đã thành Bồ tát rồi, tuy nhiên, đó chỉ là Bồ tát mới phát tâm thôi. Từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, dù là cấp bậc tiểu học hay lên đến đại học đều được gọi chung là học sinh, chỉ khác biệt ở trình độ học lực mà thôi. Do vậy, phàm những ai phát tâm Bồ đề, thực hành hạnh Bồ tát “thượng cầu, hạ hóa”, thì chúng ta đều gọi họ là Bồ tát. Danh hiệu của Bồ tát có chung và riêng, nhưng ba vạn sáu nghìn vị Bồ tát được đề cập ở đây là ý nói đến các vị đại Bồ tát.
Chữ “đại Bồ tát” được dịch từ Ma ha tát. “Ma ha” là lớn, “Tát” là Tát đỏa, dịch là hữu tình, gọi chung là đại hữu tình. Trong kinh nói, vị đại Bồ tát là bậc thượng thủ trong tất cả chúng sinh, là bậc đạo sư dẫn đường của loài người; bởi có trí tuệ cao siêu, có lòng từ bi bao la, hạnh nguyện rộng lớn, thành tựu được vô biên công đức thanh tịnh, cho nên gọi là đại hữu tình. Các Bồ tát Mạn Thù, Quán Âm, v.v. từ Sơ địa trở lên đều là chỉ cho các đại Bồ tát này vậy. Ngoài ba vạn sáu nghìn vị đại Bồ tát ra, lại còn rất nhiều các vị Bồ tát thuộc các bậc Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, v.v. cũng ở trong pháp hội nghe pháp. Các đại Bồ tát trong pháp hội Dược Sư có ba vạn sáu nghìn, so với tám nghìn chúng đại Tỳ kheo thì số lượng vượt trội hơn nhiều. Như thế cũng đủ để thấy rằng, các vị tu học pháp môn Đại thừa nhiều hơn so với các vị nghiên cứu Phật giáo Nguyên thủy.
“Các hàng quốc vương, các quan đại thần, các Bà la môn, các hàng cư sĩ, trời, rồng, Dược xoa, nhân và phi nhân, v.v. vô lượng đại chúng” đây là chúng nhân thiên thuộc vào hàng thính chúng thứ ba, cũng có thể nói là chưa xác định họ phù hợp với tự độ hay độ tha. Trong loài người, ở đây tạm nêu ra bốn loại:
1. Quốc vương: Vương có nghĩa là tự tại, đối với việc điều hành đất nước, có quyền quyết định một cách tự do tự chủ, nên gọi là vua. Đây là từ gọi chung cho các vị lãnh tụ, nguyên thủ, chủ tịch, tổng thống, v.v. của một đất nước.
2. Đại thần: Là người trợ thủ cho vua, giúp vua giải quyết các việc liên quan đến chính sự quốc gia, là thành viên quan trọng trong việc hộ quốc, an dân; điển hình như các viện trưởng, bộ trưởng trong chính phủ thời nay vậy.
3. Bà la môn: Dịch là Tịnh hạnh, là một trong bốn giai cấp của Ấn Độ. Họ không làm việc cày cấy, không đi buôn bán, cũng không làm công nhân. Họ chỉ chuyên làm công việc thực hành tế lễ. Ấn Độ đặt nặng việc cúng tế và có phương pháp tế lễ cố định, thường thì họ phải mời một vị Tế sư có khả năng chuyên môn thì mới có thể tiến hành đúng như pháp được. Vì thế mà xã hội Ấn Độ mới sản sinh ra một giai cấp tu sĩ đặc trách tôn giáo có địa vị rất cao, tức là giai cấp Bà la môn.
4. Cư sĩ: Là giai cấp thứ ba của xã hội, Ấn Độ gọi là Phệ xá, cũng chính là tầng lớp nhân dân tự do thuộc nhóm người giàu có, là thân sĩ có địa vị. Nói theo thời nay, thì họ thuộc giai cấp tư sản, địa chủ hoặc là giới thương nhân của các công ty, tập đoàn lớn. Trung Quốc luôn gọi những người tại gia học Phật là cư sĩ, điều này không đúng với nghĩa gốc từ cư sĩ ở Ấn Độ. Chẳng qua bây giờ cách gọi này đã thành thói quen, và cũng đã phổ biến với sự giải nghĩa là người Phật tử tại gia, nên chúng ta vẫn còn dùng. Từ quốc vương, đại thần, Bà la môn và cư sĩ được nói ở trước chính là những chức danh trong bốn giai cấp, nêu ra những người có năng lực, địa vị để đại diện cho mọi người, dĩ nhiên, số lượng người tham dự pháp hội còn nhiều hơn.
Thiên long bát bộ thuộc vào chúng trời, vậy thì, đã nói là trời, cớ sao lại có các loài rồng và bát bộ? Bởi chúng trời có sự phân biệt cao thấp. Một vài súc sinh, ngạ quỷ, nhờ phúc báo lớn nên được sinh lên cõi trời, chịu sự thống nhiếp của thiên đình, do vậy cũng được xếp vào chúng trên cõi trời. Chúng bát bộ có nhiều tên gọi (phần sau sẽ giải thích rõ), nay chỉ nêu biểu trưng hai tên trời và rồng. Trời, có nghĩa là quang minh, tức là vị thần linh trong cõi thiên giới. Theo như lời Đức Phật nói, thì có 28 cõi trời. Liên quan đến truyền thuyết về rồng, cả Ấn Độ và Trung Quốc gần như đều cùng quan điểm. Theo truyền thuyết, hình dáng của loài rồng không khác lắm so với loài rắn; cá và cóc cũng có thể hóa thành rồng. Mưa, sấm sét, mưa đá trên trái đất này đều có liên quan đến rồng. Loài rồng, v.v. trong bát bộ đều là những vị thần tướng hộ trì Phật pháp. Trong các tự viện ở Trung Quốc, ở cửa vào đều có bốn vị đại Thiên Vương uy phong lẫm liệt, hoặc hai vị đại thần tướng Kim Cương đứng trấn giữ ở cửa. Đây là vị thiện thần hộ pháp. Trong bát bộ cũng có các phần tử không tốt, tính tình bạo ngược chuyên quấy rối, những vị này chưa từng được tu học Phật pháp. Ngược lại, những vị bát bộ được thấm nhuần Phật pháp không những chỉ hộ trì Phật pháp mà còn hay bảo vệ cho người hiền thiện tu học Phật. Quốc vương, đại thần, v.v. là người; trời, rồng, bát bộ thì thuộc phi nhân; cho nên, kinh nói là nhân và phi nhân, v.v.
Chúng sinh mà Đức Thích Ca giáo hóa chủ yếu là loài người như: Bồ tát, Tỳ kheo, quốc vương, đại thần, v.v. đều xuất thân từ cõi người hoặc hiện là thân người. Thiên long bát bộ là những vị hộ pháp. Họ biết rõ lợi ích tốt đẹp của Phật pháp nên phát nguyện hộ trì giữ gìn, miễn đó là pháp hội đạo tràng hay những người tu tập Phật pháp thì các vị ấy đều hết lòng bảo vệ. Do vậy, tuy các vị ấy là phi nhân, nhưng Phật giáo vẫn rất tôn trọng họ. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ rằng, Phật pháp luôn lấy con người làm trung tâm. Trời, rồng, quỷ thần chỉ là vị trí dự thính hay hộ pháp, không thể đổi khách thành chủ, chỉ chuyên thờ trời, rồng, quỷ, thần, mà xem nhẹ việc Phật pháp lấy con người làm trung tâm. Đối với trời, rồng, bát bộ, chúng ta có thể cung kính cúng dàng, tán thưởng sự vất vả, nhiệt tâm hộ pháp của họ, nhưng mà tuyệt đối không thể quy y họ. Nơi quy y đúng đắn nhất của chúng ta chính là Tam bảo, là ba ngôi tôn quý, cao thượng.
Như trên đã nói, Tỳ kheo, Bồ tát, quốc vương, đại thần, Bà la môn, cư sĩ, trời, rồng, bát bộ, nhân, phi nhân, v.v. đại chúng trong pháp hội này vô lượng vô số. Mặc dù thân phận không đồng, địa vị, giai cấp và nghề nghiệp đều khác nhau, nhưng mọi người vẫn rất trật tự “cung kính vây quanh” Đức Phật, như các vì sao vây xung quanh mặt trăng, tập trung tinh thần và ngồi yên, chăm chú lắng nghe tại pháp hội, Đức Phật từ bi lân mẫn “vì” họ mà tuyên “nói” “pháp” môn vi diệu.