Lúc bấy giờ, Mạn Thù Thất Lợi Pháp vương tử, nương uy thần Phật, từ chỗ ngồi đứng dậy, để bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất, hướng về Đức Bạc Già Phạm, cúi mình chắp tay.
Kế đến, là phần Đỉnh lễ thỉnh Phật nói pháp trong phần Duyên khởi. “Lúc bấy giờ”, là lúc đại chúng đang vây quanh nghe pháp. “Mạn Thù Thất Lợi” là phiên âm từ tiếng Phạn Mañjuśrī, hoặc phiên âm khác là “Văn Thù Sư Lợi”. “Văn” và “Mạn”, âm xưa của hai chữ này rất gần nhau. Mạn Thù Thất Lợi, dịch nghĩa là Diệu (Mạn Thù - Mañju) Cát Tường (Thất Lợi - śrī). Trong Phật giáo Đại thừa, đây là vị Bồ tát lấy trí tuệ làm đức tính đặc trưng, từng là thầy của chư Phật.
“Pháp vương tử” là danh hiệu được tôn xưng của Bồ tát. “Pháp vương” là chỉ cho Đức Phật. Đức Phật nói: “Ta là Pháp vương, tự tại với các pháp”. Pháp vương tử là Bồ tát. Cũng như thái tử là con của vua, là người kế thừa của quốc vương, tương lai sẽ phải tiếp nối vương nghiệp. Mạn Thù Thất Lợi là vị nối pháp của Đức Phật, nên gọi là Pháp vương tử. Tóm lại, theo các ý nghĩa trên thì các đại Bồ tát Quán Âm, Địa Tạng, v.v. thực sự đầy đủ các phẩm hạnh để kế thừa Đức Phật, nên cũng có thể gọi là Pháp vương tử; vậy tại sao trong kinh chỉ tôn xưng danh hiệu Bồ tát Mạn Thù? Như chúng ta đã biết, Phật quả là từ nơi công hạnh của Bồ tát mà đạt được, Nhân địa Bồ tát có vô số công đức mà chủ yếu là trí tuệ; Đức Phật được gọi là bậc Giác ngộ, cũng tức là đại Bồ đề. Mạn Thù Thất Lợi có trí tuệ cao siêu, là bậc thượng thủ trong các vị Bồ tát, gần với đại Bồ đề của Phật, nếu tiến thêm một bước, thì chính là đại giác. Vậy nên, trong các kinh đều xưng tán ngài là “Pháp vương tử”.
Mạn Thù Thất Lợi có trí tuệ rộng lớn, hiểu rõ lòng mong cầu của đại chúng trong pháp hội, càng thấu rõ nhu cầu thiết yếu của chúng sinh trong đời mạt pháp đối với pháp môn này, do sự thôi thúc của lòng bi mẫn nên cảm thấy chính mình phải gợi mở pháp môn cứu khổ này. Do đó, ngài nương vào sức uy thần cùng với sự gia bị, khích lệ của Phật, ở trong hội chúng đông đảo liền “từ chỗ ngồi” của mình đứng dậy, “để bày vai phải, gối phải quỳ xuống đất”, mặt hướng về Đức Bạc Già Phạm (Phật), cúi mình chắp tay. Uy đức của Phật trang nghiêm diệu vợi, không thể luận bàn. Nếu không nhờ uy thần từ bi gia hộ của Đức Phật thì chúng đệ tử không dám tự mình thưa hỏi, chỉ sợ trí lực của bản thân không đủ, rồi hỏi lung tung. Ở đây, nhờ có được sự gia bị từ uy thần của Phật thì đại chúng mới dám mạnh dạn thưa hỏi, và vấn đề thưa hỏi cũng được xem là hợp thời.
Để bày một bên vai là để lộ vai phải, quỳ gối bên phải tức là quỳ gối phía bên phải xuống đất, cúi mình chính là khom mình. Những điều này là một kiểu nghi thức tôn kính quan trọng và cần thiết mỗi khi tập trung thỉnh pháp tại Ấn Độ lúc bấy giờ. Ngài Mạn Thù vì chúng sinh mà hướng về phía Phật, cung kính đỉnh lễ, thỉnh Phật nói pháp, thì đương nhiên cũng không ngoài các nghi thức ở trên. Những điều này đã trở thành nghi lễ rồi, thì không cần giải thích thêm nữa, nhưng Phật pháp lấy sự việc, hành vi cụ thể để hiển bày đạo nghĩa phong phú, uyên thâm. Để bày vai phải tức biểu trưng cho việc “gánh vác Phật pháp”. Quỳ gối bên phải xuống đất tượng trưng cho “hạ hóa chúng sinh”. Cúi mình tượng trưng cho lòng “khiêm cung chí thành”. Chắp tay trước ngực biểu thị cho sự hướng về “Trung đạo”. Có sách ghi rằng, mười ngón tay tượng trưng cho “mười Ba la mật” hòa hợp mà trở về Trung đạo. Chúng ta lễ Phật, cũng nên quán tưởng như vậy.
Bạch rằng: “Thế Tôn! Cúi mong Ngài dạy rõ về các danh hiệu cùng đại nguyện công đức thù thắng của chư Phật, khiến người nghe pháp nghiệp chướng tiêu trừ, đem lại lợi lạc cho chúng hữu tình ở thời tượng pháp”.
Đoạn văn trên, ngài Mạn Thù từ nơi ý nghiệp mà hiện ra sự cung kính nơi thân nghiệp. Việc thỉnh pháp đoạn này lại hiển bày sự thanh tịnh của khẩu nghiệp. Ngài Mạn Thù là vị đại diện cho đại trí, nhưng pháp môn ngài thỉnh lại mang hạnh từ bi cứu độ. Có thể thấy, từ bi phải được lưu xuất từ trí tuệ, nhờ trí tuệ dắt dẫn từ bi thì tâm từ bi đó mới chân thật, đúng nghĩa của Phật giáo.
Trước lúc thỉnh pháp, ngài Mạn Thù đầu tiên cung kính, xưng danh hiệu “Thế Tôn” để biểu thị lòng tôn kính và sự chân thành tha thiết. Ngài thưa tiếp: cúi mong Đức Phật vì chúng con nói rõ các loại tướng trạng về danh hiệu của chư Phật, cùng vô biên công đức thù thắng và bản nguyện (hạnh nguyện) rộng lớn khi còn ở cõi người của chư Phật. Bởi Đức Phật trong Kinh A Di Đà, hoặc trong các kinh khác từng nói (miêu tả) qua, Tịnh độ Tây phương cùng Tịnh độ ở các cõi khác vi diệu trang nghiêm như thế nào? Cõi ấy có Đức Phật với danh hiệu là gì? Bản nguyện công đức của các Đức Phật ấy vĩ đại đến nhường nào, mà chúng sinh khi nghe được danh hiệu Phật ấy hoặc xưng niệm, hoặc nghĩ nhớ thì có thể đạt được vô lượng công đức? Do vậy, ngài Mạn Thù thay đại chúng hướng về Đức Phật, thỉnh cầu Thế Tôn tuyên nói giáo pháp tương tự và giáo pháp đúng như thật.
Sự khuyến thỉnh của ngài Mạn Thù, hoàn toàn là biểu hiện của đại trí tuệ, xuất phát từ lòng từ bi rộng lớn, chẳng phải mong cầu lợi lạc cho bản thân. Đây chính là vì “khiến người nghe pháp” ở đời sau có thể nhờ vậy mà “nghiệp chướng tiêu trừ”. Chướng là chướng ngại, nghiệp là năng lực tiềm tàng của các hành động đã làm của chúng ta ở hiện tại hoặc quá khứ. Thiện nghiệp không sinh cho nên gọi là chướng, gây tạo nghiệp ác quá nhiều sẽ trở ngại cho tương lai của chúng ta. Hơn thế nữa, khi chúng ta muốn đi về hướng ánh quang minh của đạo Bồ đề, thì sẽ rất dễ sinh ma chướng ngăn trở.
Ví dụ như trong một gia đình, người chồng muốn học Phật mà vợ không tán đồng; hoặc cũng có lúc, người vợ muốn học Phật nhưng anh chồng lại phản đối. Hoặc có người vì cơ thể nhiều bệnh, hoặc do công việc ràng buộc, cũng có những trường hợp vì gần gũi với bạn xấu mà mất đi cơ hội học Phật. Người thì do ngu si, mê muội không tin Phật pháp, thậm chí, mặc dù có tin Phật pháp đi chăng nữa mà gia cảnh quá nghèo thì cũng rất dễ bị cuốn theo những bon chen, vất vả của cuộc sống, không sao thoát ra được, thế nên cứ mãi ngụp lặn trong đau khổ và chẳng thể tự cứu mình. Để lấp đầy cho những thiếu hụt, kém cỏi của nhân sinh, thì chúng ta chỉ có cách tu học pháp môn Tịnh độ (chẳng phải chỉ riêng cõi Tây phương), tâm thường nhớ Phật, niệm Phật, gần gũi với Phật, v.v. nghiệp chướng mới tiêu trừ, căn lành càng thêm lớn, dần dần xa lìa nghịch cảnh và những người xấu ác. Hơn thế, có thể gặp được hoàn cảnh thuận lợi cùng người thiện lành, được người hiền thiện dẫn dắt, đi trên con đường chân chính, sống trong hào quang sáng ngời của Phật pháp.
Lúc Đức Phật còn tại thế, là thời đại của chính pháp, chúng sinh căn tính trí tuệ nhạy bén, nghiệp nhẹ chướng mỏng, tu học Phật pháp dễ được ích lợi, phần nhiều đều có thể đạt đến sự chứng ngộ. Nhưng trải qua 1.000 năm, đến thời đại tượng pháp, Phật pháp đều đổi dạng biến chất, đâu đâu cũng mang hình dáng gần giống Phật pháp nên gọi là tượng pháp. Thiện căn của chúng sinh lúc ấy nông cạn, trí tuệ ám độn, nghiệp chướng sâu nặng, khổ nạn nhiều nên không dễ dàng tu học. Chính vì thế, khi Đức Phật còn trụ thế, không nhất thiết phải nói ra pháp môn Tịnh độ niệm Phật này (500 năm đầu là thời kỳ chính pháp, pháp môn niệm Phật vãng sinh Tịnh độ không được lưu hành rộng rãi, chính là do điều này). Nhưng vì muốn lợi lạc cho tất cả chúng hữu tình phúc trí kém cỏi, phiền não nặng nề ở thời tượng pháp, nên ngài Mạn Thù không thể không thỉnh cầu Đức Phật từ bi thương xót mà diễn bày diệu pháp.
Sau khi Đức Phật nhập diệt 1.000 năm là thời tượng pháp, sau 2.000 năm thì chuyển sang thời mạt pháp, cũng chính là thời đại của chúng ta hiện nay. Thiện căn của chúng sinh ngày càng mỏng dần, phiền não ngày càng nhiều thêm, bậc tu hành liễu sinh thoát tử thì ít mà khổ đau thì ngày càng chồng chất. Đức Phật vì xót thương cứu giúp những chúng sinh này, nên nhận lời thỉnh cầu của ngài Mạn Thù mà khai thị pháp môn Tịnh độ Dược Sư đơn giản, dễ thực hành này.
Lúc ấy, Đức Phật khen ngợi Mạn Thù Thất Lợi đồng tử rằng: “Lành thay! Lành thay! Mạn Thù Thất Lợi! Con dùng lòng đại bi mà cầu thỉnh Ta nói danh hiệu cùng bản nguyện công đức của chư Phật, là vì muốn dứt sợi dây nghiệp chướng trói buộc chúng sinh và vì lợi ích an vui cho các hữu tình ở thời tượng pháp. Các con hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, Ta nay sẽ nói cho các con rõ”.
Phần trước, ngài Mạn Thù Thất Lợi đứng ra thưa hỏi danh hiệu cùng bản nguyện công đức của chư Phật, ở phần này là nói đến việc Đức Phật chấp thuận khai thị.
Ngay khi Mạn Thù Thất Lợi đồng tử vừa đại diện hội chúng cung thỉnh Đức Thế Tôn nói pháp, Ngài liền khen ngợi Mạn Thù Thất Lợi rằng: “Lành thay! Lành thay!” Là ý nói: Rất hay! Rất hay! Vì Bồ tát thưa thỉnh không những thích hợp với lòng mong ước của chúng sinh mà còn khế hợp với lòng bi mẫn cứu đời của Đức Phật, nên Ngài nhắc đi nhắc lại lời này, chứng tỏ rất ưng ý và đồng thuận với ngài Mạn Thù.
Ở trên tôn xưng Bồ tát Mạn Thù là Pháp vương tử, ở đây lại gọi ngài là đồng tử. Nhìn chung, hàm nghĩa của chữ “Đồng tử” có hai đặc điểm:
1. Theo Thế tục đế: Chư vị Bồ tát tùy thuận chúng sinh mà hiện thân, không có một hình tướng cố định; chúng sinh như thế nào thì thị hiện thân tướng như thế ấy, tất cả đều vì muốn thích ứng với chúng sinh. Song, trong các đại Bồ tát thì ngài Mạn Thù thường thị hiện tướng đồng tử. Hay như Bồ tát Quán Âm thường hiện thân nữ, trong khi ngài có tới ba mươi hai ứng thân. Theo Kinh Hoa nghiêm nói, đạo tràng của Bồ tát Mạn Thù nằm ở núi Thanh Lương, thuộc phía Đông Bắc Ấn Độ. Nhưng các học giả Phật học Trung Quốc lại một mực khẳng định đạo tràng này nằm ở núi Ngũ Đài Sơn, tỉnh Sơn Tây. Trước đây, Thiền sư Vô Trước Văn Hỷ vì lòng kính mộ Bồ tát Mạn Thù nên từ phương Nam xa xôi đến phương Bắc tham bái. Kết quả là, Thiền sư đi khắp ngọn núi mà cũng không gặp được Bồ tát, trong lòng cảm thấy vô cùng thất vọng, chỉ giận mình thiện căn kém cỏi. Sau đó, Thiền sư gặp một đứa trẻ chăn trâu, tay đang nắm sợi dây dắt trâu, dẫn ông đến tham kiến một ông lão. Thiền sư vì đợi mãi vẫn chưa gặp được Bồ tát Mạn Thù nên trong lòng cảm thấy có chút không vui, nhưng sau một hồi cùng nói chuyện với họ thì bỗng nhiên đứa bé thay đổi hình tướng, hiện ra thân Bồ tát Mạn Thù đang cưỡi trên mình một con sư tử. Công án này, chúng ta vẫn thường thấy trong các truyện ký của Phật giáo Trung Quốc. Ở Trung Quốc, sự tích ngài Mạn Thù thị hiện tướng đồng tử cũng rất nhiều.
2. Theo Thắng nghĩa đế: Bồ tát tu hành tới khi tiến đến giai đoạn quả vị cao, có một giai đoạn gọi là Đồng tử địa (tức là đệ cửu địa). Đồng tử có đức tính thiện lương, luôn luôn hồn nhiên ngây thơ, trong sáng, nhiệt tình, hòa nhã, vui vẻ và dễ kết bạn với mọi người, không ôm lòng hờn giận, không giống với sự giả dối, lạnh lùng, hà khắc, vô tình thường thấy ở người lớn. Bồ tát tu đến giai đoạn ấy thì được trọn vẹn từ bi, trí tuệ, nhiệt tình, hòa ái và vui vẻ. Vì nội tâm trong sáng, thuần khiết, cho nên dùng tướng mạo đồng tử để hình dung hạnh đức, cũng là biểu trưng cho mỹ đức cao quý thuần khiết, hồn nhiên ngây thơ, nhiệt tình và vui vẻ của Bồ tát vậy.
Đức Phật khen ngợi Mạn Thù đồng tử vì đã thưa hỏi Phật pháp rất ngắn gọn, súc tích, hợp thời điểm, đề cập đúng trọng tâm và nói tiếp rằng: Mạn Thù Thất Lợi! Con đã đem lòng đại bi, cầu thỉnh Ta rộng nói danh hiệu chư Phật cùng bản nguyện công đức, ấy là vì muốn chặt đứt các dây nghiệp chướng trói buộc mà hữu tình phải chịu, cũng vì lợi ích an vui trong thời tượng pháp cho tất cả hữu tình vậy. Đây vốn là lời thưa thỉnh của Bồ tát Mạn Thù, bấy giờ Đức Phật nhấn mạnh lại một lần nữa, dùng lời khen ngợi đẹp đẽ, ấn định sự hợp lý trong lời thưa thỉnh của Bồ tát.
Chữ “trói buộc” được dịch từ chữ “triền”. “Triền” giống như sợi dây buộc chằng chịt. Con người tạo nghiệp chướng rồi bị chính nghiệp chướng trói chặt, cũng giống như bị sợi dây buộc lại một chỗ không được tự do. “Dứt” được dịch từ chữ “bạt”. Bạt, tức là cứu bạt, dứt trừ. Chúng sinh bị nghiệp chướng trói buộc, giam hãm trong bùn lầy thống khổ sinh tử không sao cứu được mình. Nay nhờ lòng thương xót của Bồ tát Mạn Thù, thỉnh cầu Đức Thế Tôn khai thị danh hiệu cùng bản nguyện công đức thù thắng của chư Phật, giúp cho chúng sinh sau khi nghe được có thể y nơi giáo pháp thực hành để thoát khỏi gông cùm của nghiệp chướng, ra khỏi vực sâu khổ nạn.
Nói đến sự trói buộc của nghiệp chướng, chợt nhớ lại: trước đây có một vị cư sĩ kể rằng, gần đây ở công ty nọ có một người nhảy lầu tự tử, không ai tìm được nguyên nhân tự sát của anh ta. Người ta đồn rằng, mấy ngày trước, anh ta thường cảm thấy có hai người nào đó cứ đi theo mình. Gần như những chuyện như vậy có rất nhiều. Điều này không nhất định là do phi nhân bức hại, tất cả đều là nghiệp chướng hiện tại hay ở đời trước của chính bản thân người đó mà thôi. Do ác nghiệp đời này hoặc do ác nghiệp đời trước trói buộc, mới có những loại tai nạn và gặp phải những việc ngoài ý muốn. Ngài Mạn Thù thỉnh Phật nói pháp môn Tịnh độ chính là vì muốn dứt trừ các nghiệp chướng ấy, mang đến cho con người một cuộc sống tự do và an lạc.
Đức Phật trước khen ngợi lời khẩn thỉnh của ngài Mạn Thù là hợp lý, rồi sau mới hứa khả: Con nay hãy đem lòng thanh tịnh để lắng nghe, đồng thời cần phải khéo suy nghĩ, Ta sẽ vì con mà nói.
Lắng nghe, tức là cẩn thận, tập trung tinh thần, chú ý lắng nghe. Khéo nghĩ nhớ, tức là phải tư duy khéo léo, đem điều đã nghe được, dùng trí tuệ cùng với sự chọn lựa để tư duy soi xét.
Nếu chúng ta nghe kinh, nghe pháp, thì có hai việc tối thiểu cần phải làm, đó là:
1. Tập trung tinh thần, hết lòng lắng nghe.
2. Sau khi nghe xong, cẩn thận suy nghĩ mới có thể lý giải sâu sắc được.
Trong nghiên cứu học thuật, các nhà Nho vẫn dạy rằng: “Suy nghĩ cẩn thận và phân biệt rõ ràng”, huống hồ là Phật pháp? Kinh Bát nhã từng ghi chép: “Có người nghe Phật pháp thì cảm thấy vô vị. Có người yêu thích nhưng không để trong tâm, nghe xong liền quên hết. Có người tuy có thể ghi nhớ, nhưng không để tâm tư duy xem xét”. Đây là do tập nghiệp lâu đời của chúng ta.
Nếu đời này chúng ta nghe kinh mà không cảm thấy thích thú, không chịu chú tâm, nghe Phật pháp mà không chịu suy nghĩ sâu xa, như thế thì kiếp sống tiếp theo của chúng ta cũng sẽ như vậy thôi! Chính vì lẽ đó, Đức Thế Tôn đã khai thị cho Mạn Thù Thất Lợi, dạy Bồ tát phải lắng nghe, phải khéo suy nghĩ. Đức Phật trước khi bắt đầu nói một bộ kinh nào cũng thường nhắc đi nhắc lại lời dặn dò, khích lệ: “Hãy lắng nghe! Hãy lắng nghe! Hãy khéo suy nghĩ!” Ở đây, Đức Phật vì lòng đại bi yêu thương mà hết lòng khuyên nhủ. Mọi người nên hiểu rõ điều này để hết lòng tôn trọng, tha thiết học tập, không nên xem thường coi nhẹ.
Ngài Mạn Thù Thất Lợi thưa rằng: “Xin vâng! Kính mong Đức Thế Tôn nói, chúng con muốn nghe”.
Ngài Mạn Thù Thất Lợi nghe lời dặn dò khuyến khích của Đức Phật xong, liền hoan hỷ thưa rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng con kính xin vâng mệnh làm theo lời Thế Tôn dặn bảo, bây giờ kính mong Người nói pháp, đệ tử chúng con đều ưa thích muốn được nghe, nguyện hết lòng lắng nghe. Mức độ ưa muốn nghe pháp, cũng giống như bụng đói mà gặp được thức ăn, miệng khát mà bắt gặp nước uống trong mát vậy. Chúng ta chìm nổi trong luân hồi sinh tử, đau khổ cùng cực, nay gặp được Đức Phật nói pháp, từ bi cứu độ, thật hân hoan, vui sướng biết nhường nào!