Hơn 20% dân số trẻ sinh sống tại 104 nước hiện vẫn đang sử dụng các dịch vụ ngoại tuyến(1). Tuy nhiên, một tổ chức tin cậy dự báo số lượng người dân truy cập và sử dụng các dịch vụ chính phủ điện tử, thương mại điện tử và tài chính ngày càng gia tăng, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU), tổ chức chuyên ngành của Liên hợp quốc về bưu chính đã chứng minh rằng các doanh nghiệp bưu chính giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển này.
(1) https://www.itu.int/en/ITU-D/Statistics/Pages/facts/ default.aspx
Tại sao các doanh nghiệp bưu chính đóng vai trò quan trọng trong hoạt động số hóa toàn diện?
Cho đến thời điểm hiện tại, 93% bưu chính các nước (116/125 nước tham gia khảo sát) đang trực tiếp cung cấp dịch vụ bưu chính số hoặc cung cấp theo mô hình hợp tác với các công ty khác. Bưu chính có điều kiện thuận lợi để cung cấp các dịch vụ chính phủ điện tử, thương mại điện tử và tài chính điện tử tới mọi tầng lớp người dân, bao gồm phụ nữ, người nghèo, người có trình độ học vấn thấp và người sống trong nền kinh tế phi chính thức. Bởi vậy, mạng lưới bưu chính phải giữ vai trò là cầu nối giữa chính phủ, nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế để cùng nhau xây dựng chiến lược thúc đẩy số hóa toàn diện.
Kêu gọi hành động: tăng tốc chuyển đổi số
Khi công nghệ số phát triển với tốc độ chóng mặt trên toàn thế giới, khách hàng (cả người gửi và người nhận) đều mong muốn tương tác trực tiếp với bưu chính thông qua các kênh số. 73% bưu chính các nước đã tăng cường đầu tư cho các dịch vụ bưu chính số. Và rõ ràng rằng, dịch vụ bưu chính số sẽ tiếp tục phát triển rất đa dạng.
Hiện nay, bưu chính các nước đang trong giai đoạn chuyển đổi: Họ cần thích nghi và cạnh tranh được với các công ty chuyên về số hóa trong các lĩnh vực sản phẩm khác. Để cạnh tranh hiệu quả, bưu chính cần đẩy nhanh việc số hóa các sản phẩm dịch vụ. Nếu doanh nghiệp bưu chính không thấy được tính cấp thiết của công cuộc số hóa, họ sẽ bị loại khỏi cuộc đua cung cấp dịch vụ số cho chính phủ điện tử, thương mại điện tử và tài chính điện tử.
Nhân tố chính dẫn tới số hóa bưu chính thành công
Để cung cấp các dịch vụ bưu chính số bền vững, bưu chính cần dựa vào các lợi thế cạnh tranh và đổi mới các trụ cột kinh doanh lõi. Trong cuốn sách này, chúng tôi xác định bốn nhân tố chính làm nên sự thành công và phát triển của bưu chính dưới đây:
Phát triển các bưu cục cung cấp dịch vụ bưu chính số mới để nâng cao khả năng cạnh tranh về quy mô và mật độ mạng lưới: Với 661.000 bưu cục trên toàn thế giới - cộng thêm 1,4 triệu nhân viên bưu tá hàng ngày phát bưu gửi tại nhà - Bưu chính sở hữu một trong những mạng lưới vật lý lớn nhất trên toàn thế giới.
Tiếp cận nguồn tài chính đầu tư cho các dự án số: Xét về sản phẩm và hoạt động khai thác, bưu chính cần đầu tư để số hóa toàn bộ bộ máy tổ chức của mình. Theo nghiên cứu trong cuốn sách này, 56% bưu chính các nước nhận thấy nguồn vốn đầu tư cho hoạt động này chưa đủ lớn để bảo đảm triển khai được tất cả các dịch vụ số. Bởi vậy, bưu chính cần tiếp cận nguồn vốn dành cho các dự án số hóa thông qua việc tham gia các hội thảo bàn tròn các nhà tài trợ do các tổ chức quốc tế tổ chức.
Hợp tác: Trong 20 năm qua, phần lớn bưu chính các nước đã chuyển đổi từ cơ quan bưu chính truyền thống sang mô hình doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi bưu chính phải có sự cân bằng giữa khả năng ảnh hưởng đến xã hội và sự bền vững về tài chính. Xét về hoạt động số hóa, 70% bưu chính các nước đang hợp tác với các công ty tư nhân để chia sẻ rủi ro và giảm bớt gánh nặng tài chính.
Là một phần cấu thành của chiến lược số của chính phủ để khẳng định mạng lưới bưu chính là công cụ phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số toàn diện: Bưu chính phải đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược quốc gia và khu vực.
Chỉ số về năng lực cung ứng dịch vụ bưu chính số
Căn cứ vào số liệu của 125 doanh nghiệp bưu chính cung cấp, chúng tôi đã xây dựng bộ chỉ số về năng lực cung ứng dịch vụ bưu chính số, trong đó miêu tả tiềm năng của doanh nghiệp bưu chính cung ứng dịch vụ số toàn diện (chính phủ điện tử, thương mại điện tử và tài chính điện tử) tại đất nước của họ.
Căn cứ vào chỉ số này, chúng tôi đã xác định được các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ triển khai chính phủ điện tử thấp và các nước có năng lực triển khai cao. Bưu chính một số quốc gia và vùng lãnh thổ có chỉ số cao về năng lực cung ứng các dịch vụ chính phủ điện tử cho chính phủ gồm Anguilla, Macao, Hồng Kông và Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, bưu chính một số quốc gia và vùng lãnh thổ như Anguilla, Slovakia, Curaçao, Indonesia, Hồng Kông, Ukraine và Kazakhstan có chỉ số năng lực cung ứng dịch vụ thương mại điện tử cao.
Việc tận dụng tiềm năng này tuỳ thuộc vào mong muốn của mỗi doanh nghiệp bưu chính khi tiến hành các bước cần thiết để cạnh tranh trên thị trường ngày càng trở nên khốc liệt và nỗ lực của họ để nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ. Bưu chính có thể sử dụng chỉ số này để so sánh khả năng của họ với bưu chính các nước trong khu vực hoặc với các nước có cùng cấp độ phát triển. Đồng thời, Chính phủ và các nhà hoạch định chính sách cũng có thể sử dụng chỉ số này làm công cụ đánh giá và quyết định có giao sứ mệnh triển khai các hoạt động số hóa cho doanh nghiệp bưu chính quốc gia hay không.