I. Mở đầu
Một kỷ nguyên số mới đang diễn ra khắp nơi trên toàn thế giới. Quá trình số hóa làm giảm đáng kể chi phí thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu, từ đó làm thay đổi các hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. Công nghệ số mở đường cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp ở các nước đang phát triển, tham gia vào thương mại toàn cầu thông qua thương mại điện tử. Kỷ nguyên số mới đòi hỏi phải thay đổi khuôn khổ pháp luật hiện hành ở mỗi nước và nó có tác động lớn đến kế hoạch chuyển đổi của các doanh nghiệp bưu chính.
Đại hội UPU lần thứ 26 đã thông qua Kế hoạch Kinh doanh Istanbul - trong đó có đề xuất nhiệm vụ số 34 “Dịch vụ bưu chính điện tử”, và Hội đồng Khai thác Bưu chính được giao thực hiện các nghiên cứu thị trường nhằm cung cấp thông tin về các kinh nghiệm triển khai tốt, cũng như giám sát việc triển khai dịch vụ bưu chính số trên toàn cầu.
Cuốn sách này chủ yếu dành cho các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý cấp cao của các doanh nghiệp bưu chính và các nhà phân tích đánh giá tầm ảnh hưởng của dịch vụ bưu chính số trong kỷ nguyên số. Đây là kết quả mang tính tập thể về quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp bưu chính trên toàn thế giới - một kết quả vượt ngoài mong đợi của tác giả. Cuốn sách đã nhận được các góp ý và tư vấn có giá trị từ nhiều chuyên gia của Văn phòng Quốc tế UPU và các tổ chức khác. Nhóm tác giả xin chân thành cảm ơn bưu chính các nước thành viên UPU đã cung cấp thông tin và dữ liệu cho cuốn sách này.
II. Động lực để xuất bản cuốn sách
Kể từ năm 2012, Văn phòng Quốc tế (IB) đã theo sát quá trình phát triển của dịch vụ bưu chính số, thực hiện nhiều khảo sát về năng lực bưu chính và phát hành hai báo cáo “Đánh giá về sự phát triển của dịch vụ bưu chính số”. IB hiện đang nỗ lực để trở thành nơi cung cấp tri thức trong mọi lĩnh vực cho các nước thành viên, bao gồm cả việc chuyển đổi số trong bưu chính, thông qua việc thu thập nguồn thông tin sẵn có để xuất bản ra cuốn sách vừa được sử dụng như kim chỉ nam vừa là công cụ giúp bưu chính các nước hoạch định kế hoạch chuyển đổi tương lai cho thị trường bưu chính.
IB cũng đã phối hợp chặt chẽ với chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế qua các hoạt động như tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về Xã hội Thông tin (WSIS) của Liên hợp quốc nhằm xác định vị thế của bưu chính và dịch vụ bưu chính số như một hạ tầng công cộng quan trọng trong hoạt động triển khai số hóa toàn diện, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong nền kinh tế số cũng như hỗ trợ các quốc gia đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).
Cuốn sách đồng thời cũng giới thiệu các xu hướng đang diễn ra tại các nước và các khu vực thông qua việc cung cấp các mô hình mới nổi của các nước trên toàn thế giới. Cuốn sách là nguồn tham khảo trong các cuộc thảo luận về vai trò thiết yếu của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đối với lĩnh vực bưu chính, trong việc xác định các quốc gia và lĩnh vực chưa khai thác hết tiềm năng về ICT và dịch vụ số.
Ngoài ra, cuốn sách cũng là nguồn tham khảo cho công tác nghiên cứu của các tổ chức và học viện quốc tế, là nguồn cung cấp kiến thức tổng thể cho doanh nghiệp bưu chính trong kỷ nguyên số và xác định rõ vai trò hỗ trợ của bưu chính trong giải quyết các vấn đề chính sách toàn cầu nói chung và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững nói riêng.
III. Khung khái niệm
Kể từ năm 2012, các cuộc khảo sát dịch vụ bưu chính số của UPU đã phân tích sự phát triển tổng thể của dịch vụ này dựa trên 3 khía cạnh chính: (i) Phạm vi cung cấp của dịch vụ điện tử; (ii) Môi trường bên ngoài; và (iii) Năng lực cải tiến. Trong khi cấu trúc phương pháp luận được giữ nguyên trong các giai đoạn khảo sát, thì từng nội dung lại được cập nhật cẩn thận để phản ánh việc triển khai thành công các chiến lược dịch vụ bưu chính số, các kinh nghiệm hay và cách tiếp cận sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức chung mà bưu chính thường gặp trong quá trình chuyển đổi số.
Việc khảo sát dịch vụ bưu chính số được thực hiện dựa trên các nguyên tắc sau: Thứ nhất, dịch vụ bưu chính số được coi là phương tiện phát triển toàn diện, là dịch vụ, sản phẩm chiến lược phục vụ cộng đồng, doanh nghiệp và Chính phủ nếu được áp dụng hiệu quả; là phương tiện hỗ trợ các nước thành viên UPU phát triển; Thứ hai, các khảo sát và kết quả khảo sát phải được đặt đúng bối cảnh và mức độ phát triển của từng nước có liên quan; và cuối cùng, các khảo sát đánh giá mức độ sẵn sàng triển khai dịch vụ bưu chính số trên toàn cầu với mục tiêu cuối cùng là đổi mới, hội nhập và phát triển toàn diện.
IV. Mục tiêu nghiên cứu và phương pháp luận
Bốn năm một lần, Ban Chính sách, Pháp chế và Thị trường của IB (DPRM) tập hợp và phổ biến thông tin về cơ cấu tổ chức, hiện trạng cung cấp dịch vụ số ở cấp quốc gia và khu vực của các doanh nghiệp bưu chính của các nước thành viên UPU. Thông tin được cung cấp theo từng nước nên các nước thành viên và doanh nghiệp bưu chính có thể tham khảo cơ sở dữ liệu nghiên cứu về các kinh nghiệm tốt, phổ biến dịch vụ số, lên kế hoạch thay đổi và dự thảo chiến lược cho việc hoạch định chính sách, xây dựng các quy định và cung cấp dịch vụ bưu chính số. Dựa vào kết quả khảo sát, cuốn sách đã cung cấp một số thông tin khái quát về phát triển dịch vụ điện tử của các nước thành viên UPU.
Cuốn sách giới thiệu các xu hướng phát triển chính tại các nước và các khu vực thông qua việc cung cấp các mô hình mới nổi của các nước trên toàn thế giới. Cuốn sách là nguồn tham khảo trong các cuộc thảo luận về vai trò thiết yếu của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) đối với lĩnh vực bưu chính, trong việc xác định các quốc gia và lĩnh vực chưa khai thác hết tiềm năng về ICT và dịch vụ số. Ngoài ra, cuốn sách cũng đưa ra phân tích về các mô hình chính sách số đã triển khai ở cấp độ khu vực và quốc gia, giới thiệu các mô hình hay của các nước thành viên UPU. Đây cũng là một tài liệu hữu ích phục vụ việc lập kế hoạch điều chỉnh chính sách và các quy định về bưu chính trong tương lai.
i. Mục tiêu nghiên cứu
☐ Đánh giá sự phát triển của dịch vụ bưu chính số tại các nước thành viên UPU.
☐ Xác định và đánh giá mức độ tác động của các rào cản và xu hướng ảnh hưởng đến sự phát triển của các dịch vụ bưu chính số.
☐ Đánh giá sự phát triển và tầm quan trọng chiến lược của dịch vụ bưu chính số ở cấp độ toàn cầu theo kết quả báo cáo năm 2012 và 2015.
☐ Phát triển khung chiến lược của dịch vụ bưu chính số.
ii. Định nghĩa
☐ Doanh nghiệp bưu chính (Posts): Trong nghiên cứu này, doanh nghiệp bưu chính là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được các nước thành viên UPU chỉ định (DO - Designated operators). Dịch vụ bưu chính số được cung cấp ở một nước là dịch vụ được doanh nghiệp bưu chính của nước đó cung cấp trực tiếp hoặc qua thỏa thuận với bên thứ ba, như Chính phủ hoặc các doanh nghiệp khác.
☐ Dịch vụ bưu chính số: Trong nghiên cứu này, dịch vụ bưu chính số được đề cập là dịch vụ do doanh nghiệp bưu chính cung cấp tới khách hàng cuối của mình (cá nhân, doanh nghiệp hoặc Chính phủ) qua các kênh điện tử. Mạng Internet là kênh truyền phát dịch vụ điện tử chính, bên cạnh các phương tiện viễn thông khác (điện thoại di động, máy tính bảng, trung tâm chăm sóc khách hàng, kênh truyền hình). Việc sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông - ICT chỉ với mục đích duy nhất tự động hóa quy trình xử lý bưu chính nội bộ (Ví dụ: Việc sử dụng máy chia chọn) không thuộc phạm vi của nghiên cứu này.
iii. Phương pháp luận
☐ Xây dựng bảng khảo sát: Ban đầu, thành viên của Nhóm Phát triển Dịch vụ Điện tử (Electronic Services Development Group) tổng hợp được 42 dịch vụ bưu chính số đưa vào bảng khảo sát. Các dịch vụ điện tử được phân thành 4 loại: Bưu chính điện tử và chính phủ điện tử; thương mại điện tử; các giải pháp thanh toán và tài chính số; và các dịch vụ hỗ trợ. Trên thực tế, bưu chính các nước có thể tích hợp các dịch vụ trên thành một sản phẩm duy nhất. Để đánh giá mức độ sẵn sàng và giá trị của các dịch vụ điện tử ở cấp độ quốc gia, Nhóm đã thực hiện một khảo sát, trong đó, đề nghị các doanh nghiệp bưu chính chỉ rõ loại dịch vụ điện tử cung ứng, tên dịch vụ, dịch vụ dự kiến triển khai, khách hàng ngoài lãnh thổ có thể tiếp cận dịch vụ đó không, có thể truy cập thông qua ứng dụng di động không, người sử dụng cuối của dịch vụ là ai và nguồn doanh thu mang lại. Khảo sát chỉ thống kê số lượng dịch vụ điện tử đang cung ứng và mức độ quan trọng mà các doanh nghiệp bưu chính đặt ra đối với các dịch vụ này chứ không đánh giá sự thành công của dịch vụ trên thị trường hay độ hài lòng khách hàng.
Bảng khảo sát năm 2017 được phát triển từ bảng khảo sát năm 2012 và 2015 nhưng sắp xếp lại danh mục các dịch vụ số và bổ sung các dịch vụ mới cho phù hợp với thực tiễn thị trường năm 2017. Tuy nhiên, cấu trúc của Bảng khảo sát năm 2017 vẫn được giữ nguyên để có thể so sánh kết quả với các báo cáo của năm 2012 và năm 2015 và ghi nhận tốc độ phát triển của dịch vụ bưu chính số.
☐ Đối tượng tham gia: Khảo sát được gửi tới doanh nghiệp bưu chính của 192 nước thành viên UPU. Các Liên minh Bưu chính Khu vực và các điều phối viên dự án khu vực UPU đều nhận được thông báo về cuộc khảo sát này. Tổng cộng có 125 nước phản hồi khảo sát qua thư, E-mail hoặc Fax.
☐ Các nhóm nước theo khu vực địa lý: Căn cứ theo khu vực địa lý và tốc độ phát triển kinh tế của UPU, các quốc gia tham gia khảo sát được chia thành các khu vực sau: các nước phát triển, châu Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), châu Á - Thái Bình Dương, các nước khối Ả-rập, châu Phi, Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê. 125 nước thành viên tham gia trả lời khảo sát gồm 25 nước châu Phi, 16 nước Ả-rập, 22 nước châu Á - Thái Bình Dương, 17 nước châu Âu và CIS, 20 nước Mỹ Latinh và vùng Ca-ri-bê, và 15 nước phát triển.
Hình 1.1. Các quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát về dịch vụ bưu chính số năm 2017
V. Sự liên kết phát triển giữa dịch vụ bưu chính điện tử, các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và công nghệ thông tin (ICT) cho phát triển
i. Dịch vụ bưu chính số và các mục tiêu phát triển bền vững
Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDSs) là chương trình đầy tham vọng nhằm đạt được một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn cho nhân loại trên toàn cầu. Chương trình đề cập đến các thách thức cấp bách toàn cầu mà nhân loại đang đối mặt: nghèo đói, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, thịnh vượng, hòa bình và công lý. Các mục tiêu được liên kết chặt chẽ với nhau nhằm thực hiện mục đích không bỏ lại ai phía sau và hoàn thành được từng mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể vào năm 2030. Để đạt được Chương trình 2030 đầy tham vọng này, 17 mục tiêu chung đã được xác lập và chi tiết hóa thành 169 mục tiêu cụ thể với 244 chỉ số. Là cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc, Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) với sự ủng hộ của các nước thành viên, đang tích cực nghiên cứu và phân tích các hoạt động đóng góp của lĩnh vực bưu chính trong nỗ lực đạt được các mục tiêu phát triển bền vững - SDGs.
Phần này nhằm xác định các chỉ số SDGs có liên kết chặt chẽ với tốc độ phát triển bưu chính số và vai trò của lĩnh vực bưu chính để đạt được Chương trình 2030 của Liên hợp quốc. Đồng thời, cũng khẳng định bưu chính có nhiều đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu SDGs thông qua việc sử dụng công nghệ để tạo ảnh hưởng tới xã hội. Theo nghiên cứu của UPU, báo cáo tập trung vào bốn mục tiêu đại diện có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển bưu chính (Bốn mục tiêu đó là Mục tiêu 8, 9, 11 và 17).
Lưu ý:
Tài liệu bao gồm nhiều “Trường hợp tham khảo” được nhân viên UPU thực hiện hoặc các tổ chức liên kết nghiên cứu từ nguồn cơ sở dữ liệu của UPU. Kết quả “Trường hợp tham khảo” không nhất thiết phải có xác nhận chính thức hoặc chấp thuận của các nước được lựa chọn nghiên cứu. Do vậy, tài liệu thuộc quyền sở hữu của UPU, các cá nhân và tổ chức có thể tiếp cận nếu có nhu cầu.
Mục tiêu 1: Xóa nghèo
Mục tiêu này nhằm bảo đảm một xã hội thịnh vượng toàn diện và xóa nghèo hoàn toàn vào năm 2030. Doanh nghiệp bưu chính, nhà cung cấp hạ tầng bưu chính chủ yếu ở các khu vực, đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Số liệu của UPU cho thấy Bưu chính Bangladesh và Paraguay đã góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa tầm nhìn quốc gia trong việc giúp hàng triệu người dân thoát khỏi cảnh nghèo khó cùng cực bằng việc cung cấp dịch vụ chuyển tiền qua điện thoại di động tới các vùng khó khăn.
Trường hợp tham khảo của Bangladesh
Bưu chính Bangladesh đã và đang góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa Tầm nhìn quốc gia 2021 nhờ hỗ trợ hàng triệu người dân Bangladesh thoát cảnh nghèo khó thông qua việc thực hiện hơn 11 triệu lệnh chuyển tiền qua điện thoại di động với trị giá 7 triệu USD và cung cấp dịch vụ phát hành thẻ rút tiền (Cash Card) với tệp khách hàng gồm 52.000 chủ thẻ, trong đó phần đông sống ở nông thôn.
Mục tiêu 2: Xóa đói
Mục tiêu này nhằm thúc đẩy các hoạt động nông nghiệp bền vững thông qua đầu tư vào hạ tầng và công nghệ để cải tiến sản phẩm nông nghiệp. Doanh nghiệp bưu chính giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển và hạ tầng nông thôn. Nghiên cứu của UPU cho thấy có mối liên kết tích cực giữa mạng lưới bưu chính rộng lớn và thành tựu đạt được khi triển khai SDGs(2).
Trường hợp tham khảo của Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, sàn giao dịch điện tử của bưu chính (E-marketplaces) đã hỗ trợ các địa phương phân phối và bán sản phẩm trên toàn quốc và ra quốc tế.
(2) http://news.upu.int/no_cache/nd/new-upu-report-shows-worlds-postal-networks-are-an-engine-for-economic-development/
Mục tiêu 3: Sức khỏe tốt và sống hạnh phúc
Mục tiêu này hướng đến bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc cho tất cả người dân trên toàn cầu, trong đó, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế, vắc xin, thuốc thiết yếu, an toàn và hiệu quả với giá cả phải chăng. Ở Nhật Bản, thông qua mạng lưới của mình, doanh nghiệp bưu chính đã cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nhân viên y tế tiếp cận với người tàn tật. Dịch vụ bưu chính số cũng giúp những người có vấn đề về thể chất dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ sức khỏe điện tử.
Trường hợp tham khảo của Nhật Bản
Bưu chính Nhật Bản, IBM và Apple đã hợp tác triển khai một sáng kiến độc nhất nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của hàng triệu người cao tuổi Nhật Bản. Bưu chính Nhật Bản dự kiến sẽ mở rộng dịch vụ này trong giai đoạn tới với mục tiêu đạt được từ 4 đến 5 triệu khách hàng vào năm 2020.
Mục tiêu 4: Giáo dục có chất lượng
Mục tiêu này bảo đảm một nền giáo dục chất lượng, công bằng, toàn diện và cơ hội học tập suốt đời; bảo đảm quyền tiếp cận các chương trình giáo dục hướng nghiệp với chi phí phù hợp, xóa bỏ bất bình đẳng giới tính và giàu nghèo, hướng tới phổ cập giáo dục chất lượng cao vào năm 2030. Mạng lưới bưu chính không chỉ chú trọng phục vụ mục đích truyền thông và hoạt động thương mại mà còn nỗ lực truyền bá tri thức và nâng cao năng lực. Mỗi năm, hơn 1.500 người được đào tạo qua nền tảng đào tạo trực tuyến Trainpost của UPU và các trung tâm đào tạo ở 4 khu vực. Ở Anh, dịch vụ bưu chính số sử dụng chương trình đào tạo trực tuyến đã giúp người dân có cơ hội học tập trực tuyến với chi phí tiết kiệm.
Trường hợp tham khảo giáo dục của Bưu chính Anh
Bưu chính Anh triển khai cung cấp các gói tài liệu đào tạo cho giáo viên. Khoảng 55.000 tài liệu đã được tải về, 98% số trường học tham gia các khóa học thường niên đặt yêu cầu gói chương trình cho năm sau. Đây là kết quả ngoài mong đợi dành cho các học viên và cả Bưu chính Anh.
Mục tiêu 8: Công việc tốt và tăng trưởng kinh tế
Mục tiêu này bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững và tạo ngày càng nhiều công ăn việc làm tốt cho người dân, giảm thiểu nạn buôn người, nô lệ và cưỡng bức lao động. Báo cáo phát triển bưu chính của UPU năm 2018(3) cho thấy, để đạt được mục tiêu này, lĩnh vực bưu chính đã cung cấp các sản phẩm dịch vụ được thiết kế riêng cho thị trường nhằm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Hơn 100.000 lượt người được phục vụ tại mỗi bưu cục; các doanh nghiệp và người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với mạng lưới truyền thông, tài chính và hậu cần. Lĩnh vực bưu chính đã đóng góp không nhỏ trong việc tạo công ăn việc làm, tăng trưởng kinh tế toàn diện và bền vững.
Năm 2016, có hơn 5,32 triệu nhân viên bưu chính(4) đang làm việc trên toàn thế giới. Doanh nghiệp bưu chính các nước đã rất nỗ lực để tạo nhiều việc làm tốt và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng toàn diện.
Kết quả bản phân tích hồi quy đa biến của UPU(5) (xem Hình 1.2) cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển của bưu chính và mục tiêu 8. Ở các nước dịch vụ bưu chính phát triển, người trưởng thành sở hữu tài khoản ngân hàng chiếm tỷ lệ lớn, đây cũng là một chỉ số đánh giá mức độ tài chính toàn diện. Dịch vụ bưu chính số, ví dụ như cửa hàng điện tử (e-shop), thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh của các doanh nghiệp MSMEs thông qua việc truy cập vào các dịch vụ thị trường toàn cầu.
Trường hợp tham khảo của Iran
Bưu chính Iran cung cấp dịch vụ Bazaar Post, một giải pháp công nghệ thương mại điện tử hiện đại cho phép các doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh trên toàn quốc nhờ cung cấp trải nghiệm mua sắm hướng tới khách hàng và coi khách hàng là trung tâm. Trong năm 2014, có 5,4 triệu giao dịch được ghi nhận.
(3) www.upu.int/uploads/tx_sbdowloader/postalDevelopmentRep ort2018EN.pdf
(4) www.upu.int/uploads/tx_sbdowloader/postalDevelopmentRe port2018EN.pdf
(5) www.upu.int/uploads/tx_sbdowloader/postalDevelopmentRe port2018EN.pdf
Mục tiêu 9: Công nghiệp, sáng tạo và phát triển hạ tầng
Mục tiêu này định hướng xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt và bền vững để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các mục tiêu SDG cũng khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới để đạt được tăng trưởng toàn diện. Dịch vụ bưu chính, một chỉ số cải tiến toàn diện, cung cấp các dịch vụ bưu chính phổ cập tại 146 quốc gia. 51 doanh nghiệp bưu chính trên toàn cầu hiện đang quản lý 1,6 tỷ tài khoản tiết kiệm và tiền gửi, với 1 tỷ khách hàng. Ở Botswana, mạng lưới bưu chính cung cấp dịch vụ số để hỗ trợ tài chính, công nghệ và kỹ thuật cho các vùng sâu vùng xa và có điều kiện khó khăn.
Trường hợp tham khảo của Botswana
Ở Botswana, việc triển khai truy cập Internet và cung cấp đa dạng dịch vụ thông tin tại các trung tâm tri thức đặt ở bưu cục đã gia tăng doanh thu bình quân của các bưu cục lên 25%, và cung cấp đa dạng dịch vụ điện tử cho cộng đồng địa phương.
Mục tiêu 10: Giảm bất bình đẳng
Mục tiêu này nhằm giảm bất bình đẳng ở mỗi quốc gia và giữa các quốc gia: “Đến năm 2030, thu nhập của 40% dân số nghèo được tăng bền vững, với tỷ lệ cao hơn mức trung bình quốc gia”. Bưu chính có thể đóng vai trò như một kênh kinh tế xã hội toàn diện, cung cấp dịch vụ thanh toán tiền mặt toàn cầu tại các bưu cục. Dịch vụ bưu chính số phục vụ thương mại điện tử đang mang đến một giải pháp xã hội toàn diện để đạt được tiến bộ về kinh tế và xã hội nhằm hỗ trợ cho nhóm đối tượng gặp khó khăn. Đây cũng là một nhân tố có quan hệ chặt chẽ với hoạt động tài chính toàn diện.
Trường hợp tham khảo 1 của Armenia
Haypost đã nhanh chóng phát triển mô hình kinh doanh mới bằng việc sử dụng các công nghệ thương mại điện tử hiện đại và thiết kế một ứng dụng mang tính xã hội cao. HayPost triển khai dịch vụ “Shop in America”, nền tảng thương mại điện tử mới hỗ trợ người dân ở các vùng sâu vùng xa của Armenia mua hàng toàn cầu. Haypost xây dựng mạng lưới hơn 700 bưu cục trực tuyến, lắp đặt 2.900 máy tính mới tại Yerevan và các khu vực có kết nối Internet. Dịch vụ này thúc đẩy xã hội phát triển toàn diện thông qua phát triển thương mại điện tử, người dân được miễn thuế nhập khẩu từ 600 tới 4.800 USD mỗi năm. Thực hiện thủ tục thông quan một cửa với việc kết nối phần mềm thông quan tự động tại 700 bưu cục trực tuyến. Việc này cho phép người dân thông quan hàng hóa ngay tại vùng họ sinh sống. Haypost lập chi nhánh tại Glendale, California, Hoa Kỳ - khu vực có cộng đồng người Amernia sinh sống nhiều nhất ở Bắc Hoa Kỳ để người dân có thể đăng ký miễn phí và chuyển hàng về một địa chỉ giao hàng miễn phí tại Hoa Kỳ khi đặt hàng trực tuyến.
Trường hợp tham khảo 2 của Cộng hòa thống nhất Tanzania
Bưu chính Tanzania mở 36 quán cà phê Internet giúp khách hàng có thể truy cập thông tin. Các trung tâm thông tin cộng đồng được đặt tại 6 bưu cục và những bưu cục này hiện đang cung cấp cả dịch vụ đào tạo trực tuyến.
Mục tiêu 13: Hành động vì khí hậu
Mục tiêu này tăng cường khả năng phục hồi và năng lực thích nghi nhằm đối phó với các nguy cơ về biến đổi khí hậu và thảm họa thiên tai tại các nước: “Đến năm 2030, Liên hợp quốc dự đoán chỉ riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thảm họa có thể làm thiệt hại trung bình 160 tỷ đô la/năm, tăng hơn 50 tỷ đô la/ năm so với hiện tại(6). Các dịch vụ ICT bưu chính là yếu tố quan trọng đóng góp vào hoạt động chống biến đổi khí hậu toàn cầu, hỗ trợ Chính phủ các nước lồng ghép các giải pháp chống biến đổi khí hậu vào chính sách quốc gia.
UPU với tư cách nhà điều phối các dịch vụ bưu chính toàn cầu, đã phát triển các giải pháp giám sát khí hậu tân tiến nhằm phân tích và báo cáo tỷ lệ carbon của ngành Bưu chính. Công cụ OSCAR POST đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu, tuân thủ theo các quy định của tổ chức bưu chính và tự động đưa ra báo cáo cho người dùng. OSCAR cung cấp cho các cơ quan bưu chính tham gia bản phân tích khí thải nhà kính và báo cáo chi tiết phạm vi, nguồn gốc và sản phẩm xả thải, đồng thời so sánh với các năm trước đó nhằm đánh giá các nỗ lực giảm nhẹ.
Về phần mình, doanh nghiệp bưu chính cũng đang đưa ra các giải pháp bưu chính số khi chuyển phát bưu gửi, giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy in, cho phép người gửi, người nhận trao đổi và nhận bưu gửi dưới hình thức số.
Trường hợp tham khảo của Thụy Sỹ
Bưu cục điện tử (E-Post Office) của Bưu chính Thụy Sỹ cho phép nhận và gửi thư qua đường điện tử. Khi dịch vụ được kích hoạt, tất cả bưu gửi từ người gửi sẽ được tự động chuyển phát dưới dạng điện tử. Người nhận có thể đăng ký dịch vụ quét thư tự động để đọc, biên tập và lưu trữ số.
Mục tiêu 16: Hòa bình, công lý và thể chế vững mạnh
Mục tiêu thúc đẩy xã hội toàn diện và hòa bình nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, tăng cường tiếp cận công lý cho người dân, xây dựng một thể chế hiệu quả, minh bạch và toàn diện ở mọi cấp. Ở Anh, Bưu chính Anh - Royal Mail, được coi là một đại lý tin cậy và truyền thống trong việc cung cấp cổng bầu cử trực tuyến để hơn 113.000 người dân thực hiện quyền bầu cử và ủy quyền bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015. 50% cử tri đã sử dụng giải pháp bầu cử trực tuyến của Bưu chính Thụy Sỹ vào năm 2017. Bưu chính Morocco là cơ quan được ủy quyền thay mặt Chính phủ cấp định danh điện tử cho người dân. Chính phủ Pháp cũng tin tưởng giao cho Bưu chính Pháp cung cấp dịch vụ phát hành báo chí với giá thấp hơn giá thành nhằm thực hiện nghĩa vụ phổ cập dịch vụ. Các dịch vụ ICT bưu chính có thể hỗ trợ cho các thể chế đang phát triển toàn diện hoạt động một cách minh bạch, tin cậy, hiệu quả, đồng thời hỗ trợ Chính phủ cung cấp dịch vụ xác thực và căn cước công dân.
Trường hợp tham khảo của Morocco
Năm 2011, Bưu chính Morocco khai trương dịch vụ Barid eSign, cung cấp một nền tảng chứng thực cho các giao dịch điện tử nhằm bảo đảm độ an toàn, tính đồng bộ và có giá trị pháp lý. Sau đó, đạo luật số 53-05 được Cơ quan Tần số và Viễn thông Quốc gia phê chuẩn vào năm 2011. Nhờ vào dịch vụ Barid eSign, Bưu chính Morocco đã đặt nền tảng đầu tiên trong chiến lược phát triển dịch vụ bưu chính số và trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên thị trường về giao dịch điện tử tin cậy.
(6) SDG (ppt)
Mục tiêu 17: Quan hệ đối tác vì mục tiêu phát triển bền vững
Mục tiêu này hướng tới “tăng cường cách thức triển khai và củng cố quan hệ hợp tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững” và liên hệ chặt chẽ với mục tiêu phát triển bưu chính. Doanh nghiệp bưu chính hỗ trợ dịch vụ truyền thông và xúc tiến thương mại thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác. Mục tiêu này cũng liên quan tới tỷ lệ người sử dụng Internet. Khi ICT phát triển như một giải pháp thay thế dịch vụ gửi thư vật lý, từ doanh thu nhóm dịch vụ chuyển phát thư truyền thống sẽ giảm đáng kể. Khi các sản phẩm, dịch vụ mới phục vụ thương mại điện tử được triển khai thông qua mạng Internet, thì nhu cầu sử dụng đơn vị trung gian tin cậy chuyển phát đơn hàng ngày càng gia tăng.
Dữ liệu của UPU(7) đã chỉ ra mối tương quan giữa tỷ lệ người sử dụng Internet và tốc độ phát triển trong lĩnh vực bưu chính. Sự phát triển của ICT hỗ trợ lĩnh vực bưu chính đổi mới, mở rộng sang thương mại điện tử. Để thích nghi với tiến trình số hóa, bưu chính cũng cần phải hội nhập. Khoảng 60 doanh nghiệp bưu chính các nước đã hợp tác với công ty bảo hiểm cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Một trong những mục tiêu của SDGs là phát triển cơ sở dữ liệu chất lượng cao và trên thực tế, UPU đã ghi nhận được 100 tỷ điểm dữ liệu mỗi năm.
Một ví dụ khác trong chuyển đổi bưu chính là trường hợp tham khảo của Bưu chính Tanzania. Doanh nghiệp bưu chính này đã mở 36 quán cà phê Internet để phục vụ người dân kết nối Internet và tạo thuận lợi thương mại cho họ thông qua các quan hệ hợp tác. Hay ở Brazil, các dịch vụ ICT bưu chính thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của đất nước thông qua hợp tác với các doanh nghiệp MSMEs và chính phủ. Trong khi đó, tại Paraguay, dịch vụ chuyển tiền điện tử của doanh nghiệp bưu chính đã giúp cho người nghèo nhận được các khoản giao dịch tiền tệ.
(7) www.upu.int/uploads/tx_sbdownloader/postalDevelopment Report2018EN.pdf
ii. Kết luận
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông mang đến cơ hội và thách thức cho sự phát triển của ngành Bưu chính. ICT cũng là công cụ quan trọng để mở rộng phương thức truy cập dịch vụ chính phủ điện tử cho các công dân toàn cầu và đây là một nguyên tắc quan trọng của Chương trình Hành động 2030. Do đó, ngành Bưu chính đang chịu áp lực rất lớn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi các dịch vụ truyền thống sang dịch vụ trực tuyến. Doanh nghiệp bưu chính cần cải tiến nhiều hơn, cần có phương tiện chuyển phát nhanh hơn, sẵn sàng đáp ứng và thích nghi cao với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, doanh nghiệp bưu chính cần tiếp tục mở rộng phạm vi phục vụ tới các khu vực chịu nhiều tổn thương nhất trong xã hội cũng như nỗ lực thực hiện các mục tiêu SDGs để hoàn thành chương trình hành động toàn cầu.
IB nỗ lực để trở thành trung tâm cung cấp thông tin tri thức trong mọi lĩnh vực cho các nước thành viên (bao gồm cả thông tin tri thức về chuyển đổi số trong bưu chính) bằng việc thu thập thông tin từ nhiều nguồn có sẵn, xuất bản thành ấn phẩm để sử dụng như kim chỉ nam, đồng thời vừa là công cụ để hoạch định kế hoạch tương lai cho thị trường bưu chính.