1. 25 định luân: Tu tập có ba quán xen lẫn nhau chia thành ba phần:
- 1/ Phần đầu có 3 luân, tu riêng từng quán.
- 2/ Phần tiếp theo có 21 luân, tu xen lẫn ba quán.
- 3/ Phần cuối có 1 luân, tu ba quán viên mãn.
Phần tu tập xen lẫn ba quán, khi tu tập, lấy một quán đứng đầu, rồi kiêm tu hai quán khác, xen lẫn nhau thành bảy lần. Ba lần bảy tổng cộng có 21 luân.
Cứ mỗi bảy lần có bốn tiết:
- 1/ Hai lần đầu tu ba quán, ba quán cùng hợp nhau.
- 2/ Hai lần kế tiếp tu ba quán theo thứ tự.
- 3/ Tiếp theo có một lần, trước tu một, sau cùng tu.
- 4/ Sau có hai lần, trước cùng tu hai, sau tu một.
Nay mỗi quán đều lấy một chữ để tiện sự sắp hạng thứ lớp. Nên Sa ma tha gọi là “tĩnh”, Tam ma bát đề gọi là “huyễn”, và Thiền na gọi là “tịch”. Căn cứ vào bảy lần đầu, trong đó có bốn tiết theo như biểu đồ sau:
Một lần bảy đầu lấy “tĩnh quán” đứng đầu, sau kiêm tu huyễn, tịch. Một lần bảy thứ hai lấy “huyễn quán” đứng đầu và kiêm tu tĩnh tịch. Một lần bảy thứ ba lấy “tịch quán” đứng đầu, kiêm tu tĩnh huyễn.
25 luân, theo lược sớ của Ngài Tông Mật thì mỗi quán đều căn cứ vào dụ để đặt tên, nên mỗi quán đều có một tên riêng (25 luân chia thành ba phần) (Phần đầu có ba luân tu riêng từng quán).
1/ (1) Trừng hồn tức dụng quán: Quán lắng trong nước đục, tắt mọi tác dụng (Đơn tĩnh).
2/ (2) Bào Đinh tứ nhẫn quán: Bào Đinh là tên người đầu bếp đời Tấn, 19 năm dùng một con dao làm bếp mà không hề tổn thất mũi nhọn. Dụ cho Bồ tát lợi sinh, tu hành vạn hạnh, ứng duyên vào đời mà không thương tổn phần trí tuệ của mình (Đơn huyễn).
3/ (3) Trình âm xuất ngại quán: Nghĩa là chất kim khí dung hòa tiếng, tùy theo đồ kim khí mà tiếng vang ứng ngay (Đơn tịch).
- 3.7 lần đầu
4/ (1) Vận chu kiêm tế quán: Bồ tát tu định để xuất trần gọi là vận chu, phát tuệ để hóa độ chúng sinh gọi là kiêm tế (Trước tĩnh sau huyễn).
5/ (2) Trạm hải trừng không quán: Bể yên lặng thì sóng không động, trước tu tĩnh quán để yên lặng gọi là trạm hải. Sau tu tịch quán để biển tính cũng như trừng không thì tính nước trong sáng (Trước tĩnh sau tịch).
6/ (3) Thủ la tam mục quán: Ba quán đều tu như thần Ma Hê Thủ La, trên mặt đó có ba con mắt (Trước tĩnh, giữa huyễn, sau tịch).
7/ (4) Tam điểm tề tu quán: Tam điểm là chữ “y” trong tiếng Phạn. Chữ “y” trong ba chấm dụ cho một người đầy đủ cả ba quán gọi là tề, tề không phải nghĩa đồng thời (Trước tĩnh, giữa tịch, sau huyễn).
8/ (5) Phẩm tự đơn song quán: Chữ “phẩm” có ba chữ “khẩu”, một đơn một kép. Bắt đầu đơn tĩnh quán như một chữ khẩu ở hàng trên, sau tề tu tịch, huyễn như hai chữ khẩu ở hàng dưới, nên gọi là đơn song (Trước tĩnh, sau tề tu huyễn, tịch).
9/ (6) Độc túc song đầu quán: Trong đồ hình Bạch Trạch, có loài Sơn tinh đầu to như cái trống, có hai mặt ở cả phía trước và sau đều thấy, nhưng lại chỉ có một chân. Dụ cho tĩnh và huyễn đều chiếu như song đầu, đơn tu tịch quán như độc túc (Trước tề tu tĩnh và huyễn, sau tu tịch).
10/ (7) Quả lạc hoa phu quán: Quả lạc tức là lấy cây tĩnh định mà kết quả tịch diệt trung đạo, sau lại phu hoa, có nghĩa là sau lại lấy huyễn quán đi vào cõi hữu tình độ sinh, cũng khiến cho cùng chứng quả Niết bàn (Tề tu tĩnh tịch, sau tu huyễn).
- 3.7 lần 2
11/ (1) Tiền võ hậu văn quán: Võ Vương đánh vua Trụ xong, lại lấy giáo mác đúc làm nông cụ. Dụ cho Bồ tát trước dùng thứ thứ huyễn hóa, rồi sau vào tĩnh quán (Trước huyễn sau tĩnh).
12/ (2) Công thành thoái chúc quán: Bồ tát phát tuệ lợi vật tức là công thành, tập tịch nội tu gọi là thoái chúc (Trước huyễn sau tịch).
13/ (3) Huyễn sư giải thuật quán: Trước khởi biến hóa gọi là thuật pháp, thứ trở về tĩnh rồi sau yên ở tịch, gọi là giải thuật (Trước huyễn, giữa tĩnh, sau tịch).
14/ (4) Thần long ẩn hải quán: Khởi huyễn hóa độ chúng sinh, dụ như thần long làm mây mưa, trở lại thể vào tĩnh, dụ như ẩn hải (Trước huyễn, giữa tịch, sau tĩnh).
15/ (5) Long Thọ thông chân quán: Trước khởi huyễn, sau trở về tịch tĩnh, như Ngài Long Thọ lúc đầu dùng huyễn thuật để hóa độ tà đồ, sau tu tập Chân thừa để bước lên Thánh quả (Trước tu huyễn sau tề tu tĩnh tịch).
16/ (6) Thương Na thị tướng quán: Thương Na tức Thương Na Hòa Tu, là thầy của Ưu Ba Cúc Đa. Thương Na trước dùng thần thông thị tướng để hàng phục tính kiêu mạn của Cúc Đa, sau vào định trở về tịch (Trước tề tu huyễn và tĩnh, sau tu tịch).
17/ (7) Đại Thông yến mặc quán: Đại Thông Như Lai, trước lấy hóa sinh, lợi vật, sau trở lại tịch (Trước tề tu huyễn tịch, sau tĩnh).
- 3.7 lần 3
18/ (1) Bảo minh không hải quán: Phật Đính Kinh nói: “Cùng vào Bảo minh không hải của Như Lai”. Nay linh tâm quán, lấy tịch đứng đầu, cũng như bảo minh, sau tu tĩnh quán, cũng như không hải (Trước tịch sau tĩnh).
19/ (2) Hư không diệu dụng quán: Thể linh tâm như hư không, khởi biến hóa tức diệu dụng (Trước tịch sau huyễn).
20/ (3) Thuấn nhã trình thiền quán: Thuấn nhã tức hư không thần, gặp ánh sáng Phật (mặt trời) mới hiện (tạm), dụ trước tu tịch, thứ tĩnh sau huyễn (Trước tịch, giữa tĩnh, sau huyễn).
21/ (4) Ẩm Quang quy định quán: Ẩm Quang tức Đại Ca Diếp. Trước chứng thể, thứ khởi thần thông, sau khởi trở về định (Trước tịch, giữa huyễn, sau tĩnh).
22/ (5) Đa Bảo trình thông quán: Phật Đa Bảo, trước thành đạo chứng như thế, sau ở trong tháp nói Pháp Hoa Kinh. Dụ cho tĩnh huyễn vô ngại (Trước tịch, sau tề tu tĩnh huyễn).
23/ (6) Hạ phương đằng hoá quán: Tức trong Pháp Hoa Kinh có sáu vạn hằng hà sa Bồ tát, từ phương dưới xuất hiện. Dụ cho tề tu Thiền na, Sa ma tha, sau tu Tam ma bát đề (Trước tề tu tịch tĩnh, sau huyễn).
24/ (7) Đế thanh hàm biến quán: Đế thanh là một thứ ngọc báu, ngọc này bao hàm vạn tượng, đối tức biến ứng, ứng mà về không. Dụ cho linh tâm quán bao hàm mọi đức dụng, ứng duyên khởi huyễn mà trở về yên tĩnh (Trước tề tu tịch huyễn, sau tĩnh).
25/ Phần cuối có một quán: Như ý viên tu quán. Bảo châu như ý, chiếu đều khắp bốn phương, đại tri đốn giác, tề tu cả ba quán (Viên tu tịch huyễn tĩnh).
2. 12 bộ kinh: Tức thập nhị bộ kinh, hay thập nhị phần giáo, nghĩa là nội dung và hình thức trong kinh điển mà Đức Phật đã nói ra, được phân loại thành 12 thứ:
1/ Khế kinh hay pháp bản (Sūtra) Nghĩa là tên của một bộ kinh, Phật nói ra chỉ có phần trường hàng.
2/ Ứng tụng hay trùng tụng (Geya): Nghĩa là kệ để tụng lại nghĩa của phần trường hàng hoặc chỗ nghĩa chưa được rõ.
3/ Thọ ký, thọ quyết hay ký biệt (Vyākaraṇa): Nghĩa là Phật trao quyền cho các đệ tử những nghĩa lý thâm áo, hoặc thọ ký cho sẽ được thành Phật.
4/ Phúng tụng hay bất trùng tụng (Gāthā): Nghĩa là nói kệ để chỉ thẳng nghĩa mà Phật muốn nói, không tụng lại nghĩa trường hàng.
5/ Tự thuyết hay vô vấn tự thuyết (Udāna): Nghĩa là không đợi thính chúng thỉnh hỏi mà Phật tự nói ra.
6/ Nhân duyên hay duyên khởi (Nidāna): Nghĩa là Phật đáp ứng lời thỉnh cầu của thính chúng, hoặc thứ thứ nhân duyên mà nói ra.
7/ Thí dụ hay giải ngữ (Avadāna): Nghĩa là Phật đem lời thí dụ để nói pháp.
8/ Bản sự hay như thị ngữ (Itivṛttaka): Nghĩa là Phật tuyên thuyết những việc đã xảy ra ở đời quá khứ.
9/ Sinh hoặc Bản sinh (Jātaka): Nghĩa là Phật nói những hạnh đại từ, đại bi của Ngài ở đời quá khứ.
10/ Phương đẳng và Phương quảng (Vaipulya): Nghĩa là Phật tuyên thuyết về những nghĩa lý quảng đại bình đẳng.
11/ Vị tằng hữu pháp hay hy pháp (Adbhuta dharma): Nghĩa là nói về những sự kiện kỳ diệu hiếm có của Phật và chư đệ tử.
12/ Luận nghị hay nghĩa (Upadeśa): Tức là bàn luận lựa chọn và phân biệt rõ ràng về thể tính của chư pháp.