Lúc đó, Bồ tát Hiền Thiện Thủ, ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Ngài đã vì chúng con và chúng sinh đời mạt pháp, khai thị rộng thêm những việc không thể nghĩ bàn như thế. Bạch Thế Tôn! Đề kinh của giáo pháp Đại thừa này tên là gì? Phải phụng trì kinh này như thế nào? Chúng sinh tu tập được những công đức gì? Khiến chúng con phải thủ hộ người trì kinh này như thế nào? Phải truyền bá giáo lý này đến những nơi chốn nào? Hỏi rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế trước sau ba lần.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Hiền Thiện Thủ rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể vì chư Bồ tát và chúng sinh đời mạt pháp, hỏi về danh tự, công đức của kinh giáo này như thế ở Như Lai. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Hiền Thiện Thủ vui mừng, vâng lời Phật dạy, cùng tất cả đại chúng im lặng lắng nghe.
1 Chương này thuộc phần lưu thông của kinh. Vì mục đích pháp bảo được lưu truyền, thông suốt khắp mọi địa phương xứ sở để lợi ích cho khắp pháp giới chúng sinh nên các kinh điển đều có phần lưu thông.
Thiện nam tử! Kinh này là nội dung giảng thuyết của trăm ngàn vạn ức hà sa chư Phật, là điều thủ hộ giữ gìn của Như Lai trong cả ba đời, nơi quy y của Bồ tát ở khắp mười phương, và là nhãn mục thanh tịnh của 12 bộ kinh1. Kinh này có tên là Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni, cũng gọi là Tu Đa La Liễu Nghĩa, cũng gọi là Bí Mật Vương Tam Muội, cũng gọi là Như Lai Quyết Định Cảnh Giới, cũng gọi là Như Lai Tạng Tự Tính Sai Biệt. Thầy nên phụng trì.
1 12 bộ kinh: Chú thích này đưa về phụ lục cuối sách
Thiện nam tử! Kinh này chỉ bày về cảnh giới của Như Lai, duy có Phật Như Lai mới hay tuyên thuyết hết được. Nếu chư Bồ tát và chúng sinh đời mạt pháp, y vào kinh này mà tu hành, tăng tiến lần lần, rồi cũng tới ngôi Phật.
Thiện nam tử! Kinh này gọi là Đốn giáo Đại thừa, đốn cơ chúng sinh, đều do đây mà khai ngộ. Kinh này cũng thu nhiếp hết thảy mọi phẩm loại thuộc tiệm tu chúng sinh, ví như biển lớn, không bỏ dòng sông nhỏ, cho đến nhỏ như loài mòng muỗi, lớn như thân A tu la khi uống nước đó, đều được sung mãn.
Thiện nam tử! Ví như khiến có người lấy thuần đồ thất bảo, chứa đầy ở ba ngàn Đại thiên thế giới, dùng để bố thí, cũng không bằng có người nghe tên và hiểu nghĩa một câu của kinh này.
Thiện nam tử! Ví như có người giáo hóa hàng trăm hằng hà sa chúng sinh, được quả A la hán, cũng không bằng có người tuyên thuyết và phân biệt nửa bài kệ ở kinh này.
Thiện nam tử! Nếu lại có người nghe tên kinh này, lòng tin không ngờ vực, nên biết người đó, không phải đã trồng cội phúc tuệ ở một vị Phật, hay hai vị Phật, mà đã trồng mọi căn lành ở tận cùng hằng hà sa hết thảy chư Phật, để nghe kinh giáo này.
Thiện nam tử! Các ông phải bảo hộ, những người tu hành như thế, ở đời mạt pháp, chớ để cho các ác ma và ngoại đạo làm não loạn đến thân tâm họ, khiến họ phải thụt lùi.
Khi đó, trong chúng hội, có Hỏa Thủ Kim Cương, Tồi Toái Kim Cương, Ni Lam Bà Kim Cương v.v. cho đến tám vạn thần Kim Cương, gồm cả quyến thuộc các vị ấy liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, mà bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu sau này, hết thảy chúng sinh đời mạt pháp, có chúng sinh nào hay trì Quyết Định Đại Thừa Kinh này, chúng con sẽ bảo hộ người ấy, cũng như bảo hộ con ngươi mắt vậy. Cho đến nơi chốn đạo tràng tu hành, Thần Kim Cương chúng con, tự lãnh cả đồ chúng để sớm chiều giữ gìn, khiến cho chúng sinh đó không thoái chuyển. Ngay đến nhà cửa của chúng sinh đó, cũng không còn tai chướng, tật bệnh đều tiêu tan, của cải phong phú sung túc, thường không bị thiếu thốn.
Khi ấy, Đại Phạm Vương, 28 Thiên Vương và Tu Di Sơn Vương, Hộ Quốc Thiên Vương1 v.v. liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, mà bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng xin thủ hộ người trì kinh này, thường khiến cho họ được an ổn, tâm họ không thoái chuyển.
1 Đại Phạm Vương: Tức là Đại Phạm Thiên Vương (Mahābrahmā), vua cõi trời Đại Phạm, thống trị cõi thế giới Ta bà. 28 Thiên Vương, chỉ tổng quát vua của 28 cõi trời trong tam giới. Tu Di Sơn Vương, tức vua Đế Thích, cũng có tên là Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra Denvendra), vua cõi trời Đao Lợi ở đỉnh núi Tu Di. Hộ Quốc Thiên Vương, tức bốn Thiên Vương: Đông phương Trì Quốc Thiên Vương; Bắc phương Đa Văn Thiên Vương; Nam phương Tăng Trưởng Thiên Vương; Tây phương Quảng Mục Thiên Vương.
Khi ấy, cũng có Đại Lực Quỷ Vương, tên là Cát Bàn Trà, cùng với mười vạn quỷ vương, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, mà bạch Phật rằng: Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng xin giữ gìn người trì kinh này, túc trực bên họ sớm tối, để tâm họ không thoái chuyển. Chỗ ở của người đó, trong phạm vi một do tuần, nếu có quỷ thần nào xâm nhập cảnh giới ấy, chúng con sẽ khiến thân chúng phải nát như vi trần.
Phật nói kinh này rồi, hết thảy Bồ tát, tám bộ Thiên Long, Quỷ, Thần, cùng với quyến thuộc và chư Thiên Vương, Phạm Vương, hết thảy đại chúng nghe Phật nói kinh xong, đều rất vui mừng, ai nấy đều tin theo, thọ trì phụng hành.
KINH ĐẠI PHƯƠNG QUẢNG VIÊN GIÁC TU ĐA LA LIỄU NGHĨA
HẾT