Chương 11Viên Giác1
Lúc đó, Bồ tát Viên giác ở trong đại chúng, từ tòa ngồi đứng dậy, đảnh lễ chân Phật, nhiễu về bên phải ba vòng, quỳ gối chắp tay, mà bạch Phật rằng: Đại Bi Thế Tôn! Ngài vì chúng con, chỉ dạy về các loại phương tiện của tịnh giác, khiến cho chúng sinh ở đời mạt pháp có được thêm phần lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn! Chúng con hiện đã được khai ngộ, nhưng nếu sau khi Ngài nhập diệt, chúng sinh ở đời mạt pháp, những người chưa được ngộ phải an trụ như thế nào để tu tập cảnh giới thanh tịnh Viên giác này? Phải tu ba thứ tịnh quán nào trong Viên giác này cũng như phải tu phép quán nào trước? Kính xin Phật mở lòng đại bi, vì đại chúng và chúng sinh đời mạt pháp, ban cho những lợi ích to lớn. Nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh cầu như thế, trước sau ba lần.
1 Chương này nói về kiến lập đạo tràng và gia hành: Ba quán thích ứng cho việc ba căn tu chứng. Nơi chốn tu hành đắc đạo gọi là đạo tràng. Tăng thêm công phu tu hành để mong cầu chứng nhập Viên giác, gọi là gia hành. Nghĩa là bậc hạ căn tu chứng, tuy tín và hiểu ba quán nhưng vì nghiệp chướng nặng, tâm thường nông cạn, nên phải nhập đạo tràng để tự chế ước thân tâm, làm phương tiện tu chứng.
Khi bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Viên giác rằng: Tốt lắm thay! Tốt lắm thay! Thiện nam tử! Như các thầy mới có thể hỏi về phương tiện như thế ở Như Lai, để đem lại lợi ích lớn, ban cho mọi chúng sinh. Thầy nay nghe cho kỹ, ta sẽ vì thầy mà nói. Khi đó, Bồ tát Viên giác vui mừng, vâng lời Phật dạy và tất cả đại chúng đều im lặng lắng nghe.
Thiện nam tử! Hết thảy chúng sinh, nếu khi Phật còn tại thế, hay sau khi nhập diệt, hoặc ở thời mạt pháp, có chúng sinh nào đủ căn tính Đại thừa, tin ở tâm Đại Viên giác bí mật của Phật, yên ở nơi mà muốn phát tâm tu hành. Nếu ở chốn già lam, nơi đồ chúng, vì có nhiều duyên sự, thì tùy phần tư duy quan sát như ta đã nói.
Nếu lại không có nhân duyên ở việc lợi tha, thì nên kiến tạo đạo tràng, thiết lập từng kỳ hạn. Như thiết lập trường kỳ 120 ngày, trung kỳ 100 ngày, hạ kỳ 80 ngày, và phải an trí đạo tràng ở nơi thanh tịnh.
Như thời Phật còn tại thế, chỉ cần chính tư duy. Nếu Phật diệt độ rồi, phải bài trí hình tượng, để tâm quan sát, mắt tưởng tượng sinh nhớ nghĩ chân chính, coi cũng như Phật còn trụ thế. Trong nơi đạo tràng, phải trang trí phan phướn, phẩm vật hương hoa. Ở 21 ngày đầu, chuyên đảnh lễ danh hiệu chư Phật khắp mười phương, chí thành cầu sám hối, gặp cảnh giới tốt được an tâm nhẹ nhàng. 21 ngày đã qua rồi, thời chỉ chuyên nhiếp niệm1.
1 Nhiếp niệm: Hành giả tu tĩnh (chỉ) quán, nhưng đôi khi tâm bị tán loạn, nên phải đem trở lại mối niệm cho trụ ở chính niệm, nên gọi là nhiếp niệm.
Nếu gặp ngày đầu hạ, hoặc ba tháng an cư, nên làm pháp chỉ trụ (an cư)2 của thanh tịnh Bồ tát, tâm thoát cảnh giới Thanh văn, không câu nệ ở đồ chúng.
2 Sai biệt về an cư giữa Tiểu thừa và Đại thừa có khác: (1) Sở y khác: Biệt giới và viên giới; (2) Giả thật khác: Định thật và thị hiện; (3) Trụ trì khác: Sự tướng trụ trì và thực tướng trụ trì; (4) Kết an khác: Đối thú tác pháp an cư và độc tự xưng tên an cư; (5) Thành an khác: Thân không ra ngoài giới và tâm không khởi vọng niệm; (6) Thất an khác: Thân ra ngoài giới, niệm khởi thì trái gốc; (7) Kỳ hạn khác: A la hán quả và Vô thượng Bồ đề.
Đến ngày an cư, phải đối trước Phật phát nguyện như thế này: Con Tỳ kheo, Tỳ kheo Ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tên là…, ở Bồ tát thừa, tu hạnh tịch diệt, cùng vào thực tướng trụ trì thanh tịnh, lấy Đại Viên giác làm chốn già lam, thân tâm an cư nơi bình đẳng tính trí, vì tự tính Niết bàn thì không lệ thuộc vào nơi chốn. Nay con kính xin, không y vào luật Thanh văn, mà chỉ y vào Như Lai và Đại Bồ tát ở khắp mười phương để an cư ba tháng. Vì tu đại nhân duyên diệu giác vô thượng của Bồ tát nên không lệ thuộc vào đồ chúng.
Thiện nam tử! Đó gọi là pháp thị hiện an cư của Bồ tát. Nếu số ngày trong ba kỳ ấy đã mãn hạn, thời tùy ý ra đi mà không trở ngại.
Thiện nam tử! Nếu chúng sinh tu hành ở đời mạt pháp kia, những người tu đạo Bồ tát ở trong ba kỳ ấy, bằng không phải hết thảy cảnh giới chỗ đã nghe kia thời trọn không chấp nhận.
Thiện nam tử! Nếu chúng sinh kia, tu Sa ma tha, trước lấy quán chí tĩnh, không khởi mọi niệm, khi tĩnh tới tột độ thời sinh ra giác. Tĩnh quán bước đầu như thế, trước từ một thân, rồi đến một thế giới; Giác cũng như thế.
Thiện nam tử! Nếu giác biến mãn một thế giới, trong một thế giới ấy, có một chúng sinh nào, khởi một niệm gì, cũng đều hay biết; Trăm ngàn thế giới, cũng lại như thế. Bằng không phải hết thảy cảnh giới đã được nghe kia, thời trọn không chấp nhận.
Thiện nam tử! Nếu chúng sinh tu Tam ma bát đề, trước nên quán nhớ tưởng mười phương Như Lai và hết thảy Bồ tát ở mười phương thế giới, y vào trình tự pháp môn mà lần lượt tu hành, kiên trì chính định, phát đại nguyện rộng lớn, tự huân thành chủng tử. Bằng không phải hết thảy cảnh giới chỗ đã nghe kia, thời trọn không chấp nhận.
Thiện nam tử! Nếu chúng sinh tu pháp Thiền na, trước hết phải tu môn quán sổ tức, trong tâm biết rõ được giới hạn và đầu mối của mỗi niệm sinh, trụ, dị, diệt, nó chu biến như thế trong bốn uy nghi, mà đều phân biệt được số của mỗi niệm rất rõ ràng, rồi cứ tăng tiến lần lần tới khi được biết cả một giọt nước mưa rơi ở trăm ngàn thế giới, cũng như tận mắt nhìn thấy mọi vật chỗ thọ dụng. Bằng không phải hết thảy cảnh giới đã được nghe kia, thời trọn không chấp nhận. Đó là phương tiện bước đầu của ba quán.
Nếu chư chúng sinh, siêng năng tinh tấn tu khắp cả ba quán, liền gọi là Như Lai xuất hiện ở đời. Nếu mọi chúng sinh độn căn ở thời mạt pháp, tâm muốn cầu đạo mà không được thành tựu đều bởi nghiệp chướng; Nên phải chuyên cần sám hối, thường khởi ra hy vọng, trước hết đoạn trừ ghét yêu, tật đố, siểm khúc, cầu cho tâm tiến lên. Ba thứ tịnh quán này, tùy ý tu một quán. Nếu quán này không thành, lại tu tập quán kia, tâm không hề buông bỏ, phải cầu chứng lần lượt.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Viên Giác thầy nên biết,
Hết thảy mọi chúng sinh,
Muốn cầu đạo vô thượng,
Trước nên kết ba kỳ,
Sám hối nghiệp vô thủy.
Trải qua 21 ngày,
Rồi sau chính tư duy,
Không đúng cảnh đã nghe,
Rốt ráo đều không nhận.
Sa ma tha chí tĩnh,
Tam ma chính nhớ trì,
Thiền na rõ sổ môn,
Gọi là tam tịnh quán.
Nếu hay siêng tu tập,
Gọi là Phật xuất thế.
Kẻ độn căn chưa thành,
Thường nên sinh tâm sám,
Hết thảy tội vô thủy,
Mọi chướng đều tiêu tan,
Cảnh Phật liền hiện tiền.